Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

3: Chương 3


trước sau

9.

Hẻm Bình An rất sâu, đứng từ đầu hẻm nhìn vào với đi vào là hoàn toàn khác biệt.

Ban đầu tôi tưởng Chu Hải Yến giống như lời mọi người nói, là một tay xã hội đen chuyên thu tiền bảo kê. Vì vậy mới đi tìm anh.

Nhưng thật sự tiếp xúc mới phát hiện không phải vậy.

Anh là người tốt, mẹ anh cũng vậy.

Họ đều là những người rất tốt rất tốt.

Lòng can đảm dốc hết với tâm lý được ăn cả ngã về không tựa như quả bóng cao su căng lên rồi lại xì xẹp lép.

Trong người tôi chảy dòng máu của Đường Thế Quốc. Sống trốn không thoát, chết cũng không thoát được, phải chịu tra tấn mãi mãi.

Trên đường về, dì Chu nắm chặt tay tôi, Chu Hải Yến đi sau xách túi thuốc bác sĩ kê cho. Ấm áp như thể chúng tôi là người một nhà.

Tôi ước gì con đường này không có điểm kết thúc, có thể đi mãi thế này.

Nhưng tôi biết, đó là điều không thể.

Khi đi tới đầu hẻm, ảo tưởng nên kết thúc, tôi không còn lý do gì để ở lại lâu hơn nữa. Có nỗi buồn không tả được.

Tôi định lấy đồ đạc ra rồi về nhà.

Còn điều gì đợi tôi khi về nhà tôi không biết, chỉ nghĩ tới thôi thì thở đã thấy khó khăn.

Kỳ lạ là khi tôi vào cửa tìm ba bốn lần nhưng không thấy túi của mình đâu.

“Không vào đi, tìm hồn ở ngoài cửa à?”

Có lẽ vì tôi nên chậm trễ công việc, vừa về nhà Chu Hải Yến đã bắt đầu vẽ. Đôi chân dài chống trước sau trên ghế.

Tôi nói nhỏ: “Em tìm cái túi, cái loại túi vải dệt ấy.”

Anh giơ bút chỉ chỉ, “Ở căn phòng phía nam đó, mẹ tôi cất giùm em.”

“Dạ?”

Không để tôi hỏi rõ lại, dì Chu từ bếp đi ra ôm lấy vai tôi, “Thanh Thanh, canh mới hầm xong, dì dọn cho con căn phòng trên lầu, đi, đi xem có vừa ý không.”

Sau khi hiểu ý nghĩa câu nói của dì, tôi vội vã xua tay. “Không cần không cần đâu dì, con về nhà ngay.”

“Về làm gì? Tìm đòn à?” Chu Hải Yến không ngẩng đầu lên. “Khi nào khỏe lại mới về, đừng có ra cửa lại ngất xỉu thì Chu Hải Yến tôi đây lại bị người ta nói chọc cột sống, nói tôi bắt nạt trẻ con.”

“…”

Dì Chu phụ họa, “Đúng đúng đúng, cứ ở lại dưỡng bệnh hai ngày đã.”

Tôi ngẩn ngơ, một chiếc bánh có nhân lớn từ trên trời rơi xuống, đập tôi choáng váng.

Nửa đẩy nửa kéo lên lầu.

Căn phòng ngăn nắp chỉnh tề, tủ quần áo riêng, bàn làm việc, trên giường còn một drap in hoa mới tinh. Một chậu cây mọng nước trên bậu cửa sổ đang thảnh thơi tắm nắng.

Có lẽ bầu không khí quá đẹp nên đến cả chiếc túi vải bố trên ghế cũng sáng ngời lên.

Tôi ngơ ngác đứng ở cửa.

“Vẫn hơi đơn điệu, thời gian gấp gáp, phòng con gái nên chăm chút hơn, con vào ở rồi từ từ dì trang trí thêm.”

Không, đã rất tốt, tốt đến không thật.

Tôi chưa từng ở một căn phòng đẹp thế này, trong trí nhớ vẫn là gian phòng chứa đồ cũ âm u không ánh sáng kia.

Có lẽ tôi nên từ chối, nhưng tôi luyến tiếc.

Đến bữa chiều, dì Chu dọn món canh bí đao hầm sườn lên đặt giữa bàn. Ba mặn một canh, món nào nhìn cũng mới lạ. Không phải là một nồi hầm hỗn độn.

Chén đĩa là theo bộ, sứ trắng viền đen. Không sứt sẹo, nứt nẻ.

Tôi từng đọc một đoạn trong sách, đại ý là “dân dĩ thực vi thiên*”, bầu không khí sinh hoạt và thái độ của một gia đình có thể nhìn thấy rõ từ trên bàn ăn. (Chú thích: Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên = Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời. Theo Lê Văn Đức, trong Tự điển Việt Nam (1970), câu “Dân dĩ thực vi thiên” có nghĩa là “Dân lấy ăn làm trời” (nghĩa hẹp) và giải thích thêm “Dân lấy miếng ăn làm trọng, nên muốn trị dân trước hết phải làm cho dân no ấm vì dân đói thì nước loạn”)

Thật đơn giản nhưng lại là gia đình mà tôi khao khát nhưng xa xôi không với tới.

Dì Chu bảo tôi đừng ngại ngùng, thích ăn gì thì gắp nấy, cứ xem đây như nhà mình. Tôi im lặng gật đầu.

Tôi lén kiềm chế tốc độ ăn của mình, cố gắng ăn chậm nhất có thể, nhưng thức ăn dì gắp cho tôi trong bát vẫn đã hết. Đĩa gà hấp nấm hương gần tôi nhất, cách đũa tôi không đến 30cm nhưng tôi không dám động.

Đồ ăn hết rồi không được gắp nữa, nếu không chính là ích kỷ, vô học. Là làm cho người ta không thích mình. Đây là đạo lý ba mẹ dạy tôi từ bé. Có rất nhiều người không thích tôi, nhưng tôi không muốn mẹ con dì Chu cũng không thích tôi.

Tôi ăn từng hạt cơm trắng còn lại trong bát, giả vờ bận rộn, không dám ngừng lại sợ hai người phát hiện ra sự quẫn bách và vô lễ của tôi. Trong lòng thầm tự trách mình, nếu ban nãy ăn chậm hơn thì tốt rồi.

Hạt cơm trắng cuối cùng còn lại trong bát cũng bị ăn sạch. Tôi từ từ đặt đũa xuống miệng bát.

Dì Chu: “Thanh Thanh, con ăn vậy no rồi sao? Sao ăn ít vậy, sao đủ được.”

Tôi gật đầu, “Dạ no rồi dì.”

“No thật?” bà lo lắng.

“Thật ạ.” Để ra vẻ đáng tin tôi còn giả vờ ợ lên.

Cảm giác được ánh mắt sâu kín đang nhìn mình, tôi ngẩng lên đối diện với tầm mắt Chu Hải Yến.

Đôi mắt đen nháy của anh bình thản. “Chỉ cần em ở lại đây một ngày thì nơi này là nhà của em một ngày, đừng quá câu nệ.”

Tôi không nghĩ về ý tứ sâu xa trong lời của anh, vội vàng gật đầu, bảo đảm mình đã no rồi viện cớ lên lầu làm bài tập.

Phía sau, hai người nhìn nhau thật lâu, dì Chu thở dài trước.

10.

Không ngoài dự đoán. Kết quả việc chỉ ăn lưng lửng bụng là nửa đêm bị đói tới thức giấc. Dạ dày đau do trào ngược. Tôi lấy tay xoa xoa bụng, nghiêng người cuộn tròn lại. Theo kinh nghiệm, chịu đựng qua thời gian này thì sẽ ổn.

Tôi bắt đầu nghĩ ngợi để phân tán chú ý. Hôm nay là thứ bảy, mai là chủ nhật. Lễ Quốc khánh được nghỉ 7 ngày, thứ hai tuần sau mới phải đi học.

Nhưng tôi không muốn đi học, tôi sợ bọn họ, càng không biết nên đối mặt với cô Lý thế nào.

Tấm chăn dưới người mềm mại, thoải mái. Tôi đưa tay vuốt phẳng mặt ngoài, ngửi ngửi. Trên đó không có mùi thuốc lá, mùi rượu hôi hám, cũng không có mùi ẩm mốc mà là mùi nắng.

Tôi không kiềm được cong khóe môi.

Hôm nay dì Chu ôm tôi, dì nói ngay ánh mắt đầu tiên nhìn thấy tôi đã thích tôi, cảm thấy tôi rất đáng yêu.

Dì nói sáng nay không phải dì cố ý mà vì dì nhát gan, sợ ma.

Dì còn nói tôi có duyên với nhà họ Chu, trước kia dì luôn muốn sinh một đứa con gái, đặt tên Chu Hà Thanh, một trai một gái, ngụ ý trời yên biển lặng, vạn vật thái bình.

Nhưng mà dì không có phúc phần đó.

Khi dì nói lời này, ngữ điệu lộ vẻ bi thương thầm kín.

Thế gian này, mỗi người đều có mặt tối và mặt sáng riêng.

Không biết có phải ông trời thấy tôi đáng thương nên cuối cùng bằng lòng cho tôi chút tình thương cảm. Nếu vậy, tôi chỉ muốn xin ông, có thể thương xót tôi nhiều hơn một chút. Chỉ cần một chút là được. Để cho tôi được ở đây thêm mấy ngày. Xem như là một giấc mơ ngắn ngủi đẹp đẽ.

Tôi trở người, giường gỗ vang lên tiếng cọt kẹt. Ngôi nhà nhỏ này khá cũ.

Bụng khó chịu không ngủ nổi, tôi ngồi dậy mở đèn đầu giường, lấy bài kiểm tra toán ra.

Viết chưa được vài phút, cửa phòng bị gõ nhẹ ba tiếng.

Tôi mở cửa.

Người thanh niên dựa vào khung cửa. “Còn chưa ngủ?”

“Em… em đi ngủ ngay.”

Ánh mắt anh nhìn thẳng tắp, bóng dáng anh chìm trong nửa tối nửa sáng.

Dưới ánh nhìn như vậy, tôi có cảm giác mình bị nhìn thấu.

Anh nói: “Chu Hải Yến tôi không từng nuôi trẻ con, nhưng cũng không ngu tới mức để người ta đói chết.”

Mặt tôi đỏ bừng lên, nóng hực. Trăm phương nghìn kế che lấp đột nhiên bị vạch trần, lộ ra vẻ chật vật nhất. Tôi bấu chặt góc áo, không biết nên nói lại gì.

Rõ ràng trước kia không hề bị phát hiện.

Tôi không ý thức được môi mình đang run rẩy.

Tôi sợ, sợ họ sẽ cảm thấy tôi dối trá, cảm thấy tôi không làm người ta thích.

Tôi cụp mắt xuống. Hình như tôi không giữ được gì cả.

Một bàn tay to nắm cằm tôi, tôi ngẩng lên, nước mắt trong suốt theo khóe mắt chảy xuống, ướt đẫm. Lòng bàn tay khô ráo lau nước mắt tôi, người thanh niên than khẽ.

“Sao lại khóc? Tôi ngồi xổm dưới lầu chờ em lâu vậy, con nít bình thường đã đi xuống tìm đồ ăn từ sớm, nhưng em có thể chịu đựng được.

Em không giống ba mình chút nào, một người chỉ sợ làm phiền người khác, một kẻ chỉ sợ không gây thêm phiền cho người khác. Chưa kể phí bảo kê tôi đã nhận, em còn lo lắng cái gì?”

Tôi hít hít mũi, giương mắt nhìn anh. Nhưng mà hôm qua chính anh nói không được.

Như để chứng minh với tôi, anh lấy trong túi ra tờ 10 tệ nhàu nát, xòe ra trên lòng bàn tay.

Đợi tôi nhìn rõ, anh lại bỏ vào túi. Kéo tay tôi, đi xuống lầu, đến bếp thì dừng lại.

Bật sáng đèn. Trong nồi áp suất còn giữ ấm canh xương sườn.

Anh nói: “Mẹ tôi để dành lại cho em.”

Lúc này tôi mới nhận ra kỹ thuật diễn xuất của mình vụng về đến mức nào. Nhưng mà mười năm như một, tôi chưa bao giờ bị ba mẹ vạch trần.

Sau này tôi mới biết, có những nguời nhìn bằng mắt, trong khi có những người khác nhìn bằng tim.

“Tài nghệ có hạn, mì hầm nước xương sườn được chứ?”

Tôi gật đầu như giã tỏi.

Anh bảo tôi ngồi chờ. Vì không mở máy hút mùi nên khói trắng bay khắp nơi, anh đưa tay đẩy hé cửa sổ ra.

Mì có rất nhanh. Bát đầy tràn, rất nhiều, nhìn là biết ăn không hết.

“Ăn hết không?”

Tôi nói hết.

Anh hỏi lại: “Nhiều hay ít?”

Tôi nói vừa rồi.

Giây tiếp theo bị ăn một cái búng tay lên trán. Không đau, nhưng kêu rõ to.

Anh nheo nheo mắt hỏi lại: “Nhiều hay ít?”

Tôi ôm trán, thành thật, “Nhiều.”

Lúc này anh mới có vẻ nhẹ nhõm, bê bát trước mặt tôi đi, thay vào đó là một bát có quai màu hồng nhạt không quá to cũng không quá nhỏ.

“Sau này ăn không đủ thì nói, ăn không hết cũng phải nói. Ăn nhiều hay ít quá đều không tốt cho dạ dày.”

Tôi gật đầu.

Sợi mì bóng loáng xen lẫn với xương sườn, bắp. Tôi ăn nhỏ nhẻ từng miếng. Anh ngồi đối diện ăn từng miếng to.

Anh hỏi: “Ngon không?”

Tôi nói: “Dạ ngon.”

Anh cười: “Coi bộ em khá dễ nuôi.”

Phòng bếp yên tĩnh tràn ngập mùi thơm thức ăn, gió đêm luồn qua cửa sổ thổi vào, dạ dày và trái tim từng chút được lấp đầy.

11.

Có lẽ do chưa bao giờ được ngủ an ổn như vậy, ngày hôm sau lần đầu tiên tôi ngủ đến 7 giờ hơn.

Khi nhìn đồng hồ treo tường, máu trong người tôi như đông cứng lại.

Mẹ mất rồi, trong nhà chỉ còn tôi và ba.

Bất kể xuân hạ thu đông, tôi đều phải dậy lúc 5 giờ sáng, làm xong việc nhà rồi đến trường. Nếu lỡ ngủ thêm một chút thì đánh thức tôi sẽ là những cú đấm và tiếng chửi rủa.

Tôi mặc vội quần áo lao xuống nhà.

Đến phòng khách mới kịp phản ứng lại, đây không phải nhà tôi. Thần kinh căng thẳng thả lỏng ra.

Cửa dưới tầng mở, có người đã dậy nhưng xung quanh yên ắng.

Nhớ lại khi mới ra khỏi phòng, cửa phòng của dì bên trái đã đóng, tấm thảm ở cửa kẹt vào khe cửa, chắc dì còn chưa dậy. Cửa phòng đối diện của Chu Hải Yến đã mở toang.

Người dậy hẳn là anh ấy.

Rửa mặt xong, nhớ tối qua ăn tối xong hình như bát đĩa chưa rửa.

Tôi vào bếp, bồn rửa chén trống không, khô ráo không giọt nước, chén bát trong tủ phân loại sắp xếp ngăn nắp, ngay cả giẻ lau trên bàn cũng được gấp gọn gàng.

Ra ban công nhìn xem có quần áo bẩn nào để giặt thì thấy quần áo cả nhà, kể cả của tôi đã được treo trên dây phơi.

Tôi không tin ma quỷ, nhặt cây lau nhà ở cửa lên, mặt đất bóng loáng, còn sạch hơn cả mặt tôi.

Cả nhà thế mà không có chỗ nào cần đến tôi.

Tôi “…”

Lưu manh đều cần mẫn sạch sẽ như vậy sao?

“Dậy sớm vậy, định làm ‘bé tiên ốc’ à?” Phía sau vang lên giọng nói quen thuộc.

Tôi hoảng hốt buông cây lau nhà trong tay ra. Chu Hải Yến mặc đồ thể dục từ ngoài đi vào.

Anh đặt bữa sáng lên bàn, bánh bao, màn thầu, sữa đậu nành, bánh quẩy, gì cũng có.

“Thích ăn gì thì ăn.”

Anh lại gần, lấy cây lau nhà dưới chân tôi đặt lại chỗ cũ. Sau đó ấn tôi ngồi xuống bàn. Từ mấy món ăn sáng, xách túi bánh màn thầu màu sắc nhỏ bằng ngón tay cái, “Cái này no thì ăn chơi, tôi thấy con nít thích cái này.”

Màn thầu ngũ sắc, hai đồng mười cái. Cha mẹ thích lấy cái này để dỗ dành con nhất. Lúc nhỏ tôi rất muốn nhưng mẹ tôi ngại đắt nên không mua, cho dù mỗi ngày đi làm đi học đều đi ngang qua nhưng chưa từng mua cho tôi.

Sau này tôi có thể tự mua được thì lại qua tuổi đó, cảm thấy không cần thiết.

Niềm mơ ước khi còn nhỏ ngay trước mắt, tôi với tay lấy một cái màu hồng. Cắn một miếng. Hương vị như trong tưởng tượng, ngọt ngọt.

Tôi ngước lên nhìn anh, mỉm cười cong cong mắt. “Cảm ơn.”

Anh sửng sốt, khóe môi cong lên.

Tôi lấy chiếc bánh màn thầu màu tím dễ thương nhất đưa cho anh. “Ngon lắm, anh cũng ăn đi.”

Anh cười nhạo, “Tôi không phải con nít.”

“Không phải con nít không thể ăn bánh màn thầu ngũ sắc sao? Em cũng không phải con nít mà.”

Anh nói: “Nhỏ mà lém.” Rồi nắm tay tôi há miệng nuốt xuống trong một miếng. Không đủ nhét kẽ răng anh.

Ăn sáng xong, tôi không có gì để làm.

Chu Hải Yến thay quần áo chui vào phòng làm việc vẽ bản thảo. Anh bảo tôi đi xem TV, tôi lắc đầu, tỏ ý không hứng thú.

Anh bảo tôi đi làm bài tập, tôi xua xua tay, tỏ vẻ không muốn.

Anh nói, vậy em đi lau sàn.

Tôi nói, cái này thì được.

Anh nói tôi tám phần là sốt đến ngây người.

“Rảnh quá không có gì làm thì theo tôi làm việc.”

Sau đó cho tôi một bảng vẽ, bút, bảo tôi ngồi cạnh anh, cùng vẽ.

Anh cầm bút lên thì như biến thành người khác. Tận tâm, chăm chú, cho dù là người ngoài nghề cũng có thể nhìn ra anh vẽ rất đẹp.

Tôi thì không, trời sinh tôi thiếu năng khiếu nghệ thuật. Vẽ cả buổi trời ra được ba hình người que, trong đó còn có một con thiếu tay thiếu chân.

Anh không nói gì, nhìn bức vẽ của tôi cười đến chảy nước mắt.

Từ chối vẽ tranh, tôi tự tìm việc làm.

Vì thế ngày hôm sau, tôi ngoan ngoãn ngồi cạnh anh làm bài tập.

Tôi, dì Chu, Chu Hải Yến, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của ba người tôi có thể nói là giao nhau nhưng không trùng lắp.

Tôi ngủ sớm dậy sớm, dì Chu ngủ sớm dậy trễ, Chu Hải Yến ngủ trễ dậy sớm.

Dì Chu bị mất ngủ trầm trọng nên mỗi ngày trước khi ngủ đều phải uống thuốc ngủ, thường dậy lúc 9 giờ sáng, sau đó đi chợ mua thức ăn, về nhà nấu cơm.

Thời gian còn lại, bà thích đọc sách, từ “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Những người khốn khổ” cho đến “Phải sống”. Gần như quyển nào bà cũng xem lật qua. Thỉnh thoảng cũng xem mấy bộ phim điệp viên, nhưng thường thì chỉ xem đi xem lại mấy bộ. Bà đồng cảm mạnh mẽ nên thường đắm chìm trong đó, lặng lẽ rơi nước mắt.

Xem mệt bà sẽ ngồi ở cửa, ngẩn ngơ nhìn cây hoa quế kia. 9 giờ tối, bà sẽ về phòng nghỉ ngơi đúng giờ.

Chu Hải Yến là thợ xăm mình, thời gian làm việc của anh linh hoạt. Hơn nửa lầu một là nơi làm việc của anh. 6 giờ sáng anh sẽ dậy đúng giờ, làm mọi công việc nhà, sau đó ra ngoài tập thể dục. Tầm 7 giờ rưỡi thì xách bữa sáng về. Thời gian còn lại của buổi sáng anh sẽ vẽ phác thảo, hoặc sắp xếp tài liệu.

Từ chiều đến rạng sáng sẽ có người đến tìm anh xăm hình. Kỹ thuật của anh chắc là rất tốt, dù người to lớn thô kệch gào hét như heo kêu khi xăm thì lúc đi cũng giơ ngón tay cái lên với anh, nói lần sau sẽ lại đến tìm anh.

Đương nhiên không loại trừ khả năng tối làm việc khuya thì ban ngày anh sẽ ngủ nhiều hơn.

Tôi là người rảnh rỗi trong nhà này. Hai người nói trẻ con không cần làm việc nhà, rảnh rỗi là được. Tôi không thích chơi mấy thiết bị điện tử, cho nên tôi hoặc là làm bài tập, hoặc là cùng ngồi ngẩn người ở cửa với dì Chu, hoặc giúp Chu Hải Yến thu dọn đồ đạc làm việc.

Trí nhớ tôi rất tốt, mỗi công cụ bày biện chỉ cần nhìn anh sắp xếp một lần là tôi nhớ kỹ.

Nếu nói giải trí thì có thể là thưởng thức tay Chu Hải Yến.

Tay anh rất đẹp, bàn tay to nhưng ngón thon dài, khớp xương rõ ràng, đặc biệt khi anh đeo găng tay đen, có một sức hấp dẫn tự nhiên.

Mỗi ngày lúc ăn cơm, anh đều hỏi tôi nhiều hay ít.

Ban đầu tôi rất khó mở miệng nói thật, theo thói quen định nói dối, nhưng điều làm tôi không tin nổi là lần nào anh cũng nhìn thấu, sau đó thưởng cho đầu tôi một cái búng tay.

Cứ thế, lớp ngụy trang của tôi từng chút bị phá vỡ.

Anh nói, đạo lý mà cha mẹ em dạy đều vớ vẩn, ai nghe lời là đồ ngốc, đói ngủ không được, cũng chẳng cao lên nổi.

Không còn là đồ ngốc nữa, tôi mới phát hiện cảm giác ăn no thật tốt, ngủ ngon hơn nhiều.

Giữa thời gian này, tôi nhân lúc ban ngày về nhà một chuyến để lấy con heo tiết kiệm của mình.

Quả nhiên ba tôi không có nhà.

Hàng xóm nói gần đây ông ta gặp may, thắng được không ít tiền, gần đây không thấy bóng dáng.

Ồ, vậy hy vọng ông ta tiếp tục thắng, như vậy hắn không nhớ đến đứa con gái trút giận nữa.

12.

Buổi tối tôi nằm trên giường lại không ngủ được. Nhưng lần này là vui vẻ.

Hôm nay dì Chu bảo tôi theo bà ra ngoài dạo phố, Chu Hải Yến muốn đi theo, bà bảo anh đợi ở chỗ nào mát mẻ.

Sau đó, dì dẫn tôi vào một cửa hàng đồ lót mà tôi chưa bao giờ đến. Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra đồ lót con gái có nhiều loại, nhiều màu sắc như vậy, hóa ra tuổi dậy thì phải mặc đồ lót khác, hóa ra không đồ lót là không bình thường.

Bà không chê phiền mà thử cho tôi hết cái này tới cái khác, cho đến khi chọn được cái thích hợp cho tôi.

Bà cầm tay dạy tôi cách mặc những loại đồ lót khác nhau theo đúng cách, cài dây như thế nào.

Bà nói, ngực phát triển là hiện tượng sinh lý bình thường, chứng tỏ là Thanh Thanh đang trưởng thành, ngẩng đầu ưỡn ngực, đừng thẹn thùng.

Bà nói, nếu chọn đồ lót không phù hợp dễ gây các vấn đề về ngực, đặc biệt là tuyến vú.

Thế là ngày hôm đó tôi có được bộ đồ lót đầu tiên thực sự trong đời, là dì tặng tôi.

Có thể bà quá tinh tế, chu đáo nên chị nhân viên cảm thán, bà quan tâm đến con gái quá.

Dì không phủ nhận, chỉ ôm tôi vào lòng, cười nói: “Con gái ngoan như vậy sao mà không thương?”

Dì Chu còn giống mẹ hơn cả mẹ.

Tôi vùi mặt vào lớp chăn mềm mại, cảm giác mình hạnh phúc đến choáng váng.

Từ giờ trở đi, tôi cũng sẽ là một đứa trẻ với những bộ đồ lót đẹp đẽ, thoải mái!

Đồ lót!

Trời!

Tôi sực nhớ ra, bật ngồi dậy. Đồ lót còn để trên sô pha dưới lầu! Dì nói phải giặt tay rồi mới mặc được.

Tôi mang dép lê, nhẹ nhàng xuống lầu, định tối nay giặt sạch.

Phòng khách có bóng đèn nhỏ mờ mờ, người đàn ông ngồi trên sô pha ẩn nửa người trong bóng tối, làn khói trắng mỏng manh từ đầu ngón tay anh tỏa ra, anh không nhúc nhích, tựa như linh hồn đã biến mất, chỉ còn lại thân xác mặc sức cắn nuốt.

Tôi dừng chân.

Anh như cảm giác được, dập tắt thuốc. “Đói bụng?”

Tôi lắc đầu, nhớ ra anh không nhìn thấy nên lên tiếng: “Không phải, em lấy cái túi nhỏ, trong đó có quần áo chưa giặt.”

“Em nói hai cái áo ba lỗ? Anh giặt xong phơi lên rồi.”

Hả?

Tôi giật mình.

Liếc mắt ra ban công thì thấy chúng được treo ngay ngắn trên mắc áo, ẩm ướt, nhăn nhúm, nhìn là biết giặt bằng tay.

Trong lòng dâng lên cảm giác lạ lùng không giải thích được.

Anh siêng như thế làm gì, khiến tôi giống như quỷ lười.

Anh vỗ vỗ ghế bên cạnh, ra hiệu tôi ngồi xuống. Giọng khó hiểu: “Không giặt tay được à?”

Tôi chống má, gật đầu rồi lại lắc, “Thật ra không phải, lực tay anh mạnh, em sợ anh vò hỏng.”

Anh: “…”

“Lần sau anh cẩn thận hơn.”

Khi đó trong mắt anh tôi chỉ là một đứa trẻ chưa lớn, mà tôi không có kinh nghiệm tiếp xúc với người khác giới, anh xem tôi là em gái, tôi xem anh là anh trai, chúng tôi không nhận ra chuyện này có gì không ổn.

Gần 12 giờ, anh giục tôi về phòng ngủ. Tôi không chịu.

Vì hoàn cảnh gia đình, để tránh bị đánh đập, tôi đã có thói quen hành động theo sắc mặt của ba, dần dà tôi rất nhạy cảm với cảm xúc của mọi người.

Bây giờ tâm trạng Chu Hải Yến rất tệ.

Anh như một tù nhân tuyệt vọng, đang chờ đợi, canh gác điều gì. Nó khiến tôi cảm thấy, giờ phút này tôi nên ở cạnh anh.

Sau này, vô số lần hồi tưởng lại đêm đó, tôi đều thấy may mắn vì trực giác của mình đã đúng.

Đồng hồ điểm 12 giờ.

Trên lầu chợt có tiếng mở cửa, dì đi xuống lầu.

Nhưng hình như bà không để ý đến chúng tôi, đi thẳng qua phòng khách, đi ra sân, dừng dưới gốc cây hoa quế.

Tôi tưởng là mộng du nên không dám phát ra tiếng, sợ quấy rầy bà.

Bóng đêm đen kịt, gió thổi qua kẽ lá lay động chuông gió trên cây, tiếng lanh canh cô đơn khuếch đại đến vô tận.

Thân người mảnh khảnh kia chuyển động, quay đầu, bắt đầu khiêu vũ theo tiếng chuông, mỗi động tác đều dùng hết toàn lực. Dường như mọi khát vọng và cuộc đời đang bùng cháy, mà dì sẵn sàng làm con thiêu thân lao vào ngọn lửa, lấy tư thế cực kỳ bi thương này táng thân nơi biển lửa.

Gió lạnh bi ai, mọi thanh âm tĩnh lặng, Chu Hải Yến và tôi ngồi ở cửa, im lặng làm khán giả cho điệu nhảy cuộc đời này.

Một khúc múa, dì ngã người ra sau như muốn giao thân mình cho người khác.

Nhưng hy vọng quá mức sẽ dẫn đến tuyệt vọng cùng cực.

Phía sau không có gì, dì chật vật ngã ra đất, đôi tay điên cuồng đấm xuống đất, nước mắt rơi như mưa.

“Tại sao anh không quay về thăm em một lần. Em sợ ma nhưng mà không sợ anh. Anh không ở đây, bọn họ đều ức hiếp em.”

Tôi muốn bước tới ngăn bà lại nhưng bàn tay to bên cạnh đã kéo tôi. Giọng khàn khàn mệt mỏi: “Em tới bà sẽ không tỉnh.”

Đau khổ chảy qua mọi người theo cùng một cách, nhưng mỗi người sẽ vượt qua dòng sông đau khổ theo những cách khác nhau, có người sa vào đó mê man không tỉnh, có người vác hành trang lên vai lẻ loi độc hành.

Buông bỏ là con đường duy nhất trong đời.

Đêm đó, dì khóc đến kiệt sức, Chu Hải Yến mới bước tới đưa bà về phòng.

Tôi lấy khăn ấm cẩn thận lau mặt, tay dì. Lau đi những vết bùn và nước mắt, nhưng tôi biết, vết thương trong lòng bà tôi không lau được.

Dì ngủ rồi, Chu Hải Yến lại ngồi trên sô pha, tôi yên lặng ở bên cạnh anh.

Dưới ánh đèn, người đàn ông ngửa đầu nhìn trần nhà, hốc mắt đỏ lên.

Thật lâu, anh hỏi: “Có sợ không?”

Tôi đáp: “Không sợ.”

Theo truyền thuyết, chuông gió treo trên cây khi gió thổi qua, người c/h/ế/t sẽ theo tiếng chuông về nhà.

Khi mẹ mới mất, mỗi đêm tôi sẽ treo một cái chuông gió ở cửa. Nhưng suốt hai năm trời, tôi không mơ thấy bà dù chỉ một lần.

Thay vào đó, ba đập vỡ chuông gió, cảnh cáo tôi không được làm loạn, hại ông ta trằn trọc, gặp ác mộng.

Thế nên có gì sợ đâu?

Điều bạn sợ hãi là điều mà người khác ngày đêm mong ngóng mà không thể nhìn thấy.

Tôi không sợ, nhưng tôi đau lòng.

Tôi đau lòng rõ ràng họ là “ốc còn không mang nổi mình ốc”, thế mà vẫn cố hết sức mang lại ấm áp cho tôi.

Tôi đau lòng vì thế giới luôn vỡ nát này lại vẫn có người miệt mài khâu khâu vá vá.

Tôi đau lòng vì chúng ta dường như ngậm những nỗi đau khổ trong lòng, ngả nghiêng qua thế gian này.

Trong lòng Chu Hải Yến quá đau khổ, khổ đến mức tôi chỉ ngồi bên cạnh anh là có thể chìm vào nỗi đau, sự cô độc không nói thành lời của anh, như thể đứng trước ranh giới sinh tử, đồng thời bị hai người vứt bỏ.

Mà tôi lại không thể làm được bất cứ điều gì.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây