Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

21: Chiếc hộp Pandora


trước sau

Tôi chẳng còn tâm trạng ngắm hoa, ủ rũ quay về Từ Ninh cung, Huyền Diệp ù ù cạc cạc theo sau tôi.

Đến Từ Ninh cung, chiếu theo lệ thường mà trong phòng chỉ còn mỗi bọn tôi.

Huyền Diệp hỏi: “Tỷ sao vậy?” (Sau nhiều lần tranh cãi, cả hai bỏ cả kính ngữ.)

Tôi rầu rĩ trườn dài lên bàn, nghĩ mãi không thông: “Biểu cảm hung hãn hơn tẹo thì đấy rõ ràng là gương mặt của ta, môi chu thêm một tẹo thì y hệt miệng của ta rồi.”

Huyền Diệp đứng cạnh chen vào: “Tỷ trông giống như thế?”

Tôi đảo mắt sang nhìn cậu ta: “Giống thế thì sao? Tốt xấu gì vẫn là thanh niên, ít ra cũng đẹp hơn mỹ nhân già òm.”

Huyền Diệp chìm trong đăm chiêu, còn tôi vẫn tiếp tục trút giận: “Chẳng công bằng chút nào, cái xác ấy rõ ràng là được chuẩn bị riêng cho ta cơ mà, tại sao ta lại không thể xuyên vào đấy?”

Huyền Diệp đứng cạnh thì thào: “Đúng vậy, sao không xuyên vào đấy nhỉ?”

Tôi thấy cậu ta còn rầu rĩ hơn cả mình thì đạp một phát, “Ê, ta mới là người trong cuộc, cậu ở ngoài biết gì mà than ngắn thở dài chứ?”(1)

(1): nguyên văn: Ta mới là người ăn phải củ cải mặn, cậu chê nhạt chê đậm cái gì?

Huyền Diệp không đáp, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, sau đó bỏ đi.

Chả hiểu ra làm sao!



Ở thời hiện đại, công việc của tôi bỗng dưng khởi sắc ngoài dự đoán.

Trong một lần tình cờ, tôi và chồng đến nhà một người bạn chơi, anh chàng ấy là một người thích sưu tầm đồ cổ, hôm ấy anh ta lấy một quyển sổ ra khoe với chúng tôi, bảo rằng đó là bản do chính tay Khang Hy chấp bút. Tôi lật xem, đấy là quyển sổ chúc thọ năm mươi chín tuổi của Hiếu Trang, cũng vào lần đầu tiên tôi xuyên không.

Người xưa thường bảo “làm chín không làm mười”(2), buổi lễ ấy được tổ chức rất linh đình, tôi vẫn nhớ mãi. Sau này có lần chơi mạt chược, tôi lấy quyển sổ này kê chân bàn, Huyền Diệp có vẻ hơi bị sốc.

(2): số chín (九) đồng âm với lâu dài (久), và người ta thường cho rằng 10 là số tròn, là vẹn toàn, là đỉnh điểm, sẽ dễ bị tổn hao, thế nên thường người ta chỉ tổ chức lễ thọ năm 59, 69, 79 tuổi, v.v… cho người già thôi.

Nét chữ được bắt chước rất giống, nội dung cũng không thay đổi gì nhiều, có điều thiếu mất dấu chân bàn, tôi khăng khăng đấy là đồ giả, bấy giờ anh bạn kia mới thay đổi sắc mặt, có vẻ không vui. Chồng biết những gì tôi đã trải qua, thế là nghiêng về phe tôi. Kết quả là chúng tôi cụt hứng ra về.

Tôi và chồng thở dài, người có tâm lại bị nhầm là lòng lang dạ sói. Vài ngày sau, anh bạn kia bất thình lình khiêm cung nhận lỗi, bảo rằng mình đã nhờ chuyên gia giám định mới biết đấy đúng là đồ giả, đoạn đưa tôi đến gặp vị chuyên gia kia.

Sau đó, họ phát hiện ra rằng tôi rất nhạy với văn kiện thời Khang Hy, phương diện khác thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi lại tinh thông chữ Mãn và chữ Mông, là nguồn lực to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu sử nhà Thanh. Thế là, tôi trở thành một nhân viên thuộc phòng nghiên cứu khoa học Thanh sử.

Sở trường của tôi là phân biệt bút tích thật của Khang Hy, bí quyết là sau lần xuyên không nọ, tôi tặng Huyền Diệp một chiếc nhẫn bằng ngọc xanh, bề mặt khắc nổi vài nốt tròn nhỏ theo quy luật, tôi yêu cầu cậu mỗi lần viết xong một thứ gì đó thì phải bôi mực đặc biệt lên, rồi đóng dấu ở bất kỳ chỗ nào. Chẳng biết đây có phải là con dấu chống hàng giả đầu tiên hay không? Những thứ cậu ta viết trước đó cũng đã được tôi lần lượt đóng dấu bổ sung. Mỗi lần, tôi chỉ cần tìm dấu hiệu nọ là đã có thể phân biệt thật giả.

Về phần dấu hiệu đó ra làm sao ấy hử? Đây là bí mật nghề nghiệp, tôi sẽ không tiết lộ.

Sau này, tôi cũng tặng tiểu Tứ một cái nhẫn cùng loại, tiếc rằng nó không quý tôi như Huyền Diệp, nên không làm theo. Vì vậy, mảng công việc của tôi chỉ hạn chế ở thời Khang Hy.



Một ngày nọ, tôi và Thường Ninh quây lại tán gẫu, kể đến đoạn buồn cười, cả hai bò lăn ra rũ rượi.

Bấy giờ, Huyền Diệp đi vào, vừa thấy bộ dạng này của bọn tôi đã nghiêm mặt: “Còn ra thể thống gì?”

Bọn tôi chả rõ đầu cua tai nheo, có làm cái quái gì đâu? Chẳng nhẽ là do tôi nhoài lên người Thường Ninh à? Tôi vẫn luôn như thế, từ lúc nó còn nhỏ cho đến giờ mà?

Bên này Huyền Diệp bắt đầu đùng đùng giận dữ quở trách Thường Ninh, bảo nó chẳng nên công cán gì, chỉ chơi bời lêu lổng, vân vân. Tôi đứng cạnh đấy, định nói đỡ vài câu cho Thường Ninh thì ánh mắt hung ác của Huyền Diệp lia đến, tôi lại hèn nhát lùi về.

Khinh bỉ bản thân mình quá đi, tuy tôi quen thói càn rỡ, nhưng nếu Huyền Diệp thực sự ra oai, cảm giác sợ hãi ăn sâu bén rễ trước đây sẽ lại nhảy ra. Cái chính là bây giờ tôi chưa muốn chết.

Cuối cùng, Thường Ninh ảo não rời đi. Sau này, nó đã ngộ ra rằng tôi chỉ là một con hổ giấy, đại ca thực sự là một người khác.

Trong phòng chỉ còn tôi và Huyền Diệp. Cậu ta hãy còn phụng phịu, nói: “Tỷ nằm bò lên người nó như thế thì thành cái dáng gì?”

Tôi khó hiểu: “Trước đây chẳng phải thường xuyên vậy à? Thành cái dáng gì? Dáng bà cháu tình thương mến thương chứ gì!”

Cậu ta điên tiết đế thêm một câu: “Tỷ có phải Hoàng tổ mẫu thật sự đâu.”

Cái đệt, cậu không chịu gọi tôi là Hoàng tổ mẫu đã đành, giờ lại muốn xách động người khác là thế nào? Cậu không nể mặt Phật thì cũng phải nể mặt già chứ. Chắc tôi cũng vui vẻ lắm đấy? Tôi đây trẻ đẹp như hoa như ngọc nai lưng ra làm bà nội người ta, nhận lại vài tiếng xưng hô thì đắt lắm à?

Tôi nộ khí xung thiên, cậu ta vẫn tiếp tục: “Hành vi của tỷ khác vị Hoàng tổ mẫu kia một trời một vực, không sợ kẻ khác sinh nghi ư?”

Tới bây giờ cậu mới giác ngộ ra chuyện đó hả? Tôi đã thế này năm sáu năm nay, nếu nghi ngờ thì đã nghi ngờ từ lâu rồi.

Tôi bướng bỉnh đáp: “Ai dám nghi ngờ ta? Cái vị Hoàng tổ mẫu kia của cậu chui lủi trốn tránh suốt ngày, người mà kẻ khác nhìn thấy đều là ta, có nghi thì cũng phải nghi vị kia. Mà Thường Ninh cũng bảo rồi đấy thôi, ta là vị Hoàng tổ mẫu thú vị nhất trần đời, nó rất thích người như ta!”

Cậu chua xót than: “Đúng nhỉ, từ nhỏ bọn tỷ đã rất thân với nhau, tỷ cũng rất gần gũi với Phúc Toàn ca ca, tỷ chỉ giữ khoảng cách với ta thôi.”

Sao cứ như trẻ con bị phát thiếu kẹo vậy?

Tôi thanh minh: “Cũng không thể trách ta được, ai bảo cậu không giống con nít chứ. Cậu hồi nhỏ chán lắm cơ, khiến ta không thể không ra vẻ đạo mạo trước mặt cậu. Cậu chả biết lúc đó ta mệt tới mức nào đâu, đúng là phát ghét mà!”

Tôi thấy Huyền Diệp có vẻ như bị tổn thương sâu sắc, bèn bước đến ôm vai cậu như hai người bạn thân, giọng ngọt như mía lùi cất lên: “Thôi nào cháu ngoan, sau này bà nội sẽ thương con, yêu con nhất, ngoan nhé!” Tôi vỗ về cậu ta như dỗ con mình vậy.

Cậu ta lại giãy ra như phải hủi, tới lượt tôi nhói lòng: “Này! Chính là cái vẻ đáng ghét này đấy! Đúng là khó ưa mà!”

Cậu ta chẳng thèm để ý đến tôi, chạy đi như đang trốn tránh thứ gì đấy. Đồ thần kinh!



Một ngày khác, Huyền Diệp nhờ tôi kể sơ về tương lai của Đại Thanh. Trước đó, tôi thù cậu ta không cho mình tự tử, mãi vẫn không tiết lộ. Sau này, đọc xong một câu chuyện, tôi lại càng không muốn nói.

Tôi hỏi cậu: “Cậu có biết tại sao ta không chịu tiết lộ tương lai không?”

Cậu lắc đầu: “Không biết, bây giờ tỷ muốn nói rồi chứ?”

Tôi đáp: “Ta kể cậu nghe một câu chuyện nhé. Ở một nơi rất xa tồn tại một quốc gia tên là Thebes, quốc vương mãi mà không có con. Sau này có lời tiên tri của thần, rằng ông ta sẽ chết trong tay con trai mình. Thế là con ông ta vừa sinh ra đã bị vứt bỏ.

Rốt cuộc, quốc vương nước láng giềng nhặt được thằng nhóc sơ sinh ấy, ban tên Oedipus rồi giữ lại nuôi. Sau khi Oedipus trưởng thành, cậu cũng nhận được một lời tiên tri, rằng trong tương lai, cậu ta sẽ giết cha cưới mẹ. Oedipus rất sợ hãi, thế là rời nhà đi lang thang.

Trên một con đường nọ, cậu ta nảy sinh mâu thuẫn với một lão già, cuối cùng lão già ấy bị cậu đánh chết. Cậu ta không biết đấy chính là cha thân sinh của mình, quốc vương của Thebes.

Bấy giờ, ngoại thành Thebes xuất hiện một con quái vật nhân sư, tên là Sphinx. Nó thường đưa ra đủ mọi loại câu hỏi để đánh đố cư dân, người đáp sai sẽ bị nó ăn tươi nuốt sống. Kẻ cầm quyền khi ấy ra thông cáo, ai có thể giết quái vật sẽ giành được người vợ góa của quốc vương, cũng sẽ được ngồi lên vương vị.

Oedipus vừa khéo đến Thebes, Sphinx đố cậu một câu: Con gì sáng đi bằng bốn chân, trưa đi bằng hai chân, tối đi bằng ba chân, càng nhiều chân thì tốc độ và sức lực lại càng yếu?

Oedipus thoắt cái đã đoán ra ấy là ‘Người’. Sphinx nhục nhã khó kìm, nhảy xuống vách núi mà chết. Thế là, Oedipus cưới mẹ đẻ của mình. Cho đến khi thần linh giáng dịch bệnh xuống Thebes thì bí mật này mới lộ ra. Sau đó vương hậu tự sát, Oedipus chọc mù mắt mình, lang thang khắp nơi cho đến lúc chết.

Bây giờ, cậu hiểu tại sao ta không muốn tiết lộ rồi chứ?”

Huyền Diệp nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng, “Tỷ kể câu chuyện này là có ý gì?”

Tôi nhìn cậu với vẻ vô cùng khinh bỉ: “Vậy mà cũng không hiểu? Ấy là, có vài lời tiên tri thực ra chỉ là một cái bẫy. Như cha của Oedipus đấy, nếu không tin lời tiên tri nọ, để con trai trưởng thành bên mình thì đã không xảy ra việc này. Còn nếu Oedipus không nghe được lời tiên tri kia, không rời khỏi nhà, cũng sẽ chẳng dẫn đến cơ sự ấy. Thế cho nên, có một số việc, biết quá nhiều chưa hẳn là chuyện tốt.”

Huyền Diệp hơi ngẩn ngơ: “À, là vậy ư.”

Thằng nhóc này, sao gần đây lạ lùng thế?



Lần xuyên không thứ G hoặc thứ I của tôi, nghe bảo rằng Huyền Diệp chuyên sủng một cô cung nữ tên là Vệ Lâm Lang, vì xuất thân là nô tỳ Tân Giả Khố(3) nên chỉ được phong làm Thường tại(4). (Vệ thường tại, rất thích hợp với việc hầu thiện. No rồi gọi một tiếng “Vị thường tại?”, Lâm Lang thưa “Vâng”, “Được rồi, chúng bay có thể bắt đầu tiêu hóa.”)(5)

(3): Tân Giả Khố là nơi lo liệu khẩu phần ăn, bao gồm người của Tân Giả Khố và người trong cung phạm tội bị đày tới làm nô bộc.

(4): Thường tại chính lục phẩm, là cấp bậc ấn định thứ nhì dành cho những Tú nữ mới vào cung thông qua cuộc thi Tuyển Tú, cấp bậc này được xưng hô là Tiểu chủ.

(5): Vệ thường tại (卫常在) và Vị thường tại (胃肠在) đồng âm [wèi cháng zài], vế đầu là họ và cấp bậc của Lâm Lang, vế sau có nghĩa là “Dạ dày và ruột có ở đây không?”, tóm lại, đây là tác giả chơi chữ thôi…

Lúc xưa chưa từng thấy Huyền Diệp chuyên sủng ai, trước nay cậu ta luôn ban phát tình yêu khắp cả hậu cung. Tôi không dằn được lòng hiếu kỳ với vị Vệ Lâm Lang kia.

Tôi ngồi giữa Từ Ninh cung, đợi trái chờ phải, mãi mà chả thấy Vệ Lâm Lang đến thỉnh an. Được sủng nên kiêu? Tôi gọi Huyền Diệp đến tỏ vẻ rằng mình không hài lòng, Huyền Diệp lại bênh vực cô ta: “Lâm Lang nhát gan ạ.”

Ý gì đấy? Tôi là quỷ dạ xoa hay cọp cái? Mặt mày tôi đáng ghét lắm à? Tôi từng ngược đãi bà vợ này của cậu ư? Tôi vô cùng bực mình, kiên quyết muốn cô ta đến gặp mình. Nhưng Huyền Diệp – người chưa từng làm trái lời tôi lại tỏ thái độ kỳ lạ, tránh trái né phải, một mực không cho tôi thấy mặt cô ta.

Núi không đến chỗ tôi thì tôi đến gặp núi. Rốt cuộc, Huyền Diệp thế mà lại hạ lệnh cấm vào trước cửa cung cô ả! Tôi bùng nổ! Từ khi nào mà tôi không được người ta hoan nghênh đến thế chứ?

Con chim khách con này dài đuôi rồi, có vợ là quên ngay bà nội mình. Tôi giận dữ tránh móc ở Từ Ninh cung.

Không được, tôi vẫn chưa chấp nhận nổi! Chiếc lá thối tha kia, không ra oai thì cậu lại nghĩ tôi là bánh bao xẹp, có chết tôi cũng phải thấy được cái mặt của cô ả Vệ Lâm Lang kia! Tôi thực sự rất muốn xem rốt cuộc ba đầu sáu mặt của cô ả trông như nào mà có thể khiến cậu mê đắm đến mức này!

Tôi đi tìm Thường Ninh, võ công nó rất tốt. Thế là một ngày nọ, tôi thay đồng phục cung nữ, sai Thường Ninh vác mình nhảy qua tường, núp sau hòn giả sơn.

A, họ ra ngoài, nghỉ chân trong đình rồi, nhưng xa quá nhìn không rõ. Đợi đến khi cung nữ, thái giám được cho lui, Thường Ninh lắc người một cái, cả hai đã đến gần mục tiêu, tôi chỉ có thể rạp người xuống, nín thở ngồi xổm sau lưng bọn họ.

Chỉ nghe chất giọng vô cùng cưng chiều của Huyền Diệp vang lên: “Tiểu Lâm Tử, đừng mãi dè dặt như thế, trẫm cho phép nàng càn rỡ đấy.” Tiểu Lâm Tử? Hừ, có ‘rừng mới’ rồi thì gạt ‘rừng già’ tôi đây sang bên chứ gì? Chiếc lá thối tha trông sắc đổi rừng này! Cậu nghĩ tôi cần cậu lắm ấy? Cứ chờ đấy, có chết tôi cũng phải thu phục cho bằng được cô ả ‘rừng bé con’ này!

Tôi và Thường Ninh “thưởng thức” cảnh Huyền Diệp dùng cái giọng ngấy chết người dụ dỗ Tiểu Lâm Tử làm càn, chỉ thiếu điều đưa mặt ra cho cô ả tát hai cái thôi. E rằng con bé chẳng xuống tay nổi, Huyền Diệp bắt đầu có vẻ bực mình. Cái tên tồi tệ này! Người ta nâng niu cậu ta như bảo vật, cậu ta lại muốn làm cỏ rác.

Thường Ninh ở sát bên, hai tay bới đất, nghiến răng nhịn cười, vai run lập cập. Tôi ngắt nó một cái, ra dấu im lặng.

Huyền Diệp thở dài, lại bảo: “Nào, chu miệng lên một tẹo.”

Hả? Sắp diễn cảnh nóng hử? Tôi quên bẵng cơn tức, men theo cột đình mà bò đến bên cạnh. Thường Ninh cũng ngừng run, theo sát sau lưng.

Tôi ôm cột, nghểnh cổ lên.

Không có cảnh hôn, tôi vừa khéo ở đối diện cô ta, cô ả thấy ta, trợn tròn đôi mắt ngây thơ pha sợ hãi.

Tôi cũng trợn trừng mắt lên nhìn. Tôi vừa thấy gì vậy? Nỗi kinh hoàng bỗng túa ra, tôi không muốn can thiệp vào chuyện này nữa.

Huyền Diệp nhận ra có điều bất thường, ngoái đầu lại, tôi vội vã thối lui, cuộn tròn mình dưới bậc thềm. Thường Ninh thì cười hô hố bước đến.

Tôi ra dấu với Thường Ninh, ý bảo nó đánh lạc hướng Huyền Diệp, nó nháy mắt tỏ vẻ đã hiểu.

Tôi lẩn ra sau lưng Huyền Diệp. Thường Ninh đứng chắn trước mặt Huyền Diệp, hành lễ chào bọn họ.

Tôi nghe thấy giọng nói dịu dàng của Huyền Diệp: “Nàng vào trong trước đi.” Sau đó lại nghe được giọng tinh tế dịu dàng cáo lui của con bé kia, âm thanh dần khuất xa.

Huyền Diệp nghiêm khắc hỏi: “Thường Ninh, đệ lại đang quậy phá gì đấy?”

Thường Ninh bắt đầu cợt nhã: “À, thời tiết hôm nay thật đẹp! Ha ha!”

Tôi tiếp tục trườn đi, hỏng bét, váy bị vướng, tôi thì đang bò vội bò vàng, chỉ nghe “roẹt” một tiếng, lộ mất rồi!

Sau đó, một đôi giày hoa văn rồng xuất hiện trước mắt tôi, tôi quỳ rạp dưới đất, không dám ngẩng đầu. Thiên linh linh, địa linh linh, động đất một trận ngay đi mà! Tách thành cái hố cho tôi chui vào với.

Huyền Diệp nghiêm nghị hỏi: “Ngươi là kẻ nào?”

Thường Ninh vội vàng phản ứng lại, lập tức tiếp lời: “Là người bắt dế cho đệ đấy.” Cái thằng ngu này! Giờ là mùa thu, đâu ra dế mà bắt?

Quả nhiên, giọng của Huyền Diệp lại càng lạnh lùng hơn: “Rốt cuộc ngươi là ai? Ở đây có mưu đồ gì?”

Tôi kéo cao giọng: “Hồi bẩm Hoàng thượng, nô tỳ đang quét đất.” Ặc, sao tôi cũng ngu quá vậy, có ai lại dùng quần áo quét đất chứ?

Sau hồi lâu im lặng, Huyền Diệp bảo Thường Ninh lui ra. Thường Ninh đòi đưa ả nô tỳ là tôi đi theo, Huyền Diệp chẳng ừ hử gì.

Tôi tưởng cậu ta đã ngầm đồng ý, trở mình đứng dậy, đầu vẫn cúi gằm xuống, chuẩn bị rời đi.

Sau đó, bước chân của tôi bị kìm chặt, Huyền Diệp thốt lên bằng giọng vô cùng cung kính: “Hoàng tổ mẫu, xin để nhi thần đích thân đưa Người trở về.”

Thường Ninh tặng cho tôi ánh mắt tự-cầu-phúc-đi rồi cười to chạy mất.

———— Tôi phân ———— Tôi cách ———— Tôi là phân cách ————

Viết thế này có biến thái không? Tôi vừa viết vừa thầm tạ tội với Huyền Diệp và cả Lâm Lang, cô phải chịu thiệt thòi rồi.

Mạch lô gíc là, Huyền Diệp vốn có lẽ chỉ là hơi bị Thanh Thanh thu hút thôi. Đến sau khi thấy được bản thể thật của cô ấy thì hình ảnh của Thanh Thanh đã trở thành 3D, vì vậy mà tình cảm hơi bị biến chất. Nhưng dù gì thì cậu ấy vẫn là người thời xưa, vẫn bị đạo đức trói buộc, nên đành phải uốn nắn Lâm Lang thành vẻ bề ngoài mà cậu muốn.

Lâm Lang sống trong tình huống này, xuất thân lại thấp, thế là hình thành thói quen yếu đuối, mãi không dám càn rỡ trước mặt vị hoàng đế như trời như đất. Sau cùng Huyền Diệp thất vọng, và Lâm Lang đương nhiên đã bị thất sủng.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây