Sáng sớm mùng hai Ân Tu Trúc nhờ Tứ Bảo đưa cho Nữu Nữu một cuốn sách tranh nhỏ nói là trong lúc vô tình hắn tìm được nên đưa cho nàng xem đỡ buồn.
Nữu Nữu yêu thích cuốn sách này cực kỳ, chờ mắt cá chân của nàng đỡ sưng và có thể xuống giường thì nàng đã nhớ rành mạch từng đóa hoa và người trong trang sách. Nữu Nữu trải qua ngày tháng thích ý, mấy thằng anh mới cưới vợ của nàng lại càng có ngày tháng ngọt ngào.
Mấy đôi vợ chồng trẻ ban ngày thì liếc mắt một cái đã thẹn đỏ mặt, tới đêm thì càng triền miên tình chàng ý thiếp. Chờ tới mùng bảy hôm nay thì chỉ kém 5 ngày nữa là tròn một tháng từ ngày thành thân.
Lúc này bọn họ sắp phải chia lìa một thời gian để Đại Bảo và Nhị Bảo lên trấn trên. Đào Tam gia nói: “Nhị Bảo còn chưa xuất sư, chờ xuất sư rồi con về Đào gia thôn đi.
Lang trung của Phùng gia thôn đã lớn tuổi, căn bản không ra ngoài khám bệnh.
Con về đây khám bệnh cho thôn dân quanh đây là cũng đủ kiếm tiền nuôi gia đình rồi.” Nhị Bảo nghĩ giống hệt ông nội mình vì thế hắn nhanh chóng lên tiếng đồng ý. Đào Tam gia lại nói với Đại Bảo: “Chỗ Đại Bảo thì phiền toái hơn, hiện giờ Phan chưởng quầy là cha vợ con rồi, chuyện của tiệm cơm con cũng phải quan tâm nhiều hơn, giúp ông ấy chia sẻ gánh nặng.
Nhưng như thế thì vợ chồng hai đứa sẽ phải xa cách nhiều, haizzz!” Đại Bảo ngước mắt nhìn Phan thị thấy mắt nàng đỏ lên.
Một bên là cha, một bên là chồng, những lời mẹ nàng nói trước khi gả nàng đều hiểu rõ.
Nhưng việc nàng lên trấn trên ở với chồng lâu dài chỉ có thể do người nhà họ Đào nói ra, người làm con dâu như nàng không thể chủ động đề nghị! Nhưng lúc này hai vợ chồng họ sẽ phải xa cách liên tục, chỉ nghĩ tới đó nàng đã chua xót rơi lệ. Đào Tam gia nhìn nhìn Đại Bảo và Phan thị và nói: “Con cưỡi ngựa trong nhà lên trấn trên cho nhanh, đi lại sẽ tiện hơn!”
Đại Bảo không đồng ý: “Ông nội, ngựa vẫn để trong nhà thì tốt hơn, ngày thường mọi người ra ngoài cũng cần ngựa!” Đào Tam gia xua tay nói: “Nhà ta còn có lừa, ta sẽ để Tam Bảo gỡ cái xe xuống rồi tròng lên lưng con lừa cũng được!” Nói xong Đào Tam gia lại nói với Lý thị: “Chuẩn bị chút thịt khô và rau quả để Đại Bảo và Nhị Bảo mang cho nhà thông gia! Nông dân chúng ta không có gì tốt, nhưng hẳn bọn họ cũng sẽ không ghét bỏ!” Lý thị nói: “Đã chuẩn bị xong rồi!” Đào Tam gia rất vừa lòng: “Buổi tối làm chút đồ ăn ngon và gọi cả Tu Trúc qua để chúng ta cùng uống một chén kết thúc kỳ nghỉ tết!” Tứ Bảo nhảy ra reo lên: “Ông nội, để cháu đi gọi Ân ca ca!” Buổi tối đó ngoài Đại Bảo và Nhị Bảo thì mọi người khác đều uống vui vẻ.
Ân Tu Trúc hơi lâng lâng, lúc ra cửa gặp gió lạnh thổi nên tỉnh không ít.
Nữu Nữu cầm một cái đèn đuổi theo đưa cho hắn và nói: “Trời tối huynh đi cẩn thận!” sau đó nàng lại nhảy nhót chạy vào sân. Lý thị ở trong bếp đun nước ấm, mấy cô con dâu thì chờ ở một bên đợi nước nóng sau đó từng người múc nước chăm sóc ông chồng say của mình.
Đại Bảo và Nhị Bảo thì lơ mơ, rửa mặt xong ôm vợ tiếp tục cày cấy. Sáng sớm hôm sau Phan thị và tiểu Lý thị đỏ mắt tiễn chồng ra cửa, Đào Tam gia thì tiễn hai người tới tận cửa thôn mới về. Vốn thời tiết đã vào kỳ lập xuân nhưng không ngờ lại có rét lạnh thế là đám mầm non mới nhú đông cứng lại.
Mưa xuân tí tách rơi xuống, mọi người vốn đang tính toán cày bừa vụ xuân lại phải mặc áo bông dày rúc trong nhà tiếp tục ăn tết! Mãi tới khi ăn xong bánh trôi của tết Nguyên Tiêu mưa xuân mới ngừng. Vùng đất khô hanh lạnh lẽo nay đã sống lại.
Chờ tới khi nắng ấm ngày xuân dâng lên thì mọi người mới phát hiện mưa phùn tám ngày liên tục đã nhuộm xanh cả Đào gia thôn.
Mầm lúa mạch hút no nước lập tức vươn lên, mỗi ngày một cao hơn. Người của Đào gia thôn đều vui vẻ khiêng cuốc ra đồng.
Lý thị mang theo con dâu sửa sáng ruộng rau.
Ba cô cháu dâu cũng muốn hỗ trợ nhưng Lý thị quyết không cho.
Bà âm thầm nói với Lưu thị và Trương thị: “Chúng ta phải cẩn thận một chút, giả sử một đứa có thai mà vẫn đi làm việc thì không tốt.
Mấy năm nay có bao nhiêu cô dâu mới không biết nặng nhẹ đã gặp chuyện, nếu chuyện này xảy ra với nhà chúng ta thì phải làm sao? Người làm trưởng bối như chúng ta phải cẩn thận mới được!” Lưu thị và Trương thị gật đầu và càng thêm phối hợp với Lý thị cướp việc mà làm khiến ba cô cháu dâu chẳng hiểu gì cả.
Tới khi Đại Bảo và Nhị Bảo bớt thời gian trở về muốn thân thiết với vợ nhưng ai biết vợ đều bị bà nội gọi tới nhà chính hỏi chuyện. Lúc Lý thị biết ba cô cháu dâu đều có quỳ thủy thì trong lòng rất thất vọng.
Bà thầm khấn a di đà phật và cầu cháu dâu sớm mang thai chắt trai. Một tháng Đại Bảo và Nhị Bảo sẽ về nhà mấy ngày, cùng vợ dán một chỗ rồi lại lên trấn trên làm việc.
Mỗi lần hai người vừa đi mắt Lý thị sẽ sáng quắc lên nhìn chằm chằm bụng cháu dâu đợi ngày nào đó các nàng sẽ xuất hiện dấu hiệu nôn mửa, thích ngủ, không thích ăn gì gì đó.
Cứ thế thất vọng rồi lại kỳ vọng cho tới tháng tư thì Lý thị không ngồi yên được nữa.
Bà lặng lẽ gọi Lưu thị và Trương thị tới dò hỏi tình huống của cháu trai và cháu dâu mới biết mấy đôi vợ chồng ngọt ngào keo sơn.
Thế là bà lại buồn bực, Lưu thị đành phải khuyên: “Nương, ngài quá nóng vội rồi, lúc trước con gả tới đây phải qua nửa năm mới có Đại Bảo, chuyện này đâu có nhanh như thế!” Lý thị nói: “Đại Bảo và Nhị Bảo rất ít khi ở nhà thì còn hiểu được nhưng Tam Bảo ở nhà mỗi ngày cơ mà, sao vợ nó vẫn chưa có động tĩnh gì nhỉ?” Trương thị cười nói: “Nương ơi, ngài vẫn nên dồn tâm tư cho Tứ Bảo và Nữu Nữu đi.
Sắp tới Đoan Ngọ rồi mà cháu dâu thứ tư của nhà chúng ta vẫn chưa thấy bóng dáng đâu đây này!” Lý thị trừng mắt nhìn Trương thị một cái và nói: “Chuyện của Tứ Bảo và Nữu Nữu ta cũng đang lo đây.
Cái nhà này có quá nhiều việc khiến ta phải nhọc lòng, trước mắt cũng không thể chậm trễ chuyện của ba đứa cháu dâu.
Mau gửi tin để Nhị Bảo chạy về một chuyến bắt mạch cho mấy đứa rồi kê ít thuốc điều trị đi!” Lưu thị biết tính Lý thị, nói thật thì bản thân nàng cũng sốt ruột vì thế lập tức ra ngoài tìm Tam Bảo đi đưa tin. Ba ngày sau Nhị Bảo gấp gáp trở về.
Lý thị vội lôi kéo hắn nói ra ưu sầu trong lòng mình khiến khóe miệng Nhị Bảo giật giật nhưng vẫn phải an ủi: “Bà nội yên tâm đi, để cháu lo hết.” Nhị Bảo xem mạch xong thì nói là sẽ về trấn trên bốc thuốc và nhờ người mang về.
Thân thể Phan thị và tiểu Lý thị chỉ hơi mang tính hàn, uống mấy thang thuốc là đỡ nhưng tình huống của Ân thị lại nặng hơn.
Ngoài uống thuốc điều trị nàng ta còn phải ăn nhiều nước táo đỏ với đường đỏ và gừng, rồi cháo gạo nếp đường đỏ. Lưu thị nhanh chóng kéo Nữu Nữu tới một hai bắt Nhị Bảo cũng khám cho nàng.
Cô nương sắp gả chồng cũng nên biết tình huống còn điều trị.
Nhị Bảo xem mạch xong thì nói: “Nữu Nữu rất khỏe, không có vấn đề gì!” Lưu thị vẫn không yên tâm, nói: “Vẫn nên kê chút thuốc cho con bé đi!” Nhị Bảo cười nói: “Đại bá mẫu, đã là thuốc thì có ba phần độc, thân thể không có bệnh thì sao phải uống thuốc.
Nếu ngài thật sự không yên tâm về Nữu Nữu thì để con bé ăn chút nước đường đỏ với táo đỏ và gừng hoặc cháo gạo nếp đường đỏ đi.
Ăn uống có đôi khi tốt hơn uống thuốc đó!” Lý thị nghe xong thì lập tức bắt nhịp: “Từ nay về sau gạo nếp trong nhà chỉ để làm đồ cho cháu dâu và Nữu Nữu ăn.
Năm nay nhà ta lại trồng thêm một mẫu lúa nếp.
Nhị Bảo, con nhờ người mua chút táo đỏ về, gừng thì trong nhà có sẵn, một luống gừng trồng ở vườn sau đủ cho cả nhà nấu nước gừng uống.” Nhị Bảo vội đính chính: “Bà nội đừng làm quá thế, những gì con vừa nói không có nghĩa là ngày nào cũng làm mấy món đó!” Lý thị bị Nhị Bảo nói trúng tim đen thì cười nói: “Được, vậy bà sẽ luân phiên hai món, mỗi hôm nấu một nồi to đủ mấy đứa ăn!” Mặt Nữu Nữu đen thui: “Bà nội mà làm thế cháu không ăn đâu!” Lý thị trợn trắng mắt: “Con thích ăn thì ăn, không thì thôi!” Nói xong bà quan tâm kéo tay Ân thị nói: “Cháu ngoan, bà biết mấy năm nay cháu đi theo anh trai bôn ba khắp nơi chịu không ít khổ.
Bà phải bồi bổ cho cháu thật tốt mới được.” Ân thị cảm kích gật đầu thế là Lý thị lại nói với Phan thị và tiểu Lý thị: “Hai đứa cũng phải ăn, nếu Nhị Bảo nói ăn uống có tác dụng thì chúng ta nấu nhiều ăn nhiều cho bõ công!” Nhị Bảo xoa xoa trán còn Lưu thị thì cười nói với hắn: “Yên tâm đi, bà nội cháu biết chừng mực, chẳng qua lời nói khoa trương một chút thôi!” Nhị Bảo về trấn trên bốc thuốc và mua táo đỏ rồi nhờ người mang về.
Lý thị kiên trì để cháu dâu và Nữu Nữu một ngày uống một bát nước gừng nấu với đường đỏ và táo đỏ hoặc ăn một bát cháo gạo nếp đường đỏ.
Nhìn cháu dâu ăn xong bà lại lập tức tràn ngập kỳ vọng.
Nhưng điều trị thời gian dài mà chẳng thấy có hiệu quả gì khiến Lý thị càng thêm sốt ruột! Ở Duyệt Lai Phạn Quán bên này thì bệnh thấp khớp của Vương trướng phòng ngày càng tệ.
Hơn nữa tuổi tác ông ấy đã lớn nên con trai trong nhà mạnh mẽ muốn đón ông ấy về dưỡng lão.
Tuy trong lòng Phan chưởng quầy luyến tiếc nhưng cũng chẳng còn cách nào mà đành phải cho người về, lại đưa không ít tiền bạc.
Gần đây việc làm ăn của Duyệt Lai Phạn Quán cực kỳ tốt nên Đại Bảo bận tới độ không có thời gian về nhà.
Phan chưởng quầy có khuyên hắn về nhà nhưng Đại Bảo nói việc trong tiệm bận rộn, để tháng sau rồi tính thế nên ông ấy cũng không nói nhiều nữa.