Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

16: Khói lửa giữa nhân gian (3)


trước sau

Sáng sớm đầu năm mới, vị khách đầu tiên đến Chính Minh Trai lại là người đó.

Bích Sa Môn vẫn khép hờ một nửa như cũ.

Tiểu nhị từng kể với ông chủ về vị khách này, không hiểu nổi vì sao mỗi lần đến đều khép hờ nửa cửa. Ông chủ nói, người càng phú quý, địa vị càng cao lại càng cẩn thận, không dễ gì chịu ở trong không gian kín mít, đặc biệt kiêng kị chuyện đóng cửa hoàn toàn, sợ bị ám sát không chạy thoát được.

Tiểu nhị đặt đĩa bánh hoa đào cùng một bát phô mai lên bàn. Vì người khách này yên tĩnh không nói chuyện nên cả quá trình hắn đều không dám thở mạnh, chỉ đến khi xoay người mới có dũng khí liếc nhìn Tạ Vụ Thanh một cái.

Tạ Vụ Thanh nhận ra, không nói gì, chỉ hơi nhíu mày. Tiểu nhị lập tức cúi đầu chạy đi.

Anh rút hai bức điện tín khẩn từ quân trang của mình, mở ra xem qua.

Một bản là do đích thân Tạ Vụ Thanh viết tay:

Muốn kết hôn, mong cha cho phép.

Tờ thứ hai là bức điện tín hồi đáp của Tạ lão tướng quân:

Được. Mong tự khắc thuỷ chung, không phụ lòng người.

Anh nhìn bức điện tín, Lâm phó quan đứng cạnh nhìn anh.

Ngày đó Tạ Vụ Thanh nhận được bức điện báo này vô cùng cao hứng, tự mình uống rượu cả đêm, sau đó cũng không hồi đáp, chỉ thường xuyên lấy ra một mình nghiền ngẫm chốc lát. Lâm Kiêu mỗi ngày đều thấy anh xem điện báo, luôn chờ anh phân phó “Đưa đến Hà nhị phủ”. Nhưng đợi từ ngày này qua ngày khác, anh cũng không nói nửa lời.



Ngoài cửa, mấy tiểu nhị từ hậu viện đang nâng mật cung bảo tháp [1], đặt trong sảnh chính.

[1] Một loại bánh cúng đặc trưng trong ngày lễ tết của Bắc Kinh. Những cái bánh nhỏ màu vàng nhạt, được xếp thành hình tháp ngụ ý tốt lành.

Tạ Vụ Thanh nhìn qua, Lâm Kiêu thay anh hỏi thăm tiểu nhị: “Đây là gì vậy?”

“Mật cung bảo tháp, mỗi năm Tết đến, nhà nào cũng lấy về để tế tổ cúng vái Thần Tài”, tiểu nhị cười giải thích, “Các anh cũng ở Bắc Kinh, có muốn ‘nhập gia tuỳ tục’ lấy một cái về không?” Lâm Kiêu lịch sự lắc đầu, nói cảm ơn.

Tạ Vụ Thanh nhìn chỗ bánh cúng điểm tâm chất đầy mất nửa sảnh đường. Một khối khá giống tháp Phù Đồ [2] được đặt ngăn nắp, cao hơn nửa người, đều bày ở đó chờ khách đến nhận. Thứ này khiến Tạ Vụ Thanh nhớ đến những ngọn tháp Phù Đồ ngoài đời thật mà anh từng nhìn thấy lúc ở Nam Dương ẩn náu tránh nguy, còn nhớ cả rừng đá ở Quế Lâm…

[2] Tháp Phù Đồ (hay còn gọi là Stupa), theo truyền thống Phật giáo, tháp là nơi chôn cất một phần xá lợi để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Một số cách gọi khác như Tháp Phật, Bảo Tháp, Đại Bảo Tháp.

Tạ Vụ Thanh gấp gọn bức điện tín, cất vào trong quân trang.

Bức điện tín này không thể để cô biết được, một mình anh giữ là đủ rồi. Dựa theo tính tình của Hà Vị, chỉ sợ sau khi nhìn thấy thì cả đời này cũng không thể gả cho người nào khác. Chuyến này anh đi không biết ngày về, cô vẫn còn nhỏ, chỉ vì chờ đợi gả cho anh thì thật không đáng.



Sau đêm đó, Tạ Vụ Thanh lần nữa biến mất khỏi tầm mắt cô.

Hai người đều có cùng suy nghĩ, nên không thường xuyên qua lại. Cô cũng không quá khổ sở khi xa cách, chỉ cảm thấy lo lắng, sợ anh lại gặp chuyện không hay.

Đêm giao thừa hôm đó, cô bảy đến Hà nhị gia dùng cơm.

“Lão thái phi thiên thu [3], trong cung lại nói khác”. Hà Tri Hân tay cầm chén trà thở dài, “Thật không muốn đi”.

[3] Cách nói khác ám chỉ “cái chết”

“Cứ xem như dự một cái hội đường [4] là được rồi”. Hà Tri Hành cười nói.

[4] “Hội đường” là một hình thức biểu diễn, đãi tiệc quan trọng ở Bắc Kinh từ cuối triều Minh đến năm 1949. Những phe phái, nhóm người muốn gặp mặt riêng tư đều mời các gánh hát (thỉnh thoảng chỉ mời một số vị giác nhi có tiếng) đến để diễn xướng. Họ thường thuê một sân khấu bên ngoài hoặc nhà hát thương mại (trong phủ, hội quán, nhà hàng) để tổ chức hội đường.

Đặc trưng của hội đường không giống những buổi diễn công khai hỗn tạp người ở nhà hát. Điều kiện xem kịch, ăn uống, vệ sinh ở hội đường rất tốt. Ngoài ra, ở hội đường, người tổ chức còn có thể tuỳ thích lựa chọn vở diễn mình muốn. Không những thế, người xem nếu cao hứng còn có thể tuỳ lúc lên sân khấu diễn cùng với giác nhi, những giác nhi không thể từ chối. Người được mời đến hội đường ngoài có thể xem diễn kịch, còn được uống rượu, ăn ngon… do chủ nhà thiết đãi (nguồn Baidu)

Hà Tri Hân là con gái mang danh bất hiếu thuộc thế hệ trước của Hà gia. Lúc còn nhỏ một hai đòi cùng mẹ ruột học hát hí khúc, quậy đến mức cả nhà Hà gia bị người ta chê cười, chờ cô bảy bái sư, người xem náo nhiệt cười nhạo ngày càng nhiều, chỉ mong cô bị bẽ mặt. Cho đến mấy năm sau, khi cô bảy vừa bước lên sân khấu mang theo bộ dáng tuyệt diễm vô ngần, danh tiếng nổi lên từ đó, vang vọng khắp đại giang nam bắc… Dù người cười nhạo đã không còn, nhưng Hà gia ngại xuất thân diễn viên tuồng hát của cô bảy mà không thích cô cho lắm.

Cô bảy thừa dịp Hà Tri Hành uống thuốc, thì thầm với cô: “Có tin đồn công tử Tạ gia sắp kết hôn, con biết không?”

Cô sững sốt.

Vẻ mặt cô bảy tỏ ý quan tâm: “Có điều nghe Quân Khương nói, hai người các con nửa tháng nay không có qua lại à?”

“Trước nay qua lại cũng không nhiều ạ”, cô đáp, “Hồng nhan tri kỷ của anh ấy nhiều lắm”.

Cô bảy cười cười, cũng an tâm hơn.

Chờ Hà Tri Hành uống thuốc xong, cô bảy hỏi Hà Tri Hành có muốn đến hội đường ở Cung Vương Phủ không?

“Vốn không muốn đi”, Hà Tri Hành than nhẹ, “Nhưng mùa đông năm nay xuống giường thật không dễ, chỉ sợ không thể giấu Vị Vị trong nhà được nữa. Cần phải đưa con bé ra ngoài nhiều hơn, gặp được nhiều người”.

Cô bảy an ủi nói: “Sau này còn có em với em chín giúp đỡ, anh hai yên tâm”.

Chờ tiễn cô bảy về, Hà Vị ngồi lại ngay ngắn, cả người nặng nề tâm sự, cô giống như chung rượu ngọc bích bị đổ đầy nước, thêm một giọt nữa ắt sẽ tràn, không thể lắc không thể nghiêng.

Nhưng ngẫm lại hình như không hợp lẽ. Chẳng phải anh sẽ đi sao? Không nên kết hôn vào giờ phút này.

Buổi tối cô ở thư phòng vẫn nghĩ về chuyện lúc sáng, thất thần cùng Quân Khương bàn chuyện mời thợ thêu vá. Cô muốn nhanh chóng đưa thành phẩm cho khách, nhưng ngại giao cho phường thêu làm không cẩn thận, chi bằng cứ đưa đến phòng trà ở phía đông viện, chỗ đó nuôi hơn mười người, ai cũng có tay nghề thêu thùa rất tốt, lúc rảnh rỗi thêu ga trải giường và rèm cửa cho tàu chở khách, làm một chút xem như việc thiện.

Nói được một nửa thì Đỗ lão tiên sinh đã đến. Vị lão tiên sinh này tính tình cứng nhắc, xuất thân trâm anh thế gia, sau này vì nghèo túng mà đến cậy nhờ Hà Tri Hành. Hà Trinh Hành liền mời ông làm gia sư riêng, chuyên dạy quốc học cho Hà Vị. Vừa nghĩ đến chuyện học cô liền thấy đau khổ, nhưng có điều học vẫn phải học… Chỉ là lên lớp chưa đầy mười phút, suy nghĩ của cô đã trôi đến trên người Tạ Vụ Thanh.

Cô nhớ đến đêm đó trong gian phòng trong, anh kiên nhẫn dạy cô, mỗi một cảnh lướt qua đều giống như kịch câm. Còn cô đứng một bên quan sát hai người lặng lẽ mút mát cánh môi đối phương… Chân răng mềm nhũn, cả người mơ màng.

“Cô hai”.

Hà Vị ngồi lại ngay ngắn.

Đỗ lão tiên sinh cau mày: “Cô hai nghĩ đến chuyện gì tốt”.

“Em đang nghĩ… ‘Sắc tự đầu thượng nhất bả đao’, là một câu nói hay”. Vừa nhớ đến anh, đã bị ánh mắt như đao của tiên sinh phóng tới.

Lão tiên sinh trầm giọng nói: “Nửa câu sau cũng nhớ cho kỹ, ‘Thạch lựu quần hạ mệnh nan đào” [5].

[5] Hai câu “Sắc tự đầu thượng nhất bả đao/Thạch lưu quần hạ mệnh nan đào” (tạm dịch: Trên đầu chữ sắc là một thanh đao/Quỳ dưới váy thạch lựu thì khó thoát được), chữ “sắc” Hán tự là “色”, phía trên có một chữ “đao” – “刀”; “thạch lựu quần” (váy thạch lựu) thường dùng để ám chỉ người con gái xinh đẹp diễm lệ như hoa lựu. Hai câu trên hàm ý khuyên người không nên mê đắm trong sắc dục sẽ lâm vào cảnh bi thảm.



Đầu năm mới, người đến thăm nối đuôi nhau không dứt.

Đặng Nguyên Sơ vui vẻ đến chúc Tết Hà Tri Hành, lén lút nói: Hội đường ở Cung Vương Phủ ngày mùng 5, Tạ Vụ Thanh cũng đến.

Đây là ngầm ra hiệu cho cô, phải đến gặp một lần.

“Anh Thanh dạo này đều ở khách sạn Lục Quốc”, Đặng Nguyên Sơ giải thích thay anh, “Sắp đến bầu cử tổng thống, bên ngoài rất loạn, có người muốn ám sát ứng cử viên nên vô cùng ầm ĩ. Thân phận anh Thanh vốn nhạy cảm, không thể thường xuyên qua lại”.

Ngày mùng 5, trời sắp tối, cô cùng chú hai đến hội đường.

Hà nhị gia nằm cạnh Thập Sát Hải [5], Cung Vương Phủ cũng gần Thập Sát Hải, vì vậy cách nhà cô cũng không xa.

[5] Thập Sát Hải là tên gọi chung của chuỗi ao hồ trong nội thành Bắc Kinh, nằm trên góc tây bắc theo đường chéo đông nam đến tây bắc của Bắc Kinh theo thứ tự gọi là Tiền Hải, Hậu Hải và Tây Hải. Đây là nơi buôn bán, vui chơi náo nhiệt từ thời xưa đến nay, tập trung rất nhiều cửa hiệu ăn uống, quán bar nổi tiếng.

Tối nay hội đường tụ tập rất nhiều người sừng sỏ, vì tiệc năm mới nhiều, nên cũng có không ít dân máu mặt đến, chỗ này lại là áp trục [6]. Khi xe của họ tới nơi, đã có một chiếc xe khác đỗ trước hòn giả sơn, người bước xuống là cô bảy cùng một vị tiên sinh được mời đặc biệt. Vị tiên sinh trang điểm lộng lẫy, trên người khoác áo choàng, nhìn trang phục có vẻ sẽ diễn vai Phàn Lê Hoa trong vở “Phàn giang quan”. Cô bảy che chắn vị tiên sinh trước người, nói với gã sai vặt đang đứng chờ: “Đỡ hắn một chút, hát liên tục hai buổi, giờ mở màn lại là hắn”.

[6] “Áp trục” ý chỉ “đi cuối cùng”, là vị trí quan trọng nhất, nhận được nhiều sự chú ý nhất. Chỗ này nếu dùng từ “cuối cùng” thuần Việt thì không rõ nghĩa lắm nên mình giữ nguyên từ “áp trục” để nhấn mạnh sự quan trọng nhé!

Cô bảy đưa vị tiên sinh kia vào, lúc này mới nhìn thấy Hà Vị cùng Hà Tri Hành đang tủm tỉm đứng cười.

Hà Tri Hành để cô cháu hai người nói chuyện với nhau, còn mình nhờ Liên Phòng dìu vào trước.

Hà Tri Hân vì muốn dùng tiền quyên góp hôm nay để cứu tế nên đồng ý diễn ở đây, lại là diễn cuối nên không gấp gáp trang điểm, lúc này chỉ mặc một cái áo khoác màu lam bạc cùng quần dài, trùm bên ngoài áo choàng, bím tóc dài thả sau lưng, trông tuấn tú đến mức có vài vị tiểu thư đi ngang phải ngoái đầu nhìn lại. Mà cô bảy ngọc thụ lâm phong này lại đang bĩu môi với cô, dịu dàng hỏi: “Không thấy gió lớn à? Mau vào thôi”.

“Cô bảy hôm nay diễn vở gì ạ?” Cô cười.

“Ngư tràng kiếm”.

“Ồ, hôm nay làm Ngũ Tử Tư”, cô lại cười, “Cái này thì con biết”.

“Không phải con không thích nghe kịch sao?”

“Có liên quan đến danh tướng thì con đều thích cả”.

Hà Tri Hân vừa vặn cười, bĩu môi chỉ bên cạnh cô, ý muốn nói: Danh tướng đến rồi.

Cô thấy sự trêu ghẹo trong mắt cô bảy, liền biết người phía sau là ai.

Lời nói nuốt ngược về, chờ cô bảy đi rồi, mới quay đầu lại nhìn. Tạ Vụ Thanh đang đứng sóng vai với người đàn ông trung niên ném đồng hồ lần trước, người kia nhìn bóng lưng Hà Vị không nhận ra, đợi đến khi cô quay đầu mới lập tức nở nụ cười: “Cô hai”.

“Thiệu tiên sinh”. Cô nhẹ nhàng chào hỏi.

“Tôi muốn tìm đồng nghiệp nói chuyện quan trọng”, Thiệu tiên sinh nói với Tạ Vụ Thanh, “Lão Tạ nói hai câu với cô hai đi”.

Tạ Vụ Thanh đồng ý, ngược lại giống như chỉ ngẫu nhiên gặp nhau.

Hơn nửa tháng không thấy mặt, tóc anh hình như dài hơn một chút. Vừa nói đến đây đã thấy anh giơ tay vuốt tóc ra sau, mái tóc ngắn vuốt ngược lộ ra khuôn mặt sáng sủa. Vì vừa ở trong phòng xem diễn nên anh không mặc thêm áo ngoài, chỉ có độc một chiếc sơ mi cổ đứng cùng quần quân đội bước ra, cổ áo màu trắng càng làm nổi bật cái cằm nhọn. Anh có vẻ không vui lắm, khuôn mặt nghiêm nghị hơi mím môi, khi nhìn thấy Hà Vị đến thì khoé môi mím chặt mới mang theo ý cười.

Hà Vị cảm giác như bị túm lông mềm mại trên khăn choàng cổ vuốt ve cằm, trêu chọc cô thấy ngứa, cô giơ tay vén mấy sợi lông tơ trắng lên.

Hai người đối diện nhìn nhau.

Bọn họ không dễ gì mới gặp được, anh muốn nhìn cô thêm một lát, liền dẫn cô đến hành lang gấp khúc phía xa. Mùng 5 còn chưa hết Tết, trên người cô vẫn đang mặc một chiếc váy đỏ bạc may vào năm mới, đeo khuyên tai ngọc trắng hoà điền, đong đưa hai bên mặt, nhìn vô cùng xinh xắn đáng yêu. Hai người đi cạnh nhau vẫn duy trì khoảng cách an toàn, sau một lúc mới tìm được chỗ rẽ kín gió có thể tránh người.

“Nửa tháng qua anh ổn không?” Cô dịu giọng hỏi.

Anh hơi gật đầu: “Vẫn được”.

“Uống rượu không ít à? Ăn tết xã giao nhiều như vậy”.

Anh vẫn như cũ gật đầu.

“Em nghe nói”, cuối cùng cô hỏi, “Nhà anh có hỉ sự sao?”

Tin đồn này bắt nguồn từ bức điện tín kia. Tạ Vụ Thanh sợ có người nghi ngờ tìm đến Hà Vị, liền nhờ chị hai tìm một người thân tín nguỵ trang để nói chuyện yêu đương “muốn kết hôn”, cô gái nhà người ta hôm qua mang theo khuôn mặt đầy nước mắt cắn chặt răng ở khách sạn mắng anh nửa ngày, toàn mấy lời “Tạ Vụ Thanh anh không phải con người!”, xong việc khóc lóc rời kinh.

Mà tối nay, người con gái chân chính được nhắc tới trong bức điện tín lại ở đây “ăn dấm”, khiến anh nhất thời không biết đáp lại cô thế nào.

“Em muốn anh trả lời thế nào đây?” Anh hỏi cô.

“Cứ nói sự thật là được”. Cô mỉm cười nói.

Thật ra cô cũng không quá tin, chỉ là… không hiểu sao lại ghen tị.

Tạ Vụ Thanh trầm mặc.

Cô đoán anh có lời muốn nói nên kiên nhẫn chờ, chờ không biết qua bao lâu, lâu đến mức bắt đầu có tiếng chiêng trống nổi lên, truyền tới từ trong phòng hát, ngẫm nghĩ vở kịch mở màn là gì, lâu đến mức cô bắt đầu cảm thấy bất an.

“Anh phải đi rồi”. Tạ Vụ Thanh bất chợt nói.

Hà Vị như bị kim đâm.

Anh nhẹ giọng: “Không lâu nữa sẽ đi, bất luận là trốn thoát hay bắt chết, cũng cần phải đi. Tối nay có thể là lần gặp mặt cuối cùng giữa chúng ta”.

Kim dài đâm vào lòng, giống như chỉ hơi động một chút thì sẽ càng đâm sâu hơn.

Cô bình tĩnh nhìn anh. Tạ Vụ Thanh đứng dưới ánh đèn lồng, để mặc cô ngắm nghía.

Lời muốn nói rối loạn trong lòng, rất nhiều lời chất đống, ngược lại không biết mở miệng thế nào.

Cái đêm sinh nhật đó, cô từng nghĩ muốn cùng anh chạy trốn, chợt nhận ra không có khả năng. Cô là người thừa kế duy nhất của vận tải đường thuỷ, là người thân duy nhất chăm sóc chú hai, nếu anh trai chưa mất, cô còn có một tia cơ hội, nhưng hiện tại…

Phải chi anh gặp được một vị tiểu thư nhà khác thì tốt rồi, ít nhất không phải bỏ đi một mình cô đơn.

Hà Vị nhìn đèn lồng, miên man nghĩ, hình như mỗi lần bọn họ gặp nhau đều vào đêm tối, khi ánh đèn bật sáng, anh liền xuất hiện…

Tạ Vụ Thanh biết cô mượn ánh đèn lồng để kiềm nén nỗi khổ trong lòng.

Anh cũng không biết nên an ủi cô thế nào, im lặng hồi lâu, bất chợt nói với cô lại như nói với chính mình: “Mấy năm nay anh ở ngoài sợ nhất là nhìn thấy trẻ con. Sợ nhìn thấy mấy đứa nhỏ ấy cầm súng, sợ nhìn cảnh đám trẻ vây quanh những thương binh quần áo rách rưới đã chết từ lúc nào, lục tìm đồ có thể mang về nhà. Có lần anh bắt gặp đám trẻ nhìn xác chết ven đường nhưng không thấy lạ, cảm giác lúc đó không nói nên lời”.

Anh yên tĩnh, chốc lát sau lại nói: “Thế đạo này, thế giới này thật không bình thường chút nào, không phải là chỗ có thể đối mặt. Bo bo giữ mình không khó, nhưng nếu không sớm kết thúc chiến tranh, về sau những đứa trẻ ấy phải thế nào bây giờ, làm sao nhìn mặt những người đã ngã xuống đây?”

Câu cuối cùng của anh không phải nói cho cô nghe, giống như tự vấn bản thân.

Hà Vị nghe lời bộc bạch của anh lại càng đau lòng khổ sở. Anh giải thích lý do vì sao mình phải đi, vì sao không thể buông súng.

Cô khẽ lắc đầu: “Anh không thể ở lại, em cũng không cách nào theo anh, đều kiên trì giống nhau. Anh không cần giải thích”.

“Nhưng loại kiên trì này, anh thật sự từng nghĩ muốn bỏ”. Anh nói.

Cô không hiểu.

Tạ Vụ Thanh thấp giọng: “Anh thường ghét những món ăn liên quan đến sữa bò dê, ngửi thấy tanh, không cách nào bỏ vào miệng. Phô mai mà em thích… anh thử mười mấy lần, vẫn không quen được”.

Cô cho rằng mình nghe lầm.

Anh vậy mà lại một mình ăn hơn mười mấy lần? Chỉ vì cô từng nói mình thích ăn sao?

Tạ Vụ Thanh bình tĩnh thản nhiên giống như đang nói chuyện mà mình nên làm: “Lần sau quay về, anh lại thử xem”.

“Nếu không thích thì không cần miễn cưỡng bản thân làm gì?” Cô nhẹ giọng trả lời.

“Là đồ em thích, hẳn có chỗ hơn người, xứng đáng thử lại lần nữa”.

Trái tim cùng cơ thể cô lúc này như người không trọng lượng lênh đênh trôi nổi, không nói được rốt cuộc là chia tay đau khổ hơn, hay nghe những lời anh nói vui mừng hơn. Cô từng gặp rất nhiều công tử cậu ấm, cũng nghe được rất nhiều lời hay ý đẹp của họ, nếu bàn về lời hay ý đẹp thì so với người ta cô càng giỏi hơn… Duy chỉ chưa từng gặp ai như Tạ Vụ Thanh, lúc nào cũng chặn được lời người muốn nói.

Bên trong đã bắt đầu nổi nhạc, như đang thúc giục bọn họ.

“Trong Bắc Kinh có một cổng thành tên gọi Đức Thắng Môn”, cô bắt lấy cơ hội nói chuyện lần cuối, “Thời cổ đại khi xuất chinh người ta đều đi từ cổng đó, mở cờ ngụ ý chiến thắng”. Cô cố gắng đè nặng thanh âm, có chút run rẩy, sợ nếu nói lớn sẽ bị anh nghe thấy.

“Anh biết”, anh đáp, “Lần này đi ra từ đó không dễ”.

Hôm nay Tạ Vụ Thanh không cách nào quang minh chính đại đi ra từ Đức Thắng Môn, đây cũng là tiếc nuối của anh.

“Còn có một cổng khác tên An Định Môn”, cô nói tiếp, “Là cánh cổng khi quân xuất chinh chiến thắng trở về đều đi qua. Lần sau anh vào kinh, trước hãy nói với em, em sẽ ở đó chờ anh”.

An Định Môn.

Tạ Vụ Thanh khẽ gật đầu. Anh nhớ rõ rồi.

Vở diễn bắt đầu, hai người đạp lên âm thanh ồn ào náo nhiệt đi vào trong.

Có người chờ anh đã lâu, muốn đưa anh đến phòng riêng của chủ tiệc, người tới đón còn đích thân khoác áo ngoài giúp anh.

“Anh Thanh”. Cô biết đêm nay khó có dịp nói chuyện riêng với nhau, trong lòng vẫn còn chuyện quên chưa dặn dò, liền đi theo hai bước nhẹ giọng gọi anh. Bước chân Tạ Vụ Thanh hơi dừng lại, xoay người vòng đến trước mặt cô, dịu dàng hỏi: “Sao vậy?”

Trên cột trụ nhà vẽ đầy dây tử đằng, dưới ánh đèn đỏ thẫm của cung đình, giống như ảo cảnh trong vở kịch câm mê mẩn hồn người. Hai người đứng trước cửa, là nơi bắt mắt nhất.

“Mấy chục vạn không phải con số nhỏ”. Cô thấp giọng nói.

Toà Cung Vương Phủ này là nơi quý giá nhất trong mấy chục toà vương phủ ở thành Bắc Kinh, chủ nhà âm thầm tìm người định giá cũng lên đến mấy chục vạn. Anh chỉ cần một ngọn lửa liền đem mấy chục vạn nha phiến sống của người ta đốt trụi, tất nhiên sẽ bị lấy mạng. Nhưng lời này không thể nói rõ được, bên cạnh anh là gã sai vặt.

“Sau này cẩn thận một chút”. Cô mờ mịt nói.

Cấm thuốc phiện đã động đến lợi ích của quá nhiều người, hung hiểm không thua gì trên chiến trường.

Tạ Vụ Thanh hiểu rõ lời cô, cười cười: “Được”.

Hai người đàn ông mặc áo khoác ngoài đến tiếp đón, là vì anh mà chào hỏi.

“Nơi này gió lớn”, Tạ Vụ Thanh nhẹ giọng nói, “Đi thôi”.

Anh không nhiều lời nữa, liền xoay người quay lưng về phía cô, theo người dẫn đường rời đi. Hà Vị thấy đôi ủng quân đội của anh đạp lên ánh đèn đỏ cung đình, hối hận vì đến cuối cùng không đáp lại anh, trong cuộc hàn huyên náo nhiệt, anh bước vào phòng riêng của chủ nhà.

Trong mắt Hà Vị chua xót, cô cứ đứng đó, cố gắng mở mắt nhìn chằm chằm dây tử đằng cùng đèn treo màu đỏ, tận lực nhìn. Trong kịch mỗi lần từ biệt nhau đều nói mấy lời hẹn gặp lại, không nghĩ tới cuộc đối thoại cuối giữa bọn họ đơn giản như thế, bình thản giống như ngay ngày mai vẫn còn sẽ gặp mặt, ngay cả một câu hẹn gặp lại cũng chưa kịp nói…

— HẾT CHƯƠNG 16 —

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây