Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

3: Sửa Tên


trước sau


Ngoài Nữu Nữu bị bệnh thì cả mười người của nhà Đào Tam gia đều vây quanh bàn gỗ đào ăn sáng.

Tuy con cháu đông đúc nhưng cái bàn cũng không nhỏ, ngồi chen chúc một chút là được chứ không cần chia làm hai bàn.

Bánh bột ngô vàng tươi đựng trong một cái rá trúc hình bán nguyệt để trên bàn.

Giữa bàn còn có một đĩa củ cải chua màu phấn hồng cùng một đĩa ớt ngâm màu xanh đỏ đan xen.

Trong bát là cháo loãng, bởi vì gạo ít lương thực phụ nhiều nên màu cháo có màu hồng của đậu.

Cháo ninh lâu nên lúc này vừa để nguội bên trên đã có một tầng váng mỏng, bột cháo sền sệt, lúc uống vào chu choa là thơm.
Bánh ngô chưng to bằng nắm tay, người lớn ăn ba cái, Đại Bảo và Nhị Bảo miễn cưỡng ăn hai cái, còn Tam Bảo và Tứ Bảo chỉ có thể ăn một cái.

Bánh bột ngô mềm mại, hơi dai dai, ăn cùng dưa muối và cháo loãng cũng coi như món thường ngày ở Đào gia thôn.
Năm trước còn có thể nói là mưa thuận gió hoà, giao xong thuế má và tộc lương thì lương thực còn lại cũng đủ người một nhà ăn cả năm.

So với thuế má thì tộc lương không phải là quá nhiều.

Ngoài những ngày đặc biệt người dân nơi này luôn tiết kiệm giản dị trong sinh hoạt thường ngày.


(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Nông dân luôn chú ý cần kiệm, tích cóp, năm được mùa không quên năm thiên tai, lúc no không quên khi đói.
“Tứ Bảo, con bẻ nửa bánh bột ngô bỏ lên bàn làm gì? Ăn không hết thì để cha ăn cho!” Trương thị trừng mắt nhìn Tứ Bảo một cái.

Thằng nhóc này ngày thường ăn một cái cũng không phải khó, chả hiểu hôm nay làm sao.
Trường Quý duỗi tay muốn lấy nửa cái bánh của Tứ Bảo thì hắn ré lên, “Cha, đây là con phần cho Nữu Nữu ăn, không được lấy!” Tứ Bảo nhanh chóng dùng hai cái tay nhỏ che nửa cái bánh lại.

Nhưng cái tay béo của hắn quá ngắn căn bản không che được thế là cu cậu xù hết cả lông lên, đũa cũng bị đụng rơi xuống đất.

Trương thị khom người nhặt đũa lên rồi vừa lẩm bẩm vừa đi tới nhà bếp rửa đũa.
“Hì hì, Tứ Bảo, tay đệ bẩn thế Nữu Nữu mới không thèm ăn đồ đệ đưa!” Tam Bảo nhân cơ hội chê cười Tứ Bảo nhưng trong lòng lại hơi hổ thẹn vì mình không chừa bánh bột ngô cho em gái.
Tứ Bảo nhìn nửa cái bánh bột ngô bị tay béo của mình đè biến dạng thì đau lòng.
“Ai u, thằng chó con của bà, con ăn của con đi, Nữu Nữu có cháo gạo trắng rồi.” Lý thị vui vẻ nói.
Trương thị cầm cái đũa đã được rửa sạch đưa cho Tứ Bảo rồi thuận tay vỗ đầu hắn một cái, “Xem con đi, bánh ngô bị xoa thành cái hình gì rồi, nửa cái bánh này con tự giải quyết cho hết đi.”
Người một nhà đều vui vẻ còn Tứ Bảo thì vùi đầu gặm cái bánh đã biến hình.
Đào Tam gia uống xong một bát cháo loãng thế là Lý thị định múc bát nữa cho chồng.
“Nương, để con.” Lưu thị vội đứng dậy đón lấy cái bát múc thêm cho Đào Tam gia.
“Trường Phú, ta thấy đại danh của Nữu Nữu không ổn.

Khuê nữ đàng hoàng ai lại đi lấy cái tên gì mà yêu với quái.

Từ lúc ăn tết lấy cái tên này là Nữu Nữu bắt đầu ốm liên tục.” Đào Tam gia thong thả ung dung nói.

“Ấy, ông nói đúng, Nữu Nữu nhà ta phải đổi cái tên khác thôi.

Trường Hiền tuy là tiên sinh trong tộc nhưng hắn lấy cái tên này cho Nữu Nữu quả là không tốt.” Lý thị nghiêm túc nói.
“Cha, nương, Trường Hiền lấy cái tên Đào Yêu cho Nữu Nữu không phải có ý yêu quái gì, hai chữ ấy khác nhau.” Đào Trường Phú tuy là nông dân nhưng cũng đọc Thiên Tự Văn và Bách Gia Tính nên tự tin nói.
“Ông nội, bà nội, lúc đưa quà tết tới cho Trường Hiền thúc thúc thì thúc ấy đã nói tên đó lấy từ câu “đào chi yêu yêu, chước chước kì hoa’ trong《 Kinh Thi 》, là tên hay.” Đại Bảo cũng gia nhập cuộc tranh luận về cái tên của Nữu Nữu.
Đại Bảo và Nhị Bảo năm nay đã vào tộc học trong thôn để đọc sách.

Tiên sinh của tộc học là Đào Trường Hiền, là đứa con thứ tư nhà thôn trưởng Đào Đại gia.

Từ nhỏ hắn yếu ớt, không làm được việc nhà nông, nhà hắn lại hơi có chút điều kiện nên mới cho đứa con nhỏ này tới trấn trên học tư thục mấy năm.

Đào Trường Hiền cũng coi như thông tuệ, tuổi trẻ đã thành Đồng Sinh đầu tiên trong thôn.

Nhưng sau đó hắn thi thật lâu cũng không trúng tú tài vì thế tộc trưởng ra mặt tổ chức tộc học cho hắn đứng lớp.

Đám nhỏ của Đào gia thôn tặng lễ theo khả năng, cũng không nhiều, phần còn lại được trích từ tộc lương ra để trả cho hắn, đại khái đủ để hắn nuôi sống bản thân và gia đình.

Ngược lại đám nhỏ trong thôn được học vỡ lòng vì thế người của Đào gia thôn cũng vui mừng.

Một ít thôn dân quanh đó muốn con biết ít chữ cũng cho con tới tộc học của Đào gia thôn.


Như thế đi lại gần hơn lên trấn trên, tiền học cũng ít hơn, đứa nhỏ còn có thể tranh thủ hỗ trợ việc trong nhà.
“Ông nội không hiểu cái gì mà yêu với hoa, cháu gái bảo bối của ta vẫn luôn là Nữu Nữu.

Gọi như thế mãi con bé có bệnh tật gì đâu.

Đợi con bé ba tuổi chúng ta muốn đặt đại danh cho nó, lại cố ý tìm người có học vấn nhất trong thôn xin cái tên, hiện tại xem ra đứa nhỏ nhà nông vẫn nên lấy tên quê mùa mới dễ nuôi, khụ! Khụ! Vẫn nên sửa tên đi.”
“Ông nội, gọi là Ngũ Bảo đi?” Đại Bảo và Nhị Bảo nhìn nhau cười nói.
Đào Tam gia nghĩ thầm Ngũ Bảo là để dành cho đứa cháu trai tiếp theo được sinh ra.

Có điều ông ta không nói gì, chỉ yên lặng uống xong bát cháo thứ hai, ăn xong cái bánh bột ngô thứ ba.

Ông ta suy nghĩ thật lâu, cuối cùng trong ánh mắt chờ đợi của cả nhà ông ta nói ra hai chữ: “Đào Hoa!”
“Ông nội! Con gái cả của Trường Võ bá bá đã lấy tên Đào Hoa rồi!” Tam Bảo lập tức kháng nghị!
Đào Tam gia chưng hửng, tay đập đập tẩu thuốc lá sau đó nhảy ra hai chữ: “Đào Diệp!”
“Con gái út nhà Trường Phúc thúc đã lấy tên Đào Diệp rồi!” Tam Bảo bắt đầu trợn trắng mắt, trong lòng thầm nói ông nội có biết đặt tên không đây?
“Đào Chi!”
“Ông nội, đó là tên của chị họ.” Nhị Bảo im lặng nãy giờ không chịu được lên tiếng.
“Đào Căn!” Đào Tam gia lập tức mạnh miệng.
“Không được! Làm gì có con gái nhà ai tên là Căn!” Lý thị nhảy ra phản đối.
Đào Tam gia không nhịn được cáu, người của Đào gia thôn không ít, tên ông ta có thể nghĩ tới sớm đã bị người ta lấy rồi.
“Đào Tử.” Đào Tam gia gõ gõ tẩu thuốc ở mép bàn và chốt hạ.
Lúc này thì không ai lên tiếng, bởi vì Đào gia thôn quả thật không có ai tên là Đào Quả, chẳng có nhà ai đặt tên con gái nhà mình là quả đào.


Người ta toàn lấy cái gì mà hoa, lá vì dù sao cũng không quan trọng, tới khi lấy chồng tất cả đều xưng là Đào thị hết.

Con trai lại càng không có đứa nào tên quả đào, để dễ nuôi nên cả đám đều được gọi là cái gì mà bảo rồi cẩu đản.

Tên cúng cơm lấy thế nào cũng được, còn đại danh thì đã có bối phận quy định rõ ràng ví dụ như Trường Phú, Trường Quý, Trường Hiền, Trường Võ, Trường Phúc đều có một chữ Trường, đám Đại Bảo thì đều mang một chữ Vĩnh.
“Cha, Đào Tử nghe không hay lắm đâu, con gái thì vẫn nên lấy tên hoa mai, sen, cúc gì gì đó dễ nghe hơn.” Trường Phú phát biểu ý kiến.
“Ta nói có thể là có thể, Nữu Nữu nhà ta sẽ lấy tên Đào Tử, hê hê! Quả đào duy nhất của Đào gia thôn!” Đào Tam gia đắc ý nói: “Cơm cũng ăn xong rồi, mấy đứa nên làm gì thì làm đi.

Cái gì mà đào yêu đào quái làm sao mà dễ nghe như Đào Tử được.

Vừa nghe đã thấy nhiều con nhiều phúc, đối với một đứa con gái thì chỉ có nhiều con mới có thể có nhiều phúc.” Đào Tam gia càng khẳng định tên mình lấy hay sau đó cầm tẩu thuốc phấn chấn đi ra ngoài cửa.
Lưu thị và Trương thị trao đổi ánh mắt, đồng thời nhìn về phía Lý thị.

Lý thị lúc này vẫn ủng hộ chồng mình: “Hầy, cha mấy đứa nói rất đúng, cái tên Đào Yêu không tốt, Đào Tử lại rất hay, vừa hồng vừa béo, nhìn rất đáng yêu giống Nữu Nữu nhà chúng ta.” Lý thị vui vẻ hớn hở: “Đào Tử, Đào Tử, nhiều con nhiều phúc, tên thật là cát lợi, trưởng thành chắc chắn chọn được nhà chồng tốt!”
Mọi người câm nín.
“Bà nội, sao cháu lại cứ thấy buồn cười!” Tứ Bảo đã híp mắt thành vầng trăng rồi.
“Gặm bánh của con đi! Đại Bảo và Nhị Bảo ăn xong thì mau đi học, mẹ bọn nhỏ thì cùng ta dọn dẹp rồi đi cho đám heo với gà ăn!” Lý thị đứng dậy thu dọn chén đũa, Trương thị và Lưu thị cũng đứng dậy giúp một tay.
Trường Phú và Trường Quý thì tới nhà kho lấy đồ nghề.

Mùa xuân đã tới, việc trong ruộng còn nhiều thứ phải làm, chờ mưa xuống là phải tranh thủ gieo trồng.

Hai anh em vừa mang theo bình nước vừa vác cuốc ra đồng..




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây