Một Màu Xuân

6: Chương 6


trước sau

Đồng Tứ phóng ngựa đến, thấy hai người gào khóc ầm ĩ trên đường núi đương chạy về phía hai cậu chủ của cậu thì không khỏi ghìm ngựa nhìn từ xa.

Hai người kia quần áo tả tơi, một người thấp bé, một người to cao. Vẻ sợ hãi không giấu được khí chất hung ác thường ngày, râu quai nón màu đen sì rối tung lên, áo đuôi ngắn bằng vải thô màu chàm biến đen, ống quần nâu quấn vào trong giày đen, tóc dựng đứng lên, còn đeo loan đao. Dáng vẻ như vậy chỉ thiếu nước không khắc hai chữ “sơn tặc” trên trán mà rêu rao khắp nơi thôi.

Thế là Hoa đào Nam mở miệng đã gọi: “Hai vị tặc…”.

Mục Diễn Phong vừa nghe thế, quai hàm bạnh ra tròn vo, mắt hiện vẻ đau khổ vì nén cười. Dưới mạng che mặt, Vu Hoàn Chi khẽ nhướng mày, khóe môi cong lên.

Cũng may hai người kia chưa định thần lại nên chưa nghe rõ nàng nói cái gì. Nam Sương lại đổi lời: “Hai người anh em làm sao thế?”.

Lúc này Hoa Đào Nhỏ vẫn vận nam trang. Áo tím của Mục Diễn Phong khá to so với nàng, phải xắn tay áo vài vòng. Tên sơn tặc lùn là Vương Thất, tên cao là Vương Cửu, sau khi tự giới thiệu, thấy ba người diện mạo bất phàm thì vội quỳ xuống nói: “Đại hiệp cứu mạng!”.

Thiếu chủ họ Mục nghe thấy hai chữ “đại hiệp” thì hết sức hài lòng, hắn xoải bước tiến lên, đỡ hai người dậy, cất tiếng bảo: “Các người hãy nói xem có gì khó xử”.

Hoa đào Nam vui vẻ, lập tức tưởng tượng, nếu bày cái án kỷ và đặt khối kinh đường mộc[1], lại thêm vài quan sai gõ và hô một tiếng “uy vũ” thì Mục Diễn Phong sẽ y hệt một ông quan thanh liêm.

Vương Thất vẫn run rẩy, Vương Cửu bèn nói: “Thưa vị đại hiệp này, hai bọn tôi là sơn tặc trên Đầu Hổ đối diện, anh ấy là thất đương gia, tôi là cửu đương gia. Đương gia chúng tôi đều họ Vương, đặt tên theo số thứ tự”.

Nam Sương tò mò hỏi: “Vậy bát đương gia của các anh là ai?”.

Mục Diễn Phong trang nghiêm liếc nàng một cái, như thể đang nói “trên công đường chớ ồn ào” rồi quay lại định bảo hai người kia tiếp tục thì đột nhiên cũng hỏi: “Vậy bát đương gia của các anh là ai?”.

Phía sau, Vu Hoàn Chi khẽ cười hai tiếng, thoang thả vuốt ống tay áo, ra chiều thích thú khi xem trò vui.

Vương Cửu sầu khổ, buồn bực nói: “Hai vị đại hiệp hỏi đúng người rồi. Chín vị đương gia trên núi Đầu Hổ chúng tôi duy chỉ có anh Tám là tới vô ảnh đi vô tung, chỉ có đại đương gia mới biết anh ấy là ai”.

Mục Diễn Phong thông cảm vỗ vai gã, Nam Sương vui tươi hớn hở nói: “Quả thực là một nhân vật”.

Vương Thất than thở một tiếng: “Hai vị đại hiệp có chỗ không biết, sơn tặc núi Đầu Hổ chúng tôi đều vì số khổ mà rơi tới bước làm cướp, tuy làm mấy chuyện cướp gà trộm chó không có thể diện nhưng trộm cũng có đạo. Lúc đầu an phận thủ giữ nhiều năm, chẳng ngờ hôm nay lại chịu tai ương diệt môn ly tán”.

Mục Diễn Phong kinh ngạc: “Kẻ thù tìm tới à?”.

Vương Cửu lắc đầu: “Còn đáng sợ hơn kẻ thù nữa”.

Nam Sương hỏi: “Vì sao thế?”.

Vương Thất kinh hoảng lấm lét nhìn trái phải, mây mù trên núi luồn qua cây, quạnh quẽ vắng lặng. Gã nhanh chóng ghé sát vào nói ba chữ: “Vu Hoàn Chi”.

Mục Diễn Phong ngây ra rồi bật cười. Nam Sương nhớ lại đoạn đường này Vu Hoàn Chi khua chuông gõ mõ giày vò mình, lại vẫn có thể tiện đường tiêu diệt kẻ trộm thì không khỏi than rằng: “Thật là truyền kỳ”.

Mục Diễn Phong nói hùa theo: “Đúng vậy, cậu Vu rõ ràng là…”. Nam Sương ho một tiếng, Mục Diễn Phong mới nói tiếp: “Ở trong nước, tựa như hoa kia nở trên núi”.

Vương Thất, Vương Cửu cười khổ như lọt vào trong sương mù.

Vu Hoàn Chi vẫy tay với Đồng Tứ. Đồng Tứ cưỡi ngựa chạy chậm đến trước mặt ma đầu, nhảy xuống ngựa gọi: “Công tử”.

Hai tay sơn tặc vừa nghe xưng hô này, lại thấy mặt Vu Hoàn Chi đeo mạng đen thì kinh hãi kêu lên rồi lại kêu thảm thiết, cuối cùng tay run rẩy trỏ vào ma đầu họ Vu, hỏi: “Cậu, cậu, cậu, cậu là…”.

Cánh tay Mục Diễn Phong đặt lên người Vu Hoàn Chi, cười sang sảng nói: “Đây là anh em của tôi”.

Lời ấy không sai, Vu Hoàn Chi là anh em của Mục Diễn Phong, anh em của Mục Diễn Phong chính là Vu Hoàn Chi.

Hai người kia thở phào nhẹ nhõm, nói: “Chúng tôi còn tưởng là Vu Hoàn Chi”.

Buổi chiều, trời chuyển lạnh, gió thu hiu hiu, lá rơi vi vu. Vu Hoàn Chi dắt dây cương, tư thế tung người lên ngựa như én. Y ghìm ngựa xoay người lại, áo xanh mạng đen phất lên theo gió: “Tôi có việc đến thành Phượng Dương trước, sáng sớm ngày mai chờ hai người ở bến đó”.

Ánh mắt y loáng thoáng rơi vào người Nam Sương, gió lướt qua, một chiếc lá phong đỏ rơi xuống, Vu Hoàn Chi giục ngựa chạy đi trong từng đốm đỏ rực.

Đợi y đi xa, Đồng Tứ tươi cười tiến lên trước nói: “Thiếu chủ, đi chứ ạ?”.

Tuy Đồng Tứ đã vào trang Lưu Vân, theo lí thì Mục Diễn Phong mới là chủ thật của cậu, nhưng từ nhỏ cậu đã lớn lên cùng Vu Hoàn Chi ở cung Mộ Tuyết nên lần này ở lại chẳng qua là vì giúp ma đầu trông “thiếu phu nhân của thiếu chủ” thôi.

Vương Cửu hỏi: “Ba vị đại hiệp có thể dẫn tiểu nhân cùng xuống núi không?”.

Đồng Tứ ngạc nhiên bảo: “Hai người tới núi Ngọc rõ ràng là muốn xin các Vạn Hồng che chở. Sao bây giờ lại muốn cùng bọn tôi xuống núi?”.

Vương Thất mang vẻ mặt cầu xin: “Chúng tôi tới các Vạn Hồng cũng là cách bất đắc dĩ. Ai ngờ khinh công của ma đầu kia vô cùng tốt, xuất quỷ nhập thần, núi Đầu Hổ đã tràn ngập nguy cơ, nếu các Vạn Hồng cũng bị vạ lây thì chẳng phải hai bọn tôi không còn đường sống ư?”.

Vương Cửu vội nói: “Đúng vậy, đúng vậy. Tiểu nhân thấy ba vị đại hiệp tướng mạo bất phàm, ắt không phải hạng người tầm thường. Xin hay giữ hai bọn tôi, làm chân chạy việc vặt hay công việc nặng nhọc, chúng ta tuyệt đối không oán hận lấy một câu”.

Đồng Tứ nghe hai người nói xong thì vô cùng kinh ngạc. Nam Sương mím môi không nói, còn Mục Diễn Phong bỗng cười bảo: “Cũng được, nhưng nếu hai người đã vào phái tôi thì quyết không được hỏi nhiều, cũng không được đổi ý”.

Vương Thất, Vương Cửu liền vội vàng đồng ý. Con ngươi Nam Sương lấp lóe, lại cười hớn hở.

Nhân trời còn sáng, cả đám người không nán lại nữa mà đi về phía chân núi. Trên đường, Vương Thất và Vương Cửu tỉ mỉ kể lại cho mọi người chuyện “diệt môn”.

Thì ra sớm hôm đó, không phải là tất cả mọi người trốn xuống núi đều bị Vu Hoàn Chi đuổi về các Vạn Hồng. Có mấy con cá lọt lưới chạy tới núi Đầu Hổ đối diện, kêu to vài tiếng “Vu Hoàn Chi tới rồi”, dọa bọn sơn tặc thần hồn nát thần tính, trông gà hoá cuốc.

Phải biết rằng, sơn tặc đều ở từng tốp từng tốp, vừa lúc thoả mãn sở thích giết người quái đản của ma đầu nhỏ nhà họ Vu. Vì vậy mọi người đều chạy bán đống bán chết, vài đương gia không có ý chí thì xây xẩm mặt mày. Chỉ có Vương Thất và Vương Cửu lanh trí, xiêu xiêu vẹo vẹo chạy tới các Vạn Hồng tìm kiếm sự che chở.

Nào ngờ hai người họ tính toán đủ đường lại không biết Vu Hoàn Chi này mới vừa gieo họa cho cả các Vạn Hồng rồi đi.

Nam Sương nghe xong khá xúc động. Nàng cho rằng lời đồn trên giang hồ chỉ làm nhơ nhuốc mỗi tiếng thơm của nàng, dè đâu còn có thể diệt môn trong vô hình. Nghĩ đến đây, Hoa đào Nam không khỏi cảm khái: “Hang ổ của các người bị diệt thật là bàng hoàng”.

Xuống núi Ngọc lại mướn mấy thớt ngựa, cuối cùng cũng đến thành Phượng Dương trước khi trời tối.

Cửa thành Phượng Dương nguy nga sừng sững, nhìn thoáng qua, Nam Sương còn tưởng mình đã về quê nhà ở kinh thành. Nơi tường thành màu son chạy dài vài dặm và những chòi canh cao vút chọc vào trong mây, đèn đuốc như ánh hoàng hôn của buổi chiều tà chiếu sáng một mảng trời trên lầu cổng thành rộng rãi.

Mấy người xuống ngựa, Nam Sương kiềm chế sự hưng phấn chộn rộn, nâng tay áo trỏ vào ba chữ “cửa Thừa Thiên” lớn chừng cái đấu trên cửa thành, cười nói: “Nguyên quán của Thái Tổ ở đây, nghe nói không lâu sau khi dời đô đến kinh thành đã dựa theo dáng vẻ của kinh thành để tu sửa tòa hoàng thành này”.

Ống tay áo tím rộng thùng thình ấy phấp phới, một phần cánh tay nhỏ của Nam Sương lộ ra. Mục Diễn Phong trông thấy, bỗng muốn tối nay làm mấy bộ quần áo cho em gái hắn.

Nam Sương hết sức hưng phấn, cười ha hả: “Mấy năm trước em đã nghe cha nhắc đến Phượng Dương, vẫn luôn muốn đến xem”.

Thành Phượng Dương chia làm ba thành ngoài, giữa, trong. Trong là trung tâm đô thành, cần có văn điệp ra vào, nội thành được gọi là hoàng thành, chỗ hoàng đế ngụ lại khi xuôi nam nên tất nhiên không thể đi vào.

Mặt trời mùa thu nhuộm đỏ đám mây phía chân trời, đỏ au như lửa cháy, như lá phong núi Ngọc. Mấy con chim di trú xòe cánh nhanh chóng xẹt qua khung trung. Gió thổi khắp nhân gian, màn trời buông xuống thành Phượng Dương, phố phường náo nhiệt, không khỏi làm lòng người nhộn nhạo.

Từ nhỏ Mục Diễn Phong đã ở Giang Nam, mấy lần ra ngoài đều đến các Vạn Hồng ăn mấy bữa ngon lành, sống ngày tháng yên ổn nên cũng chỉ vội vó ngựa trong gió xuân, một ngày xem hết hoa Trường An, chưa từng lưu ý đến phong cảnh trần tục này.

Còn Nam Sương thì từ thơ ấu đã ở kinh thành. Tuy cửa thành Phượng Dương rất giống kinh thành, song trong vẻ phồn hoa náo nhiệt, kinh thành còn lộ ra phần trang nghiêm. So ra thì Phượng Dương hoạt bát hơn nhiều.

Hai tay sơn tặc đi sau Đồng Tứ, gửi ngựa giúp rồi năm người cùng nổi đuôi nhau hoan hỉ vào thành.

Suốt mười dặm đường, nhà cổ gác cao nối nhau san sát, nhà lầu liên miên, cột dài sừng sững. Trên cột bày màn trướng, dưới cột treo đèn lồ||g đỏ, rọi đường sáng ngời.

Hiển nhiên Mục Diễn Phong và Nam Sương rất vui mừng, ngó sạp đông, nhìn sạp tây, qua lại như con thoi giữa dòng người qua lại. Người đi đường rộn ràng tấp nập, các cô nương túm năm tụm ba cười yêu kiều; lũ trẽ kết bạn thành đàn cầm mứt quả trong tay, đuổi nhau qua đầu ngõ.

Thi thoảng giữa đường phố ngõ hẻm mới trồng cây ngô đồng cao to, so le cao thấp giữa dãy lầu. Các sạp hàng nhỏ bày dưới cây ngô đồng, hoặc là thuật sĩ giang hồ đoán mệnh bói toán, hoặc là nghệ nhân phiêu bạt nặn tượng đất, thổi đồ chơi làm bằng đường.

Nhưng dù sao cả ngày chưa ăn cơm nên cưỡi ngựa xem hoa ngó nghiêng một hồi thì đoàn người bèn tìm một nhà trọ để lấp đầy bụng.

Nhà trọ tên “Hỉ Xuân”, cực kỳ tưng bừng, cao ba tầng, tầng dưới để ăn lót dạ, tầng hai ba thì cho ở trọ. Trên xà nhà khắc rồng chạm gió, trên vách treo tranh Trăm Chim Chầu Phụng màu sắc sặc sỡ.

Bốn người vừa mới vào cửa, người hầu rượu đã đon đả lên đón, vừa lúc một vị khác vận áo lam hoa lệ đi tới từ chái nhà bên.

Nam Sương nhác thấy, cảm thấy cực kỳ kinh ngạc.

Đó là một người đàn ông, hai tùy tòng đi theo xung quanh. Đầu hắn đội mũ lông vũ, chân đi giày tơ vàng, cầm quạt lông trong tay, mặt mày vô cùng tuấn tú, ấn đường còn có một chấm đỏ. Hắn ta trông thấy Nam Sương thì mắt sáng lên, gập quạt lại đập vào lòng bàn tay, đoạn cười nói: “Người ta đợi tới rồi”. Dứt lời thản nhiên đi về hướng mọi người, không đợi ai hỏi đã tự giới thiệu: “Tại hạ họ Giang, tên Lam Sinh, xin hỏi các hạ có phái cô nương Nam Sương – đại tiểu thư phái Thiên Thủy chăng?”

Nam Sương ngớ ra, đáp: “Phải”.

Giang Lam Sinh cả mừng, cặp mắt xinh đẹp chớp chớp, cung kính chắp tay nói: “Tại hạ có chuyện muốn báo, quả thật là lời xuất phát từ tận đáy lòng, mong cô nương Nam hãy nghe”.

Nam Sương hề hề nói: “Anh nói đi”.

Giang Lam Sinh khó xử nhìn bốn người bọn Mục Diễn Phong. Mục Diễn Phong rộng lượng giải thích: “Tôi là anh của em Sương, đừng ngại”.

Giang Lam Sinh rất vui mừng, xòe quạt vỗ đầu một cái, bừng tỉnh nói: “Thì ra là người trong nhà, chi bằng vào nhã tọa trên lầu hai ăn nhé?”

Câu “người trong nhà” kia không khỏi khiến mí mắt Mục Diễn Phong giật một cái.

Giữa các nhã tọa ngăn cách bằng bình phong, trên vẽ các loại hoa tứ quý đủ màu, mẫu đơn phú quý, sen thì thanh nhã.

Mấy người vừa ngồi xuống, Giang Lam Sinh đã bảo với tiểu nhị: “Mang hết đồ ăn ngon nhất của chỗ anh lên đây”.

Trong lúc chờ lên món, Nam Sương hỏi: “Không biết công tử Giang muốn nói gì với tôi?”.

Giang Lam Sinh đặt quạt lông lên bàn, xách ấm trà lên rót cho Nam Sương và Mục Diễn Phong, lúc này mới hỏi: “Tôi nghe nói cô nương Nam lấy chồng đến các Vạn Hồng không thành, mối hôn sự này xem như đã thất bại rồi?”.

Nam Sương nhìn xà ngang, thầm nghĩ bây giờ người giang hồ càng ăn không ngồi rồi hơn, buổi sáng quấy phá hôn nhân, đến tối khắp thiên hạ đều biết: “Phải”.

Giang Lam Sinh lại hỏi: “Nghe nói cô nương Nam muốn tái giá cho thiếu chủ trang Lưu Vân ở Giang Nam?”.

Nam Sương sặc nước, nói: “Việc này còn đợi bàn bạc”.

Mục Diễn Phong nghe một lát, không nghe ra nguyên do, vì vậy hỏi: “Không biết vừa rồi công tử Giang muốn nói gì với em tôi?”.

Giang Lam Sinh nhấp một ngụm trà, cau màu ngẫm nghĩ rồi trịnh trọng nói: “Thưa cô nương Nam, tại hạ vốn nghe cô làm việc sảng khoái, không thích nói năng vòng vo, vậy thì Giang tôi cũng sẽ thẳng thắn. Vừa hay có anh cô nương ở đây làm chứng cũng tốt”.

Nam Sương đờ đẫn gật đầu.

Giang Lam Sinh bảo: “Nhân lúc cô nương Nam còn chưa lấy chồng đến trang Lưu Vân, chi bằng theo tại hạ bỏ trốn nhé?”.

Mục Diễn Phong ngây người, Đồng Tứ kinh ngạc, hai tên sơn tặc thì hết sức mừng rỡ. Nam Sương bình tĩnh cười, nàng cho là mình nghe lầm: “Anh nói gì thế?”

Giang Lam Sinh lại nâng chén trà lên nhấp một ngụm, vận khí đan điền, nói như chém đinh chặt sắt: “Tôi rất thích cô”.
[1] Khi quan thẩm án, bên cạnh tay luôn có một khối gỗ. Một khi hiềm nghi phạm bên dưới không thành thực, hoặc giả trong đại đường nhân vì hai bên tranh tụng gây ồn ào náo loạn, quan huyện giơ cao khối gỗ gõ mạnh xuống mặt án. Khối gỗ ấy chính là “kinh đường mộc”.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây