Hôm nay là hội chùa Thiên Phật Sơn, Lý thị sớm rời giường làm cơm sáng, ăn xong bà lại bắt đầu chuẩn bị lương khô ăn trên đường và nước trà.
Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý ở nhà gánh phân tưới cho lúa mạch, Trương thị ngại đường xa không tiện nên ở nhà trông Tiểu Ngọc Nhi.
Lưu thị cầm chút mặt giày và miếng độn đế giày linh tinh mà hàng ngày trong nhà làm được để bán lấy chút tiền.
Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu khẳng định muốn đi theo, ba đứa đã sớm thay quần áo xong và chờ xuất phát.
Lý thị sửa soạn xong thì để Tam Bảo qua nhà hỏi Đại Tần thị khi nào đi. Đại Tần thị cũng là người nhanh nhẹn nên đã sớm thu xếp xong và đang chờ.
Tam Bảo lập tức chạy về nhà hô xuất phát.
Lý thị mang theo con cháu ra cửa hội họp với Đại Tần thị và hai cô con dâu nhà bà.
Ba đứa cháu nhà này cũng ồn ào đòi đi nhưng Đại Tần thị lo lắng hội chùa nhiều người dễ lạc mất cháu nên kiên quyết không đồng ý.
Cuối cùng vẫn là Trường Chính cầm chút kẹo ra mới dỗ được ba đứa nhỏ khóc nháo. Trong thôn cũng có thật nhiều phụ nhân cùng con dâu đi hội chùa mua đồ, dọc theo đường đi đội ngũ không ngừng lớn mạnh.
Ra khỏi thôn bọn họ lại gặp những người của thôn bên, người đi trên đường càng lúc càng nhiều.
Nhìn cảnh tượng này là biết hội chùa ở Thiên Phật Sơn đông như thế nào rồi. Lý thị nghiêm túc dặn dò Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu không được chạy loạn, tuy tụi nó đã mười mấy tuổi nhưng cũng có thể bị bọn buôn người trói lại đưa đi bán.
Lý thị còn kể mấy ví dụ về việc trẻ con nhà ai bị bắt cóc.
Bọn nhỏ cũng từng đi hội chùa, trong lòng cũng biết cảnh biển người tấp nập kia vì thế lúc nghe thấy Lý thị nói tụi nó đều sôi nổi gật đầu.
Lưu thị nắm chặt tay Nữu Nữu, Tam Bảo và Tứ Bảo thì đi sát bên cạnh Lý thị. Đoàn người đi đến quán trà dưới chân núi thế là Lý thị nói: “Lên núi hay xuống núi đều phải đi ngang qua chỗ này, nếu thật sự lạc nhau thì phải tới chỗ này chờ, không được chạy loạn.” Đại Tần thị cảm khái vì sự chu đáo của Lý thị và gật đầu nói: “Vẫn là tam tẩu tử nghĩ cẩn thận.” Người trong quán trà nhiều, phụ nhân của các thôn khác cũng đi theo nhóm, nếu không cẩn thận rất dễ bị lạc nhau.
Lý thị cùng Đại Tần thị đi với nhau, trạm thứ nhất chính là đỉnh núi Thiên Phật Tự.
Thiên Phật Tự xây trên đỉnh Thiên Phật Sơn, con đường từ chân núi đi lên rất rộng, ven đường là người bán hàng rong từ khắp nơi.
Bọn họ thét to chào mời, tiếng rao vang lên hết đợt này đến đợt khác. Đoàn người tới đây vào canh ba giờ Tỵ, người càng ngày càng đông, phóng mắt nhìn chung quanh chỉ thấy toàn người với người, ai cũng đi về phía đỉnh núi.
Tới Thiên Phật Tự sau đó mua hương nến xong mọi người mới thành kính quỳ bái Phật tổ.
Tới chỗ Tống Tử nương nương thì căn bản không chen nổi, có quá nhiều phụ nhân đã ở đó nên bọn họ chỉ có thể xếp hàng phía sau và chậm rãi chờ. Qua tầm nửa canh giờ bọn họ mới tới được trước mặt Tống Tử nương nương.
Tam Bảo và Tứ Bảo nóng cả người đầy mồ hôi, Nữu Nữu thì xõa tung một bên búi tóc, bộ dạng tức giận, môi bĩu rõ cao.
(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Lý thị và Đại Tần thị đều cầu nguyện cho con dâu, Lưu thị thì muốn sinh một đứa nữa, tiểu Tần thị và Phùng thị cũng có suy nghĩ giống như thế vì vậy mấy phụ nhân vừa bái vừa cầu.
Đại Tần thị muốn lấy chút thức ăn cho con dâu ăn nhưng lại phát hiện đồ cúng trước mặt Tống Tử nương nương đều bị người ta lấy hết rồi nên đành thôi. Chen vào khó nhưng đi ra lại dễ, tới ngoài điện mọi người đều không hẹn mà cùng hít một thơi thật sâu rồi thở hắt ra.
Lý thị oán giận nói: “Người đâu mà lắm thế, cái thân già này của ta tí thì toi!”
“Đúng đó, thế trận này đúng là dọa người.” Đại Tần thị vừa nói vừa lau mồ hôi sau đó cầm khăn tay không ngừng quạt. “Nương, bên kia có ghế đá, ta qua đó nghỉ một lát đi, chỗ này là không đông rồi!” Lưu thị nói. Mọi người ngồi nghỉ tạm, uống mấy ngụm nước và thương lượng hành trình tiếp theo.
Lý thị nói: “Chúng ta đã bái Bồ Tát, lúc này cứ chậm rãi đi xuống núi, vừa đi vừa dạo rồi về cũng không muộn.” Tiểu Tần thị cười nói: “Mới vừa đi dọc đường cháu thấy các loại kim chỉ, vải vóc, bột nước, hoa lụa nhiều đến hoa cả mắt.
Nhưng vì vội đi lên nên cháu cũng chẳng dám nhìn nhiều.
Bây giờ tam thẩm vừa nói thế là lòng cháu đã ngứa ngáy muốn nhanh chóng xuống ngó nghiêng.” Phùng thị cũng gật đầu, lúc vừa rồi đi với tiểu Tần thị nàng ta thấy một người bán hàng rong rao bán đồ chơi hiếm lạ nên đang muốn mua về cho bọn nhỏ chơi.
Tam Bảo và Tứ Bảo cũng sốt ruột đứng lên nói: “Bà nội, cháu nghỉ đủ rồi, chúng ta mau đi đi!” Lý thị cười đứng dậy kéo hai đứa tới bên cạnh mình nói: “Đi gần một chút, nếu lạc bà không tìm tụi bây đâu.
Cả ngày chỉ biết nghịch ngợm gây sự, tụi bây mà lạc thì bà cho đi luôn.” Tam Bảo và Tứ Bảo đỡ Lý thị rồi làm nũng ồn ào nói bọn nó thực nghe lời, không gây sự tí nào.
Nữu Nữu lôi kéo tay Lưu thị nói: “Nương, tam ca và tứ ca thực là biết chọc bà nội vui.” Lưu thị cười nói: “Nữu Nữu cũng không kém đâu!” Nữu Nữu cười vùi đầu vào vai mẹ thế là Lưu thị vội vàng vặn đầu nàng thẳng dậy: “Đã sắp thành bà nương điên rồi còn cọ gì nữa, con nhìn búi tóc con đi.” Nữu Nữu tức giận nói: “Mới vừa rồi con bị mấy bà mấy cô đẩy kinh quá! Tay bọn họ như cái kìm ấy, có người còn véo con một cái đến giờ còn đau đây này!” Lưu thị vừa cười vừa sờ sờ búi tóc của con gái và nói: “Người người chen chúc cũng khó tránh khỏi va đập, người ta cũng chỉ vô tình thôi, Nữu Nữu phải rộng lượng một chút!” Nữu Nữu gật đầu rồi vuốt búi tóc lỏng lẻo hai bên và nói: “Đều do tóc con trơn quá không buộc chặt được!” Tiểu Tần thị cười khen mái tóc Nữu Nữu thật là đẹp, lại nói Tiểu Nguyệt Nguyệt nhà nàng tóc thì thưa lại còn vàng, không biết vì cái gì.
Lưu thị lập tức nói cho nàng một phương thuốc cổ truyền: “Ta nghe nói chỉ cần cắt gừng thành miếng rồi nướng trên lửa sau đó bôi lên đầu là tóc sẽ mọc nhiều.” Phùng thị nói: “Đại tẩu, tóc Tiểu Nguyệt Nguyệt chỉ hơi vàng một chút thôi, cũng đâu phải không mọc tóc.
Hiện tại con bé còn nhỏ, đợi qua mấy năm nữa là tốt rồi.” Tiểu Tần thị thở dài: “Muội không biết ta lo lắng thế nào đâu, con gái mà mọc một đống tóc như rơm rạ thì làm sao mà làm mai!” Lưu thị nói: “Nhà mẹ đẻ ta có một cây hạch đào, để ta tìm cho muội ít hạch đào, xào nhân hạch đào với hạt vừng rồi xay thành bột cho đứa nhỏ ăn thì tóc sẽ chậm rãi đen hơn.” Tiểu Tần thị kinh ngạc vui vẻ nói: “Vậy phải đa tạ Trường Phú tẩu.” “Có gì đâu, lúc ta mang thai Nữu Nữu rất thích ăn hạch đào.
Nhà mẹ đẻ mang cho ta vài túi để ăn, có lẽ vì thế mà tóc Nữu Nữu mới tốt như thế.” Lưu thị nói xong thì duỗi tay sờ sờ tóc Nữu Nữu và cười nói: “Hiện tại một ngày ta phải chải đầu cho nó vài lần, phiền muốn chết.” Nữu Nữu làm nũng, “Không phiền, con thích nương chải đầu cho con.” Lưu thị cưng chiều nhéo nhéo tay nhỏ của con gái và cầm càng chặt hơn. Đoàn người bái Phật xong thì xuống núi, chậm rãi đi dạo quanh các quầy hàng.
Lưu thị tìm được một nhà mua hàng thêu nên đưa hàng mình mang theo cho ông chủ xem.
Ông chủ nhìn thấy không tồi thì thương lượng giá cả, cuối cùng Lưu thị cũng bán được hết. Mấy người lại chọn một cửa hàng nhỏ giá cả phải chăng để mua chỉ các màu cùng sợi bông.
Lý thị mua cho Đào Tam gia một ít thuốc lá, Đại Tần thị thấy cũng mua cho Đào Ngũ gia một chút.
Bà vừa cười tủm tỉm trả tiền, vừa mắng chồng già ở nhà hút mấy thứ hại người này làm gì, vừa thối vừa tốn tiền. Tiểu Tần thị phát hiện một nhà bán vải vụn, hẳn là thu vải đầu thừa đuôi thẹo từ tiệm may sau đó bán theo cân, giá cũng thực rẻ.
Lưu thị, tiểu Tần thị và Phùng thị cực kỳ hứng thú mà chen vào cửa hàng vừa cười tủm tỉm vừa chọn vải vụn. Đống vải vụn này đều chỉ bằng bàn tay, hình dáng không giống nhau, màu sắc và hoa văn cũng khác nhưng có thể vá quần áo, làm đế giày, khâu tất và bao tay gì gì đó, nói chung cực nhiều tác dụng.
Lưu thị để Nữu Nữu cầm lấy góc áo của mình không được buông ra sau đó yên tâm chọn vải vụn.
Nữu Nữu nhìn quanh một vòng chỉ thấy người với người, cũng không có gì vui nên yên tâm ngồi xổm xuống giúp Lưu thị chọn vải lẻ.
Điều khiến Lưu thị vui vẻ là nàng phát hiện ít lụa và mấy món vải tốt, tuy kích thước nhỏ nhưng cũng là thứ tốt để làm viền cổ áo hay cắt hoa gì gì đó.
Cuối cùng Lưu thị mua chừng mười cân vải vụn, tiểu Tần thị và Triệu thị chọn năm cân.
Ba người vui vẻ trả tiền sau đó mang vải vụn rời khỏi cửa hàng. Lý thị lật lật đống vải lẻ và nói: “Mấy đứa đều là người nhanh nhẹn, mấy thứ này có thể về nhà dùng tốt.” Lưu thị vui vẻ nói: “Nương, có một miếng vải rất hợp với cái áo màu xanh của cha, không phải ngài đang lo không có vải hợp ý sao? Giờ thì tốt rồi, về nhà có thể sửa lại cái áo kia cho cha, chỉ cần đường may tinh tế một chút rồi giặt qua vài lần là màu sẽ khớp nhau, nếu không nhìn kỹ sẽ không phát hiện ra chỗ khác.” Lý thị gật đầu cười nói: “Tốt, việc khâu vá con làm tốt hơn ta!” Đoàn người nói nói cười cười và tiếp tục đi dạo, Phùng thị mua cho bọn nhỏ mấy món đồ chơi nhỏ.
Chỉ cần mua cho cháu là Đại Tần thị đều cười tủm tỉm bỏ tiền.
Tam Bảo, Tứ Bảo thấy thế thì đỏ mắt, tụi nó cũng tìm thứ mình thích để đòi mua.
Cuối cùng hai đứa phát hiện một cửa hàng bán dụng cụ cắt gọt, trong đó có một con dao nhỏ hai đứa đều thích nên la hét đòi Lý thị mua cho.
Lý thị đương nhiên không đồng ý, chơi đao là tuyệt đối cấm vì thế hai tên kia đành phải thất vọng bỏ đi. Lý thị mua cho Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu mỗi đứa một món đồ chơi bằng đường.
Nữu Nữu vừa ăn vừa cười tủm tỉm, Tam Bảo và Tứ Bảo vẫn nhớ con dao nhỏ kia nên chẳng hứng thú gì với đồ chơi bằng đường.
Lý thị giả vờ không nhìn thấy mà đi mua một cái trống bỏi cho Tiểu Ngọc Nhi. Từ sườn núi đi xuống chân núi có biết bao nhiêu hàng quán hai bên đường với nhiều thứ mới mẻ hấp dẫn sự chú ý của mọi người.
Chờ tới quán trà ở chân núi mọi người mới cảm thấy đói và khát cực kỳ vì thế họ tìm một chỗ sạch sẽ và móc lương khô ra ăn.
Nước còn lại trong ấm đã sớm nguội lạnh nên Lý thị để Tam Bảo tới quán trà mua một bình trà nóng để mọi người uống.
Ăn xong bọn họ dùng nhờ nhà xí của quán trà rồi mới bắt đầu về. Dọc theo đường đi tiếng cười nói vang lên vui vẻ, chỉ có Tam Bảo và Tứ Bảo là uể oải, trong lòng vẫn nhớ thương con dao kia, trong lòng âm thầm thề nhất định phải sớm kiếm tiền để muốn mua cái gì cũng được!