Con Dơi

3: Chương 3


trước sau

"Cha, con đường này tương đối hẹp, cha phải đi theo cẩn thận nhé. Cha, ngã ba phía trước chúng ta sẽ rẽ trái, sau khi rẽ trái là tới đường 17. Cha, giờ chúng ta rẽ trái rồi, con đường hiện giờ là đường 17. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, cha phải theo sát nhé."

Khi tôi học cấp hai, ba mắc bệnh, phải vào nằm viện, tôi với mẹ từng đón taxi vào viện thăm cha.

Dọc đường đi, mẹ không nói một lời, sắc mặt căng thẳng, tôi chưa bao giờ thấy mẹ như vậy.

Bầu không khí trong chiếc xe nhỏ bé đầy vẻ hỗn loạn và bất an, tôi chỉ đành chuyển ánh mắt ra ngoài cửa sổ.

Hình ảnh lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất là cứ cách một khoảng lại có một chữ viết trên nềm màu lam --- 17.

Cha nằm viện hai tuần, tôi chỉ theo mẹ tới thăm cha có một lần.

Ký ức về lần đó chỉ có mùi thuốc sặc mũi, sàn nhà lạnh lẽo, phòng bệnh chẳng chút ánh nắng.

Ba tôi nằm trên giường bệnh, yếu ớt và cô đơn.

Không gian trong bệnh viện tạo cho tôi cảm giác chẳng hề có hơi ấm, đầy những áp lực, bầu không khí nơi nơi đều nhuốm vẻ bi thương.

Hơn nữa như có sức ép rất lớn đè lên không gian này, khiến nó không còn là hình tứ giác mà trở nên vặn vẹo uốn khúc.

Trong bệnh viện, trái tim tôi luôn đập mạnh hẳn, hít thở không nổi.

Cha tôi đã ung thư thời kỳ cuối, bác sĩ nói cơ hội trị khỏi hết sức mờ mịt, khuyên mẹ tôi chuẩn bị tâm lý cho tốt.

Vào những năm chưa có bảo hiểm sức khỏe toàn dân, vào bệnh viện chữa trị phải tốn một khoản tiền lớn.

Cha ở bệnh viện được hai tuần rồi kiên trì muốn xuất viện về nhà, không muốn tạo thành gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Sau khi về nhà, cha luôn nằm trên giường tĩnh dưỡng, rất ít khi xuống giường.

Mẹ luôn luôn dặn dò tôi, cha cần phải nghỉ ngơi, không có việc gì thì đừng tới quấy rầy cha.

Nhưng mỗi ngày, sáng sớm trước khi ra ngoài đến trường, tôi luôn tới trước giường cha, ngồi xuống, nhẹ giọng nói: "

"Cha. Con đi học đây."

"Ừ." Cha gật đầu, mỉm cười: "Phải học hành chăm chỉ đấy."

"Con biết." Tôi nói: "Cha, tạm biệt."

Tan học về nhà rồi, cặp sách còn chưa bỏ xuống tôi đã tới bên giường cha, ngồi xuống nói:

"Cha. Con tan học về rồi."

"Ừ." Cha gật đầu mỉm cười. "Giờ có mệt không?"

"Không mệt."

"Tĩnh Tuệ ngoan." Cha vuốt ve đầu tôi." Bỏ cặp sách xuống, rửa mặt nghỉ ngơi đi."

"Vâng."

Tuy lo rằng sẽ đánh thức cha, nhưng mỗi ngày, trước khi tôi đến trường hay sau khi tan học về nhà, tới bên giường cha, cha luôn tỉnh táo. Tôi cảm thấy, dường như cha đang chờ tôi.

Có hôm khi tôi tan học về nhà, tới bên giường, lại phát hiện cha nhắm mắt, dường như đang ngủ.

Khi tôi nhanh chóng quay người lại, chuản bị rời khỏi, cha lại đột nhiên mở mắt nói:

"Ha ha, Tĩnh Tuệ. Cha còn tỉnh mà."

"Cha." Tôi lập tức ngồi xuống bên giường. "Con tan học về rồi."

"Ừ." Cha xoa xoa đầu tôi. "Đi cất cặp sách đi, rửa mặt nghỉ ngơi một chút."

Sau khi ăn cơm tối xong, tắm rửa xong, tôi thường đem sách vở tới bên giường cha học bài.

Tôi không tạo thành bất cứ âm thanh nào, ngay cả khi giở sách cũng vô cùng cẩn thận, tránh kinh động tới cha.

Nhưng cha vẫn luôn mỉm cười quan sát tôi học bài, tôi chỉ cần quay đầu sang phải là nhất định sẽ thấy được ánh mắt của cha.

"Tĩnh Tuệ." Cha nói. "Đã khuya rồi, con nên ngủ đi."

"Vâng." Tôi lập tức thu dọn sách vở, ngồi xuống bên giường cha. "Chúc cha ngủ ngon."

Tôi cảm thấy học bài bên giường cha sẽ khiến cha hài lòng, vì vậy trong lúc cha tĩnh dưỡng ở nhà, tôi không xem ti vi, không ra ngoài chơi với bạn học, mỗi ngày, đến tối đều tới bên giường cha học bài, cho tới khi cha nhắc tôi phải đi ngủ mới thôi.

Đây là chuyện duy nhất mà tôi có thể làm để khiến cha tôi hài lòng.

Thế nhưng, cha càng ngày càng gầy, sắc mặt cũng càng lúc càng vàng như sắc nến, hai tròng mắt vốn trong veo càng lúc càng mờ đục.

Thứ duy nhất không thay đổi là nụ cười ấm áp của cha mỗi khi thấy tôi.

Trong khoảng thời gian này, tôi chỉ thấy cha khóc có một lần, một lần duy nhất.

Đó là một buổi tối, khi tôi tới bên giường cha đọc sách, nghe cha gọi tôi:

"Tĩnh Tuệ. Lại đây ba bảo."

"Dạ." Tôi lập tức đặt sách xuống, đứng dậy tới bên giường cha rồi ngồi xổm xuống.

"Con có biết vì sao cha đặt tên con là Tĩnh Tuệ không?" Cha hỏi.

"Không biết ạ." Tôi lắc đầu.

"Cha mong con luôn tĩnh lặng mà thông tuệ." Cha nói.

"Con hiểu rồi ạ." Tôi gật đầu.

"Con luôn rất ngoan ngoãn, lại hiểu chuyện, cũng hệt như tên vậy." Cha xoa đầu tôi nói.

"Con đã 14 tuổi rồi, càng lớn càng xinh đẹp. Cha rất tự hào, cũng rất vui."

Tôi vâng một tiếng, có hơi xấu hổ.

Cha cứ nhìn tôi, ánh mắt tuy chăm chú nhưng cũng rất ôn nhu.

"Không biết con trai nhà ai có phúc lấy được Tĩnh Tuệ nhà ta, cho dù có là ai thì nó cũng nhất định là đứa con trai may mắn nhất trên thế giới này." Cha thở dài nói. "Cha rất muốn thấy con kết hôn, muốn gặp được chồng của con, muốn thấy được đứa con trai may mắn nhất ngoài thế giới kia là ai. Thế nhưng..."

Cha ngừng lại một chút rồi đột nhiên nghẹn ngào nói: "Thế nhưng cha không thấy được rồi."

"Cha." Tôi trong lòng đau xót, nước mắt tràn mi trào ra.

"Tĩnh Tuệ." Cha khóc, hai hàng lệ chảy xuống. "Cha xin lỗi con, mong con tha thứ cho cha."

Tôi chuyển từ ngồi xổm thành quỳ, vươn hai tay ra ôm lấy cha, khóc lên thất thanh.

"Tĩnh Tuệ." Cha vỗ nhẹ vào lưng tôi. "Giờ có thể khóc, nhưng sau này không được khóc nữa. Cuộc đời con còn dài, phải học cách kiên cường. Hiểu không?"

"Con hiểu ạ." Tôi đứng thẳng dậy, ngừng khóc, dùng tay lau nước mắt.

Cha lấy ra một tờ giấy, tay trái nâng mặt tôi, tay phải cẩn thận lau đi những giọt nước nơi khóe mắt tôi.

"Không được khóc nữa." Cha mỉm cười. "Phải kiên cường lên."

Tôi cố nén nước mắt lại, ra sức gật đầu.

Hai tháng sau khi cha tôi về nhà tĩnh dưỡng, một buổi chiều nọ, chúng tôi đang học thể dục ở sân trường.

Một cô giáo từ một góc sân trường khác chạy tới, như đang rất sốt ruột.

"Trương Tĩnh Tuệ có đây không?" Cô chạy tới trước mặt chúng tôi thì ngừng bước, hơi sau không tiếp nổi hơi trước.

"Có." Tôi giơ tay lên trả lời.

"Quả nhiên em ở đây, hèn gì cô tới phòng học tìm không thấy em." Cô ấy nói. "Mẹ em gọi điện thoại nói cha em sắp không xong rồi, bảo em mau về nhà."

"Sắp không xong?" Trong lúc nhất thời tôi còn chưa hiểu được.

"Mau về nhà đi." Cô quát to.

Tôi rốt cuộc cũng hiểu câu đó có ý gì.

Tôi cất bước chạy như điên, từ sân trường ở phía nam chạy thẳng tới chỗ để xe ở phía bắc.

Khi tới nơi để tôi đã mồ hôi đầm đìa, hơi thở nặng nề, nhưng tôi không dừng lại, trực tiếp bước lên xe.

Hai chân tôi không ngừng tăng tốc, con đường vốn đi xe mất 15 phút, lần đó tôi chỉ mất không tới 10 phút.

Vừa về tới nhà đã nghe thấy tiếng khóc từ trong truyền ra, trái tim vốn đang đập nhanh gần như ngưng bặt lại.

Tôi cuống quít xuống xe, tiện tay thả bừa xe đạp xuống.

Nhưng đột nhiên hai chân tôi như nhũn ra, toàn thân ngã sấp xuống đất, không bò dậy nổi.

Tôi chỉ có thể miễn cưỡng bò trên mặt đất, bò tới cửa nhà, bò qua bậc cửa, cuối cũng cũng có thể đứng dậy.

Bất chấp khuỷu tay với đầu gối đều đã rách da, tôi lao thẳng vào trong phòng cha.

Chỉ thấy mẹ với em trai đang ngồi bên giường khóc lớn.

Tôi tới bên giường cha, ngồi xuống nhìn ông, chỉ thấy cha nằm đó, hai mắt nhắn lại.

Tôi chờ lâu, rất lâu, chờ cha mở mắt nói: "Ha ha, Tĩnh Tuệ. Cha còn tỉnh mà."

Nhưng ba vẫn không mở mắt.

"Cha." Cuối cùng tôi không nhịn được, khẽ lắc lắc tay cha.

Tay cha tôi rất lạnh, không còn hơi ấm như khi xưa xoa đầu tôi.

Tôi lặng lẽ nhìn cha, không khóc thành tiếng, cũng không rơi lệ.

Tôi cảm thấy mọi thứ trước mắt đều thật không chân thực, chẳng khác nào một giấc mộng, mà bản thân mình đang lơ lửng trong đó.

Cha tôi ra đi chỉ ba phút trước khi tôi về nhà.

Câu cuối cùng mà tôi nói với cha là: "Cha. Con đi học đây."

Câu cuối cùng cha nói với tôi là: Phải học hành chăm chỉ đấy."

Tới tận 20 năm sau, không kịp thấy mặt cha lần cuối vẫn là tiếc nuối và hối hận lớn nhất trong cuộc đời tôi.

Trước khi ra đi không được gặp tôi, có phải cha cũng cảm thấy tiếc nuối và hối hận không?

Nếu như không phải trùng hợp lúc tôi phải học thể dục, nếu tôi chạy nhanh hơn, đạp nhanh hơn, nếu như...

Các loại "nếu như" khác nhau cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt hai mươi năm.

Tôi luôn rất muốn biết, trước khi ra đi, cha sẽ nói gì với tôi?

Cha, cha sẽ nói gì với con?

Cha, cha muốn nói gì với con?

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây