Người Nối Nghiệp Chân Chính

142: Chương 142


trước sau

NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P142)

Tác giả: Hà Phong Xuy

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Thôi Minh Trí biết Diệp Như Vy sợ người chết, khi đi vào cố ý che trước mặt cô, nửa đường phát hiện cô vòng qua người mình không ngừng kiễng chân ngó về phía thi thể, quay đầu lại hỏi: “Vy Vy, em nhìn gì thế?”

Diệp Như Vy bíu hai tay trước ngực, cố nén khiếp hãi, nói: “Em thấy quần áo trên người cụ kia rất quen.”

Soái Ninh như ăng-ten ra-đa chuyển qua cô: “Diệp công, cô qua đây nhìn chút coi có quen người này không.”

Diệp Như Vy đánh bạo lại gần, run run liếc vào mặt người chết hai liếc, lắc đầu: “Không quen ạ”, rồi nói thêm luôn: “Nhưng bộ quần áo này thì tôi biết.”

Quần áo trên thị trường toàn sản xuất hàng loạt, mọi người cho rằng cô từng thấy người khác mặc, lại nghe cô tuôn ra tin tức kinh người: “Tôi có cô bạn cấp 3 mở xưởng may gia công lớn ở Đông Hưng. Lần trước đến nhà cô ấy chơi, cô ấy tặng tôi vài món hàng mẫu bị lỗi, trong đó có cái này.”

Quần áo mẫu bị lỗi có số lượng ít ỏi, không dễ gặp món trùng, Diệp Như Vy nhờ bọn Tề Vân nâng thi thể dậy để cô nhìn nhãn hiệu chỗ cổ áo.

“Peckott L”

“Đúng rồi, chính là cái này!”

Diệp Như Vy buột miệng kêu lên, quần áo từng qua tay mình giờ lại mặc trên người tử thi vô danh, sống lưng cô như bị vô số dòng khí lạnh ập vào, run bắn lên một lúc.

Tề Vân vốn đã gai cả người, bị tiếng kêu của cô dọa sợ đến mức tuột tay. Thi thể không được đỡ, đổ ra rìa linh sàng. Đốc công ở bên kia vội vàng kéo lại, làm rách toạc cổ áo thun. Người chết được giữ cố định, bên vai phải lộ cả ra ngoài, trên vai hiện ra một khối màu đỏ tím to bằng bàn tay. Cảnh tượng đặc thù này lần đầu khiến Soái Ninh đề cao cảnh giác.

Theo lời người trong công trường, 7h tối chấm công, hồ nước còn chưa thấy gì khác thường, bước đấu phán đoán rằng khoảng 8h cụ ông ngã xuống hồ. Từ đó đến nay mới hai tiếng đồng hồ, về logic vết hoen tử thi không xuất hiện nhanh như thế.

“Mau, cởi quần áo ổng, xem tình trạng trên người ổng thế nào.”

Hành vi này bất kính với người chết, đốc công và công nhân mê tín không dám tuân lệnh, Tề Vân cũng chỉ biết trơ mắt ngó.

Soái Ninh nóng vội, tự mình tiến lại làm lấy, sai Thôi Minh Trí đỡ một tay.

Giai quê cũng hãi cái này, vì tận trung với cương vị công việc, đánh bạo đỡ vững tử thi lạnh ngắt ẩm ướt giúp cô. Soái Ninh lấy trong túi ra một con dao gấp, rạch toang chiếc áo. Vài giây sau, vết hoen tử thi trải rộng trên lưng người chết cũng lộ ra.

“Người này đã chết ít nhất bốn giờ, chết ở nơi khác, không phải chết đuối ở chỗ chúng ta.”

Soái Ninh dùng khăn sát trùng lau tay, vươn mũi chân gảy gảy mảnh áo thun rách trên mặt đất, hỏi Diệp Như Vy: “Cô nói bạn cô tặng cô một chiếc áo giống hệt, vậy áo đó giờ ở đâu?”

Diệp Như Vy tưởng tượng đến nội tình vụ chết người này, giống như đang xem phim kinh dị không được tiết lộ diễn biến, mặt cũng tái mét như xác chết.

“Lần trước tôi đưa bố Chúc Kỳ Vỹ lên bệnh viện tỉnh khám lại, thấy quần áo trên người bác ấy cũ quá. Vừa hay bạn học cũ cho tôi bộ này. Tôi xem cỡ vừa với bác ấy nên đưa bác ấy luôn.”

Mấy tháng trước Soái Ninh giúp đỡ Chúc Kỳ Vỹ, giáo viên nông thôn ở thôn Bạch Liên, người đã chịu đủ trò hãm hại từ Bì Phát Đạt, chữa bệnh cho ông bố bị liệt của anh ta, giao nhiệm vụ cho Diệp Như Vy chấp hành.

Ông Chúc lên viện tỉnh điều trị, bệnh tình có chuyển biến rất tốt. Sau khi xuất viện, mỗi tháng ông còn phải lên viện tái khám, cũng đều nhờ Diệp Như Vy sắp xếp đưa đón. Hiện giờ cô đã thân với họ như người trong nhà.

Soái Ninh không nói hai lời, bảo cô và Thôi Minh Trí qua thôn Bạch Liên đón Chúc Kỳ Vỹ. Quốc lộ làm xong, từ đây qua thôn Bạch Liên chỉ cần lái xe 20 phút. Chưa đầy nửa tiếng, Thôi Minh Trí gọi điện về, nói rằng họ đang chở Chúc Kỳ Vỹ quay lại công trường, cũng đã thông qua anh ta tìm hiểu rõ thân phận người chết.

“Thầy Chúc nói cụ ông đó họ Đinh, là người già neo đơn ở thôn Bạch Liên, ốm lâu rồi, mấy ngày trước khi mất toàn do anh ấy đi chăm nom. Chiều nay 5h hơn đi ở nhà, lúc ấy thầy Chúc cũng có mặt. Anh ấy về nhà lấy mấy thứ, lúc quay lại nhà họ Đinh thì thi thể đã biến mất rồi.”

Đoán không lầm, thi thể quả thật đã bị người ta di chuyển đến công trường. Đáng tiếc là bên hồ nước chưa lắp camera, tội phạm có lẽ đã thám thính địa hình trước, chọn đúng chỗ khuất này để vứt xác.

Tề Vân và đốc công nghi hoặc bàn tán, ngay sau đó nghe sếp đưa ra lời giải.

“Đây là vu oan giá họa, nếu không thì rừng núi hoang vắng vứt xác chỗ nào không được, sao phải đem vứt ở địa bàn chúng ta? Chúng nó muốn để người ngoài cho rằng công trường có người chết, khách hàng nghe tin sẽ kiêng, không đến mua nhà nữa.”

Trò phá hoại này cũng chỉ dân quê ngu muội nghĩ ra được, cô dễ dàng khoanh vùng những kẻ tình nghi, tiến tới dựng lại toàn bộ kế hoạch của chúng, chờ Chúc Kỳ Vỹ tới đối chiếu lời khai, quá nửa khả năng là manh mối trồi lên.

“Giám đốc Tề, anh mau đi kiếm bộ quần áo khác mặc cho ông cụ này. Chúc Kỳ Vỹ sắp tới rồi, để ảnh nhìn đến chúng ta lột quần áo của người quen, còn để ổng phơi trần ra, thì sẽ giận đó.”

Tề Vân cũng suy nghĩ chu đáo, đã sai người qua lán công nhân đưa bao lì xì (tiền) đổi lấy một bộ quần áo cũ, lại dúi mấy bao lì xì cho đốc công và công nhân ở đây, chỉ huy họ thay quần áo cho người chết.

Chỉ lát sau, Chúc Kỳ Vỹ có mặt. Thấy tử thi nằm ngửa trên tấm ván, anh ta liên tục đập đùi kêu gào, nước mắt tuôn ròng ròng.

“Bác Đinh, sao bác lại chạy tới chỗ này!”

Giờ không phải lúc khóc, Thôi Minh Trí đỡ anh ta, khuyên anh ta bớt đau buồn, cũng giục anh ta giải thích tình hình lúc trước với Soái Ninh.

Soái Ninh sai người chuyển ghế đến, mời nhân chứng ngồi xuống nói chuyện.

Chúc Kỳ Vỹ hốt hoảng một lúc, cũng hoang mang vì sự việc kỳ quặc trước mắt, may mà tư duy của giáo viên coi như mạch lạc, còn có thể ra đầu ra đũa.

“Bác Đinh là hộ ngũ bảo[1] của thôn chúng tôi, vốn nên được hưởng trợ cấp cho hộ nghèo, nhưng suất hộ nghèo lại bị Bì Phát Đạt phân cho người thân, hơn 70 tuổi còn phải ra đồng trồng trọt. Tháng trước đang làm bỗng ngã không dậy được. Đi khám ở phòng khám ngoài phố thì bảo là bị tai biến, kê đơn lên hiệu thuốc lớn trên thành phố mua thuốc. Trong thôn chỉ có tôi và hai nhà khác sẵn lòng chăm bác ấy. Hôm trước đưa bố tôi đi Đông Hưng tái khám, còn tiện thể lấy thuốc cho bác ấy. Việc này em Vy cũng biết.”

Diệp Như Vy nhớ lại việc hôm trước, gật đầu xác nhận: “Vâng, hôm ấy chính tôi mua hộ thuốc.”

Lúc ấy nghe Chúc Kỳ Vỹ nhắc tới, cô đã dự cảm cụ ông tai biến này lành ít dữ nhiều rồi. Người già neo đơn ở quê nghèo đa số giống như ấu trùng ve mùa thu, thường chết cô độc trong cảnh bệnh tật nghèo khó, ai gặp được những người hảo tâm như Chúc Kỳ Vỹ và hàng xóm chăm nom đã thuộc diện may mắn.

Chúc Kỳ Vỹ than thở: “Thuốc kia uống vào cũng chẳng có tác dụng gì lắm. Chúng tôi chính mắt nhìn cơ thể bác Đinh suy sụp từng ngày, hôm trước lại ra phòng khám ngoài phố mời bác sĩ. Bác sĩ đến nhìn qua đã nói là không hy vọng, bảo thẳng là chuẩn bị hậu sự đi. Tôi và một thím họ Phùng thay phiên nhau trông bác ấy. Chiều nay, bác Đinh còn tỉnh táo được một lúc, còn đòi uống nước cơm với đường. Tôi về nhà nấu nước cơm, mẹ tôi bảo e là hồi quang phản chiếu, dặn chúng tôi tranh thủ thay quần áo cho bác ấy sớm. Bố tôi và bác Đinh thân nhau, biết bác ấy không có quần áo tươm tất lên đường, bèn lấy bộ quần áo em Vy mới biếu ra thay cho bác ấy. Quả nhiên, tôi quay lại đút nước cơm cho bác Đinh xong chưa đầy mười phút là bác ấy ngất rồi. Tôi vội lau người thay quần áo cho bác ấy, ngồi trông thêm hơn một tiếng thì bác ấy đi. Lúc đó tôi còn chủ định nhìn đồng hồ, là 5h 47 phút chiều.”

Sau đó Chúc Kỳ Vỹ về nhà báo tin, đặt mua đồ làm đám. Anh ta rời nhà họ họ Đinh vào tầm 6h, chứng tỏ kẻ tình nghi di chuyển thi thể trong khoảng 6h đến 8h. Soái Ninh hỏi anh ta: “Lúc ấy ngoài anh, trong thôn còn có ai biết bác Đinh đã chết?”

Chúc Kỳ Vỹ đã nghiêm túc nhớ lại: “Trên đường về nhà tôi gặp vài nhóm người, có nói với họ cả. Bác Đinh suốt đời khổ quá, chết trơ trọi lạnh lẽo, tôi nghĩ ít nhất đến lúc đưa tang có thể thêm người đến tiễn bác ấy, mọi người cùng tham gia để đám tang đông đủ ấm cúng một chút.”

Tin tức đã truyền khắp, vậy thì số kẻ tình nghi sẽ nhiều hơn.

Soái Ninh hỏi Tề Vân: “Công trường thôn Bạch Liên đặt ngay chỗ lối vào thôn, quanh đó có camera an ninh chứ?”

Khi dự án Hoa Quả Lĩnh vừa bị ác bá quấy rối làm tiền, cô đã chỉ thị cho Tề Vân lắp camera quanh công trường, các đoạn đường trọng yếu càng phải có.

Tề Vân cấp tốc trích xuất các video giám sát của ngày hôm nay, Soái Ninh sai bọn Thôi Minh Trí chia nhau xem các đoạn từ 6h trở đi. Người xe qua lại ra vào còn không ít. Khi tua đến đoạn 7 giờ 35 phút 36 giây, Chúc Kỳ Vỹ đột nhiên vươn tay chỉ vào một chiếc xe (Toyota) Crown màu trắng trên màn hình.

“Đây là xe của Bì Phi Dược!”

Soái Ninh vội bảo tạm dừng, hỏi anh ta có chắc chắn hay không.

Chúc Kỳ Vỹ bị Bì Phi Dược chèn ép đến thảm, thần hành[2] biết người biết ta mới có thể trả thù nên lâu nay cố gắng tìm hiểu kỹ càng. Đừng nói là xe đi hằng ngày, đến gà vịt nhà họ Bì nuôi, anh ta cũng nhớ rõ con nào đực con nào cái.

“Không sai, là xe nó chắc luôn.”

Soái Ninh bảo Tề Vân trích xuất cả camera giám sát của công trường này, chọn xem đoạn sau 8h.

8h 4 phút 10 giây, trên đoạn quốc lộ ở rìa phía tây công trường có một chiếc xe trắng vụt qua như bóng ma, ngón tay trỏ của Chúc Kỳ Vỹ lại chỉ vào trước tiên, hận không thể như ngón tay di chết người trong xe.

“Xem này, lại là xe của Bì Phi Dược, hồi tối chúng nó đã tới đây!”

Thời gian ăn khớp, cũng có động cơ và điều kiện gây án, chuyện còn lại nên giao cho cảnh sát.

Soái Ninh cầm điện thoại mở danh bạ, chạm vào tên Lư Bình.

Giờ để anh thực hiện việc vừa nói, anh hẳn là rất vui ha.

(Hết phần 142, xin mời đón đọc phần 143. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)

- -----

Chú thích:

1. Chính sách của nhà nước TQ dành cho đối tượng không nơi nương tựa, ngũ bảo = 5 đảm bảo, gồm: thực phẩm, quần áo, chăm sóc y tế, bảo hiểm và mai táng.

2. Đoạn này trong bản tiếng Trung viết là 神行 – thần hành. Bọn mình nghi rằng tác giả viết nhầm từ chữ “thận hành” (慎行 - tức là cảnh giác dè chừng), vì hai chữ này đều có pinyin là shenxing, đã ghi chú lại để sau này hỏi tác giả một thể.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây