Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

46: Rượu mạnh say đắm trăm hoa (3)


trước sau

Trên sân khấu rạp hát ầm ĩ không chịu nổi, có người hét to “Chúc Tiểu Bồi”.

Không biết vị công tử trong phòng riêng nào tiên phong ném bạc xuống dưới, nhất thời tiếng trống thùng thùng như cuồng phong vũ bão, đồng bạc chói mắt từ trên trời rơi như mưa, bọn công tử đều sợ mình thua thiệt…

Mặc dù trên mặt Đặng Nguyên Sơ vẫn là nụ cười bất biến, nhưng cái nhếch môi chỉ hiện ngoài da mặt, vì một tiếng “Chúc Tiểu Bồi”, đôi mắt sau cặp kính thoáng hoảng hốt. Hắn do dự mấy lần, nhịn không nhìn dưới lầu.

“Chúc Tiểu Bồi này nổi tiếng thật”, Bạch Cẩn Hành không ở trong kinh nên không biết chuyện trước kia của Đặng Nguyên Sơ và Chúc Tiểu Bồi, hắn buông tách trà, cười nói, “Năm đó “Thời báo Thuận Thiên” có mở cuộc bình chọn vua giới hát xướng, có phải cô ấy đoạt quán quân không?”

Tạ Vụ Thanh gật đầu đáp: “Hồi trước ở kinh thành, quả thật là người nổi danh nhất”.

“Nổi danh ở kinh thành, sao lại đến Thiên Tân?”

Tạ Vụ Thanh khẽ lắc đầu: “Không rõ lắm”.

Dựa theo sự hiểu biết của cô với Tạ Vụ Thanh, đoàn được anh đang nói dối.

Cô thầm liếc Tạ Vụ Thanh.

Đặng Nguyên Sơ ngồi một lát, lấy cớ nói xuống lầu hít thở không khí, Bạch Cẩn Hành hiếm khi đến Thiên Tân, cũng muốn đi cùng hắn nhìn thử khu Tam Bất Quản nổi danh này, nhưng bị Tạ Vụ Thanh ngăn cản: “Để cậu ta tự đi đi”.

Bạch Cẩn Hành không phải người ngu ngốc, thấy Tạ Vụ Thanh và Hà Vị như giấu diếm gì đó, nhận thấy việc này có ẩn tình.

“Cậu ta có tâm sự à?” Bạch Cẩn Hnah2 hỏi.

Tạ Vụ Thanh cười không đáp.

Bạch Cẩn Hành nhìn sang Hà Vị. Cô nghĩ nếu không nói rõ ràng, sợ sau khi Đặng Nguyên Sơ quay lại vẫn phải nghe những lời vô thưởng vô phạt của Bạch Cẩn Hành, không khéo còn chạm vào tâm sự trong lòng, thế nên cô nói qua loa: “Cô ấy là tình cũ của Đặng Nguyên Sơ”.

Hà Vị quan sát khung cảnh náo nhiệt bên dưới, trông thấy Đặng Nguyên Sơ đi vào sau sân khấu, nhớ đến mùa xuân năm 28.

Liễu rũ đầy khắp thành, quân phiệt Phụng hệ chuẩn bị lui về quan ngoại. Bên trong Tứ Cửu Thành, nhóm quân phiệt cũ vẫn cuồng hoan không nhìn thấy ngày mai.

Chúc Tiểu Bồi lặng lẽ đến tứ hợp viện công ty vận tải, chờ gặp cô.

Chúc Tiểu Bồi sinh ra có một đôi mắt phượng, đường nét linh động, khi cô ấy xướng vở “Tây Sương Ký” liền nổi danh khắp trời nam bắc, dáng người uyển chuyển, lễ phép cẩn thận, sau khi bái lễ theo nghi thức trên sân khấu xưa với cô, nói rõ ý đồ tìm đến: Cô ấy bị một vị công tử nhà quân phiệt đeo bám, đối phương mỗi ngày đều đến Hội quán Hồ Quảng ngồi suốt một canh giờ, thề không cưới được cô sẽ không bỏ qua. Có điều đối với những con hát nổi danh như cô, loại chuyện này không hiếm gặp, người ủng hộ bọn họ rất nhiều, theo đuổi từ quan to cao quý, vương hầu tiền triều đến văn nhân mặc khách [1], không ai không có, nhiều lúc điên lên thứ gì cũng làm ra được. Đặng Nguyên Sơ không nhịn được, đuổi người kia đi, lại bị mười mấy khẩu súng chĩa vào người đàn áp…

[1] Những người trong giới thơ ca, văn từ. Ví dụ như nhà thơ, nhà văn…

May mắn lúc đó có người trong hội quán can ngăn, nhưng hận thù cũng kết. Cô sợ vị công tử kia bị tâm ma quấy phá, làm chuyện tổn hại Đặng Nguyên Sơ, nhưng không biết cầu tình ở đâu, phàm là những người quan to vinh hiển có ai không nghĩ cách dụ dỗ cô, nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc tìm đến chỗ Hà Vị.

Hà Vị đồng ý nghĩ cách, cô nhác thấy Chúc Tiểu Bồi lo lắng, liền an ủi một tiếng: “Chuyện này, tôi sẽ không nói cho Đặng Nguyên Sơ biết”.

Chúc Tiểu Bồi yên tâm, nói lời cảm ơn rồi đi mất.

Hà Vị tìm một người lớn tuổi hỏi thăm, biết được đó là đứa con trai được vị quân phiệt kia chiều chuộng nhất, bèn tìm cách dấy lên đấu đá trong nhà hắn, khiến vị công tử kia bị áp chế lại. Có điều Chúc Tiểu Bồi là đào hát gặp thời, người theo đuổi đếm không xuể, cản được một tên, sẽ còn có người thứ hai, thứ ba tìm đến… Hai tháng sau, Chúc Tiểu Bồi lại đến tìm cô, một là nói lời cảm ơn, hai là chào tạm biệt.

Chúc Tiểu Bồi ẩn ý nói, cô ấy và Đặng Nguyên Sơ sẽ tạm chia xa một thời gian.

“Lại có kẻ tuyên bố muốn giết anh ấy. Tôi lo lắng ngày nào đó sẽ thành sự thật. Giữa tôi và Đặng công tử, dù sao cũng phải có một người buông tay trước”. Chúc Tiểu Bồi rũ mắt, cười khổ nói, “Từ lúc tôi mười mấy tuổi đã bắt đầu hát “Tây Sương Ký”, trong kịch hát Trương công tử thi đỗ Trạng Nguyên, quay về cưới Thôi Oanh Oanh, không còn kẻ ác nào dám ngăn cản. Mà hiện giờ, cái gì cũng vô dụng, anh ấy cũng xem như từng có công danh, nhưng không thể dùng”.

Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội [2]

[2] “Thất phu” ý chỉ dân thường, “hoài bích” ý chỉ ngọc quý. Câu này xuất phát từ một điển cố xưa, đại khái nói rằng dân thường tàng trữ ngọc quý trong nhà là phạm luật, nếu không khai ra sẽ bị trị tội, nhưng lỗi không phải ở dân thường, mà do tàng trữ ngọc quý nên mới có tội. Hàm ý, trong một số việc, con người không có tội, tội của họ là vì mang thứ cao hơn thân phận và địa vị của mình. Câu này sau này còn ngầm chỉ những người có tài năng, nhan sắc thường bị kẻ khác ghen ghét, đố kị, hoặc chịu cảnh xã hội giày xéo.

Năm đó Đặng Nguyên Sơ chính là một dân thường, mà Chúc Tiểu Bồi lại không khác gì Hoà Thị Bích. Trong thời buổi loạn lạc, dù cho hắn không màng tính mạng của mình, cũng không đủ sức gánh vác tình cảm này.

Chúc Tiểu Bồi muốn đặt chân đến Thiên Tân, cần Cửu tiên sinh hỗ trợ mới không bị những kẻ theo đuổi quấy rầy, tìm một nơi thanh tịnh sống ẩn dật. Trước khi đi, cô ấy để lại một phong thư cũ, là tiền thuê nhà một năm tới ở Thiên Tân, chỉ cần nhìn đã biết, về mặt tiền bạc cô ấy không cần ai giúp. Nhiều năm nổi tiếng, số tiền tích cóp cũng đủ cho cô sống an nhàn đến già.

“Lại phiền cô hai lo liệu”, cô ấy dịu dàng xin lỗi, “Nghĩ tới nghĩ lui, cũng có có cô hai mới thật tình giúp được tôi”.

“Tất thảy giao cho tôi đi”. Cô đồng ý.

Không lâu sau, Chúc Tiểu Bồi chuyển đến tô giới Thiên Tân, không quay về Tứ Cửu Thành nữa.



Đêm khuya trong viện.

Hà Vị xoã tóc dài tán loạn, nằm trong góc sô pha, gác một chân không mang tất lên chân bình thường của anh. Bàn chân lặng lẽ vuốt ve vải quần quân đội của Tạ Vụ Thanh…

Trước mắt như hiện lên cảnh tượng rạp hát tàn tiệc, Đặng Nguyên Sơ ngồi một mình giữa hàng ghế dự bị đầu tiên gần sân khấu, thất thần dõi mắt lên sân khấu không bóng người.

Cách bốn mét phía sau sân khấu được kéo rèm đỏ thêu chỉ vàng, giống như đang che giấu một người, chính là vị trong lòng của tiểu công tử Đặng gia.

Ngón tay Tạ Vụ Thanh gãi lòng bàn chân cô.

Cô nhồn nhột giật mình, đang nằm đột ngột ngồi tựa vào ghế, nương theo ánh đèn nhìn anh.

“Chúc Tiểu Bồi hát ba ngày liên tiếp, hôm nay là ngày cuối, lại đúng lúc gặp mặt Đặng Nguyên Sơ”, cô rụt chân lại, kề sát anh, tì chiếc cằm thon nhọn lên vai anh, “Tất cả là do sắp xếp sao? Đặng Nguyên Sơ muốn gặp cô ấy à?”

Một tay Tạ Vụ Thanh cầm bút máy, viết loạt xoạt mấy chữ cuối cùng lên trang giấy trắng. Ngòi bút mạnh mẽ chấm một điểm.

Anh nói: “Cái đêm thím em sinh con, Chúc Tiểu Bồi tới tìm anh”.

Tạ Vụ Thanh giải thích thêm: “Em trai cô ấy đắc tội với Phụng hệ, muốn nhờ anh liên hệ Trịnh gia giúp đỡ. Trịnh gia đồng ý ra mặt, nhưng nếu muốn ổn thoả cần phải tìm một cái cớ nói chuyện, chị gái của Trịnh Độ liền bảo cô ấy diễn ở rạp này ba ngày. Đặng Nguyên Sơ nhận được thiệp mời, tự mình tìm đến”.

Tạ Vụ Thanh mở bình mực trên bàn, châm thêm mực vào bút.

Anh lấy vải bông lau sạch bút máy, ném vào sọt rác cạnh đó: “Không hỏi gì sao?”

“Cảm thấy đau lòng thay bọn họ”, cô nhỏ giọng nói, “Chỉ hai năm thôi”.

Sau khi Đặng Nguyên Sơ tị nạn trở về từ Macao, Đặng gia cũng lấy lại ý chí, lần nữa hô mưa gọi gió. Hiện giờ tiểu công tử Đặng gia lại trở thành một cái bánh chưng thơm phức, là chàng rể tương lai hiền quý trong mắt mọi nhà. Mà Chúc Tiểu Bồi năm ngoái đã gả cho người ta.

Tạ Vụ Thanh thấy tâm trạng cô ưu phiền, đóng bút máy lại.

Cổ tay anh thon gầy, đeo chiếc đồng hồ kim loại cô tặng. Bóng dáng thật dài trên chồng giấy trắng, anh đặt hai cây bút và bình mực lên, quay đầu nhìn chằm chằm cô một lúc. Cô như thể đoán được chuyện gì sắp xảy ra, Tạ Vụ Thanh muốn hôn cô. Hai ngày nay, chỉ cần không có người ngoài, anh luôn như thế, giống hệt đang làm một chuyện vô cùng bình thường trên đời.

Vì trong phòng oi bức nên Hà Vị chỉ mặc một chiếc váy lụa không tay cột dây sau cổ, lộ ra mảng lưng phía sau.

Lưng dán chặt trên ghế sô pha, dính dớp mồ hôi, khi cử động sẽ vang lên mấy tạp âm rất nhỏ. Cô có chút chột dạ, thầm nghĩ, trước kia trong tứ hợp viện, mỗi gian phòng đều ngăn cách bởi bức tường gạch đỏ, không biết cuộc sống của vợ chồng mới cưới không có tường ngăn thì thế nào, có giống anh và cô, thân mật không ngừng? Hay vẫn là ban đầu mới mẻ, sau đó thành quen.

Cô thấy Tạ Vụ Thanh cởi cúc áo, trong lòng như lửa đốt.

“Kể em nghe lúc anh bị giam lỏng đi”. Cô thì thầm.

Thời gian giam lỏng chỉ mất một tháng, sau đó là nhà tù, trong ngục tối đến mức không thấy đầu ngón tay, nước ngập đầu gối, vết thương trên chân cũng bị ngâm trong nước… Không có gì hay để nói.

“Không bằng bàn chuyện kết hôn đi”, anh mỉm cười, “Nói thế nào chăng nữa cũng phải tổ chức đám cưới”.

Anh ngẫm nghĩ, lại nói: “Chờ quay về Bắc Bình, anh dọn dẹp nhà cửa ở Bách Hoa Thâm Xử một chút, em gả từ nhà về đó, dẫn theo Tư Niên nữa”.

Nhà sao?

“Em không còn sống ở nhà trước nữa”, cô nói, “Hiện giờ ở trong một căn tứ hợp viện nho nhỏ, cách chỗ anh không xa”.

Anh im lặng một lát, nói đùa: “Trong số những người hỏi cưới em, chắc anh là kẻ vô tâm nhất”.

Đến cả chuyện cô dọn nhà cũng không biết.

Tạ Vụ Thanh dứt lời, mất tự nhiên cười lớn một tiếng, trong lòng áy náy khiến cô chậm trễ nhiều năm như thế. Anh ngồi dậy, muốn tìm hộp thuốc, Hà Vị choàng cổ ôm anh, kéo anh trở về người mình: “Ai đời bàn chuyện kết hôn, mới nói được một nửa đã bỏ đi hút thuốc đâu chứ?”

Tạ Vụ Thanh bật cười, khuỷu tay chống bên mặt cô, sờ hộp diêm.

Trước kia không thấy anh đối diện người khác hút thuốc, chắc là từ khi biến cố xảy ra, đã tạo thành thói quen này.

Cô từng gặp qua không ít người nhiều năm chinh chiến, lúc trở về hoặc vì rửa sạch cảnh tượng máu me trong đầu, hoặc khiếp sợ sau mấy lần sống sót từ tai nạn, hoặc vì vết thương cũ, đều nghiện morphine rất nặng. Tạ Vụ Thanh chỉ tuỳ lúc hút thuốc, đã rất tự chủ rồi.

Tiếng sàn sạt của hộp diêm thu hút sự chú ý của cô. Có điều ngay sau đó, cả hộp thuốc và que diêm đều bị anh ném lên chồng giấy.

Lúc này không bàn chuyện hôn sự nữa.

Hai tay Hà Vị câu cổ anh, nghĩ đến chuyện vừa rồi bọn họ nói.

Cô nhớ Đặng Nguyên Sơ bảo, lúc trước Tạ Vụ Thanh dạy ở Học viện Quân sự, chữ viết thanh tú đầy bảng đen, từng cột đều tăm tắp như dùng thước kẻ đo đạc, học sinh ngồi dưới cặm cụi chép bài cũng không bằng anh, thông thường chỉ mới viết được một nửa, trên bảng đen đã giăng đầy bài giảng. Cô lại nhớ Bạch Cẩn Hành kể, trước khi Bắc phạt, nhiều nhóm giáo viên ở các giảng võ đường vì góp tiền mở trường nên không ít người đến xin làm giáo viên ở các trường sơ trung gần đó, Tạ Vụ Thanh là thầy dạy vật lý, anh thường khuyến khích học sinh học tập, sau này chế tạo máy bay, thay đổi cục diện “chỉ sửa không tạo” [3] trong nước…

[3] Nghĩa là chỉ sửa chữa từ những cái có trước chứ không phải tự chế tạo ra.

Cô âm thầm tưởng tượng bóng lưng anh đứng trước bảng đen, nhắm mắt lại, cảm thấy chính mình nhìn thấy mặt khác của anh. Trong bóng tối, cũng chính là khuôn mặt đang ở cạnh cô.

Lăn lộn trên sô pha mấy giờ đồng hồ, Hà Vị cột gọn mái tóc, ra ngoài lấy một chậu nước ấm vào.

Giờ này không tiện vào phòng tắm, cô chỉ mặt một cái váy dây không tay, vắt khăn lông lau cổ cùng thân thể. Tạ Vụ Thanh theo ánh trăng nhìn qua, trong tiếng nước róc rách, thấy bóng dáng mảnh khảnh ngồi đó cẩn thận chà lau cánh tay rồi cái cổ thon mềm, sau đó đến mặt mày.

Hà Vị quay về giường, nằm thẳng cạnh anh, mang theo hương thơm xà phòng hoa quế, còn có hơi nước ẩm ướt trên da.

Cô lẩm bẩm nói: Thì ra kết hôn là thế này.

Giống như nũng nịu, lại giống oán trách. Không lâu sau, cô dần dần thiếp đi, Tạ Vụ Thanh nghe rõ tiếng cô hít thở. Khẽ khàng, thơm ngọt.



Cô canh cánh chuyện quan trọng Bạch Cẩn Hành nhờ vả.

Mấy ngày sau, cô đem hai chiếc xe của chú chín đến, đưa Tạ Vụ Thanh cùng Bạch Cẩn Hành tới xưởng sản xuất muối lớn nhất Thiên Tân.

Trong quá khứ, mặc dù nguồn tài nguyên biển cả phong phú, nhưng vì thiếu chuyên gia về hoá học nên vẫn dùng phương thức cũ làm muối. Không lâu sau Cách mạng Tân Hợi mới có được cánh đồng muối tinh khiết thuộc về bản thân. Cô giới thiệu với họ: “Từ lâu chú hai đã muốn em để tâm đến ngành công nghiệp, sau đó đưa em đến đây, để em tự cảm nhận, rốt cuộc ngành công nghiệp quan trọng thế nào. Lúc các anh còn hoạt động trong Cách mạng Tân Hợi, họ đã bắt đầu nghiên cứu sản xuất muối tinh luyện, muối sô-đa, những kỹ thuật đó trước đây từng bị phương Tây độc chiếm lũng đoạn, hiện giờ chúng ta đã có thể làm muối của riêng mình”.

Cô suy ngẫm, nói tiếp: “Gần như sau khi Cách mạng Tân Hợi thành công, khoảng 14-15 năm đã có xưởng muối tinh chế, không lâu sau liền có nhà máy sản xuất sô-đa”.

Quân nhân như họ không hiểu biết nhiều về ngành công nghiệp, nhưng khi liên hệ với thời gian, trong lòng nảy ra loại cảm giác đồng cảm khó nói thành lời. Trong lúc họ tắm máu chiến trường, các nhà công nghiệp bắt đầu mở xưởng nghiên cứu kỹ thuật, giúp người Trung Quốc tự sản xuất muối ăn của mình.

Trước khi xuống xe, cô nói với hai người đàn ông: “Một muối một sắt, vấn đề rất nghiêm trọng, lợi ích trong đó không phải là những thứ các anh có thể nghĩ đến, cần phải dùng mạng lưới quan hệ khổng lồ phức tạp. Hà gia có một con tàu trọng lượng vạn tấn, chuyên vận chuyển muối”.

Đây cũng chính là cách vận chuyển lô súng ống kia.

Hà Vị dẫn Bạch Cẩn Hành đến giới thiệu cho hai người phụ trách công ty chỗ này, mượn cớ kinh doanh muối muốn bàn chuyện hợp tác.

Hà Vị rời khỏi xưởng muối trước, cô đứng ở cổng lớn rút một tấm thiệp ra. Là chú chín Hà gia mừng sinh con gái, muốn tổ chức tiệc rượu đầy tháng vào tháng sau.

Đối phương nhận lấy, thấp giọng dò xét, vị Bạch công tử này lai lịch thế nào lại làm phiền cô hai Hà đích thân đưa đến đây. Một người khác thay cô tiếp lời, nói năm đó khi tô giới Pháp bị phong toả, không ai có thể ra vào, lại có một vị tướng quân đến từ Tây Bắc vì giai nhân xin được giấy thông hành.

Vị tướng quân ấy họ Bạch, người giai nhân kia họ Hà.

Cô nhoẻn cười: “Chuyện qua lâu như thế, không ngờ có người còn nhớ rõ”.

“Vậy vị kia chính là Bạch tướng quân vang danh khắp Kinh Tân sao?” Người dò hỏi kinh ngạc.

Nhiều năm trước, Tạ Vụ Thanh vô tình “cắm liễu” một lần lại giúp Bạch Cẩn Hành, dễ khiến người ngoài tin tưởng chuyện: Vì sao cô hai có thể giới thiệu đối tác làm ăn thân thiết cho công tử Bạch.

Trước nay Hà Vị vốn không quan tâm đến chuyện buôn muối, cũng không thể bày ra dáng vẻ quá mức để ý, chỉ đành để Bạch Cẩn Hành ở lại nói chuyện với họ.

Từ lúc tới đây, Tạ Vụ Thanh không bước xuống xe, vẫn một mực ngồi trong xe đỗ ngoài xưởng muối, đọc sách giết thời gian.

“Chú chín mời anh đến thăm con gái chú”, cô quay lại xe nói, “Ông còn bảo, công tử Tạ gia không hiểu đạo nghĩa, lần trước đến công quán, chưa kịp gặp mặt chủ nhà đã vội vàng đi mất, lần này ít nhất phải ở lại vài ngày mới được”.

Tạ Vụ Thanh buông sách, gật đầu đáp: “Được thôi”.

“Em định qua ít ngày đặt vé tàu về Bắc Bình”, cô hỏi, “Anh có chuyện gì chưa làm xong ở Thiên Tân không?”

Tạ Vụ Thanh kéo cửa sổ xe, “Có thể làm ở Thiên Tân, cũng làm được ở Bắc Bình”, anh nói với Lâm Kiêu ngồi ghế trước, “Ngày mốt chúng ta đặt vé, về Bắc Bình”.

Anh dùng từ “về”, là trở về nhà.

— HẾT CHƯƠNG 46 —

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây