Kiếm Động Trung Châu

22: Đất giang nguyên thiếu quân khỏi bệnh tường sự thể hào kiệt đau lòng


trước sau



Lại nói, Giang Hoài Ngọc gắng gượng chi trì với Lãn Đại Phu được năm mươi chiêu, vừa đủ để thắng cuộc. Và rồi, vì dùng sức quá độ, chàng không chống đỡ nổi, mê man đi, và không còn biết gì nữa.



Thời gian cứ thế trôi qua.



Chàng ở trong tình trạng mê man không biết đã bao lâu rồi.



Toàn thân chàng nóng như lò lửa, mồ hôi toát ra đầm đìa, miệng ráo môi khô, sự khó chịu tưởng khó chịu đựng nổi.



Sau lúc nóng lại đến cơn lạnh. Chàng cảm thấy rét rung người. Trong các kinh mạch, tưởng chừng như huyết dịch đông lại thành băng. Rồi cứ luân lưu như thế, hết cơn nóng lại đến cơn lạnh, hết lạnh rồi lại nóng ran.



Trong lúc mơ màng, chàng cảm thấy có rất nhiều người qua lại trước mặt chàng, nói gì đó với chàng. Nhưng chàng lại chẳng nghe thấy một lời nào. Chàng muốn kêu lên mà không sao thốt ra lời được.



Có lúc, chàng thấy trước mắt mình sáng lòa, có lúc lại tưởng chừng như tối đen. Chàng không còn cảm nhận được là ngày hay đêm. Đôi khi chàng lại cảm nhận có ai đó cho chàng ăn uống thứ gì đó.



Chàng ở trong tình trạng mông lung như thế không biết đã mấy ngày.



Một hôm, chàng cảm thấy trán mình mát rượi, rồi ngửi thấy có mùi hương thoang thoảng đưa đến. Chàng từ từ mở mắt ra.



Đầu tiên, chàng thấy một ngọn bạch lạp đang cháy, ánh sáng lung linh. Rồi chàng lại nghe thấy một thanh âm nhẹ nhàng lọt vào tai mình :



- Công tử tỉnh lại rồi ư.



Chàng dưa mắt nhìn về hướng thanh âm vừa phát ra, thì thấy Lãn Đại Phu đang đứng bên cạnh chiếc giường trúc mà chàng đang nằm. Lúc này, lão cũng vận bộ thanh y, nhưng rất mới, sắc diện không còn vẻ lạnh lùng như lúc trước nên trông lão có dáng vẻ hiền từ phúc hậu của một bậc lương y. Trên tay lão đang cầm một chiếc chén ngọc. Chàng ngơ ngác nhìn lão.



Lãn Đại Phu cúi xuống đỡ chàng ngồi dậy, rồi đưa chiếc chén ngọc cho chàng, mỉm cười nói :



- Công tử hãy uống đi. Đây là Thánh cung linh dược, rất tốt cho sức khỏe của công tử.



Giang Hoài Ngọc đưa tay nhận lấy chiếc chén ngọc, khẽ cúi đầu nói :



- Đa tạ tiên sinh.



Đoạn chàng bưng chén uống một hơi cạn sạch. Người ta thường nói : “thuốc đắng dã tật”. Nhưng loại thuốc này lại chẳng đắng một chút nào mà còn có hương vị ngọt ngào thơm tho vô cùng. Chàng vừa uống vào là đã thấy có một luồng hơi lạnh chạy khắp toàn thân, khoan khoái vô kể.



Uống xong chén thuốc, chàng liền hướng vào Lãn Đại Phu chắp tay vái tạ. Nhưng lão đã vội xua tay, tươi cười nói :



- Trong việc chữa trị cho công tử, lão phu chỉ góp chút công sức thôi, không dám nhận công. Công tử phải cảm tạ chúa thượng mới đúng.




Giang Hoài Ngọc vô cùng kinh ngạc, vội hỏi :



- Chúa thượng đã chữa trị cho tiểu sinh ư.



Lãn Đại Phu gật đầu nói :



- Công tử đến hôm trước là hôm sau chúa thượng đến nơi. Chúa thượng rất quan tâm đến công tử. Người đã thân hành chữa trị cho công tử đấy.



Chỉ trải qua mấy ngày gần gũi biểu ca Giang Thừa Phong cũng đã đủ giúp cho chàng hiểu chúa thượng là nhân vật thế nào. Chúa thượng là nhân vật truyền kỳ, đứng đầu thiên địa bách thần, cai quản cả bát phương tứ hải, về địa vị trong hoàn vũ chỉ đứng dưới Đức điện hạ chí tôn mà thôi.



Thật ra thì giữa chúa thượng và chàng cũng có chút uyên nguyên. Môn Ngự Kiếm thuật mà chàng vẫn sử dụng chính là tuyệt kỹ của chúa thượng. Thanh tiểu ngân kiếm chàng vẫn cất trong tay áo vốn cũng là của chúa thượng đã ban cho biểu ca của chàng, và rồi biểu ca của chàng đã mang tặng lại cho chàng.



Lãn Đại Phu lại nói :



- Lúc trước lão phu tưởng đâu phải mất mấy tháng công tử mới có thể bình phục được. Nhưng nay mới chỉ có năm ngày mà công tử đã hồi tỉnh rồi. Y thuật của chúa thượng thật thần diệu. Chỉ cần công tử nghỉ ngơi tịnh dưỡng thêm vài ngày nữa là có thể hoạt động bình thường như trước được.



Lão quay người đặt chiếc chén không lên bàn, đoạn quay lại cười nói :



- Không ngờ công tử lại thuộc dòng vương giả, địa vị tôn quý. Nếu như công tử chịu nói ra lai lịch thân thế thì đâu có xảy ra nhiều chuyện rắc rối thế này.



Thấy Giang Hoài Ngọc ngẩn người lộ vẻ ngạc nhiên, lão mỉm cười nói tiếp :



- Lão phu không hiểu lai lịch của công tử nên mới bày ra cái trò đánh cuộc đó. Công tử đã là truyền nhân của chúa thượng, lại sử dụng Thánh cung ngự bảo, lão phu thua là phải. May mà đã không xảy ra điều gì đáng tiếc, nếu không, lão phu thật không thể gánh vác nổi trách nhiệm.



Giang Hoài Ngọc lại càng thêm sửng sốt. Thanh tiểu ngân kiếm thì đúng là Thánh cung ngự bảo rồi. Còn chàng mà lại là truyền nhân của chúa thượng ư. Chàng ngẩn ngơ giây lát, rồi ấp úng hỏi :



- Sao tiên sinh bảo tiểu sinh là truyền nhân của chúa thượng.



Lãn Đại Phu cười nói :



- Thì chúa thượng bảo thế mà. Nếu không phải thế thì việc gì chúa thượng phải ngự giá đến đây chữa trị cho công tử.



Ngừng lời giây lát, đoạn lão lại bảo :



- Chúa thượng lo cho công tử lắm đấy. Để chữa trị cho công tử, Người đã thức suốt một ngày một đêm cơ đấy.



Những việc ấy càng làm cho Giang Hoài Ngọc thêm kinh hãi. Chàng ngần ngừ giây lâu, rồi mới ngập ngừng hỏi :



- Hiện giờ … hiện giờ chúa thượng đang ở đâu ạ.



Lãn Đại Phu mỉm cười nói :



- Công tử cứ yên tâm nghỉ ngơi đi. Khi nào công tử đã thật sự khỏe hẳn thì chúa thượng sẽ đến thăm công tử.



Lão đỡ chàng nằm xuống giường, kéo tấm chăn gấm đắp lên người chàng rồi mới đi ra ngoài. Chàng cảm thấy trong người hiện rất sảng khoái, tâm trí minh mẫn, rất muốn ra ngoài đi dạo một vòng. Nhưng Lãn Đại Phu đã bảo chàng phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Lời nói của lương y, chàng không dám làm trái, đành chịu nằm yên trên giường mà nghĩ về những chuyện đã qua.



Lãn Đại Phu nói chúa thượng đã bảo chàng là truyền nhân của Người, như vậy chắc là không sai. Vậy là hiện giờ thân phận chàng lại càng tôn quý thêm một tầng. Chàng đã là người của “Thiên hạ đệ nhất thế tộc”, là biểu đệ của một vị nhất đẳng đại vương. Nay lại được chúa thượng nhận là truyền nhân của Người. Trở thành truyền nhân của chúa thượng, địa vị chàng không kém hàng vương tước.



Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, chàng lại không khỏi ngẩn ngơ. Số mệnh có quá ưu ái chàng không. Chàng phải hỏi lại chúa thượng mới được.



Gió nhè nhẹ thổi. Sóng gợn lăn tăn.



Cành lá xào xạc. Chim kêu ríu rít.



Trên không trung, vài đám mây lững lờ, đôi cánh nhạn chao lượn. Một đàn chim đang sải cánh bay về phương Bắc.



Trong một ngôi tiểu đình nằm sát mé nước có hai chàng bạch y công tử đang cùng ngồi trò chuyện. Cả hai đều rất mực anh tuấn. Tà áo tung bay phất phới trong gió. Phong thái thật tiêu sái tuấn mỹ.



Hai người chính là Bạch Thiếu Lăng và Giang Hoài Ngọc.



Bạch Thiếu Lăng tay mân mê chung trà, đang chăm chú lắng nghe Giang Hoài Ngọc thuật lại những tình huống mà chàng đã gặp phải trong thời gian qua, bắt đầu từ lúc chàng mới bước chân vào Trung Nguyên cho đến khi gặp được Bạch Thiếu Lăng tại đất Giang Nguyên này.



Sau khi đã nghe hết câu chuyện của Giang Hoài Ngọc, Bạch Thiếu Lăng trầm tư giây lát, mới hỏi :



- Hài tử có biết nguyên nhân vì sao mà bọn người võ lâm lại hợp nhau vây đánh hài tử hay không.



Giang Hoài Ngọc khẽ đáp :



- Dạ. Vì bọn họ cho rằng thần đang giữ quyển “Vô Tự Thiên Thư” nên mới hợp nhau vây đánh thần, hầu đoạt lấy kinh sách.



Bách Thiếu Lăng nói :



- Chuyện đó ai cũng biết cả. Vấn đề chính là kẻ nào đã phao tin nhằm hãm hại hài tử kia. Hắn là ai. Hài tử có biết không.




Đây chính là vấn đề mà Giang Hoài Ngọc quan tâm nhiều nhất. Trước nay, chàng đã nhiều lần cố vắt óc suy đoán mà vẫn không sao nghĩ ra được có kẻ nào đó lại thù hận chàng đến mức ấy. Từ bé đến giờ chàng chỉ luôn ở trong cung, và đâu có gây thù chuốc oán với ai. Chàng vội hỏi :



- Chúa thượng. Kẻ đó là ai vậy ạ. Thần nghĩ mãi mà vẫn không sao nghĩ ra. Chúa thượng nói cho thần biết với.



Bạch Thiếu Lăng trầm ngâm giây lát, mới nói :



- Chính là Lam Hận Minh, kẻ đã từng là đại ca của hài tử đấy. Hài tử không ngờ phải không.



Tại sao Bạch Thiếu Lăng lại dùng từ “đã từng”. Chỉ vì hiện giờ Giang Hoài Ngọc đã mang họ Giang, kể như đã thuộc về Giang gia ở Trường Thanh Cung rồi. Nghe đến tên “Lam Hận Minh”, Giang Hoài Ngọc giật mình kinh hãi, không dám tin vào tai mình, hỏi lại với giọng run run :



- Chính … chính là huynh ấy sao ạ.



Bạch Thiếu Lăng gật đầu, hỏi tiếp :



- Hài tử có đoán ra được vì sao hắn lại làm vậy hay không.



Giang Hoài Ngọc ngẫm nghĩ một lúc, rồi khẽ thở dài, nói :



- Chắc là … chắc là huynh ấy sợ thần sẽ tranh đoạt quyền thừa kế vương vị với huynh ấy.



Bạch Thiếu Lăng nói :



- Đúng đấy. Luận về tư chất, dung mạo, tài trí, sở học mặt nào hài tử cũng hơn hắn rất nhiều. Hắn rất sợ một ngày nào đó hài tử sẽ đoạt mất quyền thừa kế vương vị của hắn. Vì thế hắn mới lập tâm hãm hại hài tử hầu nhổ cái gai trong mắt. Cùng tham gia âm mưu này còn có thêm Trương Lập Văn và Triệu Sư Quát.



Giang Hoài Ngọc ngạc nhiên nói :



- Cả hai vị ấy nữa ư.



Trương Lập Văn và Triệu Sư Quát là hai trong số ba vị đại thần trong Bách Hợp Cung, địa vị rất mực cao trọng. Trước nay Giang Hoài Ngọc vẫn luôn tôn kính hai người họ. Nào ngờ …



Bạch Thiếu Lăng lại nói :



- Trẫm biết từ nhỏ hài tử đã chuyên tâm học tập thi thư. Lam gia gặp phải thảm biến phải về ẩn cư nơi Phù Châu Đảo ở Nam Hải, chiếu lý thì phải chú trọng về mặt võ học mới phải. Nhưng hắn đã thuyết phục được Lam khanh gia cho hài tử học văn, vì sợ hài tử mà theo võ nghiệp thì công phu sẽ cao thâm hơn hắn nhiều, hắn không thể khống chế được. Ngờ đâu hài tử chỉ luyện qua chút ít võ nghệ trong những lúc rỗi rảnh mà đã giỏi hơn hắn rồi. Vì thế hắn mới lo lắng không yên.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu nói khẽ :



- Thần có bao giờ định tranh ngôi với huynh ấy đâu.



Bạch Thiếu Lăng gật đầu nói :



- Thì trẫm cũng biết hài tử không thích danh lợi. Nhưng hắn ta đâu có nghĩ thế. Hắn cứ cho rằng hài tử chuyên cần học tập cả văn lẫn võ là định sau này sẽ tranh đoạt quyền vị với hắn. Đó gọi là lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử. Nhất là gần đây, Lam khanh gia định hỏi cưới ái nữ của Đông Hải Bá chủ cho khanh, mà dường như Lữ khanh gia cũng rất ủng hộ chuyện ấy. Nếu như cuộc hôn nhân ấy mà thành tựu, tất nhiên Lữ khanh gia sẽ ủng hộ hài tử lên thừa kế vương vị. Việc ấy càng làm hắn lo lắng thêm. Vì vậy mới có việc mưu hại hài tử.



Ngừng lời giây lát, Bạch Thiếu Lăng khẽ cười nói tiếp :



- Lần này hắn giở thủ đoạn hèn hạ đó ra để hãm hại hài tử, chính là đã phạm vào Thiên đạo. Hắn tưởng rằng mình ném đá dấu tay, thần không hay, quỷ không biết là đã lầm to. “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt). Mọi sự đều đã được ghi chép vào Huyền Sử và Sinh Tử Bộ cả rồi.



Giang Hoài Ngọc đứng dậy, chắp tay nói :



- Chúa thượng. Huynh ấy chỉ nhất thời lầm lỗi. Chúa thượng có thể nhiêu dung cho huynh ấy phen này được không ạ.



Bạch Thiếu Lăng đưa mắt ngắm nhìn Giang Hoài Ngọc một hồi, rồi chợt khẽ thở dài, gật đầu nói :



- Hài tử bản tính hiền đức nhân hậu lắm. Nhưng như thế thì hài tử đâu còn cơ hội trở về Bách Hợp Cung nữa, nếu như không muốn để xảy ra cuộc biến loạn trong gia tộc. Sự biến Huyền Vũ Môn thời Sơ Đường sách sử vẫn còn ghi lại đó.



Sự biến Huyền Vũ Môn là cuộc tranh đoạt ngôi vua giữa ba anh em Lý Thế Dân, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Cả ba người đều là con trai của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Lý Thế Dân là con thứ, nhưng tài ba lỗi lạc hơn hẳn các huynh đệ. Đường triều khai nghiệp phần lớn đều nhờ vào công lao đông chinh bắc phạt của Lý Thế Dân. Lý Kiến Thành tuy là thái tử, nhưng lại sợ bị Lý Thế Dân đoạt mất ngôi vua nên mới đem quân phục kích tại cửa Huyền Vũ, định sẽ giết chết Lý Thế Dân để tuyệt hậu hoạn. Nào ngờ lại bị Lý Thế Dân ra tay trước, giết chết cả Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, cuối cùng giành được ngôi vua, trở thành Đường Thái Tông, vị hoàng đế thứ hai của Đường triều. Thảm biến này, các đời sau đều lấy đó làm gương để mà cố tránh.



Giang Hoài Ngọc nghĩ đến chuyện ấy, trong lòng không khỏi kinh hoàng thất sắc. Chàng nói mà như mếu :



- Dạ. Thần … thần sẽ … không về đó nữa. Thần không muốn để xảy ra thảm cảnh huynh đệ tương tàn.



Bạch Thiếu Lăng gật đầu nói :



- Thôi được rồi. Hài tử hãy ngồi xuống đi nào. Nể lời hài tử, trẫm cũng tạm thời cho lưu tội danh lại đó. Nếu sau này mà hắn lại tái phạm thì sẽ đem ra xét xử luôn thể. Còn hài tử. Hiện giờ có ý định gì không. Sau này định sẽ làm gì.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu nói :



- Thần … thần cũng không biết nữa. Có lẽ là thần sẽ xin với các vị Giang Nguyên Bát Hữu cho được ở lại đây.



Bạch Thiếu Lăng suy nghĩ giây lát, chợt nói :



- Hài tử đã không thể trở về Lam gia được nữa, thôi thì hãy cứ đổi họ luôn đi. Hài tử có thể lấy họ Giang như hiện giờ. Hay là để trẫm trở về Thánh cung tấu trình với điện hạ xin đưa hài tử nhập cung, và ban tứ tính cho hài tử. Hài tử sẽ lấy tên mới là Bạch Thiếu Ngọc. Hài tử nghĩ thế nào.



Giang Hoài Ngọc chắp tay cung kính nói :



- Thần xin cảm tạ chúa thượng. Nhưng … thần bất tài vô đức, không dám nhận sự ưu ái của chúa thượng. Mọi người đã quen gọi thần là Giang Hoài Ngọc rồi. Biểu ca đối với thần cũng rất tốt. Vậy nên thần xin được ở họ Giang.




Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói :



- Hài tử quá khiêm tốn đấy thôi. Khiêm tốn cũng là một đức tính tốt. Nhưng với thân phận của hài tử hiện tại, cần nên chú ý đến cách dùng từ. Hài tử không nên bảo là “bất tài vô đức” mà nên nói là “tài sơ đức bạc”. Hiểu không.



Giang Hoài Ngọc ấp úng nói :



- Nhưng … nhưng thần thật sự bất tài vô đức thật mà.



Bạch Thiếu Lăng nghiêm mặt nói :



- Hài tử hiện giờ đang ở họ Giang, là một phần tử của Giang gia. Mọi biểu hiện của hài tử đều không được làm hổ danh Giang gia.



Giang Hoài Ngọc ngẩn người :



- Thế là sao ạ. Không lẽ người của Giang gia đều phải luôn chứng tỏ tài năng của mình sao ạ.



Bạch Thiếu Lăng nói :



- Không nhất thiết phải vậy. Hài tử thấy biểu ca của hài tử cũng rất khiêm tốn phải không. Song người thiên hạ có câu nói : “Trong Giang gia không có hạng bất tài”. Không cần phải chứng tỏ thì mọi người ai cũng đã nghĩ thế. Quan trọng là người của Giang gia không được tự hạ thấp mình.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu đáp “vâng”. Bạch Thiếu Lăng lại nói :



- Hài tử lấy họ Giang cũng được. Thừa Phong đã nhận hài tử là biểu đệ. Vậy thân phận của hài tử hiện giờ sẽ là Giang Hoài Ngọc, nguyên quán Gia Lăng, Tứ Xuyên. Hài tử hãy quên đi những chuyện không vui ở Bách Hợp Cung, và cũng phải cố quên luôn cái tên Lam Hoài Ngọc. Hãy cứ để cho những người ở Lam gia tưởng rằng Lam Hoài Ngọc đã chết rồi. Có như thế thì Lam Hận Minh mới không tiếp tục gây ra thêm nghiệt chướng nữa. Hài tử có hiểu không.



Giang Hoài Ngọc cúi mặt buồn rầu, khẽ đáp “vâng”. Bạch Thiếu Lăng đưa tay xoa má chàng, cười nói :



- Hài tử đừng buồn nữa. Có thân phận mới, hài tử sẽ có cuộc sống mới. Nay trẫm thay mặt điện hạ gia phong cho hài tử là Ngọc hầu. Sắp tới, nếu lập được công trạng trẫm sẽ tâu xin điện hạ gia phong vương tước cho.



Giang Hoài Ngọc giật mình kinh hãi. Chàng cũng hiểu tước vị Ngọc hầu là như thế nào. Lam Hận Minh là thế tử của Bách Hợp Cung mà cũng chỉ được phong Chiêu Vũ Thành hầu, tức tam đẳng hầu. Còn Ngọc hầu là nhất đẳng hầu, cao hơn đến hai bậc. Chàng ngập ngừng nói :



- Chúa thượng. Thần … tước vị Ngọc hầu quá cao trọng, thần … sợ rằng thần không xứng đáng …



Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói :



- Có chi mà xứng với không xứng. Không kể đến tư chất hơn người của hài tử, chỉ riêng việc hài tử là thành viên của Giang gia cũng đủ để phong nhất đẳng hầu rồi.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Bất kể tài năng thế nào ư. Lỡ như là một kẻ bất tài thì …



Bạch Thiếu Lăng khẽ mỉm cười :



- Hài tử nên biết người thiên hạ ai ai cũng công nhận trong Giang gia không có hạng bất tài. Hài tử cũng không nên quá xem thường mình. Nếu như hài tử là kẻ thường tục thì Thừa Phong chẳng bao giờ nhận hài tử làm biểu đệ, mà trẫm cũng chẳng cần quan tâm đến hài tử làm gì.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu, sắc diện ửng hồng. Với người khác thì cử chỉ, diện mạo như vậy sẽ bị xem là tính cách nữ nhân. Nhưng với Giang Hoài Ngọc thì không. Mỗi lần như vậy thì trông chàng lại càng anh tuấn, đáng mến hơn. Bạch Thiếu Lăng lại xoa má chàng, tươi cười nói :



- Hài tử cũng nên biết rằng Anh nhi, tiểu hài tử của Thừa Phong, cũng được phong là Đức hầu đấy. Chỉ mới mười tuổi mà Anh nhi đã nhiều lần biểu lộ tài năng, tư cách hơn người của mình rồi đấy.



Giang Hoài Ngọc ngẩn người hỏi :



- Biểu ca có hài tử rồi ư.



Bạch Thiếu Lăng bật cười :



- Hài tử không biết ư. Anh nhi nay cũng đã hơn mười tuổi. Thừa Phong đã cho Anh nhi được quyền thừa kế Thái Chính Cung. Chỉ còn đợi đến khi Anh nhi đủ mười sáu tuổi là sẽ chính thức chấp chưởng đại quyền.



Đưa mắt nhìn Giang Hoài Ngọc đang ngơ ngẩn, Bạch Thiếu Lăng mỉm cười nói sang chuyện khác :



- Hài tử nhận tước vị Ngọc hầu nhé.



Đúng ra việc phân phong tước vị không cần phải hỏi ý kiến đương sự. Thánh chỉ đã ban, mọi thần tử chỉ có việc tuân theo mà thôi. Nhưng Bạch Thiếu Lăng lại hết sức ưu ái Giang Hoài Ngọc, không muốn ép uổng chàng nên mới hỏi thế.


trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây