Bạch Miên Hoa

6: Chương 6


trước sau

Sau trung thu, trời nổi gió mấy ngày liên tục, trời rất cao và không khí rất trong lành. Bông cuồn cuộn ùa về xưởng như sóng trào, thời kỳ thu mua bận rộn đã bắt đầu. Đồng thời với việc thu mua, sáu mươi chiếc máy tách hạt cũng đồng loạt hoạt động. Tiếng nổ vang trời của chiếc máy dầu 135 mã lực làm rung chuyển không gian trong xưởng. Công nhân nữ được phân làm hai ca, mỗi ca làm liên tục mười tiếng đồng hồ. Rất khó lòng gặp được Phương Bích Ngọc. Dưới tay của tổ trưởng tồ nghiệp vụ chỉ còn lại hơn ba mươi người, lại là những con người thừa thãi.

Suốt cả ngày tôi ngồi bên chiếc cân bàn, công cụ làm việc là một cây bút chì và một bàn tính. Bông được chất lên cân, ghi số lượng, sau đó bông được xổ ra, cân lại bao bì để trừ. Thường nhầm lẫn, thường cộng sai, thường bị kế toán trưởng và tổ trưởng tố cân đong phê bình. Tôi biết, nếu không nể mặt ông chú, tôi đã bị họ đẩy ra làm công việc vác sọt rồi.

Chỉ một ngày mà đã dồn được một đống bông to tướng cao khoảng mười mét, trắng toát. Từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ rằng, người ta có thể làm ra được nhiều bông đến như thế, có thể dồn được những núi bóng cao đến như vậy. Xem ra, tin đồn rằng chỉ riêng bông của huyện Cao Mật đã có thể cung cấp đủ nhu cầu của đất nước Triều Tiên không phải là chuyện nói phịa, những lời của Lý Chí Cao đều là thật cả.

Những ngày ấy, con đường dẫn đến xưởng gia công ùn ùn xe cộ, ngoài xe cơ giới ra còn đủ các loại xe, tình trạng ách tắc giao thông là thường xuyên. Từ sáng tinh mơ cho đến chạng vạng tối, tiếng xe, tiếng súc vật, tiếng người huyên náo, ầm ĩ. Phân trâu, phân ngựa, phân lừa bị dẫm văng tứ tung, nhòe nhoẹt. Ngồi suốt cả ngày, toàn thân tôi tê cứng, đầu óc choáng váng. Có một ngày, vì xếp nhầm thứ tự một tấm phiếu nhập bông mà tôi ăn một cái bạt tai, thực ra đó không phải là trách nhiệm của tôi mà là của tay nhân viên chuyển phiếu. Búa Sắt Tử không đánh tôi, nhưng lão lại đứng về phía người đánh tôi, bởi người ấy là chú ruột của lão. Người này thân hình cao lớn, cánh tay còn to hơn cả đùi tôi do vậy mà tôi không dám đánh trả. Tôi chạy về ký túc xá, trèo lên lán, nằm khóc. Phương Bích Ngọc đang ngủ để làm ca đêm nghe thấy tiếng khóc của tôi, từ bên kia bức vách, cô ấy hỏi vọng sang:

- Sao lại khóc?

- Chú của Búa SắtTử...đánh tôi...

- Sao lại đánh cậu?

- Lão ta cho rằng tôi cố ý làm nhầm lẫn thứ tự phiếu...

- Là do cậu nhầm à?

- Không phải tôi...

- Thế là lão ta đánh cậu à?

-...

- Cậu không đánh trả chứ?

- Tôi đánh không lại... Lão ta cao đến hai mét...

- Búa Sắt Tử không bảo vệ cậu à?

- Lão đứng về phía chú mình, nói tôi bị đánh là đáng...

Tôi nghe thấy cô ta ngồi dậy rồi nói:

- Đi đi xem thử thằng cha ấy là người như thế nào!

- Chị Bích Ngọc à, thôi đừng đi nữa.Lão ấy to khỏe lắm.

- Vớ vẩn! Đi mau, chờ tôi ở trước cổng!

Tôi tin rằng những ai đã chứng kiến trận quyết đấu siêu đẳng ấy thì suốt đời không thể quên được. Có thể xem đây là một cuộc đại náo thứ hai sau chuyện vợ chồng lão Sài nhảy giếng.

Tôi nghe thấy tiếng chân nhảy từ tầng ba xuống của Phương Bích Ngọc, nhất định đó là một động tác vô cùng tinh luyện đẹp mắt. Tôi vội vàng, run rẩy từ tầng ba bò xuống, chạy ra. Phương Bích Ngọc đang đứng đợi tôi ở cổng ký túc xá nam.

- Đi! - Cô ấy nắm tay tôi lôi đi.

- Chị Bích Ngọc à, bỏ qua đi... đằng nào cũng bị đánh rồi...., có đòi lại được đâu... - Tôi lắp bắp nói.

- Đồ khiếp nhược! - Cô ấy nói. - Chúng mình đến đây làm công, không phải đến đây để nhận sự khinh bỉ!

Tôi dẫn cô ấy đến chỗ tôi ngồi cân.

Búa Sắt Tử nheo mắt nhìn tôi, chửi:

- Đ. mẹ, mày làm ăn kiểu gì thế? Bỏ công việc chạy di đâu? Bao nhiêu là bông đang chờ mày, hay là mày làm việc như thế là đủ rồi?

- Tôi bị đánh... - Tôi uất ức khóc òa lên.

- Đáng đời cho mày! Bị đánh là do mày tự tìm đến, đánh thế là còn nhẹ đấy!

Phương Bích Ngọc lạnh lùng nhìn Búa Sắt Tử rồi hỏi tôi:

- Thằng nào đã đánh cậu?

Một gã lực lưỡng trông như một con gấu đang xốc một bao bông khoảng trăm ký từ trên cân lên vai đi về phía đống bông cao ngất. Đôi chân của gã không hề rung, lưng rất thẳng, đúng là một đại hán lưng hổ vai gấu.

- Chính là thằng cha ấy! - Tôi chỉ vào gã, nói. Phương Bích Ngọc chẳng nói chẳng rằng, khoanh tay đứng nhìn.

Gã đại hán trèo lên đỉnh đống bông. Bông lún xuống che đến đầu gối gã. Gã hất bao bông trên vai xuống, nắm lấy một đầu bao nhấc lên để cho bông trong bao xổ ra, kẹp lấy chiếc bao vào trong chỗ khuỷu tay, mặt ngẩng lên, từ từ bước xuống đống bông. Gương mặt hình vuông đầy góc cạnh như một khối sắt.

Phương Bích Ngọc chẳng nói chẳng rằng, khoanh tay đứng đợi. Khi gã đại hán bước xuống khỏi đống bông, nhanh như một tia chớp, cô ấy lao tới và giáng liền vào mặt gã hai cú tát như trời giáng, một cú bên phải, một cú bên trái. Hai tiếng chát chát vang lên và truyền đi rất xa. Những người có mặt tại hiện trường đều ngây người đứng nhìn.

Gã đại hán rống lên một tiếng quái dị, vất chiếc bao xuống đất, đưa hai tay ôm lấy mặt. Đây chính là ngón võ gia truyền tuyệt kỹ của nhà họ Phương - tuyệt chiêu "phản chính oa thiếp". Người bình thường chưa bao giờ thấy được những cao thủ võ lâm có khả năng ra đòn nhanh đến độ kinh hoàng như thế. Hai cú "oa thiếp" - "dán nồi" vừa nhanh vừa mạnh, hai bên má của gã đại hán đỏ lựng rồi sưng vù lên.

- Đi! - Phương Bích Ngọc ra lệnh cho tôi.

- Đàn bà thối! Đi được sao? Lão đây xưa nay chỉ biết đánh người mà chưa hề bị người đánh. Bữa nay đùa một trận xem sao!

Nói xong, gã vung quyền, nhe nanh múa vuốt xông tới.

Chỉ cần lắc người, thân hình Phương Bích Ngọc đã lách sang một bên. Cú đấm hung mãnh nặng ngàn cân của gã dại hán tung vào hư không. Không chờ cho gã kịp quay người lại, Phương Bích Ngọc đã tung người lên cao. Khi thân thể còn đang lơ lửng trong không gian, cô đã tung ra hai cú đá như điện xẹt, một cú nhằm ngay cằm, một cú nhằm vào bụng. Rú lên một tiếng thê thảm, gã đại hán ngã ngồi dưới đất, hai tay ôm lấy bụng, đầu gục xuống, và những tiếng kêu là lạ vang lên, hình như là gã đang khóc.

Tất cả công nhân ngắn hạn có mặt ở đó đều vỗ tay hoan hô rầm trời.

Tôn Hòa Đấu xách khẩu súng nát bươm chạy vọt tới, vừa kéo quy lát roàn roạt, vừa quát lớn:

- Không cho phép đấu võ, chỉ cho phép đấu văn!

Búa Sắt Tứ nạt những công nhân ngắn hạn dưới quyền lão:

- Reo hò cái gì? Xem cái con mẹ gì ở đây? Mau về chỗ làm việc đi!

Tôn Hòa Đấu ngơ ngác hỏi:

- Ai đánh ai? Sao không đánh nữa? Búa Sắt Tử, thế này là thế nào?

- Thế nào cái con mẹ mày! - Búa Sắt Tử chửi.

- Sao mày lại dám chửi người? - Tôn Hòa Đấu hỏi. - Mày chửi ai thế?

- Chửi mày! - Búa Sắt Tử đanh giọng.

- Mày dám chửi tao? Tôn Hòa Đấu nhúc nhích khẩu súng trên tay - Tao bắn bỏ cái mạng chuột nhắt của mày!

- Nào, thì bắn đi! - Búa Sắt Tử vỗ vỗ vào ngực - Có bản lĩnh thì cứ nhắm thẳng vào đây!

Tôn Hòa Đấu giơ súng lên:

- Mày tưởng tao không dám bắn à? Khi còn ở ngoài đảo Trân Bảo, tao đã bắn chết một thằng trong tổ, lẽ nào không dám lấy cái mạng lừa của mày hay sao?

- Tôn Hòa Đấu! Cậu định làm gì thế? - Xưởng trưởng cấp tốc lăn cái thân hình tròn như một chiếc vò đến, thở hào hển. - Cậu định hành hung giết người à?

- Tôi chỉ muốn dọa cái thằng chó chết ấy thôi - Tôn Hòa Đấu kéo quy loát roàn roạt - Súng chẳng có viên đạn nào đâu.

Xưởng trưởng nói:

- Không có đạn cũng không cho phép làm như vậy, mũi súng mà đâm vào người cũng có thể gây sát thương. Lại nữa, họng súng tại sao lại nhắm vào đồng chí cách mạng của mình?

Tôn Hòa Đấu ngượng ngùng vác khẩu súng lên vai, nói:

- Thằng này chỉ là một loại phản cách mạng, là phần tử 16 tháng 5!

- Xảy ra chuyện gì thế - Xưởng trưởng hỏi.

Búa Sắt Tứ chỉ vào tôi và Phương Bích Ngọc, nói:

- Hỏi hai đứa nó thì biết! Tự ý bỏ việc, đánh người vô cớ.

Xưởng trưởng nói:

- Có phải là hai người đã làm đủ rồi không? Làm đủ rồi thì hãy về đi. Ở đây chúng tôi cái gì cũng thiếu, có điều không hề thiếu người.

Phương Bích Ngọc nói:

- Về thì về, có lẽ nào rời khỏi cổng của các ông, chúng tôi sẽ chết đói sao?

Tôi lại thì thầm:

- Chỉ tại tôi không tốt...

Sau chuyện đánh nhau, Phương Bích Ngọc trở thành U một nhân vật được truyền tụng không ngớt. Người được trực tiếp chứng kiến cuộc đánh nhau kể lại cho người khác nghe, trong khi kể tất nhiên cũng thêm dầu tra mỡ vào cho thêm phần ly kỳ. Trong những câu chuyện của họ, Phương Bích Ngọc được miêu tả chẳng khác nào vị anh hùng hiệp nữ Thập Tam Muội.

Nói không ngoa rằng hai cú tát và hai cú đá ấy là những chiêu tuyệt kỹ, được thể hiện quá đẹp, quá siêu đẳng. Hai cú tát chính là chiêu thức "Phản chính oa thiếp", hai cú đá là chiêu "Uyên ương cước" hay còn gọi là "Nhị thích cước". Bố Phương Bích Ngọc đã từng dùng chiêu "Nhị thích cước" này đá gục một con chó hung dữ, còn Phương Bích Ngọc thì lại đá gục một gã đàn ông to khỏe và dũng mãnh.

Phương Bích Ngọc được tất cả mọi người kính nể, cho dù là lúc sắp hàng nhận cơm trong nhà ăn hay đánh răng rửa mặt ngoài giếng, ai ai cũng nhìn cô ấy bằng cặp mắt kính sợ. Cô không thể che giấu được bản sắc anh hùng của mình, mà thực ra cô ấy cũng chẳng nhất thiết phải che giấu. Cô ấy đã hoàn toàn khôi phục lại phong độ vốn có của mình như khi cùng ở trong đội phun thuốc trừ sâu với tôi. Cô ấy đã có thể ngẩng đầu ưỡn ngực với người, toàn thân cô như vừa được gắn rất nhiều chiếc lò xo có sức bật cực lớn.

Mấy ngày sau, hội nghị toàn xưởng được triệu tập, công nhân biên chế, công nhân hợp đồng đều tham gia. Hội nghị ngoài trời, địa điểm là dưới chiếc bóng đèn cao áp tại phân xưởng đóng bao bì. Phân xưởng này là một tòa nhà hai tầng, chiếc đèn cao áp được gắn trên mái nhà. Đây là chiếc đèn sáng nhất, cao nhất mà tôi thấy cho đến lúc ấy, ánh sáng chiếu rọi toàn xưởng, thậm chí còn lan ra đến tận ruộng đất của nông dân quanh xưởng. Ánh sáng màu xanh xanh chiếu lên mặt người khiến mặt người cũng có màu xanh xanh. Mấy trăm gương mặt xanh tụ tập bên nhau, sao mà giống một bầy quỷ sống!

Trước tiên là bí thư chi bộ đọc một bài xã luận trong "Nhân Dân nhật báo", nội dung là phê bình phái phản đối sự đầu hàng của anh em Lương Sơn Bạc trong "Thủy hử". Tiếp theo là những lời phát biểu của xưởng trưởng. Ông ta phê bình có người tiểu tiện đại tiện lung tung ở chỗ những đống bông, phê bình có người dùng bông lau máu. Ông ta nhận định rằng, chuyện này chẳng có liên quan gì đến nam công nhân, chỉ do nữ công nhân làm. Hầu hết nữ công nhân cúi đầu im lặng. Con gái của bí thư Đảng ủy Công xã Mạch Điện nói to:

- Không có liên quan gì đến phụ nữ chúng tôi cả. Chúng tôi có dụng cụ chuyên dùng để cứu khốn phò nguy!

Tất cả công nhân cười rộ lên.

- Phòng lũ tiêu úng! - Một nam công nhân nào đó hét lên.

Mạch Điện nói tiếp:

- Là do nữ công nhân từ nông thôn đến làm khiến chúng tôi phải mang tiếng xấu lây.

Phương Bích Ngọc đứng dậy, lạnh lùng nói:

- Chị nói như vậy liệu có chứng cứ gì không? Là ai trong số những nữ công nhân đến từ nông thôn này? Dừng có hòng chỉ cần thả một mẻ lưới mà bắt hết cá dưới sông.Lời nhận định của xưởng trưởng cũng chưa hoàn toàn chính xác. Nhiều nam công nhân bị sướt da chảy máu hoặc bị nhiệt nên chảy máu cam lại không hề dùng bông để lau sao?

Xưởng trưởng nổi giận đùng đùng:

- Phương Bích Ngọc! Tôi đang định nói về cô thì cô đã tự xuất đầu lộ diện. Cô dám đánh nông dân bán bông, phá hoại liên minh công nông, náo loạn trật tự trị an, trong mắt cô không còn có lãnh đạo nữa. Xưởng quyết định khai trừ cô! Ngày mai cô đi tìm kế toán mà thanh toán, cuộn chăn màn mà về nhà ăn cơm do bố mẹ cô nấu đi. Võ công của cô rất cao, nhưng chúng tôi đây không phải là Ngoạ Cương Trại!

Công nhân hợp đồng ngồi im thin thít chẳng dám thở mạnh, còn công nhân chính thức, mẹ kiếp, cũng chẳng dám đánh rắm. Mấy con thiêu thân đâm đầu vào bóng đèn cao áp, rơi lả tả. Cả đám người lại càng giống một bầy quỷ đang ngồi trong miếu.

Mấy mươi năm sau nghĩ lại, lúc ấy tôi cần phải đứng lên, vỗ ngực nói:

- Việc này không thể trách Phương Bích Ngọc, trách tôi, muốn khai trừ thì hãy khai trừ tôi mới đúng!

Nhưng tôi không hề làm thế, trên thực tế, tôi vĩnh viễn vẫn là một thằng đàn ông hèn nhát, vĩnh viễn vẫn là một kẻ tiểu nhân suy tính hơn thiệt.

Phương Bích Ngọc đứng dậy, rất bình tĩnh nói:

- Tôi có thể cuộn chăn xếp gối để rời khỏi nơi này, nhưng tôi phải nói rõ chuyện này. Xưởng trưởng không thể không phân biệt được trắng đen phải trái mà nói những lời phiến diện. Suy cho cùng chúng tôi cũng chỉ là nông dân, bám riết lấy mục tiêu đến đây để được làm công nhân ngắn hạn hòng kiếm ít tiền với hy vọng mua được mét vải may bộ quần áo mới. Tôi không có nhận thức cao, làm gì hiểu được cái gọi là liên minh công nông của các người. Tôi đánh con gấu đen kia chẳng qua cũng là một nữ nông dân đánh một nam nông dân, việc này quá bình thường đến nỗi công an chẳng thèm quan tâm nữa. Giữa đường gặp chuyện bất bình thì ai cũng có thể ra tay. Mã Thành Công cùng đến đây với tôi cậu ta bị làm nhục, người khác có thể khoanh tay đứng nhìn trò vui nhưng tôi thì không thể. Còn nữa, thưa xưởng trưởng, công nhân chính thức cũng không phải là do tổ tông truyền lại cho các người, con cái nhà cán bộ cũng không hề có bốn lỗ mũi! Xưởng gia công bông này là của Đảng Cộng sản, không phải là gia nghiệp tổ tông của các người. Tôi cầm giấy giới thiệu đến đây rồi, một câu nói của ông không đuổi được tôi đâu ông bảo tôi về, tôi không về; ông không đuổi tôi về có khi tôi lại tự về!

Lý Chí Cao đứng dậy, mặt trắng bệch, có thể là do bị kích động, cũng có thể là hồi hộp và sợ hãi nên giọng anh ta vừa nhỏ vừa run:

- Phương Bích Ngọc không thể đi... Cô ấy đánh quá đẹp, quá đúng! Đánh để tỏ rõ uy thế của công nhân hợp đồng. Công nhân hợp đồng ngắn hạn nào có phải là củ khoai trong nồi của các vị đâu muốn nặn thành hình gì thì thành hình nấy! Tôi nói xong rồi đấy!

Có ai đó gào lên một câu ngắn giống như trên sân khấu kịch:

- Phương Bích Ngọc không thể về!

Rất nhiều người đồng thanh họa theo:

- Phương Bích Ngọc không thể về!

Tôi cũng gào lên:

Phương Bích Ngọc không thể về!

Xưởng trưởng giận đến độ các thớ thịt trên mặt run run, hai tay đập vào mông thét lớn:

- Các người làm loạn rồi! Các người làm loạn rồi!

- Chúng tôi không làm nữa, coi thường chúng tôi quá, không coi chúng tôi là người nữa! - Ai đó lên tiếng kích động.

Bí thư chi bộ xem tình thế không xong, vội vàng đấu dịu:

- Phương Bích Ngọc là người chính trực nghĩa khí, không sợ kẻ địch khỏe hơn mình, dám đấu tranh và đã thắng lợi, dạy cho bọn kiêu dân một bài học nhớ đời để làm rõ uy phong của xưởng chúng ta, về cơ bản mà nói đây là chuyện tốt. Xưởng trưởng nói khai trừ cô là đùa vui, là dọa cô về sau đừng đánh nhau với đàn ông nữa vì sợ cô gặp họa thôi. Công nhân chính thức, công nhân hợp đồng hay con em cán bộ cũng đều là người cùng giai cấp từ năm châu bốn biển về đây vì mục tiêu Cách mạng cả thôi. Phải đoàn kết lại, không được chia rẽ; cần quang minh chính đại, không chấp nhận âm mưu quỷ kế. Cuộc hội nghị hôm nay kết thúc tại dây. Phương Bích Ngọc không nên suy nghĩ bậy bạ, cần phải tập trung làm việc, xưởng không bao giờ đãi bạc với cô. Giải tán!

Phương Bích Ngọc cúi người trước bí thư chi bộ, nói:

- Trời cao đất dày nhưng không cao không dày bằng tấm thịnh tình của ông. Xin cám ơn!

Chú tôi kể lại rằng, sau khi về đến văn phòng, bí thư đã giáo huấn xưởng trưởng một trận ra trò, nói suýt chút nữa thì ông đã gây ra đại loạn, lúc này mà xảy ra chuyện đình công thì chúng ta đều hỏng bét cả. Xưởng trưởng nói cô Phương Bích Ngọc này quả không phải là chiếc đèn cạn dầu.

Chú còn chửi tôi là đồ không ra hồn ra dáng gì cả, là chó đái không với tới tường, là mèo chết không leo được cây...

Hai ngày sau, Búa Sắt Tử nói với tôi:

- Mã Thành Công, không cần cậu ở đây nữa, đến phân xưởng tách hạt mà tìm chủ nhiệm Quách. Bắt đầu từ nay, ông ta sẽ quản lý cậu.

Chủ nhiệm Quách là một lão mặt rỗ, là công nhân chính thức. Lão biết hát kinh kịch, hát vở "Tô Tam khởi giải" rất hay, lại còn biết gõ thanh la, gõ trống. Chủ nhiệm Quách Mặt Rỗ nói với tôi:

- Cậu nhóc phụ trách việc khiêng sọt nhé!

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây