Kiếm Động Trung Châu

10: Ngộ địch nhân thư sinh chịu nhịn thấy kỳ lệnh quần đạo kinh tâm


trước sau



Lại nói, sau khi Uông Triều lên tiếng, tình thế tại trường bỗng nhiên trở nên quyết liệt. Bọn Quan lão đều muốn giải quyết dứt điểm chuyện rắc rối này. Không gian chợt trầm lắng đến rợn người.



Giang Hoài Ngọc không muốn tiếp tục đôi co với bọn họ nữa, và cũng để giải tỏa tình trạng căng thẳng tại trường, liền nói :



- Thôi thôi. Các vị đừng tranh cãi nữa mà. Vị túc hạ kia nếu muốn lục soát người tiểu sinh thì xin cứ tự tiện.



Bách Lý Hạc ngạc nhiên hỏi :



- Công tử định để cho gã lục soát thật sao ?



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Chàng nghĩ đó là giải pháp khả dĩ mà chàng có thể làm được trong lúc này. Chàng không muốn dính dáng đến những sự thị phi chút nào cả. Thế nhưng Quan lão đã bác ngay :



- Không được. Chuyện ấy nhất quyết không được. Lão phu đã có mặt tại đây mà để cho bọn chúng làm thế thì mặt mũi lão phu để vào đâu, còn gì thanh danh của lão phu nữa chứ. Lão phu nhất định không chấp thuận.



Giang Hoài Ngọc thở dài nói :



- Quan tiên sinh. Nếu như tiểu sinh không đồng ý để cho bọn họ lục soát thì chỉ sợ bọn họ sẽ theo làm phiền tiểu sinh mãi. Chỉ có cách đó may ra mới có thể giải quyết dứt khoát được chuyện này thôi.



Quan lão trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát. Đó là chủ ý của chàng, lão cũng không tiện bài bác nữa, liền gật đầu nói :



- Thế cũng được.



Đoạn lão trừng mắt nhìn cả bọn quần tà đang vây quanh, nhãn quang sáng rực, trầm giọng nói :



- Chuyện này phải giải quyết dứt điểm ở đây. Lão phu không muốn Giang công tử tiếp tục bị làm phiền nữa. Bắt đầu kể từ hôm nay, hễ tên nào dám động đến Giang công tử thì đừng trách sao lão phu độc ác. Hừ. Liệu hồn đấy.



Bọn quần tà cúi đầu vâng dạ, đùn đẩy lẫn nhau, cuối cùng rồi cũng do tên Đào Vĩnh Thọ đứng ra lục soát. Gã ta bước tới sát bên Giang Hoài Ngọc, cẩn thận lục soát khắp người chàng. Gã ta xem xét tỷ mỷ toàn thân chàng từ trên xuống dưới không sót chỗ nào, cả sợi dây lụa buộc tóc hay đôi giày chàng đang mang gã cũng không bỏ qua, và ngay đến chiếc quạt chàng đang cầm trên tay cũng thế.



Bọn Quan lão thấy thế đều cau mày, tỏ vẻ không hài lòng. Còn Giang Hoài Ngọc thì không tỏ vẻ gì, chỉ đứng yên, mặc cho gã họ Đào muốn làm gì thì làm. Riêng bọn quần tà thì chăm chú nhìn ngó với vẻ hồi hộp căng thẳng. “Vô Tự Thiên Thư” thật ra là cái gì chưa rõ, bởi vì nó là một pho sách không có chữ, nhưng người võ lâm coi trọng nó đến độ nhiều người sẵn sàng hy sinh tính mạng để tranh đoạt nó, trách sao bọn quần tà lại không có thái độ thèm khát đến như vậy.



Lục soát một hồi, tên họ Đào nhận thấy trong người Giang Hoài Ngọc không hề có pho kinh sách nào, mà chỉ có một xấp giấy và một cuộn lụa là đáng nghi hơn cả. Gã liền lôi ra xem thử. Biết đâu đấy …



Mọi người đều trố mắt nhìn chằm chằm.



Thế nhưng …



Xấp giấy đó không phải là pho “Vô Tự Thiên Thư”, mà là một xấp ngân phiếu của Kim Ký Tiền trang, loại ngân phiếu duy nhất có thể lưu hành khắp cả thiên hạ, không chỉ ở Trung Nguyên mà cả các vùng Tây Vực, Hải Ngoại, … Xấp ngân phiếu rất dày, đến hơn năm mươi tờ, với số mục từ hàng nghìn đến hàng vạn lượng mỗi tờ. Tổng số có lẽ phải lên đến hơn mười vạn lượng.




Nguyên khi Giang Hoài Ngọc xuất hành vào Trung Nguyên, chàng chỉ mang theo trong người có vài nghìn lượng bạc. Số ngân phiếu này là do biểu ca Giang Thừa Phong tặng cho. Dù chàng không muốn nhận, nhưng biểu ca của chàng lại bảo rằng hoàn cảnh hiện nay của chàng đã khác trước, không tiện sống kham khổ, nên đã tặng cho số ngân phiếu đó để chi dụng lúc đi đường.



Cả bọn quần tà dường như trước nay chưa từng được nhìn thấy một số ngân lượng nhiều đến như thế bao giờ nên tên nào tên nấy cũng đều trợn tròn mắt nhìn xấp ngân phiếu với vẻ kinh ngạc, rồi lại nhìn Giang Hoài Ngọc với vẻ hiếu kỳ. Chàng dám mang theo trong người số ngân lượng lớn đến như thế khi đi đường thì gia thế của chàng chắc chắn phải vô cùng hiển hách.



Nhìn số ngân lượng vô cùng lớn ở ngay trước mắt, bọn quần tà ai nấy đều lộ vẻ thèm muốn. Nếu mà không có sự hiện diện của một nhân vật đại sát tinh đáng sợ là Quan lão thì có lẽ trường tranh đoạt đã diễn ra rồi.



Và đương nhiên kẻ lộ vẻ thèm muốn hơn cả chính là tên họ Đào, kẻ đang trực tiếp cầm xấp ngân phiếu.



Gã nắm chặt xấp ngân phiếu trong tay, tròng mắt đảo tròn quan sát xung quanh, thầm lượng định tình thế. Gã những muốn ôm xấp ngân phiếu đào tẩu ngay, nhưng lại không dám. Chẳng phải gã sợ Giang Hoài Ngọc, bởi khi lục soát hắn đã sờ soạn khắp người chàng, và đã nhận ra chàng không có võ công. Gã chỉ sợ Quan lão sẽ không tha, đồng thời sợ cả đám đồng bọn của gã nữa.



Ngẫm nghĩ suy tính giây lát, gã liền đưa trả lại xấp ngân phiếu cho Giang Hoài Ngọc, miệng nở nụ cười cầu tài, nói :



- Hóa ra công tử đây lại là một đại tài chủ. Bọn tại hạ nhận lầm người mất rồi, Mong công tử thứ lỗi cho.



Trong lúc vô tình, gã đã xổ cuộn lụa đang cầm trên tay ra. Một mảnh lụa nhỏ xíu, nhưng cứ như sấm nổ giữa trời quang. Gần như lập tức, toàn trường đều sững người, mắt đăm đăm nhìn đến xuất thần.



Toàn trường chợt yên ắng như tờ.



Cuộn lụa kia thật ra là một lá cờ nhỏ đã được cuốn lại. Lá cờ màu trắng, được chế tác bằng một thứ lụa rất mềm và mịn. Trên lá cờ có thêu một ngọn lửa đỏ đang rực cháy, hình dạng rất sinh động, cùng với một chữ “Vương” theo lối cổ triện, đường chỉ thêu tinh xảo tuyệt luân.



Lá cờ này tuy lạ mà không lạ.



Hầu hết những người thuộc giới võ lâm dù chưa có dịp được nhìn thấy nó thì ít nhiều cũng đã từng được nghe nói đến. Đó chính là lá Võ lâm lệnh kỳ, tín vật tượng trưng cho uy quyền tột đỉnh của vị vương thượng lừng danh của Võ lâm Tam cung, một thế lực đang khống chế cả đại cuộc võ lâm.



Sau giây phút sửng sốt, tên họ Đào định thần nhìn lại, chợt phát hiện ra đám đông vây quanh lúc nãy rất đông đảo thì giờ đây chỉ còn lại vài người, hầu hết là những người thân thiết với gã.



Gã đã nhận ra tình thế bất diệu. Võ lâm Tam cung có đủ thực lực để khiến cho người võ lâm không một ai dám cả gan trêu vào nếu như còn muốn sống, bởi hậu quả thật sự không sao lường hết được.



Giang Hoài Ngọc đã được giữ Võ lâm lệnh kỳ tất phải là nhân vật thân cận với vị vương thượng của Võ lâm Tam cung, và rất được vương thượng tin tưởng. Do vậy, những kẻ kia vì không muốn đắc tội với chàng, cũng tức là đắc tội với Võ lâm Tam cung, mà đã vội vã rút lui. Và những kẻ còn ở lại chỉ vì bọn chúng không tiện bỏ tên họ Đào ở lại một mình đấy thôi, bằng không thì bọn chúng đã rút lui từ lâu rồi, bởi cách giữ thân hữu hiệu nhất trong lúc này là trong tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng.



Xoay chuyển ý nghĩ, cân phân lợi hại thật nhanh trong đầu, gã liền đưa trả xấp ngân phiếu và lá lệnh kỳ lại cho Giang Hoài Ngọc, nói vài câu tạ lỗi rồi trở về chỗ đồng bọn. Một tên khẽ hỏi :



- Đào huynh. Thế nào ?



Gã họ Đào hạ giọng đáp :



- Không tìm thấy. Mà lạ nhất là y lại không biết võ công.



Tên kia ngạc nhiên hỏi :



- Một người chấp chưởng Võ lâm lệnh kỳ mà lại không biết võ công ư ? Sao lại có chuyện lạ lùng như thế được ?



Gã họ Đào nói :



- Chuyện lạ như thế mà lại có thật mới kỳ chứ. Ta đã xem xét kỹ lắm rồi. Quả thật là như vậy đấy.



Một tên khác góp lời :



- Nếu y đã không biết võ công thì chắc không phải là gã mà chúng ta đang tìm rồi. Có lẽ chúng ta đã nhận lầm.



Cả bọn gật gù khen phải. Bởi ai cũng biết đối tượng mà các lộ võ lâm đang truy lùng có võ công rất cao cường. Nếu không thế thì sao đã bị mấy chục cao thủ vây đánh mà vẫn có thể phá vòng vây đào thoát được, lại còn khiến cho các cao thủ tham gia cuộc vây công thọ thương rất trầm trọng. Vả chăng, kẻ không biết võ công thì cũng chẳng tranh đoạt “Vô Tự Thiên Thư” làm gì.



Lát sau, một tên khác lại hỏi :



- Chuyện hôm nay phải xử trí thế nào đây ? Đắc tội với Võ lâm Tam cung không phải là chuyện tầm thường đâu.



Gã họ Đào trầm ngâm một lúc, rồi nói :



- Chắc là không sao đâu. Ta xem y dường như có vẻ hiền lành, chắc cũng không chấp nhất chuyện này.



Một tên đồng bọn cũng nói theo :



- Đào huynh nói rất phải. Y xem ra khác với những nhân vật khác ở Võ lâm Tam cung. Nếu là người khác chắc chắn là đã có chuyện từ nãy giờ rồi chứ chẳng bao giờ chấp nhận để cho Đào huynh lục soát đâu.



Một tên nói :



- Nhưng còn một việc đáng quan tâm nữa là … vị đại sát tinh kia …



Hắn chỉ nói thế mà ai cũng hiểu là vấn đề gì rồi. Tên khác liền nói :



- Theo ta biết, xưa nay Quan lão tiền bối nói một là một, nói hai là hai. Quan lão tiền bối đã nói bỏ qua tất sẽ không truy cứu chuyện này nữa. Chỉ cần sau này chúng ta đừng tìm vị công tử đó nữa thì không sao đâu.



Cả bọn bàn tán một lúc rồi cũng giải tán, trước khi đi không quên chào từ biệt Quan lão và Giang Hoài Ngọc thật kính cẩn. Tại trường giờ chỉ còn lại Giang Hoài Ngọc và ba người bọn Quan lão. Uông Triều khẽ thở phào một cái, rồi đưa mắt nhìn Giang Hoài Ngọc, chép miệng nói :



- Tuy công tử không giữ quyển “Vô Tự Thiên Thư” gì đó, nhưng lại mang theo trong người số ngân lượng quá lớn. Lão phu nhận thấy bọn quần tà đã động lòng tham rồi đấy. Từ nay công tử cần phải cẩn trọng mới được.




Quan lão cười nói :



- Giang công tử là một văn nhược thư sinh. Lão Uông bảo Giang công tử cần phải cẩn trọng như thế nào đây.



Không lẽ cứ đứng ở giữa đường mãi, mọi người liền vừa đi vừa trò chuyện. Giang Hoài Ngọc nhìn ba người hỏi :



- Tam vị tiên sinh đều là người trong giới võ lâm phải không ?



Quan lão lắc đầu đáp :



- Không hẳn là vậy. Chỉ có lão phu và Bách Lý huynh đệ đây là thuộc giới võ lâm, nhưng đó cũng là chuyện của hai, ba chục năm trước đây. Còn lão Uông đây tuy cũng biết võ công, nhưng lại thuộc giới quan trường. Lão ta chỉ mới cáo quan hồi hưu về vui thú điền viên được hai năm nay thôi.



Bách Lý Hạc nãy giờ yên lặng vì đang bận suy nghĩ về một vấn đề khác, giờ bỗng cất tiếng nói :



- Lá tiểu kỳ của Giang công tử là vật gì mà lợi hại phi thường. Bọn kia vốn đã không nể sợ Quan lão ca, vậy mà khi vừa nhìn thấy lá tiểu kỳ là đã riu ríu bỏ đi, không hề dám hó hé. Lạ thật đấy.



Quan lão, Uông lão giờ cũng chợt nghĩ đến vấn đề đó, đều nhìn Giang Hoài Ngọc dọ hỏi. Giang Hoài Ngọc khe khẽ thở dài, nói :



- Đó là kỳ lệnh của biểu ca tiểu sinh.



Quan lão hỏi :



- Biểu ca của công tử chắc là nhân vật lợi hại lắm. Do vậy, bọn kia không sợ lão phu mà lại sợ biểu ca của công tử.



Thanh vọng của Quan lão trong võ lâm không phải tầm thường. Do vậy, vấn đề này thật đáng để thắc mắc. Giang Hoài Ngọc nói :



- Chuyện ấy tiểu sinh cũng không rõ lắm. Có điều, biểu ca của tiểu sinh là một vị vương gia, quyền cao tột phẩm. Có lẽ vì thế mà bọn kia sợ chăng ?



Uông Triều nguyên là một vị mệnh quan hồi hưu nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Lão vội hỏi :



- Công tử thuộc dòng vương thất ư ? Lão phu thật thất kính. Nhưng không hiểu vương hiệu của vương gia là gì ?



Giang Hoài Ngọc nói :



- Biểu ca là Nghi vương.



Uông Triều ngạc nhiên nói :



- Nghi vương ư ? Đó là vị nào. Sao từ trước đến giờ lão phu chưa từng nghe qua danh hiệu này ?



Giang Hoài Ngọc nói :



- Biểu ca chưa từng vào Bắc Kinh nên tiên sinh không biết cũng không có gì là lạ. Nhưng thế lực của biểu ca rất lớn, uy quyền bao trùm thiên hạ. Nếu như biểu ca vào Bắc Kinh thì Minh đế phải xuất môn nghênh đón, tiếp đãi với tư cách ngang hàng. Chỉ vì biểu ca không thích Minh đế nên chẳng vào kinh làm gì.



Cả ba người bọn Quan lão đều ngạc nhiên nhìn chàng sửng sốt. Uông Triều kinh hãi lắp bắp :



- Có chuyện như thế thật ư ?



Giang Hoài Ngọc giải thích :



- Bá phụ của tiểu sinh năm xưa có ít nhiều liên quan đến việc Minh đế tranh đoạt bảo vị. Do vậy mà Minh đế rất trọng nể biểu ca. Nhưng … chắc tiên sinh cũng hiểu, việc này là đại bí mật của Minh triều, đã rất lâu rồi không được nhắc đến, nên không phải ai cũng hiểu được.



Uông Triều là mệnh quan triều đình nên đương nhiên rất hiểu rõ vấn đề này. Vĩnh Lạc Hoàng đế vì chuyện tranh ngôi với cháu là Kiến Văn Đế mà có điều úy kỵ, không muốn ai bàn tán về việc ấy. Do vậy, Uông lão gật đầu ra vẻ đã hiểu, dù rằng vẫn chưa thật hiểu rõ cho lắm. Còn Quan lão và Bách Lý Hạc thì ngơ ngác không hiểu gì. Uông lão đành phải giải thích :



- Năm xưa Hoàng thượng khởi binh “Tịnh Nạn”, tuy rằng lấy danh nghĩa trừ diệt gian thần, nhưng cuối cùng Kiến Văn Đế đã phải đốt cung tự sát. Khi Hoàng thượng lên ngôi đã có rất nhiều lời dị nghị. Do vậy mà Hoàng thượng không muốn ai nghị luận về vấn đề ấy. Lâu ngày, số người biết chuyện mỗi lúc càng ít đi.



Ngẫm nghĩ giây lát, lão lại nói thêm :



- Ngay như lão phu, về nguyên ủy sự việc cũng không hiểu rõ cho lắm, chỉ biết đại khái đôi điều mà thôi.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Phải đấy, các đại thần trong triều cũng có không ít người biết biểu ca, nhưng những người thật sự hiểu rõ sự việc e rằng chỉ có Minh đế và Đạo Diễn Tăng.



Uông Triều hỏi :



- Đạo Diễn Tăng có phải là vị Quân sư của Hoàng thượng, được phong Bảo Quốc Quảng Pháp Thiền sư, vẫn được gọi là Quốc sư ?



Giang Hoài Ngọc gật đầu :



- Chính y đấy. Ngay cả việc phong Quốc sư này cũng đã có không ít điều dị nghị.



Trong lúc Uông Triều hãy còn đang ngạc nhiên không hiểu thì chàng đã nói sang chuyện khác :



- Lá lệnh kỳ kia là do biểu ca giao cho tiểu sinh để khi cần thiết có thể cầu viện quan binh giúp đỡ. Thế nhưng … có lẽ tiểu sinh sẽ không có dịp dùng đến nó. Đi du ngoạn mà có quan binh theo bảo vệ thì chẳng thoải mái chút nào. Còn như khi gặp sự nguy hiểm, muốn dùng đến nó thì e đã muộn rồi.




Bách Lý Hạc gật gù nói :



- Dường như công tử chỉ mới ra giang hồ lần này là lần đầu thì phải ?



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu :



- Vâng. Và tiểu sinh cũng chỉ mới xa nhà hơn tháng nay thôi.



Bách Lý Hạc hỏi :



- Sắp tới công tử định sẽ đến nơi nào ?



Giang Hoài Ngọc nói :



- Tiểu sinh định sẽ đến Kim Lăng du ngoạn. Sau đó nếu còn thời gian thì sẽ đến Hàng Châu một chuyến. Tiểu sinh từng nghe thiên hạ truyền tụng rằng đó là cảnh thiên đường nơi hạ giới nên muốn được một lần đến tham quan cho biết.



Quan lão gật gù nói :



- Công tử tính như thế thật phải. Kim Lăng, Hàng Châu chính là những địa danh nổi tiếng nhất thiên hạ …



Lão chỉ vừa mới nói đến đó, từ trong cánh rừng rậm rạp hai bên quan đạo bỗng đâu có những tiếng sột soạt, nghe như tiếng cành lá va quẹt vào nhau, hoặc tiếng chân dẫm đạp lên lá khô. Dù tiếng động rất khẽ nhưng bọn Quan lão đều là những đại cao thủ tai mắt linh mẫn nên đã nghe thấy được.



Nghĩ rằng có biến, ba người bọn Quan lão phản ứng thật linh hoạt, tức thời đứng vây quanh Giang Hoài Ngọc, mặt hướng ra ngoài, đồng loạt vung chưởng đánh ra. Một làn chưởng phong dày đặc bao phủ lấy chỗ bốn người đang đứng, tưởng chừng như một giọt nước cũng không vượt qua được.



Vừa may, lúc ấy có mấy mũi ám khí từ trong rừng bắn ra, bị chưởng phong cản trở nên đã rớt ngay mé ngoài. Nếu như ba lão phản ứng chậm một chút nữa thôi là Giang Hoài Ngọc đã thọ hại.



Cảnh huống thật nguy hiểm.



Vừa đánh rớt mấy mũi ám khí, Quan lão bỗng quát lớn một tiếng, lao ngay vào trong khu rừng. Tiếp đó có những tiếng “hự hự” vang lên không ngớt. Quan lão đã bắt đầu động thủ. Chẳng biết bên trong khu rừng có bao nhiêu tên địch mà chỉ trong nháy mắt bốn phía đã im lìm trở lại.



Uông Triều, Bách Lý Hạc cùng Giang Hoài Ngọc đi vào trong khu rừng. Trong ấy có bảy tên giặc đang nằm ngổn ngang dưới đất. Quan lão đứng bên cạnh vuốt râu cười âm trầm. Bọn Bách Lý Hạc là bạn lâu năm nên hiểu rõ tính khí của lão. Mỗi lần như thế tức là lão đã nổi sát khí.



Bách Lý Hạc lúc ấy đang đi bên cạnh Giang Hoài Ngọc, liền ghé sát chàng hạ giọng khẽ thì thầm :



- Giờ công tử có thể chứng kiến thủ đoạn của Quan lão ca rồi đấy.



Hiểu y muốn nói đến chuyện gì, Giang Hoài Ngọc bản tính hiền hòa nhân hậu, liền vội tiến tới trước, nói :



- Quan tiên sinh. Chúng ta nên hỏi han rõ ràng tự sự đã.



Quan lão nói :



- Bọn giặc này đã dám giở trò ám toán chúng ta, tất là phường tồi bại. Còn hỏi han gì nữa chứ. Công tử hãy đứng đấy mà chứng kiến thủ đoạn của lão phu. Cần phải cho bọn giặc này biết chạm vào lão phu sẽ có hậu quả thế nào.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Tiên sinh đừng nên làm thế. Biết đâu trong chuyện này có sự hiểu lầm thì sao ?



Quan lão vuốt râu cười khan :



- Dù có chuyện hiểu lầm hay không. Chỉ riêng cái tội dám ám toán lão phu là cũng đã đáng tội chết rồi.



Giang Hoài Ngọc vẫn cố nài nỉ :



- Tiên sinh …



Bách Lý Hạc liền xen vào :



- Quan lão ca. Cũng nên nghĩ tình Giang công tử mà bỏ qua chuyện ấy đi. Chúng ta hãy hỏi rõ tự sự. Nếu như bọn chúng quả thật đáng chết thì đến lúc đó lão ca hạ thủ cũng không muộn.



Quan lão đành phải gật đầu, cúi xuống điểm vào vài huyệt đạo trên người một tên xem ra có vẻ thọ thương nhẹ nhất, rồi thúc chân khí truyền vào người hắn, làm cho hắn mau hồi tỉnh. Quan lão một khi đã động thủ thì chẳng bao giờ nương tay. Vậy nên chỉ trong chớp mắt mà bọn giặc đã thảm thương như thế.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây