Sau khi bị ra hội đồng kỉ luật, thằng kia lộ ra là nó tên Quân, các thầy cô hỏi nó có xích mích gì với tôi, tại sao không từ từ giải quyết mà lại đánh nhau? Nó im lặng không đáp, hỏi có ai rủ rê, kích động không? Nó cũng im lặng. Không tìm ra bằng cớ nào rõ ràng, thầy Hiệu trưởng thì muốn cho nó ở lại học năm nay cho nốt năm 12 đi, cuối cấp, sắp thi ĐH rồi còn bị đuổi thì hỏng cả cuộc đời. Nhưng một số thầy cô khác thì muốn nó phải bị kỉ luật hạ hạnh kiểm, cuối cùng, thầy Hòa hiệu phó kỉ luật gọi tôi lên, thầy hỏi: - Hưng! Anh này đánh em, các thầy cô không biết có xích mích gì giữa hai đứa, nội quy nhà trường ghi rõ là: Đánh nhau trong trường sẽ chịu hình thức kỉ luật nặn nhất là đuổi học. Nhưng mà đuổi học anh Quân thì uổng phí 12 năm nuôi ăn học của bố mẹ anh này. Giờ em đứng trên thân phận la người bị hại, em có ý kiến gì? Xong thầy đi ra chỗ hàng ghế giáo viên, lúc lướt qua tôi, thầy nói nhỏ mà thật gấp: - Quân nó đi hay ở là nằm ở em. Đừng để người ta chịu oan Tôi đăm chiêu suy nghĩ. Ý thầy muốn tôi bỏ qua để lưu cho Quân một con đường, và thầy cũng biết rõ xích mích giữa tôi và ai đó mà Quân bị lôi vào cuộc, đừng để người ta chịu tội oan. Suy đi tính lại, tôi thấy xét cho cùng thì thằng Quân này cũng là người có nghĩa khí, đuổi học đến nơi mà nó vẫn hiên ngang, nhất quyết không khai thằng Vĩ ra, chỉ tiếc là nó chơi nhầm bạn đểu, bị thằng Vĩ " hẩy chó bụi rậm". Nghĩ đâu vào đây, tôi ngẩng đầu lên, đáp: - Em với anh Quân cũng chẳng có xích mích gì to tát quá. Em tin là hai bọn em có thể tự dàn xếp được ạ! Mong các thầy cô lưu tâm cho kết quả của anh Quân mà suy xét ạ! Nó ngạc nhiên nhìn tôi, tưởng chừng như không còn tin rằng thằng đứng kia lại mở lời xin cho nó. Nhưng đúng ra xin cho nó đâu chỉ bởi tôi thương xót gì nó lắm, tôi đâu tốt đến thế, quan trọng là sẽ dùng nó vào việc sau này. Tôn Tử từng nói: "Các bậc vua sáng tướng tài, sở dĩ dấy binh thắng địch, thành công hơn người, đó là nhờ biêt trước vậy. Biết trước đây, không phải nhờ quỷ thần mách bảo, không phải nhờ so sánh các việc tương tự mà tìm biết được, phải nhờ người mà biết được tình hình của quân địch." Chỉ có điều là với người nghĩa khí như nó, để nó chịu làm sinh gián cho tôi thì thực là khó. Nhưng cái khó ló cái khôn, sao rồi tôi cũng có cách để Quan Vũ theo Tào. Ra khỏi cửa phòng kỉ luật, tôi đi về lớp trước, bất chợt thằng Quân gọi giật tôi lại: Hưng! Tôi đứng lại, nó tiến lại gần, ấp úng:
- Cảm…cảm ơn mày…! Không có mày chắc tao chết mất! Tôi xua tay, đáp : - Không có gì cả. Tôi không muốn ai nợ mình ân nghĩa, cứ coi như lần này tôi làm vì bất đắc dĩ. -…… - À mà anh nên chọn bạn mà chơi! Xong tôi đi thẳng lên lớp, mặc kệ thằng Quân đang đứng tần ngần giữa sân. Xem như bước đầu đã tạm đặt, phải gieo vào lòng nó suy nghĩ ngờ vực về thằng Vĩ, phải khiến nó dần dần coi thằng Vĩ như kẻ thù lợi dụng nó. Với loại người thế này, tốt nhân không được gấp gáp, phải từ từ dùng lí, dùng hiện thực để chứng mình cho nó thấy cái được mất giữa việc theo thằng Vĩ và theo tôi. Dẫu biết việc này là khó, nhưng nếu có được con cờ này, ván cờ giữa tôi và thằng Vĩ sẽ thay đổi cục diện hoàn toàn, kẻ thắng sẽ là tôi, mọi mối lo sẽ bị triệt tiêu đến tận gốc. Nhưng lúc này, cần thiết nhất là kế hoạch cho buổi dạ hội, buổi dạ hội này là cơ hội để tôi ghi điểm trong mắt thầy cô, cắm cái rễ vững chắc đầu tiên, dù có gió quật thế nào cũng khó mà đổ cây này. Còn chuyện tạo mối bất hòa giữa Quân và Việt… hãy để cho thời gian làm công việc của nó, càng lâu, mối nghi ngờ sẽ càng khoét sâu. Lên lớp, thấy tôi tơi tả đi vào, bọn cùng lớp túa ra, xúm lại hỏi han: - Làm sao không? - Thấy cô Hóa bảo mày bị thằng Quân bên 12A4 đánh. Đúng thế à?
- Rách cả mồm kìa! Tôi cười méo xệch, đáp không sao rồi mà chúng nó quan tâm, hỏi đi hỏi lại mãi. Tan học, lúc ra nhà để xe, bọn thằng Hoàng con tranh nhau đòi đèo tôi về. Tôi xua tay, cười: - Chúng mày định trù ẻo cho tao chết sớm hả? Xây xát có tý chứ có phải gãy tay gãy chân gì mà! Thằng Minh càu nhàu: - Mẹ thằng Quân, rồi sao nào cũng có ngày tao cho nó vừa bó vừa nhặt răng. Tưởng 12 là to lắm à mà bắt nạt lớp 10? Tôi vội can: - Thôi, thôi, thôi! Mày định cấu đít nó đến rơi răng à? Phải tội chết! Nó trố mắt, dứ dứ tay định vả, kêu: - Ơ hay thằng bệnh! Tao lại vả cho rơi kính giờ! Hai thằng cười đùa, đùn đẩy nhau mãi, đột nhiên con An chạy ra, dằng thằng Minh lại, quát:
- Mày không thấy nó rách như xơ mướp rồi mà còn đùa! Bọn con trai chúng mày đùa gì mà như đánh nhau ý! Nhỡ nó làm sao thì mày tính sao? Thằng Minh rụt lại, chạy tót đi, lẩm bẩm: - Ôi chị hấu vĩ đại! Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Xong nó phóng vù xe qua, ngoái cổ lại chửi: - Thằng Hưng nhớ! Mấy hôm nữa mày khỏi, tao đánh cho không kịp lên da non! - Gì cơ? Bố thách! Tôi dắt xe ra, chầm chậm đạp về, con An hôm nay có bố nó đón nên không đi về cùng tôi được, thiếu đứa ngồi léo nhéo sau lưng, kể cũng tẻ nhạt thật. Bỗng tôi nghĩ đến cái cảnh về nhà, bố mẹ nhìn thấy cái mép rớm máu, kiểu gì cũng hỏi, rồi xót con, rồi sau đó là một bài thuyết giảng về tầm quan trọng của tính khiêm nhường và tránh xích mích nơi trường học,….. Y rằng nghĩ sao thì hao làm vậy, ăn cơm xong là gần 1 tiếng nghe bố mẹ tôi nói đi nói lại, chỉ vì một vết rách bé tí mà bố mẹ lo cho tôi quá. Lên phòng nằm vật ra ngủ sau khi tụng vào đầu cả bài thuyết giảng dài dằng dặc. Đến tầm 3h chiều tôi mới dậy, ngồi vào bàn học sơ qua tác giả tác phẩm bài Chinh phụ ngâm, mai kiểu gì thầy Văn cũng kiểm tra 15. Học nháo nhào tý đã xong, tôi ngồi giở giấy ra vẽ. Cố nặn óc suy nghĩ để làm cái phông nền vừa ý nghĩa mà thật hoành tráng. Nhưng hình như tính sáng tạo nó không đến vào những lúc mình cần thì phải, hết vẽ lại xóa, vò nát một đống giấy mà vẫn chưa đâu vào đâu. Tính tôi thì cái gì suy nghĩ bực mình là bỏ luôn, không làm, cứ chơi chơi thì tự nhiên ý tưởng nó lại tự nhiên đến. Vác xe đi ra trường, tôi đứng ngắm nghía chỗ sân khấu mãi, chạy vòng quanh xem địa hình, vật cả, trèo cả lên tầng để nhìn xuống. Nhưng mà ở trên tầng nhìn bị khuất nên khó quá, cứ nhoài nhoài người ra lan can thế này không khéo lại lộn cổ xuống. Sợ chết, tôi đành xuống phòng Thư viện. Khẽ đẩy cánh cửa qua, tôi ló đầu vào trong, cô thủ thư già, đang ngồi đọc quyển Chiến tranh và Hòa bình dày cộp. Tôi rụt rè hỏi: - Em chào cô ạ! Cô thủ thư kéo kính lên, ngước nhìn tôi, cười: - Cậu Hưng! Hôm nay lại đến định khuân quyển nào về đây? Chả là tôi có tính ham đọc sách, ham đến mê muội. Nên thư viện trường đối với tôi là cái chĩnh gạo khổng lồ, cứ mỗi tuần tôi lại xuống tha lôi về một, hai quyển, thỉnh thoảng ở lại giúp cô thủ thư đóng nhãn, bọc bìa, kẹp gáy sách hoặc photo một tệp tài liệu nào mà giấy đã cũ nên cần sao mới lại. Nên cô thủ thư quý tôi lắm, hôm nay thấy mình đến, chắc cô đoán thằng này cũng định quơ nốt cả thư viện đây mà. Tôi cười cầu tài, đáp:
- Dạ! Quyển "Không gia đình" em vẫn đang đọc nên không đến để mượn sách ạ. Em muốn mượn bản đồ trường mình ạ! Cô đẩy lại kính, cười: - Lại định dùng để đặt ánh sáng cho dạ hội phải không? Thôi! Để tôi photo cho cậu một bản, không đem bản chính về, cậu hứng chí vẽ cả vào thì chết tôi. Tôi gãi đầu cười, nói: - Vâng ạ! Thế bản đồ để ở ô nào hả cô? Cô thủ thư chỉ tay: - Giá T, khu Bản đồ, hàng thứ 4 từ dưới lên, ô thứ 7 từ trái sang. Bản đồ có ống đựng màu lam, quai đeo màu tím than. Theo chỉ dẫn của cô, tôi tìm ngay ra bản đồ của trường, lại còn có cả ảnh chụp từ trên không nữa. Photo thêm mỗi cái 1 bản nữa, tôi cuộn tròn hai tấm lại rồi c ắm vào ba lô, trước khi đi còn ngoái lại chào, cảm ơn cô thủ thư. Về đến nhà, tôi trải rộng cả tấm bản đồ khổ A0 ra, trải bức ảnh chụp trên cao bên cạnh. Bản đồ làm trước ảnh nên không có mấy hạng mục mới, còn ảnh thì mới chụp hai năm nên còn chính xác nhiều. Tay cầm bút, thước đo đạc tỉ lệ, khoanh tròn những ô là gốc cây, ghế đá. Lần này, để tích kiệm mà hiệu quả, buổi đêm thì nên dùng loại đèn màu vàng, vừa sáng lại vừa đỡ gây chói lóa cho bọn biểu diễn trên sân khấu, thợ ảnh vào trường cũng dễ tác nghiệp. Lên mạng tìm hiểu đủ loại đèn, giá cho thuê, công suất, vùng chiếu sáng,… tính ra dùng loại đèn kiểu 300W chắc là đủ, lấy bản đồ ra tô tô vẽ vẽ, tính góc chiếu sáng, căn sao cho dàn đèn đỡ chiếm diện tích. Chỉ cần khoảng 4-6 cái thôi là trường sáng như ban ngày rồi. Nhưng về đèn thì mình mù tịt loại nào tốt loại nào không, thôi đành để thầy phụ trách lo việc chọn loại đèn vậy, cứ đưa bảng giá và công suất, màu sắc ra, hợp loại nào thì thầy chọn. Giờ lo đến việc trang trí cổng vào. Cái này thì đơn giản hơn, đêm dạ hội nên dùng đèn có khung giả cổ kiểu đèn dầu Hoa Kì là là tuyệt nhất, treo dọc lối đi vào từ cổng, còn các cây sẽ chăng đèn quả nhót có bọc ngoài bằng hình ngọn lửa hoặc cắt giấy hình chiến sĩ, bà mẹ,…Còn trang phục của học sinh gác cổng sẽ là áo trấn thủ, mũ cối, đeo AK, mặt tô nhem nhuốc cho dáng khói đạn. Nhưng giờ, vấn đề nan giải là tôi sợ cái cổ và cái hiện đại của trang phục gác với trang phục khách và trang phục học sinh, nhỡ nhìn nó nhố nhăng, kệch cỡm khi đi cạnh nhau thì hỏng bét. Cuối cùng phải đổi lại là mặc ple gác cổng, đeo kính đen nhìn cho ngầu. Còn vào trường, chúng mày muốn thoát y hay mặc đồ ngủ tao cũng mặc, đó là chuyện của thằng lo an ninh. Coi như hòm hòm, tôi yên chí rời khỏi bàn, nhìn ra ngoài trời thì thấy đã muộn, sắc trời đỏ ối đầy ma quái, ảm đạm. Bóng cây xà cừ đầu ngõ in nổi như than đen trên nền trời đỏ rực màu máu. Nhìn trời này chắc sắp có bão hoặc mấy bữa nữa có thay đổi thời tiết đột ngột. Tối nay mưa to đấy, không biết con ngẫn kia nó có nhớ để mà kéo quần áo vào không nữa! Áo mình nó vẫn cầm, mai mà cứ áo dài nữa thì chẳng biết đưa gì cho nó khoác đây? Buổi tối, ăn cơm xong, tôi đạp xe lòng vòng đi chơi cho đỡ buồn chân. Gió thổi hiu hiu mát, mang theo mùi hơi nước báo hiệu cơn mưa. Trên không, tiếng sấm ì ục như nồi cơm sôi chực bung cả vung, bầu không khí mát mẻ mà sao như bị đè nặng. Liệu do trời nặng hay lòng tôi nặng nhỉ? Đang thong dong, đột nhiên tôi nhận ra vài người. Trong đám đông, thằng Vĩ và Trang đang nắm tay nhau cười vui vẻ, Trang tung tăng chạy ngắm nghía hết thứ này đến thứ khác, rồi quay sang vòi tên Vĩ mua cho bằng được một chiếc bờm tai thỏ. Tôi thẫn thờ đến nghẹt thở, đứng đó nhìn hai người kia lướt qua, còn không để ý tôi vẫn còn tồn tại. Hít một hơi dài, tôi lẳng lặng đạp xe tiếp, trơ mắt ngắm phố phường, lúc này, lòng tôi chợt trống rỗng đến lạ thường. Không đau đớn, không xót xa, nuối tiếc. Phải chăng là bởi trái tôi đã có điều gì khác chiếm chỗ rồi, nên không còn chỗ cho đau khổ xen vào nữa? Nhưng điều đó là gì? Sao tôi thấy thật gần gũi, thân quen mà lại không thể giải thích nỗi cảm giác đó đến từ điều gì?