Mỗi Lần Sống Lại Đều Yêu Nàng Từ Cái Nhìn Đầu Tiên

8: Nàng dâu của tôi ơi


trước sau

Trong hẻm chợ nhỏ, ở đầu đường, một tấm bảng to màu cam đỏ đề kín tên người được hai quan gia dán lên tường đánh bốp. Mã Cẩu Đản và Mã Thúy Hoa xách túi rau hẹ trong tay, mỗi đứa ngồi trên vai anh cả và anh hai của chúng, được đưa xen vào theo dòng người chen chúc xô đẩy, nghển cổ nhìn tấm biển kia.

Chúng nhìn từ người chót bảng nhìn ngược lên trên, nhìn rồi lại nhìn, xem đến cả tên đứng đầu rồi mà vẫn không phát hiện ba chữ “Mã Đại Nhuận” này.

Mã Thúy Hoa phị mặt, “A, không được ăn kẹo hồ lô rồi.”

Mã Cẩu Đản dùng ngón tay chọc lên trán con bé, “Ăn ăn ăn, cả ngày chỉ biết có ăn thôi! Anh Ba thi rớt rồi, bay còn kẹo hồ lô cái đếch gì nữa, về nhà gặm bánh bột bắp đi!”

Mã Thúy Hoa bị thằng bé nói thế thì rưng rưng nước mắt.

Mã Thiết Trụ và Mã Phú Quý liếc chúng một cái, không nói gì, chỉ yên lặng thở dài trong lòng, bế hai đứa về lại xe bò.

Mặt trời sắp xuống núi, con bò cái già bước những bước nặng nề kéo bốn người về làng họ Mã.

Xa xa họ đã thấy một đám đàn ông vạm vỡ rắn chắc ném xẻng và rìu trong tay, kẻ kéo quần tên lột áo, cởi tuột hết áo quần chỉ còn quần cộc. Họ nhảy đánh tõm một tiếng, nhào cả thân thể đầm đìa mồ hôi vào trong sông, ba người vẩy cánh tay chơi té nước.

Một người trong đó lại là người mà Mã Thúy Hoa và ba anh trai của con bé rất quen thuộc.

“Anh Ba thật là, ngày yết bảng thế này mà ổng còn có tâm tình nghịch nước ở đây.” Mã Cẩu Đản nhăn mặt lại, khó ở y như bị táo bón.

Mã Thúy Hoa “Aizz” một tiếng.

Xe bò lăn bánh đến bờ sông, Mã Cẩu Đản gọi gã trai vạm vỡ để trần ngực và cánh tay đang bơi lội dưới sông vui nhất kia, “Anh Ba!”

Gã trai xoay đầu. Đó là một gương mặt vô cùng đẹp trai, mặc dù làn da ngăm đen vì nắng chiếu, nhưng cặp mắt hoa đào còn đẹp hơn mắt thiếu nữ và đôi mày rậm cương nghị của chàng cũng đủ khả năng hút hết hồn các cô gái trong làng.

Nhìn gương mặt này, Mã Cẩu Đản nghĩ thầm trong dạ: Aizz, nếu đẹp trai mà mài ra ăn được thì tốt quá, chẳng cần thi với thố gì nữa.

Mã Đại Nhuận lắc lắc mái tóc ướt rượt, luồn tay vào chân tóc, vuốt ngược hết phần tóc ướt ra sau đầu. Chàng bơi từ lòng sông lên bờ, vớt đống quần áo vứt lung tung bên bờ sông lên lau tóc. Chàng mặc quần vào, vắt áo lên vai, hơi nhướng mày, đi về phía bọn Mã Cẩu Đản.

“Trông vẻ mặt của mọi người, tôi lại không thi đậu à?” Mã Đại Nhuận cong môi, chẳng khác gì đang hỏi câu “Hôm nay anh lại phải ăn cơm à?”.

Thái độ thờ ơ và phản ứng bình tĩnh ấy khiến mặt bốn người ngồi trên xe bò đều cạn lời.

Mã Thiết Trụ bình tĩnh lại một lát, không lải nhải cũng không oán trách, nói: “Không sao, lần sau nhất định thi đậu.”

Mã Phú Quý: “Đúng vậy, cái này thi lại được mà.”

Mã Đại Nhuận nhướng mày cười, “Lần sau?”

Chàng giẫm chân một cái, khều cái cuốc trên mặt đất lên tay. Chàng nắm cuốc đi đàng trước, xoay lưng nói với Mã Thiết Trụ và Mã Phú Quý: “Không có lần sau đâu. Tôi ấy à, cũng như mọi người thôi, mang kiếp làm lụng, văn chương mực nước không hợp tôi rồi.”

Mã Thiết Trụ: “……”

Mã Phú Quý: “……”

Mã Thúy Hoa nhăn mặt: “Ôi, kẹo hồ lô của mình.”

Cha của Mã Đại Nhuận ngày xưa 12 tuổi đã thi đỗ tú tài, từng ngạo nghễ một thời. Nhưng sau đó, ông thi nửa đời người cũng không cách nào thi được lên cao hơn. Nhưng ông lại dốc lòng vào chuyện thi cử, chứ không tính kế làm thầy dạy học hay thư lại để kiếm sống nuôi cả nhà, vì ông cảm thấy lãng phí thời gian. Tiền trang trải cuộc sống hoàn toàn dựa vào số trợ cấp ít ỏi của triều đình và chút tiền còm làm ruộng của mẹ Mã Đại Nhuận.

Ông học hành khổ cực, treo tóc đâm dùi. Lúc học khổ quá làm mình sắp tắt thở, ông túm chặt lấy tay Mã Đại Nhuận, nói hết câu “Thằng Ba à, con nhất định phải đỗ đạt cao. Bét ra cũng phải được Thám Hoa, kẻo cha không thể ngủ yên dưới suối vàng……” rồi mới trút hơi thở cuối cùng.

(Treo tóc đâm dùi: Cuốn “Chiến quốc sách” ghi chép rằng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Chiến quốc Tô Tần lúc trẻ vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực học tập, “buồn ngủ lúc học, lấy dùi đâm vào đùi, máu chảy khắp chân”. Cuốn “Hán Thư” cũng có ghi chép câu chuyện về cần cù học tập: “Tôn Kính, tự Văn Bảo, hiếu học, học từ sáng đến tối. Có khi mệt mỏi rã rời, buồn ngủ, bèn dùng dây thừng buộc tóc, một đầu dây thừng buộc trên xà nhà, kéo tóc thẳng đứng. Nếu ngủ gật thì sẽ bị dây thừng kéo và thức tỉnh”. Hai câu chuyện “treo tóc lên xà nhà” và “đâm dùi vào đùi” kết hợp lại, thế là có thành ngữ “huyền lương thích cổ” (treo tóc đâm dùi).)

Bởi vì nỗi ám ảnh này của ông, cả nhà đều nuôi dưỡng Mã Đại Nhuận như là Thám Hoa tương lai, tràn trề hi vọng chàng sẽ trở nên nổi bật. Từ nhỏ Mã Đại Nhuận cũng thông minh hơn người, ba tuổi biết viết, bảy tuổi làm văn, là thần đồng nhỏ của làng họ Mã.

Nhưng chẳng ai ngờ thần đồng nhỏ này thi năm lần liên tiếp, nhưng chẳng đỗ tú tài lấy lần nào.

Giờ thần đồng nhỏ cũng đâu còn nhỏ nhắn gì nữa, chàng đã trở thành một gã trai có thể chẻ củi làm đôi chỉ bằng một quyền.

Mã Đại Nhuận mặc kệ phản ứng của bốn người phía sau, chàng thì cảm thấy cái trò thi với chả thố này quá lãng phí thời gian, chẳng bằng vào thành mua thêm nhiều giống rau hẹ mới.

Chàng cà lơ phất phơ tay vác cuốc, chân sút cuội, đi về phía căn nhà đắp đất. Đi được nửa đường thì chàng gặp Mã Đông Qua cùng làng, bèn tán gẫu với gã.

(Tên của mọi người trong làng đều là tên xấu, tên quê như kiểu thằng Tèo cái Tí bên mình. Cẩu Đản là con cờ hó, Thiết Trụ là cọc sắt, Đông Qua là quả bí đao.)

Mã Đông Qua nói gã sắp cưới vợ, cưới cô Mã Đông Mai ở cuối làng. Gã nói hai người có duyên trời định, bởi trong tên cùng có một chữ “Đông”.

Mã Đại Nhuận “Ờ” một tiếng.

Đương lúc này, phía trước có tiếng khóc tang vọng lại, Mã Đại Nhuận và Mã Đông Qua quay đầu nhìn lại, là một đội đưa ma.

Đi tuốt đàng trước là một thiếu nữ gầy đến độ gương mặt nhỏ tái trắng cả đi. Nàng mặc bộ áo tang vải lanh màu trắng, ôm một tấm linh vị, đi về phía trước với vẻ mặt vô cảm, khác một trời một vực với đám người khóc đến độ thở hổn hển ở đằng sau nàng.

Từ góc nhìn của Mã Đại Nhuận, chàng chỉ có thể thấy rõ nửa khuôn mặt của thiếu nữ, chiếc mũ của nhà hiếu đã che hết phần mặt trên mũi của nàng.

Nhưng tư thế bước đi của thiếu nữ, thần thái của nàng, đôi tay ôm linh vị, khuôn mặt nhỏ hơi cúi, đôi môi khẽ mím của nàng, đều có sức hấp dẫn mãnh liệt với Mã Đại Nhuận.

Trong một hoàn cảnh cực kì không thích hợp thế này, lòng dạ Mã Đại Nhuận không kìm được mà bật thốt nên lời.

“Chuyện là sao đây?” Chàng hỏi.

Mã Đông Qua “À” một tiếng, nói: “Làng bên có người chết, đang kéo nhau lên núi đem đi chôn đấy.”

“Cô gái kia là ai?” Mã Đại Nhuận yên lặng nhìn thiếu nữ mặc đồ trắng chằm chằm.

“Cô ta ấy hả.” Mã Đông Qua vừa định nói tiếp thì khựng lại, nhướng mày với Mã Đại Nhuận, “Sao, chấm rồi hả?”

“Không.” Mã Đại Nhuận đá một hòn sỏi, giọng gằn ra từ họng: “Nàng ấy, là nàng dâu của tôi.”

Mã Đông Qua: “……”

“Gì cơ?”

“Nàng dâu của tôi đấy.” Mã Đại Nhuận nhếch môi.

(Nàng dâu: tức phụ. Từ này có nghĩa là nàng dâu. Thường dùng để chỉ con dâu, nhưng tiếng địa phương Đông Bắc dùng nó với nghĩa là vợ.)

Mã Đông Qua cạn lời, “Xí, anh còn chẳng quen biết người ta, sao lại là nàng dâu của anh được?”

Mã Đông Qua lại nói: “Tôi cũng từng gặp cô gái này rồi, cô ta mới chuyển tới làng họ Ngưu trước đó không lâu, hình như tên là…… Ngưu Tiểu Nhụy? Chuyển tới cùng bà nội cô ấy.”

Mã Đại Nhuận thuận chân đá vào mông gã, “Mới gặp một lần đã nhớ được tên người ta rồi? Đông Mai nhà anh mà biết thì còn chịu theo anh nữa không?”

“……” Mặt Mã Đông Qua xanh lè, gã xì một tiếng “Cút”, vội vàng nói: “Mấy ngày trước anh vùi đầu học hành nên không rõ. Chứ dạo này đám trai tráng Làng họ Ngưu bên ấy đều sôi sục cả rồi. Đám ấy thường lén lút cá nhau xem kẻ nào làm thân được với cô ả trước thì trâu nhất làng.”

Gã nói tiếp: “Nếu không phải bà nội của cô gái này chặt tính thì chắc đã có kẻ trèo tường vào nhà cô ta rồi. Nay bà nội cô ta qua đời, chẳng rõ cô ả sẽ về tay ai, rõ là đáng thương.”

Mã Đại Nhuận nhăn mày, đống đá cuội dưới chân đều bị chàng giẫm nát.

Ngay sau ấy, trái tim chàng nhảy loạn lên, bởi vì chàng thấy thiếu nữ ngẩng đầu, chuyển mắt, một đôi mắt xinh đẹp lóng lánh nước chạm với mắt chàng.

Mã Đại Nhuận: Điên mất thôi.



Có lẽ vì làm việc nhà nông lâu ngày, màu da của Ngụy Nhuận đứng cách đó không xa, không, phải nói là…… Mã… Đại Nhuận, ngăm đen nhuốm vàng, cơ bắp trên cánh tay cuồn cuộn. Nhưng chúng cũng không che được hình thể đẹp đẽ, vóc dáng cao ráo của chàng. Chàng cao hơn người đàn ông đứng cạnh nhiều. Ngắm chàng một lát, Nhụy Bạch Y không khỏi thấy hơi buồn cười.

Nàng đã quen nhìn dáng vẻ đường hoàng, áo lụa quần là của chàng, bấy giờ chàng mặc vải thô lanh gai, lôi thôi lếch thếch, Nhụy Bạch Y bỗng thấy không quen, cũng hơi buồn cười.

Nhưng trong bầu không khí thế này, nàng cũng không thể cười toáng lên được. Tuy rằng nàng và bà cụ trong quan tài chưa nói với nhau lời nào, nữa là có cảm tình, nhưng bởi cụ bà có công nuôi lớn thân thể này, nên nàng không khỏi nhớ lại cây mai đỏ đã nuôi nấng nàng trước kia.

Đã là trưởng bối thì nên tôn trọng.

Chàng cũng ở trong làng thôi, chạy đâu cho thoát. Nhụy Bạch Y không nhìn chàng nữa, chuẩn bị đợi đến lúc quan tài xuống đất xong thì đi tìm Mã Đại Nhuận sau.

……

Tuy rằng Ngưu Tiểu Nhụy là dân từ ngoài tới ở, nhưng dân làng họ Ngưu đều nhiệt tình chất phác, đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Đã vào làng, còn có duyên mang cùng họ “Ngưu”, thì chính là một phần của làng.

Phàm là có người mất trong làng, thì trai tráng khắp làng sẽ tụ tập tới đồng tâm hiệp lực giúp người nhà của người đã khuất khiêng quan tài lên núi, sắp xếp việc hạ táng. Người già và đàn bà trong làng thì đi theo đoàn đưa tang phụ trách việc khóc thút thít huhu để thể hiện sự đau buồn và tưởng nhớ với người đã khuất.

Mấy gã trai tráng nâng quan tài đều rất biết cách kiểm soát biểu cảm, duy trì vẻ mặt trang trọng đau thương, lúc nào nhịn không nổi thì mới trộm liếc Ngưu Tiểu Nhụy gầy yếu bé nhỏ một cái.

Chờ quan tài xuống đất, một gã trai trẻ trong ấy tên Ngưu Đại Năng dồn dũng khí, móc một chiếc khăn ra từ trong ngực. Anh ta luống cuống chạy lên, một bước hai bước, chạy tới phía sau Nhụy Bạch Y, đưa chiếc khăn trong tay qua: “Ngưu Tiểu Nhụy, xin nàng nén bi thương thuận theo số. Bà nội nàng ở trên trời có linh, cũng không muốn nàng……”

Thiếu nữ trước mặt xoay đầu lại, nhưng gương mặt nhỏ của nàng lại không vương nước mắt. Đôi mắt nàng ngập nước, nhưng đây là kiểu ngập nước chỉ vì vốn đã long lanh như thế, chứ không phải là vì rưng rưng giọt lệ.

Ngưu Đại Năng: “……”

Chiếc khăn trong tay anh ta cứng đờ giữa không trung. Chẳng bao lâu sau, chiếc khăn bị một bàn tay to giật lấy, một bóng người bước qua anh ta.

“Phụp” một tiếng, người tới quỳ thẳng xuống trước ngôi mộ, dùng chiếc khăn vừa cướp được lau những giọt lệ không có thật, nâng một nắm đất bên cạnh lên, nói bằng giọng điệu da diết tình cảm: “Ôi bà nội, bà đi mạnh giỏi, con nhất định sẽ chăm sóc Tiểu Nhụy ạ!”

Ngưu Đại Năng: “……”

Mọi người: “…………”

[HẾT CHƯƠNG 8]

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây