Cửu Trọng Tử

74: Thu nhận


trước sau

- Hai người, hai người đừng cãi cọ nữa. Giọng nói của Biệt Cương Nghị xen vào:

- Hai người đều là vì chuyện của tôi… không đáng…

Ông nói xong lại chuyển mắt nhìn Đậu Chiêu:

- Tứ tiểu thư, tôi biết chuyện này khiến tiểu thư rất khó xử nhưng thực sự là không có ai để phó thác… Lúc mẫu thân chúng qua đời, ta đã đồng ý với nàng là sẽ chăm sóc tốt cho hai đứa…

Khóe mắt ông rưng rưng ánh lệ:

- Tôi không thể đẩy chúng vào lò lửa được…

Đậu Chiêu nghe mà không khống chế nổi sự chua xót trong lòng.

- Tôi không cầu gì khác, chỉ mong tôi đi rồi, hai đứa nó có thể sống một cách đường đường chính chính.

Biệt Cương Nghị thở như ống bễ, trong giọng nói pha lẫn với tiếng thở nặng nhọc:

- Tôi cũng biết Đậu gia không như nhà bình thường nhưng hai đứa chúng nó đều nhu thuận ngoan ngoãn, sẽ không gây phiền phức gì cho tiểu thư…

- Tôi biết, tôi biết.

Đậu Chiêu vội đi qua, ngồi vào chỗ Trần Khúc Thủy vừa ngồi, thấp giọng nói:

- Nếu ông tin được tôi thì tôi sẽ giới thiệu hai nàng với tổ mẫu thân sinh của tôi, cũng chính là kết nghĩa với người nhà mẹ đẻ của Thôi di thái thái của Tây Đậu, đến lúc đó để hai chị em nàng chuyển đến điền trang của Thôi di thái thái ở, đó là sản nghiệp của Đậu gia, sẽ được Đậu gia che chở…

Trần Khúc Thủy kinh ngạc.

Vừa rồi vị Tứ tiểu thư này còn ra sức từ chối, sao chớp mắt đã lại đổi ý rồi?

Từ lúc đầu Trần Khúc Thủy nhắc đến thân thế của hai chị em Biệt thị thì Đậu Chiêu đã định sẽ giúp các nàng một lần tránh để người tài giỏi không được trọng dụng, lại bị người như Đan Kiệt làm nhục. Nàng chỉ không thích cách Trần Khúc Thủy coi nàng như con nít mà tính kế nên mới cố ý đấu võ mồm với Trần Khúc Thủy mà thôi.

- Nói như vậy, tiểu thư đồng ý rồi?

Biệt Cương Nghị vừa mừng vừa sợ, ánh mắt nhìn Đậu Chiêu tràn ngập sự cảm kích.

Đậu Chiêu cười gật đầu.

Trên đời này có được mấy người làm cha có thể hi sinh vì con cái, lại là vì hai đứa con gái mà có thể làm được đến như Biệt Cương Nghị!

Chỉ dựa vào nhiêu đó thôi cũng đủ để nàng giúp đỡ hai chị em Biệt thị rồi.

- Nếu ông lo lắng thì cũng có thể cho các nàng theo tôi quay về Tây Đâu.

Nàng nói:

- Dù sao mấy năm nay trong nhà cũng chẳng có ai, hai chị em nàng đến vừa khéo làm bạn với tôi…

Biệt Cương Nghị lại lắc đầu nói:

- Tôi biết tiểu thư có lòng tốt nhưng gia nghiệp nhà họ Đậu rất lớn, tứ tiểu thư trên có trưởng bối dưới có huynh muội, hai tỷ muội nó đi theo qua thì không tránh khỏi lời ra tiếng vào nói là chúng nó chiếm tiện nghi của Đậu gia, những lời đồn đại về tứ tiểu thư chỉ sợ cũng không thiếu. Tiểu thư đã cứu cả nhà tôi, đáng ra tôi phải báo đáp tiểu thư mới đúng. Đáng tiếc cơ thể tôi chẳng ra gi, không chỉ không thể báo đáp tiểu thư mà còn mang đến cho tiểu thư bao phiền toái như vậy, sao có thể để tiểu thư chịu thiệt thời được…

Nói xong ông gọi một tiếng “Trần đại thúc”, đôi môi khô héo cười nói:

- Ông là người có học vấn, chữ cũng rất được, tôi nhờ ông viết cho chị em nó giấy nhờ nương tựa đi…

- Biệt quán chủ!

Đậu Chiêu và Trần Khúc Thủy đều hô lớn rồi không hẹn mà cùng liếc nhìn đối phương một cái.

- Không viết thì danh bất chính ngôn bất thuận.

Biệt Cương Nghị không nhìn đến tiếng hô thảng thốt của bọn họ, nói:

- So với việc để chúng nó đi theo tiểu thư một cách nửa vời như vậy thì chẳng bằng xác định rõ danh phận, chúng nó cũng sẽ biết việc gì nên làm việc gì không, như vậy mới là có lợi cho tứ tiểu thư và cho chúng nó.

Đậu Chiêu im lặng.

Lời Biệt Cương Nghị nói không phải là không có lý.

Con người đôi khi chỉ sợ không biết vị trí của mình ở đâu mà đi nhầm hướng.

Ký khế ước bán mình rồi, sống không về từ đường, chết không về tổ tông, hôn nhân sống chết đều do chủ nhân làm chủ. Viết giấy nương tựa có nghĩa là “nghĩa phó” (nửa nô bộc, như nghĩa phụ nghĩa mẫu ấy, danh nghĩa là nô bộc nhưng thực tế k hẳn như thế), bọn họ có thể tự quyết định chuyện hôn sự, cũng có thể có tài sản riêng, chính là nếu không gia hại, vô lễ với chủ nhân thì dù có phạm pháp cũng được xử trí như bình dân. Tuy rằng hai điều này khác nhau nhưng viết giấy nương tựa rồi thì sẽ có cái tiếng “chủ tớ”, rốt cuộc vẫn là hầu hạ người.

Nàng nghĩ đến việc vừa rồi Trần Khúc Thủy cho chị em Biệt thị ra ngoài, trầm ngâm nói:

- Hai người Tố Lan có biết chuyện này không?

- Còn không biết.

Câu trả lời của Biệt Cương Nghị không ngoài phán đoán của Đậu Chiêu.

- Nhưng hai đứa nó đều rất ngoan ngoãn, chỉ cần có thể làm người trong sạch thì tôi nghĩ chúng nó sẽ nguyện ý đi theo tứ tiểu thư.

Trần Khúc Thủy nói:

- Vẫn nên hỏi ý kiến của hai chị em nó đi?

Đậu Chiêu cũng thấy như vậy thì tốt hơn.

Biệt Cương Nghị nhờ Trần Khúc Thủy gọi hai đứa con gái vào.

Đương nhiên là Biệt Tố Tâm và Biệt Tố Lan vô cùng hoảng sợ.

Các nàng đoán có lẽ là phụ thân sợ sau khi người qua đời thì hai chị em không có chỗ dựa vào nên muốn phó thác chị em nàng cho Tứ tiểu thư của Đậu gia, thật không ngờ phụ thân lại để các nàng viết giấy nương tựa.

Biệt Tố Lan còn có chút tỉnh tỉnh mê mê không biết nên làm sao, Biệt Tố Tâm nghĩ đến sự dày vò trong bao ngày qua của phụ thân khi phải ở trong tù, nghĩ đến vẻ mặt vô sỉ của Đan Kiệt, nghĩ đến muội muội phải bôn ba qua lại lại nhìn vẻ lo lắng chết không nhắm mắt của phụ thân, nàng quyết tâm, quỳ gối trước mặt Đậu Chiêu, nói với Trần Khúc Thủy:

- Trần đại thúc, thúc viết giấy nương tựa giúp tỷ muội con đi!

Đậu Chiêu vươn tay đỡ nàng.

Nàng vẫn quỳ không đứng dậy, còn kéo Biệt Tố Tâm vẫn ngây ngẩn đứng đó qua quỳ gối trước mặt Đậu Chiêu:

- Tứ tiểu thư, tôi biết Đậu gia là nhà phú quý, người muốn vào Đậu gia nhiều không kể xiết, sao còn cần phải viết giấy nương tựa như chúng tôi. Tiểu thư có thể thu nhận thì đều là vì tiểu thư thương xót tỷ muội chúng tôi không có nơi nương tựa. Tỷ muội chúng tôi không phải là hạng vô ơn, nếu có thể được theo tiểu thư và phủ thì về sau sẽ hầu hạ tiểu thư chu đáo, nghe lời các ma ma chỉ dạy, ngoan ngoãn ở chung với các tỷ muội…

Nói đến đây thì đã lệ rơi đầy mặt.

Biệt Tố Lan òa khóc, nàng quỳ gối đi đến trước giường Biệt Cương Nghị gọi:

- Phụ thân!

Biệt Cương Nghị vỗ vỗ đầu con gái, giọt nước mắt lớn hãm sâu trong hốc mắt, lặng lẽ chảy dài qua bên thái dương.

Mọi người trong phòng cũng đều khóc.

Triệu Lương Bích vén rèm nhìn trộm vào mũi cũng cay cay, vội lấy tay áo lau mắt.

Hồi lâu sau, tiếng khóc trong phòng mới dần thấp xuống.

Đậu Chiêu mắt đỏ bừng nói với Trần Khúc Thủy:

- Vậy xin Trần tiên sinh viết khế ước đi, cũng để cho Biệt quán chủ được an tâm.

Trần Khúc Thủy không nói gì nữa, thấy nhà họ Biệt không có giấy bút thì về nhà viết khế ước rồi đưa đến.

Đậu Chiêu nói với Biệt Cương Nghị:

- Giấy này sẽ do Tố Tâm giữ, ông cứ dưỡng bệnh đi, có thể không phải dùng đến nó là tốt nhất.

Nói xong câu cuối cùng thì nàng áp chế sự bi thương trong lòng, cười tươi thoải mái:

- Đến lúc đó có chuyện gì tôi cũng sẽ không buông tay mặc kệ đâu.

- Đa tạ tứ tiểu thư.

Biệt Cương Nghị biết Đậu tứ tiểu thư đang trấn an mình nhưng Đậu tứ tiểu thư có thể nói ra như vậy thì ông cũng thêm chắc chắn về tương lai của hai đứa con mình hơn.

Đậu Chiêu gọi Triệu Lương Bích vào, chỉ cho hắn và Biệt Tố Tâm chào hỏi nhau:

- Mấy ngày qua hắn đều ở cửa hàng lương thực dầu mỡ ở phố Đông châu Thực Định của Đậu gia, nếu ngươi có chuyện gì thì cứ bảo hắn đi làm cho.

Biệt Tố Tâm vội hành lễ với Triệu Lương Bích.

Triệu Lương Bích không ngờ Đậu Chiêu lại đột nhiên xếp đặt cho hắn ở cửa hàng của Đậu gia ở phố Đông, đó là sản nghiệp của Đông Đậu. Cho nên ngẩn người một lúc mới đáp lễ Biệt Tố Tâm, hiển nhiên là có chút luống cuống chân tay.

Đậu Chiêu còn dặn dò Biệt Tố Tâm chăm sóc phụ thân cho tốt một hồi rồi mới đứng dậy cáo từ.

Trần Khúc Thủy và Biệt Tố Tâm tiễn Đậu Chiêu ra cửa.

Đậu Chiêu đi đến sân trước, dừng bước, nàng bảo Hải Đường lấy ra tờ ngân phiếu hai trăm lạng bạc đã chuẩn bị từ trước đưa cho Biệt Tố Tâm:

- Đừng để phụ thân ngươi lo lắng, mời đại phu đến, chỉ cần chú ý mua thuốc tốt cho phụ thân ngươi dùng, nếu cần người đi giúp thì nói cho Triệu Lương Bích, hắn sẽ đi thay.

Biệt Cương Nghị có thể sống được thêm mấy ngày, với chị em họ mà nói, cũng là bớt được chút tiếc nuối chăng?

Đậu Chiêu cảm khái nghĩ.

Biệt Tố Tâm không nói gì, mắt long lanh nước dập đầu lạy Đậu Chiêu ba cái rồi đón lấy ngân phiếu.

Đậu Chiêu nhìn Trần Khúc Thủy:

- Ở chỗ tôi còn thiếu một gia sư, không biết tiên sinh có hứng thú chăng?

Trần Khúc Thủy sửng sốt.

Đậu Chiêu cười cười nói với Triệu Lương Bích:

- Trần tiên sinh có chấp nhận chịu thiệt mà dạy dỗ cho ta hay không, phải dựa vào ngươi đó.

Ngụ ý là bảo Triệu Lương Bích nghĩ cách mời được Trần Khúc Thủy về.

Triệu Lương Bích vẫn ngây người nghĩ đến lời nói khi nãy của Đậu Chiêu – cửa hàng ở châu Thực Định, cũng không biết tam gia có đồng ý không? Sao còn có tâm tư cẩn thận lắng nghe lời nói của Đậu Chiêu, vội khom người hành lễ đáp:

- Vâng!

Với Trần Khúc Thủy mà nói, Đậu Chiêu sai một người hầu đến mời ông làm gia sư chính là một sự sỉ nhục lớn nhưng ông lại để ý thấy Đậu Chiêu nói là “ta” chứ không phải là Tây Đậu hay Đậu gia.

Lòng ông ta căng thẳng, đợi Đậu Chiêu đi rồi thì mới cẩn thận tra xét chuyện của Đậu gia.

Không tra không biết, điều tra rồi thì toát mồ hôi lạnh.

Tứ tiểu thư của Đậu gia là người quá may mắn? Hay là linh tâm tuệ tính (thông minh), là thiên tài chưa xuất thế?

Ông ta bắt đầu trầm tư.

Đương nhiên Đậu Chiêu không biết những điều này nhưng nàng biết, người như Trần Khúc Thủy chắc chắn sẽ không tùy tiện đồng ý làm tiên sinh cho nhà ai, nàng nói câu “gia sư cho ta” là muốn xem Trần Khúc Thủy có thấy có hứng thú hay không mà thôi.

Sau khi quay về Thực Định, nàng đến chỗ tam bá phụ trước, muốn an bài Triệu Lương Bích đến cửa hàng ở châu Thực Định.

Triệu Lương Bích có năng lực, Đậu Chiêu cũng không định để Triệu Lương Bích đến cửa hàng đó làm đại chưởng quầy, Đậu Thế Bảng sẽ không vì chút việc nhỏ này mà đắc tội với người có một phần tư tài sản Đậu thị được.

Sau đó nàng đi gặp Thôi Thập Tam, thứ nhất là bảo hắn điều tra về Trần Khúc Thủy, thứ hai là để hắn để ý xem có ai đang điều tra về mình không.

Thôi Thập Tam lại cảm thấy nàng làm việc có chút lỗ mãng:

- Vì sao không điều tra người này trước rồi mới nhờ thất gia mời về giúp tiểu thư?

Như vậy chỉ sợ sẽ bị Trần Khúc Thủy dứt khoát từ chối mà thôi.

Đậu Chiêu cười không đáp, đi gặp tổ mẫu.

Tổ mẫu nghe xong chuyện Biệt thị thì rất thổn thức, nhân cơ hội dạy Đậu Chiêu:

- Cho nên con người ta sống là phải tích phúc.

Đậu Chiêu liên tục cười đáp vâng.

Tổ mẫu lại lén bảo Hồng Cô mang cho chị em Biệt thị 50 lạng bạc và chút đồ ăn.

Đậu Chiêu làm như không hay biết, ngồi ở cửa sổ, cầm tờ giấy Thôi Thập Tam đưa tới mà ngây ngốc.

Người huyện Vô Cực, châu Thực Định, 15 tuổi đỗ tú tài, 22 tuổi đỗ cử nhân, sau đó 10 năm liền thi không đỗ, nhà nghèo rớt mồng tơi, thê tử và đứa con duy nhất lần lượt bị bệnh mà qua đời, ông xin làm một tiên sinh để xin ứng bạc trước mai táng cho con, sau đó bặt vô âm tín, nghe nói là lên kinh làm việc. Năm năm trước mua lại một căn nhà nhỏ hai gian ở cách vách võ quán Biệt thị, bắt đầu an cư ở châu Thực Định.

Mười mấy năm qua ông ta đi đâu, làm gì không ai hay biết.

Đậu Chiêu mím môi cười.

Đúng là một người thú vị.

Hải Đường cười khanh khách đi đến, tay cầm một phong thư:

- Tiểu thư, là thất gia gửi thư, nói là tìm cho tiểu thư một tiên sinh làm gia sư, hai ngày tới sẽ đến.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây