Sơn Hà Bất Dạ Thiên

35: Chương 35


trước sau

Miếu Khổng Tử trong Quốc Tử Giám này khác hoàn toàn với miếu Khổng Tử Đường Thận đã từng viếng thăm ở thời hiện đại.

Giống như cung Ích Ung, ngôi miếu nằm phía sau học xá Quốc Tử Giám bình thường cũng là nơi học sinh không được đi vào. Hằng năm ngoại trừ ngày kỵ1 của Đức thánh Khổng ra, chỉ khi có kì thi Hương và thi Hội ba năm một lần, các học trò dự thi mới được Tế tửu dẫn vào miếu làm lễ cầu phúc.

Đi vào từ cổng Tiên Sư, băng qua vườn bia Tiến sĩ, ba người Đường Thận đi nhẹ nói khẽ, không dám ngẩng đầu, yên lặng theo sau Quý công công.

Đi một hồi thì tới từ đường Sùng Thánh nằm trong cùng miếu Khổng Tử. Quý công công khua phất trần, mỉm cười nói: “Kẻ tôi tớ2 xin dừng ở đây, mời ba vị học tử vào bên trong.”

Ba người Đường Thận nói: “Cảm ơn công công.”

Đại nội thị vệ canh giữ ngoài từ đường Sùng Thánh mở cửa cho ba người, nhưng không ai đi vào trước. Đường Thận nhìn sàn gạch sẫm màu, thình lình, cậu cất bước trước tiên, Lưu Phóng và Mai Thắng Trạch liền đi theo cậu.

Ba người vào bên trong, cánh cổng lớn kĩu kịt đóng lại.

Trong chính đường của khu từ đường Sùng Thánh đặt một pho tượng Đức thánh Khổng cao bằng người thật, tạc từ bạch ngọc. Trong không gian thoang thoảng mùi long diên hương, bên trái đặt một tủ vuông Lượng Cách3 có trạm trổ, trưng bày vô số bảo vật quý hiếm. Bên phải treo một bức cảnh núi lúc chiều tà. Trong rặng núi trên tranh có ngọn Thái Sơn là nguy nga bề thế nhất, vươn mình lấn át những ngọn núi nhỏ.

[3] Một loại tủ để trưng bày, ảnh dưới chú thích.

Ba người Đường Thận ngẩng đầu thì thấy một ông cụ khoác áo bào trắng, da trắng, râu mảnh, đang ngồi nghiêm trang ở ngôi chánh vị. Cả ba kinh hãi, Lưu Phong và Mai Thắng Trạch sụp xuống ngay tắp lự. Đường Thận không có phản xạ quỳ, nên hai người kia quỳ xuống xong cậu mới vội vã sụp lạy. Sau đó, Triệu Phụ hòa ái nói: “Đứng dậy đi.”

Lệnh vua vừa ban, hai thái giám trẻ theo hầu Triệu Phụ liền tiến tới đỡ ba người dậy.

Lưu Phóng và Mai Thắng Trạch nhìn nhau, sự kích động pha lẫn ngỡ ngàng bao trùm lên họ.

Ngay cả tam khôi5 thi Đình mỗi kì cũng chẳng có cơ hội tiếp xúc với Thiên tử ở cự ly gần đến thế! Hơn nữa, dù hiện nay bọn họ là những cá nhân xuất sắc ở Quốc Tử Giám thì cũng chưa chắc sau này đã đề danh bảng vàng hay đỗ đệ nhất giáp thi Đình. Họ chỉ là những cử nhân nhỏ nhoi, thậm chí Đường Thận mới chỉ là tú tài!

Có tú tài nào may mắn được thấy mặt rồng kia chứ?

Triệu Phụ khác hẳn với những gì ba người Đường Thận tưởng tượng. Ông khoác trên mình đạo bào thêu chỉ bạc, tác phong rất mực ôn hòa. Hoàng đế nói với cả ba: “Hỏi chuyện bình thường thôi ấy mà.”

Ba người thưa: “Xin vâng lệnh.”

Ánh mắt Triệu Phụ chăm chú quan sát ba chàng thanh niên tài tuấn, nhưng trông bàn tay ve vuốt chung trà của hoàng đế, hai thái giám thân cận của ông đều ngầm hiểu: Bệ hạ đã hết sạch kiên nhẫn rồi.

Nửa năm trước, Chung Thái Sinh bị hoàng đế ngấm ngầm hạ độc trong thiên lao, rồi phao lên thành lâm bệnh nặng mà chết. Sau đấy, triều đình tổn thất bảy vị đại thần kì cựu chỉ trong một đêm. Song thiên hạ không ai biết đã có hai mươi quan viên phẩm cấp thấp cũng bỏ mình theo, tất cả đều từng là thành viên của Tùng Thanh đảng!

Từ độ ấy, Triệu Phụ cứ nghĩ tới việc này là buồn bực không thôi, dần dà sinh căm tức. Mãi đến nửa tháng trước khi Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân đề xuất bệ hạ lâm Ung, ngõ hầu lôi kéo lòng văn sĩ trong thiên hạ, tâm tình hoàng đế mới khởi sắc.

Thái giám nghĩ thầm: Chẳng qua là ba người đứng đầu quán khóa Quốc Tử Giám thôi, chắc gì đã đỗ tiến sĩ! Kể cả Trạng nguyên đi chăng nữa, trong hai mươi sáu năm nay Thánh thượng ở ngôi đã có đến tám Trạng nguyên rồi, nhưng mấy ai lọt vào mắt xanh của Thánh thượng? Phần lớn những kẻ đó hiện giờ chỉ làm chân biên soạn nhàn tản ở Hàn Lâm viện chứ đâu xa!

Hoàng đế thì muốn gây thanh thế cho trót, nhưng ông ta chẳng hứng thú với việc hỏi han ba học trò này.

Đúng lúc ấy, Quý công công bước vào, đi tới bên Triệu Phụ. Lão ta liếc mắt đã biết Triệu Phụ muốn đuổi ba người học trò này đi, nhưng chưa kiếm được cớ thích hợp. Quý công công nghĩ mưu nhanh như chớp, châm trà cho Triệu Phụ, nói: “Bữa nay quan gia muốn kiểm tra ba vị Giám sinh, ấy là phúc đức ba vị tu được từ kiếp trước.”

(Quan gia: chỉ vua. Giám sinh: học trò Quốc Tử Giám)

Nhắc tới chủ đề chuyển thế cầu tiên, Triệu Phụ mới hào hứng lên được một chút. Ông ta nói: “Đã thế, để trẫm kiểm tra các ngươi một phen.”

Ba người thưa: “Xin lĩnh mệnh.”

Triệu Phụ nhìn quanh quất trong từ đường, thấy chung trà mới được thái giám rót, bèn thuận miệng hỏi: “Trông chén nước này, các ngươi có suy nghĩ gì không?”

Ba người Đường Thận sửng sốt.

Người đầu tiên trả lời chắc chắn sẽ khiến Triệu Phụ chú ý hơn cả. Lưu Phóng cất lời trước: “Bẩm Thánh thượng, thần nghĩ “Bậc thượng thiện như nước6”. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét cho nên gần với Đạo. Nước chính là tấm gương cho quân tử chúng thần.”

Triệu Phụ nhấp một ngụm trà, chẳng buồn ử ư.

Sắc mặt Lưu Phóng ảm đạm ngay.

Mai Thắng Trạch suy ngẫm một lát, tâu: “Tuân tử có câu, nước có thể nâng thuyền, cũng có thể đánh chìm thuyền. Bách tính là nước, cuồn cuộn mênh mông. Xã tắc là thuyền, rộng không bờ bến. Nước êm ả thì thuyền không tròng trành, thiên hạ tất thái bình ạ.”

Đuôi mắt Triệu Phụ máy một cái, nhưng ông ta chẳng có vẻ hào hứng hơn là bao. Triệu Phụ mỉm cười, nói lấy lệ: “Rường cột nước nhà.”

Mai Thắng Trạch vui mừng khôn xiết.

Hai người đã trình bày xong, chỉ còn lại Đường Thận. Đường Thận nói: “Bẩm Thánh thượng, người xưa có câu, nước trong quá thì không có cá, người chi li quá thì không ai gần. Thần có vài suy ngẫm, nhưng không dám thưa.”

Triệu Phụ thờ ơ liếc Đường Thận, đoạn mỉm cười cho hợp khí độ của bậc minh quân, ra lệnh: “Cứ nói đi, đừng ngại.”

Đường Thận khom người, dáng vẻ khiêm tốn mà không khúm núm, nhưng những lời cậu thốt ra khiến cả từ đường im phăng phắc: “Người xưa từng nói, nước trong quá thì không có cá, người chi li quá thì chẳng ai gần. Người với người mà xét nét, khắt khe thì khó kết tình đồng đạo hảo hữu, tựa như nước trong leo lẻo thì không cá nào sống được. Nhưng kẻ hèn này trộm nghĩ…trên đời làm gì có thứ nước nào trong vắt không gợn bùn đâu!

Quý công công sởn gai ốc, phân vân nắn cây phất trần, không biết phải mắng Đường Thận phạm tội đại bất kính hay sai người gô cổ cậu luôn. Song khi nhìn sắc mặt không rõ hỉ nộ của Triệu Phụ, lão ta đành làm thinh mà chầu. Đã không biết ý Thánh thượng thì chớ nên tự tiện!

Từ đường lặng ngắt, Đường Thận rạp mình thấp hơn, nói tiếp: “Giao tình giữa người quân tử nhạt như nước, giao tình giữa kẻ tiểu nhân ngọt như rượu nếp. Lấy nước làm tấm gương soi, tự giác mài giũa, rèn đến khi bản thân trong vắt như nước. Giả dụ có thể rèn luyện tới mức ấy, vậy nước trong giao hòa với nước trong, có khác nào hai người đồng chí đốc thúc lẫn nhau đâu, sao có thể không thành hảo hữu được. Kẻ hèn này không hiểu, chẳng lẽ câu châm ngôn ấy không nói đến nước trong sao?”

Nói xong câu này, thắt lưng Đường Thận cũng song song với mặt đất luôn rồi.

Thái độ khi hỏi của cậu cung kính như thể một học trò không rành thế sự, chỉ một lòng ham học hỏi mà thôi.

Mai Thắng Trạch và Lưu Phóng không dám hé răng nửa lời, lũ thái giám cũng không dám vọng động.

Hồi lâu sau, Triệu Phụ cười nói: “Ngây thơ.”

Lưu Phóng mừng ra mặt, Mai Thắng Trạch thì hết sức lo lắng cho Đường Thận. Riêng Đường Thận vẫn cung kính hành lễ, dường như chẳng nghe thấy lời trách cứ của đế vương.

Triệu Phụ thong thả đặt chung trà lên bàn. Chỉ một tiếng chạm nhẹ bẫng thôi mà cả từ đường ai nấy thót tim.

Triệu Phụ: “Hồi cung.”

Quý công công hô to: “Hồi cung.”

Giữa mùi long diên hương nhè nhẹ, Triệu Phụ và ba thái giám rời khỏi từ đường Sùng Thánh.

Sau khi bọn họ đi rồi, Mai Thắng Trạch vội vã đến bên Đường Thận, trách: “Cảnh Tắc, sao đệ lại nói vậy! Quân tử như nước, sao đệ dám nói trên đời không có thứ nước nào trong thật sự, cũng không có người quân tử chân chính! May là Thánh thượng không trách tội, thấy đệ nhỏ tuổi nên chỉ mắng là trẻ con, bằng không đệ phải tội chết rồi. Khờ quá!”

Đường Thận ưỡn thẳng cái lưng cứng quèo, thấy Mai Thắng Trạch lo sốt vó thì chỉ cười: “Không sao đâu mà.”

Mai Thắng Trạch: “Hầy, đệ thật là…!”

Ba người cùng nhau ra khỏi từ đường Sùng Thánh.

Đường Thận chỉ mạnh miệng thôi, chứ Mai Thắng Trạch không biết, lưng cậu ướt đẫm mồ hôi.

Trở về Quốc Tử Giám, Lâm Tế tửu gọi ba người tới, hỏi xem họ diện thánh đối đáp ra sao. Ba người kể lại không sót một chữ. Nghe tới câu trả lời của Đường Thận, Lâm Tế tửu nhìn cậu bằng ánh mắt lạ lùng, chau mày. Chợt ông ta như hiểu ra điều gì, nói một câu không đầu không đũa: “Biết là họa hay là phúc7?”

Quay lại giảng đường, Đường Thận mới lau hết mồ hôi sau lưng. Cậu mở sách ra, nghe giảng tập giảng bài, nhưng đầu óc đã trôi dạt về thời điểm một canh giờ trước khi đi vào từ đường Sùng Thánh.

Thiên tử lâm Ung đã là kỳ ngộ lớn nhất trong cuộc đời Đường Thận rồi.

Vậy mà cậu còn may mắn được diện kiến đức vua!

Đường Thận mới có mười lăm tuổi, dẫu thông minh đĩnh ngộ đến mấy, là kì tài có một không hai, thì cậu cũng mới tới thời đại này được ba năm. Sang năm, tức năm thứ tư, cậu sẽ tham gia thi Hội. Nếu vượt qua kì thi Hội, đỗ tiến sĩ, kì thi Đình sẽ nối tiếp ngay. Từ cổ chí kim, chẳng có người nào đỗ đồng tiến sĩ mà làm quan đến hàng tam phẩm cả, chỉ có tiến sĩ trở lên mới có thể làm quan lớn.

Nhược bằng muốn vào Tam tỉnh Lục bộ, muốn có tiếng nói trong triều, ít nhất cũng phải lọt vào đệ nhất giáp!

Nếu không đỗ đệ nhất giáp, chỉ còn cách là có hậu trường vững chắc thôi.

Vương Tử Phong hai mươi lăm tuổi đã trở thành Thượng thư bộ Hộ, nguyên nhân thứ nhất là do chàng đỗ Trạng nguyên, còn được Hoàng đế ban ngự bút “Trạng Nguyên vô song,” vừa làm quan đã vô cùng được lòng hoàng đế. Còn nguyên nhân thứ hai? Đơn giản chàng là Vương Tử Phong!

Lang Gia Vương thị trong triều có đến ba mươi sáu người có quan hàm. Ngũ phẩm có mười người, tứ phẩm có năm người, tam phẩm có ba người. Thượng thư bộ Hộ Vương Tử Phong là quan nhị phẩm. Hữu tướng Trung Thư Tỉnh – Vương Thuyên, chính là nhị thúc tổ của Vương Tử Phong, là quan nhất phẩm.

Đường Thận không có ô dù, muốn bon chen, chỉ có thể dựa vào lòng vua.

Từ nửa tháng trước nghe Lâm Tế tửu thông báo việc “Thiên tử lâm Ung”, Đường Thận đã không ngừng suy nghĩ về lí do hoàng đế làm như vậy.

Thiên tử lâm Ung là thông lệ từ xưa. Vua chúa coi trọng thư sinh, đến Quốc Tử Giám giảng dạy cho các học trò, thể hiện sự quan tâm của nhà vua với Nho sinh. Triều trước có rất nhiều lần Thiên tử lâm Ung, nhưng triều này thì hiếm hoi vô cùng. Triệu Phụ tại vị hai mươi sáu năm, đây là lần đầu tiên ông ta ghé thăm cung Ích Ung.

Triệu Phụ không đến giảng bài ở cung Ích Ung một cách ngẫu nhiên, nhất định đã có chuyện gì thúc đẩy ông ta làm vậy.

Trong một năm vừa qua đã xảy ra rất nhiều sự kiện. Nạn tuyết lớn ở phương Nam, động đất ở Tây Nam, người Liêu rục rịch phá vỡ hiệp ước, âm mưu xâm lấn Đại Tống. Nhưng ngần ấy là chưa đủ để thuyết phục Triệu Phụ đến Quốc Tử Giám giảng bài cho một đám cử nhân. Ngoại trừ một việc…

“Chung Thái Sinh qua đời.”

Chung Nguy vừa mất, các nhà Nho chôn theo.

Kẻ sĩ trong thiên hạ không ai không biết, không ai không hiểu. Triệu Phụ tới cung Ích Ung giảng bài, cốt là để thu phục nhân tâm sĩ tử cả nước.

Đường Thận đoán được đến đấy, lại không ngờ rằng để thu phục lòng sĩ tử, Triệu Phụ còn đích thân gặp riêng ba học sinh Quốc Tử Giám. Cơ hội quý báu không tới hai lần, cậu không đời nào bỏ qua.

Ở Quốc Tử Giám, dù cho Đường Thận có phát ngôn “ngây thơ” đến mấy, chỉ cần không nói lời đại nghịch bất đạo thì Triệu Phụ sẽ không xử tội chết. Thiên tử vừa lâm Ung, nếu Triệu Phụ giết học sinh Quốc Tử Giám thì chẳng khác nào tự hủy hoại công sức của chính mình.

Chính vì thế Đường Thận mới dám đi nước hiểm, đem sự “trẻ người non dạ” để lấy lòng đế vương. Dẫu chỉ gây được chút xíu ấn tượng, cũng là căn cơ để cậu thăng quan tiến chức trong tương lai rồi.

Trên đời không có quân tử nào trong sạch thực thụ, giao tình quân tử nhạt như nước rõ là trò hề!

Câu mắng ấy là mắng Chung Thái Sinh, mắng cả những Đại nho bỏ mình theo Chung Thái Sinh nữa!

Tiên sinh ơi… nếu người còn tại thế, chắc sẽ đá đít ngay đứa học trò này ra khỏi cửa rồi giận dữ mắng “đồ vô lại” nhỉ?

Đường Thận chống cằm, ngắm nghía những con chữ trên sách, bất giác cảm thấy mặt mình dày hơn một chút, lòng dạ cũng đen tối hơn tí teo.

Cậu chẳng hề hay biết chuyện xảy ra vào buổi đêm khi Triệu Phụ trở về cung. Đầu tiên ông ta tắm rửa thay y phục, lên đài Thỉnh Thần ngồi thiền, tu luyện suốt một canh giờ, hấp thụ linh khí thiên địa. Đến khi sắp đi ngủ, lúc Tổng quản thái giám Đại nội Quý Phúc thay áo cho Triệu Phụ, Triệu Phụ chợt nhắc: “Đứa học trò ở Quốc Tử Giám hôm nay, nói cũng hay đấy.”

Quý Phúc cả kinh, theo bản năng nghĩ đến Mai Thắng Trạch. Song Quý Phúc không lộ ra, chỉ cân nhắc cẩn thận rồi hỏi: “Ý quan gia, phải chăng là người Giám sinh đã chế giễu giao tình quân tử?”

Triệu Phụ không đáp, thay áo ngủ bằng gấm Tô Châu, để Quý Phúc ngồi xuống hầu cởi giày.

Bây giờ ông ta mới nói: “Tên cậu ta là gì ấy nhỉ?”

Quý Phúc phiền muộn đáp: “Nô tài không biết ạ.”

Triệu Phụ: “Ờ.”

Hầu Triệu Phụ ngủ xong, một canh giờ sau, Quý Phúc rời khỏi tẩm cung của hoàng đế. Lão triệu con nuôi của mình tới, hỏi: “Sớm mai con đến phủ Lâm Tế tửu Quốc Tử Giám, bảo gã tan triều thì đem hết thông tin về cậu Giám sinh kia đến cho ta. Cái cậu Giám sinh trẻ tuổi nhất mà trông mặt mũi xinh xẻo ấy. Nói với Lâm Tế tửu rằng, việc này ta nhờ gã, khi khác tự khắc sẽ trả ơn.”

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây