Diễm Cốt

22: Chỉ nhặt hoa rơi không nỡ hái


trước sau

Type: Phương Phương

Suốt mấy tháng trời họa bì, hao tâm tổn sức, Hoa Diễm Cốt tưởng rằng hôm nay sẽ được ngủ ngon giấc. Vậy mà chẳng ngờ, về tới phủ, vừa đóng cửa phòng thì ngọn đèn sau lưng đã bị thổi tắt.

“Đêm nay, ta không muốn về…”, kẻ lạ gối cằm lên vai nàng, giọng nói kéo dài đầy vẻ lười nhác.

Nghe thấy ngữ điệu quen thuộc này, Hoa Diễm Cốt chợt lạnh dựng tóc gáy.

“Vân Tà!”, nàng quay người lại, dữ dằn quất roi về phía đối phương: “Sao ngươi lại ở đây!”.

Vân Tà một tay giữ lấy chiếc roi trên tay nàng, cười ha hả, ánh trăng xuyên qua tấm rèm cửa sổ, rọi vào khuôn mặt đeo mặt nạ của hắn. Hắn bỡn cợt nói: “Mấy ngày không gặp, lòng nhiệt tình của tiểu nương tử dâng lên như lửa, không lẽ thực muốn giữ ta lại?”.

“Nếu đã tới thì đừng hòng rời khỏi!”, Hoa Diễm Cốt quát lên.

“Ồ!”, thanh âm của Vân Tà kéo ra thật dài, hắn ta cười nói bằng giọng đầy ẩn ý: “Vậy thì hay quá, nàng muốn giữ, mà ta cũng không muốn đi, ta và nàng tình đầu ý hợp, hà tất lãng phí thời gian? Nhân sinh ngắn ngủi, chẳng bằng…”

Đúng lúc ấy, cánh cửa lớn bị bật tung, một đám thị vệ đen thui đứng phía sau Hoa Diễm Cốt. Trông thấy Vân Tà, bọn họ chẳng nói chẳng rằng giơ binh khí trong tay lên xông thẳng vào.

“Chậc, muốn phá đám hay sao!”

Vân Tà vừa hất tay thì đám thị vệ đã bị bay ngược ra sau. Đến khi Hàn Quang đằng đằng sát khí lao tới, thì Vân Tà đã hóa thành đám mây đen bay ra khỏi nóc nhà, chỉ để lại một chuỗi tiếng cười.

“Tiểu Diễm Cốt, nếu nàng đã kén được người rồi, vậy trò chơi sẽ bắt đầu.”

Ánh trăng như sương đêm, thanh âm của hắn từ đằng xa vẳng lại, vang vọng bên tai Hoa Diễm Cốt: “Cứ như chúng ta đã nói với nhau từ trước, lần này nếu nàng thua, ta nhất định sẽ chiếm đoạt nàng!”.

“Hắn ta là ai?”

Hàn Quang lạnh lùng hất tay về hướng Vân Tà vừa biến mất. Lập tức, một toán Cẩm y vệ như hổ sói nhào ra ngoài, khuấy động cả kinh thành yên tĩnh, từng bó đuốc nối đuôi dài, soi sáng rực cả màn đêm.

“Không ngờ hắn ta lại to gan đến vậy, dám bám theo muội về đây”, Hoa Diễm Cốt cắn môi, lo âu một hồi, rồi bất lực than thở: “Đại sư huynh, nếu như huynh và sư phụ gần đây không bận… xin cho muội được bẩm báo một chuyện…”.

Hàn Quang nhíu chặt mày, có chút tức giận quay đầu lại, nói với nàng: “Yêu nước, yêu nhà, yêu sư muội, chuyện của muội cũng là quốc gia đại sự, về sau chớ có lôi thôi như thế nữa. Mau! Mau nói cho bổn đại gia nghe!”.

Hoa Diễm Cốt bèn đem kể hết những chuyện đã xảy ra ở trấn Trầm Hương cho Hàn Quang nghe. Từ Triệu Như Thì tới Cố Triều Huy, từ Cố Triều Huy tới Liên Liên, từ Liên Liên tới Vân Tà, rồi nàng sực nhớ tới Yên Chi.

“Kiều thê hà tất phải ngưỡng mộ mỹ thiếp, Triệu Như Thì tranh đấu với Liên Liên, coi như muội đã thua”, Hoa Diễm Cốt chau mày: “Chỉ là chẳng hay lần này hắn muốn đối phó với Yên Chi tỷ tỷ thế nào…”.

Không giống Triệu Như Thì, yêu lầm người để rồi lỡ cả một đời, Yên Chi không yêu bất kì ai, nàng ta chỉ yêu ngân lượng thôi…

Trong lễ hội thưởng hoa, Yên Chi đã thỏa lòng mong mỏi bán mình với giá cao nhất. Song lại vì Hàn Quang phá đám mà đã bị những kẻ lắm chuyện phong cho một ngoại hiệu: Nương tử bốn lượng.

Tú bà vốn định đổi cái tên khác cho nàng ta, song lại bị nàng ta cười mà cự tuyệt.

“Kinh thành mười mấy hoa khôi, đa phần đều lấy hoa cỏ cầm sắt để đặt tên, song chưa thấy ai lấy vật tầm thường để đặt tên như nô gia”, Yên Chi ngồi trước gương mặc cho hai hầu gái bên cạnh chải tóc cài trâm, hờ hững nói: “Nếu như là độc nhất, nô gia sao lại không cần?”.

“Nhưng cái tên này, quả thực hơi…”, tú bà hết sức khó xử, nếu đổi là người khác ngoan cố không nghe lời, bà ta sớm đã cho một cái bạt tai rồi. Nhưng Yên Chi lại không ký khế ước bán thân với bà ta, chẳng qua là dựng biển ở đây mà thôi, vô cớ đuổi một hoa khôi, bà ta đâu dại làm chuyện ngu ngốc đến vậy.

Yên Chi đột nhiên đứng dậy, y phục mới họa hình hoa hải đường đỏ tầng tầng lớp lớp rũ xuống, như thể cánh hoa đỏ tươi buông lơi nở rộ: “Từ nay trở đi, chỉ có kẻ khác theo đuổi nô gia, chỉ có kẻ khác nghe lời nô gia”.

Nàng ta ngước đầu cao mỉm cười, như thể đang đưa mắt nhìn khắp thế nhân, mà cũng như là đang tự nhủ với chính mình: “Nô gia là nương tử bốn lượng, về sau sẽ xuất hiện nương tử năm lượng, nương tử sáu lượng, nhưng sẽ không xuất hiện nương tử ba lượng… chỉ cần một ngày nô gia còn sống, bọn họ sẽ phải học theo nô gia, nhưng sẽ không bao giờ vượt mặt được nô gia…”.

Lời Yên Chi nói không phải giả.

Trên đời có lắm kẻ có mới nới cũ, đám người lắm tiền kiều thê mỹ thiếp đầy nhà kia chỉ ham mê cái mới, không thì mười dặm phường hoa, ngựa gầy Dương Châu, dựa vào ai mà được nuôi sống chứ?

Thưởng thức cái mới là một chuyện, nhưng nếu không có thủ đoạn, làm sao giữ được khách quen. Hoa khôi năm nào cũng có, nhưng mấy ai giữ được danh hiệu này dài lâu. Trăm hoa đua nở, song chỉ có đào hoàng, ngụy tử (*) xưng hậu, không sợ lụi tàn.

(*) Tên loài hoa thuộc giống Mẫu Đơn.

Yên Chi đã làm được điều đó.

Các lão đương triều Bùi Nguyên Cấp đã qua tuổi cổ lai hy (*), tuy chăm sóc sức khỏe tốt, tóc và râu vẫn còn đấy, nhưng lưng và chân thì xem chừng cũng kém lắm rồi. Vậy mà sau khi vào khuê phòng của Yên Chi, lúc ra về mặt ngập tràn gió xuân, cứ như trẻ ra cả chục tuổi vậy. Gặp ai cũng khen: “Yên Chi kia tuyệt thật đấy… tuyệt thật đấy…”.

(*) Cổ lai hy: ý chỉ bảy mươi tuổi, thường có câu “thất thập cổ lại hy”, ý muốn nói tuổi bảy mươi xưa nay hiếm.

Người ngoài hiếu kỳ, bèn hỏi ông ta: “Tuyệt ở chỗ nào?”.

Bùi các lão chỉ mỉm cười ra vẻ thần bí, im lặng không nói.

Lòng hiếu kỳ của nam nhân cứ hễ trỗi dậy là y như mèo vậy, chưa tới vài ngày bọn họ đều đổ xô tới Vạn Hoa lâu, những mong đích thân tìm hiểu chân tướng. Thế nên sự đời vốn thường hay được đồn thổi, sự tình được truyền đi qua miệng lưỡi thế gian, càng đồn càng bay xa, mà càng đồn thì lại càng thần kỳ. Họ truyền tai nhau rằng, Yên Chi là thần tiên giữ chiếu thư của Bành Tổ (*), hoặc cũng có thể là hồ tiên hóa thân thành người phàm du ngoạn nhân gian.

(*) Bành Tổ: Tương truyền là cận thần bên cạnh Ngọc hoàng đại đế trên thiên cung.

Chân tướng thế nào thì tới nay chưa ai rõ, chỉ thấy ngày càng nhiều kẻ kéo tới Vạn Hoa Lâu.

Trong số ấy cũng không ít kẻ tính tình cổ quái, cố ý làm khó người khác. Chẳng hạn như nam nhân đến Vạn Hoa lâu bỏ ra ngàn vàng để chọn Yên Chi hôm nay, vốn là khách quen của phường hoa ngõ liễu, chỉ là gã ta thường hay lui tới tiểu quan kỹ nằm đối diện. Trong rừng hoa, gã chỉ ưa hoa cúc, những hoa khác dẫu có đẹp nhường nào cũng như không nhìn thấy.

Tú bà biết gã ta sẽ đến để gây rối, nên viện cớ Yên Chi không được khỏe mà khước từ. Song vị đại gia này ra bộ hung hãn, móc từ trong tay áo ra một thỏi vàng, ném xuống dưới chân tú bà, rồi ôm hai nam kỹ tướng mạo tuấn tú, nghênh ngang bước lên lầu.

Mọi người trông thấy gã ta đưa chân đá tung cửa phòng Yên Chi thì không dám thở mạnh, chỉ e một khắc sau đó sẽ phải lao vào cứu mạng.

Vậy mà sau một tuần trà, vị đại gia kia lại đẩy cửa bước ra, vẻ mặt dễ chịu vô cùng, còn kêu xuống dưới lầu rằng: “Tiếp khách kiểu gì vậy hả! Bánh trái trà nước chẳng thấy mang lên, bổn đại gia chịu khát thì không sao, chứ để Yên Chi cô nương chịu khát thì là tội tày trời đó có biết không!”.

Nói đoạn, gã lại ném một thỏi bạc xuống dưới.

Đám khách dưới lầu phấn khích đến nỗi muốn trào nước mắt, kẻ nào kẻ nấy vươn cổ ngóng còn dài hơn cổ ngỗng, hận một nỗi không thể lập tức mọc thêm đôi cánh, quạc quạc quạc… bay vào trong phòng để điều tra ngọn ngành. Rốt cuộc Yên Chi kia đã giở thủ đoạn gì mà hầu hạ chu đáo được vị đại gia này.

Tú bà lệ nhòa khóe mắt, lại hận một nỗi không thể lập tức gọi cả đám cô nương trong thanh lâu lại để khấu đầu theo Yên Chi học nghệ. Nếu bọn họ học được bản lĩnh này, thì còn lo gì đám kỹ nam đối diện giành mối làm ăn. Chỉ ngày mai thôi đã có thể khiến bọn chúng đóng cửa, rồi đám kỹ nam đó sẽ phải cuốn gói khỏi kỹ viện, gặm cỏ sống qua ngày.

Nếu không phải lúc tới Hoa Diễm Cốt vừa hay chạm mặt Yên Chi, chỉ e nàng phải xếp hàng tới mùa xuân năm sau mới gặp được nàng ta.

Yên Chi và Hoa Diễm Cốt kết thân trong hoạn nạn, lại có chung sở thích ăn uống. Khi Hoa Diễm Cốt nhắc tới những lời đồn li kì về nàng ta, Yên Chi chỉ phì cười, cũng không giấu diếm, bèn đem kể hết căn nguyên của sự tình cho Hoa Diễm Cốt nghe.

“Trên đời này đâu lắm chuyện cổ quái li kì như vậy, mọi chuyện chẳng qua đều do con người làm ra mà thôi”, Yên Chi mỉm cười rót trà cho Hoa Diễm Cốt. Lúc rủ mày mỉm cười, trâm cài trên tóc nàng ta rũ xuống một lọn hoa trâm, cánh hoa màu đỏ nhạt áp trên mặt nàng, song hoa chưa đủ sắc để tô điểm cho dung nhan ấy.

Yên Chi đẩy tách trà Long Tỉnh búp non tới trước mặt Hoa Diễm Cốt, rồi cười nói: “Cầm kỳ thi họa, hát ca, nô gia món nào cũng biết, nhưng tiếc là chẳng thứ nào tinh thông. Nếu đem so với tài bảy bước thành thơ của Ngô Cơ bên Xuân Hương lâu, giọng nói hay như hoàng oanh của Lý Tân Hoa bên Lục Hồng Viện, hay là bầy vũ cơ Ba Tư của Vân Ngoại lâu, chỉ e nô gia còn chẳng xứng để xách giày cho bọn họ. Chỉ có điều… thân là một nữ tử, nô gia không cần phải tài hoa như vậy”.

Hai tách trà mới, tỏa rạng hai dung nhan tuyệt sắc.

“Thói đời ganh tỵ, nam nhân cũng vậy thôi, tài hoa của nô gia, không phải là để vượt mặt bọn họ, mà chỉ để mua vui cho bọn họ mà thôi… cứ như Bùi các lão kia, chơi cờ dở tệ, nô gia muốn thắng ông ta chỉ là chuyện đơn giản, nhưng muốn chỉ thắng có một nửa thôi, thì mới hao tổn tâm trí. Cũng may công sức bỏ ra được đền đáp, đêm đó, ông ta được tận hứng, sau khi trở về, gặp ai cũng khen nô gia hay. Hay gì chứ? Hay ở chỗ hiểu lòng người, hay ở tâm trạng của ông ta:, Yên Chi thổi lá trà trong tách, khẽ nhấp một ngụm, cười nói: “Còn những kẻ cố ý đến gây rối, kỳ thực nô gia cũng không còn cách nào, chỉ có thể cố gắng hết sức. Kể như vị đại gia mấy hôm trước tới đây, rõ ràng chỉ thích nam nhân, vậy mà lại chọn nô gia. Ông ta lại chịu bỏ tiền ra mua nô gia, vậy thì nô gia đương nhiên phải nể tiền của ông ta rồi, thôi thì để ông ta tận hứng… Vậy nên, nô gia bèn hẹn ông ta lần sau cùng nhau đi dạo các thanh lâu của những mỹ nam, nhân tiện bình phẩm về nam sắc, cũng vì nể tình đồng chí hướng nên ông ta cũng không làm khó nô gia”.

Hoa Diễm Cốt giờ đây mới rõ tại sao trong kinh thành lại nổi lên một bài đồng dao mang tên: “Nương tử bốn lượng lên ngàn vàng”.

Kinh thành không hiếm hoa khôi, nhưng tận tụy với nghề như Yên Chi thì cơ hồ không có ai. Trong khi những hoa khôi khác nhốt mình trong thanh lâu than thân trách phận, thì Yên Chi sớm đã bạt mạng cho sự nghiệp hoa khôi. Mỹ mạo như kia, lại thêm tính cách liều lĩnh, thử hỏi tiền tài của nàng ta sao lại không dồi dào được chứ?

Sau khi cảm thán, Hoa Diễm Cốt trở lại chuyện chính: “Trong số những khách ghé tới gần đây, có kẻ nào tướng mạo hoặc tính cách kỳ quái hay không?”.

Hoa Diễm Cốt cân nhắc ngôn từ, rồi nói tiếp: “Ví như … nam tử thích đeo mặt nạ, tính tình khó ưa, xong thân hình cao lớn, lưng dắt đao…”.

Hoa Diễm Cốt vốn không ôm hy vọng gì, chỉ muốn nhắc nhở Yên Chi chú ý an toàn. Vậy mà chẳng ngờ, Yên Chi thoáng vẻ trầm ngâm, ngẩng đầu cười một cách cổ quái đáp: “Có”.

“Thật ư?”, Hoa Diễm Cốt giật mình: “Kẻ đó là ai? Có biết hành tung của hắn không?”.

“Thích đeo mặt nạ, tính tình khó ưa, thân hình cao lớn, còn có sở trường dùng đao…”, Yên Chi từ từ giơ một ngón tay thon lên, chỉ vào Hoa Diễm Cốt, bật cười, nói: “Chẳng phải là đại sư huynh của muội hay sao?”.

Hoa Diễm Cốt lặng người nhìn nàng ta.

Yên Chi cười đầy ẩn ý, hai tay từ từ đặt lên vai nàng: “Yên tâm đi, đại sư huynh của muội tuy tính cách dở tệ, người thấy thì hận, quỷ thấy thì hờn, song về phương diện này thì vẫn còn biết giữ mình lắm.. Nếu muội vẫn không yên tâm, nô gia sẽ cho các tỷ muội quen biết giám sát giúp muội, nếu có hành vi khác thường, lập tức gọi muội tới bắt gian”.

“…Không, không cần đâu”, khóe môi Hoa Diễm Cốt khẽ giật: “Yên Chi tỷ tỷ đã hiểu lầm rồi…”.

Nàng còn chưa giải thích xong, thì cửa phòng đã bị người ta đạp tung.

“Nương tử bốn lượng có đây không?”, một nam nhân mặc tướng phục ngông cuồng xông vào, từ đầu chí cuối không xem ai ra gì, ngay cả hai thiếu niên dìu hắn cũng tỏ bộ mặt ngạo mạn.

Hoa Diễm Cốt và Yên Chi đánh mắt nhìn nhau. Sau đó, Yên Chi ung dung đứng dậy, cười mà thưa: “Chính là nô gia, chẳng hay vị công tử này là…”.

“Nghe đồn nương tử bốn lượng thân mang tuyệt kỹ, bất quản đối phương là ông lão tám mươi tuổi hay là ấu đồng tám tuổi, chỉ cần cho tiền, thì đều hầu hạ được cả. Không biết chuyện này có thật hay không?”, nam nhân kia đánh mắt dò xét Yên Chi.

Hắn ta ăn nói bất nhã, song Yên Chi không mảy may bận tâm, chỉ khẽ mỉm cười đáp: “Đúng vậy?”.

“Vậy thì tốt… khiêng vào đây!”, nam nhân kia ngoảnh đầu lại gọi, lập tức hai tên hầu khiêng vào phòng một nam tử.

Nam tử kia cũng mặc tướng phục, song lại nhuốm máu, sắc mặt trắng bệch, không chút hơi thở, rõ ràng là người chết!

“Một ngàn lượng bạc!”, nam nhân kia giơ một ngón tay ra: “Nương tử bốn lượng chịu ngủ cùng ông lão, chịu ngủ cùng nhi đồng, chẳng hay có chịu ngủ cùng người chết hay không?”.

Ngón tay hắn dựng đứng trước mắt Yên Chi.

Nhưng cặp mắt của Yên Chi lại đang nhìn về phía người chết.

Đó là một nam tử chừng ngoài hai mươi, khuôn mặt tuấn tú, tựa như thân trúc đứng độc lập, ngạo nghễ vô cùng. Người ấy nằm lặng dưới đất, như thể đang ngủ trong một vùng lá trúc, thanh nhã động lòng người đến khó tả.

“Sao lại là chàng?” Yên Chi nhìn chằm chằm vào người ấy, giống như trong lễ hội chọn mỹ nhân, chàng ta từng bước tiến đến bên nàng, khoác áo bào lông cáo lên vai nàng.

Buổi đầu gặp gỡ, chỉ nhặt hoa rơi không nỡ hái.

Đến ngày gặp lại, Tướng quân ôn hòa ngày ấy… nay đã chết rồi?

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây