Biến Thành Bé Thỏ Lego

20: Chương 20


trước sau

Thuốc Tạ Mân giới thiệu không có nhiều tác dụng với Tùy Ngưỡng.

Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn ngủ, anh chăm chú nhìn bọc chăn hơi hơi gồ lên.

Thỏ LEGO màu hồng, một món đồ chơi lắp ghép dễ vỡ, nhỏ như hạt đậu dùng để kiểm tra công chúa thật, giả trong truyện cổ tích, biết nói chuyện nhưng không hít thở, nếu bao quanh nó bằng một tay, anh có thể dùng ngón tay để trao cho nó cái ôm không chuẩn mực lắm.

Tùy Ngưỡng bỗng có ảo giác thỏ con đang cọ chân vào bàn tay anh, làm da anh hơi ngứa.

Đêm nay anh vô cùng rối loạn.

Từ lúc Tạ Mân nói muốn về nhà, anh lại lên cơn ngang bướng, ban đầu còn giả vờ đâu vào đấy, ngồi trên xe bình tĩnh suy nghĩ không ít lý do để sau này đến nhà Tạ Mân với cậu ấy, thậm chí còn lướt qua lịch trình hai tuần tiếp theo trong đầu, tìm những công việc có thể đẩy lùi lại, những ngày có thể đến Dư Hải. Chẳng qua anh quá tham lam, biết rõ mình không thể không kiểm soát mức độ thế này rất nguy hiểm, nhưng vẫn muốn kéo dài thời gian ở bên Tạ Mân, yêu cầu Tạ Mân dẫn anh đi lấy thuốc.

Tùy Ngưỡng giơ tay, nhìn những ngón tay loáng thoáng trong bóng tối. Tay anh lơ lửng giữa không trung, khe khẽ run rẩy, anh xòe tay rồi nắm lại, thả xuống, đặt lên chăn.

Nhớ lại dáng vẻ lúc cầu xin Tạ Mân về khách sạn cùng mình, Tùy Ngưỡng thấy ít nhiều gì mình cũng là kẻ xấu xa dị hợm.

Nhưng anh cũng không biết lựa chọn thế nào là tôn trọng Tạ Mân nhất, làm sao mới có thể giữ thể diện cho cả hai.

“A.” Bọc chăn nhỏ đang ngủ bỗng cử động, rầm rì chửi một câu dưới lớp chăn.

Sau đó hình như thỏ con đã thức giấc, đá bay chăn: “Mơ kiểu quần gì vậy?”.

“Tức chết mất!” Hắn nói.

Tùy Ngưỡng hỏi hắn: “Mơ gì thế?”.

“Cậu thức à?” Thỏ con giật mình.

“Ừ,” Tùy Ngưỡng không kìm lòng vươn tay, kéo thỏ con lạnh lẽo lại gần mình, xoa mặt thỏ: “Mơ gì thế?”.

“Tôi mơ thấy cậu hỏi đại sư là có cách nào cho linh hồn tôi ngủ đến khi chịu được cơn đau của thân thể không,” Tạ Mân bực bội nhớ lại: “Đại sư nói phải chuyển tôi vào một vật chứa khác, cuối cùng cậu mua cho tôi một chậu hoa bé xíu, chôn tôi vào đó”.

“…” Tùy Ngưỡng không bình luận gì.

Dường như Tạ Mân vẫn chưa hết giận, nói: “Cậu có ý gì hả? Sao lại chôn tôi?”

“Cậu chủ ơi,” Tùy Ngưỡng bật cười, hỏi hắn: “Cậu mơ mà cũng trách tôi à?”.

Tạ Mân không đáp lại, Tùy Ngưỡng bèn chọc hắn, hỏi: “Chôn xong thì cậu làm sao, nảy mầm chưa?”.

“Phắn,” Tạ Mân nói: “Lúc cậu bắt đầu chôn là tôi tức quá dậy rồi”.

“Xin lỗi,” Tùy Ngưỡng chủ động xin lỗi: “Tôi không nên chôn cậu”.

Nhưng Tạ Mân khó hầu lắm, không chịu trò này của Tùy Ngưỡng, hắn cảnh cáo Tùy Ngưỡng đừng làm gì kỳ quặc, sau đó trở mình ngủ tiếp.

Sau khi về khách sạn với Tùy Ngưỡng, có một chốc Tạ Mân vô cùng im lặng, sau đó bắt đầu đổi chủ đề, còn giục Tùy Ngưỡng uống thuốc lấy ở nhà mình. Tùy Ngưỡng nghĩ hắn đã nhận ra mình khác thường, muốn xoa dịu bầu không khí.

Dù gì Tạ Mân cũng là người mạnh miệng mềm lòng, không giỏi thay đổi vì tình hình của Tùy Ngưỡng, bây giờ hay trước đây đều vậy.

Tùy Ngưỡng vẫn mất ngủ, anh nhớ lại khoảng thời gian vẫn được ở bên Tạ Mân.

Quá khứ của Tùy Ngưỡng có tốt, có xấu, anh từng có cuộc sống mà rất nhiều người ao ước. Cha mẹ tình cảm, gia đình hòa thuận, sống trong căn biệt thự khí phách nhất trong thành phố, khách khứa đến nhà luôn có thái độ lấy lòng rõ ràng hoặc ám chỉ với anh.

Bố anh nghiện cờ bạc vào khoảng đầu năm Tùy Ngưỡng học lớp mười.

Ông thường xuyên ra nước ngoài rồi về nước, ban đầu có thắng, nhưng sau này chỉ toàn thua, ông bắt đầu tâm trạng thất thường, rất ít về nhà.

Có lúc Tùy Ngưỡng xuống nhà sẽ thấy mẹ anh gọi điện cho bố, bố không nghe máy, bà đành bất lực khóc, bà ngoại thì ngồi cạnh ôm vai bà, nhỏ giọng an ủi.

Năm lớp mười gần kết thúc, bố anh nợ nần chồng chất, khó duy trì tiền đầu tư dự án, dòng tiền của tập đoàn có vấn đề, lúc này ông mới chịu về nhà.

Tùy Ngưỡng nghe ông gọi cho ngân hàng hết cuộc này đến cuộc khác, giọng nói khúm núm nhún nhường. Mẹ vừa hỏi, ông đã cao giọng trách mắng, nói “đàn bà thì biết cái gì?”, bảo bà im lặng. Mà khi Tùy Ngưỡng đứng trước mặt ông, ông lại lập tức giục Tùy Ngưỡng lên gác học, đừng nhúng tay vào chuyện gia đình. Tài sản trong nhà gần như đã bị bố anh bán hết, song vẫn không đủ đắp vào thiếu hụt.

Kỳ nghỉ hè năm lớp mười, bố anh trở nên sa sút, hay ngồi ngẩn người, thỉnh thoảng lại có người bất chợt đến xem nhà họ, còn đứng trước cửa phòng Tùy Ngưỡng ngó vào.

Sau mấy tháng nợ lương, vào đêm trước ngày Tùy Ngưỡng khai giảng, bố anh mất tích hơn hai mươi tiếng.

Hôm đó có bão, Tùy Ngưỡng ngồi dưới phòng khách với mẹ đợi ông về, chùm đèn thủy tinh treo trên trần nhà cao ngất, chiếu sáng cả phòng khách rộng lớn.

Không gian ngoài cửa sổ đen kịt, tiếng mưa và gió lớn như ở ngay bên tai. Hai giờ sáng, họ nhận được điện thoại của công an.

Mẹ anh không giỏi lái xe, nhưng nhà họ đã không còn người lái xe nữa rồi. Tùy Ngưỡng nhìn mẹ khóc, chân ga chân phanh lái đến trụ sở công an, cần gạt nước liên tục quẹt văng nước mưa trên cửa kính, anh bỗng nghĩ mình nên học lái xe, vậy thì sau này mẹ sẽ không cần ngồi ghế lái nữa.

Anh trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ.

Nhận thi thể, mẹ anh gần như đã khóc đến choáng váng, nên không vào trong. Tùy Ngưỡng vào phòng chứa thi thể theo một cảnh sát trẻ, nhìn thấy thi thể của bố mình. Tùy Ngưỡng rất khó nhớ lại tâm trạng của mình khi ấy, anh chỉ biết mình đã bình tĩnh xác nhận thân phận, ký tên, nhớ rõ từng thủ tục nhận thi thể bố mình. Dường như từ mấy tháng trước, cảm xúc đã bị rút dần ra khỏi cơ thể anh một cách bài bản, chỉ còn lại là lý trí và trách nhiệm.

Ngày hỏa táng bố anh, hiệu trưởng gọi cho Tùy Ngưỡng, nói ban giám đốc trường đã thảo luận và quyết định miễn học phí cho Tùy Ngưỡng, anh có thể học đến khi ra trường.

Khi đó, đại diện công nhân của một công trường đang ở nhà Tùy Ngưỡng, còn Tùy Ngưỡng thì bảo mẹ mình lên tầng. Anh không gọi được cho luật sư, chỉ có thể liên tục bảo đảm với đối phương là chắc chắn sẽ trả tiền. Nói chuyện với hiệu trưởng xong, Tùy Ngưỡng ký tên vào mấy loại giấy tờ lộn xộn không biết có hiệu lực pháp lý không mà đối phương mang đến.

Khi đó, ngày nào Tùy Ngưỡng cũng quay cuồng giữa những khoản nợ và vụ kiện bố mình để lại, Tạ Mân như một hằng số xuất hiện trong cuộc đời tràn đầy biến số của anh, như miền đất hứa cho anh nơi chạy trốn ngắn ngủi. Cũng nhờ Tạ Mân mà thế giới của anh thay đổi.

Một tuần sau khi bố qua đời, Tùy Ngưỡng trở lại trường học.

Trong nhà có quá nhiều chuyện anh phải nghĩ, phải làm, anh cũng đã bình tĩnh dự đoán trước tình hình sau khi trở lại trường học, bởi vậy nên khi bạn bè thay đổi thái độ với anh, anh không để bụng nhiều.

Tiết thí nghiệm Vật lý, giáo viên yêu cầu ghép nhóm học tập, Tùy Ngưỡng cũng không lúng túng, ngồi cuối lớp đọc tài liệu.

Học sinh tiểu học không biết tên từng cãi nhau với anh bỗng chạy đến đòi ghép nhóm, Tùy Ngưỡng hơi ngạc nhiên.

Tạ Mân ký tên lên màn hình, trông cực kỳ chính nghĩa, làm Tùy Ngưỡng nghĩ đến một chú cún con lúc thì hung dữ, lúc thì ngoan ngoãn.

Hôm đó cũng là ngày đầu tiên Tùy Ngưỡng chuyển đến khu dân cư Bảo Tây cùng mẹ và bà ngoại.

Biệt thự đã bị niêm phong, căn nhà ở Bảo Tây là tín vật định tình mà bố đã mua tặng mẹ khi hai người còn chưa lấy nhau, căn nhà đứng tên bà ngoại, tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Tùy Ngưỡng chưa từng đến đây, cũng chưa từng ngủ trên chiếc giường vừa nhỏ vừa cứng như vậy. Anh ngủ không sâu giấc, nửa tỉnh nửa mê, bỗng dưng nhớ đến vẻ mặt trẻ con của học sinh tiểu học chính nghĩa nào đó khi chạy đến cãi nhau với anh, mắng anh bắt nạt con gái, Tùy Ngưỡng bỗng thấy tâm trạng nhẹ nhõm hẳn.

Tạ Mân nhét điện thoại mới cho Tùy Ngưỡng, như thể đây là chuyện xấu hổ nhất trên đời vậy, nếu Tùy Ngưỡng không nhận, hắn định trộm điện thoại của Tùy Ngưỡng thật.

Hắn mua đồng phục cho Tùy Ngưỡng còn mang theo cả vali, nhét đồng phục vào trong, kéo xềnh xệch vào thư viện, giống người mới đi từ thiện lần đầu, vụng về nhưng thân thiện.

Lần đầu tiên Tùy Ngưỡng nhận ra cảm xúc mình dành cho Tạ Mân thay đổi, hẳn là vào ngày Tạ Mân tức giận ấy.

Họ gặp nhau ở trường, Tạ Mân chào anh, nhưng thấy xung quanh hắn có mấy người khác, Tùy Ngưỡng lại không muốn bạn bè của Tạ Mân biết họ qua lại với nhau rất nhiều, nên đáp lại hắn có đôi phần lạnh lùng. Tạ Mân nóng tính lắm, xụ mặt ngay, hậm hực quay đầu bỏ đi.

Tùy Ngưỡng định đến tối hai người họ cùng học ở thư viện sẽ giải thích với Tạ Mân, nhưng mãi Tạ Mân vẫn không đến.

Hơn bảy giờ tối, Tùy Ngưỡng nhận ra mình vẫn luôn thất thần, không học được gì bèn quyết định về nhà. Vừa ra khỏi phòng đọc, anh đã thấy Tạ Mân ướt như chuột lột.

Tạ Mân dầm mưa trông hơi buồn cười. Tóc tai dính hết vào mặt, rõ ràng phải đáng thương lắm mới phải, nhưng khắp mặt hắn lại là dòng chữ “Ông đây sắp tức chết rồi”. Hắn tức tối nhìn Tùy Ngưỡng, tràn trề sức sống lại không chút đề phòng, chỉ cần Tùy Ngưỡng vươn tay ra là có thể dẫn hắn đi, có được hắn.

Thật ra Tùy Ngưỡng cũng biết, một người không thể hoàn toàn sở hữu một người khác, cả máu mủ ruột rà cũng vậy.

Nhưng Tạ Mân lại cho Tùy Ngưỡng cảm giác an toàn, Tạ Mân đơn giản, dễ hiểu, Tùy Ngưỡng trêu hắn, hắn sẽ tức đến giậm chân, tốt với hắn một chút thì hắn sẽ vô cùng đắc chí.

Khi có Tạ Mân ở bên, Tùy Ngưỡng cảm thấy cõi lòng mình như được những phản ứng mãnh liệt của Tạ Mân chất đầy, như có lại được niềm vui, được ông Trời cho phép được trở lại là chính mình trong những khoảnh khắc nào đó, nhẹ bớt gánh nặng, tạm thời chỉ còn là một học sinh cấp ba bình thường.

Trên đường về nhà hôm ấy, suy nghĩ của Tùy Ngưỡng vừa mâu thuẫn, vừa không hợp lý, anh nghĩ sao mà học sinh tiểu học họ Tạ kia làm gì cũng đáng yêu như thế, cũng nghĩ sau này anh sẽ không khiến Tạ Mân không vui nữa.

Dù anh vẫn chưa thể làm được.

Mười chín tuổi đến hai chín tuổi, mười năm qua đi, Tùy Ngưỡng vẫn làm Tạ Mân tức giận.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây