Bởi Vì Ta Thuộc Về Nhau

25: Chương 25


trước sau

Hạnh bần thần đứng nhìn nải chuối vàng ươm đặt trên một chiếc bàn bằng tre trong quán nhỏ bên đường. Cô nuốt nước bọt, ánh mắt thèm thuồng đang ẩn hiện sự đấu tranh quyết liệt. Túi đã không còn một đồng, bụng đói cồn cào đòi ăn trong khi lương tâm cô không cho phép cô được ăn trộm. Đã năm ngày từ khi cô bỏ bệnh viện, không nói một lời hay để lại một dòng nhắn gửi cho Việt. Cô biết rằng rồi Việt sẽ đi tìm cô, rồi Việt sẽ xuống tận nhà cô ở Hải Phòng. Với một người như Việt, anh sẽ không bao giờ bỏ mặc mẹ cô khi mẹ cô cần anh. Đành vậy, dù muốn dù không thì cô cũng chỉ còn anh là cứu cánh cuối cùng chăm sóc cho mẹ mình, thay cho đứa con gái bất hiếu và bất hạnh. Hạnh cũng không nhớ rõ làm thế nào mà cô có thể đến được đây? Chỉ biết là khi cô bỏ chạy khỏi viện, cứ thẫn thờ, lang thang bước vô định trên đường như người mộng du. Và khi qua một bến xe Bus, dòng người ào ào chen chúc nhau trèo lên xe Bus đã cuốn theo cô lên đó. Hạnh không biết chiếc xe Bus sẽ đi về đâu? Mãi đến khi người bán vé nhắc nhở mấy lần, cô mới choàng tỉnh và biết là mình đang ở bến cuối cùng, bến xe phía nam. Cô không biết rồi mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì? Nhưng điều duy nhất mà cô có thể biết là mình không thể ở lại Hà Nội được nữa, thành phố quá bé nhỏ, và rồi ngày nào đó cô sẽ gặp lại Việt, hoặc Phan hay Thảo, rồi cô biết nói gì với họ đây? Hạnh mặc kệ đôi bàn chân cứ bước lang thang không chủ đích, đưa cô tới đâu thì tới, cứ như một người say bơ vơ lưu lạc trong đêm tối mịt mùng. Không có đường đi, không biết phương hướng, chỉ có đôi chân là cứ bước mãi không thôi. Cô bước lên chiếc xe đầu tiên cô gặp, cũng không biết nó sẽ đi về đâu? Mặc kệ, với cô thì bây giờ đi về đâu cũng vậy mà thôi.

Chuyến xe đưa Hạnh đến thị xã biển khi chiều đã tắt nắng và đêm đang dần buông xuống. Thật tình cờ khi chuyến xe vô tình mà cô bước lên đưa cô tới thị xã Cửa Lò, nơi đã từng có lần Phan kể cho cô nghe về mùa đông ở biển. Thị xã ven biển nhỏ xíu chỉ hào nhoáng, sầm uất ở hai bên con đường Bình Minh chạy men theo bờ biển. Còn phía bên trong, những ngôi nhà cấp bốn tồi tàn nằm lẩn khuất sau những rặng Phi Lao trên những con đường đầy cát cho cô thấy một thị xã ven biển buồn tẻ, nghèo nàn nhưng tuyệt đẹp. Bốn hôm ở vùng đất du lịch tuyệt đẹp này, dù rất tiết kiệm nhưng số tiền mang theo cũng hết sạch. Và cô không biết phải làm thế nào, đã nguyên một ngày không có gì vào bụng. Chiều nay, khi một người khách du lịch thấy cô một mình lang thang trong công viên, hắn tưởng cô là một cô gái "ăn sương" và buông lời khiếm nhã. Hạnh ghê tởm nhìn gã thanh niên trông cũng lịch sự đẹp trai rồi bỏ chạy vào con hẻm nằm sau khách sạn Hoa Đồng Tiền. Và giờ cô đang đứng đây, trước một quán cóc nhỏ sơ sài chỉ có dăm gói bánh kẹo, vài gói thuốc và một nải chuối vàng ươm.

Hạnh nuốt nước bọt một lần nữa rồi quay mặt đi với thái độ hết sức dứt khoát. Thà rằng cô chết đói, chứ không đời nào cô làm một đứa kẻ cắp. Hạnh vừa dợn chân bỏ đi thì có tiếng ai đó gọi phía sau làm cô dừng bước. Hạnh quay lại, một bà lão với gương mặt già nua đầy nếp nhăn vừa xuất hiện và nhìn cô với ánh mắt hết sức hiền từ. Ánh mắt làm cô chạnh lòng nhớ tới mẹ mình, bà lão cất tiếng, nhẹ nhàng và khoan thai:

- Đáng lẽ ra cháu có thể lấy nải chuối đó rồi bỏ đi mà không ai có thể đuổi kịp, tại sao cháu lại không làm vậy? Nhìn ánh mắt của cháu kìa, nó cho bà thấy là cháu đang hết sức đói rồi đấy.

- Cháu xin lỗi - Hạnh bối rối, không phải là vì cô không hiểu bà lão đang nói gì. Quãng thời gian thân thiết với Phan và Thảo giúp cô không gặp quá nhiều khó khăn với giọng nói Miền Trung dễ thương nhưng hết sức khó nghe này. Hạnh cúi gằm mặt xuống đất, dù chưa lấy trộm cái gì, nhưng dù sao cô cũng đã có ý nghĩ xấu xa đó - Nhưng cháu không thể làm thế, cháu không phải là một tên trộm.

- Bà cũng đoán cháu không phải là một kẻ hư hỏng, nhất là khi nhìn vào đôi mắt của cháu, vào đây nào, vào đây và ngồi xuống. Cháu thích gì thì cứ lấy mà ăn, bà đoán cháu là một khách du lịch bị lỡ độ đường, tội nghiệp, bà thấy cháu là người rất tử tế.

- Cảm ơn bà, nhưng thú thực là cháu không có tiền, cháu không có gì để trả cho bà cả.

- Đừng lo - Bà lão bật cười, nụ cười phúc hậu và ánh mắt vui vẻ - Bà cũng đoán được điều đó mà, coi như bà cho cháu nợ, cháu quả là người rất tử tế, đôi khi người tử tế cũng cần nhận được sự đền đáp xứng đáng, phải không? Coi như bà thưởng cho cháu vì đã giữ được lòng tự trọng và sự chân chính của mình.

- Nhưng cháu...

- Nào, ngồi xuống đây - Bà lão thân tình kéo tay Hạnh ngồi xuống - Cứ ăn những gì cháu thích, và đợi bà ở đấy, chỉ một chút thôi.

Không đợi Hạnh phản đối, bà lão lại tất tả bỏ vào trong nhà, một lúc sau, bà lão trở lại với một tô cơm to, và dúi nó vào tay cô.

- Ăn đi con, đừng khách sáo, bà rất quý những người có lòng tự trọng như con. Đừng có ngại gì hết, bác cũng chỉ có thể giúp được con đến thế thôi.

- Con cảm ơn bà - Hạnh cầm lấy tô cơm, nước mắt cô ứa ra, thế giới vẫn còn thật nhiều người tốt và cô nếu cô từ chối lòng tốt của bà lão này, thì chẳng phải là cô thật có lỗi hay sao? - con cảm ơn bà.

- Ơn huệ gì? Nếu con có thể, thì nói cho bà biết vì sao con lại ra nông nỗi này được không? Có phải con bị kẻ trộm lấy hết tiền không? - Bà nén tiếng thở dài, nhìn Hạnh với ánh mắt hối lỗi như thể chính mình đã lấy trộm tiền của cô - Thị xã này từ khi chuyển sang làm du lịch đâm ra có nhiều kẻ gian lắm. Thật buồn!

Hạnh bật khóc, như một đứa trẻ bị oan ức cố nín nhịn và rồi vỡ oà trong lòng mẹ. Không biết vì sao, có lẽ bởi ánh mắt quan tâm thông cảm hiền từ của bà cụ, khiến cho cô có cảm giác như ngày xưa được vùi đầu vào lòng mẹ, mà trút hết tâm sự. Hạnh dốc lòng kể hết, từ những chuyện của cô với Hoàng Việt, rồi với Thái Việt và những gì Thùy đã làm với cô. Tất cả cứ như một cuốn phim quay chậm từ từ chạy qua trước mắt cô, xiết vào lòng cô rướm máu. Bà lão im lặng, thở dài thông cảm, để mặc cho Hạnh với những tâm sự của mình. Mãi sau, bà bóc một quả chuối, đỡ lấy bát cơm trong tay Hạnh rồi đưa quả chuối cho cô, bàn tay bà vuốt nhẹ lên tóc cô, âu yếm.

- Ăn đi con. Con thật là bất hạnh và đáng thương, vậy là con không còn chỗ nào để đi về nữa - Bà lão lại thở dài - Bà có một đề nghị, bà chỉ có một mình, nếu con không chê, thôi thì cứ ở lại đây với bà, con đừng ngại, chúng ta nương tựa vào nhau mà sống.

- Nhưng thưa bác...

- Đừng ngại, đằng nào thì bác cũng có mỗi một mình, chẳng biết khi nào sẽ nhắm mắt xuôi tay, cuối đời có một người bên cạnh cũng đỡ lẻ loi, hiu quạnh. Đừng ngại...

- Vậy còn...

Hạnh định hỏi thăm về những người thân của bà lão nhưng rồi cô dừng lại được. Cô nghĩ, có thể bà lão sẽ không muốn nhắc tới những điều đó. Nhưng dường như bà đọc được ý nghĩ của cô, bà thở dài, đôi mắt nhìn xa xăm ra phía biển:

- Họ đã chểt cả, mất xác trên biển, cả chồng, cả hai đứa con của bà, sống dựa vào biển, và cũng vùi xác ở biển. Ở đây có nhiều gia đình như vậy lắm. Bà sống một mình cũng lâu rồi, bà không phải dân gốc vùng này, quê bà ở một vùng núi cách đây không xa lắm... Bà và ông ấy gặp nhau khi chúng ta đi thanh niên xung phong. Bom đạn không giết nổi ông ấy, chỉ có Biển là làm được điều đó. Bà sống một mình cũng buồn, vì vậy muốn con ở cùng cho vui cửa vui nhà. Đừng từ chối. Coi như con tội nghiệp cho một bà lão sắp quá cố, con nhé.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây