Người Nối Nghiệp Chân Chính

159: Chương 159


trước sau

NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P159)

Tác giả: Hà Phong Xuy

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Chương 65: Gái có tầm, không õng ẹo dây dưa

Tham dự buổi gặp mặt tri ân về cơ bản là đại diện của các nhà đầu tư. Soái Ninh là một trong số ít các nhân vật đầu não đích thân lộ diện. Vừa xuất hiện, cô đã như viên kẹo lọt vào tổ kiến, bị bao nhiêu kẻ xu nịnh bu quanh bắt chuyện.

Cô cũng mang theo “đôi mắt vụ lợi”, chú ý vơ vét các mối quan hệ hữu ích, ai đến cũng không từ chối, chắt lọc những thông tin dùng được trong các cuộc trò chuyện. Người xa lạ trông thế đều cảm thấy cô bình dị dễ gần, không có điệu bộ xa cách của con gái nhà giàu hàng đầu như trong tưởng tượng, chỉ với ưu điểm giỏi xã giao này cũng đủ biết cô có năng khiếu kinh doanh.

5h chiều, mọi người đã tề tựu trong phòng hội nghị. Lư Bình vừa đến đại diện cho huyện ủy lên bục phát biểu cảm ơn các doanh nghiệp. Trông thấy Soái Ninh cười tươi hơn hớn ngay hàng ghế đầu, cái cổ đang vươn thẳng của anh bất giác gục xuống, ánh mắt rơi xuống đất, nụ cười cũng kém tươi.

Soái Ninh thấy vậy thì mừng thầm vì mình chiếm thế thượng phong. Giai này vẫn để ý đến cô, mức độ còn lớn hơn nhiều so với cô để ý anh. Lý do là cô có thể tỉnh bơ diễn trò mà anh thì đánh mất sự ung dung trong khi ứng biến.

Gái đầy sức quyến rũ như chụy đây, trai một khi đã biết đến là như có chấm sẹo bỏng đầu nhang trên da, mãi mãi khó quên nổi.

Trong mấy “người làm bán thời gian” trước kia có ba, bốn thằng từng xăm tên cô lên vai sau khi chia tay. Làm kẻ săn mồi trên tình trường, cô tin Lư Bình dù có thể bảo vệ lập trường nhưng trong ngắn hạn cũng đừng mơ thoát khỏi ám ảnh mà cô mang đến.

Trong bữa tiệc, Lư Bình và các quan chức đi vòng quanh chúc rượu khách mời. Thấy họ đến gần, Soái Ninh và những người ngồi cùng bàn đồng loạt đứng dậy nghênh tiếp. Cả bàn này Lư Bình chỉ quen mỗi mình cô, không cần người khác giới thiệu, anh cười rạng rỡ nâng ly chúc mừng: “Ninh tổng, tôi thay mặt huyện ủy cảm ơn chị đã cống hiến cho việc xây dựng kinh tế Thước Châu.”

Lúc này, thái độ của anh đã rất tự nhiên, diễn viên giỏi cũng khó tránh sai sót nhưng về tổng thể vẫn phát huy rất ổn định.

Soái Ninh nhìn ly nước quả trong tay anh, nét cười cũng ở tầm diễn viên nữ xuất sắc nhất.

“Nghe anh nói như vậy, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự ạ. Cũng xin cảm ơn anh và huyện ủy đã ủng hộ công việc của chúng tôi.”

Hai người lễ phép cụng ly. Cô thấy vẻ chút lòng chưa cam trong mắt anh, người này cách mặt lâu ngày mới gặp nên không nỡ rời xa cô nhưng tình thế bắt buộc không thể dừng lại thêm. Điều này củng cố sự tự tin của cô, chờ đội ngũ chúc rượu hành quân sang bàn khác, cô thoải mái lấy điện thoại ra nhắn một tin trên WeChat cho anh.

“Tan tiệc xong gặp nhau ở chỗ nhạc nước trong công viên Tân Giang được không? Chờ anh.”

Trong bữa tiệc, cô bắt quen với mấy người bạn làm sản xuất, nói chuyện rất hợp, lát sau hẹn nhau qua quán trà sang trọng gần đó tiếp tục câu chuyện.

Giới kinh doanh trong nước giờ phổ biến một câu “có ngu mới đi làm sản xuất”. Đầu cơ bất động sản, mở quỹ đầu tư, đầu tư mạo hiểm… cái gì cũng ra tiền nhiều hơn làm sản xuất.

Nhiều thương hiệu không còn tiến hành sản xuất trực tiếp mà tìm đến các nhà cung cấp OEM[1]. Ví dụ, một thương hiệu điện thoại di động nổi tiếng áp dụng mô hình sản xuất gia công theo yêu cầu. Mô hình này có thể thay đổi nhà sản xuất bất cứ lúc nào, sàng lọc các đối tác chất lượng cao và chi phí thấp, đồng thời giảm thiểu giá thành sản phẩm. Đây là lý do tại sao giá điện thoại di động rẻ đến bất ngờ, và các thương hiệu điện thoại tự chịu trách nhiệm sản xuất không thể kiểm soát được chi phí như vậy rồi phải chịu thất bại liên tiếp trong cuộc cạnh tranh về giá.

Tương ứng, hàng chục nhà máy OEM đứng sau nhà sản xuất điện thoại di động có lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất thương hiệu, đã chẳng có tiếng tăm gì còn mệt hết hơi. Tiền họ kiếm được cũng kém xa doanh thu của các bên chỉ lo marketing nhẹ nhàng. So sánh ra, ai còn chịu chăm chỉ thật thà mà đi làm sản xuất?

Tập đoàn Quan Vũ làm giàu nhờ bất động sản nhưng Soái Quan Vũ trước sau vẫn giữ trong lòng giấc mộng sản xuất công nghiệp. Giới làm ăn hiện nay chỉ thích sáng gieo chiều gặt, đều chê làm sản xuất thu hồi vốn chậm quá, ông lại giữ suy nghĩ rằng sản xuất là nền tảng của thương mại. Không có công nghiệp chế tạo ưu tú gánh đỡ, mọi hoạt động thương mại chỉ là lâu đài trên cát. Mấy năm nay, đích thân ông đã chủ trì một số dự án liên quan, hy vọng lấy “Tinh thần thợ thủ công” sáng lập một thương hiệu trường tồn trong ngành sản xuất.

Soái Ninh không có tình cảm của một nhà công nghiệp như cha nhưng xuất phát từ góc độ thực dụng cũng cho rằng chiến lược phát triển của tập đoàn nên được điều chỉnh mau chóng, không thể đâm đầu vào cạnh tranh trong ngành bất động sản mãi được.

Trước mắt, mảng bất động sản đô thị ở Trung Quốc về cơ bản đã bão hòa, càng ngày càng khó kiếm lợi nhuận, đặc biệt là bất động sản thương mại đang thừa mứa nghiêm trọng. Ngoài ra, mô hình thương mại điện tử đã đem đến thay đổi rất lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân ngày nay. Với những tiến bộ không ngừng của công nghệ và sự ra đời của kỷ nguyên 5G, việc xuống dốc của các trung tâm mua sắm thực thể (ngoài đời, không phải online) là không thể tránh khỏi. Các quy định pháp luật về bất động sản ngày càng hoàn thiện, thuế bất động sản cũng được đưa vào quá trình xây dựng luật. Trước kia, các chủ đầu tư một là kiếm tiền từ thị trường, hai là kiếm tiền từ chính sách. Giờ cả hai ưu thế đều biến mất, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp là xu hướng tất yếu.

Làm đầu tư tài chính là một lựa chọn, anh Ba Soái Diệp hồi còn sống kinh doanh đúng hướng, lấy bảo hiểm làm bước đột phá, cho tới nay đã nắm cổ phần khống chế mấy chục doanh nghiệp tài chính trải dài từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tín thác, bảo lãnh, cho vay tiêu dùng... Nếu đi muộn mấy năm, hẳn anh đã sáng tạo một đế chế bao trùm toàn bộ ngành tài chính như lời anh nói.

Soái Ninh tốt nghiệp ngành kiến trúc, bề ngoài phóng túng, bên trong lại mong ổn định, triết lý kinh doanh gần với triết lý của cha. Cô cho rằng sức đề kháng với rủi ro của cái ngành tài chính chỉ giành phần thắng dựa vào chiến thuật du kích này không mạnh, với hoàn cảnh chính trị trong nước thì cũng gần như “kiếm cơm nhờ trời”. Thế nên cô cũng để mắt đến ngành sản xuất chế tạo, dự định trong tương lai sẽ tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm thực thể.

Để tham gia vào ngành sản xuất chế tạo, không chỉ cần vốn và nền tảng kỹ thuật vững chắc mà còn cần nhiều nhân tài và các mối quan hệ. Cô vui vẻ kết bạn với bất cứ người nào có liên quan, lắng nghe ý kiến và từng chút một lần ra hướng đi đúng đắn.

Cuộc trò chuyện hào hứng ngất trời đêm nay làm cô quên cả thời gian, đến khi nhớ tới lời hẹn với Lư Bình thì đã 10 rưỡi tối. Cô vội vàng chào mọi người ra về. Công viên Tân Giang ở ngay sau lưng nhà khách huyện ủy, cô không gọi tài xế mà tự chạy một lèo tới nơi.

Đêm mùa đông thưa người qua lại, đường phố vắng lạnh, gió đêm buốt giá, mặt sông vẩn lên một lớp sương trắng, nom lại có cảm giác hơi nước nóng hôi hổi. Đợi đến lúc trông thấy bóng người đứng lặng giữa quảng trường chỗ đài phun nước, cô lại cảm thấy một tí ti ấm áp.

(Hết phần 159, xin mời đón đọc phần 160. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)

- -----

Chú thích:

1. Viết tắt của Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc, các nhà sản xuất chỉ gia công sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng chứ không tham gia vào công đoạn nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing xây dựng thương hiệu hay phân phối.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây