Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

26: Tiến quân gia định (2)


trước sau







Lại nói, Giang Phong cảm thấy trong người có gì đó khác lạ, liền tĩnh tâm định thần, cố tìm xem cảm giác đó là gì. Sau một hồi lâu, Giang Phong chợt cảm thấy nơi bụng nóng dần lên. Cái gì thế nhỉ ? Chăm chú theo dõi cả nửa ngày, Giang Phong mới cảm giác được dường như có một khối khí nóng di chuyển bên trong bụng. Tình tiết này có vẻ rất quen. À phải rồi, nội lực chăng ? Trong các truyện võ hiệp hay xuất hiện tình tiết này. Chẳng lẽ vô tình ăn phải kỳ trân dị bảo gì đó nên có được nội lực chăng ? Không lẽ nào ? Việc ăn uống của Giang Phong được chúng thủ hạ lo liệu kỹ lắm mà. Dù sao cũng phải thử mới được.



Nghĩ gì là làm ngay, Giang Phong gọi chúng thủ hạ đến phân phó công việc, rồi bế quan. Trước đó không quên mang theo các bản đồ kinh mạch huyệt đạo và các sách y học. Giang Phong vốn không rành mấy thứ này, cần có sẵn sách vở để nghiên cứu.




Nhớ lại xem, các cao thủ thường dẫn nội lực vào các kinh mạch, xung phá huyệt đạo. Giang Phong liền treo mấy bản đồ kinh mạch lên trước mặt, rồi tưởng tượng, đúng, tưởng tượng luồng khí nóng đi vào một mạch nào đó. Giang Phong không biết vận khí, cũng chẳng biết luyện công, chỉ có thể tưởng tượng thôi.



Tưởng tượng, rồi tưởng tượng, …



Ba tháng sau …



Giang Phong xuất quan, thần thái đã khác hẳn trước kia. Khác như thế nào ư ? Do Giang Phong bế quan suốt ba tháng, không đi đâu, nên nước da trở nên trắng trẻo hơn trước kia. Chỉ có vậy thôi. Trong quá trình ‘tu luyện’, Giang Phong chỉ tưởng tượng, rồi tưởng tượng, vậy mà không ngờ lại có hiệu quả. Luồng khí nóng đó cuối cùng cũng chịu theo ý nghĩ của Giang Phong mà vận chuyển theo các kinh mạch, dần dần xung phá các huyệt đạo, mỗi ngày một ít. Sau hai tháng công phu, luồng khí nóng đó đã đi hết một vòng kinh mạch, có lẽ đó là vận chuyển chu thiên trong võ học chăng ? Chỉ đáng tiếc, ở trong người Giang Phong, nó vận chuyển được một vòng lại mất đi một ít, và rồi đến giờ đã không còn tí nào nữa. Giang Phong rất ngạc nhiên, và cũng có hơi thất vọng. Theo trong truyện võ hiệp, đúng ra mỗi vận chuyển một vòng lại tăng thêm một ít mới phải chứ. Đằng này nó mất đi, mà cơ thể Giang Phong cũng chẳng thấy có gì thay đổi cả, trừ điều đã nói ở trên. Mà thôi, nó mất rồi thì sau này Giang Phong không cảm thấy khó chịu nữa. Thôi đành vậy. Dù trở thành võ lâm cao thủ, đối với Giang Phong cũng chẳng mấy ích lợi. Có vị quân chủ nào lại đi hành hiệp trượng nghĩa đâu. Thượng giả lao tâm, hạ giả lao lực. Giang Phong không cần đích thân làm gì cả. Nếu không, còn cần thủ hạ làm gì.



Và giờ đây, Giang Phong đã đoán được rằng luồng khí nóng trong người đó là hậu quả của quá trình xuyên việt. Ngoài ra, không còn cách giải thích hợp lý nào khác. Không biết nó có lợi hay có hại, mất đi lại càng tốt. Đỡ mất công lo lắng bất an.



Lúc này đã giữa mùa hạ. Khí hậu hải dương nên cũng không nóng lắm. Trong số các thủ hạ thân tín của Giang Phong, giờ chỉ còn lại Quảng Tế Pháp sư là có mặt ở An Phú Thành. Cát Ti thì lo chỉ huy các thương đội. Triệu Phong thì ở Gia Định. Đinh An Bình bận lo xuất chinh bắt tù binh về làm khổ công. Quảng Tế Pháp sư hay tin Giang Phong xuất quan, vội đến nghênh đón. Giang Phong nghe Quảng Tế Pháp sư báo cáo những việc xảy ra trong mấy tháng qua.



Đầu tiên là vấn đề Giang Phong quan tâm nhất, việc tiến quân Gia Định, Định Hải Tướng quân Triệu Phong hoàn thành trên cả mong đợi. Chỉ mất chưa đầy một tháng, kể cả thời gian di chuyển, Định Hải nhất sư đã bình định xong hai vùng Gia Định và Hà Tiên. Giang Phong có hơi ngạc nhiên về tốc độ, nhưng rồi cũng không lấy làm lạ, vì nhớ đến Nguyễn Hữu Cảnh chỉ suất lĩnh một toán quân vào bình định phương nam; và Mạc Cửu chỉ suất lĩnh vài nghìn quân dân, không những đã có thể kiểm soát toàn vùng Hà Tiên, mà lại còn giúp đỡ vua Chân Lạp chống giặc, được tặng thêm đất đai. Trong khi đó, Triệu Phong thống suất đến 1 vạn quân tinh nhuệ, có thêm một số chiến hạm của Nam Dương Hạm đội hỗ trợ, chiếm lĩnh các vùng bên cạnh sông, biển không thành vấn đề. Hiện tại bọn họ đang lo xây dựng quận trị tại nơi Giang Phong đã chỉ định. Quận trị Hà Tiên đóng ở gần các khu núi đá vôi, sau này sẽ là nơi đặt các công xưởng sản xuất thạch nê cung cấp cho toàn vùng, tức là khu vực Kiên Lương ngày nay. Còn quận trị Gia Định đóng ở một cù lao, cách không xa khu đồi mà Giang Phong định kiến tạo cung điện. Vị trí đó cũng tức là khu vực Quận 4 ngày nay, sẽ được Giang Phong cho xây dựng thành thương cảng. Ở đó, sau này có Cảng Sài Gòn rất phát đạt, Giang Phong không tin rằng Cảng Gia Định sẽ không phồn vinh.




Quảng Tế Pháp sư lo việc thiết lập quận huyện cho các tỉnh, giờ cũng đã xong. An Phú Tỉnh nhiều nhất, có 7 quận, 72 huyện. Lã Tống tỉnh có 5 quận 54 huyện. Các tỉnh còn lại cũng đều có từ 4 đến 6 quận, mỗi quận có từ 7 đến 12 huyện. Quảng Tế Pháp sư theo ý Giang Phong không chia các quận quá nhỏ. Các triều đại phong kiến chia Đại Việt thành tỉnh (hay lộ, trấn), phủ, huyện; mà trong đó mỗi tỉnh chỉ có 2, 3 phủ, mỗi phủ chỉ có 2, 3 huyện. Chia như thế có cấp phủ thật dư thừa. Dù là một tỉnh lớn, có đến 8, 9 huyện, chẳng lẽ quan tỉnh không quản lý nổi. Bên Tàu họ chia một tỉnh thành hơn chục phủ, hơn trăm huyện mà vẫn quản lý được đấy thôi. Chẳng lẽ quan lại bên Tàu giỏi hơn quan lại người Việt hay sao ? Nếu có quan viên nào quản lý không nổi, đó là vấn đề năng lực, Giang Phong sẽ cách chức và thay ngay. Hiện tại, kể luôn Gia Định tỉnh, bọn Giang Phong kiểm soát 15 tỉnh, tổng diện tích đất liền hơn 110 vạn kilômét vuông, dân số ước khoảng 500 vạn người; diện tích lãnh thổ gấp 10 Đại Việt, trong khi dân số chỉ gấp đôi, đúng là đất rộng người thưa.



Phân chia quận huyện, thiết lập quan chức, đương nhiên cũng phải có pháp luật kèm theo. Ngoài bộ ‘Hình luật’ dựa theo pháp luật của Đại Việt, bọn Quảng Tế Pháp sư còn dựa vào đề cương của Giang Phong mà cho ra ‘Thương luật’, ‘Công luật’, và ‘Thuế luật’. Tuy vẫn còn rất đơn giản, nhưng trước mắt cũng tạm đủ dùng. Luật thuế lại còn chia dân chúng thành ba loại đối tượng với các mức thuế suất khác nhau. Thần dân người nào có thể nói viết được ‘Thiên tự’ thì hưởng mức thuế thấp nhất; không nói được thì phải chịu mức thuế cao hơn. Ngoại kiều phải chịu mức thuế cao nhất, tương đương với mức thuế của các nước trong vùng. Giang Phong cho thực hiện giáo dục miễn phí, trường học được mở khắp nơi, ai không chịu học thì ráng chịu.



Đinh An Bình nhiều lần xuất chinh Sula, vùng duyên hải gần như bình định xong, giờ đây lại chuyển sang quần đảo Maluku bên cạnh. Do lực lượng không đủ nên bọn họ không tiến sâu vào nội địa. Số lượng khổ công ở Lã Tống đã tăng lên đến 10 vạn, bên Gia Định cũng có 3 vạn. Giang Phong cau mày nói :



- Khổ công nhiều như thế, sau này khi trả tự do, thu xếp việc làm cho bọn họ cũng mệt đấy.



Khổ công sau khi làm việc một thời gian, nếu thái độ tích cực sẽ được trả tự do, và còn được bố trí nơi ở và việc làm. Nhờ đó mà bọn họ ít chống đối, và đều hy vọng vào tương lai sẽ có cuộc sống khá hơn. Quảng Tế Pháp sư nói :



- Đại nhân. Bọn thuộc hạ đã đặt ra chính sách cho khổ công. Nếu làm việc đủ 3 năm, thái độ tích cực sẽ được trả tự do, được cấp nhà ở và tìm cho việc làm. Sau này chúng ta sẽ đưa bọn họ đi mở các khu định cư mới.




Giang Phong nói :



- Cung cấp vũ khí cho các quận huyện tự thành lập địa phương quân. Mỗi huyện 30, mỗi quận 200, mỗi tỉnh 1.000 chắc cũng đủ tự bảo rồi. Khi nào địa phương quân thành lập xong, để lại Định Hải tam sư một nửa trấn giữ Lã Tống, một nửa trấn giữ Puni. Còn Định Hải nhất sư và Định Hải nhị sư đều đưa đến Gia Định.



Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ. Giang Phong lại nói :



- Được rồi. Hãy chuẩn bị. Ta sẽ đến Gia Định.



Sau đó mấy ngày, Giang Phong lên Nam Dương Hạm đội đi sang Gia Định, đương nhiên Quảng Tế Pháp sư cũng đi theo. Lão là người quản lý các tài sản của Giang Phong. Đi trên chiến hạm, điều kiện sinh hoạt cũng rất tốt. Giang Phong chỉ không hài lòng tốc độ của nó. Thời hiện đại, các thuyền buồm còn chạy được 12 – 16 hải lý mỗi giờ; nhiều người đóng thuyền buồm theo đúng mô hình thời cổ, vẫn có thể chạy được 10 hải lý mỗi giờ; trong khi đó các chiến hạm của Nam Dương Hạm đội chỉ chạy được 7 – 10 kilômét mỗi giờ, chỉ nhanh hơn đi bộ một chút, nếu thuận gió hay dùng thêm chèo thì mới nhanh hơn. Do đó, đi từ An Phú sang Gia Định cũng phải mất hơn 8 ngày. Thái Học Viện đang nghiên cứu cải tiến theo lệnh của Giang Phong, nhưng tạm thời chưa có kết quả.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây