Hoa Mãn Lâu không nhịn được bật tiếng la thất thanh :
- Phi Yến đấy ư?
Thanh âm bên ngoài đáp lạo :
- Đúng rồi. Chính tiện thiếp đây. Không ngờ công tử còn nhận được thanh âm của tiện thiếp.
Một người nhẹ nhàng ở ngoài cửa sổ nhảy vào. Cô cất tiếng rầu rầu vừa ra vẻ ghen tuông vừa ra chiều chế nhạo nói :
- Tiện thiếp tưởng công tử quên tiện thiếp rồi.
Hoa Mãn Lâu đứng ngẩn người ra hồi lâu mới ngập ngừng hỏi :
- Sao cô nương... đột nhiên lại tới đây?
Thượng Quan Phi Yến hỏi lại :
- Phải chăng công tử muốn nói tiện thiếp không nên đến nữa?
Hoa Mãn Lâu lắc đầu thở dài đáp :
- Tại hạ chỉ nghĩ rằng cô không đến nữa vì tại hạ tưởng cô đã...
Thượng Quan Phi Yến ngắt lời :
- Công tử tưởng tiện thiếp chết rồi phải không?
Hoa Mãn Lâu không biết nói sao.
Thượng Quan Phi Yến lại buồn rầu thở dài nói :
- Tiện thiếp cũng muốn chết như y, chết trong lòng công tử.
Cô từ từ tiến đến trước mặt Hoa Mãn Lâu nói tiếp :
- Tiện thiếp ngó thấy hai vị... trong lòng tiện thiếp rất khó chịu. Nếu y không chết rồi, có lẽ... tiện thiếp cũng giết y.
Hoa Mãn Lâu trầm mặc hồi lâu bỗng lên tiếng :
- Một hôm tại hạ đã nghe thấy tiếng hát của cô nương.
Thượng Quan Phi Yến trầm ngâm hỏi :
- Phải chăng ở trong tòa miếu sơn thần đổ nát ở ngoài Vạn Mai sơn trang?
Hoa Mãn Lâu đáp :
- Phải rồi.
Thượng Quan Phi Yến cũng trầm lặng một lúc mới nhẹ nhàng lên tiếng :
- Nhưng lúc công tử tìm đến thì tiện thiếp đã đi rồi.
Thượng Quan Phi Yến tiếng nói càng nhẹ hơn :
- Công tử nên biết tiện thiếp không muốn đi.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Có người bức bách cô nương phải ra đi hay sao?
Thượng Quan Phi Yến đáp :
- Khúc hát đó cũng là người khác bức bách tiện thiếp phải ca. Ban đầu tiện thiếp chưa hiểu bọn họ định làm gì, sau mới hiểu họ muốn công tử đến tòa phá miếu.
Hoa Mãn Lâu hỏi :
- Bọn họ là ai?
Thượng Quan Phi Yến không trả lời vào câu hỏi. Thanh âm cô đột nhiên phát run dường như cô khiếp sợ vô cùng!
Hoa Mãn Lâu lại hỏi :
- Chẳng lẽ cô nương đã lọt vào tay bọn kia?
Thượng Quan Phi Yến run lên đáp :
- Công tử!... Hay hơn hết là công tử chẳng nên biết nhiều qua. Không thì... không thì...
Hoa Mãn Lâu không nhịn được hỏi :
- Không thì làm sao?
Thượng Quan Phi Yến trầm ngâm hồi lâu mới đáp :
- Hôm ấy bọn họ dẫn dụ công tử đến vì mục đích muốn cảnh cáo công tử đừng can thiệp vào vụ này nữa. Đồng thời họ muốn cho công tử hay tiện thiếp đã lọt vào tay họ.
Cô không để Hoa Mãn Lâu mở miệng lại nói tiếp :
- Bữa nay bọn họ bảo tiện thiếp tới đây để khuyên công tử chớ dính vào vụ đó nữa, không thì... không thì bọn họ sẽ giết công tử.
Hoa Mãn Lâu động dung hỏi ngay :
- Phải chăng chúng yêu cầu cô đến giết tại hạ?
Thượng Quan Phi Yến đáp :
- Sự thực là thế. Vì bọn họ biết rằng chẳng khi nào công tử lại nghĩ tới tiện thiếp sát hại công tử nên không đề phòng. Nhưng bọn họ có ngờ đâu tiện thiếp chẳng khi nào nhẫn tâm hạ độc thủ với công tử.
Đột nhiên cô nhảy xổ lại ôm lấy Hoa Mãn Lâu cất tiếng run run nói :
- Bây giờ nhất định là công tử đã nghĩ tới bọn họ là ai rồi, nhưng vĩnh viễn công tử không hiểu lực lượng của họ đáng sợ đến thế nào!...
Hiện nay Diêm Thiết San và Độc Cô Nhất Hạc đã chết rồi, người muốn ngăn trở vụ này chỉ có Hoắc Hưu.
Hoa Mãn Lâu trầm giọng nói :
- Bất luận lực lượng của bọn họ ghê gớm đến thế nào, tại hạ cũng không sợ...
Thượng Quan Phi Yến ngắt lời :
- Công tử không sợ nhưng tiện thiếp sợ quá. Chẳng phải tiện thiếp sợ cho mình mà là lo cho công tử. Nếu không có tiện thiếp thì các vị không dính líu đến vụ này. Vạn nhất xảy chuyện bất trắc cho công tử thì tiện thiếp còn sống làm sao được?
Cô càng ôm gã chặt hơn, toàn thân run bần bật. Miệng cô thở ra mùi hương thoang thoảng.
Hoa Mãn Lâu không nhịn được cũng giang hai tay ôm lấy Phi Yến.
Nhưng thi thể Thạch Tú Vân còn ở bên cạnh gã. Thiếu nữ đa tình này vừa chết ở trong cánh tay gã bây giờ gã lại dùng hai cánh tay này để ôm người khác thế nào được?
Trong lòng đầy đau khổ và mâu thuẫn, Hoa Mãn Lâu muốn kiềm chế tình cảm mà không sao kiềm chế nổi.
Lúc Hoa Mãn Lâu toan ôm lấy Phi Yến, cô đẩy tay gã ra nói :
- Ý tứ của tiện thiếp thế nào chắc bây giờ công tử đã hiểu rồi.
Hoa Mãn Lâu đáp :
- Tại hạ không hiểu.
Thượng Quan Phi Yến nói :
- Bất luận công tử có hiểu hay không... tiện thiếp... tiện thiếp cũng phải ra đi.
Hoa Mãn Lâu la thất thanh :
- Cô đi ư? Sao lại còn đi?
Thượng Quan Phi Yến đáp :
- Tiện thiếp không muốn đi, nhưng không đi không được.
Giọng nói của cô đầy vẻ khủng khiếp và đau khổ. Cô nói tiếp :
- Nếu công tử còn có chút lòng tử tế với tiện thiếp thì đừng hỏi nữa, cũng chẳng nên kéo tiện thiếp lại. Không thế thì chẳng những có hại cho chính công tử mà còn nguy hại cả cho tiện thiếp nữa.
Hoa Mãn Lâu ngập ngừng :
- Nhưng tại hạ... tại hạ...
Thượng Quan Phi Yến ngắt lời :
- Để tiện thiếp đi thôi. Từ nay tiện thiếp chỉ cầu được biết công tử vẫn còn sống bình yên là lòng thiếp thỏa mãn lắm rồi.
Thanh âm của cô mỗi lúc một xa rồi mất hút.
Bầu trời tối tăm. Hoa Mãn Lâu đột nhiên phát giác ra mình bị hãm vào vòng hắc ám cùng tịch mịch.
Gã cũng biết Phi Yến bất đắc dĩ mà phải ra đi. Trong tâm cô đau khổ đến cùng cực.
Hoa Mãn Lâu đứng ngẩn người. Gã không thể giúp cô giải quyết tình trạng khốn nạn, cũng chẳng thể an ủi nỗi đau khổ cho cô, chẳng khác gì vừa rồi gã để Thạch Tú Vân chết ở trong lòng mình.
Gã lẩm bẩm :
- Ta là con người thế nào? Có đáng gì nữa không?
Bên tai gã phảng phất như có tiếng người cười lạt bảo gã :
- Ngươi bất quá là kẻ đui mắt vô dụng.
Người đui mắt kéo dài cuộc sống trong hắc ám mà là cái hắc ám tuyệt vọng.
Gã nắm hai tay đứng trước ngọn gió ban mai buổi tháng tư. Đột nhiên gã phát giác đời người không phải là đẹp tốt vĩnh viễn như gã hằng tưởng tượng. Trong đời có rất nhiều nổi bi ai thống khổ mà không sao được.
Tháng Tư vốn mùa là chim én bay về, nhưng chim én của gã lại bay đi, bay đi như tuổi thanh xuân của con người vĩnh viễn không trở lại.
Gã từ từ bước tới khu đất cỏ ngoài cửa, khu đất cỏ đã bị sương đêm làm cho ướt át.
Cỏ đã ướt đẫm tức là đêm đã khuya rồi.
* * * * *
Hoắc Thiến Thanh từ từ xuyên qua khu đình viên. Ánh đèn trên tiểu lâu soi tới bộ mặt lợt lạt của hắn. Hiển nhiên hắn rất mệt nhọc mà là cái mệt nhọc của kẻ cô độc.
Trong ao sen nước biếc trong veo phản chiếu tinh nguyệt trên vòm trời như đảo lộn xuống. Hai tay chắp để sau lưng, Hoắc Thiến Thanh đứng ở đầu cầu cửu khúc.
Cơn gió thổi qua, một tấm lá rụng.
Hắn cúi xuống lượm cái lá rụng, đột nhiên lên tiếng :
- Công tử đã tới rồi.
Người mới tới là Lục Tiểu Phụng. Chàng đáp :
- Tại hạ tới rồi.
Lục Tiểu Phụng từ ngoài bờ tường vọt lên tiến vào như cái lá rụng. Chàng hạ mình xuống bờ bên kia ao sen, cũng đang nhìn Hoắc Thiến Thanh.
Hai người cách nhau cái ao sen rộng chừng mười trượng mà tưởng chừng gần lắm.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười hỏi :
- Dường như tôn giá đang chờ tại hạ.
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Phải rồi. Ta đang chờ công tử.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tôn giá biết tại hạ đến đây hay sao?
Hoắc Thiến Thanh gật đầu đáp :
- Ta biết rằng công tử thế nào cũng đến.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tại sao vậy?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Công tử đi rồi nơi đây lại xảy rất nhiều chuyện.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Xảy nhiều chuyện ư?
Hoắc Thiến Thanh hỏi :
- Công tử không biết hay sao?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ chỉ biết có một điều.
Hoắc Thiến Thanh hỏi :
- Công tử biết Độc Cô Nhất Hạc đã chết ở đây rồi sao?
Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :
- Nhưng có điều tại hạ chưa biết lão có nên chết hay không?
- Dĩ nhiên công tử cũng không biết cái chết của lão có liên quan đến ta.
Lục Tiểu Phụng “Ồ” lên một tiếng.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Nếu không có ta thì không chừng lão lại chưa chết dưới lưỡi kiếm của Tây Môn Xuy Tuyết.
Lục Tiểu Phụng lại “Ồ” một tiếng.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Trước nay ta không ưa những kẻ tự tôn mà Độc Cô Nhất Hạc lại là người vọng tự tôn đại, vì thế lúc Tây Môn Xuy Tuyết chưa tới, ta đã giao thủ với hắn.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ biết rồi.
Hoắc Thiến Thanh ngạc nhiên hỏi :
- Sao công tử lại biết được?
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Lúc Độc Cô Nhất Hạc giao thủ với Tây Môn Xuy Tuyết. Chân lực lão nhiều lắm chỉ còn lại năm thành. Người làm cho chân lực lão hao tổn mất năm thành ở gần đây không có mấy.
Hoắc Thiến Thanh gật đầu nói :
- Đúng thế! Vụ này công tử có thể nghĩ ra được.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Còn một điều tại hạ nghĩ không ra.
Hoắc Thiến Thanh lại lẩm nhẩm gật đầu.
Lục Tiểu Phụng nói tiếp :
- Nghĩ không ra cũng chẳng hề chi. Bây giờ tại hạ chỉ muốn biết Thượng Quan Đan Phụng ở chỗ nào?
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Còn một điều nữa công tử cũng không nghĩ ra được.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Điều gì?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Y không đến đây, mà e rằng y không bao giờ đến nữa.
Lục Tiểu Phụng ngẩn người ra. Quả chàng không ngờ Thượng Quan Đan Phụng sao lại không ở đây?
Hoắc Thiến Thanh hỏi :
- Chắc công tử phải lấy làm kỳ là tại sao ta biết y không đến đây nữa?
Lục Tiểu Phụng thừa nhận :
- Cái đó tại hạ thật lấy làm kỳ.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Công tử coi phong thơ này sẽ không lấy làm lạ nữa.
Quả nhiên lão lấy trong tay áo ra một phong thơ liệng đi như đám mây bay về phía Lục Tiểu Phụng.
Trong thơ chỉ vỏn vẹn mười sáu chữ :
Đan Phụng nan cầu.
Tiểu Phụng hồi đầu.
Nhược bất hồi đầu.
Tính mạng nan lưu.
Chữ viết rất đẹp. Cả tờ giấy viết thơ cũng là thứ giấy đặc biệt.
Ngoài bao thơ đề câu :
“Thơ để cho Lục Tiểu Phụng”.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Phong thơ này để lại cho công tử, bây giờ ta đã trao cho công tử rồi.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Nhưng tại hạ chẳng hiểu ý tứ trong thơ ra làm sao?
Hoắc Thiến Thanh hững hờ đáp :
- Giản dị lắm! Ý tứ trong thơ này nói công tử khó lòng kiếm thấy Thượng Quan Đan Phụng nữa, vậy hay hơn hết là công tử quay về đi. Nếu còn can thiệp vào vụ này thì sẽ có người đến lấy tính mạng của công tử.
Dĩ nhiên lão cũng biết Lục Tiểu Phụng hiểu ý thơ rồi nhưng vẫn giải thích lại cho chàng nghe.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Ai đã đưa thơ này cho các hạ để trao lại tại hạ?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Không biết.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Các hạ cũng không biết ư?
Hoắc Thiến Thanh hỏi lại :
- Giả tỷ công tử cũng viết một phong thơ kiểu này bảo ta chuyển giao cho người khác, liệu công tử có cầm đến mặt ta mà đưa không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Dĩ nhiên là không.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Thế thì người viết phong thơ này cũng không cầm đưa vào tay ta. Ta lượm được nó ở dưới linh vị Diêm đại lão bản.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Dĩ nhiên các hạ không thể biết được.
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Nhưng công tử cần phải biết...
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Cần phải biết cái gì?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Cần biết phong thơ này ai đã viết ra.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
- Tại hạ chỉ hy vọng phong thơ này chẳng phải là Diêm đại lão bản viết ở trong quan tài.
Hoắc Thiến Thanh mục quang lấp loáng hỏi :
- Công tử cũng nên biết ngoài Diêm đại lão bản, còn ai không muốn cho công tử can thiệp vào vụ này?
Lục Tiểu Phụng lại thở dài đáp :
- Đáng tiếc là tại hạ không sao biết được.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Ít ra công tử phải biết còn một người.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Ai?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Ta đây.
Lục Tiểu Phụng cười ồ.
Hoắc Thiến Thanh lại không cười, sịu mặt xuống hỏi :
- Thượng Quan Đan Phụng đã không đến nữa thì công tử cũng chẳng cần can thiệp vào vụ này. “Châu quang bảo khí các”, một gia tài kếch xù, há chẳng thuộc về ta ư?
Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :
- Nhưng tại hạ lại biết rõ vị Chưởng môn phái Thiên Cầm tuyệt không thể làm chuyện này.
Rượu từ trong bình sứ Thanh Hoa lúc rót ra chẳng có mùi vị gì, cơ hồ giống nước lã không hơn không kém, nhưng sau đổ rượu mới vào mùi thơm ngào ngạt dàn dụa cả gian phòng nhỏ mà sạch sẽ.
Lục Tiểu Phụng trịnh trọng nhắp một hớp, thở phào một cái nói :
- Đây mới đúng là rượu Nữ Nhi Hồng.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Công tử quả là người sành sõi.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Vì thế mà lần sau nếu các hạ lại có thứ rượu ngon này nên mời tại hạ đến uống, nhất định tại hạ không chê rượu thượng hảo.
Hoắc Thiến Thanh cười đáp :
- Chẳng phải lúc nào ta cũng có thứ rượu ngon này.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Ủa!
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Khi ta đến bái phỏng một ông hàng xóm lần trước, lão đã tặng cho ta.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Tại hạ ca ngợi các hạ có ông hàng xóm tốt như vậy. Chẳng lẽ bây giờ ông cũng khó kiếm như thứ rượu ngon này?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Nhưng lão là người rất cổ quái. Chắc công tử đã nghe người ta nói đến lão rồi.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tại hạ quen rất nhiều quái nhân nhưng chưa hiểu nhân vật mà các hạ nói đó là ai?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Lão tên gọi là Hoắc Hưu.
Lục Tiểu Phụng la thất thanh :
- Hoắc Hưu ư? Sao lão lại là hàng xóm với các hạ được?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Tuy lão không ở luôn đây, nhưng đã dựng một tòa lầu nhỏ ở mặt sau trái núi này. Năm nào lão cũng ở đó chừng một hai tháng.
Lục Tiểu Phụng sáng mắt lên hỏi :
- Các hạ có biết lão đến đây làm gì không?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Ngoài uống rượu, dường như lão chẳng làm một việc chi hết.
Lục Tiểu Phụng không hỏi nữa, tựa hồ chàng hãm mình vào cuộc suy tư. Trước nay vẫn thế, khi chàng uống rượu là không chịu mở miệng hay động cân não. Lần này cũng vậy.
Hoắc Thiến Thanh không chú ý đến vẻ mặt của chàng. Hắn lại nói :
- Những thứ rượu mà công tử kể tên ra được, dường như đều có ở nơi lão. Tuy ta không thích uống rượu lắm, nhưng khi đã vào tòa tửu lâu ở phía sau là không muốn trở ra nữa.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên hỏi :
- Các hạ có biết thứ rượu nào vị ngon đặc biệt không?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Ta không biết.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Rượu ăn cắp.
Hoắc Thiến Thanh cười ồ hỏi :
- Phải chăng công tử muốn dẫn ta tới đó để ăn cắp rượu?
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Các hạ thật là thông minh.
Hoắc Thiến Thanh hỏi :
- Trên cõi đời này có một hạng người không thể uống được một giọt rượu. Công tử có biết là hạng người nào không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không biết.
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Đó là người không đầu. Vì vậy nếu công tử muốn còn cái đầu để uống rượu thì hay hơn hết là thủ tiêu ý kiến đó đi.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Ăn cắp rượu cũng như ăn trộm sách là hạng trộm cắp tao nhã, dù có bị người tóm được cũng không khép vào tội chặt đầu.
Hoắc Thiến Thanh nói :
- Dù sao hễ để người ta tóm được là không hay rồi.
Lục Tiểu Phụng cười hỏi :
- Các hạ vốn là người một nhà với Hoắc Hưu từ mấy trăm năm trước rồi thì các hạ còn sợ gì?
Hoắc Thiến Thanh đáp :
- Nhưng chính miệng lão nói cho ta hay trên tòa tiểu lâu đó có một trăm lẻ tám cơ quan mai phục. Nếu chẳng phải là tân khách lão mời đến thì bất cứ ai vào cũng khó lòng sống sót để trở ra.
Hắn thở dài nói tiếp :
- Những cơ quan đó không nhận ra người quen hay người lạ. Bất luận họ Hoắc cũng thế mà họ Lục cũng vậy, chẳng có chút chi khác biệt.
Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :
- Tại hạ có bốn hàng lông mày, bớt đi hai hàng cũng chẳng sao, nhưng chỉ có một cái đầu, mất một nửa là không được.
Chàng lại nhăn nhó cười nói :
- Có mấy hũ rượu mà lão cũng bố trí đến một trăm lẻ tám thứ cơ quan để đề phòng người ăn cắp, không trách lão giầu có được.