Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

38: Chương 38


trước sau


Ngẫm nghĩ mãi, thấy có trò biến bông hồng từ ngọn lửa là hay nhất, lại dễ làm nữa, mình biến tấu đi chút là ngon ngay. Làm chỉ cần một bông hoa giả, chọc xuyên qua thanh sắt mảnh, đầu thanh thì bọc bông tẩm cồn, đốt cho cháy phừng phừng lên rồi bất ngờ tuốt bông hoa lên giập tắt lửa, thế là có hoa rồi. Nhưng mà nhìn thanh sắt trơ trụi thì chán thật, nghĩ vậy nên tôi tỉ mẩn làm một thanh sắt có đính lá giấy, cuộn búp lại, dính hờ quanh thân, khi bông hoa lướt qua là lá sẽ tự xòe ra nhìn như hoa thật. Cảm thấy thế là tạm ổn, tôi yên chí đi ngủ, lấy sức ngày mai trả đũa.
Cái thời học sinh cũng ngộ thật, chuyện cỏn con cũng có thể khiến mình suy tính, đau đầu tìm cách đối phó, quyền lực vớ vẩn, bó gọn trong cái trường phổ thông cũng khiến mình khao khát giành lấy. Để làm cái gì cơ chứ? Khi mà bây giờ ngẫm lại mới thấy nuối tiếc vì hồi đó đã chạy theo bao thứ viển vông, vô ích, vô tâm bỏ qua những người thực sự yêu thương mình, những điều tưởng chừng nhỏ bé mà ý nghĩa xiết bao! Nhưng nuối tiếc chỉ là nuối tiếc, chẳng ai quay ngược thời gian được, đành để nó chìm sâu vào dĩ vãng, làm một kỷ niệm thầm kín tận sâu thẳm trong tim.
-----------------------
Sáng hôm sau, tôi đến trường trong trạng thái khí thế nhất, sẵn sàng đánh đòn phản kích lại thằng Long, phải cho nó biết ở cái lớp này, trường này, không phải chân ướt chân ráo đến mà đã dám át cả vía Thổ địa. Vào tiết Văn, quả đúng như tôi dự đoán, thằng này dốt đặc những môn Xã hội. Đầu tiên, Nguyễn Du là cháu Nguyễn Trãi, sau đó thì ngậm hột thị khi trả bài Địa, phát biểu ngay câu Đại Tây Dương nằm tiếp giáp với Châu Á. Thế này chẳng cần tôi làm gì, nó đã tự dìm nó rồi. Học hành thế mà cũng đòi leo với con An, đã thế tao ày chìm thì chìm hẳn luôn. Những nghĩ lại, giờ mình gây hấn với nó, đến những tiết Tự nhiên, nó tha hồ hành mình lên bờ xuống ruộng, tốt nhất là im lặng, xem nó có làm gì vượt quá giới hạn không rồi tính sau.
Chuyện thù oán cá nhân, tôi thực không muốn dây dưa chút nào, bỏ qua được thì bỏ qua, chứ hôm nay tao đấm mày, mai mày đạp tao, không biết đời học sinh ngắn ngủi có vui vẻ được bao lâu mà chỉ lo đề phòng nhau cũng đủ nản rồi. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, bọn thằng Vĩ rỗi hơi cứ thích xía mũi vào cuộc sống của tôi, sắp thi ĐH đến nơi rồi mà nó vẫn còn thời gian để bày trò. Đáng lẽ, tôi có thể bỏ qua tất cả, xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng rồi một ngày, tôi nghe trộm được thằng Quân nói chuyện với một lão 12 khác trong nhà Thể chất. Thằng Quân vừa đi, vừa hỏi:
- Thế thằng Vĩ nó tính gì?
- Nói chung là không để thằng oắt kia nó lộng hành mãi được. Vì nó mà Vĩ mất cơ hội đi học, mà mất cái đó thì trường nó định thi vào sẽ càng khó, mày cứ thử chạy không có bàn đạp đi.
Nghe đến đây, tôi bắt đầu thấy hối hận. Chi bằng cứ nhắm mắt làm ngơ, bị lợi dụng thì mặc kệ bọn nó, trả thù cũng có đem lại gì đâu. Nhưng tôi lại mù quáng, đạp đổ luôn cơ hội của thằng Vĩ, nên giờ nó mới thù tôi đến vậy. Đáng lẽ mình khôn ngoan hơn, đừng hành động theo cảm tính thì có phải mình vẫn cứ vô tư, sáng đi học, chiều đi chơi, thỉnh thoảng đi cùng con An dạo phố. Biết đâu đấy, tôi và An…
Mạch suy nghĩ của tôi bỗng đứt quãng vì giọng nói ồ ồ của thằng lạ mặt kia:
- Nhưng thằng Vĩ tính hết cả rồi, thằng nhãi kia có vẻ rất quan tâm đến con bé hay đi cùng nó, nếu gây hại cho con bé đó thì kiểu gì nó chẳng điên lên, rồi làm bừa, mà mày hỏi nhiều làm gì?
- Làm thế không quang minh chính đại cho lắm!

- Thôi ông câm mẹ mồm đi, đúng là loại ngu si tứ chi phát triển! Thắng là được rồi. Mà tao thấy con bé đó cũng xinh xắn, đáng yêu đấy chứ! Có khi, mình tán đổ nó nhỉ?
Máu trong người tôi sôi lên, chỉ muốn lao ra cho thằng kia một trận thừa sống thiếu chết. Bọn nó lại dám động đến cả con An nữa. Dẫu biết rằng con An không hề đơn giản, trêu vào nó được là cả một vấn đề, nhưng mà tôi vẫn lo lắm, lúc nào trong mắt tôi, nó cũng là con nhóc mè nheo, mít ướt, là đứa trẻ con bé bỏng.
Bất kẻ lũ thằng Vĩ có bày sẵn cạm bẫy gì, tôi vẫn sẽ đứng ra che chở cho con An, nhất quyết không cho chúng nó làm hại gì tới Búp Bông.
Một lúc sau thấy im ắng, tôi lẳng lặng lách người qua khe cửa, ngó trước ngó sau rồi vọt về, hôm nay mải ở lại nghe hai thằng ất ơ kia nói chuyện mà muộn cả giờ về, kiểu gì cũng lại ăn sạc cho xem. Lúc về nhà, ăn cơm xong là tôi tót luôn lên phòng, mượn cớ ngủ để chiều đến trường chuẩn bị cho dạ hội, thế là thoát khỏi bị tụng cho vài bài giáo huấn.
Chiều đến trường, các lớp ca chiều còn đang học, ở dưới sân, bọn tôi đã chăng dây điện, căng phông nền, hò dô kéo loa, đặt đèn chiếu, xếp bàn ghế giám khảo,… Mệt bở hơi tai, làm đến gần 6h chiều mới xong, chỉ còn chờ cắm điện, lên đèn là ổn. Chạy vào can-tin mua túi khăn ướt, tôi kiếm một phòng trống trên tầng 4 để lau người, thay đồ. Hôm nay phải mang ple đến thay, sợ mặc sẵn ở nhà lúc khuân vác lại làm bẩn. Lúc giở túi ra, tôi mới tá hỏa vì mình mang nhầm bộ ple đen kịt thay vì bộ màu trắng, thôi kệ, cứ mặc vào, nhìn cũng oách phết đấy chứ nhỉ. Nhưng đến khâu thắt carvat thì tôi không biết thắt kiểu gì, chạy đi nhờ mấy thằng khác cũng mặc ple thì chúng nó cũng chịu, toàn thắt sẵn ở nhà rồi đến đây mới lồng vào cổ lại, thế là tôi đành cất vào trong balo, để trên phòng, nhìn mình ple chỉn chu mà lại không có carvat, trông lếch thếch không tả nổi. Tôi chạy dáo dác tìm xung kích, cho chục đứa ra đứng gác cổng, ngó lại phần trang trí với ánh sáng của mình, cắm điện chạy thử thì lung linh chẳng kém gì Sao Mai điểm hẹn, vậy là nhiệm vụ hoàn thành, giờ kiếm cái gì bỏ bụng đã.
Cả buổi chiều hò hét, dô ta khuân bàn ghế, chạy xồng xộc quanh trường, giờ người tôi mệt nhoài, đói mờ cả mắt, vào can-tin mua liền 3 cái bánh bao, ăn hùng hục như chết đói năm 45. Đang lấy giấy ăn lau miệng thì sau vai tôi có đứa nào chọc chọc vào, rồi đột ngột có tiếng hét bên tai:
- Ú òa! Ăn mảnh nhé, không rủ tao à?
Tôi giật thót, quay ra sau. Tôi đứng nhìn trân trân, ngẩn người lúc lâu. Sau lưng tôi là con An, nhưng hôm nay khác hẳn mọi ngày, hôm nay nó để tóc xõa, kẹp một chiếc kẹp tóc hồng ở mái, xúng xính trong bộ váy công trắng tinh khôi, thắt ngang eo một chiếc nơ đen tuyền, đi giày búp bê. Nhìn nó thanh thoát, trong sáng như một bông hoa nhài trắng muốt. Bất chợt, nó cười toe, gõ gõ vào trán tôi:
- Thằng kia! Làm gì mà nhìn tao ghê thế?
Tôi giật mình tỉnh lại, cười:
- Uầy! Đến từ bao giờ thế?
- Bố tao đưa tao đến. Này nhìn có đẹp không!

Nói rồi nó xoay vòng trước mặt tôi, khoe bộ đồ dạ hội. Tôi bật cười, gật gù:
- Cũng thấy đẹp đẹp! Xoay nữa xem nào!
Nó lại xoay tròn, hỏi:
- Đẹp chưa? Như công chúa nhé!
Tôi lại tấm tắc:
- Đẹp! Đẹp! Xoay thêm tý nữa, tao vẫn chưa cảm nhận hết!
Con An xoay nữa, ngô nghê hỏi:
- Hưng ơi! Xem xong chưa, chóng mặt quá!
- Chưa chưa! Xoay tiếp! Xoay tiếp!
Rồi tôi ôm bụng cười rũ rượi, con An không thèm xoay nữa, giận dỗi:
- Chóng hết cả mặt! Mày lừa tao, xỏ lá, ba que!
Rồi nó lảo đảo, lảo đảo ôm đầu đi ra ngoài, nhìn lúc lắc nghiêng ngang nghiêng dọc như con lật đật. Vừa đi vừa kêu:

- Con lợn Hưng! Bày trò mưu hại tao, rồi mày sẽ bị quả báo cho xem! Aaaaaaaa!
Tôi vội đuổi theo nó, đi sát đằng sau, sợ lảo đảo lại ngã oạch cái thì xong. Con An cố đi nhanh, tôi theo ngay sau, nó quay lại nhìn hậm hực, tôi lại cười hì hì. Rồi nó đi vòng vòng quanh gốc cây, tôi vẫn bám ngay sau, đi vòng mãi nó lại chóng mặt trước cả tôi, thế là lại ôm đầu kêu. Mãi không cắt đuôi được tôi, nó dậm chân, thét lên:
- Hưnggggggg! Sao suốt ngày mày trêu tao thế hả?
- Thì làm sao nào?
Nó giận dỗi bỏ đi, tôi vội nhoài ra túm lấy cổ tay nó kéo lại, đúng là tay con gái có khác, mềm và mát rượi, chỉ muốn nắm mãi thôi. Con An bị kéo ngược lại, ngơ ngác:
- Ơ ơ hay…ngã giờ!
Tôi giữ lấy vai nó, xoay lại đối diện với tôi, mỉm cười:
- Búp Bông! Cho mày xem cái này hay lắm!
Rồi tôi rút ra trong ngực áo cái que đạo cụ chuẩn bị từ trước, châm lửa vào cho cháy bùng lên, con An chăm chú nhìn, bất ngờ tôi phẩy tay một cái, một bông hồng hiện ra từ ngọn lửa. Con An nhảy cẫng lên, vỗ tay liên tục, thích thú reo:
- Hay thế! Mày làm kiểu gì đấy? Sao lại có hoa, lúc nãy rõ ràng châm lửa đốt rồi cơ mà?
Tôi mỉm cười bí mật:
- Suỵt! Bí mật nhà nghề, lưu hành nội bộ! Lộ ra là mất linh đấy!
Nó gật đầu lia lịa, cầm bông hoa lên ngắm nghía, tranh thủ lúc đó, tôi vòng tay ra sau lưng, rút bông hồng thật giấu trong tay áo ra, tặng cho nó. Con An đưa lên mũi ngửi, hít hà, cười long lanh:
- Lại có hoa nữa à! Mày cất đâu thế?

Tôi nghếch mắt nhìn, ra ý nhắc lại. Nó hiểu ý, mỉm cười, gật đầu xong đưa tay lên miệng ra dấu. Thế là lại hết dỗi, kể cũng hay thật đấy chứ.
Hai đứa đi dạo quanh sân trường, nhìn mọi người túm năm tụm ba xem biểu diễn, mua đồ ăn đêm,… Tôi với nó mỗi đứa một xiên chả, đi vòng vòng ngắm nghía mọi người, ăn xong, con An lấy khăn giấy trong túi xách ra lau miệng, lại tiện tay lấy lau cho tôi luôn nữa, mấy người đứng quanh nhìn tình cảm quá, bấm nhau cười khúc khích. Nhìn hai bọn tôi thế này, chẳng ai bảo là…bạn cả!
Bất chợt, con An hỏi tôi:
- Hưng ơi! Mày không đeo carvat à?
Tôi ngượng nghịu gãi đầu, đáp:
- Tại…tại tao không biết thắt carvat thế nào, nên vẫn để trong cặp!
Nó hỏi:
- Thế đâu rồi?
Tôi dẫn nó lên tầng, lấy carvat ra. Con An cầm lấy cái carvat, ngắm nghía mãi, rồi nó bảo :
- Ngẩng đầu lên nào! Đứng im nhé!
Tôi răm rắp làm theo. Còn nó thì thắt carvat cho tôi, nghiêng nghiêng đầu, cẩn thận thắt sao cho thật nghiêm chỉnh, cân đối. Lúc nó cúi đầu nhìn sát vào vì tối quá, mùi hương trên tóc phả lên mũi tôi, thật dịu nhẹ, xao xuyến. Bất giác, tôi lại có cảm giác thật êm đềm, ấm áp làm sao. Chỉ ước gì thời gian ngưng đọng lại mãi mãi!
Xuống dưới sân, DJ đang chỉnh nhạc lại thành dịu nhẹ, mọi người lần lượt tìm cặp khiêu vũ với nhau. Tôi chẳng biết khiêu vũ nên hai đứa ngồi im lặng trên ghế đá, xem họ nhảy. Tôi nhủ thầm: "Nhất định năm sau phải học khiêu vũ mới được. Năm sau mà có dạ hội, nhất định mình sẽ…!" Nghĩ đến đó, tôi chợt im bặt, không dám nghĩ tiếp nữa. Nhìn sang con An, nó vẫn đang hồn nhiên tròn xoe mắt nhìn mọi người, hai chân đá vào nhau nghịch ngợm. Tôi tự hỏi: " Liệu là gì đây? Mập mờ không rõ ràng? Có còn vẻ hồn nhiên trong sáng kia nếu hai đứa vượt quá ranh giới không?". Bên cạnh tôi, nó vẫn thích thú mân mê bông hồng tôi tặng, chẳng hay nó có biết rằng tôi đang nghĩ gì không?




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây