Đang cảm thán cực độ thì giọng nói trầm đục của Hiệp cất lên xé tan hồi tưởng: - Sao không ăn đi, đồ ăn nguội hết bây giờ! - Tất cả món ăn bày trên bàn này cộng lại, giá không dưới 200 ngàn, bữa trưa như vậy có quá xa xỉ không anh? - Tôi thấy quán này là bình dân nhất rồi đấy, nhiều chỗ còn đắt hơn nữa! – Hiệp nói bằng giọng điệu vô cùng bình thản.
- Em cũng biết nấu ăn sơ sơ rồi, tuy không ngon bằng mẹ nhưng cũng không đến nổi nào. Từ mai cứ về nhà ăn đi, đừng ra tiệm phí lắm! - Dạo này em vừa đi học chính khóa, chiều lại tăng tiết trái buổi nữa. Đi học về mệt còn hì hụi làm đồ ăn thì sao nghỉ ngơi gì được! – Ngữ điệu có vẻ khô khan nhưng ẩn chứa sự quan tâm. - Không sao đâu, em quen rồi. Cứ ăn ở nhà đi, chứ ra quán ăn thế này hao tốn quá! - Là tôi bao nuôi, em còn day dứt làm gì? – Vẫn kiểu cách nói vô cùng kiêu ngạo. - Bao nuôi gì chứ, ai cần anh! Với lại tiền này cũng từ ba mẹ mà ra, có phải của anh đâu mà… Vì bực mình với kiểu nói năng bất cần thô thiển của tên anh trai này, Xuyên cũng bắt đầu ương bướng phản kháng lại. Nhưng khi thấy hai chân mày của Hiệp lại lần nữa sắp sửa dính vào nhau, Xuyên mới nhận thức được tầm nguy hiểm gần kề nên ngậm miệng lại… - Cái thằng nhóc kia cũng lấy tiền ba mẹ nó bao em ăn sáng, tại sao em lại chấp nhận? - Thi thoảng em cũng có mời cậu ta lại mà! Với lại cũng chỉ là những món bình dân chứ không xa xỉ đến mức này…
- Cứ làm như từ nhỏ đến giờ chưa từng được ba mẹ dẫn đi ăn nhà hàng lần nào vậy! Phong thái cứ như thể con nhà quê lần đầu được thưởng thức cao lương mỹ vị ấy. Em thể hiện ra thế người ngoài sẽ tưởng người thân trong nhà đối xử phân biệt so với tôi đấy! Xuyên im lặng vừa nhấm nháp miếng thịt gà thơm lừng mùi sốt chua ngọt vừa ngẫm nghĩ. Đúng là từ nhỏ, cậu được ba mẹ chăm lo chuyện ăn uống rất đầy đủ, chẳng thiếu món ngon vật lạ gì mà cậu chưa nếm qua (trừ những món không biết ăn). Nhưng đó là chuyện hồi bé, khi một đứa nhóc còn chưa nhận thức được giá trị làm ra đồng tiền. Dù chỉ là một học sinh cấp 3, tuổi đời vẫn còn non nớt nhưng Xuyên đã được xem nhiều bài báo cũng như phóng sự, chương trình thực tế trên tivi về những mảnh đời bất hạnh. Cậu biết ngoài kia còn rất nhiều người đói khổ đang phải mưu sinh từng ngày chỉ mong có được miếng cơm chút cháo. Hàng ngày trên đường đi học bắt gặp lắm cụ già, bà mẹ bế đứa bé nhỏ, những người tàn tật lê lết trên lề đường lang thang khắp các con hẻm để xin ăn, xòe tay năn nỉ từng người mua dùm tờ vé số mà lòng cậu thêm chua xót, tội nghiệp thay cho họ. Chính vì lẽ đó, Xuyên càng thêm trân quý những thứ mình có được hiện tại, tự giác chăm chỉ học hành, chi tiêu tiết kiệm và không phung phí vào những thứ vô bổ. Thi thoảng ba vẫn hay chở cậu đi sắm đồ nhưng cậu chẳng bao giờ chọn những món quá đắt, trong việc ăn uống cũng vậy, lúc nào cũng nhìn bảng giá để lựa chọn món vừa túi tiền. Nhưng ông anh trai sống chung nhà thì hoàn toàn ngược lại, hai chữ “Tiết Kiệm” không bao giờ nằm trong từ điển của anh chàng. Cứ tiêu pha thoải mái theo đúng chất một công tử con nhà giàu, xài đồ sang đi xe xịn, quần áo lúc nào cũng sành điệu thời thượng đi đầu. Hết tiền thì len lén năn nỉ ỉ ôi mama cho thêm. Có lẽ đó cũng chính là khuyết điểm lớn nhất trong muôn vàn ưu điểm hào nhoáng bên ngoài của Hiệp. Anh dù đã gần bước sang tuổi 20 nhưng vẫn chưa hiểu hết được nỗi vất vả của ba mẹ mình. Để có cơ ngơi được như hôm nay, hai người họ không phải tự dưng mà có, ba và mẹ đều đã từng vất vả mưu sinh, thức khuya dậy sớm, mồ hôi ướt đẫm ở công trường, mỏi mòn chờ đợi để đến phiên thu hình sau hàng giờ học nằm lòng kịch bản dạy nấu ăn. Quán ăn về trưa thưa thớt người, không gian lúc này càng chìm vào im lặng. Nhìn vào nét mặt không mấy đồng thuận của Xuyên, Hiệp như nhận thức được bản thân cũng chẳng mấy tốt đẹp, chủ động thốt ra vài câu mang tính hòa giải: - Tôi cũng đang xin vào làm ở khâu chuyển phát nhanh của bưu điện thành phố. Tuy lương không cao nhưng có thể tự lo ình được, hạn chế xin tiền ba mẹ lại. Đợi đến khi ra trường, tìm được việc làm ổn định thì có thể sống tự lập! - Công việc giao hàng phải di chuyển nhiều nơi, anh đã rành đường hết chưa? – Xuyên tỏ ra nghi hoặc về khả năng làm việc kiếm tiền của Hiệp.
- Em coi thường tôi quá rồi đó, tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài thành này đã gần 20 năm, mọi ngỏ ngách cơ bản ở những quận huyện lân cận tôi đều thuộc nằm lòng. Với lại đường đi là ở trong miệng mình, không biết thì hỏi có gì khó đâu! - Như vậy thì tốt rồi, chúc anh làm việc tốt. – Xuyên thở nhẹ ra một hơi như yên tâm hơn nhiều. - Vì thế cứ việc ăn trưa với tôi đi, coi như là tiền tôi mượn tạm của mẹ. Khi nào cuối tháng lãnh lương sẽ trả lại! - Vấn đề ở đây không phải là tiền do anh làm ra thì muốn xài thế nào cũng được. Mà phải biết tiêu pha làm sao cho hợp lý, đúng mức. Công việc tạm thời này cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nội bữa ăn trưa là đã lố 1 ngày lương rồi, lại thêm sắm sửa quần áo, tiệc tùng bạn bè, còn tiền xăng nạp cho cái xe SH tốn nhiên liệu của anh nữa. Anh học chuyên ngành kinh tế chắc cũng hiểu là bị thâm hụt ngân sách nhiều thế nào rồi chứ?!