Sơn Hà Bất Dạ Thiên

5: Chương 5


trước sau

Sao băng
Đường Thận đến phủ Cô Tô vào sáng sớm.

Thời điểm này ở thôn Triệu gia, người dân đều đã ra đồng làm việc, trên đường vắng tênh. Trong khi đó, ở phủ thành bây giờ đã là lúc đường xá nườm nượp người mua kẻ bán. Từ tinh mơ, các tiểu thương đã mở hàng bày đầy ven đường. Những đoàn người khiêng vác, kẻ bốc dỡ hàng hòa kéo dài từ đầu này đến đầu kia con đường cái rộng lớn.

Chốc chốc lại có một cỗ xe ngựa vút qua bên cạnh hai anh em.

“Anh ơi, ở đây nhiều xe quá đi mất!”

Thứ ở thôn Triệu gia cả tháng chưa chắc đã gặp một lần như xe ngựa, ở phủ Cô Tô nhiều không kể xiết.

Đường Thận cười: “Già Lưu thăm Đại Quan Viên1 chắc cũng y chang em bây giờ.”

“Già Lưu là ai, Đại Quan Viên là chỗ nào? Anh đang nói cái gì đấy?”

“Khen em xinh ý mà.”

Đường Hoàng: “…” Nhóc còn lâu mới tin!

Kể cả trong thời đại này thì tìm chỗ ở cũng không phải chuyện đơn giản. Diêu Tam đã từng ở đây một tháng, ít nhiều đã quen với đường đi lối lại ở phủ Cô Tô. Anh bèn dẫn Đường Thận tới chỗ một nha hành chuyên về nhà đất.

Nha hành thời cổ đại cũng giống như sàn giao dịch bất động sản thời hiện đại, còn chuyên viên môi giới thì gọi là nha lang. Ở Đại Tống, việc mua bán nhà đất không thông qua nha hành bị coi là phạm pháp.

Chọn lựa một thôi một hồi, Đường Thận và Đường Hoàng chấm một căn nhà mái ngói ba mặt kín một mặt mở. Căn nhà ọp ẹp gồm một gian bếp, một gian nhà chính, và một gian nhà phụ nhỏ hẹp xây ghẹ vào nhà chính. Mái ngói nhiều chỗ đã dột hỏng, tường nhà tróc sơn thủng lỗ chỗ, thế mà tiền thuê một tháng cũng bị nha lang hét những ba xâu.

Chuyện cò kè bớt một thêm hai Đường Thận mù tịt, may mà có Diêu đại nương biết mặc cả, cuối cùng chốt giá hai xâu tiền một tháng, đặt cọc trước nửa năm.

Vèo cái đã bay nửa gia tài, cú sốc này là quá lớn đối với thần giữ của Đường Hoàng, khiến cô nhóc một mực giữ rịt túi tiền không chịu buông.

Vì chỉ có hai phòng ngủ, Đường Thận sắp xếp để mình và Diêu Tam ngủ chung một phòng, Đường Hoàng thì ngủ chung với Diêu đại nương. Diêu đại nương cuống quýt gạt đi: “Không được đâu! Chúng tôi sao dám ngủ chung phòng với cô cậu. Tôi và thằng ba ở gian phụ là được rồi.”

Đường Thận nói: “Trẻ con lên sáu phải dạy cho biết phân biệt nam nữ và phương hướng, lên bảy tuổi thì nam nữ phải ngồi riêng, ăn riêng2. Nhà cũ tuy là nhà tranh vách đất nhưng được cái nhiều buồng, có chỗ cho mọi người ở riêng. Bây giờ chỉ có hai gian phòng, A Hoàng đã chín tuổi, cháu không thể ngủ cùng phòng với con bé.”

Diêu đại nương nói: “Nếu vậy, cậu để tôi và thằng ba trải chăn đệm ngủ dưới đất trong phòng bếp là được.”

Đường Hoàng vội năn nỉ: “Như thế sao được? Diêu đại nương ơi, bà ngủ cùng phòng với con đi mà.”

Diêu Tam đành giảng hòa: “Mẹ à, thôi thì mình hãy nghe theo sắp xếp của tiểu đông gia đi.”

Chia phòng xong, thu xếp nhà cửa ổn thỏa, quen dọn sạch sẽ, Diêu Tam nói với Đường Thận: “Tiểu đông gia, giờ tôi sẽ đi xem trong thành có ai tìm người làm thuê không. Có công việc, tiền ăn ở sẽ đỡ lo phần nào.”

Đường Thận hỏi: “Anh định làm việc gì?”

“Thì lại làm hộ vệ cho người ta thôi. Cậu chủ chớ cười tôi nhé, tôi đây vốn chân quê, chỉ được cái sức vóc, đành bám lấy cái nghề này. Hồi trước họ không thuê tôi vì có mẹ già. Giờ nhờ tiểu đông gia mà chúng tôi có nơi ở, tôi dư sức tìm được một chân hộ vệ.”

“Diêu đại ca à, anh đừng vội tìm việc, tôi có chút chuyện cho anh làm đây.”

Diêu Tam ngạc nhiên: “Việc gì thế ạ? Xin cậu cứ sai bảo.”

Đường Thận ngẫm nghĩ, hỏi: “Anh có biết nơi nào ở Cô Tô đông người nhất không?”

“À, chỗ đó chắc chắn là Toái Cẩm nhai ở trước quán Thiên Khánh3 .”

Toái Cẩm nhai, quán Thiên Khánh, phủ Cô Tô. Quán Thiên Khánh còn có tên khác là quán Huyền Diệu. Theo tích dân gian thì quán được xây từ thời Tây Tấn theo lệnh Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm. Khắp cả thành Cô Tô, nơi nhiều nhang đèn nhất không phải chùa Hàn Sơn ngoài thành, cũng không phải chùa Tây Viên trong thành, mà chính là quán Huyền Diệu. Trước quán là một con phố dài, còn được biết đến là “phố trước quán Thiên Khánh”, nhưng người dân Cô Tô thì quen gọi là Toái Cẩm nhai3.

[3]Quán (hay đạo quán) là đền thờ của đạo Lão. Nhai cũng có nghĩa là phố.

Bà cụ Diêu dẫn Đường Hoàng đi mua đồ gia dụng, nhân tiện cho cô nhóc đi dạo chơi phố phường luôn. Đường Thận thì theo Diêu Tam đến Toái Cẩm nhai.

Diêu Tam dẫn Đường Thận đến một khu gồm toàn các ngõ ngách tấp nập phồn hoa nhất Toái Cẩm nhai. Nào là tiệm may bán đủ các loại lăng la tơ lụa, nào là cửa hàng gạo, cửa hàng ngũ cốc, cửa hàng rượu, rồi cơ man các loại hàng quán, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Giữa trưa, hai người ăn trưa ở một sạp hoành thánh. Vừa ăn Diêu Tam vừa nói theo lời Đường Thận dặn dò từ trước: “Ông chủ này, hoành thánh nhà bác ngon hết sảy, chắc là nức tiếng thành Cô Tô bao đời nay nhỉ?!”

Chủ quán hoành thánh cười ha hả: “Chú cứ khéo khen, hoành thánh nhà tôi là số một Toái Cẩm nhai đấy! Từ thời cha tôi làm đến nay đã hơn hai mươi năm.”

Đường Thận trầm trồ: “Ồ, vậy tay nghề bác đích thực là gia truyền rồi!”

“Còn phải nói! Cậu cứ đi hỏi xung quanh xem hoành thánh nhà ai ngon nhất Toái Cẩm nhai, mười người thì chín người sẽ chỉ nhà tôi ngay.”

Diêu Tam lại đế vào: “Chậc, bác bày quán chỗ này chắc mỗi năm phải nộp không ít tiền bảo kê nhỉ?” Anh xoe xoe mấy ngón tay: “Em hỏi nhỏ cái, thế bác phải nộp cho chúng nó bao nhiêu?”

Ông chủ quán lắc đầu: “Vớ vẩn. Từ khi Lương đại nho tới Cô Tô nhậm chức phủ doãn, ai cũng biết ngài thương dân như con. Bọn côn đồ đường chợ bây giờ không dám tùy tiện ức hiếp chúng tôi nữa, chỉ cần chúng tôi nộp phí cho quan phủ, sẽ có lính nhà quan bảo vệ chúng tôi ngay.” Ông chép miệng: “Tôi thách cái bọn chết dẫm đấy dám tác oai tác quái ở thành Cô Tô đấy! Mấy chú chắc là người nơi khác đến phỏng? Phủ Cô Tô chúng tôi không giống nơi khác đâu.”

Đường Thận nói: “Vâng, chúng tôi từ huyện Ngô đến.”

“Hèn gì. Phủ Cô Tô chúng tôi tuyệt vời lắm!”

Ăn hoành thánh xong, hai người Đường Thận trả tiền rồi đi. Diêu Tam nhẩm tính, bảo: “Tiểu Đông gia, tiền phí quan phủ quy định cũng không nhiều, ngặt nỗi chúng ta chỉ còn mười lăm xâu tiền thôi. Mua đồ gia dụng xong, cũng không biết còn dư lại bao nhiêu. Ở thành Cô Tô không nhiều cây ăn quả, chúng ta muốn làm nước quả thì phải mua hoa quả của người ta, số tiền này không hề nhỏ đâu.”

“Ai bảo anh chúng ta sẽ làm nước hoa quả?”

Diêu Tam ngạc nhiên: “Vậy thì chúng ta định làm gì?”

Hai người đứng giữa phố phường Toái Cẩm sầm uất, Đường Thận nói: “Diêu đại ca, anh có nhận ra phủ Cô Tô khác với thôn Triệu gia ở chỗ nào không?”

Diêu Tam nhìn quanh quất, nói: “Dân cư ở đây đông đúc hơn thôn Triệu gia, người bán hàng cũng nhiều hơn ở thôn Triệu gia.”

“Ở Cô Tô có rượu sen ướp hương quế, có rượu Trúc Diệp Thanh xứ Kim Lăng4. Chỉ riêng hai loại rượu này, loanh quanh Toái Cẩm nhai đã có đến bảy tám nhà bán rồi. Thôn Triệu gia chẳng ai bán rượu, chỉ có rượu gạo nhà nào uống nhà nấy ủ, khá khẩm hơn thì có trà thảo dược, mà dân quê cũng không uống những thứ xa xỉ hơn để làm gì. Lúc trước chúng ta bán nước hoa quả ở thôn Triệu gia thì được, chứ ở Cô Tô mà kinh doanh như vậy, chưa được một tháng đã bị hàng quán xung quanh đè cho sập tiệm, đá đít về thôn Triệu gia.”

“Vậy phải tính sao bây giờ?”

Đường Thận và Diêu tam cùng nhau thả bộ trên Toái Cẩm nhai. Đường Thận ngắm nghía hàng quán hai bên đường, chợt mắt cậu sáng lên: “Diêu đại ca, anh là người phương Bắc, thế anh có biết làm bánh chiên5 không?”

Chiều muộn, hai người trở về nhà. Đường Thận dặn dò Diêu Tam ngày mai đi mua bột kiều mạch, bột nếp cẩm, bột đậu xanh và bột mì nữa. Cậu cũng đưa tiền cho Diêu đại nương đi vòng quanh Toái Cẩm nhai, ăn thử uống thử xem khẩu vị người Cô Tô ra làm sao.

Đường Hoàng hào hứng xung phong: “Cho em đi cùng Diêu đại nương nhé!”

Cầm tiền ra đường ăn vặt, chuyện sung sướng nhường này có ai mà không ham cơ chứ!

Đường Thận dập tắt hi vọng của cô nhóc: “Em đi với anh.”

Đường Hoàng: “Hả?”

“Mình đi thăm họ hàng.”

Lúc đầu Đường Hoàng không hiểu ý Đường Thận, vô thức nói: “Mình làm gì có thân thích ở phủ Cô Tô?” Lát sau não cô bé mới vận hành kịp, hốt hoảng: “Anh, anh muốn đi thăm họ thật à? Nhưng mà lúc cha còn sống, cha bảo chết đói cũng không đi mà! Sao anh lại đòi đi?”

Đường Thận nhìn cô bé: “Thế nên cha mình mới chết đói đấy. Cô chủ nhỏ ơi, em cũng muốn chết đói sao?”

Đường Hoàng: “…”

Hồi lâu, cô bé mới lẩm bẩm: “Mình làm sao mà chết đói được.”

Đường Thận xoa đầu em gái: “Vốn không thù không oán, có lí gì lại không được đi thăm họ hàng?”

Hai mẹ con họ Diêu cũng rất đỗi ngạc nhiên. Trước khi tới Cô Tô, họ chưa từng nghe Đường Thận nhắc đến việc hai anh em còn có người thân ở phủ Cô Tô bao giờ. Trên thực tế, ngay cả Đường Hoàng cũng suýt quên mình có những người họ hàng như vậy.

Thì ra, cha của hai anh em Đường Thận và Đường Hoàng, vị tú tài họ Đường xấu số kia, vốn là người gốc Cô Tô.

Hai tháng trước, Lương đại nho có hỏi Đường Thận rằng cậu có họ hàng gì với Đường cử nhân ở khu Tây thành Cô Tô không. Khi đó Đường Thận chỉ bảo là bà con xa. Song, cha của Đường Thận và Đường cử nhân thực chất là hai anh em cùng cha khác mẹ, một người là con vợ cả, người kia là con vợ lẽ.

Mẹ của Đường tú tài mất sớm, từ nhỏ ông đã được mẹ cả nuôi, được coi như con của bà. Nhà họ Đường là dòng thư hương, gia cảnh tương đối sung túc, tuy không đến mức đại phú đại quý nhưng cũng được người ta nể vì. Đường tú tài gắn bó với mẹ cả nên không chịu thua thiệt chút nào, từ nhỏ đã được học hành đến nơi đến chốn.

Từ thuở ấu thơ, Đường tú tài đã bộc lộ trí thông minh hơn người. Mẹ mất sớm, lại luôn cho rằng bản thân là con thứ nên tương lai không mấy xán lạn, Đường tú tài trở nên hiếu thắng về mọi mặt. May mắn thay nhờ kiên trì dùi mài kinh sử, mới mười bốn tuổi ông đã thi đậu tú tài, cũng coi như nở mày nở mặt với tổ tông. Đường gia vô cùng kì vọng vào ông ta, tin rằng đứa con này ít nhất cũng thi đậu cử nhân. Nào ngờ sau đó, Đường tú tài thi bốn lần, lần nào cũng trượt, sự nghiệp suy tàn chẳng khác gì Thương Trọng Vĩnh6 năm xưa.

[6] Nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của Vương An Thạch ( Tống). TTV là thần đồng làm thơ nhưng không được đi học mà bị bắt bán thơ kiếm tiền. Khi cậu không sáng tác được thơ hay nữa, bố cậu ta tuyên bố con mình đã hết tài, chỉ còn là người thường. Dùng ví tài năng bị thui chột

Đến lần thi thứ tư, người anh lớn con bà cả bỗng đỗ tú tài ở tuổi ba mươi, dù thuở bé không thông minh bằng người em. Qua kì thì năm sau, ông ta lại tiếp tục đỗ cử nhân.

Cú sốc ấy khiến Đường tú tài uất đến nỗi bệnh liệt giường. Khỏi bệnh rồi, ông dắt cả nhà lớn bé về quê vợ ở thôn Triệu gia, thề rằng không thi đậu cử nhân thì không trở về nhà họ Đường.

Chưa được hai năm, mẹ Đường Thận qua đời. Vài năm sau, Đường tú tài chưa kịp công thành danh toại cũng mất vì bệnh tật.

Đường Thận và Đường Hoàng từ bé đã nghe Đường tú tài than thân trách phận, oán thán ông trời có mắt như mù. Giỏi giang như mình thì trượt vẫn hoàn trượt, dốt nát như thằng anh thì đỗ cử nhân. Thế nên, từ nhỏ hai anh em đã ghét Đường gia. Về sau Đường Thận nhập vào thân xác này thì không giữ quan điểm yêu ghét đó nữa. Dựa vào trí nhớ sót lại, cậu thấy Đường tú tài tuy hay oán trách nhà họ Đường, nhưng cũng chỉ ghen tị với người anh trai kia chứ không ghét bỏ những người khác.

Làm con không thể trách cha, chuyện năm đó cụ thể ra sao, chỉ có người trong cuộc biết. Đường tú tài cũng đã qua đời rồi.

Đường Thận nhủ thầm: “Cha ơi, con tự coi mình như con của cha, từ nay về sau con sẽ lo cho em được ăn mặc đủ đầy ấm no, không để cha phải ngậm đắng nuốt cay dưới suối vàng.” Ngẫm nghĩ một hồi lại bổ sung thêm: “Vì thế, ngày mai bọn con đến nhà họ Đường, cha ở trên trời có thiêng thì đừng giận nhé.”

Nói thầm trong lòng xong, Đường Thận ngẩng mặt nhìn trời: “Không có sét đánh, coi như cha đồng ý rồi nhé!”

Lúc đó, Đường Hoàng ôm cái gối đi ngang qua trên sân. Cô nhóc nghe Đường Thận nói vậy thì nhìn anh trai như sinh vật lạ, rồi ngẩng đầu lên nhìn trời.

Trời quang mây tạnh thế này thì lấy đâu ra sấm sét, chắc anh mình loạn trí rồi!

Hẵng còn đang ngắm nghía vòm trời đêm cao vút, đột nhiên, Đường Hoàng thấy một vì sao sà xuống, rơi thẳng về hướng Bắc. Cô nhóc chưa từng thấy sự lạ này bao giờ, hoảng hốt vứt chiếc gối, ôm chặt lấy tay Đường Thận: “Anh ơi, đó là cái gì thế, đó là cái gì thế? Anh có thấy không? Sao… sao trời rụng xuống kia!”

Đường Thận đương nhiên là có thấy. Cậu vừa mới “tâm sự” với Đường tú tài quá cố xong thì sao băng xuất hiện, Đường Thận làm sao mà không giật mình? Song, cậu nhủ thầm: Vậy cũng chưa chắc là Đường tú tài đang trách cứ mình ha?

Phút lo âu thoáng qua, cậu nhẩm đọc một lượt thuyết “Tám điều vinh, tám điều nhục7“, tự nhắc mình phải xem xét mọi thứ từ góc nhìn khoa học. Cậu là người theo chủ nghĩa duy vật, không tin những điều mê tín dị đoan.

[7] Do Hồ Cẩm Đào đề ra. Một trong số đó là “Lấy đề cao khoa học làm vinh, ngu dốt làm nhục.”

“Cái đó là sao băng đấy!”

Đường Hoàng sửng sốt: “Sao băng?”

“Sao băng là một hiện tượng thiên văn, nơi chúng mình ở là Trái đất…Ầy, giải thích vậy em cũng không hiểu được. Dù sao thì, em cứ hiểu rằng, sao băng là hiện tượng rất bình thường, xuất hiện khi có một vì sao đi ngang qua chúng ta mà tình cờ chúng ta lại nhìn thấy. Có một vài vì sao mà cứ cách một khoảng thời gian nhất định chúng ta sẽ bắt gặp, ví dụ như một ngôi sao tên Hắc Lôi8 chẳng hạn, nó là một ngôi sao chổi. Cứ bảy mươi sáu năm, chúng ta sẽ gặp nó một lần.”

[8] Sao chổi Harley

Đường Hoàng nghe cái hiểu cái không, Diêu Tam thì thán phục: “Tiểu đông gia đọc sách nhiều, hiểu biết rộng quá!”

Diêu đại nương cũng gật gù: “Dĩ nhiên rồi, người có học và chúng ta khác nhau như thế đó.”

Muốn giảng giải cặn kẽ về sao băng cho Đường Hoàng là quá khó, nên Đường Thận chỉ giản lược đôi câu rồi về phòng ngủ.

Cùng lúc đó, ở Thịnh Kinh, kinh đô của Đại Tống.

Hoàng cung tráng lệ, nội đình sâm nghiêm.

Trong màn đêm đen đặc, một tốp cảnh vệ võ trang đầy đủ, nai nịt gọn gàng đang đi tuần. Trong tay họ là những thanh giáo dài sáng lóa. Tiếng bước chân đều tăm tắp dội lên từ mặt đường lát đá. Sự yên tĩnh bao trùm lên toàn bộ đại nội, ngoại trừ lớp lớp cảnh vệ đi tuần ra, chỉ có duy nhất một tòa cung điện nguy nga vẫn còn le lói ánh sáng.

Bỗng có trận gió lớn ào qua, những tia sáng leo lét tắt phụt, bóng tối ập đến.

Có tiếng người hoảng hốt hét lên trong điện.

“Bay đâu! Chúng bay đâu! Ra đây ngay! Đốt đèn trường sinh lên cho trẫm!”

Lập tức, có hai tiểu đồng mặc đạo bào lom khom chạy vào trong điện, hớt hải đi vòng quanh những chân đèn cao vút bằng đồng để thắp lại. Phải đứng sát những ngọn đèn này mới thấy, hóa ra đèn dầu không bị tắt hoàn toàn, chỉ bị gió át đi còn một đốm lửa nhỏ.

Lũ tiểu đồng mặt mày tái me tái mét, chân run lẩy bẩy, lập cập thắp sáng lại chín ngọn đèn trường sinh.

Phía dưới tầng tầng lớp lớp phù điêu vàng ròng dát kín những thanh xà đỡ mái điện là một ông già có chòm râu dài mặc đạo bào trắng tuyền. Sự trở lại của ánh đèn trong phút chốc khiến ông ta thở phào nhẹ nhõm. Ông ta lo lắng bước tới xem xét những ngọn đèn trường sinh, chín ngọn lửa phản chiếu sự si mê trong đôi mắt hau háu.

“Trận gió ban nãy là sao?”

Hai tiểu đồng quỳ phịch xuống, hô lên: “Xin bệ hạ tha mạng!”

Lúc này khuôn mặt ông già kia đã lộ rõ. Kì lạ thay, nước da ông ta hẵng còn trắng trẻo mịn màng, đôi mắt thanh mảnh, cặp mày sắc sảo. Ông già lặng im, nhưng ánh mắt ông ta như hai lưỡi dao rà lên người lũ tiểu đồng. Sự im lặng ngột ngạt ấy chỉ bị cắt ngang bởi tiếng tâu bẩm ngoài điện: “Tâu bệ hạ, Giám chính Khâm Thiên giám xin được bẩm báo.”

Hoàng đế Đại Tống Triệu Phụ thu ánh mắt: “Cho vào.”

Giám chính Khâm Thiên giám Lý Tiêu Nhân rảo bước vào trong đại điện, mặt cúi gằm, không dám liếc ngang liếc dọc lấy một lần. Song, y vẫn thoáng thấy hai tiểu đồng đang quỳ trên sàn, trong lòng thầm rủa. Ngay khi nghe tin đèn trường sinh lụi tắt, y đã tất tả chạy tới đây, nào ngờ vẫn chậm một bước. Hai tên tiểu đồng này đều là đệ tử tâm đắc của y, vốn chắc mẩm phen này được hầu Hoàng đế trông coi đèn trường sinh là việc nhẹ lương cao, nào ngờ lại chuốc phải tai họa bực này.

Lý Tiêu Nhân mặc quan bào Thái cực Bát quái, trên đầu cài một sợi lông chim trĩ, quỳ rạp xuống lạy vua: “Tâu bệ hạ, có một ngôi sao băng lớn như quả đào, bay ra khỏi cung Tử Vi, xông vào Thái Vi, vút qua đầu Đế tinh ở phía Đông Nam, lại vượt qua cả hai mươi hai vì sao trong Thiên Thị viên. Đây là điềm trời giáng tai ương, e là nguy hại cho xã tắc trăm năm của Đại Tống ta9!”

[9] Tử Vi viên, Thái Vi viên, Thiên Thị viên là ba nhóm sao cổ trong thiên văn học Trung Quốc, lần lượt đại diện cho Hoàng cung, triều đình, chợ và các nước chư hầu.

Triệu Phụ cả kinh, ông ta sấn tới hai bước, ra lệnh: “Nói kĩ xem nào.”

Lý Tiêu Nhân nhanh nhảu thuật lại cặn kẽ về sao băng, đoạn nói thêm: “Bệ hạ, sao băng dừng ở phía trên Đế tinh rồi dần dần biến mất, dễ là có bất trắc ạ.”

“Vì sao?”

Sao với chả giăng, y biết thế quái nào được? Ngôi sao băng này tự dưng vụt đến từ phía nam, mất hút ở phương bắc. Chẳng lẽ lại phán rằng phía nam ắt có biến? Các thế lực phản loạn nổi dậy nhũng nhiễu triều đình?

Chợt Lý Tiêu Nhân lanh trí nhớ tới một người, bèn bịa đặt trắng trợn: “Sao băng này xuyên qua hai mươi hai vì tinh tú trong Thiên Vi viên, nhưng không đi vào khu vực Tử Vi viên mà lặn đi mất, ám chỉ mối họa này đã ẩn nấp nhiều năm. Thần quan sát tinh tượng đêm nay, thấy Đế tinh trong Tử Vi viên sáng như mặt trời, thế vua hưng thịnh, suốt hai mươi năm qua chưa từng suy suyển. Theo ngu ý của thần, mầm họa này hẳn là trước đây đã từng bị bệ hạ chế ngự, chịu nhẫn nhục nhiều năm, song gần đây lại rục rịch ý đồ trỗi dậy ạ.”

Triệu Phụ nheo mắt: “Từng bị trẫm chế ngự, chịu nhẫn nhục nhiều năm nay…giờ lại muốn trỗi dậy?”

Lý Tiêu Nhân đánh liều đế thêm một câu: “Bệ hạ, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.”

Triệu Phụ lẳng lặng nhìn Lý Tiêu Nhân. Gần vua như gần cọp, Lý Tiêu Nhân nín thở, y giờ đây như cá nằm trên thớt, một hơi cũng không dám thở mạnh.

“Ái khanh à, hình như, kẻ kia ở trong tù cũng phải hai mươi tư năm rồi nhỉ?”

Lý Tiêu Nhân cúi rạp đầu xuống sàn, tâu: “Thần ngu dốt, không rõ ý bệ hạ.”

Triệu Phụ khinh bỉ, mất kiên nhẫn đuổi y đi: “Trẫm đã biết, lui đi.”

“Thần xin cáo lui.”

Lý Tiêu Nhân lồm cồm bò dậy. Hai chân y hẵng còn run bấy, Triệu Phụ đã buông một câu nhẹ tênh: “Hai đứa này, lôi ra chém.”

Hai đứa tiểu đồng rú lên: “Bệ hạ tha mạng, xin bệ hạ tha mạng!”

Lý Tiêu Nhân lạnh toát cả người, căng thẳng rời khỏi cung vua.

Ra khỏi tẩm cung của thiên tử rồi, y mới dám lau mồ hôi rịn trên trán. Vờ như không nghe thấy hai tiếng hét thảm thiết vọng lên từ phía sau điện, Lý Tiêu Nhân bình tĩnh rời khỏi hoàng cung.

Phủ Cô Tô, Giang Nam.

Từ khi biết phải về nhà họ Đường một chuyến, Đường Hoàng vừa hào hứng vừa thấp thỏm lo âu. Cô nhóc mặc bộ váy áo mới toanh vừa được Diêu đại nương dẫn đi mua hôm qua, khiến Đường Thận nhìn chòng chọc.

Đường Hoàng ngượng nghịu: “Anh nhìn cái gì mà nhìn?”

Đường Thận muôn đời không bỏ được thói trêu em: “Thì nhìn em gái anh lúc không mặc áo gai thì cũng ra dáng tiểu gia bích ngọc10 phết! Trước cứ tưởng là ăn lông ở lỗ trên miền núi cơ.”

“…”

“Đường, Thận!!!”

[10] Chỉ con gái xinh xắn xuất thân từ gia đình thường dân. VN có câu gần giống vậy là “bần gia bích ngọc”

Hai huynh muội sẳm sửa xong xuôi, chuẩn bị đi đến nhà Đường cử nhân ở khu Tây thành Cô Tô. Gần ra đến cửa, Đường Thận sực nhớ ra: “Ấy, suýt tí nữa thì quên cái kia.”

Lát sau, cậu đã cầm theo món đồ đó từ trong nhà đi ra. Đường Hoàng không kịp nhìn kĩ, chỉ thấy loáng thoáng là một tấm thiếp.

Hai anh em rời nhà, nhằm hướng khu Tây mà đi.

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây