Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

1: Mở đầu


trước sau

Đây là thời đại sống mơ mơ màng màng,

Say thì sống, tỉnh thì chết.

***

Ánh trăng chiếu qua lớp cửa kính xe phủ một lớp lấp lánh lên tay cầm thanh ngọc Như Ý.

– Kịch dù có hay mà hát suốt ba ngày thì nghe cũng nhàm thôi. – Cô đưa gậy ngọc Như Ý cho Liên Phòng – Người Nga quả là kiên nhẫn, bọn họ ắt hẳn sẽ về muộn nhất trong đám công sứ nước ngoài đó.

Liên Phòng cẩn thận đặt thanh ngọc vào tráp, từ cửa sổ xe có thể trông thấy Đức Thắng Môn[1].

Một trong những sự kiện nổi bật nhất vào tháng 12 năm 1922 là đại hôn của Tốn Hoàng đế[2] nhà Thanh.

Bên trong bức tường cung điện, khách mời đủ mọi tầng lớp trong và ngoài nước chuẩn bị quà long trọng để mừng tiệc cưới linh đình đôi tân hôn trong nhiều ngày; bên ngoài bức tường cung điện, cảnh sát và quân cảnh canh gác cổng cung điện, đội cứu hỏa túc trực ở ngay đó có thể đợi lệnh bất cứ lúc nào, luôn cảnh giác có người gây rối. Một bức tường cung cấm như ngăn cách hàng trăm năm. Đám lão thần triều Thanh ở bên trong quỳ lạy làm lễ bái mà rơm rớm nước mắt, còn ở ngoài đầu đường cuối ngõ từ lâu đã coi đây là chuyện vui để hóng.

Kịch cô vừa nhắc chính là bữa tiệc do Thái Bình thự[3] đặc biệt tổ chức mừng đại hôn của Hoàng đế. Diễn viên đủ các tầng lớp đều tụ hội về Thấu Phương trai, hát suốt ba ngày liên tiếp. Hôm nay là ngày đầu tiên, từ giờ Tị hai khắc bắt đầu, đến giờ Tuất một khắc mới kết thúc (10h15-20h15), từ sáng đến tối muộn.

– Ngày mai kịch sẽ bắt đầu đúng giữa trưa. – Liên Phòng khẽ nói – Thái Bình thự đã sẵn sàng.

Cô gật đầu, nhẩm tính thời gian trong đầu.

Chiếc xe đến gần Đức Thắng Môn thì bắt gặp một nhóm học sinh đang tham quan, từng người từng người giơ cao chiếc cờ vải trắng kéo dài từ dưới bức tường thành đến tận quán hàng đầu phố ở phía xa. Cô quan sát, đoán nhóm học sinh này phải đi khoảng mười mấy hai mươi phút, bèn dặn lái xe không được giải tán, tạm thời dừng xe ngoài cổng Đức Thắng Môn để nhường đường cho họ.

Con phố này rất sầm uất, cửa hàng lương thực, quán trà, quán mì trải dài tạo thành một dãy thương hiệu lâu đời. Dòng người xe qua lại, có người nhận ra xe này là của phủ Hà Nhị. Vì để tránh bị chú ý, phủ Hà Nhị mỗi khi ra ngoài trong thời gian ngắn đều chỉ cần một chiếc xe hơi là đủ. Có điều xung quanh đây có năm chiếc ô tô, hiển nhiên người đang ngồi trên xe là đứa con gái nổi tiếng bất hiếu của nhà họ Hà – Hà Vị.

Cha Hà Vị có năm anh em trai và bảy chị em gái, mẹ đẻ họ là con nhà danh giá, chỉ có mẹ chú Hai xuất thân từ gia đình bình thường, hơn nữa bà lại mất sớm. Khi ra ở riêng chú Hai được chia rất ít, có thể nói gần như bị đuổi ra khỏi nhà. Nhưng ông rất giỏi, có đầu óc kinh doanh, nhờ làm môi giới mà ăn nên làm ra. Chỉ có điều nhiều năm rồi ông chưa có con cái nên bị gia tộc chỉ trích rất nhiều lần, cuối cùng dưới sức ép của gia tộc, ông cũng nhận nuôi hai đứa con trai và gái nhà anh cả để kế thừa hương khói. Tiếc là dòng dõi chú Hai mỏng, đứa con trai nhận nuôi được ba năm bất ngờ qua đời, chỉ còn lại đứa con gái.

Cô con gái này chính là Hà Vị.

Kể từ khi con trai qua đời chú Hai đau lòng đến mức ốm không dậy nổi. Cả gia tộc họ Hà và cha ruột cô đều ám chỉ cô làm ầm ĩ một trận đòi về nhà, nếu không có Hà Vị, chú Hai lại không có con cái, tài sản dĩ nhiên sẽ do gia tộc xử lý, anh em chú bác đều hân hoan. Bất ngờ là Hà Vị gần mười sáu tuổi giả vờ đồng ý song lại bí mật mời luật sư nước ngoài đến kinh đô, chẳng những không theo ý của gia tộc mà còn đấu tranh đòi lại toàn bộ tài sản của cha nuôi bị cướp mất. Vụ kiện xảy ra chưa đến một năm thì khắp nơi đã có tin đồn, cả kinh đô đều biết. Không bao lâu sau, cha đẻ và mấy người chú cùng đăng tin lên một tờ báo nổi tiếng ở kinh thành tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ cha con, chú cháu. Ngay sau khi gia tộc đăng báo, cô cũng tìm một tòa soạn lớn phát hành trên toàn quốc đăng một thông báo cắt đứt quan hệ gia đình như thế. Khi ấy cô chưa đầy mười bảy tuổi.

Đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện của gia tộc họ Hà.

Nếu muốn biết rõ cô Hai nhà họ Hà thì cho dù diễn xong ba mươi tư vở kịch dài trong cung cũng khó kể hết tường tận.

Cửa kính chếch phía Liên Phòng có người gõ, cô tưởng là học sinh.

Người ở ngoài xe làm động tác “mời”. Thành thạo như thế không hề giống học sinh.

– Chú đi xem thử. – Liên Phòng không hạ cửa kính, nói với người đàn ông ngồi trước.

Người đàn ông xuống xe, sau vài ba câu trao đổi thì lên xe cùng với một thứ, đưa cho Liên Phòng:

– Đó là người nhà họ Bạch, xin gặp riêng cô Hai trước khi chính thức gặp mặt bề trên hai nhà.

Liên Phòng mở lòng bàn tay đưa đồ đến trước mặt cô, đó là một chiếc đồng hồ quả quýt cũ.

Hà Vị nhấc đồng hồ lên, mở nắp kim loại ra xem, mặt kính đồng hồ đã vỡ, kim chỉ giờ đặt ở vị trí ba giờ bốn mươi mốt phút.

Cô chưa từng nhìn thấy chiếc đồng hồ này nhưng biết nguồn gốc của nó.

Ngày xưa chú Hai và chủ họ Bạch trở thành tri kỷ cũng là lúc tuyệt vọng nhất, chú Hai đã dốc hết tài sản của mình mua một chiếc tàu chở khách bảy mươi chỗ ngồi vượt biển chạy trốn. Nhà họ Bạch rời khỏi kinh đô, tị nạn lên phía Tây Bắc. Hai người sợ sau này chết ở nơi đất khách quê người, con cháu không biết mặt nhau nên đã đập vỡ chiếc đồng hồ quả quýt vào ngày chia xa và để kim chỉ đúng lúc 3 giờ 41 phút ngày 3 tháng 12 Âm lịch năm 1911. Đồng hồ ông Bạch quả nhiên hiển thị đúng thời gian này, còn chú Hai chỉ là thư sinh yếu đuối, lực đập không mạnh khi đập nên kim đồng hồ chậm hơn hai mươi giây. Mỗi khi nhắc lại chuyện này chú Hai đều kể với giọng điệu hài hước.

Mùa hè năm ngoái cô cắt đứt quan hệ gia đình trên báo thì không lâu sau nhận được thư từ Tây Bắc. Ngoài thư viết người nhận tên cô nhưng bức thư ở trong lại viết “Hà Tri Hành Thân Khải” gửi cho chú Hai.

Hóa ra hai vị tri kỷ ngày xưa có liên lạc, qua lại thường xuyên, hẹn tháng Giêng sang năm sẽ đưa con cháu đến kinh thành gặp mặt. Chú Hai quyết định ngày lành tháng tốt rồi mới rời khỏi kinh đô đi làm.

Cách tháng Giêng còn xa, sao người ta đã đến trước?

Hà Vị đưa chiếc đồng hồ cho người đàn ông:

– Tối nay tôi có việc, chú nói với anh ta ngày mai tôi đặt chỗ trước mời anh ta ăn tối.

– Đối phương hẹn gặp tối nay – Người đàn ông nói – Vật đã đưa không có ý định lấy về.

Tối nay ư?

Theo thói quen trước đây cô sẽ không bao giờ hủy kế hoạch để tạm thời đi gặp ai đó. Tuy nhiên người này có xuất thân đặc biệt, đối với cô, thứ chú Hai coi trọng nhất chính là điều quan trọng nhất, ưu tiên nhất trong trái tim cô.

Hà Vị bèn quyết định:

– Hỏi địa chỉ, hoặc để xe bọn họ dẫn đường.

Người đàn ông trả lời đối phương, lên xe lần nữa, lái xe ra khỏi con ngõ đi thẳng ra phía trước.

Sau khi xe chạy theo, Hà Vị chú ý đến chiếc đồng hồ quả quýt trong tay Liên Phòng, nhìn sơ qua thì không thể biết vật này có giá trị như thế nào, không biết nhận ở đâu và nhận như thế nào cho hợp lý.

Hà Vị nở nụ cười, khẽ nói:

– Chú Hai quý trọng thứ này lắm. Em về tìm cái hộp cất đi, đợi chú ấy đi Hồng Kông về tôi sẽ trả cho chú.

Liên Phòng thở phào nhẹ nhõm rồi cất đi.

Chiếc xe phía trước dẫn đường vòng qua đám học sinh chạy về hướng chùa Hộ Quốc.

Không lâu sau, chiếc xe phía trước từ từ dừng trước con ngõ nhỏ kín đáo trên phía Nam phố Tân Nhai Khẩu. So với khu phố phía Nam sầm uất, con ngõ này rất vắng vẻ và không có gì đặc biệt.

– Đây là đâu? – Liên Phòng hỏi.

– Ngõ Bách Hoa Thâm Xử[4]. – Lái xe trả lời – Đầu ngõ bên này là phố Nam, đi bộ đến cuối ngõ ra ngoài là phía đông chùa Hộ Quốc.

Cô và Liên Phòng lần lượt xuống xe, nương theo ánh đèn xe nhìn vào bên trong. Con đường đất nhỏ hẹp với hai bên tường gạch vỡ bao quanh con đường sâu hun hút. Ngoại trừ cái tên tao nhã, con ngõ này tầm thường đến mức không thể tầm thường hơn. Thấy bên trong tối đen như mực cô càng cẩn thận hơn, sải bước vào cùng người nọ.

Đến trước một cánh cửa gỗ, có hai người đứng canh cửa, mở cửa cho hai người. Mặc dù họ mặc áo choàng vải bình thường nhưng đôi ủng đi dưới chân đã phản bội họ, đó là hai sĩ quan trẻ.

Trong tứ hợp viện nhỏ, hai bên đèn đã sáng.

– Người sắp gặp là chồng chưa cưới của tôi. – Hà Vị nói với Liên Phòng – Đưa em vào theo cũng không phải ý kiến hay, ở đây đợi tôi.

Liên Phòng kinh ngạc nhìn Hà Vị đi vào.

Khoảng sân tuy đơn sơ nhưng trong nhà chứa đựng Càn Khôn.

Không biết nhà họ Bạch mua nơi này hay mượn để ở, không tài nào đoán nổi cách bài trí trong nhà là thẩm mỹ của ai. Bức tường đối diện cửa treo đầy tranh ảnh lồng trong khung gỗ, nửa Tây nửa ta, rất hợp với xu hướng của các học giả ở Bắc Kinh lúc này.

Trong nhà có hai bức rèm châu, một tấm sau cổng và một tấm ngăn cách gian trong và gian ngoài. Bất kể trong hay ngoài đều không một bóng người.

Chậu than sưởi được đặt ở chính giữa, không biết nó đang cháy vì ai.

Cô thoáng do dự, cởi áo khoác lông chồn ngắn cổ đuôi cáo ra, đang định chỉnh trang mái tóc dài ngang vai bị cổ áo đuôi cáo làm rối tung thì một người đàn ông cao lớn bước vào.

Động tác của Hà Vị ngừng lại giữa không trung trông hơi kỳ quái. Cô nhanh chóng thu tay vén tóc, sau đó xoay người đến trước mặt đối phương. Có lẽ do tính cách hình thành từ những năm tháng học tập ở trường quân sự, tay trái đút trong túi quần của anh ta không hề hợp phép tắc xã giao, đứng ở bên đó giống như một kẻ không phận sự vậy. Hình như không phải là chủ nhân của người đưa tin cho cô.

– Tôi là Hà Vị. – Cô chìa tay phải ra trước.

Anh ta bắt tay cô, trầm giọng nói:

– Hân hạnh gặp mặt.

Như thể cầm một khối băng lạnh thấu xương, lạnh đến mức khiến người ta sợ hãi. Cô nhanh chóng rút tay về.

– Tôi nay tôi sẽ đến khách sạn Lục Quốc, quả thật có chuyện quan trọng. – Hà Vị tự nhủ, nếu anh ta không mời mình ngồi xuống thì e rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên này sẽ kết thúc trong vòng ba phút – Nếu chỉ là một bên muốn gặp mặt thì bây giờ coi như đã gặp nhau. Nếu còn chuyện cần bàn bạc thì sao không để ngày mai đặt đại tiệc rồi tôi chính thức chiêu đãi các anh?

– Cô đến khách sạn Lục Quốc ư? Gặp công sứ Nga sao? – Anh ta hỏi.

Tối nay các đại sứ đều đã quay về đại sứ quán và lãnh sự quán, chỉ còn mình đại sứ Nga đến khách sạn Lục Quốc. Làm sao anh ta biết?

Cô quan sát kỹ người trước mặt.

Áo sơ mi thẳng thớm là lượt, cổ áo không thắt nút hơi mở rộng. Chàng trai trẻ có gương mặt sáng sủa cao ráo quả là hiếm thấy. Đôi mắt dưới lông mi dày không quá to, có điều con ngươi đen to hơn người bình thường. Đôi mắt này gợi cho cô nhớ đến mặt hồ Thập Sát Hải vào ban đêm, sâu thăm thẳm không gợn sóng, chí có ánh trăng phản chiếu trong hồ là ánh sáng duy nhất.

Nương theo ánh đèn trên tay phải anh ta có thể thấy chiếc mũi cao cao. Cô bắt đầu quan sát anh ta từ áo sơ mi lên vai áo không có một nếp nhăn nào, thậm chí là nếp khâu lệch cũng không có.

Khi cô nhìn anh ta, anh ta cũng nhìn thẳng vào cô, không hề né tránh.

Dưới ánh đèn, anh ta nói:

– Phía Nga đang đàm phán, muốn thành lập một liên bang mới. Cô có thể đợi đến khi tình hình bên đó giải quyết thì hãy nói, cớ sao phải mất công lôi kéo một công sứ vô dụng, lãng phí tiền bạc?

Khi nói chuyện, bóng sáng trên khuôn mặt anh hơi thay đổi, cô đều nhìn thấy rất rõ ràng.

– Tôi cũng có nghe đến tin này. – Hà Vị dời mắt sang chỗ khác, giải thích đại khái cho anh ta – Có điều tôi đoán, một liên bang mới được thành lập thật thì ắt sẽ loạn, phải triệu tập toàn bộ công sứ ở ngoài nước về.

Và những chuyện cô cần người khác làm có thể sắp xếp trong mấy ngày này.

Phù một tiếng, tia lửa phụt ra từ chậu than.

Dòng suy nghĩ của cô bị cắt đứt. Đang yên đang lành tự dưng bàn đến chuyện nước Nga.

Dường như anh ta cũng nhận ra điều đó, không đi sâu thêm nữa.

Dù thế nào đi chăng nữa, lời nói vừa nãy của anh ta đều suy nghĩ cho cô. Hà Vị nể mặt anh ta, thoáng thấy ghế bên cạnh cũng ngồi xuống theo.

Anh ta nửa muốn đi nửa muốn ở, cuối cùng ngồi xuống cùng cô. Có điều ngồi hơi xa, cách nhau khoảng mười bước chân.

Xa hơn nữa phải ra tận gian ngoài.

Hà Vị muốn cười, ngoái đầu nhìn hải đường xung quanh chậu than bên cạnh mình:

– Đây là tây phủ hải đường ư?

– Ừm. – Anh ta đáp – Tây phủ hải đường.

Cô nhận ra giống hoa tuyệt vời này, hải đường bình thường không có mùi thơm nhưng tây phủ hải đường có mùi thơm nên rất hiếm. Cô thấy đầu cành hải đường điểm xuyết sắc đỏ, có phải nụ hoa chăng? Giữa mùa đông khắc nghiệt này có thể chăm ra hoa nở, quả nhiên là chốn thâm cung của trăm hoa, xứ sở muôn hoa.

Nói hoa phải hỏi người ta.

Cô biết rất ít về anh ta, toàn bộ ấn tượng tốt của cô về người đàn ông xa lạ này đều bắt nguồn từ tình xưa nghĩa cũ giữa chú Hai và cha anh ta. Có một vài suy tính nên nói rõ trước khi gặp mặt người lớn thì tốt hơn.

Cô nhìn anh ta, giả bộ thản nhiên hỏi câu đã chuẩn bị trước đó:

– Anh có vợ lẽ không?

Người đàn ông đứng hình.

– Trước khi học trong trường quân đội, cha mẹ có cho anh cưới vợ lẽ không? Hay là từ nhỏ đã hầu gái hầu hạ?

Nhìn tuổi anh ta chỉ sợ đã có vợ cưới hỏi đàng hoàng, nhưng do lời hẹn ước hai nhà Hà Bạch phải cắt đứt ân nghĩa.

Anh ta đứng hình lần hai, từ xa ngước lên nhìn cô, trong ánh mắt có gì đó không thốt nổi thành lời…

Hà Vị thấy sự ngập ngừng của đối phương, trong đầu đã tự có đáp án.

– Không. – Anh ta đột ngột trả lời – Không có.

Thế là tốt.

Hà Vị hỏi xong điều muốn hỏi, tâm tư mới ổn định được đôi phần.

Anh ta đột ngột đứng dậy, vén rèm châu lên đi khỏi mà không nói một lời.

Đi đâu vậy?

Một lúc sau có một tùy viên quân sự trẻ bưng trả vào, vừa nhìn đã biết không phải phong cách phục vụ của người hầu, trà pha vô cùng cẩu thả.

– Cậu chủ – Vị sĩ quan chỉnh sắc mặt – còn ở chùa Hộ Quốc. Nếu cô Hai chán không thể chờ, tôi sẽ sai đầy tớ đi gọi.

– Ở chùa Hộ Quốc? – Cô nhìn sang – Mới đi ư? Hay là có việc gấp?

– Giờ không kịp rồi, buổi trưa đi. – Y cười nói – Ngài ấy có nói sẽ về trước bữa tối, có lẽ sắp rồi.

Buổi trưa?

Hà Vị chậm rãi hỏi:

– Vậy người vừa ra ngoài là ai?

– Ngài ấy, là bạn cùng học của cậu chủ, họ Tạ. – Sĩ quan lấy làm lạ, hỏi – Ngài ấy không nói sao?

Hà Vị ngớ người, giả vờ nâng tách trà trống không lên miệng:

– Chưa kịp nói.

Nói gì cũng nói rồi, người ta có ở đây đâu.



– Tứ hợp viện này là của ngài ấy, cậu chủ đến đây không muốn khua chiêng gõ trống nên mượn chỗ này. – Vị sĩ quan đáp – Ngài Tạ….

Anh ta không biết gọi đối phương là công tử, tiên sinh hay là gì nữa. Con người này trông mặt không thể bắt hình dong, từ lúc họ vào kinh đến nay người nọ mới xuất hiện, sau khi cậu chủ đi chùa Hộ Quốc mới đến. Y sợ Hà Vị hỏi mà mình không trả lời được bèn rót trà cho cô rồi chuyển chủ đề.

Sĩ quan bưng ấm, vừa nhấp hớp trà vừa nhìn Hà Vị. Nếu không phải cái ấm trà còn trong tay, y thực sự nghĩ rằng bây giờ cô là hớp trà thơm làm ấm cổ họng.

Hà Vị đột nhiên bừng tỉnh, cúi đầu nhìn tách trà trống không, buồn bực vì bản thân liên tục hành động mất mặt.

Cô mỉm cười với vị sĩ quan, đặt lại tách trà men xanh đậu xuống chiếc bàn thấp. Y rót trà rồi vội vàng lui ra. Cô ngồi tại chỗ, vô thức xoay chiếc nhẫn mã não đỏ trên ngón áp út bên tay trái, hồi tưởng khuôn mặt người nọ.

Quả thật là một buổi tối hoang đường. Triều đại nhà Thanh đã trôi về dĩ vãng mười năm, Tử Cấm Thành lại tổ chức điển lễ Đại hôn, còn cô ấy thế mà nhận nhầm người sẽ kết hôn với mình ở chốn phồn hoa ngoài Tử Cấm Thành này.

_________

Chú thích:

[1] Tên một cổng thành trước từng là một phần của tường bao phía bắc thành phố Bắc Kinh

[2] Tức Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Trung Quốc

[3] Cơ quan phụ trách các buổi biểu diễn kinh kịch của triều đình vào thời nhà Thanh, hay còn được gọi là Nam phủ, có từ đời Khang Hy.

[4] Hay được biết đến với cái tên Baihuashenchu, con ngõ trên đường Thập Sát Hải, Bắc Kinh.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây