Tam Quốc Diễn Nghĩa

37: Chương 033


trước sau

HỒI 37

Tư Mã Huy hai lần tiến cử danh sĩ,

Lưu Huyền Đức ba lượt đến tận lều tranh.

Lại nói, Từ Thứ đi gấp đến Hứa Xương, Tào Tháo được tin, sai ngay Tuân Úc, Trình Dục và một bọn mưu sĩ ra đón.

Thứ vào tướng phủ yết kiến Tào Tháo. Tháo hỏi:

- Ông là người cao minh, cớ sao lại hạ mình thờ Lưu Bị?

Thứ nói:

- Tôi từ thuở nhỏ trốn nạn, lưu lạc giang hồ; ngẫu nhiên đến Tân Dã, bèn kết bạn với Huyền Đức. Lão mẫu ở đây, được săn sóc chu đáo, tôi cảm tạ vô cùng.

Tháo nói:

- Nay ông về đây, được sớm tối hầu hạ mẫu thân và tôi cũng được nghe lời dạy bảo.

Thứ lạy tạ trở ra, vội đến gặp mẹ, khóc lóc quỳ lạy dưới thềm. Từ mẫu thất kinh hỏi:

- Mày đâm đầu vào chốn này làm gì?

Thứ đáp:

- Gần đây, con ở Tân Dã, thờ ông Lưu Dự Châu vừa rồi tiếp được thư của mẹ, nên cấp tốc phải đến đây.

Từ mẫu giận quá, đập tay xuống bàn, mắng rằng:

- Đồ nhơ nhuốc kia! Mày trôi dạt mấy năm nay, ta tưởng học hành cũng đã khá, ai ngờ mày lại còn ngu thế! Mày đã đọc sách, nên biết trung hiếu không thể vẹn được cả đôi. Mày há lại không biết Tào Tháo là tên giặc dối trên lừa dưới à? Còn Lưu Huyền Đức nhân nghĩa lan rộng bốn bể, lại là dòng dõi nhà Hán, mày đã đi theo, chính là tìm được chủ rồi. Nay chỉ tin một mảnh thư giả, không suy xét kĩ càng, vội bỏ chỗ sáng đâm đầu vào hang tối, rước lấy tiếng xấu. Thật là đồ ngu! Ta còn mặt mũi nào trông thấy mày nữa! Thật mày bôi nhọ tổ tông, sống thừa trong khoảng trời đất vậy!

Từ Thứ nghe mẹ mắng đến nỗi cứ nằm rạp xuống đất không dám ngẩng mặt lên nữa.

Từ mẫu liền trở vào sau bình phong. Được một lát, người nhà ra báo rằng lão bà đã treo cổ tự tử ở sà nhà.

Từ Thứ vội chạy vào cứu, thì Từ mẫu đã tắt thở rồi.

Người sau có thơ khen Từ mẫu rằng:

Hiền thay từ mẫu!

Tiếng thơm nghìn thuở!

Thủ tiết vẹn toàn,

Tề gia đầy đủ,

Dạy con phải đường,

Đành mình chịu tội,

Khí ngất núi non,

Nghĩa đầy gan phổi,

Trách mắng Tào man.

Vạc nấu chẳng ngại,

Gươm chém không sờn,

Chỉ sợ con mình,

Bôi nhọ tổ tiên,

So bà chặt khung,

Sánh bà đâm cổ,

Sống được tiếng hay,

Chết vừa đúng chỗ.

Hiền thay từ mẫu!

Tiếng thơm nghìn thuở!

Từ Thứ thấy mẹ chết, khóc ngất đi, giờ lâu mới tỉnh. Tào Tháo sai người đem lễ phúng đến, lại thân đến viếng.

Từ Thứ đem linh cữu mẹ táng ở gò phía nam Hứa Xương, cư tang giữ mộ. Tháo cho cái gì cũng không lấy.

Khi ấy Tào Tháo muốn bàn mưu đi đánh miền nam. Tuân Úc can rằng:

- Mùa rét, chưa nên cất quân, đợi sang xuân ấm áp sẽ hay.

Tháo nghe theo, bèn sai khơi một cái ngòi dẫn nước sông Chương Hà vào một cái ao, gọi là ao Huyền Vũ để luyện tập quân thủy, chuẩn bị nam chinh.

Lại nói Huyền Đức sắp sửa mang lễ vật sang Long Trung cầu Gia Cát Lượng, chợt có người báo rằng:

- Ngoài cửa có một tiên sinh mũ cao áo rộng, đạo mạo khác thường, muốn vào thăm.

Huyền Đức nói:

- Có lẽ Khổng Minh chăng?

Lập tức, mặc áo nghiêm chỉnh ra đón tiếp, nhìn xem thì đó là Tư Mã Huy, Huyền Đức mừng lắm, mời vào nhà trong, rước lên ngồi trên, rồi vái mà hỏi rằng:

- Bị từ khi xa tiên nhân, vì việc quân bận rộn lắm, chưa đến hầu được. Nay được ngài hạ cố đến đây, thật thỏa lòng mong ước.

Huy nói:

- Tôi nghe Từ Nguyên Trực ở đây, nên lại thăm một chút.

Huyền Đức nói:

- Gần đây, vì bị giặc Tháo bắt giam mẹ già, lão bà có sai người mang thư sang đây gọi nên Nguyên Trực đã về Hứa Xương rồi.

Huy nói:

- Thôi, mắc mẹo Tào Tháo rồi! Tôi đã biết Từ mẫu là người rất trọng khí tiết; dù Tào Tháo có giam cầm bà ấy cũng không khi nào chịu viết thư gọi con. Thư ấy đúng là thư giả. Nguyên Trực không về thì mẹ còn sống, nay về rồi thì mẹ chắc chết.

Huyền Đức thất kinh hỏi cớ làm sao?

Huy đáp:

- Từ mẫu cao nghĩa lắm, tất hổ thẹn không muốn trông mặt con nữa.

Huyền Đức nói:

- Lúc chia tay, Nguyên Trực có tiến cử người ở Nam Dương là Gia Cát Lượng. Người đó thế nào?

Huy cười nói:

- Nguyên Trực muốn đi thì cứ đi, lại còn dắt người đó ra để làm khổ người ta.

Huyền Đức hỏi:

- Sao tiên sinh lại nói thế?

Huy nói:

- Khổng Minh cùng với Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy và Từ Nguyên Trực ở Nhữ Nam, bốn người kết bạn thân với nhau. Mấy người kia học hành rất chăm, duy có Khổng Minh chỉ xem những đoạn cốt yếu, thường ngồi rung đùi ngâm vịnh, rồi trỏ vào bốn người mà nói: “Các anh rồi làm quan, chỉ làm đến thứ sử, quận thú là cùng.” Họ hỏi chí Khổng Minh thế nào, Khổng Minh chỉ cười không nói, thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị ngày xưa. Tài người đó không thể nào lường được.

Huyền Đức nói:

- Sao Dĩnh Châu lắm người hiền thế?

Huy nói:

- Ngày xưa, có An Quy tài xem thiên văn, thường nói rằng: “Các vì sao tụ trên không phận đất Dĩnh”, tất đất này lắm người hiền sĩ.

Lúc ấy Vân Trường đứng bên cạnh nói:

- Tôi nghe Quản Trọng, Nhạc Nghị là hai người có tiếng ở đời Xuân Thu và đời Chiến Quốc, sự nghiệp lừng lẫy thiên hạ. Khổng Minh tự so sánh với hai người ấy, chẳng phải là nói quá hay sao?

Huy cười, nói rằng:

- Cứ ý tôi thì hai người ấy vị tất đã đáng so sánh với Khổng Minh. Tôi muốn so sánh Khổng Minh với hai người ấy.

Quan Công hỏi hai người nào, Huy nói:

- Khổng Minh có thể so sánh với Khương Tử Nha làm nên cơ nghiệp tám trăm năm của nhà Chu và Trương Tử Phòng làm nên cơ nghiệp bốn trăm năm của nhà Hán.

Ai cũng ngạc nhiên, Huy bước xuống thềm từ biệt ra về, Huyền Đức lưu lại không được. Huy ra khỏi cửa, ngẩng mặt lên trời cười to rằng:

- Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!

Nói rồi, Huy thong dong đi thẳng.

Huyền Đức than rằng:

- Thế mới thật là hiền sĩ ẩn dật!

Hôm sau, Huyền Đức cùng với Quan, Trương và bọn tùy tùng đến Long Trung, nhìn về phía xa xa đã thấy mấy người đương cày bừa ở sườn núi, miệng hát rằng:

Giời xanh như tán lọng tròn,

Đất kia trằn trặn như bàn cờ vuông.

Người đời đen trắng đôi phường.

Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh.

Kẻ vinh chỉ biết mình sung sướng.

Người nhục kia vất vưởng vất vơ...

Nam Dương có bậc ẩn cư,

Nằm co ngủ kĩ thờ ơ việc đời.

Huyền Đức nghe hát, kìm ngựa gọi mấy người nông phu lại hỏi:

- Ai làm ra bài ca ấy?

Nông phu đáp:

- Bài ca ấy của Ngọa Long tiên sinh làm ra.

Huyền Đức hỏi:

- Nhà Ngọa Long tiên sinh ở đâu?

Nông phu đáp:

- Ở mé nam núi này, có một dãy gò cao, gọi là gò Ngọa Long. Trước gò, trong quãng rừng thưa, có một cái lều tranh, đấy là nhà Gia Cát tiên sinh.

Huyền Đức cảm ơn, giật ngựa đi lên. Đi chưa được vài dặm, xa xa đã thấy gò Ngọa Long, quả nhiên phong cảnh khác thường.

Đời sau đã có một bài cổ phong nói về chỗ ở của Ngọa Long như sau:

Cách hai mươi dặm Tương Dương thành,

Một dãy gò cao, suối lượn quanh...

Nước chảy ầm ầm phơi đá trắng,

Gò cao chót vót ngất mây xanh.

Hình như rồng cuốn trên tảng đá,

Phượng hoàng đậu dưới bóng thông ngả,

Cửa phèn khép cánh kín nhà tranh.

Cao sĩ nằm khàn bền vững dạ.

Bình phong: Dãy trúc um tùm lá.

Bốn mùa hoa rụng nức mùi hương,

Đầu giường chồng chất nhiều sách lạ,

Trong nhà lui tới không người thường.

Vượn kia dâng quả gõ cửa ngoài,

Hạc kia đêm thanh nghe đọc sách.

Túi đàn thêu gấm gác đầu bàn,

Thanh kiếm vẩy rồng treo trước vách.

Tiên sinh trong lầu rất thanh nhàn,

Khi nhân cày cấy cũng không can.

Chỉ đợi sấm xuân tỉnh giấc mộng,

Gọi to một tiếng thiên hạ an.

Huyền Đức đến trước trại xuống ngựa, đến gõ cửa. Có tiểu đồng ra hỏi. Huyền Đức nói:

- Tôi là hoàng thúc Lưu Bị Hán tả tướng quân. Nghi thành đinh hầu, châu mục Dự Châu, lại đây bái kiến tiên sinh.

Tiểu đồng nói:

- Tên ông dài lắm, tôi không nhớ được.

Huyền Đức nói:

- Em cứ vào nói có Lưu Bị lại hầu.

Tiểu đồng nói:

- Tiên sinh sớm hôm nay vừa đi chơi vắng.

Huyền Đức hỏi:

- Đi chơi đâu?

Tiểu đồng đáp:

- Tiên sinh tôi nay đây mai đó, không biết đi đâu.

Huyền Đức lại hỏi:

- Bao giờ tiên sinh về?

Tiều đồng nói:

- Khi thì dăm ba bữa, khi thì mươi mười hai hôm, không biết chừng.

Huyền Đức lấy làm buồn rầu. Trương Phi nói:

- Hắn không có nhà thì về quách cho xong!

Huyền Đức nói:

- Hãy đợi một lát nữa.

Vân Trường nói:

- Không bằng hãy về, rồi sai người lại nghe tin tức.

Huyền Đức nghe theo và dặn lại em bé:

- Bao giờ tiên sinh về, em trình hộ rằng có Lưu Bị lại hầu nhé.

Nói rồi, lên ngựa đi được vài dặm, ngoảnh lại xem phong cảnh Long Trung: Quả nhiên núi không cao nhưng thanh nhã, nước không sâu mà trong suốt, đất không rộng nhưng bằng phẳng, rừng không lớn nhưng rậm rạp. Vượn hạc quấn quýt, thông trúc um tùm, ngắm mãi không chán. Chợt thấy một người dung mạo hiên ngang, mặt mũi tuấn tú, đầu đội khăn tiêu diêu mình bận áo thâm rộng, tay chống gậy gỗ lê, đương ở hẻm núi đi ra.

Huyền Đức nói:

- Đúng Ngọa Long tiên sinh kia rồi!

Rồi vội vàng xuống ngựa bước tới thi lễ, hỏi rằng:

- Tiên sinh có phải là Ngọa Long không?

Người ấy hỏi lại:

- Tướng quân là ai?

Huyền Đức đáp:

- Tôi là Lưu Bị.

Người đó nói:

- Tôi là bạn Khổng Minh, tên là Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, không phải Khổng Minh đâu.

Huyền Đức nói:

- Tôi được biết đại danh của ngài đã lâu, nay may được gặp, xin ngài tạm dừng chân ở đây, dạy cho một vài điều.

Hai người lại ngồi trên phiến đá trong rừng. Quan, Trương đứng hầu bên cạnh. Châu Bình hỏi:

- Tướng quân muốn tìm Khổng Minh làm gì?

Huyền Đức đáp:

- Bây giờ thiên hạ loạn lạc, bốn phương rối ren, tôi muốn gặp Khổng Minh để tìm kế yên dân định nước.

Châu Bình cười, nói:

- Ông lấy việc dẹp loạn làm chủ yếu, thế cũng là nhân đức rồi. Nhưng từ xưa đến nay, khi yên khi loạn bất thường. Từ khi Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa, trừ được nhà Tần vô đạo, thế là hết đời loạn sang đời thái bình. Đến đời vua Ai Đế, Bình Đế nhà Hán đã được hơn hai trăm năm, thái bình lâu rồi, Vương Mãng thoán nghịch, thế là hết đời trị lại đến đời loạn. Về sau vua Quang Vũ trung hưng, sửa sang cơ nghiệp, thế là lại hết đời loạn sang đời trị đó. Từ bấy giờ đến nay được hai trăm năm rồi, dân hưởng thái bình đã lâu thì can qua bùng nổ, đây chính là thời kì từ yên đến loạn, chưa dễ bình định ngay được. Tướng quân muốn khiến Khổng Minh chuyển xoay trời đất, chắp vá càn khôn, tôi e khó lắm, chỉ uổng hơi sức mà thôi. Tướng quân chẳng nghe người ta nói: “Thuận trời thì an nhàn, trái trời thì vất vả”, “Số đã định, thì không chống lại được” hay sao?

Huyền Đức nói:

- Tiên sinh dạy thế thực là cao kiến, nhưng tôi là dòng dõi nhà Hán, phải ra tay gây dựng lại cơ nghiệp, dám đâu đổ cho số với mệnh.

Châu Bình nói:

- Tôi là người quê mùa, biết gì mà dám bàn đến việc thiên hạ. Bởi thấy ngài hỏi đến, nên cũng nói càn thế thôi.

Huyền Đức đáp:

- Cảm ơn ngài dạy cho. Nhưng không biết hôm nay Khổng Minh đi đâu?

Châu Bình đáp:

- Tôi cũng muốn vào thăm mà không biết đi đâu.

Huyền Đức nói:

- Xin mời tiên sinh về huyện chơi có được không?

Châu Bình nói:

- Tính tôi ưa đi chơi dông dài, thờ ơ với công danh đã lâu, xin để cho khi khác sẽ gặp lại nhau.

Nói xong, vái rồi đi.

Huyền Đức cùng Quan, Trương lên ngựa trở về. Trương Phi nói:

- Tìm Khổng Tử đã chẳng thấy, lại gặp ngay cái anh hủ nho này, chuyện hão lâu quá!

Huyền Đức nói:

- Đấy cũng là những lời của bậc ẩn dật đó.

Ba người về đến Tân Dã. Được vài ngày, Huyền Đức sai người đi thăm dò xem Khổng Minh đã về chưa. Một hôm, người thăm dò về báo Ngọa Long tiên sinh đã về. Huyền Đức sai ngay người thắng ngựa. Trương Phi nói:

- Khổng Minh chỉ là một tên thôn phu quèn, hà tất đại ca phải thân đến. Cứ sai người đi gọi cũng được.

Huyền Đức mắng rằng:

- Em há không nhớ lời Mạnh Tử nói: “Muốn cầu người hiền mà không biết đạo, khác gì muốn cho người ta vào nhà mình mà lại đi đóng cửa lại”. Khổng Minh là bậc đại hiền thời nay, cho đi gọi sao được?

Bèn lại lên ngựa đến Long Trung. Quan, Trương cũng đi theo.

Bấy giờ, đang thời tiết mùa đông, khí trời rét buốt, mây xám nghịt trời. Ba người đi chưa được vài dặm, bỗng nhiên trời nổi cơn gió bấc, tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc.

Trương Phi nói:

- Giời rét, đất đóng băng, đánh nhau còn chẳng được, lại phải lận đận đi cầu người vô ích làm chi! Không bằng trở về Tân Dã, tội gì mà dầm mưa dãi tuyết thế này!

Huyền Đức nói:

- Chính ta muốn làm cho Khổng Minh biết đến lòng nhiệt thành của ta. Các em có sợ rét thì hãy về trước.

Phi nói:

- Chết còn chẳng ngại, ngại chi rét! Chỉ sợ đại huynh vất vả uổng công thôi!

Huyền Đức nói:

- Em chớ nói nhiều lời, hãy theo ta đi!

Gần đến nhà tranh, chợt nghe thấy tiếng ca trong một quán rượu bên cạnh đường. Huyền Đức dừng ngựa lại nghe, lời ca rằng:

Công danh tráng sĩ muộn thay!

Than ôi, lâu chẳng gặp ngày đương xuân!

Ngươi chẳng thấy lão nhân Đông Hải,

Lìa bụi gai theo với vua Văn,

Chư hầu bát bách lai thần,

Gặp điềm cá trắng Mạnh tân sang đò.

Mục Xã một trận đánh to,

Công danh lừng lẫy ai so được tày?

Cao dương lại có thầy hay rượu,

Vái Cao hoàng theo điệu làm tôi.

Bàn mưu vương bá kì tài,

Lọt tai cũng phải, mời ai lên ngồi,

Thành Tề, hạ bảy mươi hai,

Thế gian hà dễ mấy ai nối mình?

Hai người công tích rành rành,

Đến nay ai bảo là anh hùng nào?

Một người hát xong, người khác lại tiếp luôn.

Lời ca rằng:

Vua ta vung lưỡi gươm dẹp loạn,

Gây cơ đồ Hán bốn trăm năm,

Đời Hoàn, linh vận lửa tắt ngấm,

Gian thần tặc tử tay cầm quyền to.

Chốn ngự tọa rắn bò điềm gở,

Nơi ngọc đường cầu mộng yêu ma,

Bốn phương trộm giặc đổ ra,

Gian hùng lũ lượt theo đà múa may.

Chúng ta chỉ vỗ tay nói tếu,

Buồn ra hàng chén rượu cho vui.

Một mình sung sướng thảnh thơi,

Chẳng cầu tiếng để muôn đời làm chi!

Hai người hát xong, vỗ tay cười ầm lên. Huyền Đức nói:

- Có lẽ Ngọa Long ở trong này.

Liền xuống ngựa bước vào, thấy hai người đương dựa bàn, đối nhau uống rượu; một người mặt trắng râu dài, một người mặt mũi khôi ngô. Huyền Đức vái, rồi hỏi:

- Thưa hai ông, ông nào là Ngọa Long tiên sinh?

Người râu dài hỏi lại:

- Ông là ai, tìm Ngọa Long làm gì?

Huyền Đức đáp:

- Thưa tôi là Lưu Bị, muốn tìm tiên sinh để cầu mưu giúp đời yên dân.

Người râu dài nói:

- Chúng tôi không phải là Ngọa Long mà là bạn Ngọa Long đấy thôi. Tôi là Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Châu; ông này là Mạnh Công Thành ở Nhữ Nam.

Huyền Đức mừng, nói:

- Tôi được biết đại danh của hai tiên sinh đã lâu, nay được bái yết, thực là may quá. Nhân tôi có mang theo cả ngựa, xin mời hai tiên sinh cùng đến nhà Ngọa Long với tôi.

Quảng Nguyên nói:

- Chúng tôi là bọn quê mùa, chẳng biết đâu đến những việc trị nước yên dân, xin đừng bận lòng hỏi chúng tôi những việc ấy. Mời ông cứ lên ngựa đi tìm Ngọa Long.

Huyền Đức từ giã hai người rồi lên ngựa đi thẳng đến Ngọa Long Cương. Tới trước nhà, gõ cửa, hỏi tiểu đồng:

- Hôm nay, tiên sinh có nhà không?

Tiểu đồng đáp:

- Đang ngồi trên nhà xem sách.

Huyền Đức mừng lắm, theo ngay tiểu đồng đi vào. Đến cửa giữa, nhìn thấy câu đối:

Đạm bạc dĩ minh chí,

Ninh tĩnh nhi chí viễn.

Huyền Đức đương xem câu đối, lại nghe có tiếng ngâm thơ, vội vàng đứng nép bên cạnh cửa nhòm vào thấy trên nhà tranh, có một thanh niên ngồi ôm gối, sưởi cạnh hỏa lò mà hát rằng:

Phượng bay cao, khi ngô đồng không trỗ,

Sĩ ẩn mình, phi minh chủ không thờ.

Nông thôn vui thú cày bừa,

Thảnh thơi đàn sách đợi cơ chuyển vần.

Huyền Đức đợi hát xong mới bước lên thềm vái chào, nói:

- Bị lâu nay hâm mộ tiên sinh, chưa được dịp nào bái kiến. Mới đây được Từ Nguyên Trực tiến cử, vội đến tiên trang; rủi phải về không; nay xông pha mưa gió đến đây, được chiêm ngưỡng tôn nhan, thật may mắn quá!

Người thanh niên vội đáp lễ, nói:

- Tướng quân có phải là Lưu Dự Châu đến tìm anh tôi không?

Huyền Đức ngẩn người, hỏi rằng:

- Thế ra tiên sinh cũng không phải Ngọa Long sao?

Người thanh niên đáp:

- Tôi là Gia Cát Quân em Ngọa Long; chúng tôi ba anh em; anh cả là Gia Cát Cẩn, hiện đương làm mạc tân bên Tôn Trọng Mưu ở Giang Đông; Khổng Minh là anh thứ hai tôi.

Huyền Đức hỏi:

- Ngọa Long hôm nay có nhà không?

Quân đáp:

- Hôm qua vừa có Thôi Châu Bình đến rủ đi chơi rồi.

Huyền Đức hỏi đi chơi đâu, Quân nói:

- Khi thì bơi chiếc thuyền nhỏ chu du trên sông; khi thì thăm hỏi các nhà sư trên núi; khi thì tìm anh em bạn ở chốn hương thôn; khi thì vui gảy đàn, đánh cờ trong hang núi. Anh tôi đi, ở bất thường không biết đâu mà tìm.

Huyền Đức nói:

- Tôi thực là duyên mỏng phận hèn, hai phen đi đều không được gặp đại hiền!

Quân nói:

- Mời ngài hãy thư thả ngồi chơi xơi nước.

Trương Phi nói:

- Tiên sinh ấy đã đi vắng, xin đại huynh lên ngựa về thôi.

Huyền Đức nói:

- Ta đã cất công đến đây, chẳng lẽ không bày tỏ một đôi lời.

Lại hỏi Gia Cát Quân:

- Tôi nghe nói lệnh huynh Ngọa Long tiên sinh tinh thông thao lược, mài miệt binh thư có phải không?

Quân nói:

- Tôi không được biết.

Trương Phi nói:

- Hỏi người ta làm gì! Mưa to gió lớn, đại huynh đi về cho sớm!

Huyền Đức mắng át đi. Quân nói:

- Anh tôi đi vắng, không dám lưu ngựa xe ở lại lâu, xin để khi khác đáp lễ.

Huyền Đức nói:

- Tôi đâu dám mong tiên sinh hạ cố. Vài hôm nữa Bị sẽ đến hầu. Hôm nay nhân đây, xin tiên sinh cho mượn bút giấy, tôi viết bức thư để lại, nhờ chuyển đến lệnh huynh, để tỏ ý ân cần của tôi.

Quân đưa bút mực ra. Huyền Đức viết một bức thư như sau:

“Bị tôi lâu nay hâm mộ cao danh, đã hai lần đến yết kiến đều không được gặp phải trở về, ân hận vô cùng.

Tôi trộm nghĩ mình là dòng dõi nhà Hán, lạm hưởng danh tước, mà nay trông thấy triều đình suy sụp, kỉ cương rối ren, gian hùng loạn nước, giúp dân, nhưng kém tài kinh luân, cho nên mong ngóng tiên sinh mở lòng nhân từ trung nghĩa, đứng ra trổ hết tài lớn của Lã Vọng, thi thố hết kế lạ của Tử Phóng, thì thiên hạ may lắm! Xã tắc may lắm!

Nay trước có mấy lời bày tỏ với tiên sinh, Bị xin về tắm gội ăn chay, đến bái tôn nhan một lần nữa, để giãi lòng quê kệch, xin tiên sinh soi xét cho.”

Huyền Đức viết thư xong, đưa gửi Gia Cát Quân rồi từ biệt ra về. Quân tiễn ra tận cửa; Huyền Đức còn ân cần, dặn đi dặn lại đôi ba lần.

Huyền Đức vừa lên ngựa sắp đi, thì thấy tiểu đồng đứng ngoài bờ rào vẫy tay nói:

- Lão tiên sinh đã đến!

Lưu Bị nhìn ra thấy bên phía tây chiếc cầu nhỏ, có một người đội mũ ấm trùm đầu, mặc áo hồ cừu, cưỡi con lừa, theo sau một tiểu đồng mặc áo xanh đi hầu, tay xách một bầu rượu, đương rẽ tuyết đi lại, qua cái cầu nhỏ đang ngâm một bài thơ:

Một đêm gió lạnh lùng,

Muôn dặm mây đỏ ối.

Bời bời hoa tuyết bay,

Nước non hình sắc nổi,

Ngẩng mặt trông trên trời,

Tưởng là rồng ngọc chọi,

Vây mai tua tủa bay,

Một lát khắp bốn cõi,

Cưỡi lừa qua cầu con,

Than vì mai gầy cỗi.

Huyền Đức nghe nghâm xong, nói rằng:

- Đây hẳn là Ngọa Long rồi!

Rồi nhảy xuống ngựa, bước tới chào, nói:

- Tiên sinh xông pha rét mướt, nhọc mệt lắm nhỉ? Bị này đợi mãi tiên sinh.

Người ấy vội xuống lừa, đáp lễ. Gia Cát Quân ở đàng sau nói:

- Đây là Hoàng Thừa Ngạn, ông nhạc anh tôi đó, không phải Ngọa Long đâu.

Huyền Đức nói:

- Vừa rồi nghe câu thơ ngài ngâm rất cao nhã.

Thừa Ngạn hỏi:

- Nhân lão phu xem bài “Lương phủ ngâm” ở nhà con rể có nhớ được một đoạn. Nay qua cầu nhỏ, chợt thấy cây hoa mai bên rào, nên sực nhớ lại đọc chơi, không ngờ quý khách nghe thấy.

Huyền Đức nói:

- Ngài đã gặp lệnh tế chưa?

Thừa Ngạn đáp:

- Lão cũng đương đến tìm Ngọa Long đây.

Huyền Đức nghe xong, từ biệt Hoàng Thừa Ngạn, rồi cưỡi ngựa về. Đang cơn mưa tuyết dữ dội, Huyền Đức vừa đi vừa ngoảnh lại ngắm gò Ngọa Long, buồn rầu không biết ngần nào.

Đời sau có thơ vịnh cảnh đương cơn mưa tuyết, Huyền Đức đến thăm Khổng Minh rằng:

Xông pha mưa gió kiếm hiền tài,

Lững thững về suông dạ cảm hoài...

Chi chít khe cầu hoa tuyết đóng,

Lạnh lùng yên ngựa dặm đường dài,

Chạm đầu lả tả hoa lê rụng,

Vướng mắt tơi bời hoa liễu rơi.

Ngoảnh dừng roi nhìn chốn cũ.

Chói lòa ánh bạc Ngọa Long phơi.

Từ khi Huyền Đức về Tân Dã, ngày tháng thấm thoát đã sang xuân mới, liền sai người đem cỏ thi ra bói, kén chọn ngày tốt, ăn chay ở sạch ba ngày, tắm gội hun hương, thay quần đổi áo, rồi sang gò Ngọa Long yết Khổng Minh.

Quan, Trương được tin cũng phát chán, kéo nhau vào can. Thế là:

Cao hiền chưa phục anh hùng giỏi,

Khiêm tốn làm cho hào kiệt nghi.

Chưa biết chuyện ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.








trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây