Sơn Hà Bất Dạ Thiên

90: Chương 90


trước sau

Ngươi nói xem, sao đệ ấy cứ trêu đùa với trái tim ta mãi thế?

Tim Đường Thận rớt mất một nhịp, cậu ngơ ngác đưa tay lên xoa trán.

Vương Trăn bảo cậu ỷ chiều sinh kiêu… Lẽ nào, cậu vượt quá khuôn phép thật ư?

Nhưng Vương Tử Phong trông vui vẻ thế kia cơ mà, chẳng mảy may tức giận.

“… Sư huynh.”

“Ơi?”

Đường Thận thấy lồng ngực mình chật ních những cảm xúc khó mà gọi tên, không biết phải nói sao. Nên phủ nhận rằng mình không hề ỷ được chiều mà kiêu ngạo, hay nên nhận lỗi rằng mình lỡ lời, sau này sẽ không nói thế nữa? Song mấy chữ ỷ chiều sinh kiêu khiến lời nói của cậu cứ nghẹn lại. Im lặng hồi lâu, Đường Thận mới hỏi: “Sư huynh, hình như… đến lượt đệ rồi nhỉ?”

Cậu thiếu niên khôi ngô non trẻ chăm chú nhìn chàng bằng đôi mắt sáng ngời.

Vương Trăn làm thinh một lúc lâu mới đáp: “Ừ.”

Đường Thận thở phào nhẹ nhõm.

Hai người lại tiếp tục đánh cờ.

Vương Trăn không nhắc đến chuyện triều đình nước Liêu nữa, nhưng chàng chỉ cần điểm qua mấy nét ấy thôi là đủ khiến Đường Thận nhận ra sóng ngầm dữ dội trong quan trường nước Liêu. Quan trường của họ cũng máu lửa, sục sôi như tác phong quân đội của họ vậy. Trước hết, phải kể đến sự phân hóa giữa quan miền Bắc và quan miền Nam trong hệ thống quan lại nước Liêu.

Tập đoàn quan miền Bắc chiếm số đông, hầu hết thuộc dòng dõi quý tộc và các bộ tộc lớn, nắm quyền chủ chốt trong triều đình. Quan miền Nam phụ trách mọi hoạt động liên lạc giao lưu với người Tống, tuy nhân số ít hơn, nhưng cũng là thế lực đáng gờm. Bên cạnh đó, Đường Thận còn được tiếp xúc với Tam hoàng tử nước Liêu là Gia Luật Hàm.

Gia Luật Hàm hữu dũng vô mưu; nghe ý Vương Trăn, mối quan hệ giữa Gia Luật Hàm và Đại hoàng tử, Nhị hoàng tử nước Liêu cũng cạnh tranh gay gắt như cờ trắng với cờ đen.

Xưa nay, sự tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử là chuyện bất khả kháng. Ngay cả chuyện đấu đá, kèn cựa nhau giữa các phe phái quyền thần trong triều đình cũng quá đỗi bình thường. Tuy vậy, đến bây giờ Đường Thận mới ý thức được rằng Đại Tống cũng có rất nhiều hoàng tử, Đại Tống cũng có rất nhiều quyền thần và vô số đảng phái, nhưng Đại Tống có Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ.

Hiện giờ, Nhị hoàng tử Triệu Thượng được giao nhiệm vụ tiếp đoàn sứ Liêu. Triệu Thượng không hề lóng ngóng, anh ta biết dưỡng sức nuôi quân chờ cơ hội nên đã nhiều lần thắng thế trong quá trình đàm phán với sứ Liêu. Tuy nhiên, trên Triệu Thượng còn có Đại hoàng tử Triệu Kính cũng rất tài danh, nghe đồn từng được Chu Đại học sĩ của viện Hàn Lâm tán thưởng vì tài viết chữ đẹp.

Ngoài ra, trên triều đình, phe thế gia và phe hàn môn, lớp quyền thần gạo cội và những gương mặt trẻ được tin dùng, đều là những quân cờ đen trắng đối chọi lẫn nhau.

Nhưng cả bàn cờ ấy nằm gọn trong lòng bàn tay Triệu Phụ.

Dẫu Triệu Phụ tạo nên bố cục ấy vì lí do gì đi chăng nữa, thì thành quả cũng là một nước Đại Tống không bị chia rẽ sâu sắc trong nội bộ.

Đường Thận ôm tâm trạng phức tạp, thầm than một tiếng, cúi đầu đặt cờ.

Đường Thận nói: “Mâu thuẫn trên triều đình và trong cung đình nước Liêu cũng giống như mưa mùa hạn cho Đại Tống vậy. Nếu có thể lợi dụng được thì ắt thành diệu kế.” Quay lại đề tài ban đầu, đây chính là điều Đường Thận đã nghĩ đến.

Vương Trăn đi thêm một nước nữa, bấy giờ mới làm như vừa nghe thấy những gì Đường Thận nói. Chàng tỏ ra hơi ngạc nhiên, hỏi Đường Thận: “Chẳng phải ta và tiểu sư đệ đang chơi cờ ư? Sao bỗng dưng nhắc đến chuyện nước Liêu thế? Tiểu sư đệ quả là hết lòng vì nước, không lúc nào thôi đau đáu việc dân; rời nha môn, ngồi vào bàn cờ, lòng vẫn trăn trở chuyện sứ Liêu. Hiền tài như đệ, chẳng nên bị mai một lãng phí thế này.”

Đường Thận nghĩ bụng, ta đường đường là Trung thư xá nhân tứ phẩm, quan điện Cần Chính, về quê thăm họ hàng, phủ doãn Cô Tô còn phải khom lưng cúi đầu, huynh lại bảo ta bị mai một là sao!

“Chung quy cũng vì hơi nhỏ tuổi.” Vương Trăn lại nói.

Đương nhiên, Đường Thận có ngại chi chuyện thăng quan tiến chức nhanh nhanh chóng chóng, tuyệt nhất là sang năm vào điện Cần Chính làm tể tướng luôn. Tuy nhiên, nếu có thể ẵm được chức vụ của Tô Ôn Duẫn, trở thành Thiếu khanh Đại lý tự, cậu cũng chẳng thèm quan tâm có thăng tiến nữa không.

Thiếu khanh Đại lý tự tuy chỉ là chức quan tứ phẩm, nhưng được quyền xử lí quan có tội khắp cả nước.

Nếu cậu được làm Thiếu khanh Đại lý tự thì muốn điều tra chuyện gì cũng dễ dàng nhanh gọn. Đây cũng là ý đồ ban đầu của Đường Thận khi tiếp cận Tô Ôn Duẫn, tiếc rằng bởi vụ việc Thứ Châu ngáng đường mà Tô Ôn Duẫn có thành kiến lớn với Đường Thận. E là cậu với anh ta khó mà giao hảo nổi với nhau.

Đường Thận bất lực lắc đầu, tiếp tục đánh cờ. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên hết, Vương Trăn thắng đậm.

Đường Thận khoác áo lông cáo, từ biệt Vương Trăn, chuẩn bị về nhà.

Vương Trăn khuyên: “Chẳng thà lần sau tiểu sư đệ để hẳn một bộ triều phục ở nhà ta ấy, đỡ mất công cứ phải về nhà mỗi bận.”

Mùa đông giá buốt thấu xương, mỗi lần sang đây Đường Thận đều phải đội gió đội rét về phủ, quả đúng là bất tiện. Nếu để triều phục ở nhà Vương Trăn, sau này Đường Thận có thể ngủ luôn ở phủ Thượng thư, không nhất thiết phải về để thay quần áo trước khi vào triều nữa. Cậu suy nghĩ một chốc, đáp: “Lần tới qua đây đệ sẽ mang theo triều phục, gửi lại chỗ sư huynh.”

Vương Trăn cầm đèn lồng, tiễn Đường Thận ra cửa.

Đường Thận nhìn chiếc đèn lại nhớ cái lần Vương Tử Phong nói “Có đốt đèn lồng cũng không tìm được chàng trai nào tốt như ta đâu”, liền bật cười. Cùng lúc ấy, Vương Trăn cũng cất tiếng nói: “Năm nay tiểu sư đệ mới mười chín tuổi đã là quan tứ phẩm. Trong vòng hai năm tới, nếu không lập công lớn, tuyệt đối không thể tấn thăng.”

Đường Thận làm sao không rõ chuyện ấy kia chứ. Cậu đáp: “Sư huynh chớ hiểu lầm, đệ không phải người hám danh lợi.”

“Thật ra, ta có thể chỉ cho tiểu sư đệ cách này, đảm bảo hoạn lộ thênh thang, thậm chí được thăng đến nhị phẩm chỉ trong năm năm cũng không phải không thể.”

Đường Thận tròn mắt: “Sư huynh?” Còn có cách đấy kia à?

Vương Trăn giơ đèn lồng, cười: “Phương pháp đơn giản lắm, tiểu sư đệ và ta cát bào đoạn nghĩa1, mỗi người một ngả, từ rày về sau không dính líu gì đến nhau nữa.”

Đường Thận: “…”

Nghe thì như đang trêu cậu đấy, nhưng Đường Thận ngẫm nghĩ kĩ mới thấy rùng cả mình.

Điều Vương Trăn nói, có mấy khi là đùa cợt?

Đường Thận rất được lòng hoàng đế, làm quan ba năm đã được vào điện Cần Chính đảm nhiệm chức Trung thư xá nhân tứ phẩm. Cậu với Vương Trăn khăng khít keo sơn, tương lai đầy triển vọng, mười năm sau hoàn toàn có thể trở thành quan nhị phẩm. Song nếu cậu muốn thâu tóm quyền lực một cách nhanh chóng chỉ nội trong năm năm, thì không có con đường nào nhanh hơn là đoạn giao trở mặt với Vương Trăn.

Nếu Đường Thận trở thành kẻ thù của Vương Trăn trong khi cậu không hợp với Tô Ôn Duẫn, cậu sẽ lập tức trở thành quân cờ hoàn hảo để khống chế cả hai người này từ góc nhìn của Triệu Phụ. Chính nguyên nhân ấy sẽ khiến Triệu Phụ ra sức trọng dụng, nâng đỡ cậu để cậu đủ sức làm đối trọng với cả Vương Trăn và Tô Ôn Duẫn.

Nhưng…

Đường Thận nói: “Sư huynh nói thế, có nghĩ đệ sẽ đau lòng chăng? Mỗi người đều có tương lai của riêng bản thân, vì thế mà có câu ‘làm hết sức mình, mới hay thiên mệnh2.’ Chưa một lần nào đệ có ý nghĩ phân biệt giữa đệ và huynh. Sư huynh là sư huynh của đệ kia mà. Như ban nãy đệ nói đấy thôi, Tử Phong sư huynh, đệ không phải người hám danh lợi.”

[2] Con người có sức mạnh thay đổi số phận. Thay vì tin rằng mọi sự được sắp đặt sẵn thì phải cố gắng hết sức. Kết quả đạt được chính là vận mệnh do mình tạo ra.

Cậu nói ngần ấy lời chung quy cũng chỉ vì một ý: Ta không muốn lợi dụng huynh.

Ban đầu quả đúng là Đường Thận có ý đồ mượn sức Vương Tử Phong để trèo cao, nhưng cho đến ngày hôm nay, cậu không chỉ đem lòng kính nể và tôn trọng vô bờ bến với sư huynh, mà còn coi chàng như ngọn hải đăng soi đường dẫn lối.

Lương Tụng là ân sư vỡ lòng của cậu, còn Vương Trăn là người thầy trên cả quãng đường đời về sau.

Đong đếm làm sao nổi những điều Vương Trăn đã dạy cậu kia chứ? Trước biển cả quan trường cuồn cuộn mênh mông, chàng là người dẫn cậu rẽ sóng bước vào. Đến giờ, Đường Thận bỗng nhận ra, có những thói quen đã đâm chồi bám rễ trong tâm thức cậu, tỷ như thói quen ngưỡng mộ Vương Trăn, tỷ như thói quen có một người vừa là thầy giáo, vừa là sư huynh đứng sau lưng mình. Cậu tin tưởng Vương Trăn vô điều kiện, thậm chí cậu dám trao cả tính mạng mình cho chàng.

Giữa lúc nước sôi lửa bỏng trong cái đêm ở trạm dịch Thứ Châu ngày ấy, ngay từ giây phút Vương Trăn đẩy cánh cửa phòng chứa củi cứu sống Đường Thận…

Thì người sư huynh này, đối với cậu, đã không còn là tảng đá lót đường để cậu thăng tiến, mà hoàn toàn trở thành người chí hữu3 độc nhất trong cả kiếp này.

[3] Bạn thân thiết. Nhớ lại đối thoại giữa ĐT và VT chương 46

Đường Thận chắp tay: “Những gì cần nói đã nói hết. Sư huynh, đệ cáo từ.”

Vương Trăn ngây người.

Đường Thận kéo áo khoác cho thật kín người, leo lên xe ngựa. Xà ích đánh xe về phủ Thám Hoa.

Sau lưng cậu, Vương Trăn giơ đèn lồng dõi nhìn theo. Ánh mắt chàng miên man, chất chứa muôn vàn tâm sự.

Một lúc sau, quản gia bước đến nhắc: “Công tử, ban đêm gió lớn, nên vào nhà sớm thôi.”

Vương Trăn: “Ngươi nói xem, sao đệ ấy cứ trêu đùa với trái tim ta mãi thế?

Quản gia không biết nên nói gì, ông ta cũng nghe thấy cuộc đối thoại vừa rồi giữa Vương Trăn và Đường Thận. Ông theo Vương Trăn từ khi chàng còn tấm bé. Đường Thận nghe Vương Trăn nói câu kia thì tưởng Vương Trăn trêu chọc mình, còn có ý thăm dò lòng mình nữa, song quản gia lại biết, Vương Trăn không nói thế để dò xét xem Đường Thận có ôm lòng riêng không. Cái Vương Tử Phong muốn thử thăm dò là vị trí của mình ở trong lòng sư đệ.

Công tử nhà mình nghiêm túc và thận trọng từng li từng tí thế, khiến quản gia ngẫm mà thương.

Cúi đầu, quản gia nói khẽ: “Công tử, đến lúc về rồi.”

Vương Trăn thở dài thườn thượt, tiếng chàng lạc đi trong cơn gió dữ đêm đông giá buốt, cuốn theo nỗi ưu tư, phiền muộn trĩu nặng cõi lòng.

Nhưng Vương Trăn không phải chờ lâu, hai hôm sau, Đường Thận đã thắp đèn lồng sang phủ Thượng thư.

Vương Trăn nhìn cậu, Đường Thận tay cầm đèn, miệng ấp úng: “Sư huynh là trang nam nhi tốt đến mức đốt đèn cũng không tìm được, huynh đừng giận đệ nha.”

Vương Trăn chậm rãi nhoẻn cười: “Ta giận đệ hồi nào?”

Đường Thận: “Huynh không giận ư?”

Vương Trăn: “Lại đây chơi cờ với ta.”

Đường Thận: “…”

Thế mà bảo không giận?

Không giận mà còn đòi đánh cờ để hành cậu!

Thực ra Vương Trăn đang xếp dở bàn cờ thì Đường Thận đến nên chàng mới rủ chơi chung. Tài trí cách mấy chàng cũng chẳng nghĩ ra rằng tiểu sư đệ chỉ vì chuyện ấy mà ấm ức trong lòng. Hai người chơi mấy cuộc liền, Vương Trăn hỏi: “Mang triều phục đến chưa?”

Đường Thận sửng sốt: “Quên rồi.”

“Vậy lần sau đem sang nhé.”

“Vâng.”

Chơi cờ xong, Đường Thận đằng hắng, nói rõ lí do mình sang đây: “Sư huynh phụ trách ty Ngân dẫn, chẳng hay hiện giờ công việc của ty Ngân dẫn đến đâu rồi?”

Vương Trăn ngước mắt liếc Đường Thận: “Sao tự dưng tiểu sư đệ lại hỏi chuyện ty Ngân dẫn?’

Do dự một lúc, Đường Thận quyết định giãi bày hết những suy nghĩ gần đây của mình: “Lúc trước, Lý tướng quân có đề cập chuyện nuôi quân với đệ. Sư huynh, người Liêu luôn nhòm ngó Đại Tống ta, đối sách nào cũng như uống rượu độc giải khát, trị ngọn mà không trị gốc. Đại Tống ta phải kiêng dè nước Liêu, chẳng qua là vì lực lượng thiết kị thần tốc dũng mãnh của nước họ. Hai hôm trước, sư huynh đã nói với đệ về mâu thuẫn nội bộ của nước Liêu, đệ thiết nghĩ, mọi sự tranh đấu trên đời, đều quy về hai chữ ‘đổi quân’4 mà thôi…”

[4] Chiến thuật trong cờ tướng

Mười ngày sau, hai nước Tống Liêu đàm phán thành công hiệp ước. Mỗi bên nhường một bước trong trận chiến thành U Châu năm Khai Bình thứ ba mươi.

Người Liêu đòi hỏi tiền bạc, người Tống không từ chối. Điều người Tống muốn là nước Liêu phải thả con tin, cũng như cho phép Đại Tống mua một bầy Hãn Huyết bảo mã5 từ nước Liêu.

[5] Giống ngựa quý Akhal-Teke có nguồn gốc Turkmenistan, tương truyền giống này đổ mồ hôi (hãn) đỏ như máu (huyết). Rất khỏe, nhanh và dẻo dai. Bấm số để xem ảnh.

Bảo mã đắt nhưng không ai bán, ngàn vàng khó mua.

Nhưng mọi chuyện không dừng ở đấy, Hán Nhi ty Gia Luật Cần của đoàn sứ Liêu còn đưa ra một yêu cầu khiến các quan nước Tống phải hãi hùng.

Gia Luật Cần nói: “Bấy lâu nay Đại Liêu vẫn nghe danh nước Tống là miền đất mĩ nhân, người đẹp nước Tống u nhàn hiền dịu. Chuyến này đến đây, bản sứ thần cũng được giao trọng trách rước công chúa Đại Tống về thành hôn với hoàng đế Đại Liêu.”

Buổi triều sớm hôm sau, cả triều đình Đại Tống xôn xao ầm ĩ cả lên.

Triệu Phụ ngồi trên ngai vàng, nói: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Nữ nhi Đại Tống ta nết na thùy mị, không ngờ tiếng thơm vang đến tận đế đô nước Liêu. Thật đáng tiếc, trẫm không có công chúa nào vừa tuổi cả. Chư vị ái khanh, các khanh nghĩ nên làm thế nào đây?”

Đường Thận biết, thật ra Triệu Phụ không quan tâm con gái mình có cưới vua Liêu hay không. Ông ta chỉ nói tiếc ngoài miệng thôi chứ trong lòng không hề có cảm giác gì hết. Trái lại, trong triều đình Đại Tống, có rất nhiều người lo cho con gái mình.

Nhất thời, các vương tôn quý tộc, văn võ bá quan trong triều đình đều cảm thấy bất an.

Một hôm, vào ngày nghỉ cuối tuần6, Đường Thận đến lầu Tế Hà thì gặp một vị khách không ngờ tới.

Đường Thận bước qua hành lễ: “Hạ quan Đường Thận bái kiến Cảnh Vương Thế tử. Ngọn gió nào đưa Thế tử tới đây thế này?”

Chàng trai ấy chính là Cảnh Vương Thế tử Triệu Quỳnh.

Triệu Quỳnh nâng ly rượu, cười ái ngại: “Mượn rượu giải sầu… sầu càng sầu! Cảnh Tắc à, vua Liêu đòi rước công chúa Đại Tống về làm dâu, chắc ngươi biết rồi chứ nhỉ.”

Đường Thận ngồi xuống: “Tôi cũng nằm trong số các quan phụ trách tiếp đón sứ Liêu mà.”

Triệu Quỳnh than thở: “Thánh thượng không có công chúa đúng tuổi lấy chồng, đương nhiên phải chọn con gái nhà khác thế vào. Trong số ấy, con gái các gia đình hoàng tộc như chúng ta sẽ bị chấm đầu tiên. Nếu trong hoàng gia không có ai thích hợp, hoặc Thánh thượng không muốn thiệt thòi cho con cháu hoàng gia, bấy giờ mới chọn đến các nhà đại thần, chấm cô nào thì phong cô đấy làm công chúa rồi gả sang Liêu.”

Chọn con gái nhà đại thần là vì họ chẳng phải ruột rà máu mủ với mình, bắt bừa một cô gánh kiếp hẩm hiu là chuyện quá đỗi phổ biến. Mặc dù thế, Triệu Phụ không phải vị vua giàu tình cảm. Dẫu là con đẻ, ông ta còn sẵn sàng gả đi nữa là cháu gái.

Triệu Quỳnh bấy giờ mới giãi bày: “Tiểu muội nhà ta năm nay vừa tròn mười bảy, cả nhà nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Vốn muốn giữ con bé ở nhà thêm vài năm, nên giờ vẫn chưa hứa hôn cho ai cả!”

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây