Sáng sớm hôm sau bọn nhỏ tỉnh lại phát hiện cha đã về thế là lập tức le ve theo đuôi mà quấn lấy Trường Phú và Trường Quý. “Cha, lần sau đi trấn trên mang con theo với!” Đại Bảo lôi kéo tay trái của Trường Phú và vội vàng nài nỉ. “Con cũng đi, con cũng phải đi!” Tam Bảo lôi kéo tay phải của cha hắn, lại còn gấp gáp nhảy nhảy lên. Trường Phú bị quấn lấy không có cách nào thế là hai tay dùng sức nâng lên, nhấc bổng hai đứa như đánh đu mà lắc vài vòng.
Hai đứa túm chặt lấy như hai con khỉ, vừa lắc vừa cười ha ha. Lúc này Trường Quý đi ra khỏi phòng, trên người treo Nhị Bảo và Tứ Bảo, xem ra cũng không thoát. Đào Tam gia đứng ở cửa chính phòng ho khan vài tiếng và cười mắng: “Mấy thằng ranh này đúng là không khác gì con khỉ con! Mấy đứa đừng quấn lấy cha tụi bây nữa, lần sau đi trấn trên nhất định sẽ mang mấy đứa theo!” Bọn nhỏ vừa nghe thế đã hoan hô vang dội và nhanh chóng tuột khỏi người cha mình và nhào tới chỗ Đào Tam gia, đứa ôm chân, đứa kéo tay, cả đám đu hết lên người ông nội. “Mấy thằng ranh con!” Đào Tam gia lấy tẩu hút thuốc nhẹ nhàng gõ đầu mỗi đứa. Trên bàn cơm Lý thị nhìn chằm chằm Đào Tam gia và nói: “Lão nhân, hầy, ông đồng ý thì tới lúc ấy ông đi mà cõng mấy con khỉ này leo núi nhé!” Đại Bảo ưỡn ngực nói: “Bà nội, cháu có thể tự đi lên trấn trên.” Nhị Bảo cũng tỏ thái độ mình có thể tự đi, Tam Bảo thì hơi chột dạ nhưng vẫn cắn răng tỏ thái độ, còn Tứ Bảo dứt khoát vùi đầu ăn cơm và im re. Đào Tam gia vui vẻ nói: “Đương nhiên là ta phải đi cùng, nếu không ai cõng mấy thằng nhóc con này!” Trường Phú nói: “Cha, vẫn để con và Trường Quý cõng mấy đứa nhỏ đi!” Đào tam gia chậm rãi nói: “Ý ta là hai đứa cõng tụi nó ấy, bộ xương già của ta không cõng nổi đâu.
Đến lúc đó ta cõng trứng gà, mỗi đứa cõng hai thằng nhóc.
Ta cũng nên dẫn bọn hắn đi ra ngoài nhìn ngắm, coi như trông thấy việc đời.” Lý thị trêu Nữu Nữu lúc này đang nghiêm túc ăn cơm: “Nữu Nữu, các ca ca đều chuẩn bị đi trấn trên đó, con có muốn đi không?” Nữu Nữu ngậm cái thìa trong miệng, mắt to tròn nhìn Lý thị một lát rồi mới nói: “Nữu Nữu không đi, Nữu Nữu phải canh nhà.”
Lý thị vui tươi hớn hở móc ra một quả trứng gà đưa cho Nữu Nữu, “Òa, đây là bà nội đặc biệt nấu cho bé ngoan ở nhà trông nhà nè!” Nữu Nữu vui vẻ cười híp cả mắt sau đó đón lấy quả trứng gà lắc lắc trước mặt mấy thằng anh khoe khoang sau đó đưa cho Lưu thị nhờ bóc vỏ hộ. Ngoài Tứ Bảo nuốt nuốt nước miếng thèm thuồng thì ba đứa còn lại đều không có hứng thú gì với trứng gà.
Tâm tình vụi nó đều đang vui sướng vì được lên trấn trên. Ăn cơm sáng xong Đào Tam gia mang theo Trường Phú và Trường Quý đến rừng trúc.
Nơi ấy không quá lớn nên quả thực thích hợp nuôi gà. Trường Phú khiêng mấy thân cây to bằng cánh tay dùng làm cọc.
Đào Tam gia dùng dao chém mấy cây trúc ngay tại chỗ rồi chẻ nhỏ làm rào tre. Cha con ba người phân công làm việc, Trường Phú và Trường Quý chôn cọc bốn phía, chờ Đào Tam gia đan xong rào tre ba người mới hợp lực cố định rào tre quanh mấy cái cọc. Công việc này không thể nhanh được nhưng cha con ba người vẫn làm đến khí thế ngất trời. Tam Bảo, Tứ Bảo mang theo Nữu Nữu và Hoàng Hoàng tới rừng trúc.
Đối với mấy đứa thì nơi đó cũng là nơi chơi đùa vui vẻ. Từng cây cây trúc bóng loáng xanh biếc, cao vút thẳng tắp bên nhau, mỗi khi có gió thổi qua là lá trúc lại xôn xao giống như tiếng cười khúc khích làm người ta cảm thấy vui vẻ.
Trong rừng trúc có những cây măng với chiều cao không đồng đều, vỏ áo của cây măng thật dày vây quanh từng búp măng như ngọn tháp.
Có vài cây măng đã nhổ giò, vỏ áo già đi và bong ra rơi rụng trên mặt đất. Vỏ áo của măng to bằng mái ngói, mặt trái có lông mao màu đen dính lên tay vừa ngứa vừa đau, ngược lại bên trong lại bóng loáng.
Phụ nhân nhà nông thường thích thu thập những lá măng sạch sẽ này sau đó bỏ sạch lông măng rồi đè cho bằng và cắt làm khuôn đế giày. Tam Bảo và Tứ Bảo tay cầm một que sắt nhỏ, lúc nào thấy áo măng màu vàng nâu bong ra là lập tức cắm que sắt xâu lấy giống xâu đường hồ lô.
Áo măng được xâu thành chuỗi, có thể làm củi đốt. “Ca ca mau tới đây đi! Nơi này có Trúc Giáp Trùng (còn gọi là sâu măng hoặc trúc tượng)!” Nữu Nữu đứng bên cạnh một cây măng và nhẹ giọng gọi. Tam bảo và Tứ Bảo ném que sắt trong tay xuống rồi rón rén đi tới.
Quả nhiên có một con Trúc Giáp Trùng màu đỏ sậm với hoa văn màu đen đang bám chặt lên cây măng, dùng cái mũi vừa cừng vừa nhọn của mình hút chất dinh dưỡng. Tam Bảo thật cẩn thận duỗi tay túm lấy lưng con Trúc Giáp Trùng và dùng sức nhổ nó xuống khỏi cây măng.
Hắn cố gắng giấu tay ở sau lưng con vật để móng sắc của nó không cào được lên tay mình.
Trúc Giáp Trùng có sáu cái chân đều có gai nhọn, nếu bị nó cào thì sẽ trầy da. Tam Bảo thuần thục bẻ gãy 6 cái chân của nó, con Trúc Giáp Trùng tàn tật lúc này chỉ có thể loạng choạng khó mà bước đi được.
Nhưng nó còn có cánh, để phòng ngừa nó bay đi còn phải dùng dây buộc nó lại.
Nếu không có dây thì có thể dùng gậy tre xiên qua.
Tứ Bảo tìm một đoạn tre còn thừa mà Đào Tam gia vừa chẻ ra, nó vừa dài và dẻo dai.
Tam Bảo đón lấy nó cắm vào một cái chân gãy của con Trúc Giáp Trùng rồi lắc lắc cái gậy.
Con vật kia bắt đầu bay lên, cánh đập vù vù mang theo gió mát, vừa thú vị lại mát mẻ. Tam Bảo đưa con Trúc Giáp Trùng này cho Nữu Nữu làm quạt nhỏ.
Nữu Nữu vui vẻ cầm lấy rồi thò đầu lại gần cảm thụ gió mát kia.
Hoàng Hoàng gầm lên với con Trúc Giáp Trùng đang kích động thế là Nữu Nữu vung cái quạt nhỏ về phía nó khiến con chó sợ quá chạy ra xa. Tam Bảo và Tứ Bảo tiếp tục dùng que sắt nhặt vỏ áo của cây măng, chờ tụi nó xuyên đầy hai que sắt thì lập tức vác về nhà bếp sau đó lại mang que sắt đã trống không tới tiếp tục thu thập. Tam Bảo mang đến một cái bình để đựng Trúc Giáp Trùng.
Thế là lúc này Nữu Nữu phụ trách tìm Trúc Giáp Trùng để bắt.
Măng có màu xanh đậm, Trúc Giáp Trùng có màu đỏ đen nên cực kỳ dễ tìm.
Một khi phát hiện Nữu Nữu sẽ vẫy tay với Tam Bảo và Tứ Bảo thế là hai đứa sẽ nhẹ nhàng di đi qua sau đó bắt lấy và bỏ vào bình rồi đậy nắp lại. Trong một buổi sáng Đào Tam gia và mấy đứa con trai đã làm được một nửa công việc còn Tam bảo và Tứ Bảo cũng tìm đủ vỏ măng để nấu cơm trưa và thêm một vại Trúc Giáp Trùng. Sau khi ăn cơm trưa người lớn lại bận rộn với cái chuồng gà ở rừng trúc còn Đại Bảo mang theo mấy đứa em đi cắt cỏ.
Tứ Bảo cũng đi theo, Nữu Nữu cũng muốn đi theo nhưng Lưu thị không cho.
Nàng ta nói trời quá nóng dễ bị cảm nắng, Nữu Nữu kháng nghị không có hiệu quả và bị Lưu thị ấn vào trong ổ chăn đi ngủ. Đại Bảo mang theo một vại trà nấu bằng rau diếp cá.
Vẫn biết cái thứ này có thể phòng cảm nắng nhưng Nhị Bảo không thích cái mùi tanh này vì thế hắn tự pha một bình hương long thảo.
Thứ này hái vào Tết Đoan Ngọ, mùi thơm nức mũi, pha với trà vừa giải khát lại sảng khoái. Tam Bảo cũng mang theo một cái bình nhưng không phải nước trà mà là Trúc Giáp Trùng.
Hắn nắm tay Tứ Bảo đi theo hai anh tới chỗ cắt cỏ. Cả đám vẫn đi cùng đồng bọn nhỏ của mình, mấy đứa nhanh chóng cắt đầy sọt sau đó vây quanh một chỗ nướng Trúc Giáp Trùng ăn. Tụi nhỏ nhặt củi bỏ tới một bãi đất trống và nhóm lửa sau đó đặt Trúc Giáp Trùng lên đó nướng.
Trúc Giáp Trùng ăn măng mà lớn lên, lúc nướng trên lửa chúng rất nhanh chín, ghé sát vào có thể ngửi được mùi thịt nướng thơm phức. Trúc Giáp Trùng có phần đầu rất lớn, gần như chiếm nửa thân thể.
Sau khi nướng xong chỉ có thể ăn phần đầu này, vỏ cứng ở đầu bị lửa nướng thì vỡ ra, bẻ một cái sẽ thấy thịt nạc thơm ngon ở bên trong.
Đối với đám nhỏ chẳng mấy khi được ăn thịt thì chút thịt bằng móng tay ấy cũng là mỹ vị nhân gian. Cả đám ăn ngon lành, rất nhanh, một bình Trúc Giáp Trùng đã bị ăn sạch.
Kim Tỏa lau miệng rồi nói nước sông cạn nên đề nghị mọi người cùng ra sông bắt cua và trai nước để nướng nhưng không ai hưởng ứng.
Dù nước sông đã cạn nhiều nhưng bọn họ vẫn rất kiêng kị hậu quả nghịch nước. Kim Tỏa cảm thấy không thú vị nên cõng sọt đi về nhà, đám trẻ khác cũng đuổi theo. Đại Bảo gọi với theo Kim Tỏa: “Kim Tỏa, ngươi đừng có lúc nào cũng nghĩ tới việc tới bờ sông bơi nữa, nước sông có cạn thì vẫn có thể chết đuối đó!” Kim Tỏa quay đầu lại nhìn Đại Bảo và nói: “Ta biết, cho nên ta mới muốn học bơi.” Đại Bảo nghiêm túc nói: “Ngươi muốn học bơi cũng phải có người dạy đã, đừng có đi bơi một mình.” Kim Tỏa nói: “Cha ta sẽ dạy ta, chờ trời nóng hơn ta sẽ bảo cha ta dạy ta bơi.” Đại Bảo gật đầu và dắt tay Tứ Bảo cùng hai đứa em cõng rau ngổ đi về..