Nửa Chén Rượu

5: Hàn Hoa


trước sau

Hết mưa dầm lại đến đại hạn.

Ngay cả bọn bịm bợp giang hồ cũng không dám giả mù phán bậy năm nay là năm hoàng đạo may mắn, người Trường An bạc mặt vì cái nắng cắt da cắt thịt.

Lại nghe thấy tin tức của mẹ con nhà họ Phương là lúc Phương nương tử xuất giá. Nàng giả cho Thương lão gia tuổi đã sáu mươi – một người giàu có trong thành làm vợ kế, năm sau sẽ theo ông ta về Giang Châu. Trong mắt nhà chồng không dung được một hạt cát, hai đứa con gái một lớn một nhỏ bị nàng bỏ lại Trường An.

Mùng Bảy tháng Tám là ngày hoàng đạo, thích hợp cưới xin.

Tuy làm vợ kế nhưng cũng có nửa dặm hồng trang, hơn xa nhà bình thường. Tiếng khua chiêng gõ trống vô cùng náo nhiệt nhưng người vây quanh chỉ có mấy mống. Đường quê vắng vẻ lạnh tanh, đồng hương đứng sau cửa sổ, thờ ơ nhìn cỗ kiệu đỏ chót lắc lư đi qua nhà.

Ta chợt nhớ đến hôm đồ tể họ Phương bị giết, ta đến chợ Tây mua đá, lúc quay về nhìn thấy hắn đang giơ dao chặt thịt. Phương nương tử mặc xiêm y vải thô giặt đã bạc màu, đứng cách đó không xa đang bế cô con gái nhỏ, nhìn chồng chằm chằm, ánh mắt dịu dàng hạnh phúc.

Khi ấy nàng mặc áo vải tầm thường mà lúm đồng tiền rực rỡ như hoa.

Hôm đó ta không nhìn thấy con gái lớn nhà họ Phương, nghe nói một ngày trước con bé đã ôm em gái rời khỏi Trường An, chẳng biết là đi đâu.

Hai tháng sau ta gặp lại cô bé giữa phố xá ồn ào.

Cô bé trở thành ăn mày, quần áo tả tơi, mặt mày lấm lem. Rất nhiều người vây quanh chỉ trỏ, cười chê giễu cợt, người qua kẻ lại tấp nập nhưng chẳng có ai dừng chân dù chỉ nửa khắc. Cô bé đứng dưới gió lạnh, ánh mắt sợ sệt nhưng người lại như đao, lưng ưỡn thẳng tắp,

Cô bé muốn bán mình chôn em gái.

Lúc này ta mới biết, hóa ra cô bé tên là Hàn Hoa, Phương Hàn Hoa.

Cái tên rất đẹp, nó làm ta nghĩ đến đóa mai đỏ ngạo nghễ dưới trời tuyết lớn.

Hai tháng trước, lúc Phương nương tử tái giá, những đồng hương này còn bất bình bênh vực chị em nhà họ Phương, đờ đẫn nhìn thẳng khi mẹ chúng đi qua trước mặt. Nay sau một tháng mưa dầm rồi đến một tháng đại hạn, bọn họ ốc còn không mang nổi mình, Phương Hàn Hoa gọi một người phụ nữ từng có quan hệ tốt với họ nhưng bà ấy nhắm mắt làm ngơ, vội vã bước đi.

Múc nước thì nhìn thấy gương mặt chết lặng hờ hững của mình trong chum, trông giống hệt những gương mặt kia như đúc.

Phương Hàn Hoa đứng giữa phố xá sầm uất ròng rã ba ngày trời.

Lúc ta đi qua, trước mặt con bé chẳng có một ai, mọi người đã mất đi hứng thú với con bé từ lâu.

“Nhạn cô nương, xin cô nương nhận ta làm đồ đệ.”

Cô bé quỳ trên đất, ưỡn thẳng lưng.

“Ta không nhận đồ đệ.” Ta nói.

Đôi mắt Phương Hàn Hoa như hồ nước chết, chẳng có chút gợn sóng. Cô bé đứng dậy, không màng phủi bụi trên gối, sống lưng ưỡn thẳng cứng ngắc như cọng rơm cuối thu, chỉ chạm nhẹ đã vỡ tan. Ta nhớ cách đây không lâu con bé hỏi ta cha nó sống hay chết, đôi mắt nai sáng lấp lánh nhìn thẳng vào ta, rồi vào lúc ta trầm mặc, ánh mắt dần dần ảm đạm.

Ta đưa cho con bé tấm ngân phiếu một ngàn lượng, đủ để nó cơm no áo ấm cả đời.

Cô bé không nhận.

Phương Hàn Hoa quỳ gối trên nền tuyết bẩn thỉu, ngẩng đầu nhìn ta bằng đôi mắt đầy tơ máu, trông giống như con thú bị thương gào thét khi bị nhốt, “Cầu xin cô nương dẫn ta đến gặp Tiết Vô Y.”

Đôi mắt của con bé đen láy, sáng tựa ngọc đen.

Ta cũng không biết con bé làm cách nào biết cha nó đã chết, sao lại biết thân phận của cha nó, ta với Tiết Vô Y có quen biết nhau và làm sao biết Tiết Vô Y có thù với Hoài Vô Nhai.

Ta nhìn vào mắt cô bé, “Người giết cha muội là Thạch Thu Phong.”

“Muội biết.” Cô bé nói, “Thạch Thu Phong chỉ giết cha muội, nhưng người hại chết cha muội là tên súc sinh Hoài Vô Nhai kia.”

Ta không biết rốt cuộc đồ tể họ Phương và Hoài Vô Nhai có chuyện cũ gì, có lẽ lại là ân oán tình thù của một đám người khác.

Hoài Vô Nhai lớn lên trong dân gian, không hiểu rõ tình hình của thế gia võ học, điểm xuất phát quá thấp nhưng lại đi lên rất cao. Để bước lên vị trí đứng đầu giang hồ lão có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào, thanh liêm chính trực hay tay nhuộm đỏ máu, kể mười ngày mười đêm cũng không thể kể hết chuyện cũ của những người kết thù với lão.

Phương Hàn Hoa tự tay mai táng em gái. Trùng hợp thay, vị trí chôn cất ở ngoài thành, phía đối diện chính là ngôi mộ vô danh nằm bên bờ Vị Thủy của đồ tể họ Phương.

Cô bé không cho ta khắc bia, nhìn nấm mồ nhỏ vừa đắp lên, nở nụ cười ngây thơ như ngày trước.

“Cứ thế đi về trời, chẳng cần mang theo tên, sạch sẽ.” Cô bé nói.

Ta dẫn cô bé đi mua quần áo nhưng nó chỉ cần một bộ xiêm y màu trắng.

“Không mua đồ màu đỏ sao?” Ta hỏi, ta nhớ trước kia cô bé thường mặc đồ màu son.

Phương Hàn Hoa cười cười, “Màu đỏ quá chói mắt.”

Lúc đi ngang qua cửa hàng son phấn, cô bé dừng lại rất lâu, cuối cùng chọn hộp son màu đỏ rực nhất. Cô bé mở hộp, thoa son trên môi, màu đỏ tươi như máu làm nổi bật sắc mặt tái nhợt, trông giống như đóa mai đỏ từ từ nở rộ trên nền tuyết.

Lúc trước cô bé không dùng son phấn bởi vì Phương nương tử nói với nó rằng, cô gái tốt không dùng son phấn.

Người phụ nữ năm mươi tuổi bán son phấn vẫn trang điểm lòe loẹt như cũ, nhận bạc vụn ta đưa đến, mỉm cười hàn huyên: “Chỗ này đúng là phong thủy tốt, ta đến đây kiếm được bạc gấp mấy lần, chả hiểu sao cửa hàng trước lại không làm ăn nữa, đây đúng là mảnh đất phú quý.”

Phương Hàn Hoa cũng cười: “Chẳng phải do đại nương biết buôn bán sao?”

Nụ cười rực rỡ như hoa.

Ta không dẫn Phương Hàn Hoa đi gặp Tiết Vô Y mà giao con bé cho Thẩm đại phu, ông ấy vừa hay thiếu một đồ đệ.

Phương Hàn Hoa không phản kháng, trầm mặc rời đi.

Ta nhìn con bé đi xa, chẳng hiểu sao lại nhìn không chớp mắt. Ta không biết sau này gặp lại con bé sẽ thành ra thế nào, hoặc có lẽ sẽ chẳng có lần sau.

Lúc xoay người ta mới phát hiện tuyết đã rơi, chỉ trong thoáng chốc, nửa người đã nhiễm hoa sương.

Bắt đầu từ hôm ấy, trời liên tục đổ tuyết lớn trong hơn một tháng.

Phương Nam có vô số người chết đói chết rét, dân chúng chạy nạn tràn vào Trường An, xương người chết cóng rải rác ven đường. Nhà nhà đóng chặt cửa sổ, chút cháo loãng mà nhà giàu sang phát cho dân chạy nạn không đủ để lấp đầy bụng họ, nhưng có còn hơn không. Khắp nơi đều là người người náo loạn xin ăn, nhà quyền quý dứt khoát đóng cửa son, không phát cháo loãng nữa.

Nhất thời chuyện làm ăn ế ẩm.

Rất nhiều người chết nhưng chẳng ai cần bia mộ.

Mỗi ngày trong thành đều có người chết đói chết rét, dân chạy nạn vì gây rối mà bị chém đầu răn chúng, giết gà dọa khỉ. Khe hở giữa nền đá trên pháp trường bị máu lấp đầy, máu còn chưa kịp đông lại đã lại có máu tươi chảy vào. Thi thể đã chặt đầu bị ném ra bãi tha ma, trở thành thức ăn của đám chó hoang. Xác dân chạy nạn chết đói chết rét bị quan binh chôn cất tùy tiện trong một cái hố lớn, chẳng phân rõ ai với ai.

Nhà nhà đóng chặt cửa, dù trong nhà có người qua đời cũng chẳng dám ló mặt ra đường.

Chuyện buôn bán của ta ế ẩm, trái lại Tiết Vô Y loay hoay chân không chạm đất. Những ngày này, kẻ muốn thuê giết người nhiều gấp mười lần, Trường An trong cơn hỗn loạn là lúc dễ dàng giết người trong âm thầm nhất, hay nói cách khác, có người chết lúc này cũng chẳng ai để ý. Sát thủ ở Trường An giết người không xuể, thủ lĩnh sát thủ đếm tiền mỏi tay, ngay cả Tiết Vô Y là sát thủ độc hành mà ngày nào cũng có mối.

Thư sinh viết, loạn thế đến.

Hiệp khách rút đao, giang hồ loạn.

Đại phu thở dài, đúng là nghiệp chướng.

Dân thường khủng hoảng, chẳng có lấy một ngày bình yên.

Lãng khách cười giễu, người đã chết hay đang sống cũng chẳng có gì khác biệt.

Thủ lĩnh sát thủ kiếm được đầy bồn đầy bát thì cười to, loạn thế này đến rất đúng lúc.

Phố hoa trong ngõ vẫn hàng đêm sênh ca, sòng bạc quán trà vẫn tấp nập đông vui, cửa son hậu viện vẫn hồng tụ thêm hương. Vương hầu vọng tộc tránh dân chạy nạn còn không kịp, nhìn thấy họ là cứ như trông thấy đám chuột chạy qua đường, ai nấy đều hô hào đuổi đánh. Cuộc sống chẳng có gì thay đổi ngoài lúc ra ngoài dẫn thêm mấy thị vệ mở đường, thỉnh thoảng đến chùa thắp nén nhang bái Phật, sống đời quyền quý cao sang như cũ.

Từng người dân mặt mày nhợt nhạt trốn sau cửa sổ nhìn trời cày đất xới bên ngoài, nhìn người khác kêu gào sống chết, lặng im không nói.

Đây là loạn thế mà cũng chẳng phải loạn thế.

Cuộc đời vốn là thế.

Tiết Vô Y không có thời gian đến chỗ này của ta uống rượu mơ nữa, chỉ có một hôm ánh hoàng hôn đỏ au như máu, y ghé qua đây một chuyến. Y đến vội vàng chẳng kịp thay bộ quần áo mới, trên người còn dính máu của kẻ khác, mùi máu tươi nồng nặc tỏa khắp phòng.

Tiết Vô Y không uống rượu mơ, mà chỉ hỏi ta một chén trà lạnh.

“Giết quá nhiều người, trong miệng toàn là mùi máu tươi.” Y nói.

Tay cầm đao của y vẫn vững vàng như cũ nhưng chén trà lại có gợn sóng.

Ta nhìn lá trà chìm nổi trong chén sứ trắng, hỏi, “Lúc này đại loạn đã qua, chắc là có không ít sát thủ rời khỏi con đường giết chóc nhỉ?”

Phần lớn người đi con đường giết chóc đều có nỗi khổ riêng, huống hồ quá nửa sát thủ đều sống hôm nay chẳng có ngày mai, giống như phù du. Lần này loạn, dù là sát thủ hạng nhãi nhép cũng kiếm đủ cơm áo gạo tiền cả đời.

“Rời khỏi?” Tiết Vô Y cười mỉa mai, “Nhạn Cửu, đã bước vào con đường giết chóc nghĩa là có đi mà chẳng có về. Trên người sát thủ cõng bao nhiêu mạng người, không có đường này bảo vệ thì tương đương với tự đi tìm chết. Cô nói xem, ai dám đi?”

Ta nhìn thanh đao đặt trên gối y, “Còn ngươi thì sao?”

Ta biết y không sợ những điều này, sát thủ độc hành nhìn thì có vẻ ở trong đường giết chóc nhưng thực tế lại tự do bên ngoài đó, nặng ở một chữ “độc”. Sát thủ độc hành Huyết Đao Tử Tiết Vô Y danh chấn Trường An, có kha khá người giang hồ vừa nghe tiếng Tiết Vô Y đã chuồn ngay, y chưa bao giờ e ngại những thứ này.

Dường như Tiết Vô Y đang ngẩn người, y nghiêng đầu nhìn ánh hoàng hôn đỏ rực như lửa che khuất nửa bầu trời ngoài cửa sổ, một lúc lâu sau y mỉm cười nhạt nhẽo, mang theo chút tự giễu, “Nhạn Cửu, ta chẳng thể rời khỏi những ngày tháng lưỡi đao liếm máu nữa rồi. Nếu ta rời khỏi còn đường này, thì đến bản thân ta cũng không biết mình sẽ biến thành dáng vẻ gì nữa… Cố gắng… trở thành người điên sao?”

Hắn cười khẽ, “Ai biết được.”

“Nhưng mà Nhạn Cửu,” Tiết Vô Y nói, “Ta không thể dừng lại, ta cũng không biết rốt cuộc bây giờ ta giết người vì cái gì, nhưng ta biết chắc chắn mình không thể dừng lại, nếu không ta sẽ xong đời.”

Gợn sóng trong chén trà của y mãi chẳng tan biến.

Sát thủ nhất định phải có trái tim kiên định, tay phải vững thì mới có thể một chiêu lấy mạng người rồi lại lặng im rút lui. Nước trà nổi lên gợn sóng, trái tim Tiết Vô Y đã không còn kiên định, ngày buông tay đã chẳng còn xa, y không thể nào không phát hiện ra chuyện này. Lúc này y phải rời khỏi sát đạo ngay lập tức, bằng không sớm muộn gì y cũng sẽ chết.

Nhưng Tiết Vô Y nói y không thể dừng tay giết người.

Y đang mong được chết.

Hôm đó Tiết Vô Y uống trà suốt nửa canh giờ rồi lại vội vàng rời đi.

Ta ngồi trước cửa sổ rất lâu, nhắm mắt lại, nhớ đến rất nhiều người và gương mặt. Tiết Vô Y thuở thiếu thời tùy ý cười to; gương mặt mãi mãi trầm lặng, mỉm cười dịu dàng của Tô Thu Trì và đôi mắt đen láy trong veo của Thạch Thu Phong; dung nhan rực rỡ của Hoài Ngọc lúc ngẩng đầu nhìn trời; đôi mắt nai lấp lánh của Phương Hàn Hoa; gương mặt chân chất hiền lành của đồ tể họ Phương và lúm đồng tiền vui vẻ hạnh phúc của Phương nương tử.

Còn cả bầu trời hoàng hôn đầy mây ngũ sắc ngày ấy nữa. Cuối cùng Tiết Vô Y cũng lọt vào mắt xanh của một Môn chủ môn phái nhỏ, phấn khích chạy như điên đến cánh đồng bát ngát. Y nằm trên bùn đất, ngửa mặt lên trời giang hai tay hò hét: “Sống thêm năm trăm năm nữa….!”

Trong ngõ vắng chợt có tiếng chó sủa loạn, ta thoáng chốc bừng tỉnh.

Mở mắt ra, bên ngoài tuyết lớn rợp trời.

Hết chương 5.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây