Thanh Cung Mười Ba Triều

103: Tình Là Dây Oan


trước sau



Đạo Quang hoàng hậu đã có lần khuyên can Hoàng đế chớ đam mê sắc dục.

Nhưng tính nào tật ấy, ngài vẫn mê đắm Nhị Hương như cũ, Bà tức bực lắm, liền trù mưu định kế để ngài thấy cái oai quyền ghê gớm của bà, để rồi nhờ đó có thể chế phục ngài.
Đêm đó.

Đạo Quang hoàng để tới cung hoàng hậu đúng lúc bà đang đầy lòng oán hận.

Rồi chẳng hiểu tại sao lời qua tiếng lại, hai người đâm ra cãi nhau kịch liệt.
Lúc đó, có một viên quan thị vệ người Mãn họ Ân, đang trực tại Kiều Thanh môn.

Đêm đã khuya, trời lại lạnh mà Ân là công tử con nhà giàu có, không chịu nổi cực khổ nên xuống nhà dưới đốt lửa sưởi, và hâm rượu làm vài chén cho ấm lòng.

Một tên thái giám cùng trực đêm, mò tới tán láo cho đớ buồn.
Hai người vừa uống rượu vừa trò chuyện, trước thì còn chuyện nhà chuyện cửa khai ra, về sau chuyện giết Lan Tần trong cung Chung Tuý đêm trước cũng được nhắc tới.
Tên thái giám hỏi họ Ân:
- Cậu có dám giết người không?
Anh chàng họ Ân cười đáp:
- Mật của tớ bao lớn mà dám? Ngay cả chuyện giết một con gà mà tớ còn run nữa là!
Tên thái giám hỏi:
- Ví thử đêm đó, chuyện xảy ra với cậu thì cậu tính sao?
Anh chàng họ Ân đáp:
- Đó chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên mà thôi.

Trong cung làm gì có chuyện giết người mãi?
Rồi ân hỏi thêm:
- Thế đêm đó ai phải trực?
Tên thái giám đáp:
- Vương thị vệ!
Họ Ân lại hỏi:
- Có phải anh chàng họ Vương người nhỏ thó mà mặt xanh ngắt ấy không?
Tên thái giám gật đầu.

Anh chàng họ Ân liền giải thích:
- Hắn là tay võ bảng xuất thân, sao không giết người được? Còn tớ thì công danh là do các cụ tổ xưa truyền lại, chưa từng phải động thủ bao giờ.
Câu nói còn chưa xong thì một tên thái giám chợt đâu xô cửa bước vào, mặt có vẻ hoảng hất bảo chàng họ Ân:
- Hoàng hậu có chỉ, tuyên triệu thị vệ vào cung ngay!
Anh chàng họ Ân giật mình, chiếc mũ đội đầu lệch hẳn sang bên, dù chưa biết chuyện gì xảy ra.

Hắn vội hỏi tên thái giám:
- Cậu có biết chuyện gì không?
Tên thái giám lắc đầu đáp:
- Làm sao mà biết được? Nhưng xem chừng chuyện này có lẽ chẳng tốt đẹp gì lắm đâu!
Họ Ân nói giọng lo lắng:
- Sợ lại có chuyện như bọn tớ vừa mới nói tới!
Miệng vừa nói, chân vừa bước, chàng thị vệ họ Ân theo tên thái giám ra đi.

Qua hết cửa cung này tới cửa cung khác, hai người chỉ thấy tứ bề vắng lặng, đượm vẻ lạnh leo và ghê rợn.

Xa xa, tiếng chuông trên lầu canh đơn độc dội vào thinh không.
Khi tới gần phòng ngủ của hoàng hậu, họ Ân dừng chân lại bên ngoài để tên thái giám chạy vào trong phục mạng.

Đứng một mình, anh chàng họ Ân cảm thấy như đang lên cơn sốt, tứ chi run lên lẩy bẩy, lông tóc như dựng ngược cả lên.
Vài tên thái giám khác từ phía sau chạy tới đứng dưới hàng hiên, tên nào cũng mặt lạnh như tiền, mắt trừng trừng, miệng chẳng nói chẳng rằng.


Một lát sau, một cung nữ khoát rộng tấm màn hỏi nhỏ Ân:
- Ai là thị vệ của Kiều Thanh môn?
Anh chàng họ Ân bước tới, miệng đáp:
- Tôi đây!
Người cung nữ nhìn chàng rồi giơ tay ngoắt lại.

Họ An tới lúc này thì hốt hoảng đến cực độ rồi.

Theo luật triều thì thị vệ ngoài cửa lớn không được phép vào cung, thế mà nay, Ân lại bị gọi vào tận phòng ngủ của hoàng hậu thì làm sao mà chẳng sợ hãi được.

Ân theo sát gót người cung nữ bước vào chỉ thấy đèn đuốc sáng choang, khắp nhà đều có lồng kính, khiến ánh đèn phản chiếu càng thêm rực rỡ, hoa cả mắt.
Hoàng hậu lúc đó chỉ còn bận một cái áo ngắn tay da lông chồn, ngồi trên chiếc giường lớn trải toàn nệm gấm.

Hoàng đế cũng đang có mặt tại đây.

Ngài cũng chỉ mặc một cái áo thường, ngồi trên một chiếc ghế gọi là An Lạc ỷ bọc vải đoạn vàng thêu bằng chỉ gấm.
Chàng thị vệ họ Ân bỏ mũ ra, bò mọp xuống đất, dập đầu tâu xin:
- Hoàng thượng và hoàng hậu thánh an…
Làm lễ đã xong nhưng chàng vẫn cứ quỳ dưới đất căn phòng yên lặng như tờ, chẳng một tiếng động, mà cũng chẳng ai nói một lời.

Bỗng thị vệ họ Ân thấy hai cung nữ lôi một người con gái rất đẹp từ sau giường ra, trông có vẻ như một phi tần.

Thật đáng thương cho nàng, chỉ mặc có một cái áo mỏng, run lên bần bật, chiếc cổ phấn mịn của nàng máu tươi nhỏ giọt.

Nàng vừa khóc vừa bò sát trên mặt đất dập đầu liền liền.
Hoàng hậu nhìn nàng không ngớt cười nhạt.

Bà nói:
- Chà! Người đẹp, đẹp lắm! Nhưng cũng quỷ yêu lắm! Mi lừa dối hoàng thượng, giết chết Lan Tần, lần này mi định giết cả ta nữa.
Nói đoạn bà quay lại nói với hoàng đế:
- Bệ hạ không còn tới cung của thiếp nghĩa là không còn tình nghĩa vợ chồng gì nữa, điều đó đối với thiếp cũng chẳng có sao.

Nhưng khi ra ngoài, thiếp tưởng bệ hạ cũng nên giữ gìn mới phải chứ! Bệ hạ nghĩ thế nào mà bất cứ những thứ hôi tanh dơ dáy đâu đâu cũng mang về nằm với chúng, bất luận yêu tinh hồ ly nào cũng phong cho làm phi tử, hỏi thiếp làm hoàng hậu còn mặt mũi nào nữa để nhìn ngó thiên hạ? Bệ hạ đừng tưởng mình làm gì ở bên ngoài mà thiếp không biết đâu.

Bệ hạ nằm với con yêu này ngày nào, đêm nào thiếp đều ghi cả đây.

Này nhé nhé, bốn đêm nằm ở Kinh sự phòng, có đúng không? Ba đêm ngủ ở Ngọ bị sở, có phải không? Bốn đêm nằm ở Lục âm xứ và bốn đêm nữa ngủ ở Ngự thư phòng, đúng thật cả không? Bệ hạ ngủ với con yêu này, thôi cũng xong đi, nhưng tại sao lại giết Lan Tần, tại sao lại quên hết cả bọn phi tần, chẳng thèm triệu hạnh một đứa nào?
Càng nói, hoàng hậu càng tức giận.

Rồi bà giơ thẳng cánh đập xuống bàn đánh thình một cái.

Đạo Quang hoàng đế ngồi trong chiếc ghế bành, cúi đầu xuống, chẳng dám hé môi.

Bỗng hoàng hậu cất tiếng gọi thị vệ họ Ân:
- Ngươi có dám giết người không?
Họ Ân đang quỳ bên, nghe câu hỏi đó, liền tự nhủ mình vốn con nhà thi thư, suốt ngày cặm cụi với sách đèn làm sao mà "dám" được.

Chàng vừa định đáp lời hoàng hậu nhưng lại nhớ tới cái chức võ quan hiện đang giữ thì sao dám nói mình không dám.

Thế là bèn vội quỳ xuống dập đầu đáp gọn:
- Dám ạ!
Hoàng hậu gật đầu khen:
- Tốt lắm!
Vừa nói xong hai tiếng đó, bà đã lấy tay chỉ người con gái quỳ dưới đất bảo mau kéo nàng ra, đem giết.

Anh chàng thị vệ họ Ân giật nảy mình, hồn phách như bay bổng lên mây.
Người con gái nọ cũng bạt vía bay hồn, mặt mày xám ngoét hẳn lại.

Nàng chỉ còn biết dập đầu liền liền trên mặt đất đề xin tha.

Họ Ân thấy vậy, lòng cũng se lại dập đầu tâu:
- Người con gái này tội đáng chết.

Song cung cấm không phải là nơi giết người, cầu xin hoàng hậu giao người con gái này cho nô tài đưa ra nội vụ thẩm vấn định tội.
Không ngờ khi nghe xong, hoàng hậu lại càng tức giận.
Bà vỗ bàn đập ghế quát:
- Mi nói gì vậy hả? Mi là ai mà dám kháng chỉ? Mi có giao tình với con yêu tinh này phải không? Còn nói nữa, cả mi ta cũng chém luôn đấy, nghe chưa? Mi bảo cấm cung không phải là nơi giết người, thế tại sao Lan Tần lại bị Vương thị vệ giết chết? Đừng tưởng chỉ có hoàng thượng còn ta đây không giết được người.

Huống hồ con yêu này lại không phải là phi tần cung nữ gì, thị vốn chỉ là con đào hát dâm tiện của nhà Mục Chương A.

Chỉ có Hoàng đế của tụi mi bất thành nhân cách, mang vào cung, nên thị mới tác yêu tác quái được.

Nay ta bảo mi giết thì phải giết ngay.

Cái đồ khốn nạn ấy giao cho nội vụ thẩm vấn để làm gì chứ?
Thị vệ họ Ân nghe một hơi như vậy, biết không còn cách gì nữa, đành kéo người con gái đi ra.
Đáng thương cho Nhị Hương, khóc đến sưng mắt, máu lệ thấm ướt cùng mình.

Nàng nắm chặt lấy chéo áo của thị vệ Ân xin cứu mạng cho mình.

Chàng họ Ân lúc đó đành dùng cả hai tay nắm chặt lấy cánh tay nàng lôi mãi mới ra khỏi được tẩm cung.
Trong khuôn viên, ánh trăng mờ in bóng hai người trên thảm cỏ.

Nhị Hương quỳ xuống đất dập đầu vừa khóc, vừa xin tha mạng.

Nhưng đến lúc này, chàng thị vệ họ Ân đã rơi vào thế không làm không được.

Chàng nhắm nghiền đôi mắt, cắn chặt hai hàm răng, một tay tuốt cây bội đao, một tay nắm chặt lấy lọn tóc Nhị Hương, rồi cứ nhè cổ nàng mà chém mãi.
Lúc đầu, còn nghe tiếng nàng kêu la inh ỏi sau không thấy gì nữa, chàng họ Ân mới dám mở mắt ra.

Đầu Nhị Hương chưa đứt hẳn mà vẫn còn lủng lẳng trước ngực.

Ân bèn đem hết sức bình sinh cắt mạnh một nhát.

Tay cầm đầu Nhị Hương mà hồn Ân ở mãi tận đâu đâu.

Ân cúi xuống nhìn thi thể người con gái nằm sõng sượt dưới chân rồi nhìn quanh, thấy không có bóng ai, bèn quỳ xuống đất, hướng về thây ma, vừa lạy vừa lẩm bẩm khấn khứa:
- Tiểu tử xin cầu khẩn cho hương hồn nàng mau lên trên thiên giới.

Nàng đừng oán hận tiểu tử đã nhẫn tâm giết hại nàng.

Đấy là do hoàng hậu bức bách, tiểu tử bất đắc dĩ phải làm điều ác, không còn cách nào khác đó thôi.

Chỉ xin nàng nhận cho tiểu tử này mấy lạy để tỏ lòng Ân hận.
Khấn xong, vừa lúc một tên tiểu thái giám xuất hiện, giục Ân trở về phục chỉ.

Ân vội xách chiếc đầu trở về cung.


Hoàng đế nhìn cái đầu cũng lệ nhỏ như tuôn.

Hoàng hậu cho phép Ân lui ra, lúc đó Ân mới dám thở phào.
Anh chàng thị vệ họ Ân về tới cửa Kiều Thanh môn, vừa lúc ban thị vệ trực đổi phiên.

Họ Ân liền chạy vội ra cửa Kiều Thanh, thấy bọn thị vệ đang nhắm rượu với đĩa thịt luộc sau khi tế bà chúa Vạn Lịch má má.
Vạn Lịch má má là ai mà lại có đền thờ? Đó chính là bà thái hậu Vạn Lịch nhà Minh.

Người ta kể lại rằng dưới triều Minh, niên hiệu Vạn Lịch, Thanh thái tổ đem quân đánh phủ Ninh bị quân Minh bắt được, giam trong lao phủ.

Quân Thanh vội đưa mười vạn dạng bạc đút lót cho một viên thái giám để hắn cầu khẩn Vạn Lịch thái hậu xin Vạn Lịch hoàng đế thả Thanh thái tổ về nước.

Từ đó nhà Thanh hết sức cảm kích ân đức của bà và nghĩ tới ân đức xưa, bèn xây một cái miếu ba gian ngay tại góc đông bắc Tử Cấm thành, trong đặt bài vị Vạn Lịch thái hậu.

Người trong cung ai cũng gọi bà là Vạn Lịch má má.
Theo lệnh của Thanh thái tổ truyền lại thì mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, trong cung đều phải đem mỗi ngày hai con heo đến tế lễ tại đây.

Người trông coi miếu là một bà già.

Hằng ngày cứ vào lúc giờ Dậu hai khắc, bà già này lại đánh một chiếc xe không ra ngoài thành.

Rồi ba khắc đồng hồ sau, bà ta đánh xe về, trên chở hai con heo, tới cửa Đông Hoa môn, chờ khi mở cửa, cho xe thủng thẳng đi vào, trên xe không treo đèn, chỉ có lớp vải xanh vây chung quanh.

Một viên quan lễ bộ giơ cao ngọn đèn hình tròn làm bằng lụa theo chiếc xe cùng vào.

Tiếp đó còn có các bộ viện, nha môn, các viên quan đệ tấn, cùng các viên quan tập biền ở các tỉnh bước theo để vào triều phòng (căn phòng dành cho các quan đợi giờ vào chầu vua trong cung).
Theo quy lệ của cung Thanh thì trong Tử Cấm thành không được thắp đèn.

Chi có tấn sự quan, giảng quan được dùng đèn và ở Nam Thư phòng được đốt đèn mà thôi.

Các quan muốn vào triệu bệ kiến đều phải đứng đợi ngoài cửa Đông Hoa môn.

Khi thấy một chiếc đèn cầm tới, tức thì họ ráp thành một cái đuôi dài, lũ lượt tiến vào Tử Cấm thành.
Bà già nọ đánh xe heo, sau khi qua khỏi Đông Hoa môn, bèn dọc theo bức tường tiến về ngả đông bắc, dừng lại ở trước cửa miếu Vạn Lịch má má.

Rồi từ phía trong có người bước ra, giúp bà già làm thịt heo, cạo lông rửa sạch, bắc nồi luộc chín.

Heo đem tế Vạn Lịch má má rồi cắt thành những miếng lớn, đưa tới cho bọn thị vệ đánh chén.

Còn nước xáo thì đựng trong mấy cái tô lớn.

Khi đánh chén, bọn thị vệ cấm không được gia vị muối mắm, cấm dùng thìa, dùng đũa, mà chỉ được dùng dao nhỏ chặt thịt thành từng miếng nhỏ bỏ vào trong cái bát rồi bốc mà ăn.

Lúc đầu bọn thị vệ ăn không có mắm muối, nhạt quá chẳng thấy ngon, sau họ bèn nghĩ ra một cách, lấy giấy Cao Ly dày cắt thành miếng vuông nhỏ ngâm vào nồi nước tương, cô mãi lại cho tương ngấm vào giấy.

Xong họ đem phơi nắng cho khô, gói sẵn trong mình.

Đêm nào đúng phiên trực, họ bỏ vài ba miếng giấy tương vào cho nó tan trong nước xáo mà ăn, mùi vị đâm ra cũng đậm đà hết sức.

Cái món nhậu khoái khẩu này, bọn thị vệ ngự tiền (thị vệ canh gác ở trước vua) quả không được nếm bao giờ.
Vừa thấy họ Ân, cả bọn vội đứng dậy, đứng thành hàng thứ nhất thỉnh an rồi nói:
- Mời đại gia.
Ban thị vệ cửa đại môn này tuy cũng làm quan thị vệ nhưng cấp bậc khác nhau.

Đây chính là ban thị vệ của cửa Đại Thanh môn, chia ra làm ba cấp.

Những cấp bậc này đều do kết quả cuộc thi võ mà có.

Nhưng ban trực ở Kiều Thanh môn, thường gọi là ngự tiền thị vệ, vốn là bọn con ông cháu cha của các vương công đại thần mới được sung vào.

Bởi thế, ban thị vệ cửa Đại môn vừa thấy họ Ân đã vội vàng đứng dậy và tỏ vẻ tôn kính hết sức.

Gã thị vệ họ Ân vừa bị xúc động mạnh, lại vất vả cả đêm nên bụng cảm thấy đói.

Hắn thấy một miếng thịt heo luộc bự nằm trong đĩa lớn, vội chạy tới ngồi xuống ăn luôn.
Ngọn đèn dầu thắp trên vách vẫn cháy sáng.

Anh sáng rọi vào mặt họ Ân, bỗng bọn thị vệ giật mình đánh thót một cái, đồng thanh hỏi:
- Ân đại gia làm sao vậy? Mặt đại gia đầy máu kìa!
Họ lại xem kỹ quần áo của Ân thấy cũng lấm tấm những giọt máu.

Cả bọn la lên một tiếng lớn, vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi.

Gã họ Ân thấy hỏi, thở dài một tiếng rồi vừa ăn thịt heo vừa kể lại chuyện Nhị Hương.
Đến chỗ thê thảm rùng rợn nhất, cả bọn ai nấy đều rùng mình rởn gáy cả.
Sau đêm đó, họ Ân ra khỏi cung, trở về nhà bỗng nhuốm bệnh nặng, nằm liệt giường chiếu.

Và cũng từ đêm đó, chàng ta xin không làm thị vệ nữa.
Hoàng đế và hoàng hậu cãi nhau kịch liệt vì chuyện này.

Cuối cùng hoàng đế phải nhận là mình lầm lỗi hoàng hậu mới chịu thôi.

Cũng từ hôm đó, hoàng đế sợ hoàng hậu lại nổi cơn ghen nên phải thường đến ngủ tại cung của bà.

Và mỗi khi muốn triệu hạnh một phi tần nào, ngài phải nhờ hoàng hậu đóng cho con dấu nhỏ vào giấy triệu, lúc đó, bọn phi tần mới dám tới với ngài.
Theo luật lệ trong cung Thanh, thì hoàng đế triệu hạnh phi tần, phải được hoàng hậu hạ dụ mới được.

Nhưng từ khi Càn Long hoàng đế phế bỏ hoàng hậu thì luật lệ này không được áp dụng nữa.

Đạo Quang hoàng hậu nhân dịp đánh ghen này, bèn mang Tô chế (thể chế đặt ra do các tổ tiên) này ra, thế là Đạo Quang hoàng đế chẳng dám không tuân theo.
Cái gọi Tố chế ấy là như thế nào? Ngoại trừ hoàng hậu, cứ mỗi lần hoàng đế muốn lâm hạnh một bà phi nào thì bắt buộc phải ngay tại tẩm cung của mình chứ không được tới nhà riêng của phi đó.

Trông coi việc bí mật tại thâm cung của hoàng đế và hậu phi thuộc về Kính sự phòng, gồm có một viên tổng quản thái giám, bốn viên thái giám đi mời phi tử, hai viên thái giám đi xin ấn.

Viên tổng quản thái giám chuyên việc dâng thiện bài, gọi dậy và sắp đặt công việc.

Viên thái giám xin ấn chuyên việc đi xin hoàng hậu ký và đóng dấu cho phép tại cung của bà.
Thiện bài là gì? Trong cung có bao nhiêu phi tần thì phải viết đủ bấy nhiêu cái thẻ nhỏ, cứ mỗi phi tần có một cái thẻ đó, trên đầu chiếc thẻ này sơn xanh nên còn gọi là Lục đầu bài.

Hằng ngày viên tổng quản thái giám phải đem những Lục đầu bài này bày trên mâm bạc.

Nếu bà phi nào hôm đó có tháng (kinh nguyệt) thì viên tổng quản thái giám phải cắm cái thẻ đó nghiêng đi để cho hoàng đế biết mà tránh.
Nhằm lúc vẩn thiện (ăn cơm tối), viên thái giám tổng quản đầu đội chiếc mâm thẻ đó tới trước mặt hoàng đế, quỳ xuống, cho ngài tuỳ sức chọn lựa.

Nếu đêm đó muốn tới với hoàng hậu thì ngài chỉ cần nói "để đó", tức thì viên tổng quản thái giám gác cái mâm lên giá, khom mình lui ra ngoài.

Nếu ngài không tới cung hoàng hậu, cũng không triệu hạnh phi tần thì chi nói một tiếng "Cất đi", tức thì viên tổng quản thái giám bưng cái mâm đi luôn.


Còn khi ngài muốn triệu hạnh bà phi nào, thì chỉ việc lật úp cái thẻ lại, để phía lưng hướng lên trên.

Viên tổng quản thái giám bưng mâm ra, nhặt cái thẻ đó giao cho viên thái giám xin ấn đưa vào cung bà hoàng hậu mà xin ấn.

Xin được rồi, hắn bèn giao lại thái giám nhận được tờ giấy này đem về lại giao cho viên thái giám chuyên đi mời phi tần.

Viên thái giám này, khi thấy Thiện bài và giấy đóng ấn, liền đi lấy chiếc áo khoác đoạn vàng bằng lông tơ, chạy tới nhà bà phi đó, giao tờ giấy đóng ấn cho một cung nữ để cô ta đưa ngay vào cho bà phi nọ xem.
Bà phi này biết được lệnh triệu hạnh, bèn cho gọi bọn cung nữ hầu hạ, giúp mình tắm rửa sạch sẽ, tô son điểm phấn, ngắm lại tấm thân nõn nà của mình trước kính rồi mới ra đi.

Một tên thái giám bước tới, cầm chiếc chăn mỏng đoạn vàng bằng lông tơ khoác lên mình bà phi nọ, rồi cõng bà ta tới trước giường của hoàng đế.

Viên thái giám đặt bà phi xuống đất, cởi chiếc chăn đoạn vàng treo lên móc.

Xong đâu đấy, viên thái giám lại giúp hoàng đế cởi hết áo quần, để ngài nằm trên giường ngủ, đắp lên một chiếc khăn ngắn để hở mặt và đôi chân, rồi lặng lẽ rút lui ra ngoài phòng.

Bà phi tử nhè nhẹ bước đến cuối giường rồi chui vào trong chăn.
Trong lúc đó, viên tổng quản thái giám Kính sự phòng đem cả bọn thái giám đứng thành hàng ngoài cửa phòng.

Chờ chực như vậy độ hai giờ đồng hồ, bọn thái giám bèn quỳ xuống đồng thanh cất cao tiếng xướng: "Đúng lúc rồi!" Câu xướng này ngân dài ra, đủ cho bên trong chú ý và nghe kịp.

Nếu bên trong không có tiếng trả lời, cả bọn lại xướng lần thứ hai, hoặc có khi phải đến lần thứ ba.

Đến tiếng thứ ba này, cả bọn nghe thấy hoàng đế gọi lên một tiếng, tức thì viên thái giám chuyên đi mời phi tử chạy vào trong phòng.

Bà phi nọ, lúc đó đã chui ra khỏi chăn, đứng ngay ở trước giường.

Viên thái giám tiến tới, lại dùng chiếc chăn đoạn vàng lông tơ khoác vào người bà phi như cũ, ghé vai cõng đưa về cung.

Sau đó, viên tổng quản thái giám cũng tiến vào phòng, quỳ ở trước giường hỏi:
- Lưu lại hay không?
Hoàng đế đáp:
- Lưu lại!
Nghe được tiếng này, viên tổng quản thái giám bèn về Kính sự phòng, ghi vào trong sổ hàng chữ sau, "Năm này, tháng này, ngày này, giờ này, hoàng đế đã lâm hạnh bà phi này (tên bà phi nọ)".
Luật lệ này của Thanh cung vốn phỏng theo luật lệ của triều Minh.

Nay Đạo Quang hoàng hậu muốn sử dụng oai quyền của mình và đề phòng hoàng đế hoang dâm vô độ nên mới lôi cái "Tổ chế" này ra.

Đạo Quang hoàng đế chẳng biết làm cách nào hơn, đành phải chấp nhận và cũng từ đó những cái án tình thê thảm trong thâm cung mới không còn có cớ mà xảy ra nữa.
Trong thâm cung vừa tạm yên thì tại Dự Vương phủ lại xảy ra một vụ án tình hi hữu khác.

Số là Dự Thân Vương tên gọi Dự Hưng vốn dòng tôn thất rất gần đối với hoàng đế.

Theo thể chế của nhà Thanh, khi làm Vương gia thì không được có một chức vụ gì.

Do đó Dự Hưng ăn no uống say rồi phởn rốn nằm kềnh ra ngủ, chẳng có gì làm cả.

Hưng ngủ chán rồi đi chơi.

Từ hang cùng đến ngõ hẻm, bất cứ chỗ nào Hưng cũng đặt chân tới.

Vốn hiếu sắc, lại cậy mình có tiền, có thế, hễ thấy cô gái nào sạch nước cản, mặt mui xinh xắn, là Hưng tìm đủ cách đủ lối để ve vãn, tán tỉnh cho bằng được.

Nhiều lầu xanh trong kinh thành đều do Vương gia đứng chủ.

Bởi thế, người ta mới tặng Hưng cái biệt hiệu "Hoa Hoa thái tuế".
Đã có rất nhiều bà trong những gia đình tử tế, có sắc đẹp, bị Hưng để mắt tới.

Bất chấp đó là con ông này hay cháu bà kia, Hưng cứ xông vào nhà cưỡng gian bừa đi.

Nhiều người bị ô nhục đã phải treo cổ trên xà nhà hoặc nhảy xuống giếng mà tự tử.

Gia đình của họ cũng bị nhục lây.

Nhưng thế lực của Dự Vương quá lớn, họ đành phải nhẫn nhục, không dám hở môi kêu kiện gì.

Sau cùng, Dự Hưng gia đã làm cho một con a đầu của chính mình phải mất mạng.
Con a đầu ấy tên gọi Dân Cách, vốn trước theo phúc tấn qua phủ Dự vương.

Dân Cách có sắc đẹp lại thêm tính tình hoà nhã.

Trong vương phủ, ai nấy cũng đều đối xử tốt với nàng.

Dự Vương có cậu công tử lớn tên gọi Chấn Đức, cùng tuổi với Dân Cách.

Chẳng biết duyên số thế nào mà đôi trai gái đâm mê nhau, hết sức tâm đầu ý hợp.

Thường những lúc vắng người, họ thủ thỉ với nhau không biết bao nhiêu chuyện.
Bà phúc tấn lại thích đám gái đẹp.

Bởi thế, bà cho Dân Cách sửa sang trang điểm hết sức duyên dáng, chẳng khác gì một giò thuỷ tiên vừa trong sạch, vừa cao quý.

Vị đại công tử trông thấy thế càng đâm ra thầm yêu trộm nhớ.

Trong mắt xanh của Dân Cách thì cũng chỉ có công tử mới là người tình lý tưởng duy nhất của nàng.
Ngờ đâu Dân Cách càng son phấn bao nhiêu thì Dự vương lại càng cảm thấy mê say bấy nhiêu.

Bà phúc tấn cũng biết chồng mình thuộc loại quỷ râu xanh nên canh chừng nàng chằn chặt.

Dự vương thấy khó bề hạ thủ, chỉ đành nuốt nước miếng than thầm trước người đẹp và rình chờ cơ hội..

trước sau
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây