Sơn Hà Bất Dạ Thiên

150: Chương 150


trước sau

Vừa hết tháng Giêng, thành Thịnh Kinh vẫn còn chìm trong tuyết lớn. Các quan bộ Công mới trở lại nha môn làm việc thì thánh chỉ đã ban đến phòng Thượng thư bộ Công Viên Mục.

Viên Mục nhận thánh chỉ, ngồi thần người trên ghế bành1 hồi lâu. Nửa canh giờ sau, ông ta cho đòi tâm phúc của mình, Tả thị lang bộ Công Lý Ngọc Đức. Trong phòng chỉ có hai người bọn họ, Viên Mục không kiêng dè gì hết, đưa luôn thánh chỉ cho Lý Ngọc Đức, có ý bảo tự mở ra mà xem.

Lý Ngọc Đức đỡ lấy quyển sổ nho nhỏ ấy một cách trịnh trọng. Sau khi đọc xong, ông ta bàng hoàng, hốt hoảng ngước lên: “Thượng thư đại nhân.”

“Ngươi cũng thấy đấy.”

Lý Ngọc Đức thì thào: “Tại sao thánh thượng cứ khăng khăng tin tưởng Vương Tử Phong và sư đệ Đường Cảnh Tắc của hắn ta chứ?”

Viên Mục liếc ông ta, cười đáp: “Cái ông này, còn chưa rõ hay sao? Trong số bề tôi của bệ hạ chúng ta, chỉ có hai dạng người có thể khôn ngoan giữ mình, vận quan thông thuận. Dạng thứ nhất là dạng quan lơ mơ như Từ tướng và chúng ta, xưa nay không bao giờ can thiệp đến việc của thánh thượng. Ngài muốn chúng ta làm gì, chúng ta sẽ toàn tâm toàn lực hoàn thành việc ấy. Chúng ta là kiểu quan hữu dụng nhất với thánh thượng.”

Lý Ngọc Đức cũng dần dần vỡ ra. Làm được đến chức Tả thị lang bộ Công, tuy thuộc dạng “quan lơ mơ” như Viên Mục nói, nhưng ông ta không hề ngu ngốc. Ông ta suy nghĩ một lát, hỏi: “Dạng còn lại chính là những người như Vương Tử Phong, Đường Cảnh Tắc đúng không?”

Viên Mục: “Chính xác. Loại ấy, chính là những viên quan hiểu lòng dạ thánh thượng nhất. Ngươi hãy xem, Vương Tử Phong dựng ty Ngân Dẫn, Đường Cảnh Tắc bây giờ tiếp quản việc này, rồi còn Tô Phỉ Nhiên, Lý Cảnh Đức. Vì sao họ trẻ như thế, thậm chí với thân phận quy chính nhân, đã có thể trở thành những vị đại thần then chốt trong triều đình? Họ làm việc cực kì xuất sắc, mà những điều họ muốn làm không phải những điều thánh thượng bắt họ phải làm. Thế nhưng gần vua như gần hổ, việc đó y như chơi với lửa đâu, lợi có mà hại cũng có. Vị quan cuối cùng hiểu lòng hoàng đế như thế, chính là Kỷ tướng.”

Trong thâm tâm, Lý Ngọc Đức cũng cho là vậy.

Kỷ tướng Kỷ Ông Tập, một người thuộc phái thực lực nổi tiếng của Đại Tống.

Từ xuất phát điểm là đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, ông dần dần bước lên được vị trí Tả tướng cũng bởi trong thời kì làm quan địa phương, ông đã làm được rất nhiều việc lớn lao. Sau khi về kinh, bằng những biện pháp cứng rắn, ông chấn chỉnh kỉ cương triều đình, giúp cho đất nước được bình yên.

Triệu Phụ đã từng coi ông là cánh tay phải đắc lực của mình, nhưng kết cục của ông lại vô cùng thê thảm. Ngoài lí do Triệu Phụ nể tình nghĩa lâu năm, ông không mất mạng cũng nhờ luật lệ cấm giết quan của Đại Tống.

Nghĩ đến đây, Viên Mục và Lý Ngọc Đức nhìn nhau cười, không bàn thêm nữa.

Ở độ tuổi ấy mà lên được đến hàng tam phẩm, Đường Thận đạt được vô số thứ, mà những mối đe dọa sau lưng cậu cũng nhiều không đếm xuể. Liệu cậu có thể trở thành một Vương Tử Phong tiếp theo hay sẽ giống như Kỷ tướng, phụ thuộc hết vào số mệnh may rủi, không ai nói trước được.

Đầu tháng hai, Hữu thị lang bộ Công Đường Thận chỉnh đốn bộ Công, sửa lại từng quy tắc đã được áp dụng nhiều năm nay.

Động thái này khiến cả bộ Công xôn xao choáng ngợp. Có viên quan đến hỏi ngay Thượng thư Viên Mục và Tả thị lang Lý Ngọc Đức, nhưng cả hai người đứng đầu bộ đều không nói gì, để Đường Thận tùy nghi làm việc. Các quan đều lúng túng cả, nhưng cũng có vài người nhạy bén nhận ra: “Để khiến ba vị đại nhân đồng lòng làm việc thì chỉ có một người trong thiên hạ làm được thôi.”

“Ai thế?”

Vị quan ấy giơ một ngón tay, chỉ lên bầu trời.

Quan trong bộ Công rất đông đảo, ngoài quan Thượng thư và các Thị lang thì còn bốn bộ Truân điền2, Ngu bộ3 , Thủy bộ và viện Văn tư, mỗi bộ đều có các quan Lang trung, Viên ngoại lang, Chủ sự. Ngoài ra, có cả các quan từ thất phẩm trở xuống không trực thuộc bốn bộ nói trên.

[2] đồn điền [3] núi non, vườn tược và các loài thú vật

Còn kể đến các thợ thủ công trong bộ Công thì đông không kể xiết.

Cứ hễ bộ Công huy động thì toàn bộ thợ thủ công ở ba mươi sáu châu Đại Tống đều phải vâng lệnh.

Việc đầu tiên Đường Thận làm là thăng chức cho Phán quan viện Văn tư bộ Công – Quý Mạnh Văn.

Quý Mạnh Văn bốn mươi lăm tuổi, là Cử nhân năm Khai Bình thứ mười lăm. Nhiệm vụ chính của viện Văn tư là sửa chữa công cụ bằng vàng bạc trong nước, chức Phán quan chỉ là một chức quan mọn hàm thất phẩm. Thường thì những chức vụ thế này không do triều đình chỉ định, mà sẽ do quan viên trong bộ Công bổ nhiệm trực tiếp rồi báo lên bộ Lại.

Vốn Quý Mạnh Văn được đề bạt bởi chính Hữu thị lang bộ Công tiền nhiệm – Tô Ôn Duẫn.

Sau khi đỗ cử nhân, Quý Mạnh Văn đi thi mấy lần đều không thuận lợi. Thật ra, hồi Đường Thận lên trường thi Thịnh Kinh thi Hội thì Quý Mạnh Văn cũng là một trong số một vạn thí sinh ở đó, tiếc rằng ông ta vẫn thi trượt. Tuy nhiên, chỉ mấy năm sau, ông ta được Tô Ôn Duẫn bổ làm Phán quan viện Văn Tư nhờ có sở trường về chế tác tinh xảo. Từ đó, ông ta từ bỏ khoa cử để làm một viên quan thất phẩm nhỏ nhoi.

Việc Đường Thận quyết đoán đề bạt Quý Mạnh Văn từ Phán quan thất phẩm lên Chủ sự lục phẩm đã khiến Quý Mạnh Văn sợ xanh cả mặt.

Cử nhân không có công danh gì mà muốn làm quan, chỉ có thể làm đến thất phẩm. Tuy luật lệ Đại Tống không quy định rõ rằng Cử nhân không được làm quan lục phẩm, nhưng từ thời Thái tổ đến nay, chưa có quan lục phẩm nào thuộc hàng Cử nhân.

Quý Mạnh Văn nơm nớp lo âu, sợ sệt đi theo sai dịch đến gặp Đường Thận.

Làm quan ở bộ Công, Quý Mạnh Văn há có thể không biết Đường Thận là ai. Ông ta biết rõ Hữu thị lang Đường đại nhân là một trụ cột của Vương đảng, mới hai mươi ba tuổi đã là đại thần tam phẩm. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Đường Thận và Tô Ôn Duẫn hình như không mấy mặn mà, trong khi Quý Mạnh Văn lại được Tô Ôn Duẫn cất nhắc. Vì lẽ đó, dĩ nhiên Quý Mạnh Văn lấy làm lạ khi Đường Thận thăng chức cho mình.

Vào phòng Hữu thị lang, Quý Mạnh Văn vẫn cúi đầu không dám lên tiếng.

Đường Thận ôn tồn nói: “Ngươi chính là Quý Mạnh Văn phải không?”

Quý Mạnh Văn chắp tay thưa: “Hạ quan Quý Mạnh Văn xin bái kiến Hữu thị lang đại nhân.”

Đường Thận: “Cứ ngẩng lên mà nói chuyện.”

Quý Mạnh Văn ngẩng đầu lên, lúc này ông ta mới nhìn rõ mặt Đường Thận. Giây phút ấy, ông ta không nghĩ rằng chàng trai trẻ trước mặt sẽ thay đổi số phận cả cuộc đời mình sau này.

Nâng đỡ người tài, cải thiện bổng lộc cho thợ thủ công, đấy chỉ là bước đầu trong những dự định của Đường Thận.

Tháng ba năm Khai Bình thứ ba mươi tư, Đường Thận dâng tấu lên hoàng đế, xin lập thêm bộ Tạo Cải, một cơ quan riêng biệt với bốn bộ trong bộ Công. Lần này, ngay cả Triệu Phụ cũng lưỡng lự. Đề xuất này vừa đưa ra đã vấp phải sự phê phán ngầm của chúng quan. Phần lớn mọi người đều bất ngờ khi năm ngoái Đường Thận mới lên chức Hữu thị lang bộ Công mà năm nay đã đòi lập thêm một cơ quan trong bộ.

“Thể chế quan lại của Đại Tống hầu hết là noi theo triều đại trước. Triều đại trước đã áp dụng mấy trăm năm, mà từ thời Thái tổ chúng ta tới nay cũng đã hơn trăm năm, cớ sao phải sửa đổi ngay khi hắn nhậm chức? Rõ ngược ngạo!”

Tuy kinh ngạc nhưng Thượng thư bộ Công Viên Mục không hề lên tiếng phản đối.

May thay, nề nếp quan lại thời này nghiêm minh, bộ Công không còn là nơi dễ kiếm chác như ở triều đại trước, chức vụ ở bộ Công cũng không thuộc dạng việc nhẹ lương cao. Dù có phần không bằng lòng với cách làm của Đường Thận, chúng quan cũng không quá bận tâm. Quyền quyết định lại rơi vào tay Triệu Phụ.

Mùng bốn tháng ba, Vương Trăn khởi hành đến Kim Lăng. Trước khi đi, chàng nhẹ nhàng hôn lên trán Đường Thận, hỏi dịu dàng: “Cảnh Tắc có bao giờ lo lắng không?”

Đường Thận tiễn chàng ra đến cửa, hỏi ngược lại: “Lo lắng điều chi?”

“Em biết rằng thánh thượng vẫn luôn ủng hộ em, nhưng lại chần chừ không quyết khi em xin thành lập bộ Tạo Cải chứ?

Đường Thận cười: “Thánh thượng đang lo rằng quyền thế của ta lớn quá ấy mà. Nếu ta lập riêng bộ Tạo Cải, dĩ nhiên cả bộ sẽ toàn thân tín của ta. Thành thượng lo là lo chỗ đó. Sư huynh, ta nói thế có đúng không?”

Vương Trăn: “Phải phải phải, em cực kì thông minh, nói gì cũng đúng.”

Đường Thận thở dài: “Lần này thật tình ta không chắc chắn đâu. Với thánh thượng của chúng ta, chuyện này chính là điều ngài khó châm chước nhất.”

“Sao phải lo nghĩ thế?”

“Ơ?”

“Năm nay em chưa đến hai mươi ba tuổi, thời gian bệ hạ cân đối triều đình còn hơn tuổi em đến cả giáp. Không bàn tới những chuyện khác, riêng việc này, trên đời chẳng ai bì kịp đương kim thiên tử đâu.”

Chẳng mấy chốc, Vương Trăn rời Thịnh Kinh, xuôi nam về Kim Lăng.

Ba ngày sau, Đường Thận cuối cùng cũng hiểu Triệu Phụ muốn dùng cậu thế nào.

“Các khanh, trẫm vâng mệnh trời phó thác. Từ thời Tuyên đế tới nay, bộ Công tinh thạo kỹ nghệ, trên có đống lương tài giỏi, dưới có thợ khéo hơn người. Giờ trẫm lập ra bộ Tạo Cải, tăng thêm cho bộ Công ba mươi người, mệnh lệnh được ban hành ngay trong hôm nay.”

“Thần Viên Mục lĩnh chỉ.” Thượng thư bộ Công Viên Mục dẫn toàn thể quan viên cùng tiếp chỉ.

Từ đó, bộ Tạo Cải thuộc bộ Công rơi vào tay Đường Thận một cách thuận lợi. Bộ Tạo Cải có quy mô ba mươi người, Triệu Phụ cho phép Đường Thận tùy nghi định liệu. Không một ai trong số ba mươi người ấy được chỉ định cho Đường Thận hết, chính cậu sẽ là người tuyển chọn. Dù cậu có tuyển hai mươi người thợ chỉ đỗ Tú tài, bộ Lại có khi cũng cho phép.

Ân huệ to lớn nhường này khiến nhiều viên quan càng kiêng nể Đường Thận hơn.

Dĩ nhiên, có nhiều người nhún nhường hơn thì cũng có không ít người căm ghét cậu.

Ở xa tận Kim Lăng, khi Vương Trăn biết tin cũng là lúc chàng đang thưởng trà với Tứ thúc nhà mình ở Lang Gia Vương thị. Tứ lão gia nhà họ Vương – Vương Tuệ – tuy là thương nhân nhưng vẫn hiểu quan hệ thiệt hơn trong chốn quan trường. Nhà có hai vị quan nhất phẩm đầu triều, Vương Tuệ thấy nhiều, nghe nhiều rồi cũng quen. Ông thở dài: “Tử Phong, con nghĩ thánh thượng có ý định gì đây?”

Vương Trăn nhìn nước trà xanh trong, rõ ràng một khắc trước thôi chàng còn khen trà này mát lạnh, hương thơm lâu phai, nhưng giờ chàng chỉ đặt chén xuống trong thinh lặng.

Hồi lâu, Vương Trăn bất lực cười rằng: “Chỉ còn mỗi ty Ngân Dẫn mà thôi!”

Mấy hôm sau, Đường Thận nhận thêm một thánh chỉ nữa. Hoàng đế bổ nhiệm cậu làm người đứng đầu Ngu bộ, Thủy bộ và Tạo Cải, cai quản cả ba bộ, nhưng đồng thời cũng tước chức Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn của cậu, bỏ luôn vị trí phó ngự sử được đặt thêm này đi. Bên cạnh đó, ông ta cũng bỏ nốt chức quan của viên Tả phó ngự sử còn lại là Dư Triều Sinh để ban cho anh ta chức khác: Chỉ huy sứ ty Ngân Dẫn Giang Nam.

Đường Thận đã đoán trước kết cục này từ lâu, nhưng cậu không ngờ việc này ảnh hưởng đến cả Vương Trăn. Triệu Phụ tiếp tục tách nhỏ quyền lực mà Vương Trăn đang nắm giữ để san bớt cho Dư Triều Sinh.

Cậu liền gửi thư đến Giang Nam ngay.

Vương Trăn cũng nhanh chóng hồi âm.

“Dạo gần đây hay thức khuya dậy sớm, bỗng dưng biết chuyện này, đâm lại thao thức trở mình, trằn trọc khó ngủ. Cứ tưởng tên ta và Cảnh Tắc sẽ song hành trọn đời, mai đây thể nào cũng đi vào sử sách, nhờ ty Ngân Dẫn mà lưu truyền ngàn năm. Có ai ngờ, người thương đâu chẳng thấy, chỉ thấy Dư Hiến Chi. Buổi trưa ăn cơm nhạt hết cả miệng, hao gầy những một cân.”

Đường Thận đọc xong thì cười mãi, cứ như được chứng kiến Vương Tử Phong viết nhăng cuội bằng điệu bộ hết sức đứng đắn vậy.

Cậu bèn viết thư hồi đáp. Bảy ngày sau, khi nhận được thư, Vương Trăn ngây ra một hồi.

Vương Tuệ ngồi cạnh tò mò hỏi: “Phải thư Đường Cảnh Tắc đấy không?”

Vương Trăn đặt tay lên tim, quay sang hỏi Vương Tuệ: “Mỗi khi Tứ thúc thúc buôn bán xa nhà, Tứ thẩm có viết thư cho tứ thúc thúc bao giờ không?”

“… Tất, tất nhiên là có.”

“Ồ, thế tức là không viết rồi.”

“…”

“Cái tình trong đây, e rằng Tứ thúc thúc khó mà hiểu được.”

Vương Tuệ: “…”

Cái quái gì vậy!

Đường Thận nào có hay, cậu chỉ viết một lá thư hồi âm mà Vương Tử Phong nâng niu đọc suốt hai đêm, không nỡ cất vào hộp thư.

Trên lá thư ấy, những lời yêu thương nặng ngàn vàng được viết nên bằng nét chữ vô cùng khoáng đạt: “Trước khi gạt ta, huynh lại quên hôn ta rồi. Sư huynh nói lời chẳng giữ lấy lời, nhưng mà ta không giống sư huynh đâu. Từ lâu, tên của ta và sư huynh đã bện chặt không rời, ghi lên đá ba sinh. Dẫu là trong sách sử ngàn đời sau, cũng không phải không thể xuất hiện bên nhau. Sư huynh có tin, ty Ngân Dẫn chưa chắc đã thắng bộ Tạo Cải không…”

Nội dung sau đó Vương Trăn chẳng đọc bao nhiêu, mà thật ra cũng chẳng mấy quan trọng.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây