“…, Anh quốc công quả thật giết hết những hộ vệ bỏ chạy, còn cho người đưa thi thể tới chỗ Thế tử.” Trần Khúc Thủy than thở, “Chắc là nghe phong thanh gì đó, trong vòng ba ngày, bạn bè thân thích khắp nơi đổ về phủ Anh quốc công. Thế tử ứng đối đại thể, nhìn bề ngoài không nhận ra được là cậu ấy bị thương, Anh quốc công tỏ vẻ long trọng, nghiêm trang, cứ nhắc tới Tưởng phu nhân là mặt mũi buồn bã, chỉ có Tống nhị gia quỳ khóc mãi trước linh cữu Tưởng phu nhân nên mắt sưng húp. Buổi tối tan tiệc, Anh quốc công giữ Tam phò mã và người Lục gia lại nói chuyện, chuẩn bị mời đệ đệ ruột của Lục thái phu nhân là Lục Phục Lễ làm người trung gian, giao lại của hồi môn của Tưởng phu nhân cho Thế tử và Tống nhị gia. Đến nay, phủ Anh quốc công trông có vẻ hoà hợp êm thấm, nhưng thực ra Di Chí đường đã tách khỏi phủ Anh quốc công, hai bên không liên quan tới nhau nữa. Thế tử còn âm thầm phái người sắp xếp thủ hạ đến ở điền trang Ngự ban của mình.”
“Thỏ khôn luôn có ba hang.” Đậu Chiêu rất chăm chú lắng nghe, biết Tống Mặc và Tống Nghi Xuân vẫn giả vờ là phụ từ tử hiếu trước mặt mọi người để đạt được mục đích thì vừa vui mừng lại vừa cảm khái, “Hai cha con họ sau này không phải gió Đông át gió Tây thì là gió Tây thổi bạt gió Đông. Chuyện cha con tương tàn lẫn nhau sẽ còn tiếp diễn dài dài ở phủ Anh quốc công.”
Nghe Đậu Chiêu nói vậy, ai nấy đều có vẻ mất mát, bầu không khí cũng trở nên nặng nề.
Đậu Chiêu liền cười phá tan tình cảnh đó: “May mà mấy chuyện này không liên quan gì đến chúng ta – việc có thể làm đều đã làm, việc nên làm cũng thực hiện rồi, không thẹn với lương tâm. Cha con họ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, chúng ta là người ngoài không thể nhúng tay vào, cũng không cần biết rõ.”
Lời nàng nói không có hiệu quả nhiều lắm. Tuy Đoạn Công Nghĩa cũng cười nhưng nét mặt vẫn nghiêm nghị. Ngược lại, Trần Khúc Thủy hiểu được dụng ý của Đậu Chiêu, cười nói: “Thế tử muốn giết chúng ta, chúng ta lại cứu mạng Thế tử, tính ra là chúng ta đã lấy ơn trả oán*. Điềy này Đoạn Công Nghĩa chắc cũng hiểu. Mấy hôm nay mọi người bị cuốn theo chuyện ở phủ Anh quốc công, đều ăn không ngon ngủ không yên, giờ đã về Chân Định rồi thì đừng nghĩ ngợi gì nữa. Mọi người hãy lui xuống nghỉ ngơi đi, để tiểu thư cũng nghỉ sớm.”
*Chỗ này trong raw ghi là “lấy oán trả ơn”, mình đoán là nhầm :-??
Mấy người Đoạn Công Nghĩa nghe xong thì mỉm cười, đứng dậy cáo từ.
Đậu Chiêu dặn Đoạn Công Nghĩa: “Gần đây mấy người vất vả nhiều rồi, hãy sắp xếp cho mọi người thay phiên nhau nghỉ ngơi vài hôm, đoàn tụ với người nhà.”
Nhóm Đoạn Công Nghĩa cảm ơn rồi cùng Trần Khúc Thủy ra ngoài sân.
Đậu Chiêu phái Tố Lan đi hỏi thăm Kỷ Vịnh khi nào khởi hành: “…Chúng ta chuẩn bị sẵn chút thành ý.”
Tố Lan cười tươi đáp lời, đến xế chiều quay về nói: “Công tử nói ngày mai đúng giờ Thìn sẽ đi, Ngũ thiếu gia cũng lên kinh cùng Kỷ công tử.”
Tuy là việc bất ngờ nhưng cũng hợp lý.
Đậu Chiêu dặn Tố Tâm: “Cô chuẩn bị hai trăm lượng bạc cho họ làm lộ phí.”
Tố Tâm vâng dạ rồi đi làm.
Sáng sớm hôm sau, Đậu Chiêu và các nữ quyến Đậu gia cùng đi tiễn Kỷ Vịnh và Đậu Khải Tuấn. Nhị thái phu nhân dặn đi dặn lại Đậu Khải Tuấn: “Không cần gấp gáp. Lần này đi cho biết thôi. Thi cử tất nhiên là việc tốt, không thì học hỏi Ngũ thúc tổ một chút cũng có lợi.” Rồi lại nói với Kỷ Vịnh, “Các cháu đi đường cẩn thận, có chuyện gì cũng phải bàn bạc với nhau, bình an tới kinh thành để ta đỡ lo lắng.”
Hai người cung kính đáp lời. Nhị thái phu nhân tiễn họ đến tận cửa lớn.
Người hầu đỡ họ lên xe ngựa.
Kỷ Vịnh nhìn qua đã thấy Đậu Chiêu đứng lẫn nhau đoàn người. Nàng đứng trong gió lạnh, mặc chiếc váy Chiêu Quân màu trắng ngà, trên váy trang trí hình hoa tuyết, quàng khăn lông chồn, đeo hoa tai ngọc trai, đôi má ửng hồng như hoa sen, trông như một đóa hàn mai nở rộ trong tuyết, rực rỡ vô ngần.
Kỷ Vịnh bất giác nắm chặt tay. Lần này nhất định không để nàng cười nhạo mình!
Hắn quay vào trong xe, lớn tiếng sai bảo: “Khởi hành, chúng ta tới kinh thành.”
Chiếc xe ngựa chở hai người họ dần biến mất trong gió tuyết. Mọi người cười nói thân mật cùng quay về sảnh chính.
Đậu Chiêu và vợ của Đậu Khải Tuấn đi cùng nhau, tai nghe Cửu đường tẩu kể chuyện con trai của mình, trong lòng lại nghĩ đến chuyện của bản thân.
Sang năm nàng sẽ cập kê. Biểu muội Uông Thanh Nguyên của Duyên An hầu Uông Thanh Hoài chỉ kém nàng hai tháng tuổi. Năm đó, nếu nàng xuất hiện “kịp thời”, Điền thị lại niệm tình cũ, Ngụy Đình Trân đã làm chủ cho Ngụy Đình Du lấy Uông Thanh Nguyên rồi.
Uông gia hình như cũng có ý gả Uông Thanh Nguyên cho Ngụy Đình Du.
Nàng vẫn nhớ lúc mới gả đến phủ Tế Ninh hầu, phu nhân của Uông Thanh Hoài là Hồ thị thường nhìn nàng với ánh mắt khác thường. Nhiều năm sau, nếu không nhờ trong một lần nổi giận với nàng vì một chuyện cỏn con, Ngụy Đình Trân lỡ miệng nói ra thì e là mãi mãi nàng cũng không biết việc đó.
Chỉ là không rõ với tính cách của Ngụy Đình Trân, lấy về một Uông Thanh Nguyên dịu dàng dễ bảo thì liệu nàng có ghét Thanh Nguyên quá nhu nhược giống như đã ghét mình quá mạnh mẽ hay không?
Đậu Chiêu rất nghi ngờ. Tuy nhiên, nàng vẫn quyết định ra tay từ chỗ này.
Nàng nhớ là Uông Thanh Nguyên về sau đã gả cho trưởng tử của Úy Châu vệ Đô chỉ huy Sử Hoa Đường, chưa đầy một năm thì góa chồng, chưa kịp sinh con đẻ cái, lại vì cậu em chồng mạnh mẽ nên cuộc sống ở Hoa gia khá nhọc nhằn. Uông Thanh Hoài thương xót muội muội, lôi kéo nàng ta về phủ Duyên An hầu. Từ đó về sau, Uông Thanh Nguyên trở thành một cư sĩ dưới ngọn đèn Phật giáo.
Có thể tác thành hôn sự này thì chưa chắc không phải việc tốt.
Đậu Chiêu nghĩ là làm, nhân dịp Thôi Thập Tam về đón năm mới đã dặn hắn để ý chuyện nhà Duyên An hầu.
Thôi Thập Tam khó hiểu hỏi: “Thế tử Duyên An hầu Uông Thanh Hoài tinh thông nhiều việc, Duyên An hầu rất tin tưởng Thế tử, giao hết mọi việc vặt trong nhà cho hắn quản. Phủ Duyên An hầu trông không có gì khác thường, sinh hoạt hàng ngày khá thoải mái. Chỉ là trước nay họ không phô trương, quản lý người làm lại nghiêm, không tranh đấu với ai. Chúng ta chỉ buôn bán nhỏ, dù có hợp tác với Uông gia cũng chẳng thu lời được mấy đâu.”
Hai năm nay hắn ở kinh đô cho vay bạc lấy lãi, lại ứng đúng với câu “không làm thì không biết, đã làm liền đột phá”, không chỉ quan lại trong thành tới mượn bạc, mà con cháu trâm anh thế gia tới mượn còn thường xuyên hơn. Hơn nữa, các quan mượn bạc chỉ cần có liền trả lại ngay, còn đám con nhà giàu kia thì chẳng có bạc mà trả, bị ép quá mà không còn cách nào khác đành lấy đồ đạc gia truyền tới cầm cố. Phạm Văn Thư trông thấy cũng xót xa thay cho tổ tiên nhà họ, bàn rằng hay là âm thầm mua bán cổ vật.
Đậu Chiêu đương nhiên là nắm rõ nhất tình hình Uông gia.
Việc Ngụy Đình Trân yêu thích Uông Thanh Nguyên có liên quan tới số của hồi môn của nàng ta. Chỉ là việc này không cần nói rõ với Thôi Thập Tam.
Nàng đành cười đáp: “Tôi nghe được tin nói đầu xuân Hoàng Thượng sẽ tu sửa các công trình trị thủy, đây là một vụ làm ăn lớn, mà Duyên An hầu chắc chắn không bỏ qua cơ hội này. Tới lúc đó cậu chỉ cần theo dõi sát sao bên đó, biết đâu họ được ăn thịt, chúng ta cũng được uống canh.!”
Thôi Thập Tam cảm thấy ý kiến này không khả quan, nhưng giờ hắn vẫn còn trẻ, dù trong lòng thấy không thích hợp cũng không tìm ra được sai sót gì của Đậu Chiêu, đáp ứng rất trịnh trọng rồi đi tìm Triệu Lương Bích bàn bạc: “Ngươi nói xem, liệu có phải Tứ tiểu thư giấu diếm chúng ta cái gì không?”
Triệu Lương Bích đã trở thành chủ quản cửa hàng lương thực của Đậu gia ở Chân Định. Hắn lườm Thôi Thập Tam, đáp: “Cứ cho là Tứ tiểu thư có giấu gì ngươi, ngươi biết rồi thì sao, có thể thay đổi được gì à?”
Thôi Thập Tam thật thà nghĩ, nói: “Không thể.”
“Còn không phải.” Triệu Lương Bích cười nói, “Tứ tiểu thư bảo ngươi làm gì thì làm cái ấy, đợi đến đúng lúc tự nhiên sẽ biết thôi.” Rồi mời: “Ta muốn tới phố Đông, đi cùng không?”
“Ngươi tới phố Đông làm gì?” Thôi Thập Tam đã được nghỉ đông, đặc biệt tới Chân Định chơi với Triệu Lương Bích, “Ở đây ta quen mỗi ngươi, biết thừa là sẽ đi cùng rồi.”
Triệu Lương Bích cười cười: “Tiểu thư giao cho ta lo liệu võ quán Biệt gia và nhà của Trần tiên sinh, tuy ở bên đó đã có hai người coi sóc nhưng sắp Tết rồi, cũng nên qua đó xem sao.”
Thôi Thập Tam không nghi ngờ gì, đi chơi cùng Triệu Lương Bích cả ngày mới về Thôi gia trang.
Trong bếp, Tứ tẩu Thỏa Nương đang chỉ bảo Cửu tẩu mới gả về nấu bữa tối cho cả nhà. Trọng Nguyên, con trai của Tứ ca và con gái Trường Thanh thì ngồi ở phòng xép bếp giúp nhặt đậu, làm đậu phụ ăn Tết. Thấy Thôi Thập Tam về, Thỏa Nương cười hỏi hắn: “Đã gặp Tứ tiểu thư chưa?” Nàng nhờ Thôi Thập Tam tặng cho Đậu Chiêu hai đôi giày tự làm.
Trọng Nguyên và Trường Thanh ngoan ngoãn chào: “Thập Tam thúc.”
Thôi Thập Tam cười, xoa đầu hai cháu, lấy từ trong áo một túi kẹo đường cho chúng. Hai đứa trẻ rất hoan hỉ.
Thôi Thập Tam nói: “Đã tặng rồi ạ. Tứ tiểu thư nói đi rất vừa chân, nhờ tẩu lần sau lại may cho tiểu thư hai đôi thêu hoa, còn nhờ đệ mang về cho Trọng Nguyên và Trường Thanh hai hộp điểm tâm. Cam Lộ bảo đó là đồ trong cung được Ngự ban, do Thất lão gia đặc biệt gửi từ kinh thành về cho Tứ tiểu thư, gửi cả đồ để tiểu thư thưởng cho mọi người trong nhà nữa.”
Thỏa Nương nghe vậy thì rất vui, mặt mày hớn hở, luôn miệng nói “Không cần”, rồi hỏi han tỉ mỉ xem Đậu Chiêu có kiểu giày thế nào: “Mấy hôm nữa là đến lễ cập kê của Tứ tiểu thư rồi. Kiểu gì tôi cũng phải đưa Trọng Nguyên và Trường Thanh tới dập dầu với tiểu thư.”
Mấy hôm nay trong nhà đều nói về chuyện này, lão Thôi còn gọi các huynh đệ của Thôi Thập Tam lại cùng bàn xem nên tặng gì cho Tứ tiểu thư. Vì Thôi Thập Tam đã lăn lộn hai năm ở kinh thành nên được giao cho phụ trách việc này. Hắn đang đau đầu thì nghe Thỏa Nương nói vậy, lẩm bẩm: “Vẫn là Tứ tẩu giỏi, hai đôi giày liền giải quyết xong.” Chưa nói dứt lời lòng đã kích động, dứt khoát không đi, ngồi lại nhặt đậu với Trường Thanh, “Tứ tẩu, tẩu từng là người hầu hạ bên cạnh Tứ tiểu thư, chắc biết Tứ tiểu thư thích gì chứ?”
Thỏa Nương trò chuyện với Thôi Thập Tam nhưng vẫn làm việc không ngơi tay: “Chỉ cần thành tâm thành ý tặng Tứ tiểu thư thì cái gì tiểu thư cũng ưng.” Chợt nhớ đến hồi Đậu Chiêu còn nhỏ, “…, một người kiên định, ai đối với tiểu thư tốt, cô ấy liền đối tốt lại với người đó, việc gì cũng ghi nhớ trong lòng. Tính tình thẳng thắn, không tính toán với ai bao giờ…”
Thôi cửu tức phụ nghe Thỏa Nương chân thành bày tỏ, nét mặt đầy hâm mộ.
Trong số các huynh đệ, Thôi tứ là người chất phác hiền lành nhất, vì cưới được Thỏa Nương mà già trẻ lớn bé Thôi gia không ai dám lạnh nhạt với hắn. Đến cả lão gia và phu nhân gặp họ cũng ăn nói khách sáo. Tứ tiểu thư Đậu gia cứ dăm ba hôm lại gửi đồ đến nhà, mọi người cũng được hưởng lây. Được cái, Thoải Nương là người tử tế, không vì vậy mà kiêu căng, đến phiên nàng đi đưa cơm thì nàng đi đưa cơm, đến lượt xuống bếp nấu nướng thì xuống bếp nấu nướng. Người trong vùng ai cũng nể nàng là người biết trước biết sau, trên quản trượng phu, dưới quản người thân. Phụ nữ trong thôn khi nhắc đến thì chín người bày tỏ sự hâm mộ còn một người thì đố kị.
Nghĩ vậy, nàng chợt nhìn Trọng Nguyên và Trường Thanh đều còn nhỏ tuổi. Có quan hệ như thế với Tứ tiểu tư, tiền đồ của hai đứa bé này cần gì phải lo nghĩ nữa!