Ba Ơi, Mình Đi Đâu

6: Chương 6


trước sau

Mỗi lần nghĩ đến Mathieu và Thomas, tôi lại thấy hai chú chim nhỏ bé lông xù. Không phải đại bàng, không phải công, mà là những chú chim tầm thường, những chú chim sẻ.

Từ chiếc áo khoác màu xanh lính thủy ngắn cũn của chúng thò ra những cặp chân gầy guộc như chân chim hoàng yến. Tôi cũng nhớ, khi chúng tôi tắm cho chúng, làn da trong suốt tím nhợt của chúng, làn da của những chú chim non trước lúc mọc lông, xương ức nhô lên của chúng, nửa người trên giơ xương sườn của chúng. Bộ não của chúng cũng như não chim.

Chúng chỉ còn thiếu đôi cánh.

Thật đáng tiếc.

Lẽ ra chúng đã có thể rời bỏ một thế giới không dành cho chúng.

Lẽ ra chúng đã rút lui nhanh hơn, bằng cách vỗ cánh.

Cho tới ngày hôm nay, tôi chưa từng nhắc tới hai cậu con trai của mình. Tại sao ư? Tôi xấu hổ? Tôi sợ người ta thương hại?

Mỗi thứ một ít. Nhưng trên hết tôi nghĩ sở dĩ như vậy là để né tránh câu hỏi kinh khủng: "Chúng đang làm gì?"

Đáng lẽ tôi có thể bịa ra...

"Thomas đang học ở Mỹ, Học viện Công nghệ Massachusetts. Nó đang theo học về máy gia tốc hạt. Nó rất hài lòng, mọi chuyện đều ổn, nó đã gặp một cô gái người Mỹ, con bé tên Marilyn, con bé vô cùng xinh đẹp, chắc Thomas sẽ định cư ở đó.

- Chuyện này không quá nặng nè với anh chứ, chuyện xa cách ấy?

- Châu Mỹ đâu phải nơi tận cùng thế giới. Vả lại, điều quan trọng là thằng bé được hạnh phúc. Chúng tôi vẫn thường nhận được tin của nó, nó gọi cho mẹ nó mỗi tuần. Trong khi Mathieu, hiện đang thực tập tại một công ty kiến trúc ở Sydney, lại chẳng thấy tin nữa..."

Đáng lẽ tôi cũng có thể nói thật.

"Anh thực sự muốn biết chúng đang làm gì sao? Mathieu không làm gì nữa cả, nó không còn nữa. Anh không biết thì không phải xin lỗi, cái chết của một đứa trẻ tật nguyền vẫn thường xảy ra mà không được để ý. Người ta nhắc đến cảm giác nhẹ gánh..."

"Thomas vẫn còn đó, nó vừa lê la khắp hành lang trong viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt vừa siết chặt một con búp bê cũ kĩ đã bị nhai nát, nó nói với bàn tay mình bằng cách kêu lên những tiếng kỳ quặc.

- Thế nhưng bây giờ nó đã lớn, nó mấy tuổi rồi nhỉ?

- Không, nó không lớn: già, có lẽ, nhưng không lớn. Nó sẽ không bao giờ lớn. Người ta chẳng bao giờ trở thành người lớn được khi người ta có rơm trong đầu."

Hồi còn nhỏ, tôi hay làm những hành động kỳ quặc để gây sự chú ý. Lên sáu tuổi, những ngày chợ phiên, tôi thường ăn cắp một con cá trích ở hàng cá, và trò ưa thích của tôi là đuổi theo các cô gái rồi cọ con cá của tôi vào bắp chân trần của họ.

Ở trường cấp hai, để ra vẻ lãng mạn và giống Byron, tôi thường thắt nơ bướm thay vì đeo cà vạt, và để ra vẻ bài thánh, tôi thường đặt tượng Đức Mẹ Đồng trinh trong nhà vệ sinh.

Mỗi lần vào một cửa hàng thử quần áo, chỉ cần người ta nói với tôi: "Bộ này rất đẹp, hôm qua tôi đã bán được cả tá" là đủ để tôi không mua nó. Tôi không muốn giống những người khác.

Về sau, khi tôi bắt đầu công tác tại đài truyền hình, khi người ta giao cho tôi thực hiện những đoạn quay ngắn, tôi luôn cố gắng, trong tâm trạng ít nhiều hạnh phúc, tìm ra một vị trí bất thường để đặt máy quay.

Tôi còn nhớ một giai thoại về họa sĩ Édouard Pignon, tôi từng làm phim tài liệu truyền hình về ông. Lúc ông đang vẽ những thân cây ô liu thì một đứa trẻ đi qua; sau khi ngắm bức tranh của ông, nó tuyên bố: "Cái bác vẽ ra nom chẳng giống cái gì cả." Pignon sung sướng nói với nó: "Cháu vừa tặng ta lời khen ngợi hay nhất, không có gì khó hơn việc làm ra một cái gì đó chẳng giống cái gì cả."

Các con tôi không giống ai. Tôi, vốn luôn muốn mình không làm như những người khác, hẳn tôi phải hài lòng.

Ở mỗi thời kỳ, tại mỗi thành phố, trong mỗi ngôi trường, luôn từng có và luôn sẽ có, nơi cuối lớp, thường là gần lò sưởi, một đứa học sinh với ánh mắt vô định. Mỗi lần nó đứng lên, mỗi lần nó mở miệng để trả lời một câu hỏi, người ta đều biết rằng mình sẽ bật cười. Lúc nào nó cũng trả lời huyên thuyên, vì nó không hiểu, vì nó sẽ không bao giờ hiểu. Thầy giáo, vốn đôi khi khoái những trò tàn ác, cố hỏi thêm, để mua vui cho cả lớp, tạo bầu không khí sôi nổi và khiến cả lớp trở nên tập trung.

Đứa trẻ với ánh mắt vô định, đứng giữa đám học sinh hung dữ, không muốn gây cười, nó không cố ý thế, mà ngược lại. Nó thích mình không gây cười, nó thích mình hiểu, nó nỗ lực, nhưng bất chấp những nỗ lực của nó, nó vẫn nói những điều ngốc nghếch, vì không ai hiểu nó.

Khi còn bé, tôi luôn là đứa đầu tiên bật cười trước điều đó, giờ đây, tôi rất cảm thông với đứa trẻ có ánh mắt vô định ấy. Tôi nghĩ đến các con tôi.

May thay, người ta thậm chí sẽ không thể cười nhạo chúng ở trường được. Chúng sẽ chẳng bao giờ đến trường.

Tôi không thích từ "tật nguyền"(1). Đó là một từ tiếng Anh, có nghĩa là "mũ cầm tay".

Tôi càng không thích từ "bất thường", nhất là khi nó bị gắn với "trẻ con".

Bình thường có nghĩa là gì nhỉ? Là như cần phải thế, như người ta lẽ ra phải thế, nghĩa là ở mức trung bình, tầm tầm. Tôi không thích những gì ở mức trung bình cho lắm, tôi thích những người không ở mức trung bình hơn, những người trên mức trung bình, và tại sao lại không phải là những người dưới mức trung bình chứ, nói tóm lại là không như tất cả mọi người. Tôi thích cách diễn đạt "không như những người khác" hơn. Bởi không phải lúc nào tôi cũng thích những người khác.

Không như những người khác, điều đó không nhất thiết ngụ ý là kém tốt hơn những người khác, mà ngụ ý là khác với những người khác.

Một chú chim không như những chú chim khác, đó là gì? Đó có thể là một chú chim mắc chứng chóng mặt mà cũng có thể là một chú chim có khả năng hót tất cả các bản xô nát viết cho sáo của Mozart mà không cần đến bản dàn bè.

Một con bò không như những con bò khác, đó có lẽ là một con bò biết gọi điện thoại.

Khi nhắc đến các con tôi, tôi nói chúng "không như những đứa trẻ khác". Điều này khiến không khí ngờ vực bao trùm.

Einstein, Mozart, Michel-Ange không như những người khác.

____________________________________________________________________

1 Nguyên bản tiếng Pháp "handicapé", xuất phát từ lối diến đạt tiếng Anh "cap in hand" nghĩ là "mũ cầm tay".

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây