Sơn Hà Bất Dạ Thiên

137: Chương 137


trước sau

Khi mặt trời lặn nơi chân trời phía Tây, Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân khoác trên mình bộ đạo bào bát quái tiên phong đạo cốt, cầm cây phất trần tiến vào hoàng cung. Theo hầu y là hai tên tiểu đồ đệ. Đêm xảy ra cung biến, tức mùng bảy tháng Giêng, Lý Tiêu Nhân bị ốm nằm nhà nên không có mặt trong cung, người túc trực ở đài Đăng Tiên là hai tiểu đồ đệ của y.

Giờ Lý Tiêu Nhân đã khỏi bệnh. Được hoàng đế triệu kiến, y nghênh ngang đắc ý đi vào cung.

Trái lại, hai tiểu đồ đệ của y cứ thấp tha thấp thỏm, cúi gằm cả mặt xuống. Rốt lại thì kẻ co ro cúm rúm, run như cầy sấy trong đài Đăng Tiên suốt cả đêm trước là bọn chúng chứ nào phải Lý Tiêu Nhân? Trải qua biến cố kinh hoàng ấy, còn ai không thấm thía sự khủng khiếp của hoàng cung? Đêm đó, nếu quân Ngự Lâm xông vào đài Đăng Tiên băm vằm hai tên đạo sĩ, khéo cũng chẳng có hai kêu oan giùm cho chúng.

Khi Lý Tiêu Nhân đến đài Đăng Tiên, Đại Thái giám Quý Phúc đã chờ sẵn ngoài điện.

Thấy Quý Phúc, Lý Tiêu Nhân vội vàng đi tới, cười nhũn nhặn: “Quý công công.”

Quý Phúc mỉm cười đáp: “Lý đại nhân. Gần đây quan gia nhiều chuyện phiền lòng lắm đấy, ông hãy cẩn thận.”

Lý Tiêu Nhân: “Cảm ơn Quý công công đã nhắc nhở.” Nói đoạn, y bước vào đài Đăng Tiên.

Một canh giờ sau, Lý Tiêu Nhân đi ra từ đài Đăng Tiên. Y thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy sao mà khoan khoái thế, mặt mũi sáng bừng lên. Sau nguyên một năm bị hòa thượng Thiện Thính lấn lướt, giờ Thiện Thính đã bị hoàng đế chém đầu thị chúng, hoàng đế bỏ Phật về với Đạo, cuối cùng kẻ chiến thắng vẫn là y – Lý Tiêu Nhân.

Lý Tiêu Nhân đang phấn khởi, bèn sai đồ đệ tặng Quý Phúc mấy lá vàng, giọng ngọt xớt: “Từ mai, hạ quan sẽ tiếp tục đến đài Đăng Tiên mỗi ngày. Quý công công hầu bệ hạ có công to lắm đấy, phải chú ý sức khỏe.”

Quý Phúc điềm nhiên nhận lá vàng, mỉm cười nói: “Lý đại nhân cũng giữ sức khỏe nhé.”

Lý Tiêu Nhân dẫn đồ đệ rời khỏi đài Đăng Tiên, bước chân phơi phới, hởi lòng hởi dạ.

“Đúng là cái đồ tiểu nhân đắc chí.”

Quý Phúc quay lại nhìn con nuôi, cau mày: “Mày vừa nói đó hả?”

Tiểu thái giám Tạ Bảo cúi đầu ấm ức: “Vâng, nhưng con có nói sai đâu?”

Quý Phúc: “Mày ấy, liệu mà giữ mồm giữ miệng, chỗ này không đến lượt mày chõ vào đâu.”

Tạ Bảo khúm núm dạ vâng, bị Quý Phúc đuổi về hậu cung làm việc. Nhưng dõi theo bóng lưng Lý Tiêu Nhân và hai tên tiểu đạo sĩ, đâu phải Quý Phúc không cảm thấy thế đạo bây giờ chỉ tổ béo lũ tiểu nhân?

Lý Tiêu Nhân đúng là đồ ngu tận mạng! Phải dốt nát đến mức nào mới có thể chắc mẩm Triệu Phụ là vị hoàng đế một lòng tu Đạo kia chứ?

Triệu Phụ cả đời không tin vào thần, không tin vào Phật, chỉ tin bản thân mình thôi!

Sau trận cung biến tháng giêng, Quý Phúc bỗng thấy hiểu Triệu Phụ hơn chút ít. Hôm Triệu Phụ triệu kiến Kỷ Ông Tập, lão canh ở ngoài cửa theo lệnh Triệu Phụ nên đã nghe không sót một lời nào cuộc nói chuyện giữa hai người. Kỷ tướng đánh giá Triệu Phụ là một vị vua sáng suốt nhưng cực kì vị kỉ; song Quý Phúc lại nghĩ, từ vị kỷ đã không còn đủ để mô tả Triệu Phụ nữa rồi. Hơn sáu mươi năm nay, ông ta không hề biết đến ai khác ngoài chính bản thân mình!

Là người đi theo Triệu Phụ hơn năm mươi năm, Quý Phúc bỗng thấy rét run trong dạ.

Tạ Bảo cảm thấy Lý Tiêu Nhân là đồ tiểu nhân đắc chí, là bởi gã bất bình trước cái chết oan uổng của Thiện Thính. Khác hẳn với đồ đạo sĩ chỉ biết phỉnh phờ, Thiện Thính là người bình dị, thân thiện, trước nay không bao giờ dùng đủ mọi cách để nịnh bợ đám quý tộc quan to, cũng không chăm chăm lấy lòng Quý Phúc rồi phớt lờ các thái giám khác. Thiện Thính có quan hệ tốt với các thái giám cấp thấp, được bọn cung nhân, hoạn quan vô cùng mến mộ.

“Phật độ người có duyên. Ông muốn độ bệ hạ của chúng ta, nhưng pháp lực của ông có hạn, không độ nổi!” Quý Phúc cảm khái. Có lẽ trên đời này, người cuối cùng tiếc thương cho hòa thượng Thiện Thính chính là lão ta.

Tan làm, Đường Thận về tới nhà thì thấy Đường Hoàng đang mô tả hết sức sống động cho Diêu đại nương và Phụng Bút nghe.

“… Đại hòa thượng chắp hai tay trước ngực thành ấn, quỳ ở chính giữa pháp trường tụng kinh Thiền. Điều kì diệu nhất là khi ông ấy bắt đầu tụng kinh thì đao phủ ngây ra như phỗng, dân chúng vây quanh pháp trường cũng im phăng phắc – tất cả mọi người đều lắng nghe ông ấy đọc kinh. Ông đọc đến đâu, hoa sen mọc trên đất đến đó, nở ào ào khắp cả pháp trường.”

“Sao em không kể rằng ông ấy mở miệng phun ra một đóa sen vàng rồi hóa Phật ngay tức thì?”

Đường Hoàng ngoái đầu lại thì thấy Đường Thận, cô nhóc tá hỏa: “Thật hay giả đấy anh? Đại hòa thượng đó nhả sen vàng, hóa thành Phật ngay hở?”

Đường Thận: “…”

“Đương nhiên là giả rồi! Em nghe mấy chuyện lạ lùng đấy ở đâu thế? Khi hành hình, hai tay phạm nhân bị xích quặt ra sau lưng, làm sao mà chắp tay trước ngực được? Đến đúng giờ là người ta hành hình ngay, không được dừng lại dù chỉ tích tắc, đao phủ trái lệnh kiểu gì? Anh đã bảo em rồi mà, chớ có nghe lắm những lời đồn thổi, toàn là bịa đặt đấy.”

Diêu đại nương: “Ồ, hóa ra là bịa đặt, tôi cứ tưởng ông hòa thượng đó có phép màu thật.”

Đường Thận đến cạn lời.

Dân chúng không biết đầu đuôi vụ cung biến tháng Giêng nên đều tưởng là yêu tăng hại nước. Kì thực không chỉ có người dân mà rất nhiều quan kinh thành cũng không rõ chân tướng. Người dân thì đem chuyện này ra để kháo nhau những lúc trà dư tửu hậu, thêu dệt thành mấy phiên bản khác nhau. Ngay đến lầu Tế Hà của Đường gia cũng bắt đầu kể một câu chuyện chí quái về đạo sĩ hàng phục yêu tăng.

Gần qua tháng Hai, Đường Thận vào cung theo lệnh của Triệu Phụ.

Triệu Phụ đã trở về với phong thái mọi khi, ngự trên ngai rồng phê duyệt tấu chương. Quý Phúc dẫn Đường Thận vào điện Thùy Củng. Triệu Phụ để quyển tấu xuống, ngẩng đầu nhìn cậu, cười: “Hình như lâu lắm rồi trẫm không gặp Cảnh Tắc nhỉ.”

Đường Thận vái chào: “Thần bái kiến bệ hạ.”

Triệu Phụ vẫy cậu: “Lại đây rồi nói.”

Đường Thận bước hai bước lại gần.

Triệu Phụ xuýt xoa: “Trông vẫn hệt như trước, trẻ trung phơi phới, phong nhã hào hoa. Còn trẫm đây đã già rồi.” Giờ thì như thói quen, Đường Thận đã chuẩn bị sẵn một câu nịnh vua, nhưng Triệu Phụ vẫn nói tiếp chứ không để cậu cất lời: “Thời gian của trẫm không còn nhiêu, song việc muốn làm thì chưa đâu vào đâu cả. Cảnh Tắc à, sư huynh của ngươi lên U Châu đã lâu, tình hình dạo này thế nào?”

Tình hình Vương Tử Phong gần đây e Đường Thận chẳng rõ bằng Triệu Phụ.

Đường Thận: “Đã lâu rồi thần không gặp sư huynh, song tính sư huynh tỉ mỉ chu đáo, đến U Châu chắc chắn sẽ làm một nên mười.”

Triệu Phụ cười ha hả: “Ngươi hãy đến U Châu giúp Tử Phong một tay đi!”

Đường Thận quá đỗi ngạc nhiên, song ngoài mặt cậu vẫn điềm tĩnh thưa: “Thần tuân lệnh.”

Triệu Phụ: “Mong rằng trước lúc nhắm mắt xuôi tay, trẫm có thể thấy những nguyện vọng của trẫm thành hiện thực!”

Đường Thận ngầm hiểu Triệu Phụ sai mình đến U Châu không chỉ để giúp Vương Trăn giải quyết công việc ở ty Ngân Dẫn mà chủ yếu là vì nước Liêu.

Đại Tống dựng nước đã hơn một trăm năm nay, trải chín đời hoàng đế. Khi Tống Tuần Tông ở ngôi, hai nước Tống, Liêu giao chiến mấy năm liền, cuối cùng Đại Tống thảm bại, phải cắt đất, nhường hai mươi mốt vạn khoảnh1 đất miền Tây Bắc cho nước Liêu, hàng năm cống nộp. Đến thời tiên đế thì Đại Tống dốc hết binh lực tử chiến với Liêu, bấy giờ mới miễn được việc cống nạp.

[1] Đơn vịđo diện tích cổ

Sau khi Khai Bình hoàng đế lên ngôi, Đại Tống tiếp tục chiến tranh với Liêu mười năm, cuối cùng đã giành lại được ba phủ U Châu. Tuy nhiên, vẫn còn chín vạn khoảnh đất Tống bị người Liêu chiếm cứ.

Làm hoàng đế mà đạt thành tựu như Triệu Phụ là đã đủ vang danh sử sách rồi, nhưng ông ta vẫn chưa thỏa mãn. Điều ông ta muốn, là trở thành một đấng minh quân2 chân chính.

Đường Thận ra khỏi điện Thùy Củng, đi thẳng sang Ngự sử đài. Cậu phải chuẩn bị đi U Châu.

Cậu không hề phát hiện ra rằng, khi mình vừa mới bước chân ra khỏi cổng chính điện Thùy Củng thì trên một nẻo đường khác trong cung, có một người mặc quan bào nhị phẩm đỏ thẫm đi tới. Hai người không chạm mặt nhau, nhưng người kia đã nhìn thấy Đường Thận. Dư Triều Sinh dừng bước, tiểu thái giám dẫn đường cho anh ta quay lại hỏi: “Dư tướng công?”

Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh nói: “Không có việc gì, đi tiếp thôi.”

Không bao lâu sau, Dư Triều Sinh vào điện Thùy Củng diện kiến Triệu Phụ.

Đến trưa, Dư Thượng thư về điện Cần Chính để gặp thầy mình là Tả tướng hiện giờ – Từ Bí.

Sau khi Kỷ Ông Tập bị tước chức quan, không ai ngờ người thay ông giữ ghế Tả tướng của điện Cần Chính không phải là Hữu tướng Vương Thuyên, mà là Hữu thừa Từ Bí – nhân vật mờ nhạt nhất. Từ Bí đang ngồi ngay ngắn trong gian nhà mà Kỷ Ông Tập từng làm việc, thảo luận với Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng. Thấy Dư Triều Sinh đến, Mạnh Lãng nói: “Xin phép không quấy rầy thầy trò Từ tướng công và Dư đại nhân họp mặt.” Đoạn đứng dậy cáo từ.

Mạnh Lãng đi rồi, Từ Bí và Dư Triều Sinh ngồi với nhau trên ghế La Hán cùng thưởng thức trà, nhẹ nhàng nhấp một hớp.

Dư Triều Sinh buông chén: “Tuy đã nửa tháng trôi qua, nhưng học trò vẫn cảm thấy như chưa tỉnh mộng.”

Từ Bí: “Mộng kiểu gì?”

Dư Triều Sinh: “Nhắc đến lại thấy xấu hổ, đáng cười lắm, học trò không dám kể cho tiên sinh nghe đâu. Chỉ có điều cuộc cung biến tháng Giêng này có quá nhiều chuyện như ngắm hoa giữa mây mù, đến bây giờ học trò vẫn chưa hiểu thấu đáo.”

“Con còn điều chi chưa rõ?”

Dư Triều Sinh kể hết cho ông nghe: “… Tuy chưa rõ, nhưng trước giờ học trò vẫn tuân theo lời dạy bảo của tiên sinh. Không cần hiểu và cũng không cần biết đến chân tơ kẽ tóc tất cả mọi chuyện, ấy mới là cách người khôn giữ mình. Thế nên, học trò cũng không tò mò.”

“Không tò mò thật chứ?”

Dư Triều Sinh lắc đầu: “Quả thật là không tò mò ạ.”

Từ Bí cười: “Con ấy à, mười năm rồi mà chẳng hề đổi tính, cứ như cây du không gì lay chuyển được3.”

Dư Triều Sinh chỉ cười mà không đáp.

Kì thực, làm gì có chuyện không tò mò kia chứ? Nhưng Dư Triều Sinh hiểu quá rõ rằng trên đời này ai càng biết lắm càng mau chầu trời. Nhất là khi vị hoàng đế hiện giờ không phải thứ vua bù nhìn mặc người thao túng. Có Kỷ tướng là vết xe đổ ngay kia; chính vì nhìn thấu suốt mọi điều nên ông mới có kết cục ngày hôm nay. Dư Triều Sinh không rõ Kỷ tướng đã biết những gì, nhưng anh ta biết mình tuyệt đối không muốn đào sâu vào cái điều mà Kỷ tướng đã biết.

Dư Triều Sinh: “Hôm nay học trò lại bắt gặp Đường Cảnh Tắc trước điện Thùy Củng.”

Từ Bí kinh ngạc: “Lại gặp à?”

“Vâng, đúng lúc học trò nhận chỉ vào cung diện thánh thì Đường đại nhân đi từ trong điện Thùy Củng ra. Nhưng lúc đó cậu ấy không thấy con, chỉ có con nhìn thấy cậu ấy thôi.” Cảm xúc này thật khó diễn tả, Dư Triều Sinh nói, “Con và Đường đại nhân cứ như có mối duyên ngầm không thể lí giải vậy. Học trò chưa bao giờ tin đạo Phật, nhưng vì đang là Thượng thư bộ Hình, nên mấy ngày trước, chính học trò đã giám sát vụ xử trảm Thiện Thính. Dưới cái nắng chói chang, Thiện Thính không hề hoảng loạn ngay cả khi bị đè xuống bệ đá, ông ta vẫn tụng kinh như thường. Khi đó, học trò bỗng có cảm giác mình đã trông thấy Đức Phật.”

Từ Bí nói đầy thâm ý: “Thiện Thính quả là không tầm thường.”

Dư Triều Sinh: “Tiên sinh?”

“Một năm về trước, khi hắn mới vào cung, lão phu đã gặp hắn ở đài Đăng Tiên một lần. Khi đó, lão phu có hàn huyên với hắn mấy câu, rồi được nghe chính miệng hắn nói rằng từ lâu, hắn đã biết có lẽ mình không thể bước chân ra khỏi hoàng cung.”

“Ông ta lường trước được chuyện của một năm sau ư?”

“Chưa hẳn, song đầu óc hắn sáng suốt lắm, chỉ liếc mắt là tỏ tường lòng dạ bệ hạ chúng ta!”

Rốt cuộc, ai mới là người hiểu Triệu Phụ nhất trần đời?

Kỷ Ông Tập?

Thiện Thính?

Từ Bí thản nhiên nhấp một ngụm trà.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây