Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

75: Đến gia định thành


trước sau







Thương thuyền tốc độ không nhanh, lại chở nặng, nên mất khoảng 10 ngày mới đến được khu vực Long Sơn. Đi dọc theo bờ biển, từ Hội An Thành (Đà Nẵng ngày nay) đến Long Sơn huyện (Vũng Tàu ngày nay) ước khoảng 1.000 kilômét, do không có nhiều gió nên thuyền chỉ đi được khoảng 100 kilômét mỗi ngày (tính ra chỉ hơn 4 kilômét mỗi giờ, là tốc độ thông thường của các thuyền buồm thời bấy giờ).



Ở tận cùng mũi đất nhô ra ngoài biển của Long Sơn huyện có một pháo đài với nhiều khẩu thần công cỡ lớn, để kiểm soát vịnh Long Sơn, nơi cửa biển của sông Gia Định. Mọi hải thuyền lớn nhỏ muốn vào sông Gia Định đều phải ghé cảng Long Sơn, đến Hải quan ty xin giấy phép xuất nhập quan khẩu. Gia Định là kinh đô của Thần Thánh Đế quốc, nên được kiểm soát nghiêm ngặt hơn những nơi khác.



Thuyền tiến vào vịnh Long Sơn. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đứng bên ngoài khoang thuyền xem phong cảnh. Thuyền bè ra vào tấp nập, quang cảnh nhộn nhịp khiến cả hai đều kinh ngạc. Nhất là khi nhìn rất nhiều thuyền lớn có đến 6, 7 cột buồm, dài hơn 10 trượng, cả hai đều phải thán phục sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc. Đại Việt xưa nay chưa bao giờ có được cảnh này.



Đột nhiên, Trần Nguyên Hãn chỉ về một hướng, bật kêu lên thảng thốt :



- Nhìn kìa !




Nguyễn Trãi vội quay nhìn về hướng đó, và cũng giật mình thất sắc. Trước mắt hai người họ là một chiếc thuyền khổng lồ, thật lớn, cực kỳ lớn, vô cùng lớn. Thuyền của bọn họ ở bên chiếc thuyền đó, chênh lệch quá lớn. Lão thương nhân đang đứng gần đó, thấy hai người như thế, vuốt râu cười nói với vẻ tự hào :



- Đó là Thất Tinh cấp vận hạm, phụ trách vận chuyển lương thực, khí giới cho quân viễn chinh ở Kim Lăng. Thuyền dài 50 trượng, rộng 18 trượng, cao 2 trượng, tải trọng khoảng 1 ức rưỡi cân. Hải quân của Đế quốc còn có Lục Tinh cấp chiến hạm lớn hơn nữa. Và ta còn nghe nói các vị Học sĩ ở Thái Học Viện đang nghiên cứu chế tạo Ngũ Tinh cấp chiến hạm.



Hầu như bất cứ thần dân nào của Đế quốc, khi nhìn thấy những chiến hạm khổng lồ như thế đều cảm thấy tự hào, nhất là khi giới thiệu nó với người lạ. Bọn Nguyễn Trãi liền nhân cơ hội đó, hỏi han về Thần Thánh Đế quốc, về Gia Định Thành.



Khi thuyền cập vào Long Sơn cảng, lão thương nhân bảo :



- Chúng ta ở lại thuyền, đừng lên bến. Thuyền chỉ ghé vào đây giây lát để xin giấy phép xuất nhập quan khẩu, rồi sẽ đi ngay. Đến chiều chúng ta sẽ có thể nghỉ ngơi ở Gia Định Thành rồi.



Nói đến đây, lão chợt vuốt râu tán thán :



- Gia Định Thành là tòa thành tuyệt vời nhất trên thế gian. Trường Thanh Cung cũng là cung điện vĩ đại nhất trên thế gian. Khi nghỉ hưu, ta nhất định sẽ đến Gia Định Thành sinh sống, an dưỡng tuổi già. Ta đã xin được giấy phép định cư ở Gia Định rồi.



Nguyễn Trãi ngạc nhiên hỏi :



- Muốn sinh sống ở Gia Định Thành cũng phải xin phép nữa sao ạ ?



Lão thương nhân vuốt râu cười nói :



- Đương nhiên. Bất kỳ ai muốn định cư ở Gia Định Thành đều phải xin phép. Người lạ sau khi xin phép nhập thành đều chỉ được ở lại không quá nửa tháng. Nếu quá hạn, có lý do chính đáng thì có thể xin gia hạn, bằng không, khi bị phát hiện sẽ bị tống giam đó.




Thuyền chỉ ghé lại Long Sơn cảng ước khoảng nửa canh giờ, sau khi nhân viên của Hải quan ty lên thuyền tra xét xong thì nhổ neo tiếp tục khởi trình, hướng vào sông Gia Định. Trên mặt sông, thuyền bè đi lại tấp nập, thuyền lớn thuyền nhỏ đủ cả. Thủy thủ trên các thuyền có rất nhiều dân tộc, cho thấy thuyền đến từ nhiều địa vực khác nhau.



Đến chiều, thuyền cập cảng Gia Định. Cảng nằm ngay cạnh một khu thương mại sầm uất, trên bến dưới thuyền, cảnh mua bán náo nhiệt vô cùng, hàng hóa xuất nhập liên tục, có gốm sứ, tơ lụa, trà diệp, hương liệu, thủ công mỹ nghệ, lâm sản, hải sản, … Hàng hóa chủng loại phong phú và nhiều vô kể.



Thuyền cập cảng. Trong lúc chúng thương nhân lo tìm đối tác tiến hành mua bán thì Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn tiến thành.



Gia Định Thành được xây dựng sau khi Trường Thanh Cung đã hoàn công, chu vi 100 dặm (tức 40 kilômét, rộng hơn thành Bắc Kinh vốn chỉ có chu vi 24 kilômét), cao 4 trượng, dày từ 4 đến 5 trượng (trên đỉnh và dưới chân tường), cứ cách 50 trượng có một pháo đài, bố trí thần công đại pháo. Thành được xây hoàn toàn bằng gạch và thạch nê, bên trong có cốt sắt (chứ không đắp bằng đất giống như thành Thăng Long; hoặc chỉ có lớp đá mỏng, dày khoảng 0,7 mét ở mặt ngoài như thành Tây Đô của nhà Hồ). Bên ngoài có hộ thành hà rộng 10 trượng, sâu ước 2 trượng. Thành môn quy hô hùng vĩ, thành lâu tráng lệ huy hoàng. Đứng trước thành môn, bọn Nguyễn Trãi không khỏi choáng ngợp, thầm nhủ rằng trên thế gian không có tòa thành nào vĩ đại hơn Gia Định Thành. Trần Nguyên Hãn cảm thán :



- Thật là một tòa thành vĩ đại !



Thăng Long Thành tuy là tòa thành lớn nhất Đại Việt, nhưng so với Gia Định Thành thì giống như huyện thành so với kinh thành - không thể so sánh.



Sau khi trình ‘thông hành chứng thư’ bọn Nguyễn Trãi được thủ thành sĩ binh chỉ đường đến Chính vụ ty đăng ký tạm trú, sau đó cả hai nhập thành. Đi qua thông đạo dưới thành môn, bọn Nguyễn Trãi kinh ngạc khi phát hiện phố thị không chật chội như ở Thăng Long. Đại lộ chính rộng 20 trượng. Những đại lộ nhỏ hơn rộng 10 trượng, 15 trượng ngang dọc như bàn cờ. Xen giữa là những đường phố nhỏ hơn, chỉ rộng 5 trượng, cắt ngang qua các đại lộ. Mặt đường bằng phẳng và sạch sẽ. Phố xa phồn hoa, náo nhiệt nhưng không hề hỗn loạn. Dân chúng sống trong những tòa nhà xây bằng gạch, cao 2, 3 tầng, chỉnh tề sang trọng. Trong thành không hề nhìn thấy những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, cũng không có những con hẻm nhỏ tối tăm của dân nghèo, mà vẫn thường được gọi là bần dân khu.



Trong lúc Nguyễn Trãi mãi ngắm nhìn phố xá, Trần Nguyên Hãn giục :



- Chúng ta đến Chính vụ ty trước đã.



Nguyễn Trãi gật đầu khen phải. Thế là cả hai theo hướng dẫn của sĩ binh ở thành môn mà tìm đến Chính vụ ty. Ở đó, cả hai được quan viên hướng dẫn điền vào một biểu mẫu xin tạm trú, in dấu tay đầy đủ, rồi được cấp giấy phép tạm trú nửa tháng. Sau đó, cả hai hỏi thăm đường, tìm khách sạn thuê phòng nghỉ lại. Ở Thần Thánh Đế quốc, chỉ có khách sạn chứ không có khách điếm.



Sau đó, cả hai bắt đầu đi dạo, tham quan Gia Định Thành, mà mục tiêu đầu tiên là Trường Thanh Cung. Dù không thể vào bên trong, nhưng đi dạo bên ngoài cũng đủ thấy sự vĩ đại của nó. Tường thành của cung điện có chu vi 40 dặm (tức 16 kilômét), quy mô hùng vĩ hơn cả Thăng Long Thành. Giờ đây, cả hai mới nhận thấy lời nói của lão thương nhân trên thuyền quả không sai. Trên thế gian khó tìm được một cung điện nào khác vĩ đại hơn Trường Thanh Cung.








Trong lúc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đi dạo bên ngoài thì Giang Phong ngự trong Tử Tiêu Điện xem báo cáo về những hành động của hai người bọn họ thời gian qua. Do được Lý Tử Tấn tiến cử, Quảng Tế Pháp sư rất trọng thị hai người bọn Nguyễn Trãi, và đã chỉ thị Ám bộ theo dõi hành tông của bọn họ. Lão đã biết trước hai người bọn họ sẽ vào Gia Định, vì sau khi gặp bọn họ, Phạm Thế Căng đã sai người đưa tin về triều. Có điều, hiện tại triều đình không thiếu quan viên, mà Giang Phong cũng không có hứng thú với Bình Ngô Sách, cũng như tư tưởng nho gia của Nguyễn Trãi, nên tạm thời chưa cho triệu kiến, chờ thời gian rèn luyện bọn họ.



Đọc xong báo cáo, Giang Phong mỉm cười nói :



- Gã Nguyễn Trãi này cũng thú vị nhỉ.



Thấy Giang Phong mỉm cười, Quảng Tế Pháp sư biết rằng việc này xem như đã xong. Sau này sẽ có Lý Tử Tấn chiếu cố hai người bọn họ. Quảng Tế Pháp sư lại hỏi :



- Thánh hoàng. Thế vụ việc nô lệ Hán tộc xử lý thế nào ạ ?



Tù binh bắt được từ Minh triều ban đầu đều được sung làm khổ công giống như những tù binh khác. Nhưng giới sĩ phu, quan lại Hán tộc vốn bị tư tưởng nho gia hun đúc lâu năm, không chịu yên phận mà thường xuyên sinh sự thị phi, khiến các trại khổ công không thể nào yên tĩnh được. Giang Phong tức giận, đã truyền chỉ biến bọn họ thành nô lệ. Nghe nhắc đến việc đó, Giang Phong khẽ cau mày, ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :



- Nữ thì bán trong nước, còn nam thì bán sang Âu châu.



Âu châu hơn 50 năm trước đã trải qua một trận đại dịch ‘Cái chết đen’ làm dân số giảm gần một nửa, do đó đang rất cần lao động lực, và nam nô lệ là một lựa chọn khả thi. Còn nữ nô lệ là sinh sản lực, có thể giúp dân số của Đế quốc tăng thêm, nên sẽ không bán ra nước ngoài. Một nam ba nữ mỗi năm có thể sinh ba người con, nhưng một nữ ba nam mỗi năm chỉ có thể sinh được một người con mà thôi. Vì thế, tỉ lệ sinh nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào số phụ nữ (đương nhiên đối với trường hợp đàn ông vô sinh là ngoại lệ).

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây