Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

55: Đàm Phán


trước sau


Lý Tùng Nhất không chỉ học tiếng địa phương, mà cậu còn quan sát nông thôn trong quá trình học tập.
Thôn này giống hệt với những gì mô tả trong kịch bản "Đại lộ", là một nông thôn khép kín trong số hàng nghìn thôn làng ở Trung Quốc.

Chẳng phải là một thôn nghèo khó hay ngôi làng kiểu mẫu, nó cũng chẳng cho ra lò lắm người vĩ đại; nhưng ít nhiều gì vẫn có vài sinh viên đại học xuất thân từ đây, và họ cũng là đối tượng mua vui trong các cuộc trà dư tửu hậu.
Lý Tùng Nhất ở nhờ trong một gia đình có ngôi nhà nhỏ hai tầng theo kiểu phương Tây —— Một cặp vợ chồng ở tuổi năm mươi, con trai đã lấy vợ và đang làm thuê bên ngoài.
Lý Tùng Nhất nhận thấy tất cả đều sử dụng điện thoại thông minh.

Mặc dù người mẹ không biết đọc, song bà vẫn chơi WeChat và ghi nhớ ký hiệu trò chuyện thoại.

Bà còn thường gọi video với con trai khi đang đánh mạt chược với hàng xóm, cũng thường hét mấy tiếng vào khung thoại WeChat.

Mỗi khi xem TV, bà đều dùng ứng dụng video trực tuyến.
Quá trình đô thị hoá đã âm thầm thay đổi cuộc sống của họ vậy đấy.
Lý Tùng Nhất và Thai Hành đã học nhẵn phương ngữ.

Dẫu họ không thể đáp ứng tiêu chuẩn của người dân địa phương, nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tế.

Thanh niên nông thôn học tập và làm việc lâu bên ngoài thực chất không nói được thứ tiếng địa phương thuần tuý.

Đôi khi chẳng thể diễn đạt trôi chảy, họ thường tự nhiên chuyển sang tiếng phổ thông lơ lớ.
Sự lúng túng của ngôn ngữ hệt như vị trí trong quá trình đô thị hoá ở các vùng nông thôn.

Tiếng phổ thông hãy còn trúc trắc, mà phương ngữ lại dần bị lãng quên.
Bốn tháng sau khi sinh sống ở thôn, Lý Tùng Nhất đến nhà máy sản xuất pin trong thị trấn cốt trải nghiệm cuộc sống làm công ăn lương; còn Thai Hành thì đi dự thính trong trường đại học.

Hắn nói mình từ giã kiếp sống học đường đã nhiều năm, bây giờ cần phải trau dồi chút khí chất nho nhã.
Lý Tùng Nhất càng đi sâu vào đời sống nông thôn, càng lý giải tường tận con người Ngô Cương.
Ngô Cương nông cạn vô tri, điều này đã bộc lộ ngay cảnh đầu tiên của kịch bản.
Trước Tết Âm Lịch vài ngày, thôn làng bỗng náo nhiệt hẳn lên.

Nhưng nó mãi mãi không tài nào sánh bằng ký ức trong tuổi thơ họ.
Ngô Cương đến tìm Ngô Minh đang đọc sách ở nhà.

Hắn vào thẳng phòng ngủ của cậu mà chẳng buồn gõ cửa.
Tiếng mở cửa đột ngột làm Ngô Minh giật mình.

Cậu nhíu mày nhưng không càm ràm gì cả, bởi cậu hiểu con người Ngô Cương vốn là vậy.
Chỉ là Ngô Cương chẳng hiểu nổi Ngô Minh.

Khi thấy Tết nhất rồi mà Ngô Minh vẫn còn đọc sách, hắn đã buột miệng chế giễu: "Sắp tốt nghiệp tới nơi còn bày đặt đọc sách."
Theo suy nghĩ của hắn, sách chỉ phục vụ cho việc học.

Hắn không tài nào lý giải niềm vui tinh thần mà Ngô Minh có được qua những trang sách.
Ngô Minh đang xem "Điệu Tần" của Giả Bình Ao*.

Ngô Cương lật thử; và khi trông thấy một đoạn mô tả khiêu dâm, hắn đã cười khằng khặc: "Hoá ra cậu đang xem cái này."
[1] Giả Bình Ao: là một nhà văn tinh thông về văn hóa truyền thống Trung Hoa, bên cạnh đó, ở tác phẩm của ông, người ta còn nhận ra sự hiểu biết và nắm vững hơn người về nghệ thuật và văn minh hiện đại.

"Điệu Tần" hay "Tần xoang" là làn điệu dân ca vùng Tần Lĩnh.
Ngô Minh biết dù có giải thích thì hắn vẫn không hiểu, bèn cất cuốn sách đi rồi hỏi Ngô Cương tới đây làm gì.
Khi thấy kịch bản nhắc đến "Điệu Tần", Lý Tùng Nhất đã dành thời gian đọc cuốn sách đoạt giải Văn học Mao Thuẫn này.

Đó cũng là góc nhìn của tác giả về hiện trạng cải cách xã hội ở nông thôn.
Sự tồn tại của quyển sách là một biểu tượng ẩn dụ trong phim.

Nhưng Ngô Cương, không hiểu.
Kỳ thực Ngô Cương không đến nỗi ngu dốt.

Hắn cảm nhận được những khốn khổ và nỗi tuyệt vọng chẳng thể trốn thoát trong cuộc sống.

Hắn biết rằng điều này sai trái, song hắn không có đủ kiến thức hòng phân tích những điều đó.

Mỗi khi ngước mắt, hắn chỉ trông thấy bóng tối dày đặc đến nghẹt thở.
Ngô Cương có một người bạn gái trong nhà máy.

Bạn gái thích hắn lắm, muốn đến nhà Ngô Cương đón tết.

Nhưng Ngô Cương đã từ chối.
Bạn gái gửi tin nhắn WeChat cho Ngô Cương: Anh nghĩ em chê nhà anh nghèo sao? Không có đâu, em không ngại.
Ngô Cương chẳng trả lời, chỉ lắng tai nghe tiếng ho khan đinh tai nhức óc của cha mình ở buồng sau.
Tâm trạng của hắn phức tạp đến mức chẳng thể giải bày.

Mãi đến khi nghe thấy một lời của Ngô Minh, hắn mới chợt nhận ra.
"Có người không ngại bần cùng.

Bởi họ đinh ninh nghèo đói chỉ là một thung lũng, cố gắng hết sức thì có thể vượt qua.

Nhưng cái nghèo thực sự là một vực thẳm, và ta rơi xuống lúc nào cũng không hay."
Thế nên khi Ngô Cương thay Ngô Minh vào tù, hắn đã nói rằng: "Tôi rơi xuống đất rồi."
Hắn đã đáp xuống vực thẳm của sự nghèo đói.
Lý Tùng Nhất sống trong ký túc xá của nhà máy với ba gã thanh niên khác đến từ thị trấn.

Cậu thường nghe những gã này tán dóc, và cũng trông thấy bóng dáng Ngô Cương đâu đấy.
Họ lúc nào cũng cười hì hì, song thực ra là một kiểu sống cẩu thả khác.

Họ xoi mói những cô gái trong nhà máy, rồi lại phân công mỗi người theo đuổi.

Nếu không cưa được cô này thì đổi sang cô khác.

Thứ mà họ theo đuổi chả phải tình yêu, mà là cuộc sống ổn định.
Tất nhiên họ cũng khao khát tình yêu.

Chẳng qua một tình yêu không phân sang hèn, mấy ai trên đời có được? Giả sử phải dùng một phép ví von thì trong thế giới giàu có, hạn sử dụng tình yêu của người ta tương đối dài hơn, hệt như chiếc tủ lạnh cao cấp vậy.
Đôi khi Lý Tùng Nhất nghe thấy họ hối hận vì đã không học hành chăm chỉ ngay từ đầu, nhưng họ vẫn luôn treo bên miệng một câu: "Lúc ấy thiếu gì kẻ bỏ học làm công, bình thường thôi."
Ừ, lúc ấy là bình thường.

Lúc ấy, nông thôn còn khép kín lạc hậu; bố mẹ thường bảo con cái phải học cho ngoan, nhưng học không nổi thì ra làm công.

Từ già tới trẻ, chẳng ai có đủ nhận thức về học tập.
Đây là môi trường tổng thể, tựa như lớp sương mù dày đặc bao phủ địa cầu.

Những đứa trẻ không cách nào nhìn xuyên qua lớp sương mù để trông thấy bản chất, vì vậy chúng hân hoan rời trường học đi kiếm tiền.
Giá mà xã hội vẫn luôn không đổi, lựa chọn của họ đã chẳng sai lầm.
Nhưng xã hội chuyển biến nhanh quá đỗi.

Nửa đời trước họ chịu ảnh hưởng bởi tư duy nông thôn, nửa đời sau phải đối mặt với làn sóng văn hoá đô thị.

Mới và cũ, đã xé xác họ.
Và Ngô Cương, là một trong những tấm gương tiêu cực.


Hắn không đạt được sự hoà giải với thời đại.
Lý Tùng Nhất cũng nhận thấy họ đang nói về những cánh tay robot đang dần xuất hiện trong nhà máy, một ít công việc tẻ nhạt và tốn công sức đã thay thế bằng robot.

Khi bàn về những vấn đề này, họ vẫn ôm vẻ mặt vô ưu vô lo.

Trên đời này biết bao người giống họ, không thể trong một sớm một chiều là thay thế toàn bộ.

Dẫu muốn thay thế, nhưng đất nước thì sao? Đất nước này chẳng thể phớt lờ hàng loạt người dân thất nghiệp.
Nhưng Lý Tùng Nhất tin rằng, Ngô Cương hẳn đã cảm nhận được những mối đe doạ đó và ngày một lo âu nhiều hơn.
Trong miền tưởng tượng của Lý Tùng Nhất, một bóng hình đầy đặn đang từ từ hình thành.

Nó bằng xương bằng thịt.

Nó có suy nghĩ.

Và nó đang đứng giữa đất cát với đôi mắt thẫn thờ lẫn tuyệt vọng.
Ba tháng sau khi ở lại nhà máy, Lý Tùng Nhất cảm tưởng bản thân đã chạm đến cốt lõi.

Cậu dọn đồ về nhà trong niềm vui sướng vô biên.
Cậu còn mang về quà lưu niệm cho Trần Đại Xuyên —— Một hộp pin tiểu.
Không tên không tuổi, chẳng biết có bị rò điện không.
Trần Đại Xuyên nhìn hộp pin, mãi mà không phát biểu cảm nghĩ.
Lý Tùng Nhất cáu: "Tôi tự đóng gói đó.

Người khác có mua tôi cũng không bán đâu."
Trần Đại Xuyên nói khéo: "Tôi chỉ đang nghĩ, trong nhà có thiết bị nào dùng pin tiểu không."
"Mai mốt cũng có à." Lý Tùng Nhất cười, hàm răng trắng sáng nổi bật trên làn da rám nắng.
Trần Đại Xuyên nhìn khuôn mặt "đầy thăng trầm" của Lý Tùng Nhất, đành miễn cưỡng nhận món quà này.
Lý Tùng Nhất được voi đòi tiên: "Nhớ cất nó trong tủ sắt nhận diện mống mắt."
"Đại lộ" chính thức khởi quay vào một tháng sau.

Trong khoảng thời gian này, Lý Tùng Nhất vẫn luôn ở trong biệt thự của Trần Đại Xuyên cốt dưỡng sức và xem các phim nghệ thuật cùng loại.
Hôm nay, Lý Tùng Nhất đang lật giá đĩa bỗng nhác thấy thứ gì đó.

Cậu rống lên như phát hiện ra châu lục mới, phấn khích đến độ há hốc mồm.
Lý Tùng Nhất vội chụp một tấm, đoạn gửi cho Trần Đại Xuyên.

Giọng điệu cậu cực kỳ thiếu đòn: Nhìn! Nhìn! Đây là gì nè!
Phải đến khi Trần Đại Xuyên kết thúc cuộc họp mới trông thấy tin nhắn này.
Anh vốn thấm mệt, đang dựa vào ghế trong phòng làm việc nghỉ ngơi.

Đèn báo của điện thoại trên bàn nhấp nháy cách yếu ớt, anh bèn lấy lại đây xem thử.
Khi nhấp vào tấm ảnh do Lý Tùng Nhất gửi, những ngón tay đang xoa huyệt thái dương của anh đột nhiên cứng lại.
Đó là một góc của kệ đĩa, nơi chứa đầy những tác phẩm văn học nghệ thuật trong nước như "Tiểu Vũ", "Dưới sức nóng mặt trời", "Cây dương cầm thép"...!lại thình lình xuất hiện vở nhạc kịch kinh điển —— "Singing in The Rain" của Mỹ.
Vị trí của nó lẽ ra ở phía trên bên phải.
Nhưng có ai đã đặt sai nó.

Đánh giá từ giọng điệu hả hê của Lý Tùng Nhất, người đặt sai hẳn là ông chủ kiêm Thái tử điện hạ hà khắc Trần Đại Xuyên.
Trần Đại Xuyên nhớ lại lần cuối khi xem "Singing in The Rain", mặt anh bỗng biến sắc rõ.
Anh giữ nguyên tư thế hồi lâu mới tự dối lòng, thoát khỏi trang trò chuyện rồi đặt điện thoại về chỗ cũ.

Lý Tùng Nhất biết Trần Đại Xuyên thường ngày tất bật nên chẳng bận tậm khi nào anh trả lời tin nhắn, song đã một ngày trôi qua mà vẫn chưa thấy Trần Đại Xuyên hồi âm.

Lý Tùng Nhất buộc lòng phải nghi ngờ, rằng đây là hành vi cố ý trốn tránh trách nhiệm.
Nhớ lại chuyện mình thường vô tình đặt sai đĩa phim và bị Trần Đại Xuyên khẻ tay, Lý Tùng Nhất quyết định bám rịt lấy anh, hơn nữa còn gia tăng thái độ châm biếm: Ông chủ Trần nè.

"Singing in The Rain" đặt ở kệ phim văn học nghệ thuật Trung Quốc, có phải mang ý nghĩa sâu xa nào không? Thứ lỗi cho kẻ hèn kiến thức hạn hẹp, Thái tử điện hạ chịu khó phổ cập được không?
Lần này Trần Đại Xuyên trả lời rất nhanh, còn khá thẳng thắn: Nói thẳng đi, em muốn gì.
Lý Tùng Nhất cũng thẳng thắn chẳng kém: Muốn đánh anh.
Lý Tùng Nhất bồi thêm: Tôi tin tưởng ông chủ Trần tuyệt nhiên không phải là loại cặn bã xã hội nghiêm khắc với người ngoài mà khoan dung với bản thân.
Trần Đại Xuyên – ông chủ kiêm Thái tử chẳng muốn trở thành tên cặn bã: Ừm, em cứ đánh đi.
Lý Tùng Nhất mỉm cười hài lòng, không còn quấy rầy Trần Đại Xuyên nữa.

Thay vào đó cậu chuyên tâm tìm kiếm thứ gì đó hay ho trong biệt thự phù hợp để khẻ tay.

Chiếc đĩa be bé kia làm sao có thể thoả mãn dục vọng trả thù của cậu.
Nhưng tìm mãi không thấy dụng cụ khẻ tay ưa thích, cũng không thấy Trần Đại Xuyên trở về biệt thự.

Trái lại, ngày bấm máy đã cận kề.

Lý Tùng Nhất đành phải ra đi trong tiếc nuối, đến thẳng điểm quay "Đại lộ".
Một chuyến đi tương đương vài tháng không gặp, kế hoạch khẻ tay của Lý Tùng Nhất buộc phải gác lại.
Trần Đại Xuyên tuyệt nhiên không phải cố ý trốn tránh Lý Tùng Nhất, anh quả tình đang bận rộn không ngớt.
Sau khi "Sơn Hải Kinh: Nam Sơn" phát sóng, mọi người hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt.

Ngoài rating vượt chỉ tiêu mong đợi, các thiết bị ngoại vi khác cũng bán rất chạy.

Trong đó, phục trang và quái vật làm bằng sợi gai là hút hàng nhất.
Vài ngày sau khi bản truyền hình đóng máy, bản điện ảnh của "Sơn Hải Kinh" cũng bắt đầu khởi quay.

Khác với bản truyền hình tập trung vào "Sơn Kinh", bản điện ảnh chú trọng nhiều vào thần thoại và cốt truyện nghiêng về phía "Hải Kinh".

Hiệu ứng hình ảnh của bản điện ảnh cũng tốn nhiều kinh phí hơn, bởi bối cảnh hoành tráng và xuất hiện hàng loạt các vị thần tiên.
Tận dụng sức nóng còn sót lại của bản truyền hình, bản điện ảnh "Sơn Hải Kinh" đã thu về ba tỷ doanh thu với độ nổi tiếng và trình độ kỹ thuật cao của riêng nó.

Tất nhiên, thành công của bản điện ảnh "Sơn Hải Kinh" không chỉ giới hạn ở doanh thu phòng vé mà còn có nghĩa về mặt tích luỹ danh tiếng và lời khen ngợi.

Từ đó tạo thành tiền đề cốt hình thành một series về vũ trụ Sơn Hải Kinh, và Bình Xuyên hãy còn tiếp tục tung ra phần phim thứ hai, thứ ba...
Quan trọng hơn, trong quá trình chuyển thể IP, bản điện ảnh và bản truyền hình sẽ dần dần hợp nhất và giao thoa.

Khi đó một vũ trụ Sơn Hải Kinh hoàn chỉnh được trình làng, tạo ra giá trị thị trường khổng lồ.
Sự thành công của bản điện ảnh và truyền hình cũng khiến Trần Đại Xuyên đặt việc phát triển ngành giải trí lên hàng đầu.
Disney – công ty điện ảnh và truyền hình giá trị nhất thế giới, hẳn nhiên là chuẩn mực và hướng phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Nó không chỉ tập trung vào nội dung sản xuất mà còn có một cơ chế vận hành hoàn thiện trong lĩnh vực giải trí tổng thể như live-action* hay các tác phẩm phái sinh*, số tiền mà chúng kiếm được gần gấp sáu lần doanh thu từ điện ảnh trực tiếp*.
Một mô hình lợi nhuận hoàn chỉnh và phong phú như thế mới là con đường cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp điện ảnh.

Chính vì vậy, nhiều công ty điện ảnh trong nước đã hô vang khẩu hiệu thành lập "Disney China" và "Điện ảnh DreamWorks", nhưng rất ít công ty nào tạo dựng được thành tích.

Nguyên nhân cơ bản nhất là do chú trọng quá mức vào "sản xuất", mà quên đi "giấc mộng".
Trong lĩnh vực điện ảnh, nội dung luôn là quan trọng nhất.
Sức nóng của "Sơn Hải Kinh" đã mang đến cho Công ty Điện ảnh và Truyền hình Bình Xuyên một "giấc mộng" với đủ tầm ảnh hưởng và giá trị phát triển bền vững.
Tuy nhiên, với tư cách là một công ty điện ảnh mới nổi, chuỗi vốn của Bình Xuyên không đủ chống đỡ việc thu hồi chi phí phát triển chậm.

Thêm vào đó, Trần Đại Xuyên không có ý định bước chân vào lĩnh vực bất động sản nên chọn hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản trưởng thành*.
[5] Live-action: có nghĩa là thể loại phim "người đóng".

Một bộ phim Live-action nếu đã được phân loại thì buộc rằng đó phải được thể hiện thông qua những diễn viên thật bằng xương bằng thịt, những cảnh quay được thực hiện trực tiếp và xuất hiện trên khung hình, đó còn được gọi là "frame to frame" dù cho đó có là con người hay thậm chí là động vật (Lion King 2019 là một phim live-action).
[6] Tác phẩm phái sinh: được hiểu là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, tác phẩm được chuyển thể, được cải biên, được tuyển chọn hay chú giải và tác phẩm phóng tác từ tác phẩm gốc.
[7] Điện ảnh trực tiếp (Direct Cinema): hay còn gọi là Cinéma Vérité (điện ảnh sự thật) và Observational cinema (điện ảnh quan sát).

Nhưng giới hàn lâm gọi Direct Cinema và Observational cinema cho dự án phim tài liệu nhiều hơn.

Một trong những quy tắc ban đầu của phong cách Cinéma Vérité – Direct cinema hay Observation cinema – là loại bỏ lời thuyết minh hoặc tiêu đề kiểu thời sự và phụ đề ra khỏi các dự án phim tài liệu.

[8] Công ty trưởng thành (Mature firm): được hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là một công ty đã có tên tuổi trong ngành của mình, với một sản phẩm nổi tiếng và lượng khách hàng trung thành theo dõi.

Các doanh nghiệp trưởng thành được phân loại theo giai đoạn kinh doanh của họ, trong đó họ thường có tốc độ tăng trưởng chậm và ổn định.
Bất cứ ai có con mắt tinh tường đều nhận ra giá trị của "Sơn Hải Kinh".

Nhạc phim chủ đề, bản điện ảnh, bản truyền hình hay thậm chí cả series "Sơn Hải Kinh" đều có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ mà không cần phải tiến ra nước ngoài.

Xét cho cùng, đây là thị trường rộng lớn do dân số quốc nội 1,3 tỷ người mang lại, và khả năng tiêu thụ không ngừng phát triển của nền kinh tế quốc dân mà chẳng quốc gia nào có thể sánh kịp.
Vô số nhà đầu tư bất động sản sẵn sàng chia sẻ một miếng bánh "Sơn Hải Kinh".
Và cha của Mạnh Trạch – Mạnh Quảng Bình, là người cấp thiết nhất trong số đó.
Mạnh Quảng Bình khởi nghiệp bằng ngành công nghiệp năng lượng.

Khi bất động sản đang trên đà phát triển, ông đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất.

Thế nên thị phần của ông kém xa các doanh nghiệp bất động sản lâu đời trên thị trường.
Mạnh Quảng Bình cũng biết rất khó để cạnh tranh với những doanh nghiệp lâu đời đó, thành thử ông quyết định rẽ sang hướng khác là tập trung đầu tư vào ngành giải trí.
Ông đinh ninh rằng, mình và Trần Đại Xuyên là một cặp đối tác hoàn hảo.
Nhưng, Trần Đại Xuyên lại không nghĩ vậy.
Trong căn phòng VIP lộng lẫy của khách sạn, Trần Đại Xuyên đặt kế hoạch hợp tác sơ bộ do Mạnh Quảng Bình vạch ra xuống bàn.

Trông anh chẳng có vẻ gì hài lòng như Mạnh Quảng Bình đã nghĩ.
Mạnh Quảng Bình nói: "Chủ tịch Trần còn điều gì chưa vừa ý?"
Trần Đại Xuyên: "Cũng không có.

Nhưng ngay từ đầu tôi đã nói, nếu công ty bất động sản của anh muốn hợp tác với Bình Xuyên, vậy mâu thuẫn giữa con trai anh và nghệ sĩ chúng tôi phải được giải quyết triệt để."
Mạnh Quảng Bình: "Đúng là thằng ôn con nhà tôi làm bậy.

Nhưng vì xin lỗi quý công ty, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thứ.

Tôi nghĩ chủ tịch ắt hẳn nhìn thấy thành ý của tôi."
Trần Đại Xuyên mỉm cười: "Cái tôi muốn thấy, là thành ý của con trai anh."
"Chủ tịch cũng biết Mạnh Trạch là con trai tôi.

Tuy nó không nên thân, nhưng bắt nó xin lỗi một con hát thì bản mặt già của tôi phải để đâu." Mạnh Quảng Bình không rõ đây là ý của ai, nhưng ông vẫn nói với Trần Đại Xuyên.

"Chủ tịch Trần à.

Trên thương trường chỉ bàn chuyện làm ăn, không hành động theo cảm tính.

Hay là chủ tịch chưa vừa ý điều khoản hợp tác của chúng tôi?"
"Điều khoản của chủ tịch Mạnh đưa ra chắc chắn là một trong những ưu đãi tốt nhất mà tôi đã thấy gần đây." Trần Đại Xuyên nói.
Mạnh Quảng Bình bắt đầu nóng nảy: "Vậy rốt cuộc chủ tịch Trần có ý gì?"
"Tôi chỉ không muốn em ấy buồn lòng." Trần Đại Xuyên nói, giọng ráo hoảnh.

"Người ta vừa mới ép em ấy giải nghệ ba năm.

Tôi đâu thể hợp tác với người ta sau lưng em ấy chứ.

Đúng không, chủ tịch Mạnh?"
*
Tác giả có điều muốn nói:
Liệu bạn còn nhớ hay đã quên, "Singing in The Rain" từng xuất hiện ở chương 48.

Trần Đại Xuyên trở về biệt thự sau khi hiểu lầm về mối quan hệ giữa Lý Tùng Nhất và Hà Gia, thêm với nhìn thấy tấm khăn trải giường màu trắng đang phơi ngoài ban công.

Anh đã rủ Lý Tùng Nhất xem phim nhưng rồi cậu ấy từ chối, đành ngậm ngùi xem một mình đó.
Tức lúc ấy, dẫu Trần Đại Xuyên đã bình tĩnh phân tích sự khó chịu của mình và khắc phục nó một cách lý trí, nhưng thực ra anh hoàn toàn chẳng thuyết phục được bản thân.

Thế nên sau khi xem phim, anh đã lơ đãng và đặt nhầm "Singing in The Rain".

Anh thậm chí còn không nhận ra điều đó nữa kìa..




trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây