Nhìn thấy bức ảnh, tôi nghĩ thầm: " Ắt là giữa hai người có chuyện gì xảy ra, nhưng không muốn mình biết nên cả hai đều giấu đi. Thôi để từ từ điều tra sau, giờ có hỏi cũng vô ích.". Thấy tôi nhìn chăm chú vào giá sách, con An ngước đầu lên hỏi: - Con chó! Mày săm soi gì phòng tao đấy? Định thó cái gì hả? Tôi giật mình, cười cười đưa tay lên kéo nghịch tai con chó bông, bảo: - Mày có ai tặng thú nhồi bông hình bản thân mà khéo thế, giống ý đúc! Nó xị mặt, lè lưỡi: - Ý mày là tao giống chó chứ gì? Èo, tao đáng yêu hơn nó nhiều, cả nhà ai cũng gọi tao là Kún Con đấy! Tôi dướn người, ngếch chân gẩy phát vào người nó, đùa: - Gọi mẹ là chó cho nhanh, cún với chả kiếc, rách việc.
Nó hét ầm nhà, đứng dậy cầm cái gối lùa tôi, tôi chạy trốn nó quanh phòng, chẳng biết lúc chạy qua cái đệm luống cuống thế nào mà vấp ngã xấp mặt xuống, may mà nệm êm chứ không mình vỡ mũi rồi. Quờ quờ tay đứng dậy, lúc ngối dậy tay tôi túm phải cái gì mềm mềm dưới đống chăn gối lộn xộn. Tò mò moi ra thử xem thế nào, tiện tay ném luôn vào mặt con An. Suýt chút nữa là tôi nổ bay mắt ra ngoài, thứ tôi vừa mò ra là cái qu@n lót của nó. Tôi nóng bừng tai, mặt đỏ tía như gà cắt tiết, chửi: - Tổ sư mày! Con bệnh hoạn. Đồ của mày mày cất kĩ vào chứ, tao trai mày gái, dây thần kình xấu hổ của mày làm sao thế hả? Hay hốc lắm quá nên thức ăn nó chèn đứt rồi? Con An cũng ngượng chẳng kém, hai má đỏ hồng lên, vội vàng mở tủ quẳng cái quần vào, đứng vặn vặn tay cúi gằm mặt không dám nhìn tôi. Bỗng nhiên hức hức hức, rồi u oa oa oa, nó từ từ cúi người xuống, úp mặt vào gối khóc ngon lành. Tôi vội chạy lại, rối rít hỏi: - An ơi sao thế? Tao xin lỗi mà, tao… tao… chưa nhìn thấy cái gì hết mà! Tao xin lỗi. Nó ngẩng mặt lên, thôi khóc nhưng cứ nấc mãi không thôi. Ôi sao tự dưng lại khóc thế này cơ chứ, mọi khi nó rắn rỏi, có khóc bao giờ đâu cơ chứ. Mình đúng là ngu thật, tự dưng lại móc ra ném lung tung, giờ thì xong rồi! Tôi lấy ngón tay, nhẹ vuốt hai bên khóe mắt con An, dỗ dành: - Thôi tao xin lỗi mà! Mày khóc nữa là tao cũng khóc theo đấy. Đi mà An ơi, tao xin lỗi mà! Nó còn hức hức, sụt sịt hồi lâu nữa mới thôi, thấy nó nín khóc tôi vội kiếm cớ chuồn về nhanh. Con An xuống mở cổng cho tôi về, mặt buồn thiu không nói gì. Quả này mình ngu thật rồi. Sáng hôm sau thi với A1, con An bơ tôi liên tục, mấy lần liền tôi giải xong câu Xã hội, ngoái lại nhìn nó thì nó cứ trơ ra như tượng, chỉ đến khi có câu hỏi Sinh, Anh thì nó mới trả lời cứu cánh. Lần này thì con An giận tôi thật rồi! Quay xuống sân trường nhìn về phía lớp Trang, tự dưng tôi liếc thấy có một mảnh giấy được chuyền từ dãy lớp 12 sang, Trang đọc xong thì che miệng cười khúc khích, viết đáp lại ngay lập tức. Ngay giây phút đó, trong lòng tôi đã hơi gợn lên một mối nghi ngờ. Đúng là chó cắn áo rách, hết con An bơ tôi, giờ trong lòng tôi lại bồn chồn nghĩ về mảnh giấy kia, suốt phần thi còn lại tôi cứ phân tâm, mấy lần liền thằng Minh phải giật tay áo thì tôi mới ngớ người ra suy nghĩ câu hỏi. Cuối buổi thi, lớp tôi chiến thắng A1 với khoảng cách sít sao 55-50 nhờ có câu hỏi phụ thuyết mình về một đất nước mình muốn đến du lịch bằng tiếng Anh, con An đạt điểm tối đa câu hỏi đó, cứu thoát lớp một bàn thua trông thấy. Hôm đó, lớp tôi hân hoan trong chiến thắng, về lớp ăn bim bim, bỏng ngô, nổ bóng bay bùm bụp. Xong lúc về, hội bạn còn kéo con An đi để chúc mừng chiến công oanh liệt, cả lũ 6 đứa kéo nhau đi ăn bánh trôi tàu sếp Bằng hói. Kể sơ quá chút về quán: Quán này ở Hà Nội rất nổi tiếng, một là vì danh tiếng của NSƯT Phạm Bằng, hơn nữa người đến đây không chỉ đơn giản là muốn gặp thần tượng mà còn đến để thưởng thức hương vị đặc trưng của bánh vào những ngày đông giá rét. Trong nhóm có tới ba bốn đứa là khách quen của cửa hàng, giờ rủ bọn tôi đi cho biết thế nào là bánh trôi tàu qua bàn tay nghệ sĩ. Vừa vào cửa, cả lũ đã đồng thanh: Chúng em chào sếp ạ! Bác Bằng thấy một lũ học sinh lố nhố khoác cặp đi vào, cười hiền từ chỉ chỗ cho chúng tôi để xe rồi đưa mấy đứa vào. Ở đây không chỉ có bánh trôi tàu mà còn có Lục tàu xá, chí mà phù nữa, toàn món ăn mùa đông, lại hợp với đứa hảo ngọt như con An. Nhưng hôm nay nó cứ là lạ, hết bơ tôi rồi giờ ăn cũng chỉ ăn như chuột, nhấm nhấm từng tý một, gặp bác Bằng mà nó vẫn cứ ủ rũ, cố cười vài cái là cùng. No nê, cã lũ còn định kéo ăn bún bò nữa, con An lại kêu mệt đòi về, lúc đi nó ngồi xe thằng Quý, giờ về ngược đường đành ngồi xe tôi. Ngồi sau xe, nó cứ im im, chẳng nói chẳng rằng, mấy lần tôi cố bắt chuyện mà không được. Con gái giận gì mà cứ ngậm tăm thế này, sầu não quá.
Mấy hôm sau, đến trường tôi mua đồ ăn dụ nó mà không được. Thôi thì mình đành án binh bất động vậy, đợi vài hôm nữa nó nguôi giận đã. Mải lo chuyện con A giận dỗi, tôi lại thêm đau đầu khi nghi ngờ trong lòng mình ngày một lớn. Dạo này Trang vẫn đi chơi với tôi, nhưng hay kiếm cớ này nọ để hẹn khi khác, lúc đi chơi cũng chỉ như gượng ép, cười nói vài câu rồi lại về, khi đi về, tôi bỗng thấy thiếu hẳn đi khi mà Trang không còn ngồi ôm sau lưng, khe khẽ hát nữa, chỉ đơn giản là ngồi chở về như hai người quen biết. Dẫu nhìn thấy ngay trước mắt vậy, cảm thấy vậy, mà sao tôi cứ ngần ngại không chịu nói ra? Lắm lúc tôi tự nhủ hay là mình đa nghi quá rồi, nhưng hiện thực cứ bày ra trước mắt như thế, bảo sao tôi tin cho được! Càng ngày, tôi càng thấy Trang như rời dần khỏi vòng tay tôi, cứ ngày một xa lạ dần. Đêm Noel đi chơi không hề như mong đợi, em chỉ đi cùng tôi như chịu hình, cười nói một cách gò bó, sượng sạo. Tôi thấy, nhưng chẳng nói gì… Quay trở lại chuyện tôi với con An, một hôm giờ sinh hoạt lớp, tôi lén đá vào chân thằng Hoàng, tuồn cho nó mảnh giấy ra chỗ con An, mảnh giấy ghi: " An ơi tao xin lỗi mà. Đừng giận tao nữa, tao không cố ý mà. Con gái giận là mau già đấy. Hết giận tao nhá, An nhá!" Con An đọc xong tờ giấy, hí hoáy viết viết vào xong gấp lại. Tôi ngồi liếc sang mà hồi hộp đến ngẹt thở, chờ mãi tới lúc thằng Hoàng đưa mảnh giấy cho tôi, tôi mới nhẹ nhàng giở ra đọc: " Tao không giận nữa đâu. Nhìn mày cứ cuống cả lên trông ngố quá, nên mấy hôm nay tao cứ giả giận mãi, thế mà có đứa tin là thật." Kèm theo đó là một cái hình con thỏ cầm cái bánh cười ngoác miệng, nét vẽ tròn trĩnh, ngộ ngộ. Tôi thở phào, mỉm cười gấp gọn tờ giấy bỏ vào trong túi áo. Cảm giác thật thoải mái, nhẹ nhõm vô cùng như vừa tìm lại được điều gì quý giá lắm. Trong lòng tôi mấy hôm nay buồn vì tình cảm giữa tôi và Trang, nay được con An hết giận, tôi bỗng thấy ấm lòng lạ thường. Buổi chiều hôm đó, tôi từ chối lời rủ rê CS của hội ăn chơi, đạp xe sang nhà con An. Rủ nó đi chơi phố cũng gian nan thật, gọi mãi nó mới ì ạch xuống, mặc bộ áo khoác panda, đeo găng tay thỏ, tai đeo bông chụp cũng thỏ nốt. Cả người nó kín mít, hở mỗi cái mặt ra. Nó lặc lè leo lên xe, người to mũm mĩm như con gấu bông, vỗ vỗ vào lưng tôi hỏi: - Hôm nay mày tha tao đi đâu đấy? Nói trước là có cái gì nhai tao mới đi nhé! Tôi ngoái ra sau, bẹo má nó, cười: - Con dở hơi! Mặc xong quần áo, leo tót lên xe rồi còn kêu không đi. Làm trò! Thôi ta đã nuôi thì nuôi cho trót, vỗ béo mày xong bán sang Trung Quốc, hết quậy tao. Vừa nói tôi vừa chầm chập nhấn pê đan, từ từ đi rẽ ra Bà Triệu ngồi sau tôi, con An bày đủ trò, hết nghịch mũ áo tôi rồi lại đấm bụp bụp vào lưng, có lúc nó chán chán lại nhéo cái vào sườn. Tôi kêu làng nước, nó cười hi hí, xoa bồm bộp vào chỗ vừa véo, xuýt xoa: - Ôi chó con. Chị xin lỗi, tý nữa về chị đền cho khúc xương nhá!
Tôi đảo mắt nhìn hai bên đường, tìm xem có hàng quán nào để dừng lại, quẳng con này vào, lúc ăn nó hiền hơn, đỡ trêu tôi. Lác cả mắt mới thấy có một quán bánh ngô, khoai chiên, con An còn tia trước cả tôi, nó túm vào mũ, giật loạn lê, chỉ tay: - Hưng ơi! Kìa! Kìa! Bánh khoai! Bánh khoai! Dừng lại nhanh lên, đi quá rồi! Tôi phi xe lên vỉa hè, dựng lại rồi loay hoay mãi mới giúp nó xuống xe được. Tổ sư con háu ăn, mặc cho lắm quần áo vào, chân đã ngắn rồi, ngồi xe ặc lắm áo nên không co chân lại để tụt xuống được, báo hại tôi phải đỡ nó xuống như đỡ bà trẻ. Nhưng vừa chạm chân xuống đất, nó đã áp dụng ngay định luật hàng quà hấp dẫn, lạch bạch chạy đến hàng bánh khoai, kéo ghế ngồi, nhanh nhảu: - Cô ơi cho cháu hai bánh khoai, phần khoai chiên, hai xúc xích rán, hai milo nóng. Nhanh nhanh cô nhớ! Tôi ngồi xuống bên cạnh, thở hồng hộc, than: - Sao nhìn mày thế mà càng ngày càng nặng, mày mới tăng cân đấy hả? Nó bĩu môi, ngúng nguẩy: - Thằng bạn đểu lúc nào cũng nghĩ xấu về tao. Nói ày biết là tháng vừa rồi tao giảm 1kg đấy, siêu chưa? Tôi lầm bầm: - Cái vụ ốm nó giảm được 1 cân thì cái vụ quà nó phải tăng thêm 2-3 cân là ít. Có mà giảm vào mắt, mẹ trẻ nói như thánh.
Không hiểu sao tôi nói chỉ đủ ình nghe thôi mà con An nghe được, nó quay phắt sang, mắt long lên: - Thằng kia, mày vừa nói cái gì? Đã thế tao ăn hết phần mày! Quái thật, con này nó không chỉ tăng động mà còn tai thính bất thường. Mình tai đã thuộc vào hàng thính ít người bằng rồi mà nó còn thính hơn tai mình. Ôi đúng là gặp khắc tinh, từ rày phải tránh thì thầm to nhỏ gần nó mới được. Con An vừa đón lấy cái bánh, đưa sang cho tôi rồi cầm cái còn lại cho lên miệng, cố há miệng thật to, cắn rụm một miếng. Nó cắn kiểu gì mà một miếng nó chỉ bằng nửa miếng cắn của tôi, vậy mà chẳng hiểu sao nó ăn rõ nhanh, thoáng cái đã bốn cái, một tay xiên miếng xúc xích cắt sẵn nhai rau ráu, một tay cầm miếng bánh khoai ăn. Ăn xong, nó xì xụp ngồi uống milo, tôi cũng ngồi uống cùng cho an toàn, chứ không mình còn ngồi ăn tiếp nó thấy lại có hứng ăn, cướp nốt miếng bánh của mình thì khổ. Hai đứa vừa ăn uống, vừa tán chuyện trên trời dưới biển, nào là hôm trước mụ thực tập có gì đâu mà lũ con trai xúm xít lại, rồi tao vừa bị bố mắng vì tội ăn vặt, xong là con chó nhà tao mới ốm, tao chẳng biết làm sao,…. Đang uống, tôi không để ý là trên mép mình có vệt sữa nâu, tự nhiên thấy con An cong ngón tay trỏ lên, đưa vào quyệt ngang mép tôi một cái, lau đi vết sữa, nó búng chóc vào mũi tôi, cười toe: - Ê, mày có ria mép kìa. Sau này để ria con kiến giống Lục Tiểu Phụng ý, nhìn cho nó manly, giờ nhìn mày trông như mấy thằng gian gian, mặt trắng trong game ý. Tôi cười phá lên, vung hai tay lên sát mắt nó, bẹo vào hai bên má, kéo ra, đùa: - Con này láo nhỉ! Dám vuốt râu rồng, đã thế tao xé mặt mày ra. Tao xé này! Hai đứa đùa giỡn, trêu chọc nhau hồn nhiên, cô bán hàng và mấy người ngồi ăn cũng ngoái lại nhìn, ai cũng mỉm cười. Giây phút đó, mọi buồn phiền trong lòng tôi bỗng dưng biến mất, ngồi giữa mùa đồng rét buốt mà tôi lại thấy ấm hết cả người. Chẳng rõ là cái ấm của cốc milo nóng hổi đem lại, hay là cái ấm đến từ nơi khác, một nơi gần gũi thân thương đến lạ kì.