Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

7: Vốn đã có duyên


trước sau

Sau khi Huyền Diệp kế vị không lâu, tôi liền phái người mời lão hòa thượng và Vô Trần vào cung. Tôi sai tất cả rời khỏi cung để tiếp kiến hai thầy trò, hòa thượng già vừa thấy tôi, suýt tý nữa đã ngất xỉu, cứ lẩm bẩm niệm mãi: “Quốc tương bất quốc* (Sau này nước không còn là nước nữa).”

Tôi chả chấp nhặt với lão, cười hỏi: “Chẳng phải ông biết đoán mệnh à? Sao tính không ra thế? Vả lại, chả phải ta đã bảo mình là phượng hoàng à?”

Hòa thượng già chán nản: “Thứ ta luyện là Linh Giác công* (năng lực giác ngộ tâm linh), chỉ có thể đoán được linh hồn kiếp trước kiếp này của cô.”

Sau đó, tôi vỗ đầu trọc của lão, lão chẳng dám tỏ ý giận, có thể thấy Vân Không chưa chắc đã không, quyền thế trần gian vẫn uy hiếp được lão. Nhưng thấy lão uất ức đến vậy, tôi lại không đành lòng bắt nạt, dùng lễ Quốc sư để phụng dưỡng lão. Lão vài lần xin rời khỏi đều bị tôi dùng quyền áp chế, quyền lực quả đúng là một thứ rất có lợi. Tôi nói với lão, chừng nào lão không đưa tôi về, chừng đó lão đừng mong sẽ được an tĩnh.

Vô Trần thấy tôi, trái lại rất vui.

Tôi thu xếp cho họ ở Phật đường, trong một tiểu viện kế hoàng cung. Tôi bảo Vô Trần viết ba chữ “Uẩn Tú trai” làm một bức hoành đóng trên cửa viện. Ngày treo bức hoành, tôi rất hả hê, hỏi lão hòa thượng: “Tên này thế nào?”

Hòa thượng già chả thèm tâng bốc: “Chẳng ra sao cả, không hợp với chốn thanh tu cửa Phật.”

Tôi hếch mũi lên trời, khinh thường lão: “Không hiểu hả, ‘uẩn’ nghĩa là chất chứa, ‘tú’ là chỉ nhân phẩm Vô Trần ưu tú, đồng thời ‘uẩn’ đồng âm với ‘dựng’ trong từ dựng dục* (nuôi dưỡng), bỏ phần đuôi của ‘tú’ sẽ thành chữ ‘thốc’* ( 秀 bỏ đuôi thành 秃 – nghĩa là trọc), vừa vặn hợp với cái đầu bóng loáng của ông, ‘trai’ là chỉ tiểu viện này, cũng có nghĩa ở đây ăn chay. Thế nên, tên tôi đặt hàm chứa rất nhiều ý quan trọng, chẳng phải người khéo léo thì chả thể ngộ ra đâu. Sao nào? Có tính được bút pháp của thần không?”

Lão hòa thượng nín lặng, Vô Trần cười trộm.

Uẩn Tú trai thành nơi nghỉ ngơi của tâm hồn tôi, bởi thế tôi hạ luật nghiêm cấm những người không phận sự ra vào, trừ phi có mệnh lệnh; thầy trò hòa thượng già được tự do hoạt động trong cung.

Ỷ vào thân phận chủ nợ, tôi mặc sức sai khiến Vô Trần, Vô Trần lại là đồng chí tốt, nhẫn nhục chịu khó. Lúc anh ta sống một mình đã đọc rất nhiều sách, có cách nhìn độc đáo với nhiều vấn đề; tôi thử giao cho anh ta xử lý một số chính sự, anh ta giải quyết đến là thành thạo, tôi ghi nhớ lời anh ta rồi thuật lại với quần thần, thế mà lại có thể được đánh giá cực cao; sau này Vô Trần trở thành “buông rèm nhiếp chính” của tôi, do anh ta nhái chữ của Hiểu Trang còn giống hơn mình nên tôi dứt khoát để anh ta trực tiếp phê tấu chương. Vô Trần từng có ý muốn đào tạo tôi, tôi nghĩ rằng mình còn phải về, liền chả chịu tốn quá nhiều sức trên mảng chính trị. Thế là, mỗi khi tôi cùng lão hòa thượng ngồi một bên phẩm trà và chuyện phiếm thì Vô Trần đang vất vả làm việc, hòa thượng già lúc nào cũng gọi Vô Trần là “Thái hậu hậu* (nghĩa là người đằng sau Thái hậu)”. Tôi ngày càng nghi ngờ lão giả danh người xuất gia, dốc sức bịa ra những nghề mới.

Vì thường xuyên ra vào Phật đường, có vài kẻ dã tâm bắt đầu rêu rao rằng tôi có vấn đề về phong tục lễ giáo. Sau lại thấy lão hòa thượng đã già đến vậy, thế là họ lại chuyển mục tiêu khác. Đến khi thấy được Vô Trần tựa trích tiên, vài thiếu nữ hoàng tộc liền dùng đôi mắt háo sắc mà ngắm, anh ta lại bất vi sở động* (không động tĩnh gì), sự thanh cao của anh ta tiếng lành đồn xa, bèn chẳng còn ai nói gì tôi nữa. Lẽ ra được trả lại sự trong sạch rồi thì tôi nên vui mừng mới đúng, nhưng lòng tôi lại nhồi đầy chua xót, tôi phát hiện mình đã thích Vô Trần.

Tôi trằn trọc nhiều đêm, tôi thích anh ta lắm nhưng đến cả tư cách làm ứng cử viên còn chẳng có, quả rất buồn. Nhớ lại thời hiện đại, tôi vẫn là nụ hoa e ấp, vừa có chút gì đó với Sở Y Phàm thì đã xuyên không; sau khi đến đây thì tôi đã trổ bông mất rồi, tuy được ở gần “thủy lâu”, song “thủy lâu” này lại sắp đổ, chỉ có thể mở to mắt mà nhìn người ta cướp mất ánh trăng của lòng tôi. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi lệ tuôn đầy mặt, quả là hữu duyên vô phận, chẳng phải xuyên quá sớm mà là quá muộn rồi, than ôi… Bây giờ tôi chỉ có thể mong sớm được trở về, có lẽ vẫn còn kịp vớt Sở đại soái nhỉ?

Sau này, tôi tăng cường tra hỏi lão hòa thượng phải làm sao mới trở về được. Mỗi lúc tôi lấy danh nghĩa Thái hoàng thái hậu để chất vấn, lão chả dám đùa tôi, rốt cuộc cũng nói thật rằng mình không biết, té ra những gì lão tụng đều để khiến tôi mê muội, đường về nhà lại trở nên mịt mù, chuỗi ngày đợi chờ không mục đích này đến khi nào mới kết thúc đây?

Tôi vô cùng chán nản, song vẫn không tuyệt vọng mà hỏi lão: “Vậy ông tính xem, tôi nhất định có thể trở về phải không? Sau khi về thì sẽ như nào?”

Hòa thượng già vẫn lắc đầu: “Ta có thể nhìn rõ quá khứ và hiện tại của cô, chẳng thể thấy được tương lai.”

“Vậy sao ông có thể biết kiếp sau của Vô Trần?”

“Vì ta vốn có duyên với cậu ta, còn với cô thì không.”

Tôi lấy làm kỳ lạ: “Ông thì có duyên gì với Vô Trần chứ? Tôi đóng vai gì trong vở diễn đấy?”

Lão thở dài: “Có một kiếp, ta và cô cùng cứu Vô Trần, vậy nên cậu ấy thiếu hai chúng ta mỗi người nửa mạng, lại một kiếp sau, cậu ấy vì cứu tôi mà chết, ngược lại tôi thiếu nửa mạng của cậu ta. Đến đời này, cô đến là để đòi nửa cái mạng ấy. Nếu tôi có thể ngăn cản hai người gặp nhau thì đã có thể trả lại nửa mạng tôi nợ.” Gì chứ? Rõ ràng kiếp trước tôi cứu người nên mới bị xui như này à, vậy sau này còn ai dám làm việc tốt nữa? Ông trời xấu xa này, tôi giấu tên làm việc tốt được không vậy? Tôi chả cần đòi nợ nữa, tôi chỉ muốn về nhà thôi!

Nhưng nghĩ lại thì không đúng: “Ông cản tụi tôi gặp nhau, nợ của tôi và anh ta sao mới dứt được?”

Lão trả lời: “Ta chỉ quan tâm đến nợ của mình và cậu ấy, chuyện của các người, ta không nhúng tay vào được. Than ôi, chỉ vì nợ kiếp trước mà ta đời đời phải bôn ba ở cõi trần, chẳng tu thành chính quả được.”

Cái lão hòa thượng ích kỷ này, tôi trù: “Ông có sạch nợ rồi cũng chẳng thành chính quả được đâu! Như Lai xẻo thịt cho chim ưng, nguyện rằng ‘Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật* (địa ngục chưa trống, thề không làm Phật)’, sao ông chỉ có thể lo cho thân mình? Mơ mộng mình tu thành chính quả là vi tham; oán giận ràng buộc hồng trần là vi sân; cố chấp nhân quả là vi si. Tham, sân, si* (tham lam, oán giận, mê đắm) ông đều chưa giới* (kiểu như đoạn tuyệt), sao đạt được đại trí tuệ?” Hừ, ở hiện đại tôi được mệnh danh là một lý giảo tam phân* (làm loạn vô lý), còn giờ thì tôi đang nói đúng lý, coi tôi có quậy chết lão không.

Hòa thượng già hơi đăm chiêu, tôi thừa thắng xông lên: “Ông nhìn xem, ông nợ Vô Trần nửa mạng, Vô Trần nợ tôi nửa mạng, bù qua sớt lại thì ông thiếu tôi nửa mạng, vậy nên, ông mau giúp tôi về nhà đi!” Thấy lão ích kỷ đến thế, thôi thì cứ vứt hết nợ nần của ba người lên lưng lão vậy, hứ!

Lão bất đắc dĩ nói: “Trong âm phủ, tất cả đều được liệt kê tính toán, chả phải do chúng ta thao túng đâu.” Cái gì mà liệt kê? Chắc chắn ông trời không giỏi toán, ngay cả nợ nần cỏn con vậy mà còn chẳng tính nổi, vậy mà còn đem cái thứ vứt đi này đi dọa người à?

Tôi lại nghĩ đến một vấn đề: “Cơ thể của tôi ở bên ấy thì sao? Sau khi về, tôi có thể tiếp tục quãng thời gian trước khi xuyên không không?”

Lão hòa thượng xin lỗi: “A di đà phật, ta không tính được.”

Tim của tôi tức khắc lạnh đi, chẳng còn hơi sức đâu mà chửi lão. Thôi rồi, bây giờ xuất hiện quá nhiều thứ cần phải chọn, mà tôi lại chẳng phải người có quyền quyết định.

1. Cơ thể của tôi không bị chiếm mất:

– A. Tôi suông sẻ về tới, trở lại lúc trước khi xuyên không, tiếp tục cuộc sống của mình, có thể mập mờ với Sở đại soái một lần, đây là đáp án tốt nhất.

– B. Cơ thể của tôi bị thiêu, sau khi xuyên về, tôi biến thành cô hồn dã quỷ, rùng mình một cái, không dám nghĩ tiếp nữa.

2. Cơ thể tôi bị linh hồn khác (bà già Hiếu Trang là có khả năng nhất) chiếm dụng:

– A. Trước khi bà ta làm nên việc gì đó có hậu quả xấu, tôi về kịp lúc, đây là đáp án tốt nhất.

– B. Bà lợi dụng cơ thể tôi, hưởng thụ Sở đại soái, cũng xem như đã hoàn thành được việc tốt, sau khi tôi xuyên về, sẽ suốt đời quấy hỏi anh ta yêu tôi nhiều hơn hay bà già đó nhiều hơn. Miễn cưỡng có thể chấp nhận.

– C. Sau khi tôi về, bà ta đã sống chung với người tôi ghét nhất, còn sinh ra một đứa con đáng ghét, tôi vì ly hôn, vì chi phí nuôi dưỡng con mà cả đời phải chiến đấu.

– D. Sau khi tôi về, cơ thể đã lão hóa, quãng thời gian còn lại đều thương xót mình đã chẳng thể cảm thụ mùi vị của tuổi trẻ.

– E. Bà ta có thể hút ma túy, mại dâm, giết người, … Càng nghĩ càng ghê, thôi quên đi!

3. Tôi sống cả đời ở đây, có quyền có thế nhưng không có được người mình yêu. Giúp kẻ khác nuôi con, lại chẳng thể săn sóc người đã nuôi tôi lớn.

Ông trời ạ, sau này con không chửi tục nữa; Phật Tổ ơi, mỗi ngày con sẽ thắp hương cho Người; Thượng đế ới, sau này con sẽ chăm cầu nguyện; Thánh A la à, con không ăn thịt heo nữa; Thái Thượng Lão Quân, con sẽ xây thật nhiều miếu đạo quán; các vị thần tiên con không biết ơi… Xin phù hộ con có thể trúng 1A hoặc 2A, nếu không được thì 2B con vẫn có thể nghiến răng chịu đựng, còn những đáp án khác, hừ hừ, đừng trách tôi gặp Phật giết Phật, gặp tiên mổ tiên, gặp Thượng đế sẽ đóng đinh thập tự…

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây