Một đường vừa đi vừa nghỉ nên chờ mọi người tới được trấn trên thì trễ hơn bình thường gần một canh giờ. Thị trấn không lớn lại rất phồn vinh.
Trấn trên có nhà cửa xây sát nhau, phần lớn là nhà ngói gạch xanh, còn có những tòa lầu gỗ 2,3 tầng.
Nhà cửa bên đường đều có gậy trúc vươn cao treo đủ các loại cờ hiệu bằng vải có ghi chữ.
Vì hôm nay là ngày họp chợ nên người từ bốn thôn tám miếu đều tụ tập ở đây.
Trên đường phố rộn ràng nhốn nháo tiếng người, rất nhiều nông dân mặc áo vải thô, cõng sọt hoặc cầm rổ bán chút rau dưa trứng gà và đặc sản vùng núi để mua dầu, muối, kim chỉ, trà hoặc vải.
Khắp nơi đều là người bán hàng rong chào bán các sản phẩm khác nhau, có người bán rong lớn tiếng thét to bán đồ chơi làm bằng đường, có người bán các loại trái cây đủ màu.
Những người khác thì giơ giá gỗ, bên trên treo đầy các loại kim chỉ và đồ trang sức, còn có nghệ sĩ huấn luyện khỉ để nó đeo mặt nạ lộn nhào khiến mọi người trầm trồ khen không dứt.
Một con khỉ khác sẽ nhanh chóng bưng mâm chạy về phía những người vây xem để xin tiền thưởng. Đào Tam gia lo lắng bọn nhỏ tham náo nhiệt mà đi lạc nên ông ấy cõng Tam Bảo và Tứ Bảo trên lưng, tay thì nắm Đại Bảo và Nhị Bảo.
Mấy cái bảo vừa vào trấn là đã tò mò trợn mắt nhìn khắp nơi.
Đại Bảo và Nhị Bảo đi học được mấy tháng nên đã biết vài chữ, hai đứa hưng phấn chỉ vào lá cờ treo hai bên đường rồi đọc nào là trà, mỳ, nhưng cũng có những từ tụi nó không biết.
Đào Tam gia vui tươi hớn hở nói với tụi nó đó là tiệm lương thực, rồi kia là tiệm vải, chỗ xa là tiệm cơm rồi tiệm thuốc. Nghệ sĩ huấn luyện khỉ bị mọi người bao quanh, đám Đại Bảo cũng tò mò muốn chen vào xem thế nào.
Nhưng Đào Tam gia lại túm chặt tụi nó không chịu buông lỏng bởi vì người ở đây nhiều, chỉ cần không cẩn thận để mẹ mìn bắt một cái bảo của nhà ông mang đi thì mạng già này có sống cũng như chết.
Đám Đại Bảo hơi thất vọng nhưng vẫn đi về phía trước, rất nhanh tụi nó đã bị một nghệ sĩ tạo khuôn đồ chơi bằng đường hấp dẫn. Người kia bày một quán nhỏ, bên trái đặt một bếp lò con con, bên trên là một nồi nước đường nấu chảy.
Bên phải là một khối đá phiến đã mài đến bóng loáng như gương.
Chính giữa để một tấm ván gỗ hình vuông, bốn phía vẽ các loại hình vẽ khác nhau.
Nhỏ thì có con bướm, chuồn chuồn, và các loại côn trùng khác.
Cỡ nhỡ sẽ có mèo, chó, heo, thỏ, gà vịt gì đó, còn cỡ to sẽ có lão hổ, phượng hoàng và rồng, đương nhiên rồng là lớn nhất.
Ở giữa tấm ván gỗ có một cái kim bằng trúc được vót nhọn, khách hàng bỏ tiền là có thể dùng tay quay cái kim kia cho nó chuyển động.
Cuối cùng cái kim chỉ vào hình vẽ nào thì người bán hàng sẽ làm món đồ chơi hình đó cho khách hàng. Người bán hàng ngồi ngay ngắn sau gian hàng, người vây xem không nhiều lắm, toàn là trẻ con.
Đại Bảo và Nhị Bảo đi lên xem, luyến tiếc không bước nửa bước.
Đào Tam gia không có cách nào đành phải để tụi nó xem một lát.
Có đứa nhỏ khóc lóc la hét muốn mua một món đồ chơi bằng đường thế là cha hắn không có cách nào đành móc ra 10 văn tiền để hắn xoay cái kim một lần.
Đứa nhỏ nước mắt lưng tròng vươn tay nhỏ dùng sức xoay cái kim bằng trúc kia.
Cây kim xoay tròn, bọn nhỏ vây xem cũng xoay tròn mắt mà nhìn theo, trái tim cũng bị cái kim kia hấp dẫn.
Mọi người đều không hẹn mà cùng kêu “Rồng! Rồng! Rồng!” nhưng cuối cùng lại thất vọng thở dài vì cây kim chỉ vào một con chuồn chuồn. Người bán hàng vui tươi hớn hở cầm thìa bằng tay phải và múc một chút nước đường từ cái nồi bỏ lên phiến đá sau đó nhanh tay tạo hình con chuồn chuồn.
Trong nháy mắt một con chuồn chuồn sinh động như thật đã hiện ra.
Người bán hàng cầm một cái xiên dài bằng tre đè trên người con chuồn chuồn và chờ một lát cho nó khô lại thế rồi ông ta dùng một cái xẻng hơi mỏng cậy con chuồn chuồn lên và đưa cả cái xiên cho đứa nhỏ.
Đứa nhỏ kia cẩn thận cầm lấy con chuồn chuồn, tâm tình cũng không còn uể oải vì không quay được con rồng nữa.
Hắn vươn đầu lưỡi nhỏ nhẹ nhàng liếm cánh con chuồn chuồn sau đó vui vẻ theo cha hắn rời đi. Đám nhỏ vây xem hâm mộ nhìn đứa nhỏ tay cầm chuồn chuồn, má vẫn vương nước mắt kia rời đi.
Tụi nó cũng muốn được quay một lần và đều tin tưởng vững chắc là mình sẽ quay được vào con rồng lớn nhất kia! Đại Bảo và Nhị Bảo nuốt nuốt nước miếng nghĩ quay một lần mất những 10 văn tiền, quá đắt.
Vì thế tụi nó vẫn ngoan ngoãn đi theo Đào Tam gia rời đi. Nhà bọn họ đi tới con phố bán đồ ăn và trứng gà nhưng chợ đã sớm tan, hơn nữa thời tiết nóng bức nên trên đường cũng không có mấy người.
Chỉ có quán trà bên đường là ồn ào náo nhiệt.
Đào Tam gia đi tới quán trà đổ thêm nước và thuận tiện hỏi thăm giá cả rau dưa và trứng gà sau đó tìm một cây hòe lớn bên đường có bóng râm để mọi người ngồi nghỉ.
Ông móc bánh rau hẹ ra phân cho con cháu, mọi người vừa ăn trưa vừa thương lượng hành trình tiếp theo. Ăn xong bữa trưa đơn giản Đào Tam gia mang theo mọi người tới Duyệt Lai Phạn quán lần trước Trường Phú bán ngọn đậu Hà Lan.
Nhưng rất không may là chưởng quầy lại đi ra ngoài, trong tiệm chỉ còn một vị tiên sinh tính sổ và tiểu nhị, bọn họ cũng chẳng dám quyết định. Tiên sinh trướng phòng họ Vương, tuổi xấp xỉ Đào Tam gia.
Lúc này Đào Tam gia báo lai lịch tên họ, lại khách khí hỏi thăm tin tức, mà vị tiên sinh họ Vương kia đã gặp qua nhiều hạng người nên biết Đào Tam gia là người hàm hậu biết lễ lại thành thật vì thế ông ta nói: “Đào lão ca, ta cũng không gạt ông, chưởng quầy nhà chúng ta hôm qua mới vừa mua mấy sọt trứng gà, hiện tại không thiếu trứng.
Nhưng rau dưa mới mẻ thì mỗi ngày đều cần.
Ta thấy đồ ăn nhà ông cũng tươi, dễ bán.
Nếu ông tin ta thì để đồ ăn ở đây rồi đi bán trứng gà trước đi, chờ bán xong trứng quay lại có lẽ chưởng quầy cũng về rồi.” Đào Tam gia nghĩ nghĩ rồi gật đầu đồng ý và bảo Trường Phú đặt cái sọt ở chỗ Vương tiên sinh chỉ sau đó cảm tạ ông ta.
Vương trướng phòng cười nói: “Thấy mọi người là người thành thật nên ta giúp, cũng không có gì.
Trời nóng thế này mọi người cõng đồ ăn nặng như thế, vừa mệt vừa nóng, lăn lộn qua lại thì rau dưa tươi cũng thành héo.” Đào Tam gia lại cảm tạ Vương trướng phòng một lần nữa rồi mang theo Trường Phú và Trường Quý tìm những tiệm khác để bán trứng gà.
Bọn họ hỏi liên tiếp mười tiệm cơm mới có một tiệm thiếu trứng gà.
(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Vì nạn hạn hán nên giá trứng gà cũng lên một chút, lần trước Trường Phú bán sáu văn tiền một quả, hiện giờ Đào Tam gia bán tám văn tiền một quả.
Vậy là 125 quả trứng gà vừa vặn một ngàn văn tiền. Đào Tam gia để Đại Bảo tính sổ cho mình, thằng nhóc này đầu óc nhanh nhạy cực kỳ.
Hắn móc bàn tính nhỏ ra và bắt đầu gõ lách cách, miệng lẩm bẩm: “Một quả trứng gà tám văn tiền, mười quả chính là 80 văn, như vậy, một trăm quả là 800 văn, hai mươi quả là 160 văn, năm quả còn lại là 40 văn.” Đại Bảo bẻ ngón tay tính, “Ông nội, tổng cộng là một ngàn văn tiền.” Đào Tam gia vỗ vỗ đầu Đại Bảo và vui tươi hớn hở đón lấy một lượng bạc ông chủ đưa. Lúc đi qua tiệm thuốc Trường Phú đi vào hỏi thăm giá đỉa khô và xác ve sau đó chọn một nhà giá cao một chút để bán.
Giá dược liệu tuy không thấp nhưng đỉa và xác ve phơi khô rồi cũng không quá nặng vì thế cả một bình đổ ra cũng chỉ khiến cái cân của tiệm thuốc hơi thoáng động đậy.
Cuối cùng cả hai thứ bán được 150 văn.
Tuy tiền không nhiều lắm nhưng mấy cái bảo vẫn đặc biệt kích động và càng thêm kiên định với ý tưởng tìm xác ve bán lấy tiền. Lúc cả nhà họ về Duyệt Lai Phạn Quán thì chưởng quầy cũng vừa trở lại. Mỗi ngày có bao nhiêu người ra vào tiệm cơm, chưởng quầy đã sớm không nhớ rõ Trường Phú và Trường Quý nhưng lúc nhìn thấy ngọn đậu Hà Lan thì ông ta lại nhận ra.
Lúc trước ông ta cũng chỉ mua vì muốn chào mời thứ mới mẻ cho khách, còn làm thế nào thì đó là việc của nhà bếp.
Đầu bếp trụng ngọn rau qua nước sôi, lại thêm muối, tỏi băm và dầu vừng trộn với nhau tạo ra món ăn hương vị thanh đạm ngon miệng, bán không tồi.
Sau đó bọn họ lại nấu chung với thịt viên thành canh cũng thoải mái giải ngán nên rất được hoan nghênh.
Chờ đến khi chưởng quầy muốn mua thêm một ít lại phát hiện trên chợ không bán nên đành thôi.
Hiện giờ gặp được ngọn đậu Hà Lan ông ta không nói hai lời đã mua luôn, hơn nữa ông ta còn dặn họ sau này có thì cứ mang tới bán cho ông ta. Năm nay hạn hán, rau dưa đắt hơn năm vừa rồi một chút.
Tuy lần trước có mưa đã giúp hạn hán bớt nghiêm trọng nhưng vì đã qua lúc trồng rau nên giá rau dưa vẫn cao.
Lần trước ngọn đậu Hà Lan bán giá 20 văn một cân, nay Đào Tam gia cũng không tăng giá và vẫn giữ nguyên 20 văn.
Cải bẹ, dưa chuột, đậu đũa ông ấy cũng bán theo giá thị trường.
Sau khi hai bên thỏa thuận giá xong chưởng quầy gọi tiểu nhị tới cân rau trước mặt luôn. Đào Tam gia vui tươi hớn hở nhìn tiểu nhị cân từng món và lớn tiếng thét: “Ngọn đậu Hà Lan 15 cân 5 lạng!” Vương trướng phòng ngồi ở bên quầy nghe tiểu nhị báo con số thì gẩy bàn tính lách cách.
Đại Bảo cũng móc bàn tính nhỏ ra tính tính rồi nhỏ giọng nói với Đào Tam gia: “Ông nội, ngọn đậu Hà Lan giá 310 văn.” Trường Phú và Trường Quý vội vàng bỏ đậu đũa vào giỏ tre vác tới cho tiểu nhị cân.
Tiểu nhị lại lớn tiếng hét: “Cây đậu đũa trừ sọt còn 21 cân!” Vương trướng phòng lại gẩy bàn tính lạch cạch.
Đại Bảo cũng không chịu thua mà nhanh chóng nói với Đào Tam gia: “Ông nội, cây đậu đũa 147 văn.” Dưa chuột 28 cân, 168 văn, cải bẹ nặng nhất, 47 cân được 235 văn. Đại Bảo tính xong mới cất bàn tính nhỏ đi và nói với Đào Tam gia: “Ông nội, tổng cộng là 860 văn.” Vương trướng phòng đã sớm tính xong số tiền 860 văn nhưng chưởng quầy nói ngọn đậu Hà Lan tính thành 16 cân nên ông ấy lấy ra 870 văn giao cho Đào Tam gia. Đào Tam gia lấy ra 10 văn tiền thừa trả lại: “Vương trướng phòng, thừa mười văn tiền rồi!” Vương trướng phòng kinh ngạc nhìn lão hán trước mặt.
Rõ ràng người này biết tính sổ nếu không đâu thể nhìn ra là thừa 10 văn.
Ông ta cười khen: “Không nghĩ Đào lão ca lại biết tính toán, so với tiên sinh trướng phòng như ta còn lợi hại hơn!” Đào Tam gia vui tươi hớn hở đắc ý nói: “Ta làm sao mà tính được, đều là thằng cháu lớn của ta tính đó.” Vương trướng phòng cố ý thò đầu ra khỏi quầy nhìn Đại Bảo và cười nói: “Thật đúng là hậu sinh khả uý!” Đào Tam gia khăng khăng dựa theo giá thực tế mà thu tiền, lại kiên trì trả lại 10 văn kia nên chưởng quầy cũng không cưỡng cầu.
Đào Tam gia đếm tiền xong cất kỹ mới cảm tạ chưởng quầy cùng Vương trướng phòng và mang theo con cháu ra khỏi Duyệt Lai Phạn Quán..