Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh

4: Buổi Sáng Ở Chái Nhà Xanh


trước sau

Trời đã sáng bảnh khi Anne tỉnh giấc và ngồi dậy trên giường, bối rối nhìn chằm chằm vào ô cửa sổ, nơi một luồng ánh sáng dịu ngọt đang rót qua, và bên ngoài, có gì đó như chiếc lông vũ trắng muốt phấp phới bay qua mảnh trời xanh.

Trong khoảnh khắc, con bé không thể nhớ được mình đang ở đâu. Đầu tiên một cảm giác rùng mình vui sướng chợt nhớ đến, tựa như vì điều gì đó rất dễ chịu; rồi nói tiếp là một ký ức khủng khiếp. Đây là Chái Nhà Xanh và người ra không muốn nó vì nó không phải con trai!

Nhưng giờ đang buổi sáng và, đúng vậy, có một cây anh đào nở rộ ngoài cửa sổ. Nó nhảy phắt khỏi giường và băng qua phòng. Con bé đẩy khung kính trước cửa sổ – khung kính kèn kẹt nhấc mình lên một cách khó nhọc, tựa hồ rất lâu rồi chẳng được mở ra, mà quả là thế thật; nó bị kẹt cứng nên chẳng cần phải có gì để chống giữ.

Anne quỳ xuống, chăm chú nhìn buổi sáng tháng Sáu, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Ôi, chẳng phải thật đẹp biết bao hay sao? Chẳng phải đây là một nơi thật đáng yêu sao? Cứ nghĩ đến chuyện con bé thật sự chẳng thể ở lại đây xem! Con bé tưởng tượng mình được ở lại nơi này. Ở đây có chỗ để phát huy trí tưởng tượng.

Một cây anh đào lớn mọc bên ngoài, gần đến nỗi cành xòa vào nhà, hoa dày đặc đến mức khó thấy được cái lá nào. Cả hai bên căn nhà là vườn cây ăn trái lớn, một bên trồng táo còn bên kia trồng đào, đều đang độ nở rộ, bãi cỏ trong vườn điểm xuyết những cây bồ công anh. Trong khu vườn bên dưới là những cây tử đinh hương nở hoa tím biếc, mùi hương ngọt ngào say lòng của chúng theo làn gió sớm trôi vào cửa sổ.

Dưới vườn, trảng cỏ ba lá xanh tươi trải dài đến thung lũng nơi có con suối róc rách và những hàng phong vươn cao khỏi đám dương xỉ, nấm mốc và những bụi cây rừng tươi tốt khác. Xa xa là một ngọn đồi xanh mướt những vân sam và linh sam; giữa đồi có một khoảng trống, thấp thoáng bức tường hồi có mái màu xám của căn nhà nhỏ con bé từng nhìn thấy từ bờ bên kia Hồ Nước Lấp Lánh.

Tạt về phía trái là những nông trại lớn, còn xa hơn nữa, qua khỏi những cánh đồng xanh thoai thoải, là ánh lam lấp lánh của biển.

Đôi mắt yêu cái đẹp của Anne nấn ná trên từng cảnh vât, tham lam ngốn ngấu tất cả. Trong đời mình, đứa trẻ tội nghiệp này đã nhìn thấy quá nhiều nơi chẳng đáng yêu chút nào; song nơi đây đáng yêu hơn bất cứ nơi nào nó từng mơ tới.

Con bé quỳ đó, không để ý đến bất cứ thứ gì ngoài vẻ đẹp quanh mình, cho đến khi giật mình bởi một bàn tay đặt lên vai. Bà Marilla đã vào tận trong phòng mà cô nhỏ mơ mộng vẫn không hề hay biết.

"Đến lúc thay quần áo rồi," bà nói cộc lốc.

Bà Marilla quả thật không biết phải nói sao với con bé, chính sự hoang mang đầy khó chịu đó đã làm cho lời bà có vẻ nhát gừng và đanh thép ngoài ý muốn.

Anne đứng dậy, thở một hơi dài.

"Ôi, nó không tuyệt vời sao?" con bé nói, phẩy tay chỉ toàn bộ cái thế giới tươi đẹp ngoài kia.

"Nó là một cái cây lớn," bà Marilla nói, "và hoa nở đẹp đấy, nhưng quả thì chẳng bao giờ ra hồn - nhỏ mà lại đầy sâu."

"Ồ, ý con không phải là mỗi cái cây đó; dĩ nhiên nó đáng yêu – đúng vậy, nó đáng yêu đến rạng rỡ – nở bung như trải cả lòng mình – nhưng ý con là tất cả mọi thứ, khu vườn, vườn cây ăn trái, con suối và khu rừng, toàn bộ thế giới rộng lớn thân thương này. Bác có cảm thấy mình bỗng yêu thế giới này biết bao trong một buổi sáng như thế này? Con có thể nghe thấy tiếng dòng suối cười vui trên suốt đường đi. Bác có bao giờ để ý rằng những con suối là tạo vật vui vẻ đến thế nào không? Chúng luôn luôn cười. Ngay cả trong mùa đông con vẫn nghe thấy chúng cười dưới lớp băng. Con rất mừng vì có một con suối gần Chái Nhà Xanh. Có lẽ bác sẽ nghĩ với con điều này cũng chẳng nghĩa lý gì vì đằng nào bác cũng không giữ con lại, nhưng có đấy. Kể cả khi chẳng thể thấy nó lần nữa thì con vẫn sẽ muốn nhớ mãi mãi rằng có một con suối gần Chái Nhà Xanh. Nếu không có con suối, con sẽ bị ám ảnh bởi cảm giác khó chịu rằng lẽ ra nó phải có ở đó. Sáng nay, con không còn ở trong tận cùng tuyệt vọng nữa. Con không thể nào thấy tuyệt vọng vào buổi sáng. Chằng phải thật tuyệt vời biết bao khi có những buổi sáng? Nhưng con thấy rất buồn. Con mới vừa tưởng tượng rằng rốt cuộc con đúng là người bác muốn và con sẽ ở lại đây mãi mãi, mãi mãi. Chừng nào giấc mơ còn thì chừng đó vẫn thật vô cùng dễ chịu. Nhưng điều tồi tệ nhất khi tưởng tượng ra chuyện này chuyện kia đó là rồi sẽ đến lúc ta phải ngừng tưởng tượng và lúc đó mới đau đớn làm sao.

"Tốt hơn hết, cháu nên thay đồ rồi xuống nhà và đừng có tưởng tượng nữa," bà Marilla nói ngay khi có thể chen lời được. "Bữa sáng đã sẵn sàng. Rửa mặt và chải tóc đi. Cứ để cửa sổ mở và xếp chăn gối xuống chân giường. Nhanh nhảu hết mức vào."

Anne rõ ràng có thể nhanh nhảu vì mục đích nào đó, con bé có mặt dưới nhà trong vòng mười phút, quần áo tề chỉnh, tóc chải gọn gàng và thắt thành bím, mặt mũi sạch sẽ và một nhận thức dễ chịu thấm đẫm tâm hồn nó rằng mình đã hoàn thành tất cả yêu cầu của Marilla. Tuy nhiên, thật ra nó đã quên gấp quần áo ngủ lại.

"Sáng nay con thật là đói," con bé thông báo khi sà vào chiếc ghế bà Marilla dành sẵn cho mình. "Thế giới có vẻ không còn hoang vu ảm đạm như tối qua. Con rất vui vì sáng nay trời nắng. Nhưng con cũng thích những sáng mưa. Mọi buổi sáng đều thú vị, các bác có nghĩ vậy không ạ? Bác không cần biết trong ngày sẽ có những chuyện gì, và có quá nhiều cái để tưởng tượng. Nhưng con mừng là hôm nay không mưa, vì trong những ngày nắng người ta dễ vui vẻ và chịu đựng nỗi khổ sở tốt hơn. Con cảm thấy mình phải chiu đựng rất nhiều thứ. Đọc về nỗi sầu khổ và tưởng tượng mình dũng cảm vượt qua nó đúng là rất tuyệt, nhưng khi ta đối mặt với nó thì lại không dễ chịu chút nào, phải không ạ?"

"Vì Chúa cháu giữ mồm giữ miệng chút đi," bà Marilla nói. "Đối với một bé gái thì cháu nói quá nhiều đấy."

Ngay sau đó Anne giữ mồm giữ miệng một cách ngoan ngoãn và triệt để đến mức sự im lặng dai dẳng của con bé khiến bà Marilla bắt đầu lo lắng, cứ như đang xảy ra chuyện gì đó bất thường. Ông Matthew cững giữ mồm giữ miệng – nhưng đây vốn là chuyện bình thường – cho nên bữa ăn rất lặng lẽ.

Càng lúc Anne càng trở nên lơ đãng, ăn như một cái máy, đôi mắt to thẫn thờ nhìn chằm chằm vào vùng trời ngoài khung cửa sổ. Điều này khiến bà Marilla lo lắng hơn bao giờ hết; bà có cảm giác khó chịu là thể xác con bé kỳ quặc này có thể đang ở bàn, nhưng tâm hồn đã lang thang về những miền mây bay khói tỏa xa xăm, phiêu đãng bằng đôi cánh tưởng tượng. Ai lại muốn một đứa trẻ như thế chứ?

Vậy mà Matthew vẫn muốn giữ nó, thật chẳng đâu vào đâu! Bà Marilla cảm thấy sáng nay ông muốn điều này một cách kiên quyết không kém gì hôm qua, và ông sẽ cứ mãi muốn thế. Đó là kiểu cách của Matthew – nảy ra một ý trong đầu là sẽ khư khư giữ lấy một cách dai dẳng thầm lặng đến ngạc nhiên – sự kiên trì một cách lặng lẽ còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn cả chục lần được nói ra miệng.

Khi bữa sáng kết thúc, Anne thoát khỏi cơn mơ màng và đề nghị rửa bát đĩa.

"Cháu rửa bát đĩa tốt chứ?" bà Marilla hỏi vẻ không mấy tin tưởng.

"Tốt ạ. Nhưng con giỏi trông trẻ hơn. Con có nhiều kinh nghiệm về chuyện đó lắm. Đáng tiếc là bác không có đứa trẻ nào để con trông."

"Hiện tại thì ta thấy mình chẳng muốn có thêm đứa trẻ nào để trông nom nữa. Xét theo mọi phương diện, mình cháu cũng đủ phiền rồi. Giờ ta còn chưa biết phải làm gì với cháu. Matthew là kẻ gàn hạng nhất."

"Con nghĩ bác ấy đáng yêu chứ," Anne nói với giọng trách móc. "Bác ấy rất biết cảm thông. Không hề để tâm con nói nhiều đến mức nào – còn có vẻ thích nữa. Lần đầu tiên con gặp, con đã cảm thấy ở bác ấy một tâm hồn đồng điệu rồi."

"Cả hai người đều kỳ cục như nhau, nếu ý cháu nói tâm hồn đồng điệu theo nghĩa đó," bà Marilla hít một hơi. "Được, cháu có thể rửa bát đĩa. Lấy nhiều nước nóng vào, và phải chắc là lau cho khô đấy. Sáng nay ta có đủ chuyện phải làm lắm rồi, vì chiều còn phải đánh xe xuống White Sands gặp bà Spencer. Cháu sẽ đi cùng, ta và bà ấy sẽ xem phải dàn xếp thế nào cho cháu. Sau khi rửa bát xong hãy lên lầu dọn giường đi."

Bà Marilla để mắt theo dõi cẩn thận, nhận thấy Anne rửa bát đĩa khá khéo. Con bé tỏ ra vụng về hơn trong việc dọn giường sau đó, vì chưa bao giờ được học nghệ thuật đánh vật với một cái chổi lông. Nhưng bằng cách nào đó nó cũng làm xong việc và xuống nhà dưới; rồi Marilla, để thoát khỏi con bé, liền bảo nó có thể ra ngoài chơi cho đến giờ cơm.

Anne chạy như bay ra cửa, mặt sáng bừng, mắt lấp lánh. Đến đúng ngưỡng cửa thì nó đột ngột quay về chỗ cũ và ngồi xuống bàn, mọi ánh sáng và tia nhìn lấp lánh tắt ngấm cứ như ai đó vừa xịt bình cứu hỏa lên con bé.

"Bây giờ lại chuyện gì nữa đây?" bà Marilla hỏi.

"Con không dám ra ngoài," Anne nói, với giọng của một kẻ tử vì đạo từ bỏ mọi niêm vui trần thế. "Nếu con không thể sống ở đây, vậy tình yêu của con dành cho Chái Nhà Xanh sẽ chẳng ích gì. Và nếu con ra ngoài đó làm quen với tất cả cây cỏ, hoa lá, vườn cây, dòng suối, con sẽ không thể không yêu chúng. Bây giờ đã đủ khó khăn lắm rồi, nên con sẽ không làm tình hình khó khăn thêm chút nào nữa. Con muốn ra ngoài lắm – mọi thứ dường như đang vẫy gọi ‘Anne, Anne, ra đây với chúng mình. Anne, Anne, chúng mình muốn có người chơi chung’ – nhưng tốt hơn là không làm thế. Chẳng ích gì khi đem lòng yêu những thứ chúng ta buộc phải chia lìa, đúng không ạ? Mà kiềm chế lòng mình để không yêu thì lại quá khó, phải không bác? Đó là lý do con rất vui mừng khi nghĩ mình sẽ được sống ở đây. Con nghĩ mình có quá nhiều thứ để yêu thương và không có gì cản trở con. Nhưng giấc mơ ngắn ngủi đó đã qua. Giờ con chấp nhận số phận rồi, nên con nghĩ con sẽ không ra ngoài đó vì sợ mình sẽ lại không cam chịu nữa. Tên của cây phong lữ bên bậu cửa sổ là gì hả bác?"

"Đó là phong lữ mùi táo."

"Ôi, ý con không phải loại tên như thế. Ý con là cái tên mà bác tự đặt cho nó. Bác đã đặt cho nó chưa? Hay con đặt nhé? Con có thể gọi nó là – xem nào – Bonny được đó, con có thể gọi nó là Bonny khi con còn ở đây không? Ôi, bác cho con gọi thế nhé!"

"Trời ạ, ta không quan tâm. Nhưng đặt tên cho mọt cây phong lữ có nghĩa lý quái gì?"

"Ồ, con thích mọi thứ đều có tên cho dù đó chỉ là những cây phong lữ. Như vậy chúng có vẻ người hơn. Sao bác biết liệu có làm một cây phong lữ tổn thương không nếu chỉ gọi nó là phong lữ và chỉ thế thôi? Con sẽ không thích nếu lúc nào cũng bị kêu là con bé này con bé kia. Được, con sẽ gọi nó là Bonny. Sáng nay con đã đặt tên cho cây anh đào ngoài cửa sổ phòng ngủ của con rồi. Con gọi nó là Nữ Hoàng Tuyết vì nó trắng quá. Tất nhiên không phải lúc nào nó cũng trổ bông, nhưng người ta có thể tưởng tượng nó như thế mà, đúng không?"

"Trong đời mình chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe thấy cái gì có thể sánh với con bé này," bà Marilla lẩm bẩm trên đường xuống hầm lấy khoai tây. "Con bé có vẻ thú vị thật, đúng như Matthew nói. Mình nhận thấy mình bắt đầu tò mò không biết nó sẽ nói gì tiếp theo. Con bé rồi cũng ếm bùa lên mình mất. Đã ếm lên Matthew rồi đó thôi. Ánh mắt anh ấy nhìn mình khi cố nói lên tất cả những gì anh ấy đã nói hay đã gợi ý bóng gió tối qua. Ước gì anh ấy giống những người khác, nghĩ gì thì cứ nói toạc ra. Người ta có thể trả lời vì tranh luận được. Nhưng phải làm gì với một người đàn ông chỉ biết nhìn thôi chứ?"

Lúc bà Marilla từ dưới hầm lên, Anne đã lại chìm vào mơ mộng, tay chống cằm và mắt dán lên trời. Bà để mặc con bé như thế cho đến lúc bữa ăn chiều được dọn lên bàn.

"Chiều nay em dùng ngựa và xe được chứ, Matthew?" bà Marilla hỏi.

Ông Matthew gật đầu và nhìn Anne tư lự. Bà Marllia chặn đứng cái nhìn và nói dứt khoát:

"Em sẽ đánh xe xuống White Sands dàn xếp chuyện này. Em sẽ dẫn theo Anne và có lẽ bà Spencer sẽ thu xếp để gửi con bé quay về Nova Scotia ngay. Em dọn trà cho anh ngay đây, và sẽ về nhà kịp lúc để vắt sữa bò."

Ông Matthew vẫn chẳng nói gì và bà Marilla cảm giác như mình đang hoài công phí sức. Chẳng có gì đáng bực mình hơn một người không chịu đáp lời – trừ khi đó là một phụ nữ.

Ông Matthew đóng ngựa vào xe đúng giờ, và bà Marilla cùng Anne lên đường. Ông Matthew mở cửa sân cho hai bác cháu, và khi họ từ từ đánh xe qua, ông nói có vẻ bâng quơ:

"Sáng nay Jerry Buote Nhỏ ở Creek đã tới đây, và anh bảo có lẽ hè này anh sẽ mướn cậu ấy."

Marilla chẳng nói chẳng rằng, nhưng bà quất con ngựa xui xẻo một roi mạnh đến mức con ngựa cái mập mạp, vốn không quen bị đối xử như thế, phẫn nộ lao xuống đường với vận tốc đáng báo động. Bà Marilla nhìn lại một lần khi cỗ xe độc mã lật bật tiến về phía trước và thấy ông Matthew đáng bực ấy đang tựa lưng vào cửa, nhìn theo họ với ánh mắt đăm chiêu.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây