Sơn Hà Bất Dạ Thiên

58: Chương 58


trước sau

Cuối tháng bảy, ba vị Tuần Tra sứ lần lượt rời Thịnh Kinh.

U Châu là tiền tuyến giao tranh giữa Tống và Liêu, nhưng sau hòa ước mười tám năm trước, hai nước không tổ chức chiến dịch chính thức nào ở khu vực này nữa, chỉ có xung đột rải rác, nhỏ lẻ ở U Châu thôi. Nơi Vương Trăn đến là U Châu, vốn nguy hiểm hơn nơi Tô Ôn Duẫn và Tống Tuân được phân công; song khi Đường Thận tiễn chàng, chàng chẳng nói gì mà chỉ cười bảo: “Tiễn người ngàn dặm cuối cùng vẫn phải từ biệt, tiểu sư đệ, đừng tiễn nữa.”

Xe ngựa lộc cộc lăn bánh rời khỏi cổng thành. Vương Trăn và các quan lại, binh lính hộ tống dần dần khuất bóng ở chân trời.

Cuộc sống lại trôi qua từng ngày.

Chẳng mấy chốc đã gần đến giữa tháng Tám – tết Trung Thu đoàn viên, ba vị Tuần Tra sứ cũng sắp hồi kinh rồi. Chiều hôm ấy đến phiên Đường Thận trực, Triệu Phụ đang thiền trong thiên điện1 của điện Thùy Củng, nghe Giám chính Khâm Thiên giám Lý Tiêu Nhân giảng đạo. Bỗng nhiên, một thái giám trẻ quýnh quáng đi vào trong điện, ghé tai Đại thái giám Quý Phúc thì thầm mấy câu.

[1] Thiên điện là gian nhỏ hơn, nằm mé bên chính điện.

Tức thì, Quý Phúc biến sắc.

Lúc Triệu Phụ tu tiên tuyệt đối không cho phép ai quấy rầy, nhưng lúc nghe giảng đạo thì không nghiêm đến thế, tuy Triệu Phụ vẫn nổi giận nếu bị cắt ngang.

Song Quý Phúc không quản nhiều đến thế, lão ta khom người hành lễ, nói: “Bẩm quan gia, Ngu bộ Lang trung bộ Công – Cao Duy, xin cầu kiến ạ.”

Triệu Phụ chậm rãi mở mắt, lạnh nhạt lườm Quý Phúc. Quý Phúc sợ run cả người, cúi gằm mặt xuống sàn.

Triệu Phụ: “Cho vào.”

Quý Phúc hô lên the thé: “Cho Ngu bộ Lang trung Cao Duy vào yết kiến!”

Không lâu sau, một người đàn ông trung niên tầm bốn mươi tuổi, mặc quan bào màu đỏ, tiến vào điện.

Triệu Phụ quay về chính điện, Đường Thận và Khởi Cư xá nhân ngồi hai bên, chuẩn bị ghi chép.

Lang trung là chức quan ngũ phẩm. Vương Tiêu – tiến sĩ cùng khóa với Đường Thận cũng là Ngu bộ Lang trung giống ông Cao đại nhân này. Chức Lang trung ở bộ Công phải có đến hơn mười người; trong mấy lần đến điện Cần Chính, Đường Thận mới gặp ông Cao đại nhân này một lần trong, ngoài ra chưa gặp nhau lúc nào khác.

Lúc này, mặt mũi Cao Duy tái nhợt, trán lấm tấm mồ hôi. Ông ta vừa thấy Triệu Phụ thì quỳ phịch xuống.

Đại Tống gần như đã loại bỏ lễ quỳ rồi. Cao Duy quỳ một cái, Đường Thận thót tim, Triệu Phụ cũng nheo mắt. Cao Duy cố gắng nói cho rành rọt, nhưng cả người ông ta cứ run cầm cập nên giọng cũng run rẩy theo. Còn những điều ông ta tâu trình, thì không khác gì sấm đánh ngang tai, nện từng tiếng lên sàn gạch dát vàng: “Thần bái kiến thánh thượng. Thần từ Thứ Châu về đây. Nửa năm trước thần lĩnh chỉ đi Thứ châu xây quan đạo. Từ khi vào hè, miền Bắc liên tục mưa xối xả. Chiều hôm qua, trời mưa như thác đổ. Cơn mưa ấy đã… cuốn trôi một cây cầu trên quan đạo.”

Đường Thận nhấc bút lên chuẩn bị ghi, nghe thế liền ngẩng phắt đầu, sững sờ nhìn Cao Duy.

Hồi lâu, Triệu Phụ chậm rãi nói: “Một cây cầu à?”

Cao Duy cúi gằm mặt: “Tâu bệ hạ, là cầu bắc qua sông Kinh Hà2 ạ.”

[2] Sông Kinh Hà thuộc tỉnh Sơn Đông

Triệu Phụ: “Có thương vong không?”

Cao Duy im thin thít mấy giây, tiếng nói lí nhí dần: “Số người chết, hiện vẫn chưa thống kế được hết…”

“Khốn kiếp!”

“Chát…”

Triệu Phụ vớ một quyển tấu trên bàn ném trúng đầu Cao Duy. Trán Cao Duy giàn giụa máu. Ông ta không dám kêu đau, khấu đầu lạy: “Thần biết tội!”

Ngày mùng chín tháng tám năm Khai Bình thứ hai mươi tám, mưa lớn ở sông Kinh Hà, cuốn sập cây cầu đang xây dở. Gần một trăm người thiệt mạng vì cơn lũ, gây nên nỗi kinh hoàng cho cả triều đình và nhân dân.

Miền Bắc ít sông ngòi, sông Kinh Hà là con sông dài nhất mạn Bắc đại Tống. Con sông này khởi nguồn từ Hứa Châu, chảy vào Thứ Châu và Cảnh Châu, là nguồn nước chính cho ba châu miền Bắc đấy. Để làm đường từ Thịnh Kinh đến Thứ Châu không thể không đi qua sông Kinh Hà. Với Đường Thận thì sông Kinh Hà nhỏ hơn sông Trường Giang rất nhiều. Ở thời hiện đại, xây một cây cầu bắc qua sông Kinh Hà không phải hề khó khăn. Nhưng trong thời đại này, đây là một công trình lớn.

Đường đến Thứ Châu khó thi công hơn đường đến Ninh Châu, chính là vì phải xây cây cầu bắc ngang sông ấy.

Nhưng không ai lường trước cầu sẽ sập ngay khi mới xây một nửa!

Cả triều đình khiếp hãi, hoàng đế nổi giận đùng đùng.

Dưới cơn thịnh nộ của thiên tử, thây chất đầy đồng, máu tuôn vạn dặm.

Hôm sau lên triều, Triệu Phụ không thèm kiềm chế, nhẫn nại như mọi ngày nữa, quát ầm cả lên.

“Gạo tốt Thanh Khoa của triều đình là để nuôi lũ ăn tàn phá hại chúng bay đúng không? Hôm trước trẫm vừa nghe Thứ Châu báo tin, tình hình rất tốt, tất cả đều thuận lợi. Hôm nay quân bay lại bảo trẫm, cầu sập rồi, tai nạn rồi. Quân bay làm ăn như vậy đó hả, mở đường cho trẫm như thế đấy hả?”

Cả triều đình im thin thít, không ai dám mở miệng.

Kỳ thực các quan ở đây ai cũng thấy oan uổng. Việc làm đường chủ yếu do bộ Công phụ trách, các bộ Lại, bộ Binh và quan địa phương đều chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ. Nếu cầu sập thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về bộ Công; lỗi ở quan viên bộ Công sơ sót trong khâu thiết kế cầu, không tính đến tình huống mùa hè năm nay sẽ có mưa lớn. Mà giả dụ năm nay cầu không sập, sau này nhất định sẽ sập. Khốn nạn thay cho đám quan lại này, cầu lại sập ngay lúc đang xây dựng, đè chết mấy chục người và khiến hàng chục người khác chết đuối. Giả sử như về sau cầu mới bị sập, chỉ thiệt mạng vài người, hoặc không ai thiệt mạng, có khi Triệu Phụ sẽ không giận dữ đến vậy.

Song kỳ thực, Triệu Phụ không tức vì vụ tai nạn làm chết gần một trăm người thợ và mấy quan viên. Các quan lớn đang ngắm sàn điện Tử Thần ở đây đều biết, Triệu Phụ tức vì mất thể diện, ông ta cảm thấy quan lại dưới quyền không ra sức cống hiến vì mình.

Đấy mới là cái gai trong lòng ông ta.

Triệu Phụ xả giận xong, Trung Thư Tả Thừa Trần Lăng Hải – Trần tướng công tiến lên một bước, nói: “Việc ở Kinh Hà vô cùng cấp bách. Thần đề nghị, bệ hạ phái thêm một Giám sát Sứ đến điều tra rõ.”

Triệu Phụ hỏi: “Trần khanh tiến cử ai?”

Trần Lăng Hải nói: “Theo ý thần, Kỷ đại nhân Kỷ Tri của Ngự Sử đài là người đảm đương nổi việc này.”

Trong buổi triều, các tướng công của Trung Thư tỉnh chốt danh sách đoàn giám sát, ngày kia sẽ cắt cử đến Thứ Châu. Hôm nay không phải phiên trực của Đường Thận; hôm qua cậu đã được chứng kiến cơn thịnh nộ của Triệu Phụ ở điện Thùy Củng rồi, nghe nói hôm nay lên triều Triệu Phụ lại nổi bão một lần nữa, cậu cũng không lấy làm lạ. Bất ngờ thay, buổi chiều, một thái giám đến nha môn Trung Thư tỉnh mời Đường Thận tiến cung, nói rằng Triệu Phụ triệu kiến cậu.

Đường Thận vô cùng ngạc nhiên, lập tức đi theo thái giám ấy vào cung.

Thường vào giờ này Triệu Phụ đang làm việc trong điện Thùy Củng, thế mà hôm nay thái giám lại dẫn Đường Thận sang đài Đăng Tiên. Thái giám không được vào, Đường Thận chờ bên ngoài một lúc thì có Quý Phúc ra dẫn cậu vào trong.

Đài Đăng Tiên là nơi Triệu Phụ xây dựng riêng cho việc tu tiên của mình. Đây là cung điện cao ba tầng duy nhất trong hoàng cung. Thường ngày Triệu Phụ đều tu hành trong đại điện ở tầng một, nhưng hôm nay, Quý Phúc dẫn Đường Thận lên tận tầng ba. Đường Thận lên đến nơi thì thấy Triệu Phụ đang dựa vào lan can ngắm nhìn toàn cảnh hoàng cung.

Đường Thận: “Thần – Đường Thận, tham kiến bệ hạ.”

Triệu Phụ không quay lại, ông ta nhìn đình đài lầu các trong cung, chỉ về một nơi phía xa, hỏi: “Cảnh Tắc có biết, kia là đâu không?”

Đường Thận nhìn theo hướng ông ta chỉ. Ấy là một tòa cung điện chóp vàng lợp ngói lưu ly, to lớn như các cung điện khác. Đường Thận chỉ được đi một số chỗ trong cung, nên căn bản cậu không thể biết cung đấy là cung nào.

Cậu thành thật đáp: “Thần không biết ạ.”

“Đó là điện Bạch Lộc, do trẫm tự tay đề tên, dùng làm nơi nuôi con hươu trắng kia.”

Đường Thận cúi đầu nhìn xuống đất, không nói câu nào. Câu làm Khởi Cư xá nhân, rồi thăng lên Khởi Cư lang đã được một năm, tuy chẳng dám nhận là đoán được hết ý vua, nhưng cậu biết lúc này Triệu Phụ không cần câu trả lời của cậu.

Quả nhiên, Triệu Phụ nói tiếp: “Trời ban điềm lành, phù hộ Đại Tống, đấy là câu lũ ăn hại ấy nói cách đây hai tháng. Hôm nay, cái phước lành trời ban chúng cho trẫm xem mới vĩ đại chừng nào! Cảnh Tắc, ngươi có bằng lòng đến Thứ Châu thay trẫm một chuyến không?”

Đường Thận sững sờ, vô vàn suy nghĩ bùng nổ trong nháy mắt, cậu không tài nào đoán nổi Triệu Phụ có ý gì. Ngoài mặt, Đường Thận cung kính hành lễ, nói: “Thần không dám3. Thần là Khởi Cư lang, nhiệm vụ của thần là chép lại những gì bệ hạ làm hàng ngày.”

“Cảnh Tắc không muốn ư?”

Ngón tay Đường Thận run lên, mạch ý tưởng ào lên như cơn lũ, hàng trăm câu trả lời vút qua trong tâm trí cậu. Cuối cùng, Đường Thận ngẩng đầu, nhìn Triệu Phụ bằng ánh mắt đầy âu lo và hãi sợ, nhưng nói bằng một giọng kiên định vô cùng: “Thần nguyện san sẻ gánh lo vì bệ hạ!”

Ánh nhìn của Triệu Phụ đầy bao dung và ấm áp, ông ta mỉm cười: “Ngày mai, Cảnh Tắc hãy khởi hành cùng bọn Kỷ Tri. “

Đường Thận siết ngón tay, nói: “Thần tuân mệnh.”

Đường Thận rời khỏi đài Đăng Tiên, bước chân thoăn thoắt, nét mặt lo âu. Sau khi cậu đi, Triệu Phụ đứng trên tầng ba tòa lầu ngắm nhìn hoàng cung với gương mặt lạnh nhạt, dáng vẻ tươi cười hòa nhã khi nói chuyện với Đường Thận lúc nãy đã biến mất.

Đường Thận trở lại nha môn, đau đầu suy nghĩ mà vẫn không thể giải mã được ý đồ của Triệu Phụ.

Nhóm của Kỷ Tri gồm toàn quan lại do các tướng công Trung Thư tỉnh chỉ định đi làm Giám sát Sứ ở Thứ Châu trong buổi triều hôm nay. Triệu Phụ chẳng những bổ sung cậu vào đoàn Giám sát Sứ, còn yêu cầu cậu cứ ba hôm lại viết mật báo gửi về kinh, tường thuật những việc xảy ra ở Thứ Châu.

“… Ông ta muốn mình làm tai mắt cho ông ta.” Đường Thận kết luận.

Đường Thận không biết tại sao Triệu Phụ lại giao trách nhiệm này cho cậu.

Nếu cần người mật báo về từ Thứ Châu, Triệu Phụ nên chọn một tâm phúc mà ông ta tín nhiệm. Trùng hợp thay, sự lựa chọn tốt nhất của ông ta, đáng lẽ phải là Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn, người được phái đi Thứ Châu làm Tuần Tra sứ đến nay vẫn chưa về. Nhưng Triệu Phụ lại cho gọi Đường Thận mà không hề nói một chữ nào về Tô Ôn Duẫn cả.

Triệu Phụ và Tô Ôn Duẫn mâu thuẫn với nhau ư?

Triệu Phụ không tin cậy Tô Ôn Duẫn?

Lần này Triệu Phụ sai cậu đi Thứ Châu là để điều tra vụ việc sông Kinh Hà hay để điều tra Tô Ôn Duẫn?

Trước mắt Đường Thận là một tòa thành bị che phủ bởi sương mù dày đặc, cậu không lùi bước nổi, bị Triệu Phụ đẩy vào trong.

Hồi lâu, Đường Thận thở hắt ra.

“Chớ nghe, chớ hỏi… Vương Tử Phong, lẽ nào huynh đã dự đoán được tình huống ngày hôm nay?” Suy luận một hồi, Đường Thận lại thấy giả thuyết ấy thật vô lí, cậu cười giễu bản thân. Dù Vương Tử Phong thần cơ diệu toán đến mấy cũng không thể nào tính được sau nửa tháng có trận mưa lớn cuốn sập cầu sông Kinh Hà.

Vương Trăn đang ở tận châu U, chưa về kinh. Đường Thận dẫu muốn tìm chàng để hỏi cũng không có cách nào.

Nhưng Vương Trăn đã dặn: Chớ nghe, chớ hỏi.

“Việc đi Thứ Châu không cứu vãn nổi, mình cũng không tự chọn con đường này. Nhưng khi đến nơi thì đành… chớ nghe, chớ hỏi vậy.”

Hôm sau, Giám sát Ngự sử Kỷ Tri dẫn đầu một nhóm quan, rời kinh thành lên phía Bắc, nhằm hướng Thứ Châu.

Trên đường, họ không đi ngang qua khu vực cầu sông Kinh Hà bị cuốn trôi mà đi đường vòng cũ dẫn thẳng đến Thứ Châu. Tới trước thành, phủ doãn, quan đồng phán, quan lại các cấp ở Thứ Châu, cùng toàn bộ các quan chịu trách nhiệm làm đường thuộc bộ Công, bộ Lại, bộ Binh đều ra cổng thành tiếp đón.

Đứng đầu các quan là Tả thị lang bộ Công Tạ Thành và Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hâu. Bên cạnh họ, Thiếu khanh Đại lý tự, Tuần Tra sứ Thứ Châu Tô Ôn Duẫn mặc quan bào đỏ thẫm cũng đứng đó. Tô Ôn Duẫn nhìn lướt qua toàn độ Giám sát Sứ, chợt phát hiện Đường Thận đứng lẫn trong đám ấy, làn thu thủy sóng sánh lóe lên một tia sáng rất mảnh, rồi lại lướt đi.

Trước thành Thứ Châu, Tạ Thành và Từ Lệnh Hậu bước lên một bước, hô: “Hạ quan Tạ Thành / Từ Lệnh Hậu, xin được ra mắt Giám sát Sứ đại nhân.”

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây