Không biết chàng thích gì, Vân Tinh Nam liền tiện tay mua một cây trâm bằng gỗ đào ở sạp bên đường, một cây trâm gỗ vô cùng giản dị, nhưng nàng rất thích tạo hình của nó, nhìn tổng thể trông như hình cây trúc.
Nàng cảm thấy, Giải Ưu chính là cây trúc ở núi Nam, cứng cỏi đứng trên mỏm đá, mặc cho gió từ bốn phương tám hướng thổi qua.
Đến con đường hẹp đầu thôn, xe ngựa khó đi, Vân Tinh Nam liền xách váy nhảy xuống xe đi bộ, lúc rời khỏi nhà nàng cũng đi con đường này, khi ấy chỉ cảm thấy bước đi khó khăn, hiện tại lại cảm thấy gậy trúc, giầy rơm hơn vó ngựa (*).
(*) Tên gốc ‘Trúc thương mang hài khinh thắng mã’ là một câu trích từ bài thơ “Định phong ba” của Tô Thức, thi sĩ thời Bắc Tống, câu này ý chỉ, tự thân vận động (đi bộ) vẫn tốt hơn nhờ vả vào một thứ gì đó (ngựa)
Ở ngay cửa thôn, nàng đã trông thấy chàng, vóc dáng chàng rất cao, lại gầy đến đáng thương, lúc này đã qua giữa trưa, nắng giữa hè rất gắt, chỉ là bóng dáng gầy yếu, mỏng manh kia nhìn thế nào cũng cảm thấy có chút lẻ loi.
Nàng vốn định gọi chàng, nhưng yết hầu cứ như bị cái gì đó chặn kín, thế mà nàng lại ngượng ngùng.
Lúc này trên ruộng chỉ có mình chàng, có lẽ là hôm nay nắng quá gắt, người khác đều về nhà hết rồi, chàng bước đi rất vội, nàng muốn đuổi kịp nhưng lại lực bất tòng tâm.
Cuối cùng, nàng vẫn phải hô to về phía bóng dáng kia, “Giải Ưu!”
Ngoài dự liệu, Giải Ưu nghe thấy được giọng nói này, cũng không sợ hãi vội vã chạy tới như trước, chỉ đứng ngốc lăng tại chỗ.
Chắc là qua rất lâu, lâu đến nỗi nàng bắt đầu thấy phiền lòng, định qua xem chàng có bị trật chân hay không, chàng mới chậm rãi xoay người, gần như là luống cuống bước nhanh tới trước mặt nàng.
Trông chàng có chuyện muốn nói, nhưng chỉ giật giật môi, rồi không có động tĩnh gì khác.
Nàng nghĩ, nam nhân này, sẽ không bị sốt đến ngu chứ? Nghĩ vậy, liền đoạt lấy cái cuốc của chàng, “Trời thật sự rất nóng, mau mau về nhà thôi.”
Chàng lắc đầu, nhìn cái cuốc bị nàng cướp đi, lại lắc đầu, sau đó, tiếp nhận rương hành lý trên tay nàng. Đó là gạo và bột mì nàng mua ở chợ trên, hơi nặng, nàng gần như là kéo lại đây, mà chàng lại quen với những việc nặng nhọc như vậy, lặng lẽ vác lên vai rồi đi theo sau nàng.
Nàng đột nhiên không biết nên nói thêm cái gì, chỉ có thể cầm cái cuốc nhẹ bẫng rầu rĩ đi ở phía trước. Chả trách, em họ nàng luôn nói em ấy và người bạn trai yêu nhau ở đất khách không thể tự nhiên nói chuyện với nhau, tuy rất nhớ nhau, ai biết vừa thấy mặt lại cảm thấy xấu hổ, chỉ biết nói mấy câu vô nghĩa.
Nghĩ như vậy, nàng đột nhiên bị suy nghĩ của mình chấn kinh rồi: Yêu? Nàng với Giải Ưu ư? Sao có thể? Trong lòng chàng có lẽ hận chết nàng, còn có, sao chàng lại nhớ nàng cơ chứ? E là chỉ đang xấu hổ thôi!
Giải Ưu đi theo sau nàng, trong đầu nhảy ra vài ký ức xa xăm, từ khi chàng mất con, chàng hiếm khi nhớ lại quá khứ và mong đợi. Bảy năm trước, lúc vừa bị bán cho nàng, tuy rằng mỗi ngày lao động kham khổ, có chút mặt xám mày tro, nhưng cũng được coi là một thiếu niên.
Ngày ấy, trời không nắng, mưa dầm dề suốt hai ba tháng, mà một năm trước lại hạn hán rất nghiêm trọng, trong nhà hết sạch lương thực, cha mẹ định đem chàng – đứa trẻ không được sủng ái bán cho Vân Tinh Nam.
Gả cho nàng được bảy năm, sáu năm trước đều là mưa dầm kéo dài, chỉ có năm nay là có nắng.
Mà cái người ngoài một cuộc hôn nhân thất bại thì chẳng có kinh nghiệm yêu đương gì như Vân Tinh Nam lại không hiểu, dù nắng có gắt đến mấy, cũng không đến mức làm khuôn mặt khắc khổ của người nam nhân hàng năm làm ruộng đỏ lên như vậy.