Sơn Hà Bất Dạ Thiên

156: Chương 156


trước sau

Vụ án của Tôn Thượng Đức liên đới đến rất nhiều người. Triệu Phụ giao cho bộ Hình và Đại lý tự phối hợp tra án.

Điều bất ngờ là Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh không hề có tên trong danh sách, không được phép vào Đại lý tự thẩm tra tội quan trong diện điều tra. Động não một chút thôi, mọi người cũng hiểu ra: Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh đã công tác ở Hình châu vào năm Khai Bình thứ mười chín!

Vụ án cũ từ mười bảy năm trước này dính líu đến vô số người, rất khó để tra xét kĩ lưỡng. Hai tháng thấm thoắt trôi qua, án Hình châu còn chưa kết luận, biến cố đã phát sinh ở Tây Bắc.

Mùng sáu tháng ba năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, một toán quân nhỏ gồm ba mươi tám người của đại doanh Tây Bắc bất ngờ đánh sang biên giới Liêu, bắt sống gần một trăm lính và chặt đứt tuyến đường cung cấp lương thảo của người Liêu. Ngay trong đêm tối, lợi dụng thời cơ người Liêu còn say giấc nồng, Thiên hạ Binh mã Đại nguyên soái Chu Thái sư điều động ba mươi nghìn quân tràn sang biên giới địch.

Giáo mác ngời ánh kim, vó sắt rền trời đất.

Hồi trống dồn dập của lính gác trên tường thành đã đánh thức đoàn quân Liêu từ giấc mộng đẹp. Họ cuống cuồng mặc khôi giáp, quáng quàng quơ vũ khí. Quân Liêu chạy được đến cổng thành thì quân Tống đã phá toang nửa cánh cổng.

Binh quý thần tốc, dưới sự vây hãm bất ngờ của ba vạn quân Tống, lính Liêu có dũng mãnh, thiện chiến gấp mấy đi chăng nữa cũng bị đánh cho tơi bời.

Mấy chục năm về trước, thành trì ở vùng giáp ranh giữa Tống và Liêu này vốn thuộc về Đại Tống. Xưa kia thành được gọi là Tiêu châu, ngày nay nước Liêu đổi tên là phủ Đại Đồng. Phủ Đại Đồng có địa thế gập ghềnh hiểm trở, ba mặt giáp núi, dễ thủ khó công. Ngay cả khi quân Tống phá nửa cổng thành, quân Liêu vẫn giữ được thành sau khi kịp chỉnh đốn.

Tướng thủ thành Tiêu Hàn sôi máu phái người về phủ Lâm Hoàng: “Bay khẩn trương báo tin quân Tống xâm lược cho Vương tử Thái sư đại nhân, nói rằng bọn quân Tống dám tuyên chiến với Đại Liêu ta! Vừa hay, chúng ta thừa cơ chiếm luôn mấy vùng U châu cho lũ người Tống tha hồ nhục nhã.”

“Tuân lệnh.”

Quân Liêu cố thủ cổng thành, quân Tống kiên trì tiến đánh.

Hai phe giằng co ở phủ Đại Đồng suốt ba ngày trời mà tướng giữ thành Tiêu Hàn vẫn bình chân như vại. Tuy hắn không phải đại tướng lừng danh, song giữ thành phủ Đại Đồng chỉ là chuyện muỗi với hắn. Thế nhưng sang ngày thứ tư, quân lương đáng lí phải tới vẫn vắng bóng trên đường mòn bí mật. Bấy giờ Tiêu Hàn mới thấy không ổn.

“Gay rồi, chẳng nhẽ quân lương gặp sự cố?”

Ở đầu kia chiến tuyến, Lý Cảnh Đức tay cắp nách chiếc mũ giáp sắt dày và nặng, chân sải bước vào trong trướng Nguyên soái. Tháng ba Tây Bắc lạnh thấu xương mà người Lý Cảnh Đức ướt đầm. Hắn quệt quệt khuôn mặt sũng mồ hôi, rồi ôm quyền chào kiểu nhà binh: “Lý Cảnh Đức bái kiến Đại nguyên soái. Dựa theo địa điểm mà tên lính Liêu khai nhận, thuộc hạ đã dẫn quân bắt gọn hai đội vận lương của nước Liêu.”

Gương mặt nghiêm nghị của Chu Thái sư lộ vẻ vui mừng hiếm hoi. Ông hô lên sang sảng: “Giỏi lắm! Chính ngươi đã ép tên lính đó cung khai phải không?”

Lý Cảnh Đức gãi gãi mũi. Là người tử tế, đời nào hắn nhận vơ công sức của người khác: “Không phải là thuộc hạ, mà là… quan Tham tri chính sự Tô Ôn Duẫn của điện Cần Chính. Thằng nhãi đó từng giữ chức Thiếu khanh Đại lý tự, mấy trò ép cung y làm nhanh như chảo chớp.”

Chu Thái sư lườm hắn: “Phải nói là dạo này ngươi ghê gớm phết rồi đấy1. Người ta là Tô đại nhân, đâu ra thằng này thằng nọ?”

Lý Cảnh Đức cười hề hề.

Quân sư đứng bên cảm khái: “Bốn năm trước chúng ta đã phát hiện đường mòn vận lương của quân Liêu nhưng giữ kín bí mật, cốt là để chờ dịp này. Cuối cùng, thời cơ đã đến. Nguyên soái, đây chính là cơ hội nghìn vàng!”

Chẳng mấy chốc lại có thêm mấy đại tướng Tây Bắc vào bàn sách lược trong trướng Nguyên soái.

Trong khi đó, chỉ sau vài ngày đến U châu, nhị hoàng tử Triệu Thượng đã hoàn toàn mất phương hướng, không biết phải xoay xở thế nào!

Chu Thái sư tuyệt nhiên không tiết lộ cho Triệu Thượng về cuộc đột kích phủ Đại Đồng. Sớm hôm sau trận đánh, khi quân sư đập cửa phòng rối rít, Triệu Thượng mới choàng tỉnh giấc nồng, mắt hẵng còn díp tịt và có phần bực bội. Anh ta mở cửa thì thấy người tâm phúc mặt mày khiếp đảm nói với mình: “Phản rồi, ôi phản rồi! Nhị điện hạ, Thái sư dẫn quân đánh Liêu, bội ước, khai chiến rồi!”

Như sét đánh ngang tai, bấy giờ Triệu Thượng mới tỉnh ngủ.

Tây Bắc khai chiến, Lý Cảnh Đức đích thân dẫn quân về phong tỏa thành U Châu.

Nghe tin Lý Cảnh Đức về thành, Triệu Thượng tức tốc đến tìm hắn nhưng rồi cũng chưng hửng. Lý Cảnh Đức đã rời thành từ lâu.

Kể từ lúc đó, Triệu Thượng cứ ở lại thành trong trạng thái mù mịt tin tức suốt bốn ngày trời. Cả anh ta lẫn quân sư của mình đều không hiểu nổi Chu Thái sư lấy đâu ra can đảm đánh úp quân Liêu! Dù ông đánh hạ phủ Đại Đồng thì sao chứ? Chỉ cần quân Liêu có thời gian chỉnh đốn, xua đại quân áp sát biên cương, phe thảm bại dứt khoát không phải người Liêu.

Chu Thái sư nếm mật nằm gai mười năm trên sa trường mới mang về hiệp ước hòa bình năm Khai Bình thứ mười.

Tại sao bây giờ ông lại tự tay xé bỏ hòa ước quý báu đấy!

Triệu Thượng vắt óc suy nghĩ nhưng vẫn không tài nào hiểu nổi. Lần này thì ngay cả quân sư của anh ta cũng không có câu trả lời. Đến ngày thứ năm thì Triệu Thượng đã quá đỗi hoảng loạn. Thậm chí anh ta còn nghĩ, chuyến này mình bỏ xác ở U châu cũng nên. Đúng lúc đó, đại doanh Tây Bắc bất ngờ cử người đến phủ Triệu Thượng. Mắt Triệu Thượng sáng bừng: “Mau mời vào!”

Một viên tướng trẻ mặc giáp ôm quyền hành lễ: “Tiểu đích2 tham kiến Nhị điện hạ. Tiểu đích vâng lệnh Đại nguyên soái tới đón điện hạ sang đại doanh.”

[2] Cách xưng hô của người có địa vị thấp hơn trong quân đội.

Triệu Thượng vui mừng khôn xiết, cuối cùng Chu Thái sư cũng nhớ tới kẻ như mình rồi chăng?

Triệu Thượng còn chưa trả lời thì người quân sư đã kéo anh ta sang một bên, thấp thỏm nói: “Điện hạ, hiện giờ Chu Thái sư hành động rất quỷ quyệt và khó lường. Tôi e đại doanh Tây Bắc là tiệc Hồng Môn. Điện hạ đi chuyến này lành ít dữ nhiều.”

Triệu Thượng bừng tỉnh. “Tiên sinh nói chí phải. Có khi nào Chu Thái sư đột ngột đánh Liêu để tạo phản chăng? Nhưng bây giờ biết làm sao, ông ta phái người đến đón, ta đâu thể không đi? Cả thành U châu này có ai dám trái lệnh Thái sư!”

Quân sư toan nói “Chi bằng điện hạ cứ đi, tôi ở lại đây tiếp ứng ngài”, song thấy ánh mắt chằm chặp của Triệu Thượng, ông ta chỉ biết than thầm. Phen này kiểu gì cũng không thoát được, Triệu Thượng không đời nào cho phép ông ta bỏ trốn một mình. Ông mà nói câu này ra thì quan hệ giữa hai người hỏng bét, chết là cái chắc, nhưng không nói thì cũng chỉ còn đường chết mà thôi.

Quân sư của Triệu Thượng suy tính hồi lâu mới bảo: “Xin điện hạ viết ngay một phong thư, tiểu nhân sẽ sai người rình xem có lén gửi ra khỏi thành được không.”

Mắt Triệu Thượng đỏ hoe: “Chỉ làm được thế thôi à?”

Quân sư nghiến răng: “Chỉ được thế thôi ạ.”

Triệu Thượng: “Đành để tiên sinh nhọc nhằn theo bản điến hạ chuyến này vậy.”

Người quân sư siết chặt tay Triệu Thượng, đôi mắt rưng rưng.

Hai người được bốn binh sĩ dẫn đến đại doanh Tây Bắc. Đến lúc gặp Chu Thái sư tối đó, Triệu Thượng đã nhũn như con chi chi, chẳng rặn nổi một tiếng.

“Điện hạ.” Chu Thái sư chắp tay coi như hành lễ, tác phong gọn gàng nghiêm chỉnh.

Triệu Thượng: “Thái… Thái sư đại nhân.”

Chu Thái sư im lặng nhìn anh ta hồi lâu. Tuy ánh mắt ông không thể hiện cảm xúc gì, nhưng không hiểu sao Triệu Thượng cảm thấy ông cực kì thất vọng về mình. Không đợi Triệu Thượng nghĩ kĩ, Chu Thái sư đã nói: “Hai quân khai chiến không phải việc mình lão phu quyết định được. Giờ lão phu có thánh chỉ này ở đây, còn điện hạ vừa hay là quan thi hành lệnh.” Vừa nói, ông vừa đưa thánh chỉ cho Triệu Thượng, “Điện hạ hãy tuyên đọc thánh chỉ để Tống Liêu khai chiến đi.”

Triệu Thượng sợ run như dẽ, khóc không ra nước mắt. Đôi tay anh ta lẩy bà lẩy bẩy, không dám tiếp “thánh chỉ giả”.

Chu Thái sư thở dài thườn thượt, chẳng buồn che đậy nỗi ngán ngẩm trong lời lẽ nữa: “Đây là thánh chỉ thật. Bệ hạ đã đóng ấn ngự ngay trước khi thần rời kinh năm ngoái.”

Triệu Thượng: “Hả?”

Anh ta không thể tưởng tượng nổi, Triệu Phụ phái mình tới U châu trước cả năm trời chính là vì trận đại chiến Tống – Liêu ngày hôm nay!

Trong chiến tranh, tình thế biến chuyển khôn lường chỉ trong tích tắc. Vài ngày ít ỏi là đủ định đoạt cuộc giao phong giữa hai nước.

Đối với quân Tống, thắng Liêu là việc dễ nói hơn làm. Họ dứt khoát phải chớp được thời cơ then chốt. Người Tống dày công sắp đặt bao nhiêu năm ở Tây Bắc cũng chính là vì thời cơ này. Nếu phái người về Thịnh Kinh xin chỉ, nhanh cách mấy cũng mất đứt sáu ngày cả đi lẫn về. Sáu ngày ấy rất có thể khiến quân Tống thảm bại. Chính vì thế mà một năm về trước, Triệu Phụ đã viết sẵn thánh chỉ giao cho Chu Thái sư để ông được phép khai chiến bất kì lúc nào.

Tuy nhiên, chỉ mỗi thánh chỉ thôi thì chưa đủ chính thống. Cần có thêm một hoàng tử tuyên đọc thánh chỉ mới ngăn nổi thiên hạ đồn ra đồn vào.

Khi Chu Thái sư xin với Triệu Phụ việc này, Triệu Phụ còn đang ốm liệt giường. Ông dựa lưng vào chiếc gối rộng và mềm, bình thản nhìn tấm chăn dệt từ tơ tằm và chỉ vàng. Hồi lâu sau, ông hỏi: “Thái sư cảm thấy ai trong ba hoàng tử của trẫm đủ tài đức nối ngôi?”

Thái sư nghiêm nghị đáp: “Về chuyện hoàng vị, lão thần tin bệ hạ đã có kết luận của riêng mình.”

Triệu Phụ nói: “Giữa học trò và Thái sư cần gì phải rạch ròi đến vậy? Ngài cứ nói đi Thái sư, trẫm hỏi thật lòng, không hề có ý khác.”

Chu Thái sư nhìn xuống vị vua tóc bạc trắng thật lâu, rồi ông thở dài: “Lão thần xin nghe bệ hạ tất.”

Triệu Phụ cười: “Đúng thế. Ba hoàng tử của trẫm chẳng được tích sự gì, rặt một lũ bất tài vô tướng, an phận thủ thường.”

Chu Thái sư không trả lời ông.

Triệu Phụ cũng không nói gì thêm nữa.

Yên tĩnh kéo dài như vô tận là sự thấu hiểu thầm lặng giữa vua tôi.

Trong không gian yên ắng đấy, Triệu Phụ thì thào: “Thôi thì cho Triệu Thượng, nó là đích trưởng tử của trẫm.”

Giờ đây khi cầm thánh chỉ, Triệu Thượng mới vỡ lẽ. Toàn bộ chuyến đi đến đại doanh Tây Bắc khác xa tưởng tượng của anh ta. Anh ta mơ màng trở về quân trướng của mình, thuật lại chân tướng cho quân sư chờ đợi đã lâu. Quân sư tròn mắt ngạc nhiên, vỡ òa trong niềm vui sướng: “Chúc mừng điện hạ, chúc mừng điện hạ! Dù kết quả cuộc đại chiến này có ra sao thì điện hạ cũng được chọn làm trữ quân tương lai rồi!”

Mãi đến lúc ấy Triệu Thượng mới hồi thần. Anh ta cười ngất, chỉ thấy đúng là khổ tận cam lai.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây