Tam Quốc Diễn Nghĩa

84: Chương 079


trước sau

HỒI 84

Lục Tốn đốt sạch trại liên doanh;

Khổng Minh khéo bày đồ bát trận.

Nói về Hàn Đương, Chu Thái dò biết tiên chủ dời dinh trại, vội vàng lại báo với Lục Tốn. Tốn mừng lắm, dẫn quân đến xem động tĩnh thế nào, chỉ thấy ở giữa cánh đồng có một đồn trại, ước chừng hơn một vạn quân canh giữ, mà phần nhiều già yếu cả, có một lá cờ hiệu to đề bốn chữ “Tiên phong Ngô Ban”.

Chu Thái nói:

- Tôi coi đám quân kia như trò trẻ con đó thôi, xin cùng Hàn tướng quân chia binh thành hai đường ra đánh; nếu không thắng được xin chịu quân lệnh.

Lục Tốn ngắm xem hồi lâu, rồi trỏ roi nói:

- Trong hang núi, về mé trước mặt kia, thấp thoáng có sát khí bốc lên, tất có quân mai phục; cho nên họ dàn quân già yếu ở đây để dử ta đó, các ông chớ nên ra.

Các tướng không tin, cho Lục Tốn là nhát.

Hôm sau, Ngô Ban dẫn quân đến trước cửa ải khiêu chiến, diễu võ dương oai, chửi mắng om sòm. Nhiều người lại cởi cả áo giáp, mình trần trùng trục, có người nằm ngủ, có người ngồi chơi.

Từ Thịnh, Đinh Phụng vào trướng bẩm rằng:

- Quân Thục khinh ta quá, chúng tôi xin ra đánh.

Tốn cười, nói:

- Các ông chỉ cậy có sức khỏe, chưa biết diệu pháp Tôn, Ngô. Đó là mẹo dụ địch đấy, sau ba ngày sẽ thấy rõ là giả dối.

Từ Thịnh nói:

- Đợi ba hôm nữa, doanh trại của họ vững vàng cả rồi, còn đánh làm sao được nữa?

Tốn nói:

- Ta cốt muốn để cho họ dời trại xong.

Các tướng cùng tủm tỉm cười, trở ra.

Sau ba hôm, hội cả các tướng ở trên ải đứng xem. Bấy giờ quân Ngô Ban đã rút hết rồi. Tốn trỏ tay nói:

- Sát khí bốc lên kia, quân Lưu Bị tất từ trong núi kéo ra đó.

Vừa nói dứt lời, đã thấy quân Thục nai nịt gọn ghẽ, xúm xít vòng trong vòng ngoài, rước tiên chủ đi ra. Quân Ngô trông thấy ai nấy cũng hết vía.

Tốn nói:

- Ta không nghe các ông đánh Ngô Ban là chỉ vì thế mà thôi. Nay quân phục đã ra rồi, mười hôm nữa ta sẽ phá được quân Thục.

Các tướng nói:

- Phá Thục, nên phá ngay lúc mới đến; nay họ lập trại liên tiếp nhau năm sáu trăm dặm, giữ gìn hơn bảy tám tháng trời; bao nhiêu chỗ hiểm yếu đều vững vàng cả rồi, thì còn phá làm sao cho được?

Tốn nói:

- Các ông không biết binh pháp, Lưu Bị là bậc kiêu hùng trong đời, lắm mưu nhiều trí. Khi quân mới tụ họp, phép tắc nghiêm chỉnh, nay giữ đã lâu rồi mà không thấy ta ra đánh, tất sinh trễ nải, ta phá được họ chính ở lúc này.

Các tướng mới chịu là phải.

Đời sau có thơ khen Lục Tốn rằng:

Trướng hầm bàn bạc việc binh đao,

Móc sẵn mồi thơm giật cá ngao.

Thao lược đua ganh trường tuấn kiệt,

Mới hay Lục Tốn cũng anh hào!

Lục Tốn định xong mưu mẹo phá Thục rồi, viết thư sai sứ về tâu với Tôn Quyền chỉ nay mai là phá xong quân giặc. Tôn Quyền xem xong, mừng hớn hở nói:

- Giang Đông lại có người lạ như thế. Cô còn lo gì nữa! Các tướng cứ nói hắn hèn nhát, riêng Cô không tin. Nay xem mấy lời này, quả nhiên không phải là hèn nhát!

Liền cất quân mã đến tiếp ứng.

Lại nói, tiên chủ đem hết cả thủy quân ở Hào Đình, thuận dòng xuôi xuống, cắm trại ven sông, vào sâu mãi bờ cõi nước Ngô.

Hoàng Quyền can rằng:

- Thủy quân men bờ sông đi xuống, tiến lên thì dễ, lúc về thì khó. Tôi xin làm tiền khu đi trước, bệ hạ nên ở lại mặt sau thì mới chắc chắn muôn phần.

Tiên chủ nói:

- Giặc Ngô vỡ mật rồi, trẫm cứ kéo quân rầm rộ đến, còn có ngại gì?

Các quan cố can mãi, tiên chủ cũng không nghe. Tiên chủ chia quân làm hai đường, sai Hoàng Quyền đốc cánh quân mặt Giang Bắc để phòng quân Ngụy; còn mình thì đốc các đạo quân mặt Giang Nam, chia lập dinh trại cạnh bờ sông để tính việc đánh Ngô.

Quân do thám báo tin về Ngụy chủ rằng quân Thục đánh Ngô, cắm trại liên tiếp nhau, ngang dọc hơn bảy trăm dặm, chia làm hơn bốn mươi đồn, đồn nào cũng dựa vào rừng núi. Lại sai Hoàng Quyền đốc quân mặt Giang Bắc, ngày nào cũng đi tuần tiễu hàng trăm dặm không biết là ý làm sao?

Ngụy chủ nghe tin, ngẩng mặt lên trời cười, nói:

- Lưu Bị sắp thua mất!

Quần thần hỏi cớ làm sao. Ngụy chủ nói:

- Lưu Huyền Đức không biết binh pháp; có lẽ đâu cắm trại liên tiếp bảy trăm dặm mà chống nhau được giặc bao giờ? Bao bọc cả các nơi hiểm trở, chỗ cao chỗ thấp mà đóng đồn, đó là một điều tối kị trong phép dùng binh. Lưu Bị tất thua về tay Lục Tốn Đông Ngô! Chỉ trong mươi hôm nữa sẽ có tin tức.

Quần thần chưa ai tin, xin điều quân ra phòng bị.

Ngụy chủ nói:

- Lục Tốn nếu đánh được Thục, tất thừa thế vào lấy Tây Xuyên. Quân Ngô đi xa, trong lúc bỏ trống, trẫm giả đò dẫn quân đánh giúp, sai ba đạo quân nhất tề kéo cả sang, chắc lấy được Đông Ngô dễ như bỡn.

Mọi người đều bái phục.

Ngụy chủ bèn sai Tào Nhân đốc một đạo quân ra Nhu Tu, Tào Hưu đốc một đạo quân ra Đổng Khẩu, Tào Chân đốc một đạo quân ra Nam Quận, quân mã ba đường hẹn nhau sang úp lén Đông Ngô, còn mình tự dẫn quân đi sau tiếp ứng.

Hãy nói về Mã Lương đến Xuyên, vào ra mắt Khổng Minh trình bản địa đồ lên, nói:

- Nay ta dời dinh trại vào đóng sát bờ sông, dài suốt bảy trăm dặm, lập hơn bốn mươi đồn, đều dựa vào chỗ có cây cối, khe suối. Hoàng thượng sai tôi đem địa đồ về trình tướng quân xem thế nào?

Khổng Minh xem xong, dập tay xuống án thư kêu rằng:

- Khổ chưa! Ai xui chúa thượng cắm trại thế này? Nên chém người ấy đi!

Mã Lương nói:

- Đó là do chúa thượng cả, không ai xui đâu!

Khổng Minh than rằng:

- Khí số nhà Hán hỏng mất rồi!

Lương hỏi làm sao, Khổng Minh nói:

- Bao bọc cả chỗ hiểm trở, cao thấp mà đóng đồn, đó là điều tối kị trong phép dùng binh. Nếu giặc đánh hỏa công, thì cứu làm sao? Lại có lẽ đâu lập trại liên tiếp nhau bảy trăm dặm mà cự được giặc? Tai vạ đến nơi rồi. Lục Tốn giữ vững không ra, chính là vì thế. Ngươi nên trở về cho mau, tâu với thiên tử dời đồn đi chỗ khác mới được.

Lương hỏi:

- Nếu quân Ngô đã đánh được quân ta rồi, thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Lục Tốn không dám đuổi đâu. Thành Đô này chắc không việc gì.

Lương hỏi:

- Làm sao không dám đuổi?

Khổng Minh nói:

- Sợ quân Ngụy úp đánh mặt sau, chớ sao! Chúa thượng nếu có thua, nên chạy về thành Bạch Đế mà lánh. Khi ta vào Xuyên đã phục sẵn mười vạn quân ở bến Ngư Phúc rồi.

Lương giật mình, nói:

- Tôi mấy lần qua lại bến đò, không thấy một tên quân nào, sao thừa tướng lại nói thế?

Khổng Minh nói:

- Về sau khắc biết, không phải hỏi lôi thôi!

Mã Lương xin giấy tờ rồi hỏa tốc đi sang ngự doanh. Khổng Minh trở về Thành Đô điều gấp quân mã ra cứu ứng.

Đây nói Lục Tốn thấy quân Thục có ý trễ nải, không gìn giữ cẩn thận như trước, mới hội cả các tướng lại truyền lệnh rằng:

- Ta từ khi phụng mệnh ra quân đến nay, chưa đánh trận nào. Nay xem quân Thục, biết cả động tĩnh rồi. Trước hết ta muốn lấy một đồn phía nam bờ sông, có ai dám đi không?

Nói chưa dứt lời, Hàn Đương, Chu Thái, Lăng Thống cùng dạ xin đi.

Tốn bảo lui ra không dùng, chỉ gọi một tên tướng nhỏ ở dưới thềm là Thuần Vu Đan dặn rằng:

- Ta cho ngươi năm nghìn quân, sang lấy đồn thứ tư ở phía nam bờ sông, do tướng Thục Phó Đồng đóng giữ. Làm sao đêm nay phải thành công. Ta sẽ tự cầm quân lại tiếp ứng.

Thuần Vu Đan lĩnh mệnh, dẫn quân đi.

Lại gọi Từ Thịnh, Đinh Phụng đến dặn rằng:

- Hai người, mỗi người dẫn ba nghìn quân, đóng cách ngoài trại năm trăm dặm, hễ Thuần Vu Đan bị quân Thục đuổi theo chạy trở về thì đổ ra cứu, nhưng cũng không nên rượt đánh.

Hai tướng tuân lệnh.

Trời vừa sẩm tối, Thuần Vu Đan dẫn quân đi. Cuối canh ba đến trại Thục, Đan sai quân khua trống hò reo kéo vào. Phó Đồng mở trại ra đánh. Đan địch không nổi, quay ngựa chạy. Bỗng đâu nổi tiếng reo ầm ĩ, rồi có một toán quân xông ra chặn đường, tướng đi đầu là Triệu Dong. Đan tháo đường chạy thoát, tổn hại già nửa quân. Khi đang chạy lại gặp một đội quân Man, tướng đi đầu chính là Sa Ma Kha. Đan cố đánh mới thoát chết. Sau lưng lại có ba đạo quân nữa đuổi theo. Đan chạy đến gần thành, may có Từ Thịnh, Định Phụng, hai mặt đổ ra đánh cứu được. Đan bị tên bắn còn cắm trong mình, vào ra mắt Lục Tốn chịu tội.

Tốn nói:

- Đó không phải lỗi tại ngươi, ta muốn thử giặc xem hư thực ra sao đó thôi, chớ mẹo phá Thục, ta đã đâu có đấy cả rồi!

Từ Thịnh, Đinh Phụng nói:

- Quân Thục thế to lắm, khó lòng phá nổi, đánh thì chỉ hao binh tổn tướng mà thôi!

Tốn cười, nói:

- Mẹo này của ta, tuy không che mắt được Gia Cát Lượng, nhưng may sao người ấy không có ở đây, thực là trời giúp ta thành công chuyến này!

Mới hội cả tướng sĩ lớn nhỏ lại, truyền lệnh rằng:

- Chu Nhiên tiến quân đi mặt thủy, cuối giờ Ngọ ngày mai có gió đông nam nổi to, phải dùng thuyền chất cỏ khô, theo kế mà làm. Hàn Đương dẫn một toán quân đánh phía bắc bờ sông; quân sĩ hai đường ấy, phải mỗi người mang một bó cỏ, chứa lưu hoàng, diêm tiêu, các thứ dẫn lửa, cầm gươm đao, kéo thẳng đến cả trại Thục, thuận chiều gió mà đốt lửa. Quân Thục có bốn mươi đồn, chỉ cần đốt hai mươi đồn; cách một đồn đốt một đồn. Quân sĩ mang sẵn lương khô đi ăn, phải ngày đêm cố sức đuổi đánh, không được lui về, kì bắt được Lưu Bị mới thôi.

Các tướng nghe lệnh xong, ai nấy sắm sửa cất quân đi.

Nói về tiên chủ, đang ở trong ngự doanh nghĩ kế phá Ngô. Bỗng nhiên, một lá cờ trung quân ở trước trướng, không gió máy gì mà đổ, bèn hỏi Trình Kỳ rằng:

- Đó là điềm gì vậy?

Kỳ thưa:

- Có lẽ đêm nay quân Ngô đến cướp trại chăng?

Tiên chủ nói:

- Đêm qua giết sạch cả rồi, còn đâu dám đến nữa!

Kỳ nói:

- Ví phỏng Lục Tốn đến thử ta, thì làm thế nào?

Bỗng có người vào báo là đứng bên này trông sang, xa xa thấy quân Ngô men sườn núi kéo hết về phía đông rồi.

Tiên chủ nói:

- Đó là nghi binh thôi, quân sĩ chớ có được kinh động.

Bèn sai Quan Hưng, Trương Bào, mỗi người dẫn năm trăm quân kị đi tuần các nơi.

Chập tối, Quan Hưng về tâu rằng:

- Ở Giang Bắc, doanh trại bốc cháy.

Tiên chủ vội sai Quan Hưng qua Giang Bắc, Trương Bào qua Giang Nam, dò xét tình hình hư thực, và dặn rằng:

- Hễ quân Ngô kéo đến, phải lập tức về báo.

Hai tướng lĩnh mệnh đi ngay. Đầu canh một, gió đông nam nổi to, chỉ thấy đồn tay trái ngự dinh bốc cháy, quân sắp sửa đến cứu thì đồn tay phải lại cháy. Gió mạnh lửa hồng, cây cối đều cháy rụi, tiếng hò reo như sấm. Hai đồn quân mã nhất tề xông vào ngự dinh. Quân sĩ trong dinh giày xéo lên nhau chết vô số. Phía nam, quân Ngô đánh tới, không biết nhiều ít thế nào. Tiên chủ vội vàng lên ngựa chạy đến trại Phùng Tập thì trại này cũng đang bốc cháy đùng đùng. Hai bờ Giang Nam, Giang Bắc sáng rực như ban ngày. Phùng Tập hoảng sợ, nhảy lên ngựa, dẫn vài chục quân kị chạy, gặp ngay toán quân Từ Thịnh bên Ngô chặn lại đánh giết. Tiên chủ thấy thế, quất ngựa chạy về phía tây.

Từ Thịnh bỏ Phùng Tập, dẫn quân đuổi theo. Tiên chủ đang lo sợ thì trước mặt lại bị một toán quân Ngô là Đinh Phụng ra chặn đường. Hai toán đánh ập vào. Tiên chủ sợ quá, bốn mặt không còn đường nào. Bỗng đâu, tiếng hò reo nổi lên ầm ĩ, một cánh quân đánh vào vòng vây, trông xem là Trương Bào. Bào cứu được tiên chủ rồi, dẫn quân ngự lâm chạy miết. Đang chạy lại thấy một toán quân nữa kéo đến, té ra là tướng Thục Phó Đồng. Hai toán quân liền họp lại cùng đi. Sau lưng, quân Ngô đuổi kíp.

Tiên chủ đi trước, đến một trái núi tên là Mã Yên, Trương Bào, Phó Đồng vừa mời tiên chủ lên núi xong, thì dưới chân núi tiếng hò reo lại vang dậy; đại đội binh mã của Lục Tốn vây chặt bốn phía. Trương Bào, Phó Đồng cố chết giữ vững cửa núi. Tiên chủ trông xa thấy lửa cháy rừng rực khắp đồng, thây chết trôi kín dòng sông.

Hôm sau, quân Ngô lại phóng lửa đốt núi, quân sĩ chạy trốn toán loạn. Tiên chủ kinh sợ. Bỗng đâu, trong ánh lửa có một tướng dẫn vài quân kị đánh thốc lên, trông xem thì là Quan Hưng. Hưng quỳ xuống bẩm rằng:

- Bốn mặt lửa cháy gần đến nơi rồi, không thể ngồi yên ở đây được, xin bệ hạ chạy về thành Bạch Đế cho mau, để chỉnh đốn lại binh mã.

Tiên chủ hỏi:

- Có ai dám đi chặn hậu hay không?

Phó Đồng tâu rằng:

- Tôi xin cố chết chống cự mặt sau!

Chiều hôm ấy, Quan Hưng đi trước, Trương Bào đi giữa, Phó Đồng đi chặn hậu, ba tướng trông nom, giữ gìn tiên chủ, kéo cả xuống núi. Quân Ngô thấy tiên chủ bỏ chạy, ai nấy cũng muốn tranh công, kéo ra rợp trời chật đất đuổi theo về phía tây. Tiên chủ sai quân sĩ cởi hết cả áo bào, áo giáp, chất ở giữa đường mà đốt để chặn quân giặc. Đang chạy, lại thấy tiếng reo nổi lên. Ngô tướng Chu Nhiên dẫn một toán quân, từ bờ sông đánh đến, chặn mất đường đi. Tiên chủ kêu lên rằng:

- Trẫm chết ở đây mất thôi!

Quan Hưng, Trương Bào tế ngựa xông xáo, nhưng vì tên bắn ra như mưa, nên đều bị bật trở lại; người nào cũng bị trọng thương, không sao ra được. Mé sau, tiếng reo vang dậy. Lục Tốn dẫn đại quân từ trong hang núi đuổi đến. Tiên chủ kinh hoảng vô cùng. Bấy giờ, trời đã mờ mờ sáng, bỗng lại nghe thấy mé trước có tiếng reo ầm ầm, quân Chu Nhiên rối loạn lăn cả xuống khe, chúi cả vào núi, một cánh quân đánh vào cứu giá. Tiên chủ mừng rỡ quá chừng, trông xem ai, té ra là Thường Sơn Triệu Tử Long.

Hồi ấy, Triệu Vân đang ở Giang Châu trong Xuyên, nghe tin Ngô, Thục đang đánh nhau, mới kéo quân đi. Chợt trông thấy một dải đông nam, lửa sáng rực trời. Vân trong bụng kinh hãi, kíp đến xem có sự gì, không ngờ gặp tiên chủ đang bị khốn ở đó, Vân liền hết sức đánh thốc vào. Lục Tốn nghe tiếng Triệu Vân, vội vàng ra lệnh rút quân. Vân đang đánh nhau, bỗng gặp Chu Nhiên, liền xông vào giao chiến. Chưa đầy một hiệp, Vân đâm ngay cho Nhiên một nhát giáo ngã quay xuống ngựa, đánh tan quân Ngô, cứu được tiên chủ chạy về thành Bạch Đế.

Tiên chủ nói:

- Trẫm tuy được thoát, còn các tướng sĩ thì làm thế nào?

Vân nói:

- Quân giặc ở mặt sau, không nên trì hoãn, xin bệ hạ hãy đi mau vào thành Bạch Đế nghỉ ngơi, tôi sẽ lại ra cứu các tướng.

Bấy giờ tiên chủ chỉ còn hơn một trăm người đi theo vào thành Bạch Đế.

Đời sau có thơ khen Lục Tốn rằng:

Cầm mâu, đốt lửa, phá liên doanh,

Huyền Đức cùng đường phải chạy quanh.

Danh tiếng vang lừng trong Thục, Ngụy,

Ngô vương hẳn phải trọng thư sinh!

Lại nói, Phó Đồng đi sau, bị quân Ngô vây kín cả bốn mặt. Đinh Phụng gọi to bảo rằng:

- Tướng Xuyên chết rất nhiều mà hàng cũng lắm, chủ ngươi là Lưu Bị cũng đã phải bắt rồi, ngươi nay sức lực đã kiệt, sao không hàng đi cho sớm?

Phó Đồng mắng rằng:

- Ta là tướng nhà Hán, há thèm hàng chó Ngô à!

Nói đoạn, cầm giáo tế ngựa thúc quân, cố sức đánh giết hơn trăm hiệp, đi lại xông xáo, nhưng cũng không sao ra được. Phó Đồng than rằng:

- Ta đến đây là hết rồi!

Nói xong, mồm thổ ra huyết, chết trong đám quân Ngô.

Có thơ khen Phó Đồng rằng:

Di Lăng, Ngô, Thục, buổi giao phong,

Lục Tốn dùng mưu đánh hỏa công.

Đến chết vẫn còn lời cứng cỏi,

Phó Đồng mới thực tướng anh hùng!

Quan tế tửu là Trình Kỳ chạy đến bờ sông, gọi thủy quân lên để tiếp ứng. Quân Ngô đuổi giáp đến nơi, thủy quân chạy tan mất cả. Bộ tướng gọi bảo rằng:

- Quân Ngô đến nơi rồi, Trình tế tửu chạy đi cho mau!

Kỳ giận, nói:

- Ta từ khi theo chúa thượng ra quân đến giờ, chưa khi nào trông thấy giặc mà phải trốn cả!

Kỳ nói chưa xong, quân Ngô ập đến, Kỳ rút gươm ra tự vẫn.

Có thơ khen rằng:

Tế tửu Trình Kỳ khẳng khái thay!

Gửi thân lưỡi kiếm báo ơn dày.

Lâm nguy vẫn giữ lòng trung dũng,

Danh tiếng thơm truyền mãi đến nay.

Bấy giờ, Ngô Ban, Trương Nam vẫn còn vây thành Di Lăng. Xảy thấy Phùng Tập chạy đến nói quân Thục thua to, bèn rút về cứu tiên chủ. Tôn Hoàn mới được thoát nạn.

Khi Trương, Phùng hai tướng đang đi, trước mặt có quân Ngô kéo đến, sau lưng Tôn Hoàn ở trong thành Di Lăng xông ra, hai mặt đánh dồn lại. Trương Nam, Phùng Tập hết sức xông pha cũng không sao ra được, đều bị chết cả trong đám loạn quân.

Có thơ khen rằng:

Phùng Tập, trung có một,

Trương Nam, nghĩa không hai.

Chiến trường đành bỏ xác,

Danh tiếng để lâu dài!

Còn Ngô Ban đánh ra được ngoài vòng vây, may lại được Triệu Vân đến tiếp ứng, mới chạy thoát về thành Bạch Đế.

Man vương là Sa Ma Kha tế ngựa chạy trốn, gặp Chu Thái, đánh nhau được hơn hai mươi hiệp, bị Thái giết chết. Tướng Thục là bọn Đỗ Lộ, Lưu Ninh sang hàng cả Ngô. Nội bao nhiêu lương thảo, khí giới trong trại Thục không còn sót một tí gì. Tướng sĩ đầu hàng Ngô, không biết bao nhiêu mà kể.

Khi ấy, Tôn phu nhân ở nước Ngô, nghe tin quân Thục thua trận, có người đồn ngoa rằng tiên chủ chết trong đám loạn quân, bèn sai đẩy xe ra bờ sông, trông về phía tây khóc lóc, rồi đâm đầu xuống sông tự tử. Người đời sau lập miếu thờ, gọi là đền Khiêu Cơ.

Có thơ than rằng:

Tiên chủ thua quân, tới Bạch Thành,

Phu nhân nghe nạn vội quyên sinh.

Bến sông nay vẫn còn bia tạc,

Chói lọi nghìn thu tiếng gái trinh!

Nói về Lục Tốn đại thắng, thừa thế dẫn quân đuổi theo về phía tây. Khi gần tới ải Quỳ Quan, Tốn ngồi trên ngựa, trông ra mé trước mặt, thấy chỗ cạnh bờ sông bên sườn núi, có một đám sát khí bốc ngùn ngụt lên tận trời. Tốn quay ngựa lại, bảo các tướng rằng:

- Mé trước tất có quân mai phục, ba quân không được tiến lên vội.

Liền sai lui về hơn mười dặm, tìm chỗ địa thế rộng rãi, dàn trận đợi quân địch đến. Lại sai người đi dò xem, người đi dò trở về báo là không thấy có quân mã nào. Tốn không tin, xuống ngựa trèo lên núi nhìn xem, vẫn thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Lại sai người đi dò xét cẩn thận, nhưng cũng thấy về báo là tịnh không có một người nào. Tốn thấy trời về chiều, sát khí bốc lên càng mạnh, trong bụng nghi nghi hoặc hoặc, sai người tâm phúc đi dò thám lượt nữa. Người ấy về báo rằng ở cạnh bờ sông chỉ có tám chín chục đống đá vứt ngổn ngang, chớ không có quân mã nào cả.

Tôn càng nghi lắm, sai đòi thổ dân đến nơi. Một lát, có vài người đến. Tốn hỏi rằng:

- Ai mang đá xếp ngổn ngang thế kia, mà trong đống đá lại có sát khí bốc lên như vậy?

Thổ dân thưa rằng:

- Chỗ này gọi là bến Ngư Phúc. Khi Gia Cát Lượng vào Xuyên, dẫn quân đi qua đây, lấy đá bày ra trận thế ở trên bãi cát. Từ bấy giờ, ngày nào cũng có sát khí như đám mây ở đó bốc lên.

Lục Tốn nghe xong, lên ngựa dẫn vài chục kị mã đến xem trận đá. Tốn dừng ngựa trên sườn núi, trông xa bốn mặt tám phương đề có cửa vào ra. Tốn cười, nói:

- Đó là thuật làm mê hoặc người ta đấy thôi, chớ có ích gì!

Bèn dẫn vài tên kị xuống núi, vào thẳng trong thạch trận ngắm xem. Bộ tướng bẩm rằng:

- Trời đã về chiều rồi, xin đô đốc về cho sớm!

Tốn sắp sửa trở ra, bỗng đâu nổi một cơn gió to, cát sỏi bay lên mù mịt, rồi thấy đá dựng lên chơm chởm cả như gươm cắm, cát nổi lên từng đống như núi, dưới sông sóng cuồn cuộn, tiếng reo như trống rung, gươm chọi. Tốn giật mình nói:

- Ta mắc phải mẹo Gia Cát Lượng mất rồi!

Bèn vội vàng tìm đường ra, thì không có lối nào nữa. Tốn đang kinh hãi, bỗng thấy một ông cụ già đứng ở trước ngựa, cười nói:

- Tướng quân có muốn ra khỏi trận này không?

Tốn nói:

- Xin nhờ cụ đưa đường giúp cho.

Cụ già chống gậy đi từ từ ra khỏi thạch trận, đến mãi sườn núi không vướng vít chỗ nào.

Tốn hỏi:

- Cụ họ tên là gì?

Cụ già đáp:

- Lão là Hoàng Thừa Ngạn, bố vợ Khổng Minh đó. Khi rể lão vào Xuyên, có bày thạch trận ở đây, gọi là “Bát trận đồ” chia làm tám cửa, theo Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai, trong độn giáp. Mỗi ngày, mỗi giờ, biến hóa không biết đâu mà lần, sánh bằng mười vạn tinh binh. Khi con rể lão đi có dặn lão rằng: “Về sau, có đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này, thì đừng có đưa ra!” Mới rồi, lão chơi trên sườn núi. Thấy tướng quân từ cửa Tử đi vào, chắc rằng không hiểu trận này, thế nào cũng lạc lối. Lão xưa nay ưa làm phúc, không nỡ để tướng quân chết tại đây, cho nên dắt tướng quân ra cửa Sinh.

Tốn nói:

Hoàng Thừa Ngạn nói:

- Phép trận này biến hóa vô cùng, không sao học được.

Tốn quay ngựa lạy tạ rồi trở về.

Về sau, quan công bộ Đỗ Phủ có thơ rằng:

Công trùm nước tam phân,

Tiếng cao đồ bát trận.

Nước chảy đá trơ trơ,

Đánh Ngô còn để giận...

Lục Tốn về trại than rằng:

- Khổng Minh quả thật là Ngọa Long, ta không sao bằng được!

Bèn hạ lệnh rút quân về.

Tả hữu bẩm rằng:

- Lưu Bị binh thua thế cùng, ngồi giữ một thành, chính là lúc ta nên thừa cơ mà đánh, nay thấy thạch trận sao đã vội rút lui?

Tốn nói:

- Ta không phải sợ thạch trận mà lui đâu, ta đồ rằng Tào Phi gian giảo cũng như cha hắn khi xưa, nếu biết ta đuổi theo quân Thục, tất thừa hư lại đánh úp. Nếu ta vào sâu Tây Xuyên quá, chỉ ngại đến lúc về khó mà thôi.

Mới sai một tướng đi đoạn hậu, còn mình dẫn đại quân kéo về.

Lục Tốn rút lui chưa được hai ngày thì ba nơi đến báo tin rằng: Tướng Ngụy là Tào Nhân ra cửa Nhu Tu, Tào Hưu ra cửa Đổng Khẩu, Tào Chân ra xứ Nam Quận, binh mã ba mặt gồm vài mươi vạn, kéo tràn vào bờ cõi, chưa biết ý ra làm sao?

Tốn cười, nói:

- Đã biết mà! Có sai lời ta nói đâu! Ta đã sai quân ra chống cự rồi đó.

Thế mới là:

Bụng hùng vừa muốn vào Tây Thục.

Mẹo giỏi còn mong chống Bắc Triều.

Chưa biết Lục Tốn làm thế nào để đuổi được quân Tào, xem hồi sau phân giải.








trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây