52. Thử sức. Lý Tùng Nhất xem kịch bản cả đêm. Trong căn penthouse của Thiên Thần Plaza tấc đất tấc vàng, Lý Tùng Nhất cảm tưởng thứ dưới chân không phải là sàn nhà, mà là hằng hà xấp mười vạn tệ.
Đồng thời, cậu đã có cái nhìn sâu sắc lẫn toàn diện về thói xa hoa của Trần Đại Xuyên ngông cuồng đến nhường nào.
Diện tích hơn hai trăm mét vuông mà anh không đành lòng dành chục mét vuông xây phòng cho khách, thay vào đó bố trí hết thảy không gian cho bản thân, thậm chí còn có một phòng làm việc tạm bợ. Hiện tại, Thái tử xa hoa ngông cuồng đang say giấc trong phòng; còn Lý Tùng Nhất thì mất ăn mất ngủ xem kịch bản cả đêm trong phòng khách. Sáu giờ sáng.
Trần Đại Xuyên vừa mở cửa phòng ngủ đã bắt gặp đôi mắt sáng ngời của Lý Tùng Nhất, tâm trạng mới sáng ra bỗng phức tạp lạ kỳ. "Kịch bản của anh hay thật đó." Lý Tùng Nhất nói. Trần Đại Xuyên gật đầu, đoạn hâm nóng sữa tươi và nhét sandwich vào máy nướng bánh mì.
Anh ngồi xuống sô pha trong phòng khách, nhìn Lý Tùng Nhất hãy còn mân mê xấp kịch bản. "Em xem hết rồi à?" Lý Tùng Nhất cười: "Tôi còn xem tận hai lần." Cậu đóng kịch bản, nhan đề "Đại lộ" in nổi trên bìa ngoài. Lý Tùng Nhất sực nhớ, hỏi: "Đây là vai diễn mà anh nói để lại cho tôi ở ba năm sau?" "Không phải.
Đó là cái khác, đây chỉ đơn giản là..." Trần Đại Xuyên tìm từ.
"Quà, quà sinh nhật cho em." Lý Tùng Nhất cười khẽ, không nói lời cảm ơn nhưng trong lòng thì cảm động lắm. Kịch bản này cũng là song nam chính, Trần Đại Xuyên đang giúp cậu và Thai Hành hoàn thành nỗi tiếc nuối năm xưa. "Đại lộ" dựa trên số phận hoàn toàn khác nhau của hai thanh niên nông thôn.
Nhưng thực chất, nó kể về những thăng trầm của dân quê trước làn sóng thời đại của quá trình đô thị hoá. Quần thể lớn nhất ở Trung Quốc là nhân dân nông thôn.
Những người nông dân từng ủng hộ đất nước nông nghiệp này, song ngày nay họ đang rơi vào tình cảnh lúng túng.
Đô thị hoá nông thôn hẳn là một chuyện tốt, nhưng đằng sau sự phát triển nào cũng tồn tại những mặt trái và những cá nhân bị cưỡng chế. Hai nhân vật chính của câu chuyện là những cá thể như vậy.
Và cá thể, ngụ ý cho bệnh lý của quần thể. Ngô Minh và Ngô Cương là hai thanh niên cùng quê; sinh vào đầu những năm 1990, ngày sinh cách nhau đúng một tháng.
Khi đó hầu hết các vùng nông thôn ở Trung Quốc còn nghèo nàn lạc hậu, điện đóm là một thứ xa xỉ và nước máy thì vài năm sau mới xuất hiện. Họ cùng nhau lớn lên, cùng nhau cắp sách đến trường, cùng nhau nghịch phá gây sự, cùng nhau chạy chân đất băng qua cánh đồng ruộng trong mùa thu lá vàng.
Và rồi, họ cũng bước sang một cuộc sống khác ngay thuở ấy. Ngô Minh sáng dạ, học lực khá giỏi; dẫu không nhận ra tầm quan trọng của học tập nhưng cậu vẫn cố gắng thi vào một trường cấp ba loại ưu, rồi có tên trong một trường đại học thuộc top đầu thành phố. Ngô Cương không mảy may đến chuyện học hành, điểm số lúc nào cũng áp chót; hơn nữa cha hắn bị bệnh gan, phải dùng thuốc định kỳ hàng tháng.
Học hết lớp mười, hắn bèn chủ động nghỉ học đi làm.
Hắn chẳng cảm thấy có gì sai trái, thậm chí còn rất vui.
Xung quanh hắn có biết bao người cũng bỏ học làm thêm đấy thôi. Đây là bối cảnh của câu chuyện. Mọi thứ bắt đầu vào Tết Âm Lịch khi Ngô Minh chuẩn bị tốt nghiệp đại học, và Ngô Cương đã làm công được sáu năm. Đại học và nhà xưởng đã uốn nắn những đứa trẻ lớn lên trên cùng một mảnh đất thành hai con người khác nhau. Ngô Minh văn nhã, có tương lai; Ngô Cương thô lỗ, mãi thấp kém.
Mặc dù Ngô Minh vẫn coi Ngô Cương như một người anh em tốt, song đôi khi cậu không thể tán đồng với lời nói và cách làm của hắn, thậm chí còn cho rằng chúng ấu trĩ và lố bịch. Vào thời điểm này, thôn đã trải qua những biến động kinh thiên động địa.
Nhà ngói đã trở thành nhà gỗ ba tầng tự xây; nhiều người đã bắt đầu lắp điều hoà và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Con đường nhựa rộng thênh thang dẫn từ thị trấn vào thôn không hề đóng chặn mà lạ thay, đã vắng vẻ đi nhiều.
Ngay cả khi đang Tết Âm Lịch thì phố xá vẫn thưa vắng đìu hiu. Nhưng năm nay, thôn Ngô gia thật sôi động.
Họ nghe nói khi phá bỏ và di dời, chính quyền sẽ bồi thường cho họ một căn nhà ở thị trấn cùng với khoản tiền tương xứng.
Từ nay về sau, họ không còn là dân quê mà đã là người thành phố. Để ăn mừng và tưởng nhớ mùa cuối cùng ở thôn, họ quyết định chọn một phong tục đang dần biến mất trong vài năm nay —— Múa lân sư rồng. Khi còn là những cậu bé làm trong Nhà Văn hoá Thanh niên, Ngô Minh và Ngô Cương thường choàng vai nhau đi múa lân khắp nơi.
Tết Nguyên Tiêu năm đó, mỗi người trong số họ khiêng một phần long cốt chứa những ngọn đèn thắp sáng trên vai; sau đó xếp thành hàng đèn lồng hình rồng thật dài, đi bộ hết cả thôn.
Dù phải đi ít nhất vài cây số, nhưng lòng ai cũng khấp khởi vô vàn. Sau màn múa lân sư rồng, Ngô Minh và Ngô Cương với những người bạn cùng nhau lớn lên trở về nhà.
Họ không đi trên con đường chính mà đi đường ven sông; vừa ngẩng đầu uống rượu, vừa ôm đầu lân huyên thuyên. Trong đó, Ngô Minh là mục tiêu trêu chọc chính của họ.
Lời ra lời vào đều nói kháy Ngô Minh là sinh viên đại học, là nhân tài chốn văn phòng. Nhưng chẳng ai biết rằng Ngô Minh cũng có những rắc rối không sao kể xiết.
Cậu đã sắp tốt nghiệp, song vẫn chưa tìm được công việc tử tế.
Thực tế cho thấy, tìm việc thì dễ mà tìm việc tốt mới khó. Ngô Minh không thể chấp nhận sau nhiều năm đèn sách vẫn nhận mức lương ba ngàn tệ, tương đương với đám Ngô Cương.
Sự thật đó, làm cậu mất mặt. Biến cố xảy ra vào lúc ấy.
Một người trong nhóm say rượu, trượt chân ngã lăn xuống sông. Những người khác cũng đã chuếnh choáng, tay chân yếu ớt không kịp kéo người lại.
Đến khi vớt lên, thì người đó đã chết đuối. Làm thế nào xử lý người bạn đã chết? —— Câu hỏi này đã trở thành mâu thuẫn giữa Ngô Minh và những người khác. Ngô Minh biết một số kiến thức pháp luật, cho rằng cái chết của người đó không liên quan gì đến họ, nhiều nhất là bồi thường chút tiền bạc vì nhân đạo.
Họ cần phải nhanh chóng đưa thi thể về nhà. Song những người còn lại đang vô cùng kinh hãi, đặc biệt là khi Ngô Cương trông thấy thông tin trên Internet rằng những người khác phải chịu trách nhiệm chung đối với cái chết do say rượu.
Hắn không rõ chi tiết cụ thể, mà vẫn bô bô về chuyện ngồi tù.
Dù không ngồi tù thì những bọn làm công ăn lương như họ biết lấy tiền đâu bồi thường. Ngô Minh cảm thấy không thể giao tiếp với nhóm bè bạn ngu dốt này, đã thế còn bị chỉ trích là một sinh viên đại học đầy triển vọng thì chẳng còn quan tâm đến khả năng tài chính của người khác. Sau cùng, Ngô Minh thân cô thế cô đành phải thoả hiệp. Họ quyết định ném xác người bạn của mình xuống sông, trốn tránh trách nhiệm.
Và sau khi trở về, họ nhất trí thưa rằng không cùng đường với người đó. Gia đình người chết bắt đầu tìm kiếm khắp nơi, nhưng mấy ngày liền không có tin tức nào cả. Ngô Minh chẳng đành lòng, bèn thử thuyết phục Ngô Cương và những người khác.
Nhưng kết quả vẫn vậy.
Thế là cậu quyết định nói bóng gió với gia đình kia rằng đã trông thấy người chết đi tới bờ sông, ít nhất là hướng sự chú ý của họ đến nơi ấy. Đúng lúc này, Ngô Minh nhận được cuộc gọi từ một doanh nghiệp nhà nước mà mình đã phỏng vấn một năm trước.
Bên kia báo rằng cậu đã đậu phỏng vấn, nhưng do vị trí đặc biệt nên cần thẩm tra chính trị. Ngô Minh do dự.
Cậu sợ chuyện này ảnh hưởng đến việc thẩm tra chính trị của mình.
Giả sử tìm thấy thi thể, cậu không biết liệu gia đình người đó có gọi cảnh sát không và liệu cậu có trở thành kẻ tình nghi khi là người cuối cùng nhìn thấy người quá cố không.
Dẫu chỉ có một phần trăm khả năng, cậu cũng chẳng dám đánh cược tương lai vất vả của mình. Ngô Minh im lặng. Mấy ngày sau, gia đình tìm thấy thi thể người quá cố.
Họ đinh ninh người nọ say rượu nên sẩy chân xuống sông chết đuối, không một ai nghĩ ngợi gì nhiều. Khi Ngô Minh cho rằng sự việc đến đây là kết thúc, thì đêm đó có người trong nhóm hay tin Ngô Minh đang trong giai đoạn thẩm tra chính trị bèn đe doạ cậu bằng vụ việc này, buộc Ngô Minh phải đưa tiền cho gã, bằng không sẽ nói ra chân tướng đêm đó.
Vào tù thì cả đám cùng vào, không thể cho một mình Ngô Minh trải qua những ngày tháng thăng quan tiến chức. Ngô Minh tuy biết mình không giết ai cả, nhưng coi như đã phạm tội ném xác.
Khi thoả hiệp ném xác xuống sông vào đêm hôm đó, cậu đã không còn đường quay lại.
Vì thế bây giờ, Ngô Minh chẳng còn cách nào khác đành đưa cho gã một khoản tiền bịt miệng. Gã vốn dĩ chỉ muốn hù doạ Ngô Minh, song ngờ đâu Ngô Minh lại ngoan ngoãn giao tiền.
Thế là gã đe doạ Ngô Minh cách trắng trợn hơn. Ngô Minh vẫn là sinh viên, học bổng còn dùng để đóng học phí.
Làm sao có thể thoả mãn lòng tham của người nọ. Ngô Minh cùng đường, lại nghĩ tới người bạn nối khố Ngô Cương.
Dẫu không đồng ý với tam quan của hắn, nhưng dưới tình huống hiện nay thì cậu vẫn sẵn lòng tin hắn. Ngô Cương gọi Ngô Minh và người nọ đến bờ sông nơi cậu bạn của họ đã chết.
Hắn vốn muốn dĩ hoà vi quý, bởi mọi người trong nhóm đều liên can đến việc này, dặn hai người đừng đưa mọi chuyện đi quá xa. Ngờ đâu người nọ và Ngô Minh xảy ra mâu thuẫn.
Gã thậm chí còn đập cục đá vào đầu Ngô Minh một cách ngạo mạn.
Ngô Minh uất nghẹn đã lâu, cú đập của gã thành giọt nước tràn ly.
Cậu bất chấp mọi thứ lấy đá phang vào đầu gã.
Dưới cơn nóng giận, Ngô Minh đã đánh chết người nọ. Ngô Cương bảo Ngô Minh đi tự thú.
Nhưng Ngô Minh khóc lóc, nói mình không thể làm vậy.
Hai mươi năm trong tù sẽ bào mòn toàn bộ kiến thức mà cậu đã trui rèn suốt ngần ấy thời gian.
Hơn hết cậu chẳng có miếng đất nào cả, sau khi ra tù biết sống thế nào đây? Thể xác nóng lòng muốn thoát khỏi kiếp dân quê, nhưng linh hồn lại nương nhờ nơi mảnh đất này. Không có đất, cậu coi như chẳng còn lối thoát. Ngô Cương quyết định giúp Ngô Minh vứt xác xuống sông lần nữa.
Nhưng hai vụ chết đuối xảy ra trong thôn ở một thời gian ngắn khiến người dân không khỏi hoài nghi.
Và rốt cuộc lần này, gia đình người chết đã báo cảnh sát.
Cảnh sát điều tra từng manh mối, cuối cùng phát hiện Ngô Minh và Ngô Cương từng liên lạc với nạn nhân. Ngô Minh cho rằng tận thế đã ập đến. Đúng lúc này, Ngô Cương lại đứng ra gánh tội thay.
Hắn quy kết hai vụ chết đuối lên người mình, đưa Ngô Minh thoát khỏi diện tình nghi. Khi Ngô Minh đang tự hỏi lý do vì sao, cha của Ngô Cương đã nói với cậu mọi chuyện.
Và mọi chuyện đó, khiến trái tim cậu gióng giả từng hồi. Cha của Ngô Cương nói rằng, hắn đang giấu một hòn đá.
Sau khi Ngô Cương vào tù, cha của hắn là cha của Ngô Minh.
Cậu có trách nhiệm phải chăm sóc cho ông, chạy tiền chữa gan cho ông, mỗi năm dẫn ông đến thăm Ngô Cương một lần.
Nếu năm nào không đến, hoặc cha của hắn có dấu hiệu bị ngược đãi, thì Ngô Cương ắt phản cung. Hòn đá kia là bằng chứng cho Ngô Minh giết người.
Trên đó có máu lẫn vân tay của Ngô Minh, cũng như máu của nạn nhân. Mặc dù trong suy nghĩ của Ngô Minh, Ngô Cương là một kẻ ngu dốt, thô lỗ và tự đại; nhưng hắn vẫn là một người biết tính toán.
Hắn chán ngán với công việc nặng nề trong nhà xưởng, chán ngán ông bố mắc bệnh gan tốn nửa tháng lương cho tiền thuốc men, và chán ngán cả cảnh sống vô vọng.
Hắn còn trẻ, nhưng thân thể đã rũ rượi. Hắn hối hận vì đã không học hành chăm chỉ như Ngô Minh.
Nhưng lối suy nghĩ khép kín và lạc hậu của nông thôn khiến hắn chẳng nhận ra mình đã bỏ lỡ điều gì lúc ban đầu, thời đại phát triển quá nhanh khiến Ngô Cương chẳng còn theo kịp. Khi hắn bàng hoàng nhận ra, thì mọi thứ đã quá muộn.
Ông bố kéo hắn xuống đáy, hắn không thể tìm vợ và cũng chẳng thể tiết kiệm tiền.
Còn Ngô Minh? Ngô Minh chỉ là một kẻ may mắn hơn hắn mà thôi.
Cậu tình cờ đi đúng quỹ đạo của thời đại.
Tương lai của cậu không phải là một giá trị biết trước, mà là một tương lai rực rỡ vô hạn. Ngô Cương đã chọn cách trốn tránh.
Hắn đưa mình vào một nhà tù biệt lập, để lại gánh nặng trí mạng nhất cho Ngô Minh. Quãng đời còn lại của Ngô Minh thoạt nhìn ngăn nắp sạch sẽ, nhưng cả đời này cậu phải sống trong sợ hãi, chẳng có một đêm ngon giấc. Đi hết đại lộ, ta mới biết đấy là ngõ cụt. * Lý Tùng Nhất vừa xem kịch bản vừa hồi tưởng lại câu chuyên bên trong, tinh thần vẫn rất phấn chấn dù sau một đêm thức trắng. Trần Đại Xuyên giải thích với Lý Tùng Nhất: "Bình Xuyên chủ yếu quay phim thương mại, nhưng cũng dành một ít chỉ tiêu quay phim văn học nghệ thuật mà không quan tâm đến doanh thu phòng vé, đánh vào giải thưởng là chính.
Kịch bản trên tay em nằm trong hạng mục này.
Đạo diễn đã quyết định rồi, Ưng Sơn.
Đoàn làm phim hẳn là những khuôn mặt quen thuộc của ảnh.
Bây giờ ảnh đang tìm địa điểm quay phim thích hợp, điều kiện tiên quyết là phương ngữ và tiếng phổ thông na ná nhau.
Em làm quen với kịch bản trước, năm sau xác định địa điểm quay thì bắt đầu học phương ngữ.
Thời gian quay và hậu kỳ mất hơn một năm, vừa kịp cho giải Chiếc Lá Vàng vào tháng Tư năm sau." Ưng Sơn là đạo diễn dòng phim văn học nghệ thuật trứ danh.
Giải Chiếc Lá Vàng là một trong những giải thưởng uy tín nhất đối với điện ảnh Hoa Ngữ.
Và tháng Tư năm sau, là thời điểm Lý Tùng Nhất trở lại sau cuộc giải nghệ. Thiên thời địa lợi nhân hoà, Trần Đại Xuyên đã tặng một món quà sinh nhật lớn cho Lý Tùng Nhất. Lý Tùng Nhất cười: "Tôi đóng vai nào?" Trần Đại Xuyên có vẻ ngạc nhiên khi Lý Tùng Nhất hỏi câu này: "Ngô Minh." "Thai Hành đóng vai Ngô Cương à?" Trần Đại Xuyên gật đầu. Lý Tùng Nhất cúi đầu suy tư một chốc, đoạn nhìn thẳng vào mắt Trần Đại Xuyên: "Tôi muốn diễn Ngô Cương." Trần Đại Xuyên thoáng sửng sốt: "Hình tượng của em gần với Ngô Minh hơn.".
Truyện Đông Phương "Nhưng tôi thấy thiết lập của hai nhân vật này khá giống với "Chuỗi thức ăn".
Một người văn nhã, có học thức; một người thô lỗ, không bằng cấp." Lý Tùng Nhất nói.
"Tôi và Thai Hành chắc hẳn đều không muốn, ba năm sau vẫn đóng một vai tương tự." Trần Đại Xuyên cười nhẹ: "Nếu em không muốn lặp lại, có thể đổi kịch bản khác." "Đâu, đâu phải tôi không muốn lặp lại." Lý Tùng Nhất nói.
"Tôi muốn thử sức ở những vai diễn khác nhau." Trần Đại Xuyên thôi cười, nhìn Lý Tùng Nhất một cách nghiêm túc. Lý Tùng Nhất sở hữu ngoại hình thanh tú; bởi trải qua nhiều thăng trầm suốt hai kiếp, nên dẫu có chuyện gì xảy ra thì biểu cảm vẫn mang vẻ nhẹ nhàng phóng khoáng.
Thật khó tưởng tượng khi một khuôn mặt thuần khiết như thế lại xuất hiện dưới vai diễn Ngô Cương – một kẻ cục mịch với những dục vọng trần tục. Lý Tùng Nhất hỏi anh: "Anh có tin tôi làm được không?" Trần Đại Xuyên mỉm cười: "Tôi tin em." Hết chương 52.