Suốt mùa xuân năm 1934, sau khi tôi đã luyện tập được hai năm, Hatsumono và Mẹ quyết định đã đến lúc cho Bí Ngô làm lễ chính thức trở thành geisha tập sự. Dĩ nhiên không ai nói cho tôi biết chuyện ấy, vì Bí Ngô đã được lệnh không được nói chuyện với tôi, còn Hatsumono và Mẹ thì không đời nào bỏ thì giờ nghĩ đến một việc như thế này. Tôi phát hiện ra việc này là vào một buổi chiều Bí Ngô bỗng ra khỏi nhà, rồi vào lúc chập tối cô ta trở về với mái tóc kiểu của một geisha tập sự - kiểu tóc được gọi là momoware, có nghĩa là “trái đào nứt”. Khi tôi thấy cô ta bước vào nhà, tôi cảm thấy đau đớn vì thất vọng và ganh tị. Cô ta không nhìn tôi, có lẽ cô ta nghĩ rằng việc khởi đầu làm geisha của cô đã tác động mạnh đến tôi. Với mái tóc chải ra sau thành hình một quả cầu từ hai bên thái dương rất đẹp, chứ không buộc lại sau gáy như mọi khi, cô ta trông ra vẻ là một thiếu nữ mặc dù khuôn mặt của cô ta vẫn còn non choẹt. Từ nhiều năm nay, cô ta và tôi thường ganh tị với các cô có mái tóc đẹp như thế. Bây giờ Bí Ngô sắp ra ngoài đời như geisha, còn tôi phải ở lại trong nhà, mù tịt về cuộc sống mới của cô ta. Rồi đến ngày Bí Ngô mặc áo kimono của geisha tập sự lần đầu tiên cùng với Hatsumono đi đến phòng trà Mizuki để làm lễ ràng buộc hai người với nhau như chị em. Mẹ và Dì cũng đi, nhưng tôi thì không được. Tôi chỉ được đứng cùng họ trên hành lang trước nhà cho đến khi Bí Ngô từ trên lầu đi xuống có các chị hầu theo sau. Cô ta mặc chiếc kimono màu đen lộng lẫy, có huy hiệu của nhà kỹ nữ Nitta, và thắt chiếc khăn quàng lưng màu mận và vàng, mặt cô ta được tô trắng lần đầu tiên. Chắc anh nghĩ với đồ nữ trang trên tóc, và đôi môi tô đỏ choét, trông cô ta hãnh diện và xinh đẹp, nhưng tôi thấy cô ta có vẻ lo lắng nhiều hơn. Cô ta đi rất khó khăn vì áo quần lộng lẫy của người geisha tập sự rằng cồng kềnh. Mẹ đưa máy ảnh cho Dì, bảo Dì ra ngoài để chụp ảnh Bí Ngô khi cô được đánh đá lửa sau lưng để cầu may lần đầu tiên. Tất cả chúng tôi ở lại trong hành lang để khỏi bị dính hình vào ảnh. Các chị hầu nắm chặt tay của Bí Ngô trong khi cô xỏ chân vào giày gỗ à chúng tôi gọi là okobo, lọai giày các geisha tập sự thường mang. Rồi Mẹ đến đứng sau lưng Bí Ngô, chụp một tấm ảnh với tư thế như là bà sắp đánh đá lửa, mặc dù trên thực tế lúc nào Dì hay một người hầu làm việc ấy. Khi chụp ảnh xong, Bí Ngô bước ra cửa, đi vài bước rồi quay nhìn lui. Những người khác đều đi ra ngoài với cô ta, nhưng tôi là người cô ta nhìn đến, vẻ mặt cô ta như muốn nói cô rất buồn trước tình thế xoay vần như thế này. Cuối ngày ấy, Bí Ngô có tên geisha mới là Hatsumitjo. Từ “Hat” xuất phát từ Hatsumono và mặc dù tên mới này có thể giúp Bí Ngô hưởng được đôi chút danh tiếng của Hatsumono, nhưng thực tế cô ta không được như thế. Anh biết không, rất ít người biết tên geisha của cô, mà họ cứ gọi cô ta là Bí Ngô như trước. Tôi rất nôn nóng muốn kể cho Mameha nghe chuyện nhập môn của Bí Ngô, nhưng cô ấy trong thời gian vừa qua rất bận rộn công việc, thường đi Tokyo theo lời yêu cầu của ông danna, và kết quả là chúng tôi không gặp nhau gần sáu tháng trời. Thêm vài tuần nữa trôi qua, cô ấy mới cho gọi tôi đến nhà cô ấy. Khi tôi bước vào nhà, chị hầu há hốc mồm sửng sốt, rồi một lát sau, Mameha từ phòng sau bước ra, cô ta cũng há hốc mồm sửng sốt. Tôi không biết cái gì làm cho họ kinh ngạc như thế. Rồi khi tôi quỳ xuống chào họ, nói tôi rất hân hạnh được gặp lại cô ta, thì cô ta không chú ý đến lời chào của tôi mà quay qua nói với chị hầu: - Trời ơi, chị Tatsumi, lâu quá rồi phải không? Tôi đã không nhận ra cô ấy. - Tôi mừng khi nghe cô nói thế, thưa cô – chị Tatsumi đáp – Tôi tưởng mắt tôi bị gì mà tôi không thấy rõ. Khi ấy tôi tự hỏi không biết họ nói với nhau về cái gì. Nhưng rõ ràng trong sáu tháng không gặp nhau, tôi đã thay đổi quá nhiều mà tôi không nhận ra. Mameha bảo tôi quay đầu qua bên này rồi qua bên kia, miệng cứ lặp đi lặp lại “trời ơi, cô ta lớn xồ ra thành thiếu nữ rồi!”, rồi bỗng Tatsumi lôi tôi đứng lên, lôi hai tay tôi giang ra, chị dùng bàn tay đo eo, đo mông tôi rồi nói:
- Tốt rồi, chắc cô mặc kimono vừa văn rồi, và mang vớ cũng vừa rồi – tôi nghĩ chị nói thế là để khen mừng, vì khi chị nói, mặt chị lộ vẻ hân hoan sung sướng. Cuối cùng Mameha sai chị Tatsumi dẫn tôi ra phòng sau, mặc kimono vào cho tôi. Tôi mặc áo vải xanh trắng khi đến đây, chiếc áo tôi mặc đi học sáng nay, nhưng chị Tatsumi đã thay cho tôi chiếc kimono bằng lụa màu xanh đậm, có in hình những chiếc bánh xe nhỏ màu vàng tươi và đỏ. Đây không phải là chiếc kimono đẹp nhất, nhưng khi tôi nhìn vào tấm gương lớn trong khi chị Tatsumi buộc dải thắt lưng màu lục nhạt quanh bụng tôi, tôi thấy ngoại trừ mái tóc thường, tôi có thể xem mình như một nàng geisha tập sự chuẩn bị đi dự tiệc. Khi ra khỏi phòng, tôi cảm thấy tự hào và tôi nghĩ thế nào Mameha cũng há hốc mồm ra mà nhìn, hay có cử chỉ ngạc nhiên. Nhưng cô chỉ đứng dậy, nhét cái khăn nhỏ vào ống tay áo, rồi đi ra cửa, mang đôi hài sơn màu lục vào chân và quay lại nhìn tôi: - Rồi chưa? – cô hỏi – có đi không? Tôi không biết chúng tôi đi đâu nhưng tôi cảm thấy rất sung sướng khi nghĩ đến chuyện được cùng Mameha đi ra phố ọi người thấy. Chị hầu đem ra cho tôi một đôi hài sơn mài có màu xám nhạt. Tôi mang hài vào rồi đi theo Mameha xuống cầu thang âm u. Chúng tôi đi ra đường, một bà già cúi thấp người chào Mameha, rồi bà quay qua phía tôi, bà cũng chào tôi như thế. Tôi ngẩn người sửng sốt vì chưa có ai chú ý đến tôi ở ngoài đường như thế này. Ánh mặt trời chói chang làm tôi hoa mắt, khiến tôi không biết bà ta có quen biết gì với tôi không. Nhưng tôi chào trả trước khi bà ta đi tiếp. Tôi nghĩ có lẽ bà ta là một trong các cô giáo của tôi, nhưng chỉ một lát sau, chuyện như thế lại diễn ra nữa, lần này là một geisha trẻ tôi thường mến mộ, nhưng trước đây chưa bao giờ cô ta nhìn đến tôi. Hình như tất cả mọi người chúng tôi gặp trên đường đều nói đôi lời với Mameha, hay ít ra cũng cúi chào cô, rồi sau đó họ gật đầu hay cúi chào tôi. Nhiều lần tôi dừng lại để chào trả, thành ra tôi đi tụt ra sau Mameha vài bước. Cô ấy thấy tôi đi đứng khó khăn, liền dẫn tôi vào một con hẻm yên tĩnh để dạy cho tôi cách đi. Cô ấy nói rằng tôi đi lúng túng như thế là vì tôi chưa biết cách chuyển động nửa người phía trên riêng rẽ với nửa người phía dưới. Khi tôi chào ai, tôi phải dừng bước. Cô ấy nói: - Chậm bước là cách biểu lộ lòng kính nể rồi. Càng chậm chừng nào càng tỏ ra mình kính nể chừng nấy. Cô có thể dừng lại để chào giáo viên của cô, nhưng đôi với những người khác, đừng có dừng lại làm gì, vì như thế biết khi nào cô mới đi đến nơi. Cô cứ bước chậm lại một chút, sao cho vạt áo kimono phất phơ là được. Khi người đàn bà đi, làm sao cho người ta có cảm giác đấy là làn sóng lăn tăn tỏa vào bờ cát. Tôi đi lui đi tới trong đường hẻm như Mameha đã chỉ dẫn, cô ấy nhìn thẳng vào chân tôi để xem vạt áo kimono có phất phơ hay không. Khi Mameha thấy tôi đã làm được, bấy giờ chúng tôi mới đi ra ngoài đường phố lại. Tôi thấy việc chào hỏi của chúng tôi đều theo một hay hai cách giản dị mà thôi. Khi chúng tôi gặp các cô geisha trẻ, thường thường các cô ấy đi chậm lại hay thậm chí có cô dừng hẳn lại để cúi chào Mameha thật thấp, và Mameha đáp lại bằng vài tiếng chào và gật nhẹ đầu, rồi cô geisha trẻ quay mặt nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, lúng túng cúi chào, tôi phải chào trả, cúi người thấp hơn – vì tôi là người hạng thấp nhất trong số những người tôi gặp. Thế nhưng khi chúng tôi gặp một bà trung niên hay già, Mameha chào trước, rồi bà kia chào trả với vẻ kính cẩn, nhưng không cúi thấp như Mameha và sau đó, bà nhìn khắp người tôi rồi gật nhẹ đầu. Tôi luôn luôn đáp lễ bằng cách cúi người thật thấp trong khi hai chân vẫn bước. Chiều hôm đó tôi kể cho Mameha nghe chuyện nhập môn của Bí Ngô, và mấy tháng sáu đó, tôi cứ mong sao cho cô ta nói đã đến lúc tôi bắt đầu tập sự làm geisha. Thế nhưng mùa xuân qua, rồi mùa hè đến, tôi vẫn không nghe cô ấy nói gì hết. Trái với cuộc sống hấp dẫn của Bí Ngô, tôi chỉ biết học tập và làm việc nhà, cũng như gặp Mameha chừng 15, 20 phút vào những buổi chiều khác trong tuần. Thỉnh thoảng tôi ngồi trong nhà cô ấy để nghe cô dạy những điều tôi cần biết, nhưng phần nhiều cô bảo tôi mặc áo kimono của cô rồi dẫn tôi đi khắp quận Gion, khi thì đi làm những việc lặt vặt, khi thì ghé vào nhà của người bói toán, khi thì đến tiệm người làm tóc giả. Thậm chí khi trời mưa, và cô ấy không có việc gì làm ngoài phố, chúng tôi cũng chống dù để đi từ tiệm buôn này đến nhà hàng khác để xem khi nào có loại nước hoa từ Ý nhập vào, hay là hỏi xem chiếc kimono sửa xong chưa, mặc dù kỳ hạn người thợ nhận sửa chưa đến ngày. Mới đầu, tôi nghĩ có lẽ Mameha dẫn tôi đi như thế để cô ấy có thể dạy cho tôi nhiều chuyện như tư thế đi đứng cho đúng cách – vì cô ấy thường lấy quạt đánh vào lưng tôi để sửa dáng đứng của tôi cho thẳng hơn – và dạy cách xử thế với mọi người. Mameha hình như quen biết với tất cả mọi người, và luôn luôn dừng lại để cười chào họ, chúc tụng họ, thậm chí cả với những người hầu hèn hạ nhất, vì cô ấy cho rằng chính nhờ những người này cô ấy mới được cao sang, mới được nhiều người trọng vọng. Nhưng một hôm khi chúng tôi từ trong một tiệm sách bước ra, bỗng tôi nhận ra ý nghĩa của công việc cô ấy làm trong bấy lâu nay. Thật ra, cô ấy quan tâm đến việc đi đến tiệm sách hay đến tiệm người làm tóc giả, hay là đi đến tiệm người bán văn phòng phẩm. Việc đi mua sắm lặt vặt không phải là việc quan trọng, vả lại, cô ấy có thể sai gia nhân đi mua lúc nào không được. Cô ấy chỉ đi như thế cốt để ọi người ở Gion thấy chúng tôi đi với nhau trên phố. Cô ấy trì hoãn ngày nhập môn cho tôi là để mọi người có thì giờ chú ý đến tôi thôi.
Vào một buổi chiều tháng mười nắng ráo, chúng tôi ra khỏi nhà của Mameha, đi dọc theo bờ con suối Shirakawa, nhìn lá hoa anh đào rơi bay phất phới trên mặt nước. Rất nhiều người khác đi dạo như chúng tôi, và chắc chắn cũng đoán được là tất cả mọi người đều chào hỏi Mameha. Hầu như người nào chào Mameha, họ cũng đều chào tôi. - Cô thấy cô cũng được mọi người biết hết không? – Cô ta hỏi. - Em nghĩ, nếu con cừu mà đi theo người đẹp Mameha, người ta cũng chào nó. - Đem cô so với cừu thì cũng lạ đấy. Nhưng thực ra tôi đã nghe nhiều người hỏi về cô gái có cặp mắt xám xinh đẹp. Họ không biết tên cô, nhưng chuyện này chẳng quan trọng. Dù sao thì người ta cũng sắp hết gọi cô là Chiyo rồi. - Có phải cô Mameha muốn nói… - Tôi muốn nói tôi đã hỏi ông Waza – đây là tên ông thầy bói của cô – ông ta cho biết ngày mùng ba tháng 11 là ngày tốt để làm lễ nhập môn cho cô. Mameha dừng lại nhìn tôi vì tôi đứng sững như trời trồng, cặp mắt mở to bằng cái bánh tráng. Tôi không reo lên hay vỗ tay, nhưng tôi quá sung sướng đến nỗi nói không lên lời. Cuối cùng tôi cúi chào Mameha và cám ơn cô ấy. - Cô sẽ thành một geisha xinh đẹp – cô ấy nói – nhưng nếu cô biết dùng con mắt để nói lên tư tưởng của mình thì chắc cô sẽ thành một geisha tuyệt vời hơn nữa. - Em không biết dùng con mắt để biểu lộ tư tưởng ra sao.
- Con mắt là cơ quan biểu cảm nhất trên thân thể người ta. Nhất là cặp mắt của cô. Cô hãy đứng dậy để tôi chỉ cho cô thấy. Mameha đến góc đường, để tôi đứng yên một mình trên con đường hẻm. Một lát sau cô ta đi tới, đi qua trước mặt tôi, mắt nhìn sang một bên. Tôi có cảm giác cô ấy sợ có chuyện gì xảy ra nếu cô nhìn về phía tôi. - Nếu cô là đàn ông, cô sẽ nghĩ gì? – cô ta hỏi. - Em nghĩ là cô lo đến chuyện tránh né em nên cô không nghĩ đến chuyện gì hết. - Có khả năng tôi nhìn vào các vòi nước nằm dọc theo nền nhà không? - Cho dù cô nhìn vào đấy thì em vẫn nghĩ cô tránh để khỏi nhìn vào em. - Chính đấy là điều tôi đề cập đến. Cô gái nào có nét nhìn nghiêng đẹp thì đừng bao giờ “cố tình” dùng nó để biểu lộ sự bất bình của mình cho đàn ông thấy. Nhưng đàn ông sẽ nhìn vào mắt cô và tưởng cô nói với họ cái gì đấy bằng mắt, mặc dù cô không nói. Bây giờ cô hãy nhìn tôi lần nữa. Mameha lại đi đến đầu góc đường rồi đi quay lại về phía tôi, nhưng lần này mắt cô nhìn xuống đất, cô đi với thái độ mơ mộng. Rồi khi đi đến gần tôi, mắt cô ấy ngước lên nhìn tôi một lát rồi vội vã quay đi. Phải nói là tôi cảm thấy như bị điện giật, nếu tôi là đàn ông chắc tôi nghĩ rằng cô ấy quá xúc động, phải quay mắt đi để che giấu cảm xúc. - Nếu tôi nói lên được điều gì với đôi mắt bình thường của tôi – cô ấy nói với tôi – thì chắc cô còn nói được nhiều hơn nữa bằng đôi mắt của cô. Nếu cô dùng mắt để làm cho đàn ông hồn xiêu phách lạc, xỉu ngay tại đây trên đường, chắc tôi cũng không ngạc nhiên. - Cô Mameha, nếu em có khả năng làm cho đàn ông hồn xiêu phách lạc, em nghĩ em sẽ sẵn sàng làm ngay cho cô xem. - Tôi cam đoan cô làm được. Được rồi, ta thỏa thuận như thế này nhé, nếu cô dùng mắt để chặn được một người đàn ông đang đi trên đường, tôi sẽ làm lễ nhập môn cho cô ngay.
Tôi rất nóng lòng được làm lễ nhập môn, đến nỗi nếu Mameha thách tôi dùng mắt nhìn cho cây đổ xuống, e tôi cũng cố sức làm. Tôi yêu cầu cô ấy đi với tôi trong khi tôi thử với vài người đàn ông, cô ấy chịu liền. Người đầu tiên tôi gặp là một ông già rất già, đến nỗi trông ông ta như cái áo kimono bọc xương. Ông ta chống gậy đi chầm chậm trên đường, cặp kính lấm bụi lờ mờ đến nỗi nếu ông ta đi va vào góc nhà chắc cũng không làm tôi ngạc nhiên. Ông ta không chú ý gì đến tôi cho nên chúng tôi đi tiếp đến đại lộ Shijo. Chẳng bao lâu sau tôi thấy hai thương gia mặc âu phục, nhưng tôi cũng không gặp may. Tôi nghĩ họ đã nhận ra Mameha. Hay có lẽ họ cho cô ấy đẹp hơn tôi, vì họ không rời mắt khỏi cô ấy. Tôi sắp bỏ cuộc thì tôi thấy một thanh niên khỏang 20 tuổi làm công việc đi giao hàng, anh ta đang bê một cái khay chất đầy các hộp đựng cơm trưa. Vào thời ấy, một số nhà hàng ăn uống ở Gion bán cơm hộp giao tận nơi, và vào buổi chiều họ ột thanh niên đi lấy hộp không về. Thường thường hộp được chất vào cần xé rồi người đi lấy hộp hoặc là xách trên tay hoặc là buộc vào xe đạp. Tôi không hiểu tại sao anh thanh niên này lại dùng cái khay. Nhưng anh ta đã đến gần rồi, đang đi về phía tôi. Mameha nhìn anh ta và nói với tôi: - Làm cho anh ta rớt khay đi. Tôi đang phân vân không biết có phải cô ấy nói đùa không, thì bỗng cô đi rẽ sang con đường bên cạnh. Tôi không tin một cô gái 14 tuổi – hay một phụ nữ bằng tuổi tôi, lại có thể dùng cách nhìn một thanh niên để cho anh ta làm rớt vật đang cầm trên tay, tôi nghĩ việc như thế này chỉ xảy ra trên màn ảnh hay trong tiểu thuyết mà thôi. Nếu hôm ấy tôi không thấy được hai điểm đáng lưu ý thì chắc tôi đã bỏ cuộc không thử làm gì. Trước hết anh thanh niên nhìn tôi hau háu như con mèo thấy chuột, và điểm thứ hai, hầu hết đường xá ở Gion không có lề đường, nhưng con đường tôi đang đi thì lại có, và anh chàng giao hàng đang đi giữa đường, không xa lề đường mấy. Nếu tôi tìm cách ép anh ta, thế nào anh ta cũng phải đi lấn vào lề đường rồi ép vào lề và làm cái khay rớt xuống. Tôi cúi xuống nhìn dưới đất trước mặt tôi, cố bắt chước như Mameha đã làm lúc nãy. Rồi tôi ngước mắt lên nhìn vào mặt anh ta một lát, đoạn quay mắt đi. Sau vài bước, tôi lại làm như thế một lần nữa. Lần này anh ta nhìn tôi đăm đăm, quên phứt cái khay trên tay, cũng như quên phứt lề đường dưới chân. Khi đến gần anh ta, tôi đi vào bên trong, đến gần sát bên anh đến nỗi anh ta không thể tiếp tục đi thẳng mà phải lấn vào để tránh đường, vừa đi vừa nhìn tôi, thế là anh ta vấp phải lề đường, té xuống một bên và làm rớt cái khay, các hộp đựng đồ ăn văng tung tóe ra. Tôi không làm sao khỏi cười cho được! Và tôi vui mừng thấy anh chàng thanh niên kia cũng cười. Tôi giúp anh ta lượm hộp lên, cười mỉm với anh trước khi anh cúi chào, anh cúi thật thấp, thấp hơn bất kỳ người đàn ông nào cúi chào tôi trước đó, rồi anh ta đi tiếp. Một lúc sau tôi gặp Mameha, cô ấy thấy hết. Cô ta nói: - Tôi nghĩ bây giờ cô em đã sẵn sàng để làm lễ nhập môn như lòng mong mỏi bấy lâu của cô rồi. Nói xong, cô ấy dẫn tôi đi qua đại lộ chính, tới nhà của ông Waza, thầy tướng số của cô, yêu cầu ông ta chọn ngày tốt để làm lễ nhập môn, cũng như đến đền để cáo lễ trước thần linh, định giờ để làm tóc, cũng như định giờ để tổ chức nghi lễ cho tôi và Mameha kết làm chị em. Đêm đó tôi không ngủ được. Điều mà tôi ao ước từ lâu nay cuối cùng đã đến khiến lòng tôi rạo rực biết bao! Nghĩ đến chuyện mặc áo đẹp mỹ miều và ra mắt trước mặt các ông ở trong phòng là đủ làm cho lòng bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi cảm thấy bải hoải chân tay. Tôi tưởng tượng tôi đang ở trong phòng trà, mở cửa căn phòng trải thảm rơm. Đàn ông quay đầu nhìn tôi, và dĩ nhiên tôi thấy ông Chủ tịch trong số họ. Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng chỉ có mình ông trong phòng, không mặc âu phục mà mặc nhật phục như đàn ông thường mặc vào buổi tối để nghỉ ngơi thư giãn. Ông bưng tách rượu sake, mấy ngón tay láng lẩy như gỗ đánh bóng, và điều tôi mong muốn nhất trần đời là được rót rượu cho ông trong khi ông ngước mắt nhìn tôi, bốn mắt gặp nhau. Tôi chưa quá 14 tuổi, nhưng tôi thấy mình như đã sống hai cuộc đời. Cuộc đời thì chưa bắt đầu, nhưng cuộc đời cũ thì đã chấm dứt rồi. Ngày ấy khi nhận được tin buồn từ gia đình, tâm hồn tôi lạnh lẽo như cảnh tuyết phủ vào mùa đông. Còn giờ đây vào cái đêm trước ngày làm lễ nhập môn, tâm hồn tôi như một vườn hoa đang bắt đầu đơm hoa kết trái, và giữa mảnh vườn ấy hiện ra một bức tượng. Đó là hình ảnh nàng geisha mà tôi ao ước.