Sừng Sơn Dương Dưới Đuôi Hồ Ly

95: Ngoại truyện 1 Khói và Lửa


trước sau

Editor: Sầu riêng

Beta: Anh Đào

Ba năm trước.

Cửa sổ hướng về phía đông, ánh sáng ban mai của một ngày nắng tràn vào trong phòng.

Trần Nhung tỉnh giấc, nằm trên giường không dậy nổi.

Ngoài cửa truyền đến giọng nói của mẹ. Bà ấy đã gọi ba, bốn cuộc điện thoại mà chỉ nói cùng một chuyện: "Trần Nhung nhà chúng tôi đỗ trường cấp ba trọng điểm của tỉnh trên."

Thần kỳ làm sao, giọng điệu của mẹ lần nào cũng giống như như đúc, cứ như thể là bản sao của chính mình vậy.

Nếu không phải đỗ trường cấp ba lớn, sẽ có rất ít phụ huynh đi thông báo khắp nơi như vậy. Mẹ gửi gắm tất cả vào cậu.

Ngoài cửa yên tĩnh trở lại, cậu mới ngồi dậy.

Dưới tấm đệm là những ván giường cứng cáp, chỉ cần cậu cử động một cái sẽ phát ra tiếng "cọt kẹt, cọt kẹt". Những ngày đặc biệt có chuyện cần phải xử lý, ván giường sẽ rung như động đất. Tất nhiên, những ngày giường rung như đóng cọc đó sẽ chỉ xảy ra khi mẹ vắng nhà.

Ánh nắng chiếu lên bức tường trắng, bên trên treo một bức tranh màu nước, là một vách núi sắp đổ xuống.

Phong cách vẽ trừu tượng, không tả thực, cậu không thể để mẹ mình phát hiện ra rằng đây là một tác phẩm mang năng lượng tiêu cực.

Cậu bước xuống giường.

Tấm ván giường vừa bị đè xuống đột nhiên cong lên, lại phát ra âm thanh lần nữa.

Đây là căn nhà cũ xây từ mười mấy năm trước đây, giấy tờ bất động sản đứng tên bà nội.

Căn nhà có hai phòng ngủ một phòng khách, đủ cho cậu sống với mẹ.

Mẹ cậu là người có cuộc sống khá giả nhất vùng. Bà ấy đã ly hôn, nhưng cuộc sống của bà vẫn kẹt lại ở trong quá khứ. Bà ấy ăn no mặc ấm, không có xe nhưng khi ra ngoài nhất định phải đi taxi, bà ấy không muốn chen chúc trên các phương tiện giao thông công cộng.

Bà ấy nói, mùa hè kéo dài như vậy, trong buồng xe đều là mùi mồ hôi thối.

Gia đình lại rất bao dung với bà ấy, không hề tạo cho bà ấy dù là một chút kích thích.

Mẹ cậu có vẻ đẹp khiến người ta phải ngỡ ngàng, bà ấy quen được một người bạn trai giàu có, gần như đã nói đến chuyện kết hôn.

Nhưng Trần Nhung lại cực kỳ túng quẫn, có lẽ không hẳn là nghèo khó đến mức vậy, mà chỉ là gia đình giàu có đó không liên quan đến cậu. Cho dù mẹ cậu có cưới người đàn ông đó, cậu cũng không phải con trai nhà giàu.

Cứ như vậy nhiều năm, cậu không hề nói với mẹ mình muốn đổi một chiếc giường thoải mái hơn. Cậu đã quen với tiếng kêu "cọt kẹt" như vậy rồi.

Những khi tiếng động đó vang lên, cậu cảm thấy bản thân trở nên sinh động hơn.

Trần Nhung vào trong phòng bếp rót một ly nước.

Cậu không thấy bóng dáng của mẹ ở đâu, nhưng bếp ga vẫn đang bật.

Sau này mẹ cậu bị bệnh, thường xuyên quên đây quên đó.

Cậu tắt bếp ga đi.

Cậu ra bên ngoài, túi xách mẹ cậu yêu thích đã không còn ở đây. Cậu biết bà ấy đã ra ngoài.

Trần Nhung cũng phải ra ngoài một chút.

Trên đường có một cửa hàng, cửa hàng rất nhỏ, mặt tiền chỉ rộng hai mét, bên trong rất hẹp và dài, ước chừng khoảng bốn năm mét.

Đây là một cửa hàng hoa. Bên trong cửa hàng rất chật chội và trưng đầy hoa tươi, chủ cửa hàng thường xuyên bày hoa ra bên ngoài vỉa hè.

Trần Nhung đến cửa hàng hoa: "Chị Trân."

Chị Trân là bà chủ của cửa hàng bán hoa này, chị năm nay đã ngoài ba mươi. Năm năm trước chị thuê cửa hàng này, sau đó bán hoa đến tận bây giờ.

Cậu chưa đủ mười sáu tuổi nên mỗi kỳ nghỉ hè Trần Nhung đều đến đây làm thêm. Chị Trần không coi cậu như người làm thuê, chị nói rằng cậu là em trai của chị, cùng nhau chiến đấu.

Mỗi tháng chị Trần đưa cho Trần Nhung 700 tệ tiền lương. Đối với một học sinh như Trần Nhung mà nói thì đây là một số tiền lớn.

"Trần Nhung, em tới rồi à." Chị Trân đưa cho cậu một tấm thẻ nhỏ, "Đây là địa chỉ sáng nay phải đi giao hoa."

"Vâng."

Chị Trân thấy chóp mũi Trần Nhung đổ mồ hôi, chị rút một tờ khăn giấy ra đưa tới: "Em lau mồ hôi đi, cũng không cần phải đi gấp đâu, thời tiết nóng quá."

Trần Nhung lấy mắt kính xuống, lấy khăn giấy đắp lên mắt mình.

Chị Trân quay đầu lại.

Đôi mắt thiếu niên dài mảnh, đôi mắt này không giống đôi mắt đào hoa mà thiên về đầy đặn hơn, nhưng không lại không quá xếch hay nhỏ, mà giống như một quả ô liu. Một thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi đã có được phong thái như vậy rồi, lớn lên sẽ đến mức nào?

Nhưng chị Trân vừa nghĩ đến sắc đẹp khiến người ta phải ngỡ ngàng của mẹ Trần Nhung, chị cũng không còn quá bất ngờ nữa.

*

Trần Nhung đội mũ bảo hiểm, buộc bó hoa vào khung sau rồi lên xe đạp điện phóng đi.

Chạy đến địa điểm giao hoa đầu tiên, là một địa chỉ cố định, trong một tòa nhà văn phòng. Khách hàng là người của thành phần tri thức, nhưng mỗi ngày biểu cảm nhận hoa của cô ấy cũng không mấy vui vẻ, thường thường nhận đồ một cách qua loa có lệ.

Địa chỉ thứ hai, ba ngày trước cũng mới giao đến đây, người nhận là một cậu bé. Cậu nhóc rất ngạc nhiên vui vẻ nhận đồ, mặc dù đến tận bây giờ cậu vẫn không biết người tặng là ai.

Món quà là hoa hướng dương, cậu bé hỏi có phải hoa hướng dương tượng trưng cho tình yêu không?

Trần Nhung cũng không biết, cậu thuận miệng lên tiếng đáp lại: "Ừ."

Địa chỉ mà cậu đi giao hoa phần lớn đều là khu vực lân cận, sẽ không chạy qua năm cây số. Nơi này là khu phố cổ, dân cư đông đúc, nhưng cũng có mấy con phố, dãy nhà ở đây đều là nhà cũ, con đường hẹp, mặt đường cũng được làm từ mấy chục năm trước. Cả một con đường không có trạm xe buýt, vỉa hè cũng không có, cửa nhà như bám vào lòng đường.

Trừ những hộ dân sống hai bên, những người khác hầu như không qua đây.

Xe đạp điện của Trần Nhung phóng nhanh trên đường.

Cậu chạy qua khu này, đưa hoa cho một bà lão. Khách hàng này là một cô giáo đã về hưu, có lần bà đi qua đường được Trần Nhung đỡ đi qua đến đầu bên kia.

Trần Nhung thỉnh thoảng qua đây hỏi bài tập, thuận tiện đi đưa hoa cho bà.

Bà lão có một trai một gái, con gái ra ngoài đi làm. Khi nhắc đến con trai thì bà chỉ nói ba chữ "Thằng phá của".

Bà ở trong một căn nhà cũ, hoa là cháu gái của bà gửi đến.

Trần Nhung đọc tấm thiệp chúc nên có thể biết được bà lão sắp đến ngày đại thọ tám mươi tuổi.

Từ xa chạy đến, Trần Nhung đã thấy một nhóm người đứng trước cửa nhà bà lão.

Tên cầm đầu là một tên mặt lừa, hắn ta chỉ vào người đứng sau cửa: "Không trả tiền, có vẻ bà không cần bộ xương già này nữa nhỉ?"

Trần Nhung dừng xe.

Bên trong truyền ra giọng nói khàn khàn: "Đám người các cậu là phần tử phạm pháp, các cậu có dám theo tôi lên đồn công an một chuyến không?" Bà lão mặc dù đã già, nhưng nói chuyện vẫn rất có khí chất, cho dù đang tức giận nhưng không hề để lộ ra vẻ đanh đá chanh chua.

Tên mặt lừa nói: "Có gì mà tôi không dám? Con trai nhà bà vay tiền của chúng tôi, giấy trắng mực đen. Bây giờ không trả nổi cho người bị hại là chúng tôi đây. Sao bà còn hung dữ hơn của chúng tôi nữa vậy? Đầu năm nay, chủ nợ bọn tôi ngược lại thành cháu mấy người."

Đám người đi theo tên mặt lừa cười ầm lên.

"Bà già, đừng tưởng bọn tôi không biết, trong tay bà có sổ tiết kiệm mấy chục triệu tệ. Bà giữ khư khư như vậy làm gì, không biết đã đến ngày thanh toán rồi à?" Ánh mắt của tên mặt dài rất gian xảo, "Đúng rồi, con trai bà nói bà có một miếng ngọc cổ truyền ở nhà hả? Lấy ra cầm cố trả nợ đi."

Lúc này bà lão mới đi ra, mặt đỏ tới mang tai, đứng thẳng tắp, lúc nói chuyện có tức giận nhưng không hề loạn: "Ai nợ các cậu tiền, ai ký hợp đồng với các cậu thì đi mà tìm người đó."

"Tôi không phải là không tìm thấy con trai của bà." Tên mặt lừa nói, "Chân dài ở trên người cậu ta rồi, chúng tôi cũng không thể chặn đứt chân của cậu ta, cậu ta ngỏm thì tiền của chúng tôi cũng bay theo."

"Tôi không có thằng con trai này, đi thong thả không tiễn khách." Bà lão xoay người định đi vào trong nhà.

Một người trong đám người đi đòi nợ tiến lên, một hai phải cướp được sổ tiết kiệm của bà.

Bà lão đã lớn tuổi, xương khớp mềm yếu, bà bị tên đó đẩy một cái cả người ngã về phía trước, trán bà đập lên bậc thang.

Tên kia hoảng sợ, thấy bà lão tự mình bò dậy, hắn ta thở phào nhẹ nhõm.

Tên mặt lừa nhận được sổ tiết kiệm, hắn mở ra: "Ô, một khoản lớn đó nha. Được rồi, bà dùng chỗ tiền này trả tiền nợ, chúng tôi không truy cứu nữa. Sau này cũng sẽ không đến làm phiền bà. Bà cần thể diện mà đúng không? Nếu những người xung quanh đây biết bà thiếu nợ không trả, bà có cảm thấy mất mặt không."

Tên mặt lừa hình như biết chỗ đau của bà lão. Bà làm giáo viên mấy chục năm, điều bà quan tâm nhất là thể diện.

Bà lão không nói tiếng nào, đứng thẳng dậy ngẩng đầu ưỡn ngực.

Tên mặt lừa đóng quyển sổ tiết kiệm lại, vẫy tay: "Nào nào vào trong đi, chúng ta vào ngồi một chút, tâm sự chuyện chính thanh toán tiền nong."

Đám người này mới đứng ngoài cửa đã ngông cuồng thế này rồi, nếu vào trong nhà chắc chắn sẽ làm ra được mấy thủ đoạn không tốt lành gì.

Trần Nhung bỏ mũ bảo hiểm xuống, hô lên: "Mấy người bắt nạt một bà lão như vậy, cuối cùng thì là ai mới không cần thể diện đây."

Tên mặt lừa quay đầu lại, nhìn thấy một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch không lớn không nhỏ thì cười ha ha một tiếng: "Sao vậy? Trong giờ học nghe kể chuyện về Lôi Phong* đến ngu người rồi ra đây làm việc nghĩa à?"

*雷锋 Lôi Phong là một chiến sĩ của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau cái chết của mình, Lôi Phong đã được hình tượng hóa thành một nhân vật vị tha và khiêm tốn, một người hết lòng với Đảng Cộng sản.

Trần Nhung im lặng không lên tiếng, cậu lại bước về phía trước một bước.

Tên mặt lừa cười không ngừng lại được. Chưa cần nói đến tuổi tác của thằng nhóc con này, chỉ cần nhìn qua số người, thằng nhóc đó có một mình, còn bọn họ có mấy người, bên thắng nhất định là bọn họ.

Mặt lừa định tiếp tục đi vào trong nhà bà lão.

Bà lão đưa tay ra chặn lại.

Mặt lừa đang định vỗ vào tay bà cụ thì đột nhiên bị gãy tay, khuỷu tay hướng ra ngoài, cơn đau lập tức ập đến. Lúc này hắn ta mới phát hiện mình bị thằng nhóc vắt mũi chưa sạch này ngăn lại. "Đờ mờ —" Lời còn chưa nói hết đã bị đứt quãng.

Nhìn thằng nhóc vắt mũi chưa sạch này tuổi không lớn lắm, vóc người cũng không đô con, nhưng ra quyền lại rất nhanh, mấy người bọn họ vây đánh, thằng nhóc một đấm hạ một người, nhanh chóng đánh bại đám người bọn họ.

Mấy người thu nợ đó chạy mất dạng để lại một câu kinh điển: "Mày đợi đó cho tao."

Trần Nhung đỡ bà lão: "Bà có muốn đi báo cảnh sát không?"

"Bọn họ có giấy ghi nợ, giấy trắng mực đen, đừng làm bậy." Bà lão nói, "Mấy ngày này bà dọn qua nhà con gái ở, cháu cũng phải chú ý an toàn. Những người này không phải dễ chọc, sau này cháu thấy bọn họ thì phải chạy đi ngay."

Lúc này Trần Nhung vẫn không quên đưa hoa: "Phiền bà ký xác nhận giúp cháu."

Vừa rồi lúc đánh nhau cổ áo của cậu bị xé rách, lộ ra nửa bả vai bên trái.

Bà lão đi vào, trong lúc đi ra cầm một bộ quần áo.

Trần Nhung lắc đầu nói: "Không cần đâu ạ."

Bà lão nói: "Cháu để lộ bả vai như vậy đi đưa hoa, người ta sẽ cho rằng cháu là côn đồ đó. Quần áo con trai bà ở đây không có nhiều, chỉ tìm được bộ này thôi."

Trần Nhung tuỳ tiện mặc vào: "Bà ơi, cháu giặt sạch rồi rồi sẽ trả lại bà."

"Không trả lại cũng không sao cả. Đây là đồng phục hồi trung học trước đây của con trai bà, bây giờ nó béo rồi, bộ đồ này nhỏ nó mặc không vừa nữa." Bà lão than thở, "Trước kia con trai bà là một đứa trẻ ngoan, mặc đồng phục học sinh trông cũng sáng sủa như cháu vậy." Trong lời của bà có hàm ý, có nhớ mong có hoài niệm.

Trần Nhung ngồi lên xe đạp điện, lại đi đến địa chỉ giao hoa khác.

Buổi tối lúc cậu giặt áo khoác, cậu phát hiện trong túi áo có một cái hộp nhỏ, bên trong có một miếng ngọc.

Mẹ cậu đi tới: "Con ngẩn người cái gì thế?"

Mẹ nhìn thấy đồ trong tay cậu thì hỏi: "Đây là cái gì?"

Trần Nhung đẩy mắt kính lên: "Là đồ của khách hàng."

Mẹ cậu có thoáng trầm tư, nói: "Ngọc Thanh Điêu?"

Đúng rồi, mẹ Trần Nhung có một khả năng thần kỳ, những vật dụng hàng ngày, mẹ đều ném lung tung, nhưng những món đồ xa xỉ, chỉ cần nhìn thoáng qua là mẹ có thể nhận ra.

Bà ấy nói: "Đây là đồ của thế kỷ 19."

Cậu giặt sạch áo khoác, xế chiều ngày hôm sau cậu đến nhà bà lão, nhưng không thấy người đâu.

Hàng xóm nói: "Có một chiếc xe đến đón bà đi rồi. Bọn cho vay nặng lãi thường tìm đến cửa, một người lớn tuổi ở đây rất nguy hiểm, con gái bà vội vàng qua đón người ngay trong đêm."

Tiệm bán hoa vẫn hoạt động theo thường lệ.

Trần Nhung nhờ chị Trân liên lạc với con gái của bà lão.

Bên kia trả lời: "Mẹ chị nói lúc nào bà rảnh sẽ qua lấy."

Trần Nhung: "Nếu không chị cho em địa chỉ đi, em qua đó đưa cho bà."

Lúc này, bà lão mới nghe điện thoại: "Cứ để ở chỗ cháu trước đi, nếu như con trai bà tìm cháu, cháu cứ nói không biết, chưa từng thấy miếng ngọc đó bao giờ. Nếu như miếng ngọc để ở chỗ bà, chắc chắn sẽ bị cầm đi trả nợ." Cuối cùng, bà lão than thở.

Trần Nhung hỏi: "Bà ơi, bà không sợ cháu chạy mất sau?"

Bà lão cười: "Cháu ngoan như vậy mà."

Cậu đeo mắt kính lên, quên mất bản thân mình thật ra là người như thế nào, chỉ biết mình là người lễ phép thân thiện, lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui, tất cả phẩm chất tốt đẹp đều nằm dưới cặp kính của cậu.

Đúng vậy, có mắt kính, cậu sẽ không chạy.

- -----oOo------

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây