Sơn Hà Bất Dạ Thiên

27: Chương 27


trước sau

Ngày hôm sau, Đường Thận và Từ Tuệ cùng nhau đi về hướng Bắc, tới huyện Sa Châu. Hỏi loanh quanh một hồi cũng tìm được nhà Triệu cử nhân.

Từ Tuệ cầm sách định gõ cửa, đã nghe thấy trong nhà có tiếng khóc thảm thiết. Đường Thận ý nhị liếc Từ Tuệ. Từ Tuệ gõ cửa, một người phụ nữ mặc áo sô gai trắng ra mở cửa. Thấy hai anh em, người phụ nữ khá hoang mang, chợt bà phát hiện nội sam của Đường Thận và Từ Tuệ đều là áo tang trắng, hiển nhiên là đang để tang cho ai đó.

Bà ta hỏi: “Không biết nhị vị công tử đến tìm ai ạ?”

Đường Thận nói: “Chúng tôi tìm Triệu cử nhân. Dịp này năm ngoái, tôi và Lương tiên sinh – Lương Bác Văn có đến huyện Sa Châu mượn một cuốn sách. Đó chính là cuốn này.”

Từ Tuệ lịch sự trả sách bằng cả hai tay.

Một người đàn ông trung niên bước tới sau lưng người phụ nữ, cả hai ông bà đều nước mắt hoen mi. Ông ta nhận sách, nói với Đường Thận: “Tôi vẫn nhớ. Cậu là học trò của Lương đại nhân, nghe nói năm ngoái đỗ tiểu tam nguyên đồng sinh. Chỉ tiếc rằng hai cậu đến trễ, cha tôi đã mất mấy hôm rồi. Cảm ơn các cậu đã trả sách.”

Trong nhà quàn một cỗ áo quan, người đàn ông và người phụ nữ đang thủ linh và khóc tang.

Đường Thận nói: “Liệu chúng tôi có thể thắp một nén hương cho Triệu cử nhân được không ạ?”

“Mời hai cậu.”

Đường Thận và Từ Tuệ vào phòng, mỗi người thắp một nén nhang cho cử nhân họ Triệu.

Từ Tuệ hỏi: “Chẳng hay Triệu cử nhân đi thế nào ạ?”

Anh vừa hỏi xong, cả người đàn ông lẫn người đàn bà nọ đều bụm mặt òa khóc. Người con trai nói: “Cha tôi cách đây mấy hôm đã tự ải rồi bỏ mình! Từ lúc Lương đại nhân, La đại nhân qua đời, tôi đã lường trước được. Bao nhiêu đại nho cùng ra đi, trong khi cha tôi đã mất chí sống từ hai mươi năm trước rồi. Thế mà đề phòng bao nhiêu cũng không nổi, đêm hôm ấy, cha tôi bí mật lấy dây thừng, thắt cổ mà ra đi!”

Đường Thận và Từ Tuệ choáng váng.

Nghe người đàn ông này giải thích, hai người mới vỡ lẽ, hóa ra Triệu cử nhân cũng tạm coi là một phần tử của Tùng Thanh đảng.

Hai mươi sáu năm trước, Tùng Thanh đảng chưa có tên gọi ấy, cũng chưa kết thành đảng phái, chỉ là một nhóm những học giả trẻ tuổi được thư sinh trong thiên hạ hâm mộ. Ai mà không muốn được gia nhập Tùng Thanh đảng, bày tỏ lòng tôn sùng của bản thân với các đại nho trong thiên hạ? Triệu cử nhân may mắn được tham gia hội văn Tùng Thanh một lần, đó cũng là lần ông có duyên gặp mặt Lương đại nho.

Sau khi Chung đại nho bị giam vào thiên lao, con đường làm quan của Triệu cử nhân cũng không được như ý. Ông bị người ta hãm hại nhiều lần, cuối cùng rơi vào cảnh thất thế, chỉ có thể về quê làm ruộng.

Đường Thận giờ mới hiểu tại sao Triệu cử nhân tuy là cử nhân mà gia cảnh lại khốn đốn thế. Lần đầu cậu gặp Triệu cử nhân đã thấy lạ kì, không ngờ chân tướng là như vậy.

“Thiên hạ ai cũng biết, Chung đại nho qua đời, bảy vị đại nho khác đã chết theo ngài ấy. Nhưng thiên hạ có ai hay, cha tôi cũng tuẫn tiết theo các ngài chứ?” Người con trai đau đớn tột độ, dập đầu xuống đất, “Cha ơi, sao cha hồ đồ thế, sao cha nỡ bỏ con và Huệ nương để đi một mình! Con trai vẫn chưa làm tròn bổn phận dưỡng lão cho cha mà!”

Đường Thận và Từ Tuệ không biết nói gì hơn, hai người rời khỏi Triệu gia.

Từ Tuệ than: “Chẳng biết thiên hạ còn bao nhiêu người, ở những nơi không ai biết, lẳng lặng tìm đến dải lụa bạch. Khí tiết sĩ tử như bầu máu nóng, vui buồn lẫn lộn.”

Đường Thận mấp máy môi, nhưng rốt cuộc không nói gì được. Cậu siết chặt nắm tay.

Tiên sinh, thứ mà thầy coi là đáng giá, liệu có đáng giá thật không?

Hai người lên xe rời khỏi huyện Sa Châu, Đường Thận nhìn thấy núi Hương Sơn ở đằng xa. Còn nhớ một năm trước cậu và Lương Tụng đến huyện Sa Châu, thầy trò hai người cùng nhau lên núi. Đường Thận nói: “Dừng ở đây được không? Ngu Chi, em muốn leo lên ngọn núi kia. Năm ngoái tiên sinh và em đến đây, đã cùng nhau leo lên núi.”

Từ Tuệ nói: “Được, chỉ có điều anh có việc bận, không chờ em được.”

“Không sao, em có thể tự quay về thành Cô Tô.”

Từ Tuệ gật đầu.

Đường Thận xuống xe ngựa, một mình đi đến Hương Sơn.

Đi qua suối Hoa Đào, qua đường mòn Thải Hương, Đường Thận vịn lên những mỏm đá, trèo lên tận đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt có thể trông thấy phong cảnh non nửa phủ Cô Tô. Xa xa có khói bếp nhà dân, gần bên là biển tùng xào xạc. Ngút ngàn mây trùng điệp, vang lừng tiếng trăm chim.

Đường Thận cứ lặng lẽ đứng trên đỉnh núi thật lâu.

Lâu thật lâu sau, cậu hét vang: “Núi cao ta trông, đường rộng ta đi. Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về!”

“Cảnh, là lớn lao.”

“Tắc, là rèn giũa.”

“Tiên sinh, thầy biết con xưa nay luôn cẩn ngôn thận hành, cẩn tiểu thận vi. Tuy dám mạnh miệng bàn về chí lớn, song lòng con không ấp ủ hoài bão vĩ đại gì. Mưu cầu cái nhỏ, không ham cái to.”

“Cảnh Tắc, Cảnh Tắc!”

Môi Đường Thận mấp máy, nhưng không cách nào diễn tả suy nghĩ thành lời.

Ngay từ thuở ban đầu, Lương Tụng đã muốn dạy cậu rằng, làm người có thể chọn ngao du khắp thế gian đây đó, cũng có thể chọn sống thanh thản cả đời, nhưng từng phút từng giây…

Cảnh Tắc, con vĩnh viễn đừng quên lời mình từng nói, thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách!

Trước đây cậu mượn câu này của Cố Viêm Vũ, dùng kế để bái Lương Tụng làm thầy, nhưng chưa bao giờ cậu thực hiện lời tuyên bố ấy. Thiên hạ này, có Lương Tụng, La Chân, lưng đeo tiếng oan thiên cổ mà chẳng có sức xoay đất chuyển trời, đành phải lấy cái chết tỏ chí; thiên hạ này, còn có Triệu cử nhân ra đi thầm lặng ở nơi hẻo lánh hoang vu, vĩnh viễn không được ghi vào sử sách, nhưng chẳng vì thế mà đem lòng oán hận!

Đường Thận lặng ngắm phủ Cô Tô dưới chân núi, nói: “Thầy ơi, xin thầy yên trí. Lời hứa của con với thầy, con nhất định sẽ thực hiện được.” Dứt lời, cậu xuống núi, đến đêm thì trở về phủ Cô Tô.

Lúc Đường Thận về tới nhà thì Đường Hoàng và Diêu Tam đã sốt ruột đến nỗi chuẩn bị xông ra đường tìm cậu rồi.

Thấy anh về, Đường Hoàng nhào đến túm tay: “Em lo chết đi được! Anh à, anh đi tuốt tận đâu thế? Từ đại nhân nói anh leo núi ở huyện Sa Châu rồi tự về nhà. Khuya trầy khuya trật rồi, em tưởng anh không tính về luôn.”

Diêu Tam nói: “Tiểu đông gia, trong bếp còn thức ăn phần cậu đấy, để tôi hâm nóng lại cho cậu nhé.”

Đường Thận: “Được ạ.”

Ăn cơm xong, Diêu Tam đã đun sẵn nước nóng. Đường Hoàng thì về phòng luyện chữ, đây là bài tập kế toán Lâm giao cho con bé. Đường Thận tắm xong, đang suy ngẫm xem phải làm thế nào để thực hiện hoài bão “thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” mà mình đã hứa với tiên sinh thì bỗng nghe tiếng ai gõ cửa. Đường Thận ra mở cửa, thì ra là Từ Tuệ ghé thăm.

Từ Tuệ trông khá phong trần mệt mỏi, anh mặc sẵn áo bông dày ấm, dường như sắp đi xa.

Đường Thận hỏi: “Anh Ngu Chi phải rời Cô Tô đi nhậm chức mới rồi ạ?”

“Ừ. Trước khi đi có chút việc này, anh nghĩ ngợi mãi, cuối cùng quyết định là nên nói với em luôn.”

Đường Thận: “Việc liên quan đến tiên sinh hả anh?”

Từ Tuệ đáp: “Đúng rồi em. Trước khi lâm chung, đại nhân để lại cho anh một phong thư, dặn dò hết mọi chuyện hậu sự. Chức huyện lệnh của anh cũng do đại nhân lo liệu từ sớm. Vốn sáng sớm hôm ấy, quản gia báo tin Chung đại nhân mất trong ngục, đại nhân đã có tử chí rồi. Vừa hay lúc ấy em đến, ngài gặp em xong coi như đã hoàn thành tâm nguyện cuối cùng, nên lúc ra đi không tiếc nuối gì nữa cả.”

Đường Thận: “Lẽ nào tiên sinh còn có lời muốn nói với em?”

Từ Tuệ do dự giây lát, rút từ tay áo ra một phong thư. “Thư này vốn không nên đưa em ngay bây giờ. Đại nhân dặn, chờ khi nào em đỗ cử nhân thì anh hẵng trao thư cho em. Nhưng anh không đợi được. Giờ anh đi xa nhậm chức, không biết bao giờ mới có ngày gặp lại em. Nếu năm nay em không đỗ, chẳng lẽ anh lại đợi ba năm nữa rồi mới giao thư ư? Nhỡ ba năm ấy có chuyện gì bất trắc xảy ra, anh không có cách nào đảm bảo được. Thế nên anh đành làm trái lời đại nhân dặn, gửi em bức thư này luôn.”

Đường Thận nhận thư bằng cả hai tay.

Từ Tuệ: “Thật áy náy quá, anh chỉ có thể làm được đến đây. Giờ phải đi gấp đến nơi làm việc mới.”

Đường Thận: “Chuyến này đi núi dài sông rộng, chẳng biết đời này có cơ hội tái kiến không, anh Ngu Chi lên đường cẩn thận.”

“Đa tạ, không cần tiễn anh đâu.”

Đường Thận trở về phòng, đặt phong thư lên bàn. Đây là bức thư Lương Tụng để dành đến khi cậu thành cử nhân, giờ cậu vẫn chỉ là tú tài, rốt cuộc có nên mở hay không đây? Từ Ngu Chi chọn cái dễ, để cái khó cho cậu, thành ra cậu lại phải nhức đầu rồi.

Đường Thận đắn đo một hồi, quyết định: “Mở!”

Thư bóc ra, trên nền giấy Tuyên trắng muốt phủ kín những dòng chữ trâm hoa tiểu Khải đẹp đẽ.

Cảnh Tắc, khi con thấy thư này, thầy đã rời nhân thế được nửa năm. Ta và con có duyên thầy trò, thế mà vi sư lại bỏ con để đi trước, thật thất trách biết bao. Hôm nay con đỗ cử nhân, vi sư không thể tận mắt chứng kiến, ấy là nỗi ân hận lớn nhất đời thầy. Vi sư biết con vẫn mong yên ổn qua ngày, như thế không có gì là không tốt cả. Khi thầy đi rồi, chẳng may Đường gia có biến, không thể đỡ đần con, con hãy đến Thịnh Kinh tìm người này.

Ông ấy tên là Phó Vị, tự Hi Như, hiệu là Điêu Trùng trai chủ. Bức tranh thầy trò mình bình phẩm ngày song cửu trùng dương chính là tranh của ông ấy.

Phó Hi Như là bạn lâu năm của thầy, con mang lá thư này đi gặp ông ấy, ông ấy sẽ chiếu cố con đến tận mai sau.

“Thầy ơi!” Đường Thận đọc đến đấy thì nghẹn ngào. Cậu không ngờ tuy tiên sinh đã ra đi, nhưng ông chưa từng quên người học trò là cậu. Thầy đã thu xếp sẵn từng bước đường lui cho cậu rồi!

Phong thư vẫn còn trang thứ hai, Đường Thận lật sang trang đó, thấy rõ nội dung thì run rẩy.

Nếu con có ý định bước chân vào hoạn lộ, thì vi sư là tàn dư của Tùng Thanh đảng, vốn không nâng đỡ được cho con. Thậm chí, cái tiếng là học trò Lương Bác Văn có thể hại tới tính mạng con. Trong trường hợp con quyết chí làm quan, khi tới Thịnh Kinh, hãy lấy chiếc lá bạc thầy để trong phong thư đưa cho Phó Hi Như rồi bái ông ấy làm thầy, từ nay về sau không được nhắc đến tên thầy nữa.

Con chớ chủ quan mà không vâng lời thầy. Phó Hi Như tuy không đứng đầu Tứ nho thiên hạ, nhưng nếu con là đồ đệ của ông ấy, quan lộ tương lai của con sẽ rộng mở vô cùng.

Ngoài ra con phải nhớ kĩ, nhận Phó Hi Như làm thầy không phải là việc quan trọng nhất. Sở dĩ thầy bảo con làm đồ đệ của ông ta, là bởi Phó Hi Như có một học trò tên Vương Trăn, tự Tử Phong. Trong bốn mươi năm làm quan của thầy, chỉ có người này là giỏi làm quan nhất, giỏi lãnh đạo nhất, phù hợp với con đường làm quan nhất, chưa kể còn có chỗ dựa vững chắc là Lang Gia Vương thị. Nếu con bái Phó Hi Như làm thầy, con sẽ thành sư đệ của Vương Tử Phong, đây là lối tắt duy nhất để con tiếp cận nó.

Vương Tử Phong là người sâu không lường được, lấy lòng tin của nó không hề dễ dàng, nhưng mưa dầm thấm lâu ắt có cơ hội.

Nếu con có thể cùng chung chiến hào với nó, vi sư trên trời có linh cũng được an tâm yên nghỉ.

Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.

Mong năm sau con ra mộ thắp hương cho ta sẽ mang theo nước trái cây con từng ủ, chua ngọt ngon miệng, có thể gợi lại hơi ấm nhân gian.”

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây